PDA

View Full Version : Làm thế nào để nhận ra nhà văn trong đám đông?



DiaCoc
21-07-2008, 11:22 PM
Làm thế nào để nhận ra nhà văn trong đám đông?


http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/tieukhuong/20_07_2008/22a.gif
Minh họa: DAD


Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường phải ra đường, phải chen lấn, xô đẩy, chạm vai, chạm đùi và thỉnh thoảng chạm mông với cả triệu người. Trong đám đông hùng vĩ đó, tất nhiên có đủ thành phần: anh sinh viên, cô học sinh, gã lưu manh, nhà bác học, đấng thầy tu... đồng thời có các nhà văn lớn, những con người đáng kính mà chúng ta biết đến tác phẩm nhưng không biết mặt mũi.

Làm sao nhận ra họ để thỏa lòng hâm mộ, để xin chữ ký hoặc để thỏa chí tò mò? Chúng tôi xin phép được cung cấp một vài phương pháp nhận diện cho bạn, để bạn có thêm kiến thức và không lỡ dịp khi cần:

- Về thân hình: Nhà văn không khi nào vừa phải. Hoặc vô cùng béo, hoặc vô cùng gầy. Béo là do họ phải ngồi suốt ngày bên bàn viết, không đi tập thể dục hay tập dưỡng sinh. Gầy là do họ ít có dịp dùng những đồ ăn bổ dưỡng. Nếu có một ông không béo, không gầy mà khuôn mặt phương phi thì đấy quyết không phải nhà văn, mà là nhà xuất bản.

- Về dáng đi: Nhà văn bao giờ cũng chậm, vì đi nhanh quá sẽ bị nghi là muốn chơi trội còn đi vừa phải sẽ bị kết tội là kẻ không có cá tính. Nhưng đặc điểm này chỉ đúng với nhà văn già. Nhà văn trẻ không đi nhanh, không đi chậm mà thay đổi lung tung: chạy vụt lên sau đó bất ngờ nằm bò ra hay ngồi thụp xuống.

- Về dáng tay: Tay nhà văn không để xuôi xuống, vì như vậy có vẻ bất lực. Cũng không vung lên vì như vậy có vẻ bốc đồng. Nhà văn hay đút tay vào túi quần, vừa nắm chặt nhuận bút vừa tiết kiệm được tiền mua găng tay. Bảo vệ đôi tay với nhà văn là quan trọng vì tuy họ nghĩ bằng đầu nhưng lại viết bằng tay. Cũng có một số nhà văn viết bằng mồm nhưng số đó không nhiều.

- Về ngực: Nhà văn luôn luôn ưỡn ngực, bất kể ngực có nở hay không. Thói quen này bắt nguồn từ chỗ họ hiểu rằng nếu mình không tự hào về tác phẩm của mình, sẽ không có ai tự hào giúp cả. Nếu một kẻ vừa ưỡn ngực, vừa ưỡn bụng thì đấy không phải nhà văn, cũng không phải nhà xuất bản, mà là nhà in. Nhưng ta phải để ý: Hễ nhà văn lớn thì ngực có một vết lõm! Đấy là do họ thường xuyên tự đấm ngực mình. Còn tại sao đấm thì không khi nào thiên hạ biết được.

- Về xương sườn: Tất cả các nhà văn đều thiếu xương sườn, nhất là nhà văn hiện đại. Đơn giản vì ngay tác phẩm của họ còn không có sườn, nói gì tới họ. Do đấy, rất hiếm nhà văn cởi trần. Nếu đi tắm biển, thường nhà văn khoác khăn tắm cực to để che một thân hình cực nhỏ.

- Về mũi: Tất cả mũi nhà văn đều nở do được khen nhiều quá. Ai khen? Xin thưa nhà văn nọ khen nhà văn kia!

- Về tai: Tai nhà văn nào cũng to, mỏng và bẹt. To vì hằng ngày họ nghe đủ thứ tiếng kêu của nhân loại. Mỏng vì họ hay vò đầu bứt tai khi không nghĩ được ý gì. Còn bẹt là do họ hay áp tai vào tường nghe dư luận nói thầm. Những nhà văn có tên tuổi thì tai không những to, mỏng và bẹt lại thêm méo mó do hay phải lắc đầu.

- Về môi: Các nhà văn đều mím môi. Một số do biết rằng như thế đỡ hại răng, một số vì thường xuyên nghe tin sách của mình không bán được. Vài nhà văn trẻ có môi vẩu ra nhưng không lâu.

- Về mắt: Mắt nhà văn đặc biệt lanh lợi và tinh. Khi mắt trái nhìn sang phải thì mắt phải nhìn sang trái. Lúc cả hai mắt cùng nhìn về một hướng là lúc nhà văn bước vào nhà ăn. Khi gặp ai, nhà văn luôn nhìn túi áo họ không phải để xem ví mà xem bút, đánh giá liệu đấy có phải nhà phê bình văn học hay không?

- Tóc: Tất cả các nhà văn đều tóc bờm xờm kể cả nhà văn nữ. Họ đều có khả năng gội đầu mà không dùng nước. Nếu ai đó trên đầu có cài hoa thì không phải nhà văn, không phải nhà xuất bản, cũng không phải nhà in mà là nhà buôn sách cũ.

- Hơi thở: Nhà văn bao giờ cũng thở dồn dập, vì họ trong trạng thái hồi hộp thường xuyên. Khi nhà văn thở hắt ra, là lúc vừa bước xuống diễn đàn, còn khi thở ngắt quãng, nhà văn vừa nghe tin chợ sách sắp mở ra.


Lê Hoàng
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn