PDA

View Full Version : Các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô



littlewave
24-07-2008, 11:54 PM
Các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô (phần 1)

Hãy nhớ tới một người thợ Do Thái, chuyền nghề may lều và bán lều, đã sống cách đây hai ngàn năm, tại một thành phố nổi tiếng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Đó là thành phố Tarse.
Người thợ may lều có tên Do Thái là Saulô.
Khi có quốc tịch Rôma thì ông đổi tên thành Phaolô (tên latinh gọi là Paulus)
Khoảng năm 67 Phaolô bị xử trảm, nghĩa là bị chém đầu, tại Rôma !
Có lẽ chúng ta nên nhẩn nha “lai rai ba sợi” với nhân vật đặt biệt này. Nếu chỉ dùng một tính từ để miêu tả con người kiệt xuất này, thì chúng ta có thể gọi Phaolô là một “người rất đam mê” hay thời thượng hơn, chúng ta có thể gọi tên loạt bài là “Phaolô, người tù kiệt xuất” !.

1- Sợi chỉ đỏ thứ nhất: Tiểu sử

Những gì chúng ta biết về Phaolô đều do chính Phaolô kể lại :
Phaolô sinh tại Tarsô, vùng Cilicia, thuộc Thổ nhĩ kỳ (TđCv 21, 39: Ông Phao-lô nói: "Tôi đây là người Do Thái, quê ở Tácxô miền Kilikia, công dân một thành không phải là không có tiếng tăm. Xin ông cho phép tôi ngỏ lời với dân"). Bố của Ngài là một công dân Rôma.

Để biết “làm công dân Roma” oai và quan trọng như thế nào hãy đọc những chi tiết này: Khi đã lỡ đánh đòn Phaolô, sau biết Ngài là công dân Roma thì lính bắt đầu sợ: ‘Họ vừa nọc ông Phao-lô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: "Một công dân Roma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không? "26 Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: "Ông định làm gì bây giờ? Đương sự là công dân Roma! "27 Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phao-lô và hỏi: "Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Roma sao? " Ông Phao-lô trả lời: "Phải."28 Vị chỉ huy nói tiếp: "Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy." Ông Phao-lô đáp: "Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi."29 Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phao-lô là công dân Roma màmình lại đã còng ông ấy’ (TđCv 22, 26-28)

Chỗ khác, đến quan toà, khi đã làm quấy làm quá, cũng phải sợ công dân Roma : “Viên cai ngục báo tin ấy cho ông Phao-lô: "Các quan toà sai người đến bảo thả các ngài. Vậy bây giờ xin các ngài ra và đi bình an."37 Nhưng ông Phao-lô nói với họ: "Chúng tôi là những công dân Roma, không có án gì cả, mà họ đã đánh đòn chúng tôi trước công chúng, rồi tống ngục. Bây giờ họ lại lén lút tống chúng tôi ra! Không được! Họ phải đích thân đến đưa chúng tôi ra! "38 Các vệ binh trình lại những lời ấy cho các quan toà. Những ông này sợ hãi khi nghe biết hai ông là công dân Roma.39 Họ bèn đến xin lỗi, rồi đưa hai ông ra và xin hai ông rời khỏi thành phố.” (TđCv 16, 37)

Phaolô thuộc một gia đình Do Thái rất sùng đạo. Ngài đã từng viết: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên;” (2Tim 1,3).

Ngài sống theo sát những lệ luật khe khắc và chi li cuả nhóm Biệt phái, mà chúng ta thường hay gọi là “người Pharisêu”. Ngài tự hào về mình: ‘Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.’ (Phil 3, 5-6)

Chi tiết “thuộc chi họ Benjamin” giúp chúngta hiểu vì sao khi cắt bì, Ngài được đặt tên là “Saul”. Vì để tưởng nhớ Vua Saul , vị vua đầu tiên của Do Thái, vốn thuộc chi tộc ấy.
Như mọi thanh niên trẻ Do Thái, Saul phải học nghề để tự mưu sinh. Ngài học nghề may lều, được kể lại trong TđCv 18, 1-3 như sau: ‘Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la.... Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều’

Ngài còn được gia đình gửi lên Giêrusalem “du học” tại trường của một rabbi nổi tiếng thời ấy là Gamaliel: ‘Ông nói tiếp:3 "Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt..” (TđCv 22,3).

Mà dường như Ngài có người chị đang sinh sống tại Giêrusalem, nên chi sau này, Ngài có kể chi tiết cháu Ngài, con trai của bà chị này, đã cứu Ngài: “Sáng ngày ra, người Do-thái âm mưu với nhau. Họ thề độc là sẽ không ăn không uống, bao lâu chưa giết được ông Phao-lô...16 Nhưng người con trai của bà chị ông Phao-lô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phao-lô. “ (TđCv 23, 12-17)

Ngoài những chi tiết này,chúng ta không còn biết gì thêm về Ngài cho đến lúc thầy Sáu Stephen tử đạo. Phó tế Stephen bị ném đá. Người ta lột áo Stephen ra rồi để dưới chân một thanh niên trẻ : “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông (Stephen) 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.” (TđCv 7,58-60) Chính Phaolô cũng xác nhận sự kiện này, với Chúa: “20 Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy.” ( TđCv 22,20)

Được gọi là “thanh niên trẻ” (neanias), nhưng từ này rất uyển chuyển, dùng để gọi thanh niên hay trung niên, có tuổi từ 20 đến 40.

Như thế cho đến lúc bấy giờ (cuộc ném đá Stephanô), thì Phaolô là một thanh niên Do Thái, nhiệt thành với niềm tin của tổ tiên, nghĩa là không hề biết đến Chúa Giêsu. Có chăng, Phaolô nghe đến tên Giêsu như một người lạc giáo.

Và Phaolô cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao có những người lại hăng say theo “cái ông rabbi Jêsus, người Nagiareth như thế, theo đến nỗi liều cả mạng sống ! Bọn người ấy lại còn mạnh miệng nói rằng “tên tử tội Giêsu ấy đã sống lại” ! Thế này là không được. Nếu không có biện pháp trấn áp hữu hiệu tức thời, thì hẳn nhóm người ấy sẽ làm cho niềm tin tổ tiên bị sai lạc. Và Phaolô đã đi lùng bắt những tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem.

Các tín hữu thông tin cho nhau về hung thần Phaolô này. Khắp nơi đều biết tiếng Phaolô. Một nhóm tín hữu tại Gierusalem hãi quá, bị truy nã ráo tiết. họ bèn trốn qua Đamas, một thành phố cách Giêruslem chừng 100 dặm về hướng Đông Bắc.

Phaolô không tha, Ngài hăng say truy lùng các tín hữu đầu tiên. Ba lần thuật lại việc trở lại, ba lần Ngài tự khai tội của mình:

“Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem” (TđCv 9,1-19)

“Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị” (TđCv 22,4-5)

9 "Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét.10 Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành.11 Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ ” (TđCv 26, 9-23)

Phaolô, kẻ đi truy lùng, lại bị truy nã …

Sau khi xin được giấy cho phép của các Tư tế tại Giêrusalem, Phaolô và đoàn tuỳ tùng lên ngựa trực chỉ Damas để truy lùng các tín hữu. Ông không hề mảy may biết rằng chính mình cũng đang bị theo dõi.

Khi gần đến Đamas, ông đinh ninh sẽ bất ngờ tóm gọm được nhóm tín hữu đang lánh nạn tại đây. Nhưng có người đã ra tay trước ông, nhanh và chính xác. Chúng ta hãy nghe Phaolô kể lại:

”3 Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông.4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? "5 Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai? " Người đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ.6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì."7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai.8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát.9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống“ (TđCv 9,1-9)

Người ta thuờng gọi biến cố này là “cuộc ngã ngựa của Phaolô”. Đồng nghĩa với cuộc trở lại. Hay đúng hơn, đó là cuộc Chúa Giêsu thu phục Phaolô.

Phaolô kể lại chuyện “mình bị thu phục này” ba lần cả thảy, như một tự hào, vì dù đang là kẻ giết người, Phaolô được đích thân Chúa Giêsu quật ngã xuống khỏi ngựa và chọn là tông đồ. (xem TđCv 9, 1-19; 22, 3-21; và 26, 9-23)

(1) Phaolô nói chính mình đã từng “thấy” Đức Kytô như các tông đồ khác: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao?” (1 Cor. 9, 1)
Ngài tuyên bố chính Đức Kytô đã hiện ra với Ngài: “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. 9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.”(1 Cor. 15, 8) như đã từng hiện ra với Phêrô, với Giacôbê, và với Nhóm Mười Hai.

(2) Ngài tâm sự rằng cuộc trở lại của Ngài không phải là do kết quả cuả suy tư hay lý luận,nhưng là do một thay đổi đột ngột, không hề có dự kiến, bất ngờ và hoàn toàn do ơn Chúa toàn năng. Ngài khôngcưỡng lại được sự trở lại này.

“Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải.13 Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa.14 Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên (Gal. 1, 12-15)

Hay: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi”. (1 Cor. 15, 10).

(3) Trước khi trở lại, Ngài không hề hối hận hay nghi ngờ hoặc sợ hãi điều chi. Ngài bị Đức Kytô quật ngã ngay chính lúc lòng hăng hái đi lùng bắt các tín hữu lên cao điểm: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế. 2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. (Acts, ix, 1-2); Mà cũng vì hăng say lòng đạo mà Ngai đi lung bắt các t’in hữu như thế: ”nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh;” (Phil. 3, 6), Và Phaolô được Chúa thương xót chọn thì cũng là vì Ngài đã làm thế vì không biết và vì lúc đó Ngài chưa tin. “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin." (I Tim., 1, 13).

Sau khi vào Đamas, một người tên là Khanania, được Chúa thị kiến sai tới nhà Saolô trọ, ở Phố Thẳng để rửa tội cho Ngài. Rồi Ngài xuống vùng Arabia, phía nam Đamas , ở đó ba năm để suy nghĩ lại toàn bộ Kinh Thánh . “Tôi ...chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát.18 Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.19 Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa.” (Gal 1,17)

Các tín hữu kháo nhau về việc Phaolô trở lai đạo. Còn những người Do Thái đồng đạo cũ với Phaolô, nghe tin ông đã cải sang “tà đạo” thì tìm cách lùng bắt ông :”Tại Đa-mát, tổng đốc của vua A-rê-ta đã cho lính canh gác thành để bắt tôi.33 Nhưng người ta đã cho tôi vào một cái thúng, rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành. Thế là tôi thoát khỏi tay ông ta.” (2 Cor. 11,32-33)

Và “ông làm cho người Do-thái ở Đa-mát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a 23 Sau một thời gian khá lâu, người Do-thái cùng nhau bàn kế giết ông Sao-lô;24 nhưng ông biết được âm mưu của họ. Thậm chí người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để giết ông.25 Nhưng ban đêm, các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống.” (TđCv 9,23-25)

Thoát khỏi Đamas, Ngài lên Giêrusalem, gặp Phêrô, chắc là để trình diện “Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.” (Gal 1,18) Nhưng Ngài chỉ ở lại đó có 15 ngày, rồi vì người Hylạp đe đoạ tính mạng, nên Ngài phải về thành phố quê hương, Tarse . “Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.” (TđCv 9,23-25, Gal 1,21)

Sau đó chúng ta mất dấu Ngài khoảng năm hay sáu năm.

Phải nói nhờ Barnabas mà Ngài mới có cơ hội trở thành nhà truyền giáo lừng danh. Hai người cùng nhau sát cánh làm việc một năm trời: “Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu“ (TđCv 11,25-26)

Sau đó cả hai vị được cử lên Giêrusalem, mang theo tiền các tín hữu đã quyên góp để cứu trợ các tín hữu đang bị nạn đói tại đây: “Trong những ngày ấy, có những ngôn sứ từ Giê-ru-sa-lem xuống An-ti-ô-khi-a.28 Một trong những người ấy tên là A-ga-bô đứng lên và được Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp cả thiên hạ; đó là nạn đói xảy ra dưới thời hoàng đế Cơ-lau-đi-ô.29 Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê.30 Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô.” (TđCv 11, 27-30)

Nguyễn Văn Nội

(còn tiếp)