PDA

View Full Version : Ngày ấy mình đi tu (tập 3)



mainguyenvu
08-06-2011, 08:44 AM
NGÀY ẤY MÌNH ĐI TU
(tập 3)
MaiNguyênVũ
Ngày 6/1/1975 giải phóng Phước Long.
Ngày 10/3/ 1975 giải phóng Buôn Ma Thuột.
Nhìn thấy cơn bão chiến tranh đang rùng rùng kéo tới, Đức Cha Nguyễn Văn Lãng quyết định giải tán chủng viện. Vài tuần sau chiến sự bùng nổ tại Long Khánh. Mình từ Gia Kiệm đứng nhìn máy bay liên tục chúi đầu thả bom và bắn phá Long Khánh mà rùng cả mình.Nếu Đức Cha không quyết định sáng suốt và kịp thời, làm sao bảo đảm tính mạng và lo ăn cho mấy trăm chủng sinh trong cảnh bom đạn ngụt trời kéo dài như thế.
Ngày 11/8/1974 Đức Cha Đa-minh Nguyễn Văn Lãng lên thay Đức Cha Giu-se Lê Văn Ấn mới qua đời (17/6/1974). Mình thấy rõ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong việc thay ngôi đổi chủ này. ĐC Lê Văn Ấn đường đường, bệ vệ như một ông quan. Không ai thấy người cười bao giờ. Giám mục chánh tòa Xuân Lộc, kiêm Tổng Tuyên Uý QLVNCH. Với chức vụ “kiêm” kia, nếu còn sống tới ngày giải phóng, người sẽ đi về đâu? Giáo phận sẽ ra sao?
ĐC Nguyễn Văn Lãng thì ngược lại, như một ông lão nhà quê mới từ miền Tây lên, suốt ngày mặc bộ đồ ngủ màu đen, sáng sáng đội nón lá, cầm chổi quét sân, quét vườn, đốt rác. Nhiều người ở xa đến gặp ông lão làm vườn :
_ Bác cho hỏi thăm: ĐC có nhà không ạ?
_ Có đấy, mời ông vào ghế ngồi đợi, tôi đi mời ĐC.
Ông lão làm vườn vào khoác áo dòng đi ra.
_ Lạy Chúa tôi, xin ĐC tha lỗi, con tưởng ĐC là ông lão làm vườn.
Thời đó, người chuyên môn đi ban bí tích Thêm sức bằng xe ôm.Tài xế là thầy Ngô Công Sứ. 14 năm làm giám mục Xuân Lộc (1974-1988), người lãnh trọn mọi khốn khó đổ xuống trên đầu giáo phận. Sau cơm tối, người đi dạo. Hôm nào đi dạo một mình, bước chân nặng chịch, cái đầu nghênh nghênh, mí mắt đã sụp lại sụp hơn, mọi người biết giáo phận lại gặp tai họa gì rồi. Tai họa hồi đó nhiều vô kể, xẩy ra bất cứ lúc nào, bất kể nơi đâu.
Sau ngày 30/4 ít tháng, mình được ĐC gọi về học triết cùng với 49 anh em khác. Cha Nguyễn Văn Trâm làm giám đốc. Cha Trần Thái Hiệp làm phó. 50 thầy chia thành sáu tổ. Mỗi tổ được chia đất trồng lúa và đất trồng rau. Sân bóng ngày xưa nay thành ruộng lúa. Công viên hồ Đức Mẹ thành vườn rau. Các tổ phải tự túc về kinh tế, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. ĐC chỉ trợ cấp mỗi tháng thêm một ít tiền. Vì vậy anh em phải bảo nhau làm việc cật lực. Tổ mình nhận chăn thuê hai con bò cho ĐC, mỗi tháng lãnh thêm một món nhỏ. Có lần bò đi lạc, cả tổ phải bủa đi tìm khắp thị trấn. Hú hồn!
Làm lúa, làm rau mà không bón phân thì đừng hòng thu hoạch. Vì vậy các hầm phân heo, phân người trong khu Tòa Giám mục- chủng viện thực sự là mỏ vàng. Phải thăm dò và khai thác thật nhanh trước khi tổ khác sơi mất. Giáo dân quanh vùng biết các thầy rất khoái món này, nên một số nhà có hầm phân không sài, tới “thành khẩn khai báo” và tự nguyện dâng hiến :
_“Boọng koong kấn bếu guý thài”.
Vậy là sáng hôm sau cả tổ “hồ hởi phấn khởi” vác cuốc, xẻng, xô, thùng, dây, móc lục tục đi khai thác “mỏ vàng”. Hôm nào gặp thùng phân lâu năm là mừng lắm, nhưng phải cẩn thận tránh mảnh chai, kẽm gai rỉ nằm đầy dưới đó. Ổ vi trùng uốn ván đấy! Hôm nào vô phúc đào phải hầm mới toanh hay đang hoai thì ôi thôi hít cho đã, về tắm mấy ngày, toi mấy cục xà bông xanh cây đờn cũng chưa hết mùi thum thủm ảm khắp cả và ngọc thể.
Ngoài công việc nhà, tụi mình còn phải lên Bảo Toàn làm 10 héc-ta cà phê của giáo phận. Hết việc là đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy: cấy lúa, gặt lúa, cuốc ruộng, làm cỏ, hái cà phê, vần đá từ ruộng lên xếp quanh bờ...Thời đó người ta phát động phong trào phá rừng, làm rẫy, lập khu kinh tế mới. Tụi mình cũng phải theo đoàn thanh niên huyện Xuân Lộc vào phá rừng hai tuần gần chân núi Gia-ray, thưởng thức ve, vắt, rắn, rết, bò cạp, muỗi rừng và sơi thịt nguyên một con trăn dài 5 mét.
Có một lần cả chủng viện đi làm xa, mẹ mình lặn lội đến thăm. Anh nuôi bảo:
_ Anh ấy đi nhổ mì rồi.
_ Hả? Nổ mìn à? Nạy Chúa tôi, sao bắt con tôi nàm cái việc nguy hiểm như vậy?
Tai bà cụ hễnh hãng, nghe “nhổ mì” ra “nổ mìn”,lo con chết nên tru lên khóc. (Hồi đó nhiều người phải đi phá mìn để giải tỏa đất làm rẫy, cầm chiếc gậy nhọn chọc chọc trúng mìn nổ banh xác).
Làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu chất nên hay nhạt miệng, nhưng có gì đâu mà ăn vặt, người ta tìm thú vui khác bù vào : hút thuốc. Cả nước hút thuốc như một loại “mốt thời giải phóng”. Ông bà cán bộ ở rừng ra, vai quấn khăn rằn, miệng phì phèo điếu thuốc rê suốt ngày đêm. Chú bộ đội từ Bắc vào, tay đeo đồng hồ Orient, vai khoác chiếc đài lí lô, miệng phun khói điếu thuốc quốc doanh, trông rất “hoành tráng”. Cánh thanh niên làm rẫy lúc nào cũng kè kè ống điếu cày. Vợ nhịn được cả tháng không sao, thuốc lào ngày nào không hút thì như người tương tư, đi ra đi vô, vớ vớ vẩn vẩn chẳng làm được cái việc gì. Trong số 50 thầy có tới 45 thầy nghiền cái món sướng như tiên ấy. Chỉ còn 5 thầy bông bống là không màng tới mà thôi. Cha giám đốc và cha phó kéo thuốc lào ác chiến chẳng thua gì quí thầy. Chiều hôm đó anh em cuốc ruộng cấy tại Suốt Rết cho cha sở nhà thờ chánh tòa Nguyễn Chu Trinh. Tới giờ giải lao, mọi người chuyền tay nhau chiếc điếu cày thân yêu. Chiếc điếu rít lên từng tràng “roóc roóc” nghe đã cái lỗ tai. Từng khuôn mặt khờ khờ dại dại chập chờn trong làn khói mờ mờ ảo ảo. Thầy Đỗ Văn Cư châm điếu thuốc mới, kính cẩn mời thầy Trần Phi Hùng :
_ Mời thầy làm tí cho thơm mồm bổ phổi, diệt vi trùng lao.
_ Thôi thôi tớ không dám đâu.
_ Yếu thế. Ai cũng làm được sao thầy không dám làm?
Mấy em gái ca đoàn khích vào :
_ Không lẽ thầy Hùng yếu vậy ta.
Thầy nóng máu cầm điếu kéo một tràng, phả khói nghi ngút. Mấy em gái vỗ tay rôm rả. Thầy hứng quá làm tiếp điếu nữa. Khói vừa đùn ra khỏi miệng cũng là lúc thầy nằm vật xuống bờ ruộng như một gã động kinh. Mắt khờ ra rồi trợn ngược lên. Miệng sùi bọt mép. Tay chân mềm nhũn. Mọi người phát hoảng, vội khiêng thầy vào lều cạo gió. Từ lúc đó, thầy ói mửa ra tới mật xanh mật vàng. Thầy nằm liệt giường đúng ba ngày ba đêm...Khi tỉnh dậy thầy kể:
_ Lúc đó tớ biết hết, còn nghe thấy đứa nào bảo “khiêng ném nó xuống ao”. Tớ sợ lắm, muốn la lên rằng đừng ném xuống ao, tớ chết mất, nhưng không nói được, không cử động được. Thuốc làm tê liệt thần kinh vận động. Ghê thật! Tởn tới già!
Hiện nay thầy đang kinh doanh vàng bạc đá quí bên Hoa kỳ, không biết có còn nhớ điếu thuốc lào lịch sử năm xưa? Mời thầy thu xếp công việc, về VN thưởng thức lại chút hương vị quê hương.
Việc đi chợ, nấu cơm, các tổ phải tự lo. Tổ mình chia mỗi tên làm anh nuôi ba ngày. Anh nuôi sáng sáng xách giỏ đi chợ, bổ củi, nấu cơm, rửa chén và dọn dẹp như một cô gái nội trợ thực thụ. Ai cũng cố gắng nấu đồ ăn cho ngon để anh em ăn “được cơm”, lấy sức mà lao động . Riêng tên Đỗ Văn Cư suốt ba ngày chỉ có độc một món : cá khô chiên. Làm gì có cá bơn như bây giờ! Toàn cá heo chiên kỹ cho dòn rồi đổ nhiều đường vào đánh át muối mặn. Có hôm hết dầu chiên, hắn vào mót dầu trong những thùng đã hết từ thời tiểu chủng viện chất đầy trong cầu tiêu. Hôm nào hứng, hắn cho anh em ăn canh chua cá khô. Tới lúc ăn, hắn bê tô canh đến bên bờ hồ vặt rau xà- lách ăn liền. Rau này mới tưới nước hầm phân chiều hôm qua. Eo ơi!
Tổ mình gồm 10 tên cùng lớp từ tiểu chủng viện lên. Tất cả chưa thi tốt nghiệp phổ thông. Mình là tổ trưởng, ĐC giao cho mình dắt anh em xuống Bà- rịa thi. Tụi mình được ĐC gửi gấm cho ăn ở trong nhà dòng Saint Paul. Sau hai ngày thi, chuẩn bị sáng hôm sau về, thì đùng một cái, nửa đêm có lệnh giới nghiêm. Các xơ quính quáng cả lên, vì một đống thanh niên trong nhà mà không có giấy tạm trú gì cả. Gần sáng, người ta quát loa khắp hang cùng ngõ hẻm ra lệnh : đổi tiền. Tụi mình phải nằm lại mấy ngày vì không có xe cũng chẳng có tiền mà về. Gạo vác theo ăn hết rồi, mình liền kéo anh em đến ty Xã hội xếp hàng rồng rắn xin trợ cấp. Bà ty thương tình cấp cho mấy ký gạo hẩm.
Cha Trần Thái Hiệp chia một năm ra làm hai mùa: mùa mưa ăn làm, mùa nắng ăn học. Vì học chui, tu chui nên có những buổi học, tụi mình phải mặc đồ làm rẫy. Nếu có báo động là nhẩy ra vơ cuốc làm liền. Thỉnh thoảng nửa đêm bọn mình được nhiều vị “khách lạ” đến thăm, lục soát nhà và kiểm tra hộ khẩu :
_ Trần Thái Hiệp!(cha phó)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.
_ Nguyễn Văn Trâm!(cha giám đốc)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.
_ Nguyễn Văn Lãng!(Đức Cha)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.
......
Hôm nay trở về thăm chủng viện. Nhà cửa nguy nga. Phong cảnh tuyệt đẹp. Nhưng người xưa cảnh cũ đâu rồi? Mình lần theo ký ức đi thăm dẫy nhà chính, năm khu nhà phụ xếp theo hình bán nguyệt ôm lấy hồ nước và tượng Đức Mẹ. Nơi đây chôn dấu biết bao kỷ niệm của 10 năm đèn sách và lao động cơ cực, nơi chứng kiến những năm tháng trai trẻ đẹp nhất đời người, nơi mình nắn nót những nốt nhạc đầu tiên. Đâu rồi các Đức Cha, các cha giáo đã ngẩng cao đầu chống chọi với bao trận bão đời để bảo vệ Giáo Hội và con cái, cho ngôi nhà giáo phận còn bền vững tới hôm nay? Đâu rồi bạn bè ngày xưa, có người làm cha quản hạt (Lm Ngô Công Sứ),có người làm cha linh hướng đại chủng viện (Lm Đinh Văn Huấn), có người làm cha xứ (Lm Vũ Đức Hiệp, Lm Vương Vĩnh Phúc),có người làm Lm giáo sư các trường đại học danh tiếng bên Rô-ma (Kim Văn Nam), có anh làm giám đốc công ty giầu sang phú quí (Trần Phi Hùng, Nguyễn Văn Hiệp, Mai Xuân Trung), cũng có anh làm ruộng chân lấm tay bùn, vài bạn đi xa không về nữa. Mình nhớ các bạn da diết. Ứơc ao có ngày anh em tề tựu đông đủ, về thăm mái trường xưa, sống lại một ngày tuổi xanh êm đềm, tươi đẹp. Chuyện không tưởng! Buồn! Ôi cuộc đời! Phù vân!

vit con xau
08-06-2011, 12:19 PM
Hihi! đợi mãi mới thấy chú xuất bản ra tập 3. Sau khi đọc xong Cháu xin mạn phép đặt tên cho tập này là "hoài niệm" (với ý rằng: những kỷ niệm đã qua sẽ không bao giờ biến mất trong lòng và nó sẽ còn sống mãi trong chú). Tại tập này chất chứa nhiều nhất những kỷ niệm xưa của chú: niềm vui, nỗi buồn. Cháu cảm nhận được chú đã đặt rất nhiều tình cảm vào đây những niềm vui nỗi buồn của mình trong suốt khoảng thời gian học tập và lao động tại chủng viện(không biết đúng không nữa).
Có gì sai xót xin chù bỏ qua!
Thank you very much !!!
Đọc giả
Vịt con xấu

mainguyenvu
08-06-2011, 02:35 PM
VỊT CON NÓI ĐÚNG QUÁ ĐI CHỨ. ĐÓ LÀ NHỮNG BIẾN CỐ THẬT ĐÃ XẢY RA TRONG CUỘC ĐỜI MÌNH VỚI ĐỦ MỌI CUNG BẬC: VUI, BUỒN, SƯỚNG, KHỔ. NHIỀU NGƯỜI ĐỌC XONG CHẮC SỢ KHÔNG DÁM ĐI TU. NHƯNG NÊN NHỚ, ĐÓ LÀ THẾ KỶ 20. BÂY GIỜ LÀ TK 21, ĐI TU BÂY GIỜ SƯỚNG LẮM, CHỈ CÓ ĂN HỌC THÔI, CHỨ KHÔNG PHẢI LAO ĐỘNG CƠ CỰC NHƯ BỌN MÌNH.
TUY NHIÊN, GIỜ ĐÂY NGHĨ LẠI, CHÍNH NHỮNG GIAN KHỔ, KHÓ KHĂN ĐÓ LÀ NGỌN LỬA THỬ VÀNG, RÈN CHO Ý CHÍ MÌNH THÊM MẠNH MẼ, ĐỨC TIN MÌNH VỮNG CHẮC HƠN.

Kim Ji Kyo
10-07-2011, 07:56 AM
Hi hi...
Cám ơn chú nhiều lắm về 3 tập của câu chuyện đi tu của chú. Một bài học hay và rất đáng giá...

Joseph_KhiCuBinhAn
24-03-2012, 08:49 AM
Không Biết có tập 4 không chú Vũ ạ. Đọc hay quá , thích quá .

lacmoc_01
05-04-2012, 09:23 PM
Bài viết hay quá. Thanks nhiều

Jbdunghoang
06-04-2012, 12:09 AM
Có khổ như thế mới cống hiến cho Giáo hội và Xã hội những vị linh mục, giám đốc, bác nông...đầy tài đức và đức tin mãnh liệt như vậy chứ...
Cảm ơn chú, bài viết hay quá.

P/s: Nếu cháu đoán ko lầm thì cha giám đốc chủng viện hồi đó chính là Đức cha chính tòa Bà rịa bây giờ phải ko chú :D

dongcoxanh_204
31-07-2012, 12:55 PM
Đọc mấy đoạn trên cười sặc sụa, đọc đến đoạn kết nước mắt chảy dài. Hồi ký của những tháng ngày không bao giờ quên, hạt giống được nảy mầm và sinh hoa trái nhờ những gian nan vất vả như thế đó. Tất cả là Hồng Ân của Chúa. Con cám ơn bác Mai Nguyên Vũ đã chia sẻ về một thời quý báu để thấy được sự gian nan của Giáo Hội Việt Nam một thời.