PDA

View Full Version : SAO VẤT VẢ THẾ ?



Damsan
02-06-2011, 06:58 PM
SAO VẤT VẢ THẾ ?

Buổi sáng thức dậy, vạn vật còn chìm đắm trong màn đêm – vì trời chỉ mới vừa ửng sáng, tôi nghe những tiếng hô vang của những em nhỏ đang học võ thuật… Tôi gọi đứa con nhỏ dậy để chỉ cho nó một gương sáng về nghị lực. Nó buông một câu trả lời cộc lốc: “Sao vất vả thế?”

Với tâm thức của một em nhỏ, đứa con tôi chưa hiểu được người ta phải sống vì những lý tưởng cao hơn, chứ không phải đơn thuần sống theo những nhu cầu ăn-ngủ-nghỉ, và nó cũng chưa nghiệm được: “lựa chọn là hy sinh”. Khi nhìn về hiện trạng giới trẻ Việt Nam, là con đẻ của một nền giáo dục khập khiễng về nhân bản, các nhà giáo dục nhận thấy giới trẻ ngày nay sống thiếu lý tưởng mà nặng về lối sống thực dụng: sống sao cho khỏe, kiếm tiền nhanh và nhiều là thành công… miễn sao đừng bị trông thấy và bị pháp luật sờ tới, “lương tâm không bằng lương tháng”. Còn tâm thức của đa số phụ huynh trung niên thì cũng đen tối không kém: nhiều người cũng không có lý tưởng sống, không muốn học hành thêm, không muốn tiến thêm trên đàng nhân đức, không muốn vất vả mưu sinh cho gia đình …thì hẳn là câu hỏi trên được nêu lên nhiều lần. Khi thấy có những người nam nữ dấn thân vào con đường tu trì, những người miệt mài chăm sóc các Thánh đường, những người dấn thân làm những việc thiện nguyện, những kẻ tham gia các sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ, những kẻ thức đêm thức hôm vì những công việc không lương…có người buột miệng: “Sao vất vả thế?

Vì sức khỏe, vì sắc đẹp, vì danh vọng và địa vị… người ta đầu tư thật nhiều tiền, thời giờ và công sức, người ta sẵn sàng ‘thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu’, một học sinh thức đêm thật khuya vì nghĩ tới kỳ thi, một cô gái sẵn sàng nhịn ăn–bớt ngủ-tập thể hình để mong có một vóc dáng thon thả, một người mẹ tảo tần nhịn ăn nhịn mặc để cấp cho con ăn học. Hơn thế nữa, cuộc đời nầy còn tươi đẹp hơn nhờ những người dấn thân vô vị lợi với những ‘mơ ước cao hơn’. Ơn gọi sống đời tu trì, độc thân và phục vụ Giáo hội là một bằng hùng hồn về Nước Trời và là một gương sáng về tình yêu cho các gia đình; bên cạnh chúng ta còn có những nhà truyền giáo từ bỏ quê cha đất mẹ và môi trường sống quen thuộc để ra đi, những người hoạt động cho công bằng xã hội, phục vụ trong các bệnh viện hay trại cùi, những người làm việc thiện nguyện… Họ đã đưa lên bàn cân cuộc đời để cân nhắc ‘được và mất’, chính họ nghiệm được ‘lựa chọn là hy sinh’.

Ở bãi sông hay bờ biển, có khi ta nhặt được những hòn đá nhẵn nhụi, có hình tròn hay bầu dục, rất đẹp. Ta không thể hình dung được hình dáng ban đầu của chúng, dòng thời gian chúng đã trải qua và hành trình vạn dặm trắc trở như thế nào, để đến hôm nay chúng mang một vẻ đẹp thực sự - để ta cất giữ như một kỷ vật. Có thể lúc ban đầu chúng là những tảng đá lớn, sù sì và sắc nhọn; chuyến du hành của nó được dòng nước đưa đẩy trải qua hàng trăm năm, qua những thác ghềnh và đã có lúc lại lững lờ nằm dưới dòng suối trong thời gian dài… những tạp chất và những cạnh sắc nhọn được mài dũa dần; và hôm nay, nó đẹp là vì dáng vẻ tròn trịa và trơn láng.

Dòng thời gian và dòng đời cũng đang mài dũa ta như vậy đó! Nếu như trong cuộc sống nầy, mọi sự đều thuận buồm xuôi gió, ai ai cũng chiều ý thích của ta, thì chắc chắn‘cái tôi’ sẽ phình ra một cách dị dạng. Thật là may, vì quanh ta vẫn có những người ‘trái tính’, những hoàn cảnh bất lợi, thời tiết khắc nghiệt, những vất vả mưu sinh… để cá tính của ta còn có cơ hội mài giũa cho nên hài hòa và còn biết lưu tâm đến người chung quanh. Có câu danh ngôn: Nét đẹp của người đàn ông là thêm một chút nữ tính và nét đẹp của người đàn bà là pha một chút nam tính. Vâng, chỉ có dòng thời gian và dòng đời mới có khả năng kỳ diệu mài giũa cá tính ta trở nên trơn láng và tròn trịa. Hãy cám ơn cuộc đời là vì thế.

Cuộc đời luôn mạo hiểm và phải gắng sức vươn tới những tầm cao.Thánh Phaolô diễn tả nghị lực sống của Ngài: Tôi quên mọi sự phía sau lại, tôi nhắm đích phía trước mà tiến tới. Không phải tôi chạy hờ, nhưng tôi cố chạy là để đạt được triều thiên sự sống. Phàm là tay đua thì phải kiêng khem đủ thứ, mà họ cũng chỉ đạt tới những hào quang chóng qua. Chính Thánh nhân đã ra tay làm lụng để nuôi sống bản thân và để khỏi trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, Ngài truyền lệnh: “Ai không làm việc thì không đáng ăn!” Thi nhân Nguyễn Công Trứ đã có những câu thơ bất hủ về chí làm trai, về lý tưởng phục vụ xã hội: Trót sinh ra đời thì phải có cái chi chi, nợ tang bồng vay trả trả vay.

“Cũng một kiếp người, có người đi tìm Thiên Chúa; cũng một kiếp người, có người hoang phí thời gian…Xin cho con sống trọn kiếp người, giữa cuộc đời nổi trôi và cay đắng. Xin cho con yêu thương mọi người, hiến thân mình phục vụ anh em”(lời bài hát Cũng một kiếp người). Thế đó, khi ta mang gánh nặng của mình và chia sẻ gánh nặng của anh em trong tình yêu mến Chúa, thì gánh cuộc đời trở nên êm ái và nhẹ nhàng, không còn ‘vất vả’ nữa đâu.

Nguyễn Văn Thiện
lebaotinhbmt.com