PDA

View Full Version : Tầm quan trọng của Thánh lễ



duoc1706
13-06-2011, 06:38 PM
“Chúa Giê-su đã yêu tôi và đã tự hiến mình cho tôi.” (Gl 2,20).
* Thánh lễ là hy sinh Thập Giá.
* Lễ Mi-sa hàng ngày.
* Tham dự hữu hiệu và chủ động.
* Thánh lễ và các linh hồn trong Luyện Ngục

Thánh lễ là hy sinh Thập Giá
Chỉ ở trên Thiên Đàng ta mới có thể hiểu được Thánh lễ Mi-sa lạ lùng thần thánh chừng nào. Không phải vì ta đã cố gắng bao nhiêu, cũng không có vấn đề ta được soi sáng hay thánh thiện thế nào, ta chỉ bập bẹ nói về sự việc thần linh vượt trên các Thiên Thần và loài người này.
Một hôm, người ta hỏi cha Pi-ô Pi-tren-lô-xi-na, vì cha được in năm Dấu thánh của Chúa Giêsu, rằng: “Xin cha giải nghĩa lễ Mi-sa cho chúng con.” Ngài trả lời: “Các con ơi, làm sao cha có thể giải nghĩa lễ Mi-sa cho các con được. Thánh lễ vô cùng như Chúa Giê-su vô cùng vậy…. Hãy hỏi Thiên Thần Thánh lễ là gì, rồi Ngài sẽ nói sự thật cho các con. Cha hiểu lễ Mi-sa là gì và tại sao được dâng hiến, nhưng cha không hiểu lễ Mi-sa có giá trị thế nào. Một Thiên Thần, hàng ngàn Thiên Thần, cả Thiên Đàng biết điều này và đều nghĩ như thế.”
Thánh An-phong-xô xác nhận: “Chính Chúa cũng không thể thực hiện một việc thánh thiện và cao cả hơn Thánh lễ Mi-sa. Tại sao? Vì Thánh lễ là tổng hợp, vì Thánh lễ là tóm kết việc Nhập thể và Cứu chuộc, mầu nhiệm hàm chứa Giáng sinh, Khổ nạn và Tử nạn của Chúa Giê-su, những mầu nhiệm Thiên Chúa hoàn tất vì chúng ta.”
Công đồng Va-ti-ca-nô II dạy: “Trong bữa tiệc ly, đêm Chúa bị phản bội, Chúa Giê-su thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, cốt để tiếp tục hy sinh Thập Giá cho tới khi Chúa lại đến” (PV 47).
Thánh Tô-ma A-qui-nô trong đoạn văn được ơn soi sáng đã viết: “Cử hành Thánh lễ Mi-sa cũng có giá trị như Chúa Giê-su chết trên Thập Giá.” Vì lý do này, Thánh Phan-xi-cô A-si-si nói: “Loài người phải run sợ, thế giới phải chấn động, cả Thiên Quốc phải cảm kính sâu xa khi Con Thiên Chúa xuất hiện trên bàn thờ trong tay linh mục.”
Thật vậy, Thánh lễ Mi-sa tái diễn cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Chúa, dù chỉ một lễ cũng đủ sức ngăn cản phép công bình của Chúa Cha. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có lễ Mi-sa, ta sẽ ra sao? Mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu diệt, chỉ có lễ Mi-sa mới ngăn được tay Chúa. Không lễ Mi-sa, chắc hẳn Giáo Hội sẽ không tồn tại và thế giới sẽ bị diệt vong.” Cha Pi-ô nói thêm: “Thế giới không có mặt trời còn dễ tồn tại hơn không có lễ Mi-sa.” Ngài nói như thế là theo Thánh Lê-ô-na-đô Pót Mau-rít đã nói: “Tôi nghĩ rằng, nếu không có lễ Mi-sa, thế giới bây giờ đang chìm đắm trong vực thẳm dưới sức nặng của sự dữ. Thánh lễ là trợ lực mạnh mẽ để nâng đỡ thế giới.”
