PDA

View Full Version : Ăn ở ngay lành



duoc1706
28-06-2011, 10:18 AM
Cha Minh Trân, CMC
01. Chức Thánh?
1. Thưa cha, con có câu hỏi muốn hỏi cha xin cha giải đáp dùm cho con được hiểu thêm… 1. Quý Soeur có được gọi là chức thánh? 2. Khi quý thầy chịu chức phó tế thì có được phép làm những gì? 3. Con thấy quý Đức Cha thường có những khẩu hiệu kèm theo khi được chọn làm Đức Giám Mục, ví dụ như Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận với khẩu hiệu "Vui Mừng và Hy Vọng." Vậy khẩu hiệu đó có ý nghĩa gì? Xin Cha giải thích cho con. Con cám ơn cha nhiều…(Một người ở California)
Một Người Ở Cali mến,
1. Chức thánh thuộc một trong Bảy Bí Tích Chúa Giêsu đã lập (CCC #1114). Đức Giám Mục trao ban chức thánh cho các thầy trong thánh lễ truyền chức phó tế và truyền chức linh mục, hoặc cho các linh mục trong thánh lễ truyền chức Giám Mục. Việc quý Soeur (hoặc quý thầy trong các dòng tu) tuyên khấn lời khấn thánh, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, là "một hành vi đạo đức, qua đó người Kitô hữu tự hiến thân cho Thiên Chúa hoặc hứa với Ngài một việc lành nào đó." (CCC #2102). Như thế, chúng ta hiểu lời khấn không thuộc chức thánh và cũng không được gọi là chức thánh.
2. Nhiệm vụ chính của các phó tế là phụ giúp các giám mục và các linh mục trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, trên hết là mầu nhiệm Thánh Thể, cho rước lễ, chứng kiến và chúc lành các cuộc hôn nhân, công bố Phúc Âm và rao giảng Lời Chúa, chủ sự lễ nghi an táng và hiến thân lo các công việc bác ái (CCC #1570). Ngoài ra, các phó tế được cử hành Bí Tích Rửa Tội (CCC #1256)
3. Ý nghĩa của các khẩu hiệu các Đức Cha chọn cho mình không gì khác hơn là điều các ngài khắc khoải muốn trở nên hoặc muốn thi hành như thế. Với khẩu hiệu "Vui Mừng và Hy Vọng," Đức Cố Hồng Y Thuận muốn hy sinh đời Giám Mục của mình để đem Niềm Vui và Hy Vọng đến cho mọi người. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn "Tôi Tớ của các tôi tớ" để nhắc nhớ mình luôn cố gắng trở nên và luôn là người phục vụ Chúa Giêsu và Nhiệm Thể của Ngài là Giáo Hội.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:19 AM
02. Thánh Lễ chiều Thứ Bảy có thể thế Lễ Chúa Nhật?
Thưa Cha,
Tham dự Thánh Lễ tại gia vào chiều Thứ Bảy sau 5:00 giờ với mục vụ ngày Chúa Nhật có thể thế ngày Chúa Nhật không? Nếu không mà cứ cố tình hiểu như vậy có mắc tội phạm Chúa Thánh Thần không? (ĐA)
ĐA thân mến,
Nói chung, việc tham dự Thánh Lễ tại gia vào chiều Thứ Bảy sau 5:00 giờ với phụng vụ ngày Chúa Nhật có thể thế ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, để việc dâng thánh lễ tại gia và chiều Thứ Bảy được hợp pháp, mỗi địa phương mỗi qui định khác nhau. Đề nghị ĐA nên liên lạc và hỏi phép nơi cha xứ hoặc cha quản nhiệm.
Tội phạm đến Chúa Thánh Thần, theo một vài nhà thần học gia cắt nghĩa, là tội mất tin tưởng vào lòng thương xót thứ tha của Chúa.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:20 AM
03. Tại sao sống cả hồn lẫn xác trong ngày sau hết?
Thưa Cha,
Nếu khi con người được diễm phúc vào Thiên Đàng, và sống như các thiên thần, thì tại sao cần sống lại cả hồn lẫn xác trong ngày sau hết? Như thế có phải là dư thừa không? Con hỏi vì các sách vở (như là Embraced by the Light, tác giả Betty J. Eadie) và phim ảnh mô tả sự chết là đi vào ánh sáng vui vẻ hạnh phúc, trong khi Giáo Lý Công Giáo lại dạy rằng khi chết thì sẽ vào luyện ngục đau khổ và cần sự cầu nguyện…v…v… (ĐA)
ĐA mến,
Cám ơn ĐA đã nêu lên một thắc mắc hay. Thắc mắc của ĐA gợi tôi nhớ lại hoàn cảnh của Bác tôi. Bác tôi bị bệnh suy thận lâu ngày lâu năm… đến lúc giai đoạn nguy kịch. Bác sĩ báo cho bác tôi biết là thận của bác tôi đã hư cả hai, và chỉ còn đợi chờ chết trừ khi có người cho thận và thận người đó hợp với cơ thể của bác tôi. Mọi sự xem ra dường như thất vọng. Nhưng may thay, cậu tôi bên Việt Nam nghe tin liền vội xin phép làm giấy tờ sang Mỹ để cho anh ruột của mình một trái thận. Cuộc giải phẩu tốt lành. Cậu tội tuy yếu mệt mấy tháng đầu nhưng cho đến nay sức khoẻ vẫn tốt. Bác tôi sống thêm được 12 năm.
Qua sự kiện trên, tôi mới hiểu có thể đó cũng là lý do vì sao Chúa ban cho mỗi người chúng ta 2 quả thận. Không dư thừa. Ngoài ra, còn nhiều ví dụ điển hình khác mà ĐA cũng có thể tự suy ra như: tại sao Chúa ban 2 mắt? một mắt cũng thấy được mà. tại sao 2 chân? 2 tay? 2 tai? v.v… bộ không dư thừa à?
Điều tôi có ý muốn nói với ĐA là việc hồn xác được sống lại trong ngày sau hết không phải là dư thừa. Đó là một mầu nhiệm đức tin Giáo Hội dạy mà lý trí con người nhiều khi không thể suy thấu. Vì đó thuộc phạm vi siêu việt mà. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể qua đó hiểu một phần nào về tầm quan trọng của thân xác con người. Thân xác con người không phải là một cái gì dơ bẩn, hèn hạ, và vô ích nhất là một khi bị tan rửa. Trái lại đã đề cao phẩm giá của thân xác và kêu gọi sự kính trọng (CCC # 1004). Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa khi Ngài nói thân xác con người là "đền thờ của Chúa Thánh Thần" (1Cor 6:19). Đức Thánh Cha đương kim, Gioan Phaolô II, cũng mới xuất bản cuốn sách về Thần Học của Thân Xác. Nói tắt, Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy chúng ta rằng ngày sau hết thân xác chúng ta cũng được ân huệ cao trọng là chia sẻ sự vinh quang của thân xác phục sinh Chúa Giêsu Kitô.
Về phần thứ hai của câu hỏi ĐA nêu lên, tôi thiết tưởng là người Công giáo chúng ta nên tin tưởng vào thế giá giáo huấn của Giáo hội hơn là dựa vào những hình ảnh và triết thuyết từ phim trường Holywood hoặc sách vở. Công đồng Lyons II dạy: "Giáo hội Rôma rất thánh tin và tuyên xưng cách vững vàng rằng, vào ngày Phán xét, tất cả mọi người sẽ trình diện trước toà án của Chúa Kitô, với thân xác của mình, để trả lẽ về các hành vi của mình." (CCC #1059)
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:21 AM
04. Đi vào Strip Club có tội?
Thưa cha, nếu mà mình đi vô strip club để mừng bachelor party thì có tội hay không? Theo con nghĩ thì không có tội, vì tội trọng chỉ thành khi mình biết cái đó có tội, mình làm cái đó cố tình. Còn nếu mình chỉ nhìn mấy cô gái không mặc quần áo thì đâu có gì đâu là có tội có đúng không cha? Con có người bạn cứ nói là có tội khi đi vô trong strip club. Con muốn explain cho người đó biết cái đó là bình thường nhưng vô hiệu. Xin cha giải thích dùm con nhe! (NN)
NN mến,
Như NN cũng đã biết, 3 điều kiện để cấu thành tội trọng gồm: thứ nhất việc đó là việc nặng, thứ hai ý thức rõ ràng, và thứ ba hoàn toàn ưng thuận. (CCC # 1858-1859). Tuy nhiên, trước khi đề cập đến tội trọng hay tội nhẹ của việc đi vô strip club, tôi thiết tưởng chúng ta cũng cần ý thức lại xem tội là gì?
Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo định nghĩa về tội như sau: "Tội là một sự sai lỗi nghịch với lý trí, với chân lý, với lương tâm ngay chính…" (CCC # 1849). Do đó, để biết việc đi vô strip club có tội hay không thì chúng ta cần xét đến xem việc này có sai với lý trí, với chân lý, hoặc với lương tâm ngay chính hay không.
Lý trí, chân lý, và lương tâm ngay chính nói với chúng ta điều gì? Chắc hẳn một điều rất căn bản mà NN cũng như tôi và cũng như mọi người đều công nhận. Đó là việc tốt thì làm và việc không tốt thì không nên làm. Về điểm này NN có thể tự hỏi: việc đi vô strip club là việc tốt hay việc không tốt? Phải chăng việc nhìn mấy cô gái trần truồng là việc tốt, nên làm của những người tín hữu ngoan đạo? Ba má tôi, vợ con tôi, bạn bè tôi, và ngay cả chính tôi (nếu bình tâm cẩn trọng suy xét từ đáy lòng)… sẽ nghĩ thế nào về việc tôi lui tới strip club? Liệu tôi có thể giữ tâm hồn mình bình an hay trái lại những hình khoả thân của người nữ cứ ngày đêm chí phối tư tưởng, lời nói, và hành động của tôi? Liệu việc thờ phượng kính mến Chúa của tôi có còn tinh ròng và sự hy sinh bác ái giúp đỡ gia đình, cộng đoàn, và tha nhân của tôi có còn hăng hái dấn thân hay không?...
Nói tóm, ngoài 3 điều kiện cấu thành tội ở trên, chủ ý và hoàn cảnh của bất cứ một hành động nhân linh nào đều rất can hệ. Theo tôi, việc đi vô strip club nếu không phải là tội thì cũng là một dịp tội rất gần. Và như chúng ta đều biết, tội có thể phạm trong tư tưởng, trong lời nói, hoặc trong việc làm. Tội có thể phạm do con mắt, do tay chân… Về điểm này, Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ chúng ta cẩn thận đề phòng rằng: "Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục." (Matthêu 18:9) Các thánh thường nói: "con mắt là cửa sổ của linh hồn." Riêng tôi, xin gởi đến NN lời của cha ông ta để lại: "Lửa gần rơm không sớm thì muộn…"
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:22 AM
05. Lịch sử Giêrusalem...?
Thưa Cha,
1. Xin Cha giúp cho con biết về lịch sử của thành Giêrusalem, nhất là ý nghĩa của thành về phương diện tôn giáo.
2. Trong 1 đoạn Phúc Âm nói, Chúa dự định nghỉ ngơi ở một làng Samaria, nhưng vì dân ở đó biết Chúa đang trên đường đi đến Giêrusalem nên họ không đón tiếp Ngài. Xin Cha giúp con hiểu tạo sao người Samaria có thái độ đó đối với Chúa.
3. Trong đoạn Phúc âm theo thánh Luca dưới đây, xin Cha giúp con hiểu vì sao Chúa Giêsu nói: "Không lẽ một tiên tri phải chết ngoài thành Giêrusalem?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy." Người trả lời: "Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: 'Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem.' "Ôi Giêrusalem, Giêrusalem!Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: 'Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!" Đó là lời Chúa.
Con cám ơn cha rất nhiều, xin Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho cha luôn mãi. (Một Giáo Dân)
Một giáo dân mến,
Tôi thành thật cảm phục tinh thần học hỏi, tìm hiểu Thánh Kinh của anh. Anh làm một phát 3 câu. Câu nào cũng nặng ký cả. Chân thành cám ơn anh đã tạo cho tôi có cơ hội ôn lại những gì đã học hỏi trước đây và tìm hiểu kỹ hơn Lời Chúa.
Về lịch sử của thành Giêrusalem thì cũng khá dài. Anh có thể tìm hiểu kỹ thêm trong sách Samuel quyển 2, sách các Vua quyển 2, và sách Ký Sự quyển 2. Tôi xin được tóm gọn một vài điểm chính yếu:
Giêrusalem đã có từ thời tiền sử. Xem ra thành này xuất hiện giữa những thành phố Canaan… Vào thời Vua David, ngài đã chiến thắng Vua Jebusites và chiếm thành Giêrusalem… và gọi là thành của David (2 Samuel 5:6-9).
Trong suốt lịch sử của thành Giêrusalem, thành bị tấn công nhiều lần và bị phá huỷ hoặc hoàn toàn hoặc một phần cũng nhiều lần.
Thời vua Rehoboam, thành bị chiếm thủ bởi Shishak Egypt (1 Vua 14:25 tt; 2 Ký Sự 12:1 tt). Thời vua Jehoram, thành bị người Ả-rập và Philitinh tấn công (2 Ký Sự 21:1 tt.) Thời vua Amaziah, thành bị chiếm thủ bởi Jehoash ở Israel (2 Vua 14:11-14; 2 Ký Sự 25:21-24). Dưới triều đại của Hezekiah, người Assyrians đã bỏ vốn đầu tư vào thành này (2 Vua 18:13-19, 2 Ký Sự 32:1-22)… nhưng vẫn không rõ là người Assyrians có thật sự chiếm thủ thành hay không.
Sau khi vua Josiah qua đời, thành bị vua Necho ở Egypt chiếm thủ (2 Vua 23:33 tt; 2 Ký Sự 36:3). Thành bị thất thủ và hàng phục người Babylonians dưới thời vua Nebuchadnezzar năm 598 BC; nhưng khi Nebuchadnezzar chiếm thủ năm 587 BC, sau 18 tháng cô lập, thành đã bị phá huỷ hoàn toàn.
Sau năm 537 BC, thành được tái thiết (Ezra 1-7; Nehimia 1-4). Không một biến cố nào được ghi lại trong thời Persian và thời kỳ tiền Hy lạp; nhưng thành này là chiến địa của những trận xung đột thời Maccabean.
Thành bị người Rôma bao vây và đột chiếm dưới thời Pompey năm 63 BC. Về sau, một lần nữa bị người Rôma đột chiếm năm 70 AD dưới thời Vespasian và Titus và bị thiệt hại trầm trọng.
Xét về biểu tượng thần học của Giêrusalem, chúng ta thấy Giêrusalem mang một ý nghĩa không phải đồng hoá với triều đại vua David, nhưng về đền thờ. Giêrusalem là "nơi Yavê chọn cho danh Ngài ngự trị" (1 Vua 11:13; 2 Vua 21:4; 23-27). Sion là núi thánh của Ngài, trên đó Ngài đã đặt Vua của Ngài (Tv. 2:6). Như thế, Giêrusalem là thành thánh, là nơi ở và là ngai của Yavê (Je 3:16 tt). Thành là trung tâm thờ phượng của Yavê, nơi mà tất cả muôn dân sẽ lui tới (Is 2:2 tt; 60:1 tt).
Về câu hỏi thứ 2 của anh, tôi tìm thấy sự kiện này được Thánh sử Luca ghi lại ở đoạn 9: 51-56. Theo một số nhà chú giải thánh kinh thì vấn đề người Samaritanô không đón nhận Chúa Giêsu liên quan đến việc tranh luận giữa họ và người Do thái về nơi thờ phượng -- hoặc là ở Giêrusalem hay là trên núi Gerizim gần Sychar (xem Gioan 4:20). Đã hục hặc với nhau rồi thì làm sao có thể nói tới chuyện tiếp đón… cũng may là họ chưa đánh đấm mà đuổi Chúa.
Về câu hỏi thứ 3 của anh, chúng ta cũng cần biết là: Hai chủ đề quán xuyến chiếm ưu thế ở đây là: Giêrusalem vừa là nơi thất tín và bất trung của người Do Thái đồng thời vừa là nơi Thiên Chúa tuyển chọn, hiện diện, bảo vệ và vinh quang. Diễn tiến của lịch sử cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa thứ nhất và do đó đã làm cho Chúa thịnh nộ và trừng phạt họ. Vinh quang của thành chỉ có thể nằm trong tương lai. Xem Isaia 1:21; 29:1-4; Mattheu 23-37; Isaia 37:35; 54:11-17. Xem ra, số phận của các tiên tri là thế ấy. Nhưng thử hỏi còn gì quí bằng dâng chính cuộc sống mình làm của lễ thượng tiến lên Thiên Chúa tại chính Thành Thánh phải không anh?
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:23 AM
06. Vào đạo làm sao?
Kính thưa cha,
Con là một người ngoại đạo. Con biết đến Thiên Chúa Giáo từ một người bạn của cha mẹ con. Từ đó con có niềm tin nơi Chúa. Con luôn cố gắng làm điều lành trong cuộc sống không bị mất lòng ai. Con luôn mong mình trở thành con chiên của Chúa, nhưng con không dám đi đến nhà thờ vì không phải là con chiên của Chúa. Con không biết làm thế nào để trở thành con chiên của Chúa. Xin cha cho con biết làm thế nào để con trở thành người có Đạo. Con cám ơn Cha! (TTT)
Chị TTT mến,
Vừa nhận được thắc mắc của chị từ Dongcong.net, tâm hồn tôi rạo rực niềm hân hoan. Cám ơn Chúa nhiều vì những ơn Chúa đã ban cho chị nói riêng và cho Giáo hội Công giáo nói chung.
Một vài tuần trước đây đang khi ngồi coi Football chung với mấy thầy trong nhà dòng, có một cha già cũng đến xem… thông thường các cha lớn tuổi không thích xem bộ môn thể thao này, vì không hiểu. Có lần có cha nói: "Thiếu gì chỗ trống mà không chạy, sao lại cứ ôm banh chui đầu vào chỗ đông người… để rồi họ húc cho…" Tuy nhiên, lần này không biết vì lý do nào, vị cha già này đứng lại xem hơi lâu… rồi hỏi mấy thầy trẻ cắt nghĩa giải thích cho biết cách chơi thế nào… thế là gần đây thấy ngài cứ lui tới TV vào những giờ xem Football…
Người ta thường nói: "Vô tri bất mộ." Qua câu chuyện trên, tôi cũng có ý muốn nói với chị là muốn biết đạo, biết Chúa, và trở thành con chiên của Chúa thì cần phải lui tới nhà thờ để tìm hiểu thêm. Vì đó là nơi thờ phượng cũng như trung tâm sinh hoạt của người Công giáo. Trước nhất, tôi đề nghị chị nên đến nhà thờ, gặp cha xứ tức là vị linh mục ở nhà thờ đó và trình bày ước nguyện của chị. Chắc chắn cha sẽ giúp chị được toại nguyện.
Tôi sẽ dâng lên Chúa lời tạ ơn và cầu nguyện cho chị ngày hôm nay nhe.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:24 AM
07. Tự tử?
Kính chào cha!
Con muốn hỏi cha, không biết có được hay không? Nếu con tự tử, thì gia đình con có bị liên luỵ gì hay không? Một người có ước muốn tự tử trong 1 thời gian dài thì sẽ có tội lớn lắm phải không cha? Chắc là con làm phiền cha nhiều? Con dừng ở đây nha. Chúc cha nhiều sức khoẻ. Cám ơn cha. (LT)
LT mến,
Sau khi đọc thư của LT hôm qua cha cứ thổn thức và bị chi phối suốt… ngay cả sáng nay vừa khi mở mắt thức dậy thì vấn nạn LT đề cập cũng lại đến với tâm trí cha. Cha đã dâng LT cho Chúa và Đức Mẹ. Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ là chính nguồn ủi an và là câu trả lời cho LT nhất là trong lúc tâm hồn bất an.
LT mến, xét riêng về sự liên quan xã hội, cha thiết nghĩ trước nhất gia đình… cha mẹ, anh chị em… sẽ bị liên luỵ nhiều nhất. Vì bất cứ một sự liên hệ nào bị cắt đứt cũng đều đau cả. Ngoài ra, những người gần gũi như thầy cô, bạn bè, họ hàng, thân quyến cũng sẽ "bị lây."
Còn xét đến sự liên hệ trong ơn thánh thì phải nói "tất cả mọi người" đều bị liên luỵ. Vì trong "trật tự ơn thánh sủng" một điều tội, điều xấu do một người làm thì ơn thánh Chúa xuống trên Giáo hội cũng bị ảnh hưởng. Trái lại, một việc tốt, việc lành do một người làm thì Giáo hội cũng được hưởng nhờ ơn phúc ấy.
Còn về vấn đề ước muốn tự tử hoặc có ý định tự tử trong một thời gian dài… nếu một khi LT hiểu biết đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận thì đó là một tội lớn, tội nặng.
Trước khi kết thư, cha thành thật cảm ơn LT đã tin tưởng chia sẽ nỗi lòng của mình với một người chưa hề gặp mặt bao giờ. Cha sẽ tiếp tục cầu nguyện cho LT được sớm tìm lại được sự bình an tâm hồn. Nếu có thắc mắc hoặc có vấn đề gì mà cha có thể giúp được thì cha sẵn sàng. LT đừng ngại nhe… Rất mong tin.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:25 AM
08. Thánh giá
Con thường hay đi xem lễ ở rất nhiều nhà thờ. Một hôm, tình cờ nhìn lên Thánh giá, chú ý đến đôi chân của Chúa Giêsu thì con mới thấy sự khác biệt: Có tượng thì chân trái của Chúa bắt chéo lên chân phải. Còn có tượng thì ngược lại, chân phải ở trên chân trái. Con không biết cái nào đúng. Và con cũng nhớ lại là không biết đầu của Chúa khi gục xuống thì gục bên nào. Nếu ai biết, xin chỉ cho con. (PVT)
PVT thân mến,
Thoạt tiên đọc xong câu hỏi của anh tôi tự thầm nhủ "cái anh này vớ vẩn thật… hỏi lung tung…" nhưng rồi sau đó cũng chính vì câu hỏi của anh đã làm tôi "nhìn lên" tượng thánh giá trong Đền Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ… và thấy chân phải của Chúa Giêsu ở trên chân trái. Chính xác như thế nào thì tôi không biết. Và tôi cũng không rõ có cách nào để kiểm chứng việc này không. Còn đầu của Chúa thì Thánh kinh cho thấy Chúa chẳng gục bên nào cả. Nhưng gục xuống. (Gioan 19:30)
Mến chúc anh mỗi khi nhìn lên thánh giá Chúa được hiểu rõ hơn tình Chúa yêu thương mỗi người chúng ta đến mức nào…
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:26 AM
09. Tại sao Dòng Đồng Công không lập chi dòng cho nữ giới?
Con nghĩ mục trao đổi nên có những bài Giáo Lý cho những bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên để họ biết cách giáo dục cho con em của họ theo Giáo lý công giáo của người Á Đông?... Nhà Dòng Đồng Công chọn thánh Quan Thầy là Đức Mẹ Đồng Công. Tại sao không lập một chi dòng cho nữ giới chúng con để cùng nhau hưởng ứng và thi hành mầu nhiệm là cùng đồng công cứu chuộc muôn người. Xin cha trả lời cho con biết. Thành thật cám ơn cha nhiều. (MT)
MT thân mến,
Dongcong.net nói chung, mục trao đổi do cha Tri phụ trách nói riêng, hoặc mục "ăn ngay ở lành" này chẳng hạn cũng đều có ý tạo cơ hội để mọi người chúng ta cùng học hỏi và chia sẻ những vấn nạn gặp trong đời sống thường ngày… nhất là những vấn đề gặp thấy nơi các em ở tuổi vị thành niên. Chị có những thắc mắc nào thì xin đừng ngại gởi về Dongcong.net để chúng ta cùng trao đổi nhe.
Chị hoặc những chị em nữ giới nào muốn dâng hiến đời mình cho Chúa để phụng sự Chúa và cứu các linh hồn theo linh đạo Đồng Công, tôi xin hân hạnh giới thiệu đến với Dòng Trinh Vương là Dòng có linh đạo rất giống Dòng Đồng Công. Xin ghé xem TrinhVuong.org.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:28 AM
10. Hôn môi
Kính thưa cha!
Hôm nay con mạnh dạn gởi thư này cho cha mong nhân được câu trả lời của cha cho vấn đề của con.
Con năm nay 19 tuổi, là sinh viên, 5 năm trước con có quen với 1 anh hơn con 7 tuổi, tình bạn rất trong sáng và con luôn tin tưởng anh ấy. Con tin là có tình bạn tốt giữa 2 người khác giới. Gần đây, anh ấy chuẩn bị cưới vợ, nhưng vẫn thường đến nhà con chơi và giới thiệu với vợ tương lai của anh con là em gái của anh ấy. Nhưng hôm đó con đến nhà anh đưa thiệp mừng sinh nhật cho anh, không có ai ở nhà ngoài anh. Con vẫn vui vẻ ngồi lại nói chuyện với anh, nhưng anh đã lợi dụng sơ hở và kiss lên môi con. Con rất sợ, và buồn vì mình sẽ mất đi 1 người bạn tốt sau cái hôn đó. Con muốn hỏi cha là: anh ấy hôn con như vậy con có tội hay không? Con rất bối rối và lo lắng vì con chưa có bạn trai, liệu có xúc phạm đến vợ sắp cưới của anh ấy hay không? Con cám ơn cha nhiều. Chúc cha luôn mạnh khoẻ. (TL)
TL mến,
Việc anh ấy hôn như vậy và ngoài ý muốn của TL thì không có tội. TL cứ yên tâm. Lần sau nên dè dặt và cẩn thận hơn. Thêm vào đấy, anh ấy lại đang chuẩn bị cưới vợ cho nên TL càng nên để ý hơn kẻo những chuyện hiểu lầm đáng tiếc sẽ xảy ra cho cả đôi bên. Ngoài ra, cha thiết nghĩ khi có cơ hội thuận tiện, TL nên đính chính lại việc anh ấy giới thiệu TL với vợ tương lai của anh ta. Rõ ràng và thành thật là điều tốt nhất. Bạn là bạn. Em gái là em gái. Chứ không phải thế này thế kia… Ngoài ra, cha cũng đồng ý với TL là "có tình bạn tốt giữa 2 người khác phái." Và tình bạn tốt nếu không cẩn trọng giữ gìn thì cũng sẽ dễ bị sức mẻ… "Thương nhau lắm, cắn nhau đau…" không phải là chuyện không ít xảy ra đâu.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:30 AM
11. Emmanuel
Kính thưa cha, xin cha cho con được hỏi, trong số các thánh tử đạo Việt Nam có thánh lấy tên thánh là Emmanuel. Như vậy tên Emmanuel đó là tên của một thánh ngày xưa hay là tên của Chúa Giêsu. Nếu lấy TÊN CHÚA mà đặt thành TÊN THÁNH thì có hợp lý không cha. Vậy nếu đó là tên Chúa thì ngày mừng quan thầy là ngày 25 tháng 12 cha nhỉ. Con rất thích lấy tên Emmanuel để làm thánh quan thầy thứ hai cho mình, nên muốn tìm hiểu rõ hơn, để khỏi bối rối. Xin cha giúp con nha. Con cám ơn cha nhiều. Trong giờ kinh nguyện hôm nay con sẽ nhớ cầu nguyện cho cha. Cha bảo trọng sức khoẻ. (HA)
Mến chào HA,
1. Đọc xong câu hỏi của HA, tôi liền lần dở những trang sách "Dòng Máu Anh Hùng," Tập III, của Cha Vũ Thành và thấy vị thánh tử đạo Việt Nam mà HA đề cập đến chính là ông Trùm (trùm nhà thờ chứ không phải trùm mafia đâu à) Emmanuel Lê Văn Phụng, thuộc họ đạo Cù Lao Giêng.
2. Tôi vẫn chưa có cơ hội để nghiên cứu sổ bộ các thánh từ xưa đến nay cho nên chưa biết rõ. Tuy nhiên, tôi biết chắc 2 điều : 1/ Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 1988. 2/ Emmanuel không phải là tên của Chúa Giêsu là Giêsu. Emmanuel không phải là tên của Chúa Giêsu. Emmanuel, theo New Encyclopedia, Volume V, trang 306, cho biết rằng đó là "tên tiêu biểu" (a symbolic name) được tìm thấy trong Isaia đoạn 7 câu 14 có nghĩa là "Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta." Thánh Matthêu đã hiểu và cắt nghĩa Emmanuel theo nghĩa cứu chuộc (a messianic sense) và áp dụng vào Chúa Giêsu (Mt. 1:22).
3. Theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khoản 2156 ghi rằng: "… Trong phép Rửa Tội, Danh Chúa thánh hoá con người, và người Kitô hữu nhận lấy tên gọi của mình trong Giáo Hội. Đây có thể là tên một vị thánh, nghĩa là một môn đệ của Chúa đã sống cuộc đời trung thành gương mẫu đối với Đức Chúa của mình. Sự nhận một vị thánh làm bổn mạng như thế, mang lại cho người ta gương sáng về đức ái, cũng như sự chuyển cầu của thánh nhân. Tên gọi khi lãnh nhận phép Rửa Tội cũng có thể nói lên một mầu nhiệm hoặc một nhân đức Kitô giáo. Cha mẹ, các người đỡ đầu và cha sở phải liệu để tên (thánh) đặt cho người được rửa tội đừng xa lạ đối với cảm thức Kitô giáo."
4. Theo những điều trên, tôi nghĩ rằng việc HA muốn chọn Emmanuel làm thánh quan thầy thứ hai cho mình là điều tốt. Trong thực tế, tôi biết có người Việt nam mình đặt tên cho con là Trinity (Chúa Ba Ngôi) và một vài người Mễ Tây Cơ tôi quen có tên là Jesus.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:31 AM
12. Đức khiết tịnh & đời sống đức tin
Kính gởi các cha!
Con hiện nay đang ở một Giáo xứ đang phát triển. Con có ý định sống đời sống dâng hiến trong Thiên Chức Linh Mục, nhưng quả thật đối với con mới chập chững thật là khó quá. Con không biết sống đời sống khiết tịnh và đời sống đức tin như thế nào nữa? Con có đi ra các dịch vụ internet để xem thông tin và lấy thông tin suy niệm cho Giáo xứ, có lúc lại bị các trang "web xấu" xuất hiện trên màn hình, thế là không kịp tắt nó. Thời gian sau này con cũng hay mở ra xem khi đi ra mạng, con cũng không biết phải làm thế nào nữa. Thưa cha, làm sao để cho bản thân được vững đức tin? Xin cha cho con một lời khuyên. Con mới vừa đăng ký vào chủng viện, con rất lo, không biết phải làm thế nào? Xin cám ơn các cha. (CK)
CK thân mến,
Sống đời sống khiết tịnh và đời sống đức tin trong xã hội đầy phức tạp ngày nay không phải là chuyện đơn giản… phải trầy da tróc vẩy đó anh ạ. Chắc chắn người tín hữu nói chung và tu sĩ nói riêng, ai cũng đều chân nhận rằng không có ơn Chúa chúng ta không thể giữ mình trong sạch được, và nếu có ơn Chúa thì chắc chắn không gì lại có thể ngăn cản tình yêu giữa chúng ta với Chúa… gian truân, bắt bớ, quỷ dữ lồng lộng… chẳng qua cũng chỉ là những thách đố cho chúng ta thấy tình yêu mình dành cho Chúa như thế nào. Một tâm hồn trong trắng, một trái tim tinh tuyền… chắc chắc là điều đẹp lòng Chúa lắm lắm.
Về vấn đề cám dỗ của những trang "web xấu", tôi thiết nghĩ chúng ta nên cẩn trọng đề phòng nhưng cũng đừng quá hốt hoảng sợ sệt… vì theo tín lý dạy cám dỗ cũng rất ích lợi và là điều phúc cho chúng ta mỗi khi chúng ta thắng vượt được nó… và thậm chí cả những khi lỡ lầm sa ngã cũng là lúc chúng ta nhận thức được con người mình yếu đuối như thế nào và tin tưởng cậy trông hơn vào lòng từ bi thương xót của Chúa.
Hy vọng mỗi khi lên mạng lấy tin tức là mỗi khi chúng ta có cơ hội mạnh dạn nói với Chúa rằng: lạy Chúa, con không thèm… chỉ một mình Chúa chi phối mọi hành động đời con… xin Chúa gìn giữ và chúc lành ơn gọi Chúa đã mời gọi con làm tông đồ cho Chúa.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:32 AM
13. Làm dấu thánh giá bằng tay trái?
Làm ơn cho con hỏi việc làm dấu thánh giá ngoài việc làm để tôn vinh và tin tưởng tuyên xưng Chúa Ba Ngôi thì người ta có thể làm được tay trái không nếu không thì xin vui lòng giúp con để con hiểu hơn tình yêu Thiên Chúa. Cám ơn Cha. (AD)
AD mến,
Câu hỏi của anh gợi lại cho tôi biến cố lúc còn nhỏ được cha mẹ gởi học trường các Sơ Dòng Thánh Phaolô. Có lẽ là người "trái-tính", cho nên nửa phần bên trái của tôi được chiếu cố hầu hết… chỉ trừ 2 điều là viết và làm dấu thánh giá bằng tay phải tại vì tay trái đã nhiều lần bị các Sơ khỏ sưng múp lên… Qua sự kiện này, tôi thiết nghĩ có lẽ chung chung và cách riêng đối với phong tục Á đông thì xem ra tay phải được coi trọng hơn tay trái… và do đó có lẽ tập tục làm dấu bằng tay phải này được truyền lại từ đời này sang đời khác chăng? Ấy thế mà vẫn "chứng nào tật nấy"… năm ngoái lúc đầu khi mới chịu chức linh mục tôi thường dâng bánh và cho chịu lễ bằng tay trái và thường được anh em trong Dòng nhắc nhở… nhưng cũng may là kỳ này lớn rồi cho nên không bị khỏ tay nữa…
Tôi có xem qua Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và thấy Giáo Hội có nói đến việc làm dấu thánh giá của các Kitô hữu như là một lời nguyện tôn vinh và tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. (khoản số 2157; xem thêm 786). Tôi không thấy đề cập chi tiết đến việc làm dấu bằng tay trái hay tay phải. Riêng cá nhân, tôi thiết nghĩ làm dấu thánh giá bằng tay trái cũng rất tốt và rất thích đáng trong những trường hợp như tay phải bị gãy hoặc bị cụt… Một điều, tôi thiết nghĩ, chúng ta cần ý thức lại mỗi khi làm dấu thánh giá… chúng ta có thật sự bày tỏ niềm tin tưởng và tôn kính của chúng ta nơi Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:33 AM
14. Tháo ống dưỡng sinh có phải là gián tiếp tự tử không?
Xin cha vui lòng giải đáp thắc mắc của con sau đây: Thể theo luật của tiểu bang New York, những bệnh nhân đều có quyền làm giấy di chúc để lại cho người thân của mình trọn quyền hành động theo pháp lý về sức khỏe nếu trong trường hợp mình bị hôn mê không biết gì hết để họ được phép nói với Bác sĩ không tiếp ống dưỡng sinh để mình chết sớm hơn để đỡ tốn tiền nhà thương v.v… Như vậy có tội tự tử cách gián tiếp hay không? Vì việc sống hay chết là quyền của Chúa định. Xin Cha vui lòng trả lời cho con biết. Thành thật cảm ơn cha nhiều. (TM)
TM mến,
Việc tự tử theo nghĩa chữ có nghĩa là tự chính mình giết mình. Vấn đề không muốn tiếp tục dùng các phương pháp y học để kéo dài sự sống, nhất là một khi y học đã bó tay, mà để cho mình được ra đi một cách tự nhiên thì Giáo hội dạy rằng đó không phải là tự tử. Lý do để "đỡ tốn tiền nhà thương" hoặc không muốn liên luỵ phiền hà đến người còn sống không đủ để chúng ta kết luận bệnh nhân muốn tự tử.
Chị nói rất đúng. Vấn đề sinh tử là quyền quyết định của Chúa. Ở trong trường hợp này chúng ta cũng có thể hiểu là một khi Chúa gọi thì sao lại là tội khi mình muốn được về hưởng nhan thánh Chúa sớm chứ?
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:33 AM
15. Ly dị: không lẽ lại dễ như thay quần đổi áo vậy à?
Xin cha vui lòng giải đáp thắc mắc của con sau đây: Tại sao Giáo Hội Công Giáo ở Nước Hoa Kỳ lại có quyền làm phép chuẩn cho các đôi tân hôn mới lập gia đình một hoặc vài năm. Vì đời sống gia đình của họ canh không ngon cơm không lành… Lại viện cớ lấy lý do là lúc đầu khi hai người làm phép hôn nhân một trong hai người đó không thật lòng yêu người kia là hôn phối không thành. Lại được phép ly dị nhau và lập gia đình với một người khác. Như vậy là họ xem việc hôn nhân như một cách trang điểm, thay quần đổi áo không đúng với Giáo lý ở Thể Kỷ thứ 20. Có thể Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ này cũng chạy theo thời tân tiến và máy móc trong Thế Kỷ thứ 21 này? Thành thật cám ơn cha nhiều. (MT)
MT mến,
Về câu hỏi này xem ra MT chưa hiểu kỹ Giáo luật và hơi nặng phần "kết án" hơn là tìm hiểu rồi đó. Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ hoặc ở bất cứ nơi nào khác chẳng qua cũng chỉ thi hành những gì Giáo Hội hoàn vũ dạy mà thôi. Giáo luật dạy: đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly (# 1056). Còn về vấn đề hôn phối thành tựu là do sự ưng thuận của đôi bên. "Sự ưng thuận này phải được phát biểu hợp lệ giữa hai người có khả năng pháp luật. Và sự ưng thuận này không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào" (#1057.1). Thêm vào đó nữa, Giáo luật còn dạy thêm, "sự ưng thuận này là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi lại được" (#1057.2).
