PDA

View Full Version : Thế nào là tử đạo



Caohuong
29-05-2011, 04:49 AM
THẾ NÀO LÀ TỬ ÐẠO?


http://www.vietcatholic.net/pics/The_Christian_Martyrs_Last_Prayer.jpg
Một người được gọi là vị Tử Ðạo (Martyr) khi liều mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc sự xác thực của Ðức Tin Kitô Giáo. Chữ tử đạo đã bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Martus”, có nghĩa là chứng nhân (Witness) và được Thánh Augustine diễn giải rằng: “Chính vì lý do tại sao, chứ không phải sự đau khổ đã làm nên việc tử đạo” (Martyrem non facit poena, sed causa) (Epist. 89.2).

Nhưng chỉ trong sự phát triển của các giáo huấn Kitô Giáo mà chữ CHỨNG NHÂN đã mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Theo thuyết Giu Dêu (Judaism), của dân Do Thái (Israel), thì tử đạo được coi như một việc đạo đức cá nhân đối kháng lại sự dữ, hoàn hảo hóa nạn nhân và được dùng như sự nêu gương đạo đức cho dân được Chúa chọn. Ðối với Epictetus, trong “Các hành động của những người Tử Ðạo dân ngoại và những cuộc độc thoại” (The Acts of the Pagan Martyrs and the Soliloquies), thì tử đạo mang ý nghĩa như tác động của một triết gia, không những ông đã giảng dạy bằng lời, nhưng còn xác định sự thật trong lời dạy của mình bằng hành động, đặc biệt nêu sự khác biệt đối với những hoạt động của đam mê, kinh nghiệm thế tục, và ngay cả sự chết.

Ðức Giáo Hoàng Clement I (khoảng năm 96 AD), trong một tông thư sau thời các thánh Tông Ðồ (Postapostolic Epistle), đã dùng chữ CHỨNG NHÂN để diễn tả sự chịu đựng của các Thánh Phêrô và Phaolô trong những đau khổ của các Ngài. “Phêrô đã chịu đau khổ vì việc bị ghen tương bất chính...và vì đã tự minh chứng nên đã được vào nơi vinh quang” (5.4); còn “Phaolô đã nêu ra gía đắt của sự chịu đựng...Ngài dạy sự công chính cho toàn thế giới, và minh chứng trước những nhà lãnh đạo...và đã đi từ thế giới này đến chốn linh thiêng” (5.5,7). Tương quan giữa hai sự kiện trên đã nhấn mạnh đến sự chịu đựng của các Thánh Tông Ðồ mạnh mẽ đến độ gần như mang ý nghĩa của sự lạnh cảm, không còn biết đau đớn là gì. Các ngài đã lãnh đạm với sự đau khổ là vì đức tin mạnh mẽ của các ngài, hơn là dấu hiệu của sự thật về lãnh đạm đó.

Ðối với Thánh Ignatius of Antioch (khoảng năm 116), ý nghĩa của Kitô giáo về sự Minh Chứng Ðức Tin vào Chúa Kitô là Thiên Chúa, đã được hiểu như là Ðổ Máu Mình Ra. Tuy nhiên Thánh Ignatius đã dùng hai chữ Người Mô Phỏng (Imitator) và Môn Ðệ (Disciple) thay vì Ðấng Tử Ðạo, vì ngài nghĩ rằng vị tử đạo là người đã bắt chước được Chúa Kitô cách hoàn mỹ trong sự đau khổ và cái chết của Ngài.

Trong cuộc tử đạo của Ðức Giám Mục Polycarp (khoảng 155), những chữ đấng tử đạo (martyr) và sự tử đạo (martyrdom) đã mang trọn vẹn ý nghĩa của việc minh chứng rằng sự sống và chết của Ðức Kitô là chính thực của Con Thiên Chúa. Những chữ đó dần dần đã được dùng để diễn tả những đau khổ và truyền thuyết về các đấng tử đạo. Những người đã minh chứng đức tin và chịu cực hình, nhưng không tử đạo, thì được gọi là vị tuyên xưng đức tin (confessor).

Shepherd of Hermas thì nói rằng những người đã chịu “đau khổ vì danh Con Thiên Chúa thì được tôn vinh, và tất cả mọi tội lỗi của họ cũng được cất đi.” Tác giả của “Lá Thư gửi Diogetus” nhấn mạnh rằng sức can đảm phi thường của các đấng tử đạo và những hi sinh vĩ đại của họ chỉ có thể giải thích bằng việc biểu dương sức mạnh của Thiên chúa, đã hoạt động trong và qua các ngài. Các đấng tử đạo chắc chắn được hưởng Nhan Thánh Chúa, điều này đã được diễn đạt trong các bản văn của các Thánh Perpetua và Felicity (Passio), của Thánh Justin Martyr (Dial. Tryph. 110.4), cũng như của nhà thần học Tertullian (Apol. 50.13) và của Lactantius (Div. inst. 5.13.11).

Giáo Hội đã được hưởng nhờ công ơn các đấng tử đạo rất nhiều. Tuy nhiên sự tôn kính các ngài đã không được phát triển nhanh đủ. Các Kitô hữu thời sơ khai chỉ làm một nghi lễ đơn sơ và một nơi an táng riêng biệt cho các ngài. Thánh tử đạo, đã có xương thánh được tôn kính đầu tiên và hằng năm có lễ kính, là Thánh Polycarp of Smyrna. Các Thánh “Thần học gia” như Jerome, Augustine, Theodoret of Cyr và Cyril of Alexandria đều lên tiếng bênh đỡ việc tôn kính này.

Ông Tertullian đã cho việc tử đạo là một nghi thức rửa tội lần thứ hai (secunda intinctio), vì sự tử đạo đã tẩy sạch mọi tội lỗi và làm cho đấng tử đạo được hưởng triều thiên muôn đời. Thánh Origen (254) thì viết rằng sự tử đạo là một chứng cớ của Kitô giáo, không những chỉ vì các Kitô hữu đã chứng tỏ họ có thể chết vì Ðức Tin, nhưng bởi vì sự thách đố cái chết của người Kitô hữu đã là bằng chứng hiển nhiên của sự chiến thắng trên sức mạnh của sự dữ, và sự minh xác về cuộc sống lại đã làm cho họ vượt qua được những đau khổ. Vì vậy, đời sống của đấng tử đạo là một hoàn thành của việc cố gắng tiến tới hoàn hảo của người Kitô.

Ðối với Thánh Clement of Alexandria (213), việc chuẩn bị cho sự tử đạo cũng như sự tử đạo trong việc chịu đựng các đau khổ thì tương đương với việc đổ máu mình ra vì Chúa. Thánh Origen đã nhìn nhận rằng có biết bao nhiêu Kitô hữu đã chịu tử đạo hằng ngày trong thâm tâm bằng sự chấp nhận vác thánh gía theo sau Ðấng Cứu Ðộ (Hom. in Num.10.2).

Ðể đối phó với các lạm dụng trong việc tôn kính các Ðấng Tử Ðạo cách thái qúa, Thánh Augustine đã thay đổi sự nhấn mạnh đến những đau khổ và cực hình mà các ngài đã phải chịu bằng việc nghiên cứu thêm về vị tử đạo. Thánh Nhân cho rằng vị tử đạo cũng là người tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô bằng việc hoàn bị hóa các nhân đức và sống một đời sống hoàn toàn phù hợp với những giáo huấn tinh thần của Giáo Hội.

NHỮNG ÐIỀU KIỆN ÐỂ ÐƯỢC GỌI LÀ TỬ ÐẠO

Ðể được gọi là vị tử đạo, một Kitô hữu phải thực sự chịu đựng những đau khổ, đang chết dần hay bị xử tử, vì đã làm chứng nhân cho Ðức Giêsu Kitô.

Có ba điều kiện thiết yếu, thứ nhất, đời sống thể lý đang đi dần đến cái chết; thứ hai, kẻ làm cho người Kitô hữu phải chết, thực sự rất ghét đời sống Kitô Giáo và Chân Lý; cuối cùng, cái chết đã được người Kitô hữu chấp nhận một cách tình nguyện để minh chứng đức tin.

Như vậy, trường hợp thứ nhất, những người hăng say muốn chết cho Ðức Kitô hoặc chọn lựa và chấp nhận một đời sống đau khổ vì Ngài, thì, một cách chuyên môn, chưa phải là tử đạo. Kế đến, những người chết vì truyền nhiễm, hoặc do hậu quả chấp nhận sự sống nguy hiểm vì Chúa, hoặc vì hy sinh cho khoa học, cho quốc gia, hoặc vì những động lực khác, vì nhầm lẫn hay tự tử đều không được kể là tử đạo. Sau hết, những người chưa đến tuổi trưởng thành để có thể lý luận được, hoặc bị giết ngoài ý muốn, cũng không được kể là tử đạo.

Ðó là giáo huấn tổng quát của các nhà thần học, mặc dù sự tranh luận vẫn chưa đi quá quyết định rằng cần phải có sự ý thức của lương tâm trong việc chọn lựa kỹ lưỡng, (điều kiện thứ ba).

Nhà thần học Cajetan, một cách riêng biệt, đã chấp thuận rằng một người có thể tử đạo trong khi đang ngủ, và cũng trong cùng một lý luận, ông thêm rằng những trẻ em chưa được rửa tội cũng được cứu rỗi vì đức tin của cha mẹ chúng. Ðiều đó minh chứng việc Giáo Hội tôn kính các Thánh Anh Hài như những Ðấng Tử Ðạo mà không đòi hỏi những phép lạ, đồng thời phù hợp với giáo huấn rằng việc đổ máu đã thay thế cho nước tuôn ra từ Phép Thánh Tẩy.

Có những Ðấng Tử Ðạo đã chết trong sự trực tiếp minh chứng cho các chân lý của Ðức tin (in odium fidei). Nhưng cũng có những Ðấng khác, như các Thánh Gioan Baotixita (John the Baptist) và Maria Goretti, đã hiến dâng đời của họ để bảo vệ nhân đức Kitô Giáo. Hoặc cũng có những vị chấp nhận cái chết để bảo vệ huấn lệnh và kỷ luật của giáo Hội, như các Thánh Thomas of Canterbury và John of Nepomuc. Trong các trường hợp này, các nhà thần học đã theo hai phương pháp để quyết định rằng những Ðấng đó đã chịu tử đạo. Thứ nhất, phương pháp thông thường của Giáo Hội với các nguyên tắc và điều kiện đã nêu ở trên. Thứ hai, theo Thánh Ambrose thì tất cả những sự thật (dù là sự thật gì và do ai thực hiện) trong Chúa Thánh Thần, đều sẽ được nhận ra nhanh chóng là những chứng nhân anh hùng, qua cái chết như những Kitô hữu tử đạo.

Những người đã chết vì bất trung, hoặc theo bè rối (heresy), hoặc theo ly giáo (schism), dù là họ rất được kính trọng vẫn không được kể là tử đạo. Ngay cả những nhà truyền giáo ngoài Công Giáo (non-Catholic) đã chết vì rao giảng Lời Chúa vẫn không được kể là tử đạo Công Giáo.

Sự tử đạo đã được các nhà thần học luân lý chấp nhận như một hành động chính yếu của nhân đức can đảm chịu đựng (Fortitude). Sự bao hàm của việc minh chứng căn bản và cuối cùng của tình yêu đối với Ðức Kitô dưới danh nghĩa nhân đức luân lý, có thể phần nào giải thích được những lý do phương thức. Nhưng hành động anh hùng đã được khám phá từ cơ quan tình cảm của con người, và cũng từ đó mà những đau khổ và kinh sợ được chế ngự bằng những nhân đức chính yếu như tôn giáo, đức tin và nhất là, đức ái. Chính nhờ những giáo huấn liên tục của Giáo Hội mà tình yêu cao độ của người Kitô đã được biểu lộ để minh giải cho sự tội lỗi (dù đã được rửa tội hay chưa) cũng như tha thứ tất cả mọi lỗi lầm, đồng thời ân xá tất cả những hình phạt tạm, để rồi được hưởng triều thiên và hào quang vinh hiển muôn đời.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(Theo New Catholic Encyclopedia)