Hiệu quả cứu rỗi các Thánh lễ phát sinh trong linh hồn những người tham dự thật là kỳ diệu. Thánh lễ đem lại sự sám hối và tha thứ tội lỗi, giảm bớt các hình phạt tạm phải chịu vì tội, làm suy yếu ảnh hưởng của Sa-tan và kích thích dấy loạn của xác thịt, làm vững chắc mối dây liên kết với Thân Thể Chúa Ki-tô, gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm và tai nạn, rút ngắn hình phạt trong Luyện Ngục, ban cho ta cấp bậc vinh quang cao hơn trên Thiên Đàng. Thánh Lô-ren-sô Giút-ti-a-nô nói: “Lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ Thánh lễ Mi-sa: nào tội nhân được giao hoà cùng Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xoá sạch, nết xấu giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của quỷ ma thất bại.”
Thánh Lê-ô-na-đô Pót Mau-rít không mỏi mệt hối thúc dân chúng nghe Ngài rằng: “Hỡi những con người mê muội, các người đang làm gì? Sao các người không vội vàng đến các nhà thờ để dự bao nhiêu lễ theo sức có thể? Sao các người không biết noi gương các Thiên Thần, mỗi khi Thánh lễ cử hành, đã từ Thiên Đàng xuống vây quanh bàn thờ để thờ lạy Chúa và cầu bàu cho chúng ta.”
Nếu thật sự chúng ta cần ơn thánh cho cuộc đời hiện tại và tương lai, thì không việc nào có thể đạt được ơn thánh bằng Thánh lễ. Thánh Phi-líp Nê-ri thường nói: “Với lời cầu nguyện, chúng ta xin Chúa ban ơn, nhưng trong Thánh lễ là chúng ta bắt Chúa phải ban ơn.” Lời cầu nguyện dâng lên trong Thánh lễ nói lên chức linh mục phổ quát của chúng ta, dù rằng chức linh mục phổ quát của tín hữu không sánh được với chức linh mục thừa tác của cá nhân linh mục nơi bàn thờ. Trong Thánh lễ, lời cầu của ta hợp với lời cầu của Chúa Giê-su khi Người hiến mình cho ta. Cách đặc biệt trong kinh nguyện Thánh Thể là tâm điểm của Thánh lễ, lời cầu của mọi người trở nên lời cầu của Chúa Ki-tô đang hiện diện giữa ta.
Hai lần tưởng nhớ của kinh nguyện Thánh Thể Rô-ma, trong đó người sống và người đã qua đời được nhớ đến, là những giây phút quý báu để ta dâng lời cầu nguyện. Đồng thời, trong lúc cao cả này, Chúa Giê-su qua tay linh mục diễn lại cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Chúa, ta có thể nài xin cho nhu cầu của ta và cho những người thân yêu của ta còn sống cũng như đã qua đời. Hãy để ý tới những lợi ích kinh này đem lại. Các Thánh đã coi là rất quan trọng, và các Ngài tưởng đến chính mình qua lời cầu của các linh mục, các Ngài xin nhớ đến mình trước hết trong kinh nguyện Thánh Thể.
Điều đặc biệt là trong giờ ta chết, các Thánh lễ ta đã tham dự với lòng sốt sắng, đem lại cho ta niềm an ủi và hy vọng lớn lao. Dự một Thánh lễ trong khi còn sống lợi hơn nhiều so với nhờ người khác dự cho nhiều lễ khi đã qua đời.
Một lần Chúa phán với Thánh nữ Ghê-tru-đê: “Con hãy tin chắc rằng, người nào đã sốt sắng dự bao nhiêu lễ, thì Ta sẽ sai đến với người đó bấy nhiêu Thánh nhân để an ủi và bênh vực họ trong giờ cuối cùng họ sắp lìa đời.” Thật an ủi biết bao, Cha thánh xứ Ars, cha Gio-an Ma-ri-a Vi-an-nây, đã có lý khi nói rằng: “Nếu ta hiểu giá trị thực của Thánh lễ Mi-sa, ta sẽ hết sức cố gắng để đi dự lễ.” Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ây-mát nói thêm: “Hỡi những Ki-tô hữu, hãy biết rằng không có hành vi tôn giáo nào thánh thiện hơn Thánh lễ Mi-sa, các người không thể làm gì tôn vinh Chúa hơn được, và cũng không có gì lợi ích cho linh hồn các người hơn là sốt sắng dự lễ Mi-sa bao nhiêu lần tuỳ sức có thể.”