Nếu chúng ta để ý kỹ chúng ta sẽ thấy rõ Giáo luật nói đến sự ưng thuận. Giáo luật không có nói đến việc hai người phải "thật lòng yêu nhau" như nhiều người vẫn hiểu sai. Và nếu hai người đã hoàn toàn ưng thuận thì không ai tháo gỡ được. Ngược lại, nếu ngay từ đầu hai người đã không hoàn toàn ưng thuận lấy nhau thì hôn phối đó không thành. Và do đó đưa đến những "ngăn trở tiêu hôn." Và Giáo luật dạy rõ: "chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền tuyên bố chính thức khi nào luật Chúa cấm đoán hay tiêu huỷ hôn phối." (# 1075). Về vấn đề điều tra "ngăn trở tiêu hôn" rất là phức tạp. Giáo hội vẫn cố gắng hết sức thi hành dựa trên những "lời khai" của đương sự.
Hy vọng phần nào thoả đáng thắc mắc của MT. Chúng ta cùng thêm lời cầu nguyện cách riêng cho những người đang sống trong bậc gia đình được thật lòng yêu thương nhau và trọn đời thuỷ chung.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:34 AM
16. Yêu phải cậu em?
Trọng kính cha Minh Trân!
Trước tiên con cảm ơn giúp đỡ của cha, nguyện xin Chúa ban cho cha nhiều hồng ân để cha hoàn thành sứ mạng mà cha đã lãnh nhận. Còn đây con chiên đau khổ của cha.
Thưa cha năm nay con được 41 tuổi có vợ và 2 con. Con đã trải qua một thời niên thiếu nghèo khổ, thiếu thốn vật chất, tủi nhục về tinh thần. Nhưng nhờ ơn Chúa thương ban, đến nay con đã có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống tương đối đầy đủ, Con cảm thấy rất hạnh phúc với những gì mình đang có. Nhưng đường đời không như dòng sông phăng lặng êm trôi. Cách nay khoảng 2 năm con bị rơi vào một trạng thái rất là đau khổ, tinh thần luôn bất ổn.
Nguyên là con có một cậu em vợ năm nay 30 tuổi, và cũng là học trò trong lãnh vực nghề nghiệp của con. Con đã hướng nghiệp cho cậu ấy suốt 10 năm nay. Tính tình cậu ấy rất hiền và ngoan, con rất thương và đã đặt rất nhiều tình cảm cũng như hy vọng vào cậu ấy, tình cảm này đã vượt quá giới hạn đến mức con muốn cậu ấy sẽ là của con và sẽ làm những gì phải theo ý của con. Và rồi khoảng cách đây 2 năm cậu ấy có quen một cô bạn gái cách nhà con ở chừng 200m. Riêng ý con là hoàn toàn phản đối không chấp nhận cô ấy cũng như gia đình cô ta, từ khi cậu ấy tuyên bố là yêu và sẽ cưới cô ấy, con như một kẻ thất tình như là mình vừa đánh mất đi một cái gì đó to lớn lắm, con cảm thấy hụi hẫng, lo lắng buồn phiền, con biết điều này là con sai, vì như thế là con đã xâm phạm vào quyền tự do của nguời khác. Nhưng tính độc tài và ích kỷ của con nó đã đẩy con lên đến mức ganh ghét, nó đã dằn vặt gậm nhấm tâm can của con ngày đêm. Con thường xuyên bị mất ngủ, có những đêm thức trắng, đầu thì nhức ngực thì đau, sức khỏe suy giảm, có những lúc con bỏ nhà đi lang thang nhưng không biết đi vế đâu, con cũng đã tâm sự với cha xứ ngài cũng đã khuyên con đủ điều, con cũng nhẹ đi được một ít nhưng không ăn thua, con tìm đến bác sĩ thần kinh, họ cho con uống khá nhiều thuốc an thần,con ngủ li bì nhưng sau khi tỉnh thì cơn đau lại ập đến, nhất là khi nhìn thấy cậu ấy chở cô bạn gái đi ngang qua nhà con cảm thấy như tim mình bị thắt lại. Vì cậu ấy đã không ở với con từ khi con phản đối cậu ấy. Con nghĩ sao cuộc đời mình khổ qua cha ạ. Khi con đi dự thánh lễ con không giám rước mình thánh Chúa vì tâm hồn không ổn, con nghĩ chỉ có chết đi thì mới thoát được cảnh này, con đã nghĩ tới việc này, nhưng nhờ ơn Chúa con chưa làm việc được việc này. Thế đấy đứa con khốn khổ của cha, chết cũng dở mà sống thì không xong. Có lẽ sơ lược vậy cha cũng hiểu được tâm trạng con lúc này. Rất mong sự giúp đỡ của cha, con đang nhức đầu cha ạ, Chào cha, xin Thiên Chúa ban cho cha sức khỏe và bình an. Con của cha. (AT)
AT mến,
Thành thật cám ơn anh đã tin tưởng và chia sẻ những tâm tư của mình với một người mình chưa hề quen biết. Không biết có giúp anh được gì trong lúc này hay không, nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ nhớ đến Anh Thư trong kinh nguyện hằng ngày. Nguyện xin Chúa sớm ban ơn bình an tâm hồn xuống trên anh.
Đọc thư của anh xong, tôi ghi nhận được mấy điểm sau:
1. Anh xuất thân trong một hoàn cảnh nghèo, khổ. Tuy nhiên, may mắn thay, trong cái nghèo cái khổ anh đã vượt qua. Một điều làm tôi cảm kích nhiều. Đấy là xét về mặt tự nhiên của con người.
2. Về khía cạnh siêu nhiên, tôi nhận thấy Chúa đã thương chúc lành cho anh rất nhiều trong vấn đề gia đình cũng như trong công ăn việc làm. Và do đó, tôi thiết nghĩ đây là điều mà anh nên dành nhiều thời giờ để suy thêm đến việc này. Trước là để cảm tạ ơn Chúa đã ban nhiều ơn lành xuống trên mình và trên gia đình mình. Sau là nhìn lại xem bổn phận của mình đối với Chúa như thế nào? Và cư xử yêu thương với vợ và 2 con ra sao?
3. Vấn đề "tình cảm vượt quá giới hạn" của anh. Tuy đã đến mức trầm trọng, nhưng tôi tin tưởng rằng vẫn còn chữa được. Và vị bác sĩ tôi muốn giới thiệu với anh không ai khác hơn… đó chính là anh. Người ta thường nói: "muốn là đã được một nữa." Riêng tôi, tôi nghĩ rằng một khi anh muốn hết là hết. Liều thuốc an thần do bác sĩ thần kinh cho uống chẳng qua chỉ giảm đi cơn đau một lúc nào đó thôi. Liều thuốc "An Bình" mới chính là điều mà mình cần hơn. An Bình trong tâm hồn, an bình trong thể xác, an bình trong công ăn việc làm, an bình trong gia đình, trong cách cư xử với những người thân yêu, bà con láng giềng và ngay cả đối với cậu em đi nữa… đó là điều mình nên chú tâm hơn cả. Làm thế nào để kiếm được liều thuốc này? Trước tiên, tôi đề nghị với anh nên bình tâm trước mặt Chúa nhìn lại cuộc đời của mình và tự vấn lương tâm mình xem: Tại sao tôi lại ra nông nổi này? Tại sao tôi lại "khờ" như vậy? Buồn bã mang lại ích lợi gì cho tôi? Tôi đâm bệnh thì ai sẽ lo cho vợ con tôi? Tại sao? Anh hãy đến với Chúa Giêsu… hãy thưa với Chúa những tâm tư bất an của mình… hãy đến với Chúa như người con đến với Cha, hãy đến với Chúa như người bệnh đến với Thần Y… Với tấm lòng chân thành, tôi tin chắc chắn rằng không người Cha nào mà lại không đoái thương nhìn tới. Ngoài ra, anh hãy tiếp tục đến với cha xứ hoặc những người anh tin tưởng để giải bày tâm sự. Nếu tôi có thể giúp được anh cách nào, xin anh đừng ngần ngại.
Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho anh. Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria trở nên nguồn an ủi dịu êm cho anh trong lúc này. Hãy cố gắng. Đừng nản lòng anh ạ. Những gì là quá khứ hãy bỏ lại sau lưng… hãy nhìn lên và hãy bước tới…
Tôi xin gởi anh câu châm ngôn của người Mỹ để anh suy tư: "Strong winds make good timber." Tôi xin tạm dịch là: "Gió mạnh làm nên gỗ tốt."
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:37 AM
17. Tự thỏa mãn nhu cầu?
Con có đi tu được không nếu trước đây con đã "tự thoả mãn nhu cầu?"
Con xin kính chào quý cha và quý Thầy, nguyện xin ơn Chúa luôn tràn đầy nơi quý Cha và thầy.
Thưa cha, con rất vui mừng vì con đã tìm được địa chỉ trang web của nhà dòng; thế là những thắc mắc và ưu phiền của con sẽ được sáng tỏ. Con đã suy nghĩ nhiều và con quyết định gửi tới Cha những rắc rối của con, con mong cha sẽ vui lòng giúp con! Khi con viết những dòng này con rất lo ngại, sợ rằng cha sẽ buồn lòng, và giận con nhiều. Nhưng con nghĩ rằng dù cha có la mắng thì cũng phải chịu để mình biết được những việc làm không đẹp lòng Chúa. Con xin cha giúp con:
a. Con xin cha giải thích rõ cho con hiểu 10 điều răn của Đức Chúa Trời.
b. Thưa cha, việc này con suy nghĩ nhiều và việc này cũng hơi khó nói. Nhưng vì hạnh phúc vĩnh cữu đời sau con xin phép cha cho con được nói ra: việc là con hay có hành động "tự thoả mãn nhu cầu". Sau những lần như vậy con cũng rất áy náy, con nghĩ rằng con đã làm những điều không đẹp lòng Chúa -- những điều thật xấu xa; nhưng kèm theo suy nghĩ đó thì con lại có những suy nghĩ là: có lẽ đó là những điểm sinh lý bình thường. Và thưa cha sau những lần con làm điều ấy con vẫn đi lễ và rước Mình Thánh Chúa đều; và khi con đi xưng tội thì có lần con xưng với Cha giải tội cho con là: con đã làm những điều bậy bạ; và có khi con lại nghĩ đó là những điều sinh lý bình thường và con đã không xưng ra. Thưa cha, con xin cha hãy phân tích cho con để con biết con đã có những việc lỗi lầm gì – con đã làm những gì không đẹp lòng Chúa – con có phạm phải điều luật trọng không và con có phạm vào điều răn thứ 6 (trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời), điều thứ 3 (trong Kinh Cải tội bẩy mối) không? Con xin cha giúp đỡ con!
c. Thưa cha, cha cho con hỏi là: con đã làm những "điều ấy"; mai sau nếu con có ý hướng đi tu thì con có còn được phép đi tu không ạ? Hay là do con đã làm những điều không hay và con sẽ không còn được phép nữa? Con xin cha chỉ dạy con! Con xin chúc quý cha và thầy luôn có sức khoẻ, hạnh phúc và tràn đầy hồng ân Chúa! Con xin cha cho con lời khuyên và hướng dẫn để con trở thành người con ngoan của Chúa và Hội Thánh! Con cám ơn quý cha và thầy. (NĐT)
NĐT mến,
Tôi đã nhận được thắc mắc của anh gởi về Nhà Dòng. Tôi đã đọc, đọc kỹ và tôi xin chia sẻ với anh một vài nhận định:
1. Việc "tự thoả mãn nhu cầu" hay gọi cách khác là thủ dâm là một tội nặng. Nếu một khi đương sự biết rõ là tội, ý thức đầy đủ, và hoàn toàn ưng thuận thì mắc tội phạm đến điều răn thứ 6. Trong khi mắc tội này mà vẫn rước Mình Thánh Chúa thì mắc thêm một tội nữa là phạm sự thánh.
2. Về trường hợp của anh tôi ghi nhận 2 sự kiện trước và sau khi xưng tội:
a. Trước khi đi xưng tội này với cha giải tội có lẽ anh chưa rõ vấn đề này là tội mặc dù tiếng Chúa đã nói với anh qua tiếng lương tâm. Chính anh đã thú nhận: "sau những lần như vậy con cũng rất áy náy, con nghĩ rằng con đã làm những điều không đẹp lòng Chúa, những điều thật xấu xa."
b. Sau khi xưng tội, anh đã được cha giải tội cho biết rõ đó là việc làm "bậy bạ", và anh vẫn tiếp tục hành động.
3. Tôi xin góp ý với anh như sau: "sinh lý bình thường" thì ai cũng có. Việc "tự thoả mãn nhu cầu" không phải là "sinh lý bình thường." Đây chẳng qua là một trong những lý lẽ mà nhiều người thời nay thường viện vào để lất át tiếng lương tâm của mình. Đã là tội thì trước sau vẫn là tội và cho dù mình có lý lẽ thế nào đi nữa thì tội cũng vẫn là tội. Tội là điều Chúa ghét và chẳng ai ưa, ngay cả chính mình đối với mình. Tuy nhiên, một tín điều mà chúng ta cần phải luôn thâm tín là: Chúa là Đấng Từ Bi Thương Xót -- Chúa yêu thương những người có tội và cũng chính vì lý do này mà Chúa đã xuống thế để cứu chuộc con người lỗi tội. Giáo hội dạy rằng một khi chúng ta thành tâm ăn năn thống hối trở về với Chúa qua bí tích giải tội, Chúa sẽ tha thứ hết. Tội nói chung, hoặc tội này nói riêng, không ngăn trở việc chúng ta dâng hiến đời mình phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Nói đúng hơn, nếu anh thật sự cảm nhận tiếng Chúa gọi, anh càng cần phải hăng hái thưa "Vâng" ngay. Vì Chúa đã nói: "Được tha nhiều thì phải yêu mến nhiều." Và nữa, tu là sửa mà lị.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:38 AM
18. Phép Lạ Thánh Thể?
Con xin hỏi cha ở giáo xứ con có một người khi nhận thánh thể từ tay vị linh mục xong thì đem thánh thể về nhà và một năm nay rồi bánh thánh vẫn còn trong tình trạng rất tốt, vẫn còn cứng, trắng, chưa có một dấu hiệu nào của hư hoại cả. Điều đặc biệt là bánh thánh đã tự chuyển đổi sang hình dạng rất giống một trái tim. Trong giáo xứ của con thì mọi người đều nói đó là phép lạ, nhưng con chưa tin lắm. Hôm nay con mạn phép hỏi cha là đó có phải thật sự là phép lạ không? (MHHD)
MHHD mến,
Phép lạ Thánh Thể rất có thể xảy ra nơi chỗ anh ở cũng như ở các nơi khác mà tôi đã được nghe biết trước đây. Thí dụ như ở Lancianô, nước Ý vào thế kỷ VIII hoặc tại Mont Martre, Paris. Vừa rồi trong khi tìm kiếm tài liệu, tôi có gặp thấy một tác phẩm nhan đề "Phép Lạ Thánh Thể" do nhà sách Regina xuất bản. Tác giả là Joan Carroll Cruz và được Matthias Ngọc Đính, CMC chuyển ngữ. Tôi xin đan kể một trường hợp xảy ra tại Paris, Pháp năm 1290:
"Phép lạ Thánh Thể này liên hệ đến một người nphụ nữ nghèo túng, không có một của gì đáng giá, ngoại trừ chiếc áo bà phải đi cầm để đổi một món tiền nhỏ sinh sống. Gần đến Chúa Nhật Phục Sinh, bà ước ao được ăn vận đàng hoàng để đi dự lễ, nhưng vì không có đủ tiền để chuộc lại chiếc áo, bà đã đến nhà người cầm đồ để xin mượn lại chiếc áo chỉ một ngày. Người cầm đồ là một kẻ ngoại đạo, tò mò về Bánh Thánh các tín hữu được lãnh nhận trong thánh lễ, đã đề nghị người phụ nữ sẽ được nhận lại chiếc áo mãi mãi nếu như đem đến cho ông tấm bánh đã được truyền phép mà vị linh mục sẽ trao cho bà khi hiệp lễ.
"Đồng ý với lời đề nghị đáng hổ thẹn này, người phụ nữ nghèo đã đi dự thánh lễ và rước lễ. Sauk hi lén lút lấy Bánh Thánh ra khỏi miệng, bà đã đem giao lại cho người cầm đồ. Ông này đã đặt Bánh Thánh trên một chiếc bàn. Và rồi, trước mặt người phụ nữ và các con của mình, ông rút một chiếc dao nhỏ và đâm túi bụi vào Bánh Thánh. Bỗng nhiên, dòng máu từ những vết đâm tuôn ra xối xả, bắn tung toé vào người đàn bà và lũ trẻ. Kinh hãi trước hiện tượng máu chảy, người đàn ông ném Bánh Thánh vào lò lửa gần bên, nhưng Bánh Thánh bay lơ lửng trên ngọn lửa, không hề bị ngọn lửa hay sức nóng làm hại. Sau đó, vì rụng rời hốt hoảng, ông ta chộp lấy Bánh Thánh trên ngọn lửa và ra sức huỷ diệt bằng cách thả vào một ấm nước sôi. Nước lập tức đổi ra màu đỏ, giống như máu. Nước máu ấy trào ra khỏi chiếc ấm, lai láng xuống nền nhà và chảy ra ngoài đường, làm cho người qua lại phải chú ý.
"Một người phụ nữ đứng bên ngoài thắc mắc sự tình đã đi vào trong nhà và được thị kiến Chúa Cứu Thế đang đứng trước ấm nước. Một lúc sau, thị kiến chấm dứt, nhưng bà lại thấy Bánh Thánh lơ lửng trên không. Khi Bánh Thánh từ từ hạ xuống, bà đã lấy một chiếc bình gần đó và đón Bánh Thánh vào chiếc bình. Sau đó, hết sức thận trọng cung kính, Bánh Thánh được đem đến nhà thờ thánh Jean-en-Grevè, nơi Bánh Thánh đã được gìn giữ như một kho tang quí giá và được tôn vinh bằng nhiều nghi thức, nhất là vào ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô."
Tôi không rõ một người trong giáo xứ của anh có ý gì khi làm việc này. Nhưng cho dù có ý gì đi nữa, tôi thiết nghĩ đây là một việc làm không đúng. Riêng tôi, tôi không có đủ thẩm quyền để quyết định đây có phải là một phép lạ hay không. Điều tốt nhất, MHHD nên trình bày với cha xứ để ngài điều tra kỹ hơn, và nhất là tìm giải pháp để Chúa Giêsu Thánh Thể được tôn thờ nơi xứng hợp.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:39 AM
19. Đức Thánh Cha không mệt à?
Thưa cha, con có câu hỏi cha trả lời giùm con. Có bao nhiêu văn kiện (tông thư, tông huấn, tóm lại các thư của Đức Thánh Cha Jean Paul 2 đã viết? Cha tìm giúp con nhe. Thanks cha nhiều nhiều. (TM)
TM nè,
Cái điệu này là bài không chịu làm bây giờ bắt cha làm phải không? Lần đầu thì tha. Lần sau sẽ lấy thuế đó nhe.
Theo một nguồn tin... sorry, cha không rõ xuất xứ, nhưng nếu TM thì lúc khác cha tìm kỹ lại… thống kê cho biết là trong suốt 25 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phalô, Ngài đã viết tất cả là:
13 Thông điệp
13 Tông huấn
11 Tông hiến
41 Tông thư
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
Tiện thể cho TM biết luôn là, ngoài ra ngài còn thực hiện:
95 chuyến công du ngoài nước Ý
140 chuyến công du trong nước Ý, không kể Rôma
726 lần thăm viếng trong Rôma và Castelgangolfo
Phong chân phước cho 1,282 vị
Phong thánh cho 456 vị
Thăm viếng 130 quốc gia
Thăm viếng 604 thành phố
3,430 bài thuyết trình ngoài nước Ý
20,341 bài thuyết trình trong suốt triều đại Giáo hoàng của ngài
1,218 triều yết công cộng
Tính ra, ngài đã đi công du 1,400,607 kílômét trong khoảng thời gian 541 ngày, 18 giờ, 25 phút. Có nghĩa là ngài đã đi khoảng 28 lần vòng quanh thế giới hoặc 3 lần đoạn đường từ trái đất lên mặt trăng. Một điểm nổi bật nữa là, mỗi ngày ngài làm việc 18 tiếng đồng hồ. Trong chuyến viếng thăm mới đây tại Bulgaria, được hỏi là ngài có muốn bước xuống khỏi ngôi Giáo Hoàng để nghỉ ngơi hay không, ngài đã trả lời: "Nếu Chúa Kitô đã bước xuống khỏi thập giá, thì tôi cũng có quyền để làm như vậy."
TM thấy ghê chưa? Liệu mà bắt chước Đức Thánh Cha chăm chỉ làm việc đi nhe.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:40 AM
20. Chỉ Âu Yếm Bên Ngoài thôi…
Chào cha, cha gọi con là gì cũng được, chỉ mong cha trả lời cho con một câu hỏi đang làm con rất bứt rứt.
Con có quen một anh bạn, cũng học đại học chung với con. Chúng con đã vào khách sạn với nhau, nhưng chỉ ở mức độ âu yếm bên ngoài thôi, chưa quan hệ thật sự. Sau đó anh ấy cho con tiền và con đã nhận.
Vậy thưa cha con đã phạm vào những tội gì? Nếu như có lần thứ hai mà con không kiềm chế được, con có sử dụng thuốc ngừa thai được hay không? Cám ơn cha nhiều.
Trả lời:
Có bé thật là khẳng khái… Cha không gọi con là gì cũng được chứ? Hehheehe…
Không biết cho đến lúc này … có bớt bứt rứt tí nào chưa? Hay là lại càng bứt rứt thêm tại vì đợi cái ông cha này trả lời suốt cả tháng mà vẫn chẳng thấy gì??? Anyways, sorry for the delay. Lần sau cha sẽ cố gắng trả lời sớm sủa hơn… cố gắng thôi đó… tại vì trong cuộc sống nhiều chuyện thình lình đến bất ngờ không đỡ kịp…
Về phần thứ nhất của câu hỏi, cha không rõ vấn đề "mức độ âu yếm bên ngoài" đến cỡ nào hoặc "chưa quan hệ thật sự" ra sao… cho nên cha xin khất. Tại vì có thể không có tội và có thể cũng có tội. Cha xin trình bày một vài nguyên tắc chung để … tự xét cho chính mình:
1. Nếu chính những hành vi đó làm lương tâm ray rứt, mất bình an, thì cha thiết nghĩ điều đó nếu không phải là tội làm mất lòng Chúa thì cũng là điều nên tránh tại vì nó làm cho lòng mình bị xao xuyến.
2. Việc anh ấy cho tiền và … đã nhận, tự chính nó không phải là tội, ngoại trừ hai người đã có sự thoả thuận trước với nhau. Ở đây, cha xin … suy nghĩ cho kỹ về phẩm giá cao quí của con người mình. Đừng coi nhẹ và đừng bán rẻ.
3. Việc dùng thuốc ngừa thai, cho đến bây giờ Giáo hội dạy vẫn là một tội trọng. Một trong những lý do là vì Giáo hội muốn con người ý thức việc quan hệ luân lý của mình một cách đứng đắn. Có nghĩa là, quan hệ trong phạm vi gia đình – liên kết vợ chồng với nhau và sinh sản con cái.
Một lần nữa cha thành thật xin lỗi vì chậm trễ trong việc hồi âm.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:43 AM
21. Đi Đạo Đi Chùa
Kính thưa cha,
Cha cho vợ con hỏi. Vợ con muốn theo đạo công giáo, nhưng còn ba mẹ già. Nếu như ba mẹ mất đi sau khi vợ con đã rửa tội thì vợ con có được đọc kinh Phật trong nhà chùa không?
Mong sự hồi âm của cha cho con rõ. Theo luật Hội Thánh có cho phép không cha? Hay phải làm sao cho phải, vì vợ con nói chỉ đọc cho mẹ thôi. Vợ con vẫn tin Thiên Chúa trên các loài thụ tạo khác. Cám ơn cha. (PN)
Anh PN thân mến,
Sau khi nghiên cứu và bàn hỏi với một vài vị linh mục kinh nghiệm, tôi nghĩ trong trường hợp cá biệt của vợ anh, việc thi hành chữ hiếu đối với ba mẹ, không có gì ngăn trở đến đức tin Công Giáo. Luật Hội Thánh không cho phép vừa đi lễ vừa đi chùa. Nhưng trong trường hợp của vợ anh thì không phải thế. Cho nên cứ nói với vợ anh không sao cả… và nhớ nhắc với chị là đừng quên cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ cho ba mẹ.
Tôi sẽ thêm lời cầu nguyện cho chị được sớm trở thành con chiên ngoan đạo của Chúa và Đức Mẹ.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 10:43 AM
22. Đức Ông có nghĩa là gì?
Thưa cha, có thể cho con biết tại sao có cha còn được gọi là Đức Ông, có nghĩa là gì? Cám ơn cha.
Trả lời:
Đức Ông là tước vị bắt nguồn từ Pháp dùng để gọi "người nhà của Đức Thánh Cha" thời Tòa Thánh còn ở Avignon, Pháp. Thời nay, tước vị Đức Ông được dùng để gọi tất cả các linh mục làm việc trong toà thánh, ngoại trừ các Đức Hồng Y. Tất cả các cha trưởng ấn của địa phận cũng được gọi bằng tước vị này, mặc dù các ngài không phải là "người nhà của Đức Thánh Cha." Theo truyền thống xa xưa, trong vấn đề lịch sự, tước vị này thông thường được gọi các vị luật sư trong toà án công giáo, những người đeo dây đỏ và mặc áo chùng thâm có nút áo đỏ, mặc dù họ là những người thường.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:00 AM
23. Trượt tuyết và bơi lội cùng một bạn gái

Thưa cha,
Con có quen một người bạn trai đã gần một năm. Mọi chuyện rấtt là tốt đẹp. Anh ấy rất nghiêm túc về mối quan hệ. Tuy nhiên, có điều gì đó anh nói rằng thực sự làm phiền con. Bạn trai con 41 tuổi, nói rằng điều đó ok cho một người có kết hôn với một người bạn thân khác giới. Ví dụ, anh và một người bạn gái đi trượt tuyết/bơi cùng nhau vì con/người kia không làm điều đó. Con nói với anh ấy rằng con không đồng ý với điều đó bởi vì "lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy." Con có phải không? Xin hãy giúp con bằng cách kể cho con những gì cha nghĩ. Bởi vì anh ta sẽ đi Iraq trong 3-5 ngày, con có nên đưa vấn đề này lên? (TD)
TD mến,
Về vấn đề TD hỏi, cha thiết nghĩ nó thì được cho một người có kết hôn với một người bạn thân khác giới. Tuy nhiên, cha không đồng ý với các "hoạt động" bạn trai của con đang làm với người bạn gái của mình. Và cha nghĩ rằng con đã đúng. Lửa Lửa gần rơm không sớm thì muộn… cũng cháy! Cha đang ngồi hình dung bạn trai của TD trượt tuyết/bơi lội với người bạn gái khác… trong khi để TD ở nhà… ôi, cha chỉ có thể mang nó. Và cha không nghĩ rằng có bất kỳ người nào có thể mang nó, nếu cô ấy thật sự yêu chồng hoặc bạn trai của cô ấy. Có lẽ, bạn trai của con đã đi Iraq. Nhưng, nếu con có cơ hội, cha nghĩ con nên đưa vấn đề này lên cho anh ta. Chẳng thà mất lòng trước được lòng sau TD à. Chứ cứ lăng nhăng như thế này mãi thì chỉ khổ về sau.
Thân mến trong Chúa Kitô,
(Tài liệu được viết bằng tiếng Anh, nên khi dịch ra thì vài chỗ có vẻ khó hiểu).

duoc1706
28-06-2011, 11:01 AM
24. Tội Thủ Dâm là tội gì?
Thưa cha,
Sau khi đọc câu trả lời của cha về câu hỏi "Tự Thoả Mãn Nhu Cầu", con có một thắc mắc. Con vẫn thường hay đọc báo và có nghe một số cha nói tới chữ "thủ dâm". Con thật sự không biết tội thủ dâm có nghĩa là tội gì? Thưa cha, có phải thủ dâm is as the same as tội dâm dục hay không? (TLN)
TLN mến,
Tội dâm dục nói chung là tội nghịch đức trong sạch. Tội thủ dâm (masturbation) nói riêng, hay tội tà dâm (fornication), hay tội mại dâm (prostitution), hiếp dâm (rape)… đều thuộc về tội lỗi điều răn thứ sáu. Theo sách Giáo Lý Công Giáo số 2352 dạy: "Thủ dâm là cố ý kích thích các cơ quan sinh dục để tìm một thú vui sắc dục." Giáo Hội còn khẳng định rằng: "Thủ dâm là một hành vi hỗn loạn nặng nề tự bản chất nó." Nói cho dễ hiểu đó là một tội nặng.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:01 AM
25. Vợ Mắc Bệnh Tâm Thần
Kính thưa cha,
Con nhờ cha làm cố vấn cho con. Chuyện là hiện nay con có 1 vợ 2 con, nhưng vợ con lại có căn bệnh tâm thần thường vào nhà thương chữa trị hằng năm. Nay được Chúa đoái thương ban cho vợ con không vào nhà thương khoảng 3 năm 6 tháng rồ. Cảm tạ Thiên Chúa vợ con không vào nhà thương cũng không có nghĩa là người bình thường, vẫn phải uống thuốc thường lệ. Con sống với vợ con, rất là khó khăn. Con có nhớ trong 1 đoạn Kinh Thánh có nói: Chính lúc quên mình là khi gặp lại bản thân. Vậy nếu trong cuộc sống lứa đôi, vợ con sai trái con có vẫn phải chìu theo vợ con không? Hay là phải làm thế nào vậy cha? Vì con có giải thích cho vợ con nghe nhưng chỉ được thời gian rất ngắn đâu lại hoàn đó. Con vẫn biết Chúa Giêsu có nói: Không phải Thầy nói các con phải tha 7 lần mà là 77 lần 7. Nhưng nếu vợ con vẫn coi đó là mình đúng thì sao hả cha? Vì vợ con có sẵn căn bệnh tâm thần nên con cũng thật sự vất vả lắm với cuộc sống hôn nhân. Con thì không muốn mất lòng với Chúa cũng như trái với luật Hội Thánh. Nên con cũng dâng hết cho Chúa cuộc sống gia đình con rồi. Tóm gọn con muốn cha giúp ý giúp lời. Khi ở với 1 người tâm thần, thì con phải đối phó làm sao? Kính mong cha giúp con để con hoàn thành sứ mệnh của Chúa giao phó cho con. (PTN)
Anh PTN mến,
Cha xin góp một vài điểm về tâm trạng của PTN: "Khi ở với một người vợ mắc bệnh tâm thần, thì con phải đối phó làm sao?"
1. Chúng ta nên thâm tín một điều là người mắc phải chứng bệnh tâm thần là người không luôn luôn bình thường -- trong tư tưởng, lời nói, việc làm, cũng như trong cách cư xử hằng ngày. Và chính vì những sự không bình thường này đã làm cho những người sống chung khó chịu và nhiều khi cũng "bị lây" theo nữa. Về điểm này, cha khuyên PTN đừng chấp nhất vợ mình làm gì.
2. Sự không bình thường này có thể do di truyền gây nên, hoặc do những căng thẳng tích tụ lâu ngày trong cuộc sống, v.v… Các bác sĩ chuẩn bệnh, và có thể cầm bệnh hoặc chữa bệnh qua những phương pháp trị liệu tân tiến ngày nay. Tuy nhiên, cha vẫn tin tưởng và hy vọng rằng với sự quan tâm, thông cảm, ân cần săn sóc yêu thương… nhất là qua sự vui vẻ và nhẫn nhục chịu đựng của PTBN, không những cơn bệnh của vợ sẽ dịu bớt phần nào mà tâm hồn của PTN cũng sẽ cảm thấy bình an. Chắc chắn con người có giới hạn. Nhiều lúc, chính mình không thể kiềm chế được mình. Chúng ta chấp nhận điều đó. Và chúng ta hãy chạy đến với Chúa và Đức Mẹ. Chắc chắn các ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta đâu. PTN đã cố gắng làm hết sức mình. Và Chúa cũng chỉ mong thế thôi.
PTN mến,
Chính lúc này là lúc vợ mình cần được yêu thương hơn hết. Cha sẽ tiếp tục cầu nguyện cho PTN, cho chị, và cho hai con của PTN. Nguyện xin Chúa ban cho PTN được ơn can đảm chịu đựng và hăng hái dấn thân phục vụ vợ con trong lúc này. Cách riêng, cầu xin Chúa và Đức Mẹ ban cho chị sớm bình phục.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:02 AM
26. Con Có Đi Tu Được Không?
Thưa cha, con muốn tìm hiểu về vấn đề tu trì. Xin cha giúp con. Con không có cha nghĩa là mẹ con bị hiếp mới có con. Như vậy con có đi tu được không?
Trả lời:
Tu trì là một ơn gọi, một ơn gọi cao quí. Nếu anh/chị cảm thấy Chúa đang gọi mình thì cứ tiếp tục cầu nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng nhận ra thánh ý Chúa. Đồng thời xin Chúa ban cho ơn can đảm để hăng hái dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.
Về tình trạng gia đình của anh/chị vẫn tu được. Không có gì ngăn trở cả. Anh/chị có thể đến gặp cha xứ, trình bày vấn đề, và xin Cha giới thiệu một số dòng tu. Thí dụ Dòng nam thì có các dòng như: Dòng Đồng Công, Dòng Don Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời, Tu Hội Tận Hiến, Tu Đoàn Nhà Chúa… hoặc nếu muốn tu triều, tức là làm linh mục cho địa phận và giúp giáo dân trong địa phận, cũng hãy trình bày với cha xứ xin cha giúp cho nhe. Dòng Nữ thì có các dòng như: Dòng Trinh Vương, Dòng Mân Côi, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đa Minh, Dòng Nữ Tử Bác Ái… chẳng hạn.
Cha sẽ thêm lời cầu nguyện cho Anh/chị. Xin Chúa và Đức Mẹ chúc lành cho mộng ước tốt đẹp của anh/chị.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:03 AM
27. Xưng Tội Hàng Tháng? Người Bệnh Tâm Thần. Cầu Cho Các Linh Hồn
Kính thưa cha,
Trước tiên con xin cầu chúc cha được mạnh khoẻ và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Con xin hỏi cha một vài thắc mắc để sống đạo cho hoàn hảo hơn.
1. Kính cha, con là một TT/VTT. Con có nên đi xưng tội hàng tháng như lời Đức Mẹ khuyên nhủ siêng năng lần hạt Mân Côi và xưng tội hàng tháng không? … vì con đã có nghe một cha nói là không nên đi xưng tội hàng tháng nếu không mắc phải tội trọng.
2. Một người bị bệnh tâm thần, vì họ không được tỉnh táo như người bình thường cho nên đôi khi họ không biết những gì mình làm, thì sau này Chúa sẽ phán sử như thế nào vậy cha?
3. Một người quá cố của mình mất đi, mà gia đình người đó xin lễ, xin hội đoàn đọc kinh nhiều cho linh hồn đó được rỗi mà về nước trời. Vậy nếu như vì nghèo mà không có tiền xin lễ như những người đó thì sao? Nhưng con quyết tâm cả gia đình con đọc kinh cầu nguyện cho người thân nhân của con cũng như các linh hồn mồ côi thì có được Chúa đoái thương như những người có khả năng về vật chất cũng như tiền bạc không? (Một giáo dân)
Một giáo dân thân mến,
1. Tội nhẹ, thông thường mà nói, không buộc chúng ta phải đi xưng tội. Thật lòng thống hối ăn năn Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi. Tội trọng Giáo Hội khuyên nên lãnh bí tích giải tội càng sớm càng tốt. Giáo Hội còn khuyên nên xưng tội một năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh. Không thấy chỗ nào Giáo Hội khuyên không nên xưng tội hàng tháng cả. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết Bí Tích Giải Tội là một trong 7 bí tích Chúa lập để ban ơn thánh cho con người. Do đó, mỗi khi đến lãnh nhận bí tích giải tội, chúng ta được Chúa ban thêm ơn thánh để đủ sức phấn đấu với những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỉ trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, theo tôi, lãnh nhận bí tích giải tội thường xuyên, một tháng một lần, không phải là điều không nên làm.
2. Vấn đề sau này Chúa phân xử thế nào đối với người mắc bệnh tâm thần thì chúng ta không rõ. Đó là việc của Chúa. Chúng ta được dạy rằng Chúa là Đấng Thánh Thiện, Công Bằng, nhưng ngài cũng là Thiên Chúa rất hiểu biết. Chúng ta thử nghĩ xem theo lý trí tự nhiên của con người thì thử hỏi ai lại chấp nhất những việc làm sai trái của một người không tự kiềm chế tư tưởng, lời nói, và hành vi của mình chứ? Huống chi Thiên Chúa là Người Cha Nhân Từ và Giàu Lòng Xót Thương vô cùng.
3. Theo một tài liệu, sách tháng các linh hồn, có nói thánh lễ, kinh nguyện, các việc hy sinh, bác ái cầu cho các linh hồn rất đẹp lòng Chúa. Chúng ta tiếp tục thương, nhớ, và năng cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng các linh hồn mồ côi. Tuy nhiên, việc linh hồn được hưởng nhờ các ơn ích do các việc làm thánh thiện đạo đức đó còn do chính cuộc sống của linh hồn đó khi còn tại thế. Có nghĩa là, cho dù được nhiều người đọc kinh, dâng lễ cầu cho nhiều thế nào đi nữa mà trước đó khi còn sống linh hồn lại chẳng màng chi đến việc hy sinh, bác ái đối với những người láng giền thì ơn ích ấy cũng bị giới hạn nhiều. Đó là điều tôi nhớ trong sách Tháng Các Linh Hồn trình bày. Phận chúng ta hãy cố gắng xin Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta được luôn có một trái tim rộng mở trao ban đối với tất cả mọi người còn sống cũng như đã qua đời.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:04 AM
28. Chính Thống Giáo và Anh Giáo
Thưa Cha,
Con có 2 câu hỏi thắc mắc lâu rồi bây giờ nhớ ra liền viết thư xin Cha giải thích cho con. Con nghe nói tới đạo Chính Thống Giáo, Anh Giáo, và Công Giáo. Thưa Cha, không biết Chính Thống Giáo từ đâu mà ra và luật đạo của họ như thế nào? Còn Anh Giáo có phải do King Henry VIII mà ra có đúng không cha? Xin cha giải thích cho con. (Cô Bé Ngày Xưa)
Cô Bé Ngày Xưa mến,
Công Giáo thì CBNX đã biết phần nào rồi. Cha xin miễn trả lời nhe. Còn Chính Thống Giáo và Anh Giáo thì sau khi tìm tòi một số tài liệu, cha tóm tắt được một vài điểm như sau:
1. Theo Giáo lý dạy, chúng ta được biết rằng Giáo Hội Chính Thống, còn được gọi là Giáo Hội Đông Phương, không có hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo. Các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Chính Thống dẫu phân ly khỏi Giáo Hội Công Giáo nhưng vẫn còn mối hiệp thông sâu xa vì cùng chung Bí Tích Rửa Tội, cùng tuyên xưng chung Kinh Tin Kính, và cùng giữ chung các bí tích đích thật do các linh mục kế vị các tông đồ (CCC # 838, 1399).
