PDA

View Full Version : Tháng Năm, xem người Chính Thống nghĩ gì về Đức Mẹ



chư dân
26-05-2011, 10:44 AM
Tháng Năm, xem người Chính Thống nghĩ gì về Đức Mẹ
Vũ Văn An5/25/2011
Nhân dịp 60 năm kỷ niệm việc công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (ngày 1 tháng 11 năm 1950), một tờ báo Công Giáo Pháp đã yêu cầu Đức Bartholomeos I, thượng phụ đại kết của Constantinople cho biết nhận định của ngài về Đức Mẹ. Sau đây là nhận định của thượng phụ.

Giáo Hội Chính Thống có một lòng tôn kính mênh mông đối với Mẹ Thiên Chúa tức Đấng Theotokos (Cưu Mang Thiên Chúa) hay Đấng Panaghia (Rất Thánh), là tước hiệu chúng tôi thích dùng hơn để xưng hô với ngài, để tuyên dương ngài không phải như một ngoại lệ đạo hạnh mà như một gương sáng hoàn toàn cụ thể cho cách thức người Kitô hữu phó thác và đáp lại ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Đức Maria chỉ ngoại hạng trong nhân đức thường thường là nhân bản của ngài, những nhân đức mà chúng tôi được kêu gọi kính trọng và bắt chước trong tư cách các Kitô hữu sùng mộ. Chúng tôi tưởng niệm cái chết của ngài vào ngày 15 tháng 8, một trong 12 ngày đại lễ theo lịch Chính Thống.

Mặt khác, khi tìm cách hiểu “liên minh thần thánh” hay mầu nhiệm về Đức Maria, một mầu nhiệm mà “không ai có thể tiếp cận bằng bàn tay không chuyên môn”, nền thần học Chính Thống đã tham chiếu Sách Thánh, nhưng nhất là Thánh Truyền, và cách riêng phụng vụ cũng như nghệ thuật tranh ảnh. Về phương diện này, các Kitô hữu Chính Thống, trước nhất, liên kết Đức Maria vào vai trò của ngài trong việc nhập thể của Thiên Chúa như là Mẹ Chúa Tể và Cứu Chúa Giêsu Kitô của chúng tôi, bằng việc đặt ngài trong một hàng ngũ dài những con người nhân bản, chứ không thần thiêng, một hàng ngũ hàm nghĩa liên tục tính của lịch sử thánh và dẫn đến việc sinh hạ Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Nadarét, đã hai ngàn năm. Cô lập Đức Maria ra khỏi cái dòng chuẩn bị hay “nhiệm cục” (économique) này, là tách ngài ra khỏi thực tại của chúng tôi và đặt ngài ra bên lề ơn cứu chuộc của chúng tôi. Giống mọi hữu thể nhân bản khác, Đức Maria cũng cần ơn cứu chuộc; cho dù ngài được coi là “không có tội bản thân”, ngài vẫn không thoát khỏi, có thể nói như vậy, ách của tội nguyên tổ. Cho dù ngài “vinh dự hơn thiên thần lý trí và vinh quang gấp bội so với thiên thần sốt mến”, điều có giá cho chúng tôi cũng có giá cho ngài. Dù ngài được tung hô là “có phúc hơn mọi người nữ”, ngài vẫn nhập thân điều duy nhất cần thiết cho mọi hữu thể nhân bản, tức gắn bó với Lời Thiên Chúa và phó thác cho thánh ý của Người.

Như thế, khi người Kitô hữu Chính Thống ở trong một nhà thờ và ngước trông lên Đấng Pantokrator («Đấng chứa mọi sự»), tức Chúa Kitô, Đấng ngự trên đầu họ suốt buổi thờ lạy, họ thấy mình trực tiếp đối diện với Đấng Platytera («Đấng rộng lớn hơn mọi sự»), tức Mẹ Thiên Chúa, Đấng được đặt ngay trước mặt họ, và chính xác hơn, ở trong hậu cung thánh rộng lớn vốn kết hợp bàn thờ với trời, vì khi hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa và “khi mang thai Đấng không thể mang thai” trong dạ mình, ngài đủ khả năng chứa đựng điều không thể chứa đựng, và làm cho Đấng không thể nào mô tả trở thành mô tả được.

Sách Thánh dạy chúng tôi rằng khi Chúa chúng tôi bị treo trên thánh giá, và thấy mẹ mình và môn đệ Gioan, Người nói với Đức Trinh Nữ rằng: “Thưa bà, này là con bà” và nói với Gioan rằng: “Này là mẹ con” (Ga 19:25-27). Từ lúc đó, vị tông đồ và tác giả tin mừng của Tình Yêu đã săn sóc Đấng Theotokos dưới mái nhà mình. Truyền thống của Giáo Hội tin chắc không những vào chỉ dẫn của Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 2:14), một chỉ dẫn quả quyết rằng Đức Trinh Nữ Maria có mặt với các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, mà còn tin chắc sự kiện này: Đấng Theotokos cư ngụ trong nhà của Gioan, ở Giêrusalem, nơi ngài theo dõi thừa tác vụ bằng lời và bằng hành động của ông.

Truyền thống ảnh tượng và phụng vụ của Giáo Hội cũng tuyên xưng rằng vào giờ chết của ngài, các môn đệ đang tản mác khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng, nhưng đã trở về Giêrusalem để kính viếng Đấng Theotokos. Chỉ trừ có Tôma, tất cả các môn đệ khác (kể cả tông đồ Phaolô) đều hiện diện bên giường của ngài. Lúc ngài qua đời, Chúa Giêsu Kitô ngự xuống để rước linh hồn ngài về trời. Sau khi ngài qua đời, xác Đấng Theotokos được rước đi để được chôn trong một ngôi mộ, không xa Vườn Diệtsimani bao nhiêu; khi tông đồ Tôma trở về sau đó ba ngày và muốn được thấy xác ngài, thì ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Việc triệu hồi thân xác Đấng Theotokos về trời đã được xác nhận bởi sứ điệp của thiên thần và việc chính Đức Trinh Nữ hiện ra với các tông đồ, tất cả những sự kiện này phản ảnh các biến cố liên quan tới cái chết, tới việc chôn cất và phục sinh của Chúa Kitô.

Ảnh tượng và phụng vụ ngày lễ tưởng niệm cái chết và việc chôn cất Đức Maria rõ ràng biểu tượng cho một lễ tang, nhưng đồng thời cho thấy rõ các giáo huấn căn bản liên quan tới việc phục sinh thân xác của ngài. Về phương diện này, cái chết của Đức Maria, có thể nói, có một chức năng của một ngày lễ nhằm củng cố đức tin và niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu của chúng tôi. Và còn điều này nữa: các Kitô hữu Chính Thống gọi biến cố mừng lễ này là ngày Đấng Theotokos “nằm ngủ” (Koimisis), chứ không hẳn “mông triệu” về trời. Thực thế, việc nhấn mạnh tới sự kiện Đức Maria là người, ngài quả có chết và được chôn cất như mọi con người nhân bản khác, đem lại cho chúng tôi sự chắc chắn này: cho dù “cả mồ chôn lẫn cái chết cũng không thể chứa được Đấng Theotokos, niềm hy vọng không thể lay chuyển của chúng tôi và sự che chở của chúng tôi luôn tỉnh thức” (trích từ thánh ca của ngày lễ này), Đức Maria thực sự gần gũi với chúng tôi hơn chính chúng tôi tưởng; ngài không bỏ rơi chúng tôi. Giống như ca khúc bế mạc (apolytikion) ngày lễ này từng hát: “Khi sinh hạ, mẹ vẫn duy trì được đức trinh khiết; khi qua đời, mẹ không bỏ rơi thế gian, ôi Đấng Theotokos. Trong tư cách mẹ sự sống, mẹ lên đường đi về nguồn sống, bằng lời chuyển cầu của mẹ, mẹ giải thoát linh hồn chúng con khỏi cái chết”.

Đối với các Kitô hữu Chính Thống, Đức Maria không phải chỉ là Đấng “đã được chọn từ trước”. Ngài biểu tượng trước hết cho việc lựa chọn mà mỗi người chúng tôi đều được kêu gọi thực hiện để đáp trả sáng kiến nhập thể của Thiên Chúa (nghĩa là sáng kiến hạ sinh Chúa Kitô trong tâm hồn chúng tôi) và để biến đổi (nghĩa là để hoán cải tâm hồn chúng tôi từ sự dữ qua sự lành). Như Thánh Siméon, nhà tân thần học của thế kỷ thứ 10, từng nói, chúng tôi được mời gọi trở nên các Christotokoi ( những người cưu mang Chúa Kitô) và Theotokoi (những người cưu mang Thiên Chúa). Nhờ lời chuyển cầu của ngài, mỗi người chúng tôi có thể trở nên Thetokos như Đức Maria.
vietcatholic.org