Vì lý do trên, ta phải coi là may mắn vì có cơ hội đi dự lễ Mi-sa, và để không bỏ mất cơ hội này, đừng bao giờ trì hoãn vì phải hy sinh, nhất là trong ngày Chúa Nhật và lễ nghỉ.
Hãy biết Thánh nhi nữ Ma-ri-a Gô-rét-ti đã phải đi và về bộ mười lăm dặm để tham dự Thánh lễ. Cũng nên biết tới gương Sa-ti-na Cam-pa-na dù mang sốt rét nặng cũng cố đi dự Thánh lễ. Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kon-bê dâng lễ khi sức khoẻ quá yếu đến nỗi một thầy dòng phải đỡ Ngài kẻo ngã. Và cha Pi-ô Pi-tren-lô-xi-na đã bao nhiêu lần dâng lễ khi máu nơi dấu đinh đang chảy và bị sốt rét.
Trong đời ta, phải đặt việc dâng lễ Mi-sa lên hàng ưu tiên trước các việc lành khác, vì theo Thánh Bê-na-đô: “Người ta được nhiều công phúc khi dự lễ thật sốt sắng, hơn khi người ta bố thí tất cả của cải mình có cho người nghèo, và hơn đi hành hương trên khắp thế giới.”
Không có gì sánh ví được, vì trên thế giới này không có gì giá trị vô cùng hơn Thánh lễ Mi-sa.
Phải quý mến Thánh lễ Mi-sa hơn các việc giải trí khác, chỉ làm mất thời giờ và không đem lại lợi ích cho linh hồn. Thánh Lu-y IX, vua nước Pháp, đã dự lễ nhiều lần mỗi ngày. Một viên chức trong hoàng cung phàn nàn về chuyện này, nói rằng vua có thể dùng thời giờ đó để làm nhiều việc cho quốc gia. Vua nói với mọi người rằng: “Nếu ta dùng gấp đôi số giờ đó để giải trí như đi săn bắn, nào có ai chống đối, cấm cản được ta!”
Hãy quảng đại và tự tình hy sinh để đừng làm mất phúc lành lớn lao này. Thánh Au-gút-ti-nô nói với các tín hữu của Ngài rằng: “Mỗi bước của người đi dự lễ đều được Thiên Thần đếm cả, người đó sẽ được thưởng công lớn đời này lẫn đời sau.” Cha thánh xứ Ars còn thêm: “Hạnh phúc chừng nào, linh hồn được Thiên Thần bản mệnh đi theo tới nơi dâng Thánh lễ.”


Lễ Mi-sa hàng ngày
Khi người ta nhận thức giá trị vô cùng của Thánh lễ Mi-sa, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy các Thánh hăm hở trông mong dự Thánh lễ hàng ngày, bao nhiêu lần có thể.
Thánh Au-gút-ti-nô đã ca ngợi mẹ Ngài là Thánh nữ Mô-ni-ca về điều này: “Lạy Chúa, mẹ con không để ngày nào qua đi mà không đến dự lễ hy sinh trước bàn thờ Chúa.” Thánh Phan-xi-cô thường khó khăn tham dự mỗi ngày hai lễ. Khi bệnh nặng, Ngài xin anh em linh mục dâng lễ tại phòng riêng để Ngài có thể tham dự.
Mỗi sáng, sau khi dâng lễ, Thánh Tô-ma A-qui-nô lại giúp thêm một lễ khác nữa để cảm ơn Chúa.
Thánh Pát-can Ba-by-lon, một em bé chăn chiên, vì phải trông coi đàn chiên nên không thể đến dự lễ tại nhà thờ như lòng mong muốn, mỗi khi nghe chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, bé quỳ xuống giữa đàn chiên, trên bãi cỏ, trước cây Thánh Giá gỗ đã làm sẵn, và như thế từ xa bé theo dõi linh mục dâng lễ Mi-sa tại nhà thờ. Ôi vị Thánh đáng yêu chừng nào, Ngài thực là Thiên Thần sốt mến của tình yêu Thánh Thể. Trên giường hấp hối, khi nghe tiếng chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, Ngài nói với anh em: “Tôi sung sướng hợp nhất hy sinh bé nhỏ của tôi với hy sinh của Chúa Giê-su.”
Thánh nữ Ma-ga-rít, hoàng hậu nước Scốt-len, là mẹ của tám người con, Ngài thường đi dự lễ mỗi ngày, Ngài đem con đi, và với sự săn sóc của tình mẫu tử, Ngài dạy con biết quý trọng cuốn sách lễ nhỏ mà Ngài đã trang hoàng với ngọc thạch.
Hãy sắp xếp công việc khéo léo để không thiếu giờ dự lễ. Đừng nói rằng quá bận nhiều công chuyện. Chúa Giê-su đã nhắc nhở: “Mác-ta, Mác-ta, chị bối rối lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” (Lc 10, 41-42).
Khi người ta muốn thật, người ta sẽ tìm ra giờ để lỗi bổn phận. Thánh Giu-se Cốt-tô-len-gô khuyên mọi người dự lễ hằng ngày: giáo chức, bác sĩ, công nhân, và cả những ai nói rằng không có thì giờ, Ngài cũng bảo: “Sắp xếp tồi quá! Tiết kiệm thời giờ không hay!” Ngài nói đúng, vì nếu ta ca ngợi Thánh lễ có giá trị vô cùng, thì tại sao ta không mong ước được tham dự, tại sao ta tham dự với vẻ bắt buộc hay cho qua, và tại sao không sắp xếp thời giờ để tham dự?
Khi Thánh Ca-rô-lô Sê-ô-a-e định đi Rô-ma để xin bố thí cho dòng của Ngài, Ngài dành thời giờ để đi viếng nhà thờ và dự thêm Thánh lễ. Tới lúc linh mục dâng Mình Thánh lên, Ngài được Chúa ban mũi tên tình yêu phóng vào trong tim.
Sáng nào Thánh Phan-xi-cô Pau-la cũng đi nhà thờ và ở lại đó dự nhiều lễ. Thánh Gio-an Bê-man, Thánh An-phong-xô, Thánh Giê-ra-đô Ma-gien-la thường giúp bao nhiêu lễ khi có thể.
Chân Phước Phan-xi-cô Chúa Hài Nhi, dòng Ca-mê-lô, mỗi ngày giúp mười lễ. Khi nào không đủ thì Ngài nói: “Hôm nay tôi ăn bữa điểm tâm còn đói.” Người ta nói thế nào về cha Pi-ô Pi-tren-lô-xi-na, Ngài dự mỗi ngày nhiều lễ, và khi dự lễ, Ngài đọc kinh Mân Côi. Cha thánh xứ Ars, cha Gio-an Ma-ri-a Vi-an-nây, không bỏ một lễ nào, Ngài nói: “Lễ Mi-sa là việc tôn sùng của các Thánh.” Các linh mục thánh thiện có lòng yêu mến Thánh lễ Mi-sa cũng hay nói như vậy. Đối với các Ngài khi không thể dâng lễ được là một đau khổ lớn. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Bi-an-chi nói với thầy dòng anh em rằng: “Khi các thầy nghe thấy tôi không còn dâng lễ Mi-sa nữa thì cứ nghĩ là tôi đã chết rồi.”
Thánh Gio-an Thánh Giá cho hay, nỗi đau khổ lớn nhất của Ngài phải chịu khi ngồi tù là không được dâng lễ cũng như không được chịu lễ trong suốt chín tháng liền.
Ngăn trở và khó khăn không là gì đối với các Thánh khi các Ngài sắp xếp công việc để không mất sự tốt lành tuyệt hảo này. Chẳng hạn, Thánh An-phong-xô, một hôm đi qua tỉnh Na-pô-li nước Ý, Ngài bị đau bụng dữ dội, thầy dòng cùng đi với Ngài xin Ngài dừng lại để chữa, nhưng Thánh nhân hôm ấy chưa dâng lễ Mi-sa nên nói rằng: “Thầy ơi, thà tôi đi thêm mười dặm nữa trong tình trạng đau đớn thế này còn hơn là để mất lễ.” Và dù đau đớn, Ngài chờ một chút cho dịu cơn đau rồi lại đi tìm nhà thờ tiếp.
Thánh Lô-ren-sô Brin-đi-xi dòng Ca-pu-chin khi đang ngụ trong thành phố thuộc lạc giáo, thành này không có nhà thờ Công Giáo, Ngài phải đi bộ bốn mươi dặm, tìm cho được nhà thờ Công Giáo để dâng lễ.
Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, có thời cũng ở trong thành phố thuộc về người Tin Lành, và để được dâng lễ, sáng nào Ngài cũng phải đi bộ trước khi mặt trời mọc, tìm đến nhà thờ Công Giáo nằm bên bờ hồ xa. Mùa thu, nước dâng cao trôi mất chiếc cầu mà Thánh nhân thường đi qua, nhưng không nản chí, Ngài tìm chiếc cầu khác xa hơn để đi. Về mùa đông, trời đổ tuyết và trở nên băng giá, đầy nguy hiểm trơn trượt, ngã xuống nước, nhưng Ngài lại tìm kế khác để không mất lễ.
Ta không thể diễn tả đầy đủ những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Thánh lễ, những hiệu quả từ bàn thờ hy tế núi Can-vê phát sinh. Cũng không thể gọi là sùng kính quá mức đối với sự lạ lùng siêu việt của tình yêu linh thánh này.
Thánh Bô-na-ven-tu-ra viết: “Thánh lễ là sự thành công của Thiên Chúa, nơi đó Ngài để trước mắt chúng ta cả tình yêu Ngài mang đến cho ta, đó là tổng hợp, là tóm tắt những ơn phúc ban xuống cho ta.”


Tham dự hữu hiệu và chủ động
Giá trị lớn lao vô cùng của Thánh lễ khiến ta hiểu rằng cần phải ý thức và cung kính tham dự hy tế của Chúa Ki-tô chừng nào. Thờ lạy, yêu mến và thống hối phải là những tâm tình ưu tiên nơi mỗi người chúng ta.
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã phản ảnh sống động hình ảnh mà đức Pi-ô XII diễn tả về Thánh lễ, đó là “trạng thái Chúa Giê-su trong tâm tình khiêm tốn, vâng phục tự hiến cho Chúa Cha, nghĩa là những tâm tình thờ lạy, yêu mến, ngợi khen, cảm tạ dâng lên Chúa cao cả, để ta rập mẫu tình trạng của lễ, theo lời giáo huấn của Phúc Âm, từ bỏ và tự tình chấp nhận hy sinh đền tội, thống hối, đền bù tội lỗi ta.”
Thực vậy, tham dự sống động Thánh lễ Mi-sa là làm cho ta nên của lễ như Chúa Giê-su, và tiếp tục “hoạ lại trong ta trạng thái đau thương, khổ hình như Chúa Giê-su” (Đức Pi-ô XII), cho phép ta nên “đồng bạn trong sự đau khổ của Người” như ta “đồng tử nạn với Người” (Pl 3,10). Những gì còn lại chỉ đơn giản là nghi lễ, lễ phục.
Thánh Grê-gô-ri-ô Cả dạy: “Hy sinh bàn thờ ta dâng lên Chúa chỉ thực sự được chấp nhận khi ta dâng chính mình như của lễ.” Phản ảnh tín lý này, các cộng đồng tín hữu ban đầu thường cử hành nghi thức thống hối, hát kinh cầu các Thánh, đi rước tới bàn thờ để cử hành Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng chủ toạ. Theo Thánh Tô-ma Tông Đồ, nếu ta đi dự lễ với tâm tình ấy, phải coi như ta nói: “Nào ta cùng đi và chết với Thầy” (Ga 11,16).
Khi Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a A-la-cô-que dự lễ, Ngài chăm chú nhìn lên bàn thờ, chẳng bao giờ rời mắt khỏi Thánh Giá và cây nến sáng. Sao vậy? Vì tâm trí Ngài đã có hai ấn tượng này: Thánh Giá gợi lại những gì Chúa Giê-su đã làm cho Ngài, nến cháy nhắc nhở những gì Ngài phải làm cho Chúa, nghĩa là hy sinh và hao mòn bản thân cho Chúa và các linh hồn.
Gương mẫu tốt nhất cho ta tham dự lễ Mi-sa là gương mẫu dưới chân Thánh Giá của Mẹ Ma-ri-a, Thánh Gio-an, Thánh Ma-đa-lê-na và các bà đạo đức (Ga 19,25). Dự lễ tại bàn thờ y như dưới chân Thánh Giá tại đồi Can-vê.
Thánh An-rê A-vê-li-nô thường cảm động đến chảy nước mắt nói rằng: “Người ta không thể phân rẽ Thánh Thể ra khỏi cuộc Tử nạn của Chúa.”
Một hôm, con thiêng liêng của cha Pi-ô Pi-tren-lô-xi-na hỏi Ngài: “Thưa cha, chúng con phải dự Thánh lễ như thế nào?” Cha trả lời: “Như Đức Mẹ, Thánh Gio-an, Thánh Ma-đa-lê-na và những bà đạo đức trên đồi Can-vê, yêu mến Chúa và cảm thương Chúa.”
Trong sách lễ của một con thiêng liêng, cha Pi-ô viết: “Khi dự Thánh lễ, hãy tập trung ý hướng vào mầu nhiệm vĩ đại này đang diễn ra trước mắt con, đó là sự cứu rỗi và hoà giải của linh hồn con với Chúa.” Lần khác, người ta hỏi Ngài: “Thưa cha, khi dâng lễ tại sao cha lại khóc nhiều như thế?” Ngài trả lời: “Hỡi con, những nước mắt này có là gì sánh với điều đang xảy ra trên bàn thờ. Nơi đó đáng phải đổ ra cả nguồn nước mắt.” Lần khác, người ta lại hỏi: “Thưa cha, cha đau đớn thế nào khi vết thương đang chảy máu mà phải đứng suốt buổi lễ?” Cha Pi-ô trả lời: “Khi dâng lễ, không phải cha đứng mà là cha đang bị treo.” Mấy tiếng “bị treo” ngắn ngủi nói lên mạnh mẽ ý nghĩa “cùng bị đóng đinh với Chúa” mà Thánh Phao-lô đã nói (Gl 2,19), nhờ đó ta dự lễ trọn vẹn chứ không phải giả dối, lý thuyết suông được cất lên vô nghĩa, hay dự lễ với những lời đọc bên ngoài. Thánh nữ Bê-na-đét-ta Sau-bi-raus nói với một tân linh mục rất chí lý rằng: “Xin cha nhớ rằng linh mục tại bàn thờ cũng giống như Chúa Giê-su trên Thánh Giá.” Thánh Phê-rô An-can-ta-ra mặc áo lễ như Ngài sắp lên đồi Can-vê, vì tất cả lễ phục của linh mục đều liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa. Áo dài trắng gợi lại áo trắng Hê-rô-đê đã cho Chúa mặc để chế giễu Người, dây thắt lưng nhắc lại việc Chúa chịu đánh đòn, dây đeo cổ nhắc lại dây thừng trói Chúa, khăn vai nhắc lại mão gai, bên ngoài áo lễ có hình Thánh Giá nhắc lại Thánh Giá đè trên vai Chúa.
Những ai dự Thánh lễ cha Pi-ô cử hành nhắc nhớ tới nước mắt nóng hổi của Ngài, nhớ tới một điều kiện bó buộc Ngài là những ai dự lễ phải quỳ gối, nhớ lại những phút thinh lặng cảm động khi Thánh lễ diễn ra, nhớ lại những đau khổ thống thiết tỏ trên khuôn mặt cha Pi-ô khi Ngài trịnh trọng tuyên đọc lời truyền phép, nhớ lại những lúc tín hữu đầy nhà nguyện, cầu kinh trong thinh lặng, khi cha Pi-ô âm thầm cầu nguyện vì chuỗi Mân Côi kéo dài hàng giờ.
Những sự chia sẻ của cha Pi-ô khi dâng lễ cũng giống như của các Thánh. Nước mắt của Ngài giống như nước mắt của Thánh Phan-xi-cô A-si-si (đã có lúc biến thành máu), giống như Thánh Vinh-sơn Phơ-ri-ê, Thánh Lô-ren-sô Brin-đi-xi (đã có lần ướt cả 7 chiếc khăn tay), như Thánh Vê-rô-ni-ca Giu-li-a-ni, Thánh Giem-ma Gan-ga-ni, Thánh An-phong-xô. Nhưng vượt trên những điều đó, làm sao người ta có thể thờ ơ trước cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô? Chắc ta giống như các Tông Đồ nằm ngủ tại vườn Ghết-sê-ma-ni, hoặc ít ra như lính tráng đứng dưới chân Thánh Giá, chỉ nghĩ tới trò chơi rút thăm, không quan tâm đến Chúa đang đau đớn hấp hối trên Thánh Giá (và tuy nhiên đây là cảm nghĩ buồn phiền khi ta dự lễ “nhạc rock” với tiết điệu tây ban cầm, chơi kiểu thế gian với những cử chỉ tầm thường, với các phụ nữ ăn mặc thiếu nết na kín đáo, và giới trẻ mang những y phục kỳ lạ,… Xin Chúa tha cho).
Ta hãy ngắm nhìn Mẹ Ma-ri-a Đồng Trinh và các Thánh. Hãy noi gương các Ngài. Chỉ có noi gương các Ngài, ta mới đi đúng đường, đường làm vui lòng Chúa (1Cr 1,21).


Thánh lễ với các linh hồn trong Luyện Ngục
Khi ta đã từ bỏ đời này thì không còn ao ước gì hơn là Thánh lễ Mi-sa được dâng hiến để cầu cho linh hồn ta. Thánh lễ Mi-sa tại bàn thờ là lời bào chữa hiệu quả nhất, vì vượt trên mọi lời cầu, mọi hy sinh và mọi việc lành. Chẳng có gì khó hiệu khi ta nhớ lại lễ hy sinh bàn thờ cũng chính là hy sinh Thánh Giá xưa. Ngày nay Chúa dâng trên bàn thờ với giá trị vô cùng. Đền vì tội ta (1Ga 2,2), đầy hiệu lực tha tội (Mt 26,28). Tuyệt đối không có gì sánh bằng Thánh lễ Mi-sa, và hiệu quả cứu rỗi của Thánh lễ có thể lan rộng cho số vô hạn các linh hồn. Một lần, khi cử hành Thánh lễ trong nhà thờ thánh Phao-lô tại Ba Suối ở Rô-ma, Thánh Bê-na-đô đã thấy một thang dài vô tận lên tới trời. Rất nhiều Thiên Thần lên xuống trên đó, đem các linh hồn từ Luyện Ngục lên Thiên Đàng, đó là các linh hồn đã được giải thoát nhờ hy tế Chúa Giê-su, và ngày nay được các linh mục ở trần gian làm mới lại trên bàn thờ. Do đó, khi một người thân trong họ hàng qua đời, ta hãy cẩn trọng xin lễ và dự lễ cho họ, hơn là để ý đến những hoa, những áo tang và việc rước xác….
Đã có rất nhiều linh hồn trong Luyện Ngục được hiện về xin cha Pi-ô dâng Thánh lễ cầu cho họ, để họ chóng được ra khỏi Luyện Ngục. Một lần, sau khi dâng lễ cầu cho một tu sĩ cùng dòng Phan-xi-cô với Ngài, Thánh lễ chấm dứt cha nói với thầy bạn: “Sáng nay linh hồn ba của thầy đã vào Thiên Đàng rồi.” Thầy dòng rất vui mừng khi nghe cha Pi-ô nói như vậy, nhưng muốn hỏi lại: “Nhưng thưa cha, ba con chết đã ba mươi hai năm rồi mà.” Cha Pi-ô nói thêm: “Con ơi, trước mặt Chúa, mọi sự đều phải sòng phẳng.” Chính Thánh lễ cho ta giá trị vô cùng: Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Con Chiên vẹn sạch (Kn 5,12).
Một hôm trong bài giảng, Cha thánh xứ Ars đã nêu ví dụ về một linh mục dâng lễ cho người bạn đã qua đời, sau khi truyền phép Thánh Thể Ngài nói: “Lạy Chúa Cha, con xin đánh đổi, Chúa giữ linh hồn bạn con trong tay Chúa, con có Mình Thánh Con Chúa trong tay con, xin Chúa giải thoát bạn con khỏi Luyện Ngục, con dâng Chúa Mình Thánh Con Chúa với mọi công nghiệp cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Người.”
Cần nhớ rằng: tất cả những lời cầu nguyện và việc lành dâng lên cầu cho các linh hồn là tốt lành và đáng khuyến khích, nhưng tốt nhất là hãy dâng Thánh lễ cầu cho các linh hồn (cách riêng lễ Grê-gô-ri-a-na 30 ngày liên tiếp).
Trong tiểu sử Chân Phước Hen-ri Su-sô, người ta đọc thấy rằng, khi còn trẻ, Ngài đã giao ước với thầy bạn cùng dòng: “Nếu ai trong hai ta chết trước, người còn lại sẽ dâng cho người kia mỗi ngày một lễ Mi-sa.” Người bạn của Hen-ri chết trước tại nơi truyền giáo. Chân Phước Hen-ri có lúc đã nhớ tới lời hẹn ước này, nhưng còn phải dâng lễ theo ý chỉ khác, nên Ngài đã làm việc lành, thay vì dâng lễ cầu cho bạn như đã hứa. Người bạn đã hiện về quở trách cha Su-sô: “Lời cầu và việc hãm mình của cha không đủ cho tôi, tôi cần Máu Chúa Ki-tô”, “Máu Chúa tha nợ cho tội nhân” (Cl 1,14).
Thánh Giê-rô-ni-mô Đại nhân cũng viết như sau: “Tất cả các lễ được sốt sắng dâng lên sẽ cứu nhiều linh hồn ra khỏi Luyện Ngục bay vào Thiên Đàng.” Khi ai dự Thánh lễ sốt sắng cũng nói được như vậy. Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na Pa-zi, một nhà thần bí dòng kín Ca-mê-lô, khi ở trong nhà, bà có thói quen đem tâm trí dâng Máu Thánh Chúa Giê-su xin giải thoát các linh hồn Luyện Ngục. Một lần được ơn ngất trí, Chúa Giê-su tỏ cho bà hay, nhờ việc dâng hiến Máu Thánh, Chúa đã cứu cho bà nhiều linh hồn. Điều đó chẳng lạ, vì Thánh Tô-ma A-qui-nô phát biểu: “Chỉ một giọt Máu Thánh Chúa cũng có giá trị đủ cứu cả thế giới vì những xúc phạm đến Thiên Chúa.”
Vì thế, ta hãy cầu cho các linh hồn nơi Luyện Ngục, và cứu thoát họ nhờ xin lễ hoặc dự lễ với ý chỉ cầu cho họ. Cha thánh xứ Ars nói: “Mọi việc lành hợp lại cũng không thể sánh với lễ Mi-sa, vì mọi việc lành là của loài người còn Thánh lễ Mi-sa là của Thiên Chúa.”


Tác giả: Rw. STEFANO. OFM



Phỏng dịch: ĐỒNG TÂM. CMC