2. Giáo Hội Chính Thống hiểu về mình như là một tổ chức tiếp nối cộng đoàn tông đồ tiên khởi, tức là tiếp nối Giáo hội sơ khai. Họ thừa nhận rằng sự giảng dạy của các tông đồ ám chỉ sự thiết lập cộng đoàn địa phương, và mỗi một cộng đoàn là "thân thể Chúa Kitô," có đầu tức là "Đức Giám Mục" chu toàn sứ vụ của Chúa Kitô.
3. Giáo hội địa phương này không sống riêng rẽ với nhau. Căn tính đức tin của họ và sự cấu trúc nội tại được thể hiện qua những "việc làm" chung. Trong những thế kỷ đầu, các công đồng là những công cụ (instruments) thông thường của đời sống chung của các giáo đoàn. Sau thời Constantinô, các công đồng đại kết được bắt đầu triệu tập để giải quyết những tranh luận nghiêm trọng về thần học.
4. Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận 7 công đồng đại kết đầu tiên: Nicêa (325), Constantinô I (381), Êphêsô (431), Chalcedon (451), Constantinô II (553), Constantinô III (680), Nicêa II (787). Công việc của các công đồng này là: định nghĩa tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi; 2 bản tính của Chúa Kitô, liên kết trong một ngôi vị duy nhất; nhị ý, thiên ý và nhân ý, nơi Chúa Giêsu Kitô; và sau cùng, việc vẽ hình ảnh Chúa Kitô-con người để tôn kính, vì hình ảnh đó biểu tượng Thiên Chúa nhập thể. Những tín điều này hiện vẫn được Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận như là đức tin căn bản Kitô giáo.
5. Thế kỷ thứ 9 bắt đầu cuộc phân ly dài giữa Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Năm 862, Nicholas I, Giáo Hoàng Rôma, từ chối việc nhìn nhận việc chọn Photius làm giáo chủ thành Constantinô, và đến năm 867, Photius đã không còn thông công với Đức Giáo Hoàng.
6. Nhiều nỗ lực để hàn gắn lại sự xa cách giữa hai Giáo Hội vẫn không thành. Sự xung đột với Giáo Hội Tây Phương đã không ngăn cản công việc truyền giáo của Giáo Hội Đông Phương tới các vùng Bắc Âu và Đông Âu. Các dân tộc thuộc Slavic, Bulgary, Serbia đã được trở lại Kitô giáo bởi các vị truyền giáo Byzantine. Năm 864, Cyril và Mothodius dịch Thánh Kinh và các sách phụng vụ sang tiếng Slavic. Năm 988, nước Nga theo những người Slavic gia nhập đoàn chiên Byzantine. Các vị truyền giáo Byzantine có một khí cụ mãnh liệt trong việc truyền giáo đó là dùng tiếng bản xứ trong việc phụng tự của Giáo Hội. Bên Giáo Hội Tây Phương thì lại coi thường vấn đề này, chỉ đặt nặng về tiếng Latinh và coi như đây là ngôn ngữ duy nhất trong việc cầu nguyện và văn hoá. Do đó, các dân tộc Slavic đã phát triển tập tục Kitô giáo của riêng họ, trong khi tiếp tục với Giáo Hội Byzantine trong việc hợp nhất đức tin.
7. Sau sự sụp đỗ của Constantinô năm 1453, nước Nga vẫn còn được coi như là chủ chốt về Chính Thống Giáo. Phong trào truyền giáo, hiện nay được bảo trợ chính yếu bởi Giáo Hội Nga, tiếp tục phát triển qua Á Châu, đến Alaska và Nhật bản.
8. Trong những thập niên gần đây, Giáo Hội Chính Thống đã đóng một vai trò lớn mạnh trong phong trào đại kết. Sự liên lạc với Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng được đón nhận công khai rộng rãi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất được đăng trong Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ tháng 03, 2004 cho biết: "quan hệ giữa Toà Thánh và Toà Thượng Phụ Chính Thống Mascơva bị căng thẳng cao độ từ nhiều năm nay. Hồi tháng 2 năm 2002, Toà Thượng Phụ ChínhThống Nga đã huỷ bỏ cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Kasper, sau khi Toà Thánh nâng 4 miền giám quản tông toà tại Nga lên hàng giáo phận, và từ đó đến nay không có tiếp xúc chính thức nào giữa Toà Thượng Phụ Mascơva và Toà Thánh…"
9. Đó là về đạo Chính Thống Giáo. Còn về đạo Anh Giáo thì đúng như Cô Bé Ngày Xưa nghĩ. Tức là, được xuất phát từ Vua Henry VIII. Theo sử liệu ghi chép thì năm 1527 Vua Henry đã tuyên bố cuộc hôn phối của Vua với Catherine ở Aragon không thành, mặc dù đã ăn ở với nhau suốt 18 năm trời. Lý do thứ nhất ngài muốn bỏ Catherine là vì bà không sinh con, không ai kế vị triều đại của ngài. Lý do thứ hai là vì ngài đã thương bà Anne Boleyn. Dĩ nhiên là Toà Thánh không chấp nhận vấn đề này rồi. Henry được triệu mời sang Toà Thánh để giải quyết vấn đề… nhưng ngài đã không chấp nhận và cho rằng vấn đề của ngài chỉ lệ thuộc vào luật pháp của Anh Quốc, và nữa ngài là vua không lệ thuộc vào bất cứ luật pháp nào khác trên thế giới… và bắt đầu to chuyện… lập đạo riêng, đạo Anh Giáo.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:05 AM
29. Kinh Lạy Cha
Kính thưa cha! lời đầu con xin kính chúc cha và ban biên tập được dồi dào sức khoẻ để mục vụ ngày một tốt hơn. Con xin mạn phép xin cha cho con vài ý tưởng này. Theo kinh Lạy Cha thì Chúa đã dạy Ý Cha Ở Dưới Đất Cũng Như Trên Trời. Như vậy ở dưới đất không có tội theo luật pháp, thì ở trên trời có bị tội hay không? Con xin chân thành cám ơn Cha. (VTN)
Ui chu choa trời đất ơi… thì ra bấy lâu nay VTN đọc kinh Lạy Cha lộn xộn rồi đó… :)
VTN a, kinh Lạy Cha đọc như thế này nè: "… Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…" chứ không phải "Ý Cha Ở dưới đất…" đâu. Hai chữ hiểu rất khác nhau. Nhớ đọc kỹ lại. Cha nhớ có câu chuyện nghe mấy cha hay kể (không biết thật hư thế nào), rằng có người đọc kinh…: "tìm dịp phạm tội cho sướng. Amen." Thay vì "làm việc đền tội cho xứng. Amen."
Mùa Chay đến, ước mong Ý Cha ở trên trời cũng được thể hiện dưới đất này, cách riêng được thể hiện trong chính cuộc sống của VTN và của cha.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:06 AM
30. Tụi nó ví đức tin của đạo mình là thế đấy...
Cha ơi, Mấy đứa bạn của con ngoài công giáo, tụi nó biết về đạo công giáo, nhung tụi nó không có tin...tụi nó bảo con: "mày làm sao cho tao tin được Chúa của mày thì tao sẽ theo đạo của mày". Con đã tìm đủ mọi cách để giới thiệu về Chúa cho chúng nó...là Thiên Chúa tình yêu...nhưng chúng nó bảo ...thế sao Chúa của mày không ngăn cản chiến tranh xảy ra...đại khái là những vấn đề như thế. Con bảo rằng, Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, Ngài tạo dựng vũ trụ và giao cho con người cai quản...mọi hành vi con người gây ra đều sẽ bi phán xét sau này. Và khi chúng nó hỏi về những vấn đề đức tin... con bảo là phải tin là có Chúa và đây là niềm tin từ các Thánh Tông đồ va những điều được ghi lại trong bốn cuốn sách tin mừng. Nhưng chúng nó bảo mày có biết truyện cái áo tàng hình không. Cha có biết truyện này không? tức là một ông vua nọ muốn có một cái áo tàng hình để mặc vào đi xem xét dân tình, nhưng không muốn cho ai biết. Đám thợ may cũng giả bộ cắt may cái áo tàng hình và mặc cho vua. Nhưng khi Vua mặc vào và ra đường thì mọi người thấy Vua ở truồng, nhưng ông vua lại cứ tưởng mình đang khoác áo tàng hình. Tụi nó ví niềm tin của đạo mình là như thế đấy...con tức quá không sao trả lời được . Cha hãy giúp con một lời khuyên để trả lời với cái tụi này. Con không giận gì tụi nó....vì từ lúc Chúa sinh ra tới giờ đã hơn 2000 năm rồi nhưng cũng còn khối kẻ không tin... con chỉ tội nghiệp cho tụi nó mà thôi. (AL)
AL à,
Trước hết, chúng ta phải hiểu tận căn gốc rằng Đức Tin là một nhân đức đối thần và là một ơn Chúa ban. Đức Tin không phải là điều mà con người có thể tự tìm cho mình, và càng lại không phải là điều đạt được do tranh luận. Một khi thâm tín được chân lý này, chúng ta sẽ cảm thấy con người mình thật bất lực chừng nào… Tay chắp gối quì là điều cần thiết hơn cả.
Thứ đến, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng "phương tiện" để đón nhận Đức Tin Chúa ban cũng rất cần thiết. Thánh Phaolô tông đồ cũng đã khẳng định điều đó: "Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?" (Rôma 10:14) AL đã cố gắng hết sức chu toàn trách nhiệm "rao giảng" của mình rồi. Thật đáng quý. Thuyết phục lòng người không phải là một chuyện dễ đâu AL à. Xin đề nghị với AL một điểm nữa. Đó là gương sáng. Gương sáng là một yếu tố rất quan trọng. Vì người ta thường nói: "Lời nói lung lay. Gương bày lôi kéo." Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau và cho nhiều người được mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa, nhất là trong Mùa Chay thánh này.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:07 AM
31. Tự tử, phần rỗi sẽ ra sao?
Thưa cha,
Con được biết tự tử là có lỗi lớn với Chúa và mình sẽ bị rơi xuống hoả ngục đời đời. Con rất may mắn là một người Công Giáo nên được hiểu biết về điều đó. Nhưng con có một người thân của con, vì không phải là Công Giáo và vì không hiểu rõ về chuyện tự tử nên đã làm điều này. Người thân của con đã qua đời. Vậy thì người đó có phải bị xa hoả ngục không thưa Cha. Vậy nếu con cầu nguyện hy sinh cho linh hồn đó, thì người đó có được về bên Đức Chúa Trời không cha? Vậy khi con xin cho linh hồn đó ở nhà thờ thì con sẽ phải nói linh hồn đó tên gì vì người đó không phải là người Công Giáo? Con cám ơn cha. (CN)
CN thân mến,
Rất tiếc khi được biết người thân của CN đã qua đời. Cha xin thành thật chia buồn với CN.
Riêng về vấn đề thắc mắc CN nêu lên, cha xin thưa rõ:
Tự tử là một tội trọng. Giáo hội dạy rằng bất cứ ai chết trong tình trạng tội trọng thì sẽ xa hoả ngục. Và một khi đã xa hoả ngục rồi thì không còn phương thế nào cứu chữa nữa. Chính vì thế, trước kia, người tự tử không được cử hành thánh lễ an táng trong nhà thờ… Tuy nhiên, làm thế nào để biết chắc chắn một người chết trong tình trạng tội trọng? Đây là một vấn đề không dễ. Và ngày nay không ai có thể xác quyết điều này. Lý do là vì để biết chắc một người phạm tội trọng cần phải hội đủ 3 yếu tố:
1. Chính việc làm đó là một tội trọng.
2. Phạm nhân biết rõ việc làm đó là một tội trọng.
3. Phạm nhân cố tình muốn làm việc đó.
Làm thế nào để có thể biết phạm nhân biết rõ và cố tình? Điều này, chỉ có Chúa biết thôi CN ạ. Truyện kể rằng có một người đứng trên cầu nhảy xuống sông tự tử. Người đó chết và được hiện về báo với người nhà là được rỗi linh hồn, vì đang khi rơi từ trên cầu xuống người đó đã chợt hồi tỉnh lại việc làm của mình và ăn năn thống hối… và Chúa đã tha.
Trong trường hợp của người thân CN, chúng ta càng có nhiều tin tưởng và hy vọng vào sự nhân từ bao dung của Chúa hơn. CN có thể cầu nguyện và xin lễ cho người thân của CN. Hãy trình bày với cha xứ như CN chia sẻ ở đây và xin ngài cầu nguyện cho. Ước mong qua nghĩa cử bác ái của CN, Chúa thương tha thứ và sớm ban cho người thân của CN được hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Một lần nữa, chân thành phân ưu với CN và sẽ thêm lời cầu nguyện cho người thân của CN.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:08 AM
32. Khác Mầu Da
Tại sao chúng ta cùng một con cháu ông Adong Evà, mà mỗi một dân tộc lại có một mầu da khác nhau? Hôm nay có cuộc họp của gia đình con xin cha có thể trả lời ngay cho chúng con được không? (AT)
AT à,
Trả lời ngay thì được, nhưng mà khổ nỗi lại không có câu trả lời… hehehehe…
Thành thật xin lỗi nhe. Cha không kịp thì giờ để tìm hiểu thêm… Cha chỉ nhớ là trước đây nghe má nói là khi người mẹ mang bầu nếu mà uống nước dừa xiêm thì sẽ sinh con trắng trẻo. Trái lại, nếu lúc đó mà uống thuốc bắc thì người con sẽ bị đen thủi đen thui đó. Hết. hehehe…
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:09 AM
33. Đọc Kinh Sáng Danh trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh?
Chào quý cha, quý tu sĩ và tất cả các anh chị em trong ban giải đáp. Tôi xin hỏi: trong Tuần Thánh (cụ thể là ngày thứ 6 tuần thánh), tại sao người ta không đọc kinh Sáng Danh? Xin quí vị giải thích để tôi có thể giải đáo cho giáo dân trong giáo xứ, tránh việc người ta đọc kinh lộn xộn trong nhà thờ. Xin cám ơn. (KVL)
Ông quản KVL thân mến,
Một trong những lý do tại sao Kinh Sáng Danh không được đọc trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là vì để tưởng niệm cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Đồng thời giúp con người cảm nghiệm thật sự một Thiên Chúa Uy Nghi Cao Cả đã thực sự làm người, một người hoàn toàn, để cứu chuộc chúng ta. Và nếu chúng ta có thời giờ để tâm suy nghĩ và cầu nguyện với những Thánh Vịnh trong nghi thức lột khăn bàn thờ thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa còn trở nên như sâu bọ đất, không còn hình dáng gì là con người cả… Vinh Quang Thiên Chúa đã cất giấu sau bức màn Thương Khó này. Đây là một mầu nhiệm cao cả!
Mến chúc ông quản KVL một mùa chay thánh thiện
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:10 AM
34. Xin lễ cầu cho các linh hồn
Kính thưa cha,
Có người nói là khi chúng ta xin lễ cầu nguyện cho những linh hồn đã chết là chỉ để nuôi sống các linh mục mà thôi, vì khi chết là đã có kết quả phán xét của Chúa rồi. Nếu sạch tội thì lên thiên đàng, còn nếu mắc tội trọng thì xuống hoả ngục. Vậy xin lễ không cần thiết. Còn số tiền người ta phúng điếu là để tu sửa mồ mả khi bị hư hại. Vậy đúng hay sai? Xin cha giải thích rõ ràng cho con và người bạn kia được rõ. Cám ơn Cha nhiều. (OC)
OC thân mến,
Về vấn đề xin lễ "để nuôi sống các linh mục" thì cũng đúng và cũng không đúng. Đúng là vì bỗng lễ cũng giúp vào việc sinh sống hằng ngày của linh mục. Tuy nhiên, thử hỏi trung bình thánh lễ $5, $10, hoặc $20… OC hoặc "người bạn kia" nghĩ xem có thể đủ "để nuôi sống các linh mục" trong cuộc sống hằng ngày, nhất là cuộc sống tại Hoa Kỳ không? Chúng ta cũng nên biết rằng, linh mục chỉ được phép nhận mỗi ngày một bổng lễ mà thôi. Các bổng lễ khác được xung vào quỹ chung của Giáo xứ, Giáo phận, hoặc cho việc từ thiện.
Thứ đến, nếu như OC hoặc "người bạn kia" đã luận rằng: "chết là đã có kết quả phán xét của Chúa rồi… vậy xin lễ không cần thiết…" thì thiết nghĩ cũng chẳng cần nhận phúng điếu để tu sử mồ mả làm gì. Tại vì, thử hỏi việc làm đó ích lợi gì cho người quá cố?
Điểm quan trọng xin được chia sẻ với OC cũng như người bạn kia là: Các Thánh Thông Công là một Tín Điều của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội dạy rằng: Giáo hội lữ hành, Giáo hội đang được thanh luyện, và Giáo hội khải hoàn có một sự liên hệ rất mật thiết với nhau. Và sự liên hệ đó được ràng buộc bằng sợi dây cầu nguyện. (GLGHCG # 954-955). Sách Giáo Lý Công Giáo, khoản 958, dạy rõ về sự hiệp thông với những người đã qua đời, rằng: "Vẫn công nhận từ đầu sự hiệp thông giữa toàn thể Nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội cùng với những người con đang còn lữ hành trên mặt đất này đã tưởng nhớ các người quá cố với lòng thảo hiếu sâu xa, ngay từ hồi đầu của Kitô giáo, bằng cách dâng kinh lễ cầu cho họ; bởi vì 'ý nghĩ cầu nguyện cho các người chết để họ được giải thoát khỏi các tội lỗi của họ, là một ý nghĩ lành thánh và hiếu thảo' (2Mcb 12:45). Việc chúng ta cầu nguyện họ không những sẽ giúp đỡ họ, nhưng còn làm cho lời chuyển cầu của họ hiệu nghiệm hơn trong việc phù giúp chúng ta."
