PDA

View Full Version : HUYỀN THOẠI RAU MUỐNG ĐỒNG CÁ KHÔ HEO



nguyễn văn xuân
22-05-2011, 04:24 PM
HUYỀN THOẠI RAU MUỐNG ĐỒNG CÁ KHÔ HEO
Năm nay kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới của bố mẹ, năm anh em tôi muốn tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng. Lễ vàng, kim khánh, một đời người khó có được một lần chứ có tầm thường đâu. Anh chị Cả, chủ một shop quần áo, mang về cho bố bộ đồ lớn hàng hiệu, đôi giày à la mode, chiếc cravat model 2010 với chiếc kẹp bằng vàng mười tám có hình hai trái tim chồng lên nhau (lãng mạn quá phải không?!). Anh chị Hai chủ tiệm may, may cho mẹ áo dài nhung, quần trắng, khăn đóng cô dâu (vậy mới xứng đôi vừa lứa chứ?!). Cô Út, nữ tu Đaminh Lạng Sơn, lui cui suốt buổi chiều sửa soạn cho bố mẹ bó hồng nhung tươi rói, đẹp ơi là đẹp! Sáng hôm sau, đầu Thánh lễ tạ ơn, con cái cháu chắt cùng thân nhân rước hai ông bà lên hai chiếc ghế kê giữa nhà thờ. Đôi “cựu lang, cựu nương” bẽn lẽn như vợ chồng mới cưới. Không ai tìm đâu ra ông già nông dân chân chỉ hạt bột, râu ria lởm chởm, hàm răng vàng khói thuốc lào. Cũng chẳng tìm đâu ra bà già nhà quê ăn trầu môi đỏ, răng đen, quần ống cao ống thấp...
Thánh lễ thật trang nghiêm, sốt sắng.
Buổi trưa, chúng tôi chúc mừng bố mẹ trong bữa ăn mà dân B54 thường gọi là “bữa cơm gia đình”. Mọi người ríu rít chúc tụng. Hai ông bà cười tươi như hoa. Đang khi bầu khí ồn ào như vỡ chợ thì cô Út giành lấy micro:
- Chúng con kính mời bố kể về chuyện tình của bố mẹ để con cháu được biết, và ghi vào gia sử.
- Mẹ bố cô! Cô sinh sau đẻ muộn nên được chiều chuộng nhất nhà, đi tu mà ăn nói chẳng có ý tứ gì, không sợ các cháu cười cho. Tôi tưởng cô là gái rượu thì thế nào tôi cũng có rượu uống. Ai ngờ cô lại đi tu...
Giọng bố chùng xuống:
- Bố nói vậy cho vui. Chứ con biết đấy, con hiến dâng đời mình cho Chúa, bố mừng lắm. Bố vâng lời ma soeur của bố, thành thật khai báo chuyện tình của mình vậy. Coi như quà tặng con gái nhân dịp khấn trọn đời sắp tới.
Rồi bố kể về bố, dửng dưng như kể về một nhân vật xa lạ trong truyện cổ tích:


oOo

Công tử họ Nguyễn, người Thanh Miện, vốn dòng thế phiệt, có họ hàng xa với cha cố Nguyễn Hưng. Thân sinh công tử mất sớm từ khi công tử mới biết bò. Thân mẫu công tử ở vậy, thờ chồng nuôi con, quyết nuôi công tử nên người. Năm thứ chín niên hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1954), hai mẹ con di cư vào Nam, định cư ở Kinh Thầy Ký, khu dinh điền Cái Sắn. Mùa khô với đôi quang gánh, mùa nước với chiếc thuyền con, ngày nào như ngày nấy, buổi trưa bà ăn vội bát cơm với thức ăn là mấy cọng rau muống đồng luộc và vài con cá khô heo nướng rơm, rồi vào đồn điền Cờ Đỏ, lấy rau muống; gà gáy sáng hôm sau gánh ra chợ kinh D, kinh B bán. Vậy mà bà nuôi được công tử ăn học. Công tử từng là cựu học sinh trường tiểu học Thánh Gia, rồi cựu học sinh trung học Cái Sắn, Sao Mai, Thái Hòa. Nhưng do vừa dốt vừa lười, công tử chưa bao giờ lấy được đạo hàm của hàm số bậc hai, hay cân bằng được một phương trình hóa học, vì thế chưa bao giờ đậu tú tài phần một. Thời chiến tranh, vì là con độc nhất trong gia đình, công tử được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, nên tránh được mũi tên hòn đạn, không phải lên bàn thờ ngồi, thân thể cũng chẳng sứt mẻ gì, sau này lại chẳng phải đi học tập cải tạo. Sau năm Ất Mão 1975, công tử vẫn không bỏ nghiệp bút nghiên, may mà tốt nghiệp Phổ thông Trung học hệ Bổ túc nên từ đó được gọi bằng mỹ danh Nguyễn Tú Tài.
Nhưng bằng tú tài chẳng mài ra ăn được, mà sức khỏe thân mẫu ngày một yếu đi. Vốn là đứa con có hiếu, công tử đi lấy rau muống giúp mẹ. Lâu dần, quen việc, công tử thay hẳn mẹ cáng đáng việc nhà: một mái chèo, một chiếc thuyền con chở đầy rau muống đồng, đi bán dạo cho thiên hạ nuôi heo.
Gặp tiểu thư cũng họ Nguyễn, gốc Thái An, cũng nòi trâm anh, tổ tiên bốn đời nội ngoại chẳng ai không từng làm chánh phó trương trùm trưởng. Cũng di cư vào Nam, cũng định cư ở Kinh Thầy Ký. Tiểu thư học hết lớp đệ tứ, có bằng trung học đệ nhất cấp. Cuối những năm 1950, gia cảnh sa sút, tiểu thư phải bán cá khô heo độ nhật.
Vì cùng bán hàng cho những gia đình nuôi heo, nên lúc đầu Nguyễn công tử và Nguyễn tiểu thư thường tình cờ gặp nhau. Sau đó, họ giả bộ tình cờ gặp nhau, rồi cố ý tình cờ gặp nhau. “Đi buôn có hội, đi bán có phường”, người xưa bảo vậy.
Cho đến một buổi trưa, trời nắng quá, hai người cùng buộc thuyền dưới chân cầu nhà thờ tránh nắng. Bốn mắt nhìn nhau, rồi nhìn trời, nhìn mây, nhìn ánh nắng loang loáng trên mặt nước, nhìn cả cánh chuồn chuồn bay chập chờn… rồi lại nhìn nhau… Cứ thế, cứ thế…, lâu lắm, cả hai người đều ngậm miệng như thóc ngâm. Họ chẳng biết nói gì, vì có quá nhiều điều để nói. Cuối cùng Nguyễn tiểu thư ấp úng:
- Anh có… có muốn… muốn cưới… em không?
Ngày ấy, phái nữ mà ngỏ lời trước thì ghê gớm lắm chứ chẳng vừa đâu. Thế nên công tử ú ớ:
- Ơ, ơ... Cô, à không... em, em nói gì cơ?
Tiểu thư nhắc lại rõ ràng từng tiếng:
- Anh có muốn cưới em không?
Công tử đỏ mặt như một trái gấc chín:
- Ơ kìa! Lạ không? Tôi, à quên, anh cũng đang định hỏi em như vậy.
Thế là sau đó, họ nên vợ thành chồng. Từ đó, rau muống đồng, cá khô heo được bán chung trên cùng một chiếc thuyền.


oOo

Kể xong, bố chỉ tay vào đám con cháu đứng ngồi chật nhà:
- Năm mươi năm sau, như thế này đây.
Rồi bố quay sang mẹ:
- Tôi kể như vậy có đúng không? Bu nhà mình!
Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe cụm từ “bu nhà mình”, lại từ miệng bố nói ra. Sao mà “nhà quê” thế nào ấy, nhưng lại tha thiết, thân thương làm sao! Mẹ bẽn lẽn gật đầu, còn chúng tôi, đám con cháu vỗ tay như pháo nổ.
Chờ cho tiếng vỗ tay dứt hẳn, bố ung dung nói:
- Nếu “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thì các con, các cháu có được ngày hôm nay, không chừng phải nhớ ơn cả rau muống đồng và cá khô heo nữa đấy.
Cô Út, lại cô Út, cười ngặt nghẽo rồi buông thõng một câu không ai ngờ tới:
- Đúng là “huyền thoại rau muống đồng cá khô heo”.
Bố cười bao dung:
- Nhưng là huyền thoại có thật.
Rồi đi vào nhà trong. Một lát sau, bố trở lại, tay chìa ra một tấm ảnh trắng đen đã ố màu thời gian. Chúng tôi xúm xít nhìn. Trong ảnh là bà nội, bố mẹ tôi cùng năm anh em tôi đang quây quần trên manh chiếu rách, quanh mâm cơm nhìn kỹ chỉ thấy toàn rau muống đồng và cá khô heo.

------------------------------------
ngulãonhân (Meditationes vitae)

nguyeen
22-05-2011, 04:42 PM
câu chuyện hay quá , cũng nhờ cô Út mà đám con cháu mới biết một Thiên Tình Sử đẹp như thế .