migoi_sg
28-05-2011, 05:02 PM
Bài này MG sưu tầm, bạn tham khảo nhé.
Diễn tiến của một án phong Chân Phước (Á Thánh) và phong Thánh
Diễn tiến của một án phong Chân Phước (Á Thánh) và phong Thánh theo luật hiện hành của Giáo Hội Công giáo.
Ngày 02.04.07, giai đoạn đầu (giai đoạn giáo phận) của án phong cho cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kết thúc long trọng trong một buổi lễ tại thánh đường Lateran ở Rôma, sau gần hai năm tiến hành. Tiến trình này rồi sẽ được tiếp tục ra sao? Nó sẽ trải qua những chặng đường nào nữa và tới bao giờ mới có thể kết thúc? Cũng trong dịp này, vị đại diện của bên đứng đơn (giáo phận Rôma) cho hay, họ đã nhận được nhiều chứng từ phép lạ gửi tới, nhưng không thể đưa tất cả vào hồ sơ, vì như thế việc kết thúc án sẽ kéo dài thêm rất lâu. Tại sao?
Ngày 19.12.09 vừa qua, Đức Bênêđictô XVI lại ra sắc lệnh công nhận tôi tớ Chúa Gioan Phaolô và một số vị khác lên hàng “Đấng đáng kính“ (Venerabilis). Điều này có nghĩa gì?
http://gravitasfreezone.files.wordpress.com/2008/03/vatican.jpg (http://gravitasfreezone.files.wordpress.com/2008/03/vatican.jpg)
Vatican - Thành Đô Vĩnh Hằng
Để giúp độc giả hiểu thêm về lĩnh vực này, chúng tôi gửi tài liệu dưới đây, phần lớn viết theo tác giả Ulrich Nersinger trên Zenit trang Đức ngữ ngày 13.03.07.
Ngày 25.01.1983, ĐGH Gioan Phaolô II đã ban hành Hiến chế “Divinus perfectionis Magister“ quy định lại tiến trình tuyên phong Á thánh và Thánh trong Giáo Hội. Cùng với hiến chế, một số quy định chi tiết khác cũng được ban hành cùng lúc hoặc ít lâu sau đó. Theo các văn kiện này, thời gian tiến hành (chờ đợi và điều tra) được rút ngắn lại, diễn tiến phải được tiến hành một cách khoa học hơn, và nhất là vai trò của các giám mục địa phương được nâng lên đúng với tầm nhìn của Công đồng Vatican II.
Từ nay, các giám mục hoặc những vị tương đương ở cấp địa phương là những người có quyền và trách nhiệm đầu tiên trong tiến trình này.
GIAI ĐOẠN I: CẤP GIÁM MỤC ĐỊA PHƯƠNG
Muốn đưa một gương sống đạo lên bàn thánh, kẻ đứng đơn (aktor) trước hết phải trình án/ trường hợp (causa) đó lên cho vị bản quyền tại địa phương (thường là giám mục, đại diện tông toà hay bề trên tỉnh dòng v.v..) nơi ứng viên đó mất (chứ không phải nơi ứng viên sinh ra). Kẻ đứng đơn có thể là một tín hữu bình thường, một định chế Công giáo (giáo xứ, giáo phận, dòng tu…) hay một hội đoàn đã được giáo quyền chuẩn nhận. Điều quan trọng là vị bản quyền phải xem người đứng đơn có đủ tài chính cho tiến trình xét duyệt này không (vì thế, các pháp nhân như giáo xứ, giáo phận, hội đoàn, dòng tu… dễ được ưu tiên chấp nhận hơn).
Đơn có thể đặt sớm nhất là 5 năm sau vị gương mẫu đó qua đời, nếu không có gì đặc biệt thì phải sau 10 năm trở lên. Thời gian tối thiểu này có thể được miễn, nếu vị giáo hoàng đương kim muốn. Trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta và ĐGH Gioan Phaolô II là những trường hợp được miễn điển hình.
Suốt thời gian điều tra và thẩm định, kẻ đứng đơn phải cử ra một vị ủy quyền (postulator) đại diện cho mình. Vị này có thể là một giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, nhưng phải đủ khả năng về thần học và giáo luật, và phải nắm được thủ tục pháp lý của Bộ Phong Thánh (điểm này có thể tới học hỏi nơi Bộ).
Trong giai đoạn tiền điều tra, giám mục địa phương yêu cầu người ủy quyền nộp một bản lý lịch về án liên hệ, trong đó trình bày chi tiết các nhân đức gương mẫu xứng đáng và cho biết các sách hoặc bài viết đã được phổ biến của người tôi tớ Chúa đó kèm theo một danh sách các nhân chứng. Án của ĐGH Gioan Phaolô II có tới 130 nhân chứng.
Bước thứ hai, giám mục thông báo sự kiện này ra cho tín hữu giáo phận mình và yêu cầu mọi người, ai biết gì về cuộc đời và cái chết của nhân vật liên hệ thì cho hay, hoặc ai còn giữ tài liệu nào của vị đó thì cho giám mục biết.
http://www.leeabbamonte.com/wp-content/uploads/2007/10/vatican-city.bmp (http://www.leeabbamonte.com/wp-content/uploads/2007/10/vatican-city.bmp)
Vatican - Kinh Đô Vĩnh Cửu
Giám mục địa phương cũng thông báo sự kiện cho giám mục các giáo phận lân cận và hỏi họ xem đề nghị phong Chân Phước hay Thánh này có nên và cần thiết không. Tất cả những sách vở và tài liệu đã được xuất bản của vị tôi tớ được giám mục chuyển cho các nhà thần học (do ngài cử) điều nghiên, đánh giá. Nếu nhóm này đánh giá thuận lợi, giám mục sẽ ra lệnh tập trung và cho đánh giá cả những tài liệu không chính thức của vị đáng kính (nhật ký, thư từ…).
Sau đó, giám mục thông báo tới Rôma về tình hình điều tra và hỏi xem Rôma có ý kiến bất lợi nào không về án này.
Nếu không có cản trở từ phía Rôma, giờ đây giám mục sẽ cho thành lập một toà án với công tác chính là phỏng vấn các nhân chứng. Có hai loại nhân chứng: Những người quen biết trực tiếp và những người biết gián tiếp với vị tôi tớ. Cả hai nhóm đều được mời tới. Mọi ý kiến thuận hay nghịch đều được ghi nhận. Người chứng nào ở quá xa và khó có điều kiện tới toà, thì toà sẽ phái một quan toà tới để phỏng vấn tại chỗ.
Sau khi kết thúc việc phỏng vấn nhân chứng, giám mục phải điều tra xem nơi mộ của người chết có diễn ra cảnh thờ kính (bất chính thức) không. Nếu có, phải ra lệnh đình chỉ ngay, vì nếu không thì đây sẽ là lý do chặn đứng mọi bước tiến tiếp theo.
Các hồ sơ của toà án địa phận sẽ được sao ra thêm hai bản có thị thực của chưởng khế. Hai bản sao và bản chính được chưởng khế đóng triện khoá lại trong một buổi lễ kết thúc trang trọng trước sự hiện diện của giám mục, các quan toà, kẻ đứng đơn, vị ủy quyền và những tín hữu có liên hệ. Hai bản sao sau đó được vị ủy quyền trực tiếp mang tới nộp cho Bộ tại Rôma, bản chính được lưu giữ tại văn khố của giáo phận.
Vì hiện nay Bộ ở Rôma chỉ chính thức dùng tiếng Latinh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, nên mọi thứ tiếng khác đều phải dịch ra một trong các thứ tiếng đó.
GIAI ĐOẠN II: CẤP BỘ Ở RÔMA
Thẩm quyền tiếp tục xét duyệt tại Rôma là Bộ Phong Thánh, gồm thành viên là các Giám mục và Hồng y. Đứng đầu Bộ là một Hồng y, một Tổng Giám mục giữ vai trò thư ký và một phụ tá thư ký. Ngoài ra, Bộ còn có các báo cáo viên (relatoren, mỗi vị đặc trách một trường hợp), các luật sư đức tin (praelatus theologus), các cố vấn, chuyên viên, chưởng khế, nhân viên hành chính…
Nhận được hồ sơ, Bộ soát lại xem công việc của giai đoạn một có gì sai trái với giáo luật không. Rồi quyết định chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho một báo cáo viên đặc trách. Vị này sẽ cùng với người ủy quyền (của giáo phận) lập nên một “hồ sơ về gương nhân đức” của ứng viên, hay một “hồ sơ về gương tử đạo” nếu ứng viên là người tử đạo. Đây là một tài liệu thiết lập một cách khoa học trình bày về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết, đặc biệt chú trọng tới chi tiết các gương nhân đức, của ứng viên và về tình hình chung liên hệ tới vị quá cố đó.
"Hồ sơ" được chuyển cho vị luật sư đức tin. (Trước đây còn có "luật sư của qủy" đóng vai trò tìm cách chống lại án; nay vai trò này đã bị bỏ). Vị này sẽ cùng với 8 cố vấn (chuyên viên về tín lý, lịch sử Giáo Hội và tâm linh) xét duyệt và bỏ phiếu. Có được 2/3 phiếu thuận của nhóm này, "hồ sơ" sẽ được đưa ra trước đại hội đồng của Bộ. Nếu đa số đại hội đồng bỏ phiếu thuận, báo cáo viên sẽ lập một “bản tường trình” lên cho Đức Thánh Cha. Chỉ một mình Đức Thánh Cha có quyền quyết định ban hành sắc lệnh liên hệ về án này. Nếu đồng ý, ngài sẽ ban hành một sắc lệnh chuần y, và từ giây phút này ứng viên được mang tước “Bậc đáng kính” hay “Chân phước” (Venerabilis). Sắc lệnh "Bậc đáng kính" của tôi tớ Gioan Phaolô II đã được Đức Bênêđictô ban hành ngày 19.12.2009 vừa qua.
Để án phong có cơ được thực hiện, giờ đây là lúc (các) phép lạ được yêu cầu bổ sung. Lại một tiến trình bắt đầu từ giáo phận nơi xảy ra phép lạ. Giám mục giáo phận điều tra, thu góp tài liệu (hồ sơ bệnh lý, hình chụp quang tuyến…), lập thành hồ sơ, sao ra và chuyển lên Bộ. Dựa trên hồ sơ của giám mục, Bộ lập ra một bản tường trình chuyển cho ủy ban chuyên viên gồm 5 vị (thường là phép lạ lành bệnh, nên ủy viên phần nhiều là các bác sĩ danh tiếng) nghiên cứu và xét duyệt. Sau đó chuyển cho các cố vấn thần học, rồi tới đại hội đồng. Và cuối cùng được trình lên Đức Giáo Hoàng để quyết định. Trong việc xét phong Á thánh cho các vị tử đạo, Đức Giáo Hoàng thường miễn điều kiện phải có một phép lạ, bởi vì tử đạo đã là một hành vi đức tin đủ lớn rồi. Còn ngoài ra, bình thường, phải cần ít nhất một phép lạ.
Án phong của ĐGH Gioan Phaolô II bắt đầu bước sang giai đoạn chứng minh phép lạ. Trong số các chứng từ gửi về, bên đứng đơn cho hay có ba trường hợp có thể được chọn (lấy một): Một nữ tu ở Pháp khỏi bệnh Parkinson, đôi vợ chồng Ba Lan hiếm muộn đã có được một cháu bé và một bào thai gặp nguy đã được cứu vớt, cả ba trường hợp trên đều diễn ra một cách lạ lùng và nhờ lời cầu bầu của tôi tớ Gioan Phaolô II.
GIAI ĐOẠN III: QUYẾT ĐỊNH SẮC PHONG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
Thường một khi sắc lệnh "về nhân đức" hay "về tử đạo" đã được ban hành (nghĩa là người tôi tớ đã được danh hiệu là “Bậc đáng kính”), thì việc tuyên phong Á thánh chẳng còn trở ngại gì nữa.
Nghi thức tôn phong Á thánh có thay đổi theo thời gian.
Cho tới gần đây, nghi thức này thường do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Rôma, trong một thánh lễ đại triều, có mời cả ngoại giao đoàn. Sau nghi thức thống hối trong thánh lễ, giám mục địa phương liên hệ cùng với vị ủy quyền bước lên trước ĐGH xin được ghi tên vị chân phước vào danh sách các Á thánh. ĐGH đồng ý và xác định luôn các thủ tục và ngày kính. Đức Gioan Phaolô là người đầu tiên đã không nhất thiết cử hành nghi lễ này tại Rôma. Ngài đã làm lễ tuyên phong Chân phước (Á thánh) cho nữ tu Edith Stein và linh mục Rupert Mayer tại Đức.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI quyết định việc phong Á thánh không do Giáo Hoàng cử hành nữa, mà ngài ủy quyền cho một Hồng y hay Giám mục thay thế, và nghi thức sẽ được cử hành chủ yếu tại giáo phận nơi đứng đơn.
http://k.b5z.net/i/u/6020212/i/vatican-picture-by_20night_AJM515.jpg (http://k.b5z.net/i/u/6020212/i/vatican-picture-by_20night_AJM515.jpg)
Vatican - Trái Tim của Giáo hội Công giáo toàn cầu
Còn về việc phong Thánh, theo truyền thống, ĐGH thường hỏi ý kiến của các Hồng y có mặt tại giáo triều trước khi quyết định, nhưng ngài không buộc phải theo ý kiến chung của họ. Thánh lễ đại triều phong Thánh có thêm phần kinh cầu các Thánh.
Giáo luật hiện hành không còn phân biệt việc phong Á thánh hay Thánh nữa. Chỉ còn mỗi một “phong thánh” (canonizatio) mà thôi. Nhưng trên thực tế cho tới nay vẫn còn hai nghi thức. Điểm khác nhau có thể nói như sau: Á thánh được tôn kính hạn chế trong một dòng tu, một vùng hay một quốc gia. Cũng không được lập bàn thờ riêng để tôn kính vị đó trong các nhà nguyện, nếu không có phép đặc biệt của Toà Thánh. Còn Thánh được tôn kính cho cả hoàn vũ. Ngoài ra, để được phong Thánh, giáo luật đòi phải có thêm một phép lạ nữa, kể từ sau ngày tuyên phong Á thánh. Đa số nhà thần học coi việc phong Thánh là một hành vi không sai lầm (bất khả ngộ) của Đức Giáo Hoàng.
Trên đây là chuyện thủ tục rắc rối của diễn tiến một án phong. Nhưng điều quan trọng cần biết hơn đối với chúng ta: Đâu là ý nghĩa và bản chất của việc phong thánh. Sách Giáo Lý Công Giáo (số 828) ghi về điểm này: “Khi Giáo Hội tuyên phong một số tín hữu nào đó lên hàng Thánh, nghĩa là long trọng tuyên bố những người này đã thực thi các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân huệ của Chúa, đó là Giáo Hội công nhận sự hiện diện của sức mạnh tinh thần thánh thiện nơi Giáo Hội. Giáo Hội tăng cường thêm hy vọng nơi tín hữu bằng cách trao cho họ các thánh như là những gương sống và là kẻ cầu bầu cho họ. Vào những lúc Giáo Hội gặp khó khăn nhất, các thánh luôn là người mở ra sự đổi mới. Sự thánh thiện là nguồn bí ẩn và thước đo không sai lầm của sức mạnh truyền giáo nơi Giáo Hội”.
Viết theo tác giả Ulrich Nersinger trên Zenit trang Đức ngữ ngày 13.03.07
Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Nguồn: Xuân Bích VN - http://xuanbichvietnam.wordpress.com...a-phong-thanh/ (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/12/20/dien-tien-cua-mot-an-phong-chan-phuoc-va-phong-thanh/)
TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH
Phép lạ là gì? Sau đây là ý kiến của Ðức Giám mục José Luis Gutierrez thuộc Bộ Phong thánh (Bản tin trên Zenit ngày 19-10-2003 do Lang Biang dịch)
Trong tiến trình lịch sử, đề tài những phép lạ luôn là một trong những điểm gây ra nhiều tranh chấp giữa khoa học và đức tin. Thực thế, phép lạ dường như thách thức lý trí và thế giới duy lý. Giáo Hội định nghĩa phép lạ như thế nào? Phải có gì để phép lạ được nhìn nhận? Báo cáo viên của Bộ Phong Thánh, Ðức Giám mục José Luis Gutierrez đã đề cập đến những câu hỏi này hôm thứ ba vừa qua (14-10-2003) trong cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh chương trình cử nhân “Khoa học và Ðức Tin” tại trường Giáo Hoàng Regina Apostolorum.
Phép lạ là gì? ĐGM Gutierrez giải thích rằng đối với những nhà thần học, phép lạ “thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhằm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ.”
Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng “chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và các thánh can thiệp vào.” Theo thánh Thomas, “phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được,” ngài cũng nói: “những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa.”
Trong những lý do để phong á thánh và phong thánh, những phép lạ được coi như do sự can thiệp của người tôi tớ của Thiên Chúa hay của một vị thánh.
Để giúp hiểu án phong á thánh và phong thánh diễn tiến như thế nào, ĐGM Gutierrez đã mô tả những giai đoạn khác nhau: “Phong á thánh và phong thánh là một hành vi của Đức Giáo Hoàng, dựa trên một nghiên cứu của Bộ Phong thánh trước đó. Một bản án được thiết lập ở mức độ giáo phận qui tụ tất cả những bằng chứng về đạo hạnh của đối tượng. Những bản viết của đối tượng được nghiên cứu, những chứng nhân về đời sống của họ được nghe. Tất cả những bằng chứng được qui tụ lại trong một hồ sơ được gọi là “Positio.” Sau đó là phần khám y tế khoa học để kiểm điểm sự đích thực của phép lạ. Chặng tiếp là thỉnh ý kiến của các nhà thần học. Tất cả được kiểm điểm cặn kẽ. Hồ sơ sau đó được chuyển tới các giám mục và các hồng y rồi tới Đức Giáo Hoàng. Theo những ý kiến khác nhau của những uỷ ban, Ngài quyết định phong á thánh và phong thánh.”
ĐGM Gutierrez nói rõ rằng việc thừa nhận một phép lạ dựa trên điều tra của một uỷ ban y tế khoa học và sự xác thực đạo đức, nghĩa là phép lạ đã diễn ra phải là kết quả của sự cầu khấn xin can thiệp.
ĐGM Gutierrez kết luận: “Thiên Chúa là người Cha rất chú ý đến gia đình của Ngài. Ngài nghe những lời cầu khấn và động lòng. Ngài can thiệp bởi tình yêu của Ngài đối với con cái.”
Như vậy, phép lạ không thể áp dụng rộng rãi theo nghĩa rộng thường dùng: sự lạ, chuyện lạ, chuyện kỳ quặc, v.v… Phép lạ có được nhờ ảnh hưởng siêu nhiên nhưng lại phải được kiểm tra dưới ánh sáng khoa học và thông qua Tòa Án Phong Thánh.
Đọc lại tiểu sử Chân phước Anrê Phú Yên, chúng ta chứng kiến không ít chuyện kể về các sự kiện lạ lùng: thí dụ ba ngày lửa cháy Dinh Trấn Thanh Chiêm, chuyện tàu bè về đến Macau an toàn khi con tàu chở xác thánh không đi theo hải trình được quy định mà có một sức cưỡng chế nào đó phải đi theo hướng mới. Khi về đến Macau mới biết tin cướp biển Hòa lan bắt gọn một số tàu Bồ Đào Nha qua lại theo hải trình định sẵn trong thời điểm đó.
Rồi trong cuộc đón rước xác thánh tại Macau, hai, ba tai nạn nguy hiểm xảy ra: súng “mút kê” nổ tung, quan tài bị ngã nguy hiểm... mà mọi người vẫn an toàn (xem truyện kể của thầy Antonio Torres). Riêng Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trong sách Hành trình và Truyền giáo phần 3, chương 3, đã kể câu chuyện lạ: thuyền ngài bị Hòa Lan bắt giữ, sau đó tiếp tục lên đường và tai nạn xảy ra, tàu va phải đá ngầm. Tưởng là tàu an toàn, không ngờ, sau bảy ngày tàu đến bến, khi kiểm soát mới thấy viên đá cắm chặt vào thân tàu mỏng manh. Ngài quy chiếu phép lạ nầy do việc bầu cử của thầy giảng Anrê, mà thủ cấp đang được ngài mang về Giáo đô Rôma.
Hàng trăm năm qua đã xảy ra biết bao nhiêu phép lạ do sự bầu cử của Á thánh. Chúng ta chỉ kể nhau nghe mà chưa bao giờ làm hồ sơ để được giáo quyền chính thức xác nhận. Tôi đã từng nghe chuyện của anh H. và gia đình, hiện định cư ở Hoa Kỳ kể lại về việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo của gia đình anh nhờ, sự bầu cử của Á thánh. Không dễ gì cải đạo mà không có một dấu chứng đặc biệt nào đó. Chính gia đình anh cũng đã tạo điều kiện cho giáo phận Đà Nẵng có được một khoản tiền không nhỏ để thực hiện một ước mơ… mà lúc đầu chỉ nghĩ là chuyện không tưởng. Kể từ hai năm nay, tôi cũng kiểm chứng những sự lạ mà mình không lý giải được về phía giáo dân (lành bệnh ngoạn mục, ước mơ thành hiện thực…)
Nhưng nói gì thì nói, minh chứng gì thì minh chứng... Chuyện quan trọng là phải được Bộ Phong Thánh xác nhận theo một số điều kiện đã được Giáo Hội công bố, ghi trên giấy trắng mực đen.
Huấn thị Sanctorum Mater (Mẹ các Thánh) của Thánh Bộ Phong thánh ghi rõ:
Điều 30, (§2): “Trong một vụ án xưa, các cuộc điều tra sẽ tập chú chính yếu vào việc tra cứu của các chuyên viên lịch sử và văn khố, đồng thời vẫn cần thiết phải chất vấn ít nhiều chứng nhân về hiện trạng tiếng tăm của sự thánh thiện hay cuộc tuẫn đạo và tiếng tăm của các dấu lạ và, nếu có xảy ra, về sự phụng tự đối với tôi tớ Chúa trong những thời gian gần đây hơn.”
Điều 35: “Một khi sắc lệnh thừa nhận việc phụng tự và tính anh hùng của các nhân đức và cuộc tuẫn đạo của Tôi Tớ Chúa đã được công bố, người ta tiến hành việc tuyên thánh khi có một phép lạ xảy ra và được chuẩn nhận là phép lạ.”
Một phép lạ được chuẩn nhận là gì?
Điều 38 (§1): Vị thừa nhiệm sẽ đệ trình lên Đức Giám Mục giáo phận hay giáo tỉnh các tài liệu phụ thuộc sau đây, kèm theo thỉnh nguyện thư mở Điều tra về một phép lạ phỏng đoán.
1. Một bản trình bày vắn gọn và chính xác các hoàn cảnh đặc biệt ghi dấu ấn riêng trên trường hợp.
2. Một bản danh sách các chứng nhân.
3. Tất cả tài liệu liên hệ đến trường hợp
(§2): Đối với những trường hợp được chữa lành coi như là nhờ phép lạ, cần xuất trình các tài liệu về y thuật, về lâm sàng và y cụ (thí dụ: hồ sơ lâm sàng, báo cáo của y sỹ, các kết quả của phòng xét nghiệm và của y cụ xét nghiệm)
Về các nhân sự chuyên môn:
Điều 57: Đốc lý Viên Pháp Tòa phải là một linh mục thông thạo thần học, giáo luật và cả lịch sử nữa, khi vụ án thuộc loại cổ xưa.
Điều 75: Báo cáo phải được ký tên in solidum, tức là cả các chuyên viên của Ủy Ban lịch sử.
Điều 60, (§1): Trong cuộc điều tra về một trường hợp được coi là phép lạ chữa bệnh, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một y sĩ giám định.
(§2): Trong trường hợp coi là phép lạ một loại khác, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một chuyên gia kỹ thuật.
Chừng ấy điều kiện sơ khởi cũng đủ cho chúng ta biết vấn đề phong thánh không đơn giản chút nào.
Hội An, ngày 5 tháng 8 năm 2009
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng
Quản nhiệm Đền Á thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều,
Huyện Điện Bàn, Quảng Nam
Nguồn: http://giaophandanang.org/articles/v...t-phep-la-thoi (http://giaophandanang.org/articles/view/chi-can-mot-phep-la-thoi) + http://tgp-tphcm.cesti.gov.vn/baivie.../20090815/1916 (http://tgp-tphcm.cesti.gov.vn/baiviet-tintuc/20090815/1916)
Powered by vBulletin® Version 4.1.7 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.