Tóm lại, đồng tiền rất có mãnh lực trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, là người Công Giáo, chúng ta cố gắng đừng để mãnh lực của đồng tiền chi phối đến đời sống tâm linh của chúng ta. Có nghĩa là, chúng ta đừng bao giờ đánh giá Thánh Lễ bằng giá trị tiền bạc. Tại vì giá trị của thánh lễ, của việc hiến tế chính Mình và Máu Chúa Kitô để cứu chuộc nhân loại, không quá rẻ đến $5, $10, $20… đâu.
Chân thành trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:11 AM
36. Chuộc tội bằng cách nào?
Chào Cha,
Năm nay con được 16 tuổi, do nhà không quản lý chặt chẽ, con đã sa vào những tội lỗi, vô tình con đã phạm đến Đức Trong Sạch. Con đã ăn năn, vậy có thể chuộc tội không? bằng cách nào? Con hứa sẽ không bao giờ dám tại phạm.
Con rất cần sự giúp đỡ của quý cha để con trở lại con đường mới tốt hơn. Xin hãy trả lời thật tình để con quyết tâm sống đời sống tốt hơn.
Em mến,
Phạm tội là của con người. Tha tội là của Chúa.
Cha tin chắc một điều là một khi chúng ta thật lòng sám hối ăn năn, cải chừa tội lỗi thì Chúa tha tội cho chúng ta. Thử hỏi ai hoặc bất cứ điều gì trên thế gian này có thể ngăn cản được Tình Yêu bao la hải hà của Chúa? Chẳng lẽ Chúa đã không chịu thương khó, chịu chết và Phục Sinh để chuộc tội cho chúng ta hay sao? Em đã xét mình, ăn năn dốc lòng chừa rồi. Phần còn lại, cha đề nghị em hãy đi xưng tội, lãnh nhận ơn tha thứ và làm việc đền tội để được giao hòa với Chúa. Đó là cách "chuộc tội" đúng đắn nhất.
Cha sẽ thêm lời cầu nguyện cho em hôm nay. Ước mong sau khi được ơn trở lại, em sẽ hăng hái dấn thân làm tông đồ cho Chúa Kitô trong chính đời sống của em nhe.
Thân mến,
Cha Trân, cmc

duoc1706
28-06-2011, 11:11 AM
37. Thủ Dâm giảm nguy cơ ung thư
Gởi cha,
Thưa cha cho con hỏi một vấn đề,
Hiện nay tình trạng thủ dâm khá phổ biến. Vậy theo luật Giáo Hội có phải là tội hay không?
Ý kiến của cha thế nào khi có tin đăng rằng: "thủ dâm có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tuyền liệt." (Con một giáo dân Việt Nam)
Ui chu choa… nghe cái tin giật gân này có lẽ xem ra một số người cũng hào hứng lắm đây… một giải pháp giảm nguy cơ ung thư tuyến tuyến liệt nằm ngay trong "tầm tay"…
Anh thân mến,
Thực hư thế nào về tin đăng này có lẽ cần thời gian để trả lời. Tôi xin khất để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc luân lý Giáo Hội vẫn luôn dạy đó là: "Không được dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt." Thủ dâm là một tội nặng. Do đó không được phép, trừ khi Giáo Hội tái định nghĩa Thủ Dâm là một "phương thuốc."
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:12 AM
38. Hồn ma lãng vãng?
Con có một người bạn kể cho nghe một câu truyện. Anh có một người chị họ, có một con chó chạy vào một nghĩa trang bên cạnh nhà, và bới một ngôi mộ của một người đàn bà. Tối hôm đó người đàn bà đó hiện về cho người chị đó và nói "Tôi lạnh lắm! Chị giữ con chó của chị đừng để nó bới nhà tôi nữa?" Sáng hôm sau, chị qua các nhà hàng xóm hỏi coi con chó của chị có bới nhà họ không, nhưng họ nói là con chó của chị đâu có bới nhà họ đâu . Chị đi ra nghĩa trang thì thấy ngôi mộ của người đàn bà tên đó bị con chó bới một lỗ thật lớn. Thì chị lấy đất đắp lại. Và tối hôm đó người đàn bà đó hiện về cám ơn chị đã đắp lại nhà của bà", và hỏi là chị có gì ăn không? Tôi đói lắm!" Sáng hôm sau chị chạy về nhà hỏi mẹ là chị phải làm gì cho người đó. Và người mẹ cho ý kiến là nên cúng cho họ một ít đồ ăn. Và chị về làm như ý của mẹ. Tối đến thì người đàn bà đó hiện về lần nữa và cám ơn đã cho bà ăn và nói nếu mà chị có cần cái gì thì bà sẽ làm cho.
Kể xong câu truyện trên, thì anh ta hỏi con mà con không biết trả lời làm sao. Những câu hỏi là: Khi người đã chết, linh hồn của người chết có còn đòi hỏi những thứ như quần áo, ăn uống, rượu chè không? Theo như đạo công giáo thì chết là về hưởng nhan Thánh Chúa, mà tại sao lại còn có người chết hiện về? Và còn có câu là "Chết là Hết" vậy tại sao lại có những hồn ma lãng vãng trên đời? Cám ơn quí cha rất nhiều!
Em mến,
Nghe em kể mà cha đây cũng lạnh người. May thay trong đời cha chưa có gặp cảnh này bao giờ. Tuy nhiên, cha cũng nghe nhiều người kể những chuyện tương tự. Tháng trước bác của cha qua đời và sau đó cũng nghe gia đình kể rằng bác về cám ơn…
Thực hư thế nào cha không rõ. Nhưng cha tin chắc một điều Giáo Hội dạy là: Linh hồn là loài thiêng liêng. Do đó, những thứ như quần áo, đồ ăn thức uống, rượu chè không có tác dụng gì cho linh hồn cả. Thánh lễ, lời kinh, việc lành phúc đức… là những "của ăn" thiêng liêng rất ích lợi cho các linh hồn. Chúng ta cùng nhau hy sinh cầu cho các ngài sớm về hưởng nhan thánh Chúa.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:13 AM
39.Vấn đề liên quan đến hôn nhân
Thưa cha,
Con có một vài thắc mắc về vấn đề hôn nhân muốn nhờ cha giải đáp dùm con.
1. Trước tiên như thế nào mới là tội phạm đến điều răn thứ 9 trong Mười điều răn?
2. Khi một cặp vợ chồng đã phải đi đến chỗ ly dị thì họ có được rước lễ hay không? Nếu như sau khi ly dị, người vợ hoặc người chồng sống chung với một người khác thì có tội không?
3. Nếu như vợ hoặc chồng vì lý do nào đó qua đời, thì người còn lại có quyền vào nhà thờ làm đám cưới thêm một lần nữa không?
4. Khi một trong hai người đã phạm tội "ngoại tình" mà còn rước lễ thì có bị thêm tội phạm sự thánh không?
Con xin chân thành cám ơn Cha. Nguyện xin Chúa luôn chúc lành hồn xác cho cha. (NC)
Hi NC,
1. Điều răn thứ 9 dạy "Chớ muốn vợ chồng người." Nếu mình muốn lấy vợ hoặc lấy chồng người ta làm chồng/vợ mình thì đó là tội rồi. NC để ý kỹ là mới muốn thôi đó cũng đủ là điều tội rồi.
2. Khi một cặp vợ chồng đã ly dị thì họ vẫn được xưng tội, rước lễ. Ly d ở đây phải hiểu là hai người không sống chung với nhau nữa và cũng không sống chung với người thứ ba. Nếu sống chung với người thứ ba thì là tội. Giáo Hội dạy không được làm như vậy. Trong trường hợp này, cha khuyên cặp vợ chồng nên đi gặp cha xứ trình bày tình trạng của mình để được giúp đỡ kỹ càng hơn.
3. Nếu một trong hai người qua đời, người còn sống được phép tái hôn, được vào nhà thờ làm đám cưới nữa. Không ngăn trở gì cả.
4. Nếu phạm tội "ngoại tình" thì cần phải đi xưng tội trước khi lên rước lễ. Nếu rước lễ trong khi mình mắc tội trọng đó, thì mắc tội phạm sự thánh.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:15 AM
41. Dạ-Không hay Không-Dạ?
Kính thưa cha,
Xin cha bỏ thời gian đọc câu chuyện của con và giúp ý kiến cho con trong một việc mà con buồn lòng từ bấy lâu nay.
Con lập gia đình đã hơn 10 năm nay, cuộc sống gia đình con rất là hạnh phúc. Trong gia đình, chồng con là 1 người chồng người cha mẫu mực, bên ngoài xã hội anh cũng được mọi người xung quanh quí mến vì nhiều tính tốt. Tóm lại nói về đời anh là một người không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên điều làm con buồn phiền là đời sống đạo của anh. Anh xuất thân từ gia đình đạo gốc nhưng không bao giờ xưng tội và rước lễ, vì anh không có lòng tin vào Đạo. Anh vẫn đi tham dự thánh lễ và thực hiện đầy đủ các nghi thức khác như rửa tội cho con cái, đọc kinh trong gia đình… nhưng làm việc đó chỉ vì con muốn chứ không phải vì anh thấy được sự thiêng liêng và tin tưởng vào Chúa. Con nhiều lần khuyên nhủ nhưng chồng con cứ nói rằng anh sống đầy đủ bổn phận với gia đình, lương thiện, ngay thẳng… như vậy trước mặt Chúa anh vẫn tốt hơn nhiều người tỏ ra ngoan đạo nhưng thật sự có đời sống riêng tư đầy tội lỗi. Lý do làm chồng con có những tư tưởng như vậy bắt nguồn từ Ba Má chồng của con. Ba Má chồng của con làm Chủ tịch của một cộng đồng Công giáo từ cả chục năm nay. Ông bà bỏ hết thời gian, tâm trí và cả tiền bạc cho nhà thờ, cho cộng đồng. Đối với người ngoài, ông bà thật là mẫu mực, không bỏ sót 1 thánh lễ nào, không bỏ qua 1 dịp hành hương, tĩnh tâm nào nhưng trong gia đình lại thiếu sót bổn phận làm cha mẹ. Ba má chồng con không hề quan tâm, gần gũi gì với con cái hết vì chẳng mấy khi ở nhà, đến nỗi anh em bất hoà, đứa bỏ học đứa bỏ nhà đi cũng không quan tâm, không tìm kiếm. Chồng con sống tự lập từ nhỏ, trải qua bao nhiêu khổ cực mới có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay, do đó anh luôn tự tin vào bản thân mình. Anh cho rằng muốn đạt được kết quả, tốt nhất là nhờ vào nỗ lực của bản thân chứ không cần phải trông cậy vào ai cả, vì trước mắt là Cha Mẹ của anh sống đạo gương mẫu như vậy mà có đem lại điều gì tốt đẹp cho gia đình, con cái đâu. Thêm nữa chúng con biết mấy vị linh mục mà người thì ưa đánh bài, ăn nhậu, người lại bôi nhọ, nói xấu con chiên… nên chồng con càng có lý do mạnh mẽ để nói rằng không muốn xưng tội và rước lễ với mấy vị linh mục đó nói riêng và nói chung là có Đạo cũng đâu có làm cho người ta tốt hơn. Dĩ nhiên anh cũng biết nhiều tấm gương tốt của các vị linh mục, hay nhiều người khác nữa, nhưng anh cho rằng đó là tại bản thân của những người đó tốt chứ không phải tại vì Đạo.
Thưa cha con biết lý lẽ của chồng con là không đúng, đành rằng anh có lý trong những trường hợp đơn lẽ nhưng mình là người có đạo mà không tin tưởng vào sự thiêng liêng của Thiên Chúa thì thật là có tội. Chồng con thường không đi dự thánh lễ trừ ra khi con "rủ" thì anh đi ngay chỉ vì muốn vợ con vui vẻ. Con mong sao chồng con hiểu được sự mầu nhiệm của Chúa và tin tưởng với tấm lòng mà không biết phải nói làm sao. Mỗi lần con khuyên thì anh cũng im lặng nghe và ra vẻ đồng ý lắm nhưng con biết thật lòng anh không cảm thấy như vậy. Thưa cha mong cha giúp cho con những lời khuyên hữu ích.
Mong cha trả lời cho con trong mục Hỏi Đáp về Đạo của Dongcong.net. Con cám ơn cha và chúc cha nhiều sức khoẻ. (C.T.)
C. T. mến,
Không hiểu sao mà sau khi đọc đi đọc lại những dòng tâm sự của C. T., tôi lại liên tưởng đến đoạn Phúc Âm về người cha bảo hai con mình ra đồng làm việc. Đứa anh thì dạ ngay lập tức, nhưng rồi lại không đi. Trong khi đó đứa em chối không đi, nhưng sau đó lại hối hận và dạ… (Matthêu 21: 28-30)
"Dạ-không hay không-dạ," như mọi người chúng ta đều biết, cả hai đều có ưu và khuyết. Chắc hẳn là người tín hữu tốt, chúng ta đều cần phải noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn thưa lời "Xin Vâng" và sống lời thưa vâng của mình trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Tôi có một người chị họ sang Mỹ được 10 năm… vẫn chưa biết lái xe. Và cứ tình trạng này thì có lẽ chị sẽ không bao giờ lái xe. Lý do? Thấy xe chạy lẹ và thấy nhiều cảnh tai nạn xe hơi xảy ra hằng ngày cho nên chị sợ. Gia đình khuyên chị nên tin tưởng nơi mình, học thi lái xe đàng hoàng và lái xe cẩn thận, rồi mọi sự phó thác cho Chúa và Đức Mẹ… nhưng rốt cuộc chị cũng chọn không lái xe.
Trường hợp của chồng C. T. thì khác. Có lẽ không phải vì sợ người này hay sợ cha nọ mà anh đã chọn không xưng tội rước lễ… Theo như C. T. trình bày thì có lẽ những phản ứng hiện thời của chồng C.T. đối với đạo Công Giáo có lẽ cũng không có gì là khó hiểu -- anh đang phẫn uất vì một số gương mù gương xấu nơi những người mà anh đã từng tin tưởng, trọng kính. Chúng ta thấy gương mù tai hại là dường nào. Nhưng dù sao đi nữa, theo tôi nghĩ thì có lẽ còn nhiều lý do phức tạp khác nữa mà mình không biết. Tại vì, nếu suy cho cùng, đâu có ai mà dại đến nỗi lại để một vài hành vi không tốt của người khác điều khiển cả cuộc sống đời này lẫn đời sau của mình chứ. C. T. thử nghĩ xem có đúng không?
Nhưng mà như thế này… C. T. hãy cám ơn Chúa vì đã ban cho mình một người chồng, xét về phần đời, mẫu mực và nhiều đức tính tốt. Và còn "thương vợ nể con" nhất là mỗi khi C. T. "rủ" ảnh đi lễ. Không chừng Chúa đang muốn dùng C. T. để giúp ảnh? Tôi hy vọng và cầu nguyện để ước gì qua đời sống đạo chân thành của C. T. dần dần anh sẽ nhận ra được "CHÂN LÝ." Và chắc hẳn điều này cần phải có thời gian C. T. ạ. Một sớm một chiều không dễ xảy ra đâu.
Nói tóm, đây cũng là một cơ hội để mỗi người chúng ta xét lại chính cuộc sống của mình. Có lẽ nhiều khi trong cuộc sống chúng ta cũng đã dạ với Chúa nhưng rồi lại không. Hy vọng anh chồng của C. T. cũng chỉ tỏ ra không bên ngoài, nhưng thực sự bên trong anh đang dạ với Chúa.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cho hết mọi người được luôn sống thật với Chúa, với người khác, và với chính mình… đừng bao giờ gây gương mù gương xấu cho người khác… kẻo mà bị Chúa cột cối đá quăng xuống biển mà chớ.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:16 AM
42. Đức Ông và Đức Cha khác nhau thế nào?
Kính gởi Quý Cha và Quý Thầy,
Con có đọc trong phần trả lời Đức Ông là ai và đã biết rõ, nhưng y phục của Đức Ông và Đức Cha thì giống nhau, không biết có cái gì khác nữa để nhận biết vị nào là Đức Ông và vị nào là Đức Cha? Xin cha cho con biết thêm. (C.H.)
C.H. mến,
Hai điểm mà C.H. có thể nhận biết Đức Ông hay Đức Cha là:
1. Mũ tròn đỏ đội trên đỉnh đầu.
2. Thánh giá Giám Mục đeo trước ngực.
Cả hai điểm này Đức Cha có và Đức Ông không có.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:17 AM
43. Mũ của Đức Cha tượng trưng điều gì?
Trong khi cử hành thánh lễ, Đức Cha thường có những 2 loại mũ và khi thì đổi cái này, lúc thì đổi cái kia, có khi không thay đổi cái nào. Xin hỏi vì sao vậy? Và những loại mũ đó tượng trưng cho điều gì của các Ngài? (C.H.)
C.H. mến,
Mũ gầu (mũ lớn đội ở ngoài) và gậy của Đức Cha là những biểu tượng quyền bính dành cho Đức Cha là những vị nối tiếp các tông đồ chăn dắt đoàn chiên Chúa. Mũ tròn đỏ đội trên đỉnh đầu có ý tỏ lòng tôn kính chỗ Ngài được xức dầu khi thụ phong Giám Mục. Trong Thánh Lễ, lúc rước đầu lễ, khi công bố Lời Chúa, và khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha đội mũ và cầm gậy nói lên quyền chăn dắt và giảng dạy của ngài; lúc cử hành phụng vụ Thánh Thể, ngài bỏ xuống cả hai loại mũ (mũ gầu và mũ giám mục mầu đỏ) là để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể, là Chúa của các tông đồ.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:18 AM
44. Ý nghĩa của Cá, Bánh Miến, Rượu Nho...
Trên áo lễ của các linh mục, thỉnh thoảng con thấy có thêu hình con cá, ý nghĩa của hình đó là gì? Bánh miến và rượu nho có phải tượng trưng cho Mình và Máu Thánh Chúa Kitô? (C.H.)
C.H. mến,
Những hình ảnh Cá, Bánh Miến, Rượu Nho được thêu dệt trên áo lễ có ý nhắc nhớ và hướng chúng ta đến Thánh Thể. Có lẽ C.H. cũng vẫn còn nhớ phép lạ Chúa làm cho 5 chiếc bánh và 2 con cá hoá ra nhiều để nuôi 5,000 người ăn… (Matthêu 14: 17-21). Bánh và cá là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu đã trở nên của ăn cho nhân loại. Bánh miến/lúa miến và rượu nho cũng thế. Cả hai tượng trưng cho Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu như C.H. nghĩ.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:18 AM
45. Vấn đề Đức Mẹ Đồng Trinh & Luther
Ngoài ra trong Kinh Thánh có chép đoạn: "Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp người" và họ cho rằng nếu Chúa Giêsu có anh em thì Mẹ Maria đâu còn đồng trinh.
Thưa cha những ý kiến của họ như vậy là sao? Xin cha giải thích giúp con và cha có thể cho con hỏi: tại sao họ tin như vậy được không ạ! Ngoài ra, xin cha cho con hỏi nhân vật LUTHER là ai được không? Chào cha, và mong sớm nhận được thư của cha! (TSVN)
TSVN mến,
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: "Việc đào sâu thêm niềm tin vào sự làm mẹ mà vẫn đồng trinh của Mẹ Maria đã dẫn đưa Giáo Hội tới chỗ tuyên xưng sự trinh khiết thực sự và trọn đời của Mẹ Maria, cả trong việc sinh hạ Con Thiên Chúa làm người. Đúng thế, sự sinh ra của Chúa Kitô 'đã không giảm mất mà còn thánh hiến sự trinh tuyền của Mẹ Ngài. Phụng vụ của Giáo Hội tôn xưng Mẹ Maria là 'Đấng trọn đời đồng trinh.'
Về vấn đề này, đôi khi người ta vấn nạn rằng tại sao Thánh Kinh lại nói đến những anh chị em của Chúa Giêsu. Giáo Hội luôn hiểu các đoạn sách này không nói đến những người con khác nữa của Mẹ Maria. Đúng thế, Giacôbê và Giuse "những anh em của Chúa Giêsu" (Mt 13,55) là con của một bà Maria khác, môn đệ của Chúa Kitô, và Thánh Kinh nói rõ đó là "một Maria khác" (Mt 28,1). Đó là những anh em họ gần của Chúa Giêsu, theo kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước." (#499-500)
Luther là vị cải tổ Tin Lành đầu tiên và quan trọng hơn cả. Sinh ở Eisleben năm 1483, vào Dòng Thánh Augustinô ở Erfurt (Đức), thụ phong Linh mục (1507), và là giáo sư Thánh Kinh. Khi viết cuốn giải thích thánh thư gửi Giáo đoàn Lamã, ông nhận thức rằng ơn cứu độ chỉ dựa trên Đức Tin, không cần việc làm. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, ông niêm yết ở nhà thờ Wittenerg 95 luận đề giáo thuyết của ông, gây nhiều sôi nổi. Ông bị Đức Giáo Hoàng Lêô X lên án. Phong trào cải cách Tin Lành được hỗ trợ bởi những cuộc tranh chấp chính trị giữa vua Charles Quint và Francois đệ nhất. Sau khi đã kết hôn năm 1525 với một nữ tu phá giới, ông đã nhờ một đồ đệ là Mélancton tóm tắt giáo thuyết của ông trong cái gọi là "Công bố Augsbourg" chối bỏ nhiều tín điều, các Bí Tích, đời sống tu trì v.v… ông qua đời tại Eioleben ngày 17 tháng 2 năm 1546.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 11:24 AM
46. Vấn đề thờ ảnh tượng
Lời đầu thư con xin chúc quý cha có nhiều sức khoẻ và bình an trong Chúa!
Thưa cha, gần đây con có gặp một số người bạn theo hệ phái tin lành họ có hỏi con tại sao Công giáo lại thờ ảnh tượng trong khi trong điều răn thứ 2 Đức Chúa có phán các ngươi không được thờ ảnh tượng? (TSVN)
TSVN mến,
Trước hết, chúng ta nên hiểu rõ là Đạo Công Giáo không thờ bất cứ ảnh tượng nào cũng như bất cứ một ai ngoài Thiên Chúa. Những ảnh tượng mà Giáo Hội tôn kính không gì khác hơn là để giúp chúng ta, là phàm nhân, được dễ dàng hướng lòng lên Thiên Chúa là Đấng vô hình, và noi gương các thánh thờ phượng kính mến Chúa và yêu người với một tình yêu thiết tha chân thành.
Thiết tưởng chúng ta cũng cần biết thêm là Iconoclasme là lạc giáo nghịch ảnh tượng hay bài ảnh tượng vào thế kỷ VIII và IX. Vua Lêone III, Hoàng đế Đông phương ra sắc chỉ đập phá mọi ảnh tượng từ năm 717 đến năm 741. Lạc giáo bị Công đồng chung Nicê II năm 787 kết án. Lạc giáo lan tràn ở Đông phương nhưng cũng đã gây ảnh hưởng ở Tây phương nữa.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 04:58 PM
47. Điều Răn Thứ Hai?
Xin cha giải thích rõ hơn về:
1. Điều răn thứ hai. Cụ thể như thế nào là phạm tội điều răn thứ hai? Nặng hay nhẹ?
2. Nghe nói ở bên Mỹ có hình thức xưng tội và giải tội qua mạng email không biết có đúng không? Hội thánh hiện có chấp nhận hình thức xưng tội qua email không? Nếu có thì cụ thể ở điều khoản nào?
3. Tại sao không thấy giới thiệu về các chi dòng Đồng Công hiện ở Việt Nam ở "trang dòng Đồng Công"? Ví dụ như cơ sở Tam Hà Thủ Đức.
Cha có thể trả lời trên trang "Hỏi đáp về đạo" hoặc email dksaigon@vnn.vn. Cám ơn cha rất nhiều? Nguyện xin Chúa luôn gìn giữ cha. (GDK, TPHCM Việt Nam)
GDK thân mến,
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì "cho biết tên của mình là điều thuộc về lãnh vực tâm sự và thân mật. 'Danh của Chúa thì thánh.' Bởi vậy con người không được lạm dụng Danh thánh Ngài, nhưng phải giữ trong ký ức của mình, trong một sự yên lặng đầy kính ái. Con người chỉ nói đến thánh Danh Ngài để chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh." (số 2143). Một số điều cụ thể phạm đến điều răn thứ hai là:
1. Lạm dụng Danh Chúa. "nghĩa là sử dụng cách bất xứng thánh Danh của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, của Đức Trinh nữ Maria và các thánh." (số 2146)
2. Nhân danh Chúa thề hứa mà lại "bất trung với những lời hứa đó là lạm dụng Danh Chúa và một cách nào đó làm cho Thiên Chúa trở thành người nói dối." (số 2147)
3. Nói phạm thánh. "… là nói trong lòng hoặc nói ra ngoài miệng những lời thù ghét, oán trách, thách thức, hoặc nói xấu Thiên Chúa." (số 2148)
4. Chửi thề. "Những lời chửi thề có nhắc tới Danh Chúa, nhưng không có ý xúc phạm đến Ngài, cũng là thiếu tôn kính đối với Ngài. Điều răn thứ hai cũng cấm sử dụng Danh Chúa vào những hành vi ma thuật." (số 2149)
5. Cấm thề gian. "… là kêu Thiên Chúa làm chứng cho một sự nói dối." (số 2150, 2163)
Về vấn đề xưng tội qua mạng thì ở bên Mỹ cũng đã có người đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến lúc này Giáo Hội vẫn chưa chấp nhận cách thức xưng tội qua mạng này.
Về việc giới thiệu Dòng Đồng Công ở Việt Nam trên "trang Dòng Đồng Công" có lẽ còn một vài "lý do kỹ thuật" cho nên chưa thực hiện được. Hy vọng sẽ thực hiện trong một ngày gần đây.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 04:59 PM
48. Xưng Tội Thế Nào Khi Không Có Cha?
Kính thưa các cha,
Con là kẻ có tội. Nhiều tội lắm. Nhưng nơi con ở không có cộng đồng VIỆT NAM nên con muốn xưng tội cũng không được. Con xin hỏi các cha có cách nào để con có thể xưng tội trọn vẹn được không, ngoài việc đi xưng tội với các cha Mỹ. Tiếng Mỹ thì con không biết. Và cũng xin giúp cho con biết cách dọn mình xưng tội với, vì lâu rồi con không còn biết cách dọn mình và xưng tội như thế nào. Thí dụ như trước khi vào toà thì phải dọn mình. Nhưng khi vào toà rồi thì con phải nói gì với cha hoặc đọc kinh gì con không còn nhớ nữa. Xin các cha giúp con với. Con xin kính chào,
NCTL
NCTL thân mến,
Trong trường hợp của NCTL có thể làm hoà với Chúa bằng cách Ăn Năn Tội Cách Trọn. Có nghĩa là thành tâm trước mặt Chúa ăn năn thống hối tất cả những lỗi lầm mình đã phạm làm mất lòng Chúa là Đấng rất đáng yêu mến tôn thờ. Đồng thời, dốc quyết với Chúa từ nay trở đi sẽ cố gắng chừa bỏ những tính mê nết xấu đó… Chắc chắn Chúa nhân từ sẽ tha thứ cho TCTL.
Đây là 4 yếu tố trong việc xưng tội:
1. Dọn mình xưng tội:
a. Xét mình về bổn phận trách nhiệm của mình đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình qua 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội Thánh, 7 mối tội đầu…
b. Nhất là xét xem tình yêu mến Chúa của mình giảm sút cách nào? Lý do/căn nguyên làm giảm sút?
2. Ăn năn thống hối:
a. Thành tâm thống hối và dốc lòng chừa.
3. Xưng tội:
a. Thưa với cha giải tội: "Thưa cha con là kẻ có tội. Xin cha tha tội cho con. Con xưng tội cách đây… (1 tuần) chẳng hạn. Và sau đây là các tội con đã phạm"
b. Xưng thú các tội đã phạm. Tội trọng, tội nặng cần xưng rõ số lần.
c. Sau cùng thưa với cha: "Thưa cha, đó là các tội con nhớ được. Con đã thật lòng thống hối ăn năn. Xin cha ban phép tha tội cho con."
d. Lắng nghe lời khuyên của Cha giải tội và việc đền tội.
4. Làm việc đền tội
Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ Maria ban cho NCTL sớm có cơ hội trở về làm hoà với Chúa và tha nhân.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 04:59 PM
50. Đi Đánh Bài Có Phải Là Tội Không?
Kính thưa cha,
Cha cho con hỏi đi đánh bài (gambling) có tội hay không? Theo con nghĩ nếu mình chơi để vui, để giải trí thì không có tội, còn mình chơi với tính cách ăn thua thì có tội có phải không cha? Và nếu gambling là tội thì tội đó có xem là tội trọng hay không? Xin cha giải thích cho con thêm. (NMH)
NMH thân mến,
Người ta thường nói: "Cờ bạc là bác thằng bần." Cho nên, nếu đánh bạc không có tội thì cha cũng thấy tội cho người đánh bạc… hehehehe.
Hiền suy nghĩ đúng. Nếu mình chơi tí chút để giải trí thì không có tội. Cũng giống như đi ăn kem, uống càphê, coi xinê với bạn bè vậy. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều dễ đâu NMH ạ. Cha được biết nhiều người thoạt tiên cũng chỉ vì muốn vui, giải trí tí chút thôi… nhưng rồi cuối cùng bán vợ, bán con luôn đó. Cờ bạc có thể là tội nhẹ và cũng có thể là tội trọng tuỳ từng trường hợp. Nói đúng ra thì cờ bạc cũng rất dễ dẫn con người đến đam mê và không thể chu toàn trách nhiệm đối với mình và đối với người khác. Cho nên không thể chấp nhận được. NMH có thể xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 2413.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 05:00 PM
51. Làm Thế Nào Để Vào Đạo?
Thưa cha kính mến,
Nguyện xin Chúa ban cho Cha sức khoẻ và hồng ân nơi Người. Con có điều này xin cha chỉ bảo cho con. Con đang học giáo lý, còn mấy tháng nữa học xong con mới được chịu phép Rửa Tội. Xin cha cho con biết là con có được chịu phép Bí Tích Thánh Thể trước khi được Rửa Tội không ạ? Con cám ơn cha nhiều.
Một con chiên của Chúa đang cần sự chỉ bảo nơi Người. (TTB)
TTB thân mến,
Theo Giáo Hội dạy thì Bí Tích Thánh Thể chỉ dành riêng cho những người đã được Rửa Tội. Do đó, TTB chưa có được chịu phép Bí Tích Thánh Thể trước khi được Rửa Tội. Ráng đợi thêm vài tháng nữa nhe.
Nhân tiện, cha xin chúc mừng TTB trước. Cầu nguyện cho TTB được nhiều hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria trong những ngày tháng chuẩn bị lãnh phép Bí Tích Rửa Tội này, và nhất là trong ngày "tuyệt đẹp" ấy.
Mặc dầu bây giờ TTB chưa được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách thật sự, nhưng TTB vẫn luôn có thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách thiêng liêng bất cứ lúc nào. Có nghĩa là, bất cứ lúc nào… nhất là trong lúc người ta đi lên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ thì ở ngay tại ghế ngồi hay bàn quì TTB có thể thân thưa với Chúa những lời tương tự sau đây: "Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể rất đáng yêu đáng mến của lòng con. Hiện giờ con chưa được rước Chúa vào lòng, nhưng con rất ước ao được rước Chúa vào lòng con trong giây phút này. Xin Chúa hãy ngự đến trong con cách thiêng liêng vậy, và ban ơn giúp sức cho con được mỗi ngày yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân nhiều hơn…"
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 05:00 PM
52. Rửa Tội tại Sông Jordan?
Kính thưa quý Cha quý Thầy, con có câu hỏi thắc mắc này kính xin giải đáp và giúp con hiểu được vấn đề này: con có 1 người bạn chồng cô ta là đạo công giáo, còn cô ta thì theo chồng không không làm lễ cưới và đã có với nhau 4 người con, hiện nay họ vẫn đang sống với nhau. Vào năm Thánh 2000 cô ta có đi hành hương ở Đất Thánh và đến giòng sông Jordan đã có 1 linh mục người Việt Nam rửa tội tại đó cho cô ta và có cả người đỡ đầu nữa. Sau đó, mấy tháng thì linh mục đó làm lễ kết hôn cho cô ta. Như vậy không biết là cô ta đã là người công giáo chính thức chưa? Và bí tích hôn nhân của cô ta đã thành chưa? Là vì theo hiểu biết của con thì Bí Tích Rửa Tội là cửa mở cho các Bí Tích khác, nhưng đằng này cô ta được rửa tội ở sông Jordan và theo con thì chắc chắn là vị linh mục kia sẽ không cấp giấy rửa tội cho cô ta được rồi. Và thường thì những người lớn tuổi gia nhập đạo công giáo thì được gọi là tân tòng, và linh mục có quyền ban mấy bí tích liền ngày hôm đó, như vậy là cô bạn của con chắc chắn là chưa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể trong khi cô ta được rửa tội ở sông Jordan, thế mà cô ta hiện nay đi lễ vẫn lên rước Mình Thánh Chúa, như vậy có đúng không hay là cô ta phải đi từng bước như bao trẻ em khác là phải lãnh nhận Bí Tích Giải tội, Thêm sức. Theo con thì khi mà rửa tội ở sông Jordan thì không thành bí tích, là vì trong Phúc Âm cũng viết là Chúa Giêsu đã xuống sông đó như bao người khác (mặc dù Chúa đã được rửa tội và cắt bì như bao nhiêu người công giáo khác) Chúa xuống sông đó để làm chứng cho người ngoại đạo thêm lòng tin. Là vì khi còn nhỏ con đã được học giáo lý và được biết là ai cũng chỉ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được 1 lần không có lần thứ 2. Xin quý cha, quý thầy giải thích cho con được rõ thêm là: cô bạn của con đã là người công giáo chưa? Và khi cô ta lên Rước Lễ là đúng hay sai, và Bí Tích Hôn Nhân của cô ta có đúng với giáo lý công giáo không? Và cô ta có phải học thêm để lãnh nhận thêm các Bí Tích Giải Tội, Thêm Sức nữa không hay là không cần nữa. Xin cho con biết để con có thêm phần giải thích với cô bạn của con. Xin chân thành cám ơn sự giải đáp thắc mắc của quý cha, quý thầy. (DL)
DL thân mến,
Về những vấn đề DL thắc mắc, xin được giải thích rõ ràng như sau:
Theo Giáo Hội Công Giáo, để trở thành một người công giáo chính thức cần lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Và qua Bí Tích Rửa Tội, người Công Giáo có thể tiếp tục lãnh nhận các bí tích khác. Thông thường, đối với các trẻ em, Bí Tích Rửa Tội được lãnh nhận đầu tiên. Sau một thời gian học hỏi giáo lý đầy đủ, các em được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, và Bí Tích Thêm Sức. Tuy nhiên, đối với người lớn khi trở lại sau khi được học hỏi một số giáo lý cần thiết, Giáo Hội có nghi thức ban luôn một lúc các Bí Tích Khai Tâm – Rửa Tội, Mình Thánh Chúa, Thêm Sức – cho họ. (Xin xem thêm sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo các khoản 1229-1284.) Còn về vấn đề cấp giấy Rửa Tội thì vì hoàn cảnh linh mục có thể làm sau cũng được. Chính vì thế, tôi thiết nghĩ không có gì ngăn trở trong việc cô bạn của anh lên Rước Lễ… và cũng không có gì sai trái trong việc cô ta lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối sau đó mấy tháng.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 05:01 PM
53. Rước Lễ Thiêng Liêng
Thưa cha kính mến,
Nguyện xin Chúa ban cho Cha sức khoẻ và hồng ân nơi Người. Con có điều này xin cha chỉ bảo cho con. Con đang học giáo lý, còn mấy tháng nữa học xong con mới được chịu phép Rửa Tội. Xin cha cho con biết là con có được chịu phép Bí Tích Thánh Thể trước khi được Rửa Tội không ạ? Con cám ơn cha nhiều.
Một con chiên của Chúa đang cần sự chỉ bảo nơi Người. (TTB)
TTB thân mến,
Theo Giáo Hội dạy thì Bí Tích Thánh Thể chỉ dành riêng cho những người đã được Rửa Tội. Do đó, TTB chưa có được chịu phép Bí Tích Thánh Thể trước khi được Rửa Tội. Ráng đợi thêm vài tháng nữa nhe.
Nhân tiện, cha xin chúc mừng TTB trước. Cầu nguyện cho TTB được nhiều hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria trong những ngày tháng chuẩn bị lãnh phép Bí Tích Rửa Tội này, và nhất là trong ngày "tuyệt đẹp" ấy.
Mặc dầu bây giờ TTB chưa được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách thật sự, nhưng TTB vẫn luôn có thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách thiêng liêng bất cứ lúc nào. Có nghĩa là, bất cứ lúc nào… nhất là trong lúc người ta đi lên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ thì ở ngay tại ghế ngồi hay bàn quì TTB có thể thân thưa với Chúa những lời tương tự sau đây: "Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể rất đáng yêu đáng mến của lòng con. Hiện giờ con chưa được rước Chúa vào lòng, nhưng con rất ước ao được rước Chúa vào lòng con trong giây phút này. Xin Chúa hãy ngự đến trong con cách thiêng liêng vậy, và ban ơn giúp sức cho con được mỗi ngày yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân nhiều hơn…"
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 05:02 PM
54. Kiềm Chế Tính Nóng Giận
Cha Kính!
Con hiện đang ở Việt Nam. Con tên là KN. Con nay 22 tuổi, con còn đi học. Khi vào trang web Dongcong con rất thích. Lời đầu thư con kính chúc Cha nhiều sức khoẻ để phục vụ Chúa và dẫn dắt những con chiên của Chúa. Cha ơi! Con là người ngoại, khi tìm hiểu về Chúa con rất yêu Chúa, nên con mới vào đạo. Con luôn tìm kiếm sách hoặc các thông tin về đạo. Nhưng con có một tánh tình rất là nóng và hay giận. Là con gái nhưng khi làm việc gì đó con luôn làm cho xong, dù thời gian có qua đi bao lâu! Cha ơi! Xin Cha giúp con kiềm chế được tánh nóng và đừng giận nữa. Và khi con biết về Chúa con không muốn đi chơi với ai cả và con chẳng muốn quen bạn trai, thời gian rãnh con chỉ đọc sách. Nhưng Cha ơi! Con sống như vậy moị người sẽ xa lánh con mất. Và khi có chuyện gì buồn con không có ai để trò chuyện, có nhiều chuyện con không thể nói với mẹ của con. Còn bạn bè con cảm thấy lối sống của người ta thế nào đó. Con không còn tự tin với cuộc sống nữa! Trong đầu con luôn có ý nghĩ chỉ có Chúa là tuyệt vời! Không có người bạn nào tốt cả! Cha ơi giúp con với. Con muốn sống cuộc sống bình thường, nhưng con không dám đặt niềm tin vào ai cả? Con phải làm sao? Con kính chào Cha. Con mong nhận được mail của Cha. (KN)
KN mến,
Nóng nảy tức giận là một trong bảy mối tội đầu. Có nghĩa là nóng nảy tức giận là 1 trong 7 nguyên cớ sinh ra nhiều tội lỗi khác. Rất là nguy hiểm. Hy vọng KN còn nhớ khi học kinh theo đạo. Tuy nhiên, biết mình có tính xấu này và muốn kiềm chế lại là một điều tốt và là một ơn Chúa ban. KN đừng quên cám ơn Chúa về điểm này. Cha chia sẻ với KN một vài nhận xét về những người hay nóng nảy tức giận:
1. Người hay nóng nảy tức giận có thể là người thông minh. Học 1 hiểu 10, cho nên nhiều khi vô tình đòi hỏi nơi người khác cũng phải giống như mình, và rồi dễ đâm ra tức tối nóng giận một khi không được toại nguyện. Nếu đúng thế, thì:
a. trước nhất hãy cám ơn Chúa đã ban cho mình được thông minh, nhiều tài năng hơn người khác.
b. thứ đến, xin Chúa ban cho mình được ơn nhẫn nhục chịu đựng.
c. sau cùng cầu xin Chúa thương chúc lành cho những người kém cỏi hơn mình.
2. Người hay nóng nảy tức giận có thể là người đang bị giằng co trong cuộc sống hoặc nơi thể chất, thể xác, hoặc trong đời sống tâm linh. Nói cách khác, họ là người mất bình an tâm hồn. Trong trường hợp này, điều cần thiết là thư giãn tâm hồn bằng cách nghỉ ngơi, cầu nguyện, tĩnh tâm, chia sẻ tâm sự với người thân cận mà mình tin tưởng, hoặc gặp cha linh hướng.
3. Cảm nghiệm được Chúa là Đấng tốt lành là một điều rất quí. KN nên cố ôm ấp giữ gìn. Tuy nhiên, một điều mà KN cũng cần lưu tâm đó là Chúa đến với chúng ta qua rất nhiều phương diện và hoàn cảnh sống trong ngày. Một trong những cách thức mà Chúa đến với chúng ta là qua con người, có xương có thịt, có hồn có xác… Có thể bây giờ Chúa chưa đến với KN qua cách thức này. Hy vọng, trong một ngày gần đây. Chắc chắn, đúng như KN nhận xét, không có bạn, không có người để hàn huyên tâm sự là một điều đáng tiếc và đáng buồn. Tại vì, mối liên hệ giữa người với người là một yếu tố căn bản không thể thiếu được… nếu mình thật sự là người. "Không ai là một hòn đảo" cả KN à. Có thể quá khứ đã để lại nơi ký ức KN một vết nhăn trong sự liên hệ với người khác và tin tưởng nơi người khác. Và nếu đúng thế thì để hàn gắn lại sự rạn nứt này đòi phải có thời gian. Điều cha muốn đề nghị với KN là đừng vội thất vọng. Hãy tiếp tục tin tưởng nơi Chúa, và nơi chính mình… và hãy cho mình và cho người khác một cơ hội.
Cầu chúc KN được ơn bình an của Chúa và Đức Mẹ,

duoc1706
28-06-2011, 05:03 PM
55. Ý Nghĩa Của JHS
Cha Trân mến,
Lời trước tiên chúc cha mọi sự tốt đẹp trong tình yêu thương Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria. Con có câu hỏi muốn xin cha giải thích dùm cho con hiểu… Con có đọc trong báo Trái Tim Đức Mẹ, ngoài bìa có chữ "JHS" con không biết nghĩa chính thức của chữ này ra sao. Theo con nghĩ thì "JHS" có nghĩa là Giêsu Hằng Sống. Không biết có đúng không? (TN)
TN mến,
Cha cám ơn lời cầu chúc của em. Nhớ cho cha thêm lời cầu để cha luôn mãi sống và phục vụ trong tình yêu thương của Chúa và Đức Mẹ.
JHS, trước đây cha được nghe biết là chữ viết tắt của "Jesus Hominum Salvator" (tiếng Latinh). Dịch ra tiếng Anh là, "Jesus, the Saviour of men"… có nghĩa là Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại.
Tuy nhiên, tìm hiểu lại cho kỹ để trả lời cho TN thì cha thấy Đại Tự Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia) cho biết khác hơn, rằng: "Từ thế kỷ thứ 3, các tên gọi về Đấng Cứu Thế đôi khi được rút ngắn, cách riêng trong ngành điêu khắc Kitô giáo. IH viết tắt cho Jesus/Giêsu, XP viết tắt cho Christus/Kitô. Tuy nhiên, ngay từ đầu trong ngành điêu khắc Kitô giáo, danh thánh Giêsu Kitô đã được viết tắt bằng tiếng Hy lạp: IC và XC hoặc IHS và XPS viết tắt cho Iesous Christos, và được tiếp tục dùng mãi cho đến thời Trung Cổ. Dần dần ý nghĩa này đã bị mất, và người ta đã cắt nghĩa sai IHS là "Jhesus". IHS trở nên phổ thông sau thế kỷ 12 khi thánh Bênađô nhấn mạnh đến lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu, và chân phước John Colombini (- 1367) là vị sáng lập Jesuati thường đeo trước ngực. Đến cuối thời Trung Cổ, IHS trở thành một biểu tượng, giống như biểu tượng chi-rho thời Constantinô. Đôi khi phía trên chữ H có một thánh giá và phía dưới có 3 cây đinh, và được bao quanh bởi những tia sáng. IHS trở nên ảnh tượng được chấp nhận của Thánh Vincentê Ferrer (-1419) và thánh Bênađinô Siena (-1444). Thánh Ignatiô Lôyola đã nhận IHS trong dấu ấn của ngài, và trở nên biểu tượng của Dòng Tên (1541).
Đó là một vài chi tiết về lịch sử và ý nghĩa của IHS/JHS.
Thân mến trong Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Công,

duoc1706
28-06-2011, 05:03 PM
57. Mức Độ Của Sự Dâm Dục?
Xin chào quí ông và quí cha,
Con có câu hỏi thắc mắc liên quan đến các bạn trẻ và cho bản thân con. Điều răn thứ 6 dạy rằng "chớ làm sự dâm dục." Điều răn trên thì hầu như mọi bạn trẻ đều biết. Nhưng mà để áp dụng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của những đôi lứa trẻ thì con không biết mức độ "của sự dâm dục." Làm thế nào thì được coi là trong sạch, không mắc tội. Còn ngược lại, khi nào thì phạm tội dâm dục. Cho nên con xin liệt kê ra sau đây những hành động thông thường và xin qúi cha giúp con tìm hiểu xem những hành động nào mắc tội.
Con xin tạm gọi người nam là X, người nữ là Y.
1. Hai người hôn môi nhau
2. Hai người ôm nhau trong khi còn mặc đủ quần áo trên người
3. Hai người ôm nhau trong lúc X, Y hay cả hai thoát y
4. X hôn ngực Y
5. X, Y cùng nằm chung 1 giường xem phim
6. X hôn cổ Y
7. X dùng tay rờ ngực Y
8. X dùng tay rờ bộ phận sinh dục khác của Y
…..
Và con muôn vàn trường hợp "lửa gần rơm" khác mà không tiện liệt kê hết ra đây. Xin cha hiểu dùm con. Con hỏi câu hỏi này rất là nghiêm túc. Xin Cha cho chúng con kim chỉ nam trong vấn đề này để chúng con có thể sống vui, sống đẹp lòng Chúa. (NCHD)
NCHD thân mến,
Cha đồng ý với NCHD rằng điều răn thứ 6 là vấn đề lớn và rất khó khăn đối với các bạn trẻ thời nay. Cha cũng cảm phục NCHD đã thành thực hỏi câu hỏi này. Trước khi xác định giới hạn và mức độ của sự dâm dục, chúng ta cùng tìm hiểu cho kỹ xem thế nào là sự dâm dục?
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: "Dâm dục là một ước muốn hỗn loạn, hoặc một thú vui tình dục sai trái. Thú vui tình dục sẽ bị coi là hỗn loạn khi người ta tìm chính nó, và tách khỏi mục đích sinh sản con cái và kết hiệp" (# 2351). Và "Tà dâm là quan hệ xác thịt giữa một người nam và một người nữ ngoài hôn nhân. Điều này trái nghịch cách nặng nề với nhân phẩm con người và tính dục con người, vì tính dục của con người tự nhiên hướng về lợi ích của những cặp vợ chồng, cũng như hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Đàng khác, đó là một gương xấu nặng nề khi có sự làm hư thanh thiếu niên." (# 2353).
Đó là phần định nghĩa của Giáo Hội về sự dâm dục. Giáo Hội không nói rõ chi tiết từng trường hợp như NCHD đã nêu ở trên. Tuy nhiên, theo sự nhận xét và thẩm định cá nhân dựa theo Giáo Lý của Giáo Hội thì trường hợp 1 và 2 có thể có tội và cũng có thể không có tội. Vấn đề này còn tuỳ vào từng trường hợp, và tuỳ vào "cường độ" và "trường độ" trong khi hôn môi nhau hoặc ôm nhau. Còn trong trường hợp thứ tự từ 3-8 thì dường như NCHD cũng đã nhận thức được đó là những "ước muốn hỗn loạn," hoặc những "thú vui tình dục sai trái" và biết được mức độ nặng nhẹ của tội tăng dần như thế nào. Một điều mà cha thiết nghĩ là "kim chỉ nam" cho chúng ta và các hành vi nhân linh của chúng ta đó là tiếng nói lương tâm. Một khi chúng ta cảm thấy con người bị giao động và tâm hồn bất an là một khi chúng ta nên dừng lại và kiểm điểm. Và thật ra nặng nhẹ là gì, và khác biệt ra sao, một khi một thụ tạo cả gan cố tình xúc phạm đến Thiên Chúa? Cố tình ám sát Giáo Hoàng là một tội nặng. Tuy nhiên, thử hỏi đánh đập Giáo Hoàng phải chăng là tội nhẹ?... huống chi xúc phạm đối với Thiên Chúa… nếu chúng ta thật sự hiểu đúng chúng ta là ai và Thiên Chúa là Đấng nào. Ngoài ra, cha cũng xin gởi đến NCHD câu Kinh Thánh để tiếp tục cầu nguyện và suy nghĩ: "Các ngươi đã nghe bảo, 'chớ ngoại tình (chớ làm sự dâm dục).' Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thoả lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng." (Mat. 5:27-28)
Mấy điều rất chân thành cha gởi đến NCHD. Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ ban cho NCHD ơn sức mạnh và can đảm để lướt thắng mọi cám dỗ dục tình hầu luôn sống vui và sống đẹp lòng Chúa.
Thân mến trong Chúa Kitô,

duoc1706
28-06-2011, 05:04 PM
58. Ghi Dấu Thánh Giá Trên Phúc Âm
Cha Trân mến,
Lời trước tiên chúc cha mọi sự tốt đẹp trong tình yêu thương Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria. Con có câu hỏi muốn xin cha giải thích dùm cho con hiểu… Mỗi lần đi tham dự thánh lễ thì con thấy các linh mục hay phó tế công bố Phúc Âm, thì các ngài thường ghi dấu thánh giá trên quyển sách, con không biết có ý nghĩ gì. Kính xin cha giải thích con con được hiểu rõ hơn.
Con cám ơn cha nhiều. (TN)
TN mến,
Không ngờ TN cũng để ý kỹ quá hén. Rất tốt. Thú thật cha cũng không rõ và cũng chẳng để ý kỹ đến chi tiết này. Chỉ hiểu một cách chung chung là xin Chúa chúc lành cho những lời sẽ được công bố (lúc ghi dấu thánh giá † trên Phúc Âm), và xin Chúa mở tâm trí († trên trán) để hiểu Lời Chúa, mở miệng († trên môi) để cao rao ngợi khen Lời Chúa, và mở lòng († trên ngực) để đón nhận lời Chúa.
Cha cố tìm tòi nghiên cứu ít lâu nay nhưng cũng chưa đi đến đâu hết. Cha có hỏi một cha chuyên về phụng vụ thì cha đó có giải thích là: "ghi dấu thánh giá trên Phúc Âm có nghĩa là Lời Chúa và Mầu Nhiệm Cứu Độ (Paschal Mystery) có một sự liên kết chặt chẽ không thể rời. Có nghĩa là Lời Chúa được đóng ấn bằng thánh giá đau khổ, và đó cũng chính là đường/lối dẫn đến Ơn Cứu Độ.
Thân mến trong Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Công,

duoc1706
28-06-2011, 05:09 PM
Theo linh mục Bernadine Trân, Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, http://www.dongcong.net/HoiDap/VietLm.Tran/Listing.htm

teenvnlabido
04-07-2011, 08:14 PM
Kính gởi thày phó tế duoc 1706
Hình như dạo này thày đang nghỉ hè (nếu còn đi học) nên thấy thày thường xuyên online vào các giờ hành chính .
Thôi việc thày như thế nào thì tùy không dám đoán mò nữa .Chẳng qua thấy thày sưu tầm được rất nhiều giải đáp thắc mắc ,mà các thắc mắc này theo mình nghĩ rất cần không những cho giới trè mà cả giới trung và ...mọi giới .
Tạm thời mình : báo cho thày biết là mình đã copy hết những giải đáp thắc mắc ấy để làm thành một cẩm nang để chia sẻ cho nhiều người nhưng xét rắng nó còn cần nhiều hơn nữa nên nhân danh ...đa số người hâm mộ ,yêu cầu thày ngay lập tức bớt thêm một chút thời gian nữa , kiếm thêm một ít nữa ...cỡ 100MB văn bản những giải đáp thắc mắc này để việc hoàn thiện cẩm nang tốt đẹp hơn
Về chuyện công xá tiền nong thày không được đòi hỏi vì cái đại dinh cơ của thày trên Trời theo kế hoạch là chỉ có 50 tầng nhưng đến nay có tin báo cho chúng tôi được biết đã tăng thêm cho 10 tầng để trả công bội hậu cho thày rồi .Tôi chỉ xin thay mặt đa số cảm ơn thày trước
Kính chào thày

duoc1706
06-07-2011, 10:12 AM
L.m. Francis Lương Minh Tri, CMC

1. Có tất cả bao nhiêu đấng thánh?
Thưa Cha con muốn biết có bao nhiêu đấng thánh trong G.H.? (Không Tên)
Không Tên thân mến,
Dù không phải chuyên viên truyện các thánh tôi cũng có thể nói rằng không ai biết tất cả có bao nhiêu thánh. Lý do đơn giản là mãi tới năm 1634, đức Urbanô mới ra lệnh chỉ dành cho tòa thánh tất cả mọi tuyên phong thêm các thánh mới. Có nghĩa là trước đó, tùy dân chúng hay các giám mục địa phương tôn kính các người thánh thiện qua đời.
Các thánh được tôn phong trước Công Ðồng thường là da trắng bên Âu châu. Sau Công Ðồng, đức Phaolô VI phong thánh cho các vị tử đạo bên Uganda, rồi Nhật bản. Rồi đức Gioan Phaolô II phong cho 102 vị tử đạo Ðại Hàn, 118 vị tử đạo tại Việt Nam và 120 vị tử đạo Trung Hoa. Ngày nay, mọi nơi mọi màu da sắc nước có người làm thánh. Như thế, nên thánh không là độc quyền của ai cả. Mọi người được kêu mời nên thánh. Ơn Chúa luôn sẵn sàng! Mời chúng ta cộng tác để nên thánh. Thánh Augustinô nói, "Dựng nên ta, Chúa không cần ta cộng tác, nhưng làm chúng ta nên thánh, nếu ta không cộng tác, Chúa cũng đành chịu thua!" Ông nọ bà kia nên thánh được, tại sao tôi không?

duoc1706
06-07-2011, 10:16 AM
2. Rước Lễ có được ơn ích gì không?
Thưa cha con có chuyện này nhờ cha giúp con! Con vượt biên sang Mỹ năm 1978. Trong ghe tất cả 78 người, đi cùng chuyến trong đó có một người mất một số đồ quý! Năm 1980, bà Hòa gọi phone cho con chửi con rất là thậm tệ! Ðây con viết vắn tắt bà chửi con! mầy ăn cắp của người ta! đời cha đời con mầy ăn không hết! mầy chết đi mầy phải trối lại cho đời con mầy trả! sống từ năm 1978 cho đến bây giờ! bà nhai đi nhai lại! Tiểu bang con ở đa số họ biết về chuyện này! do miệng của bà Hòa vu khống con đủ điều! Nhưng lương tâm con lúc nào cũng bình an vì con không biết cái của đó.Ðau đớn nhất mới đây bà Hòa nhờ bà Bình dịp về Việt Nam đến nhà ba mẹ chồng con nói : "Ông bà là ba mẹ. Con ông bà ăn cắp số của đó! ông bà phải lo mà trả cho người ta. Bằng không, chết cũng không nhắm mắt được!" Không may, ông đang lâm bệnh nặng, đang hấp hối trên gường bệnh. Ba ngày sau thì ba chồng con mất!Thưa cha, đau lòng lắm vì ba mẹ chồng và vợ chồng con không biết cái của đó là gì!!!
a) Bà Hoà cứ rước lễ như vậy có được ơn ích gì không?
b)Bà Hòa chưa làm hòa với mẹ chồng con ở Việt Nam và vợ chồng con ở đây và bà cứ rước lễ như vậy, trước mặt Chúa có phạm tội gì không? Vì Phúc Âm của Chúa có dạy rõ ràng nếu con đang làm mất lòng ai, con phải để của lễ đó về làm hòa với người ta trước đã! sau đó hãy trở lại dưng của lễ. Ngược lại bà Hòa thấy con là tránh. Xin cha giúp! Con thành thực cám ơn cha. (An, CA)
Chị An thân mến,
Trước hết xin thông cảm với chị về những "đau đớn" chị trải qua. Tôi nghĩ chị còn đang cảm thấy nỗi đau do bà Hòa tạo ra. Bà ấy giỏi lắm cũng chỉ chửi chị, xỉ vả chị một lúc. Còn chị, chị lại ban cho bà ấy khả năng làm khổ chị suốt mấy chục năm nay.
Chị thừa hiểu rằng "Một mất, mười ngờ" Mất của, ra đường nhìn ai cũng hồ nghi họ lấy trộm. Ðó là tâm trạng anh chàng "mất búa": nhìn người nào cũng thấy đủ lý: đúng tên này ăn cắp búa của mình. Chị cũng thừa hiểu: của đau, con xót. Chị cũng thông cảm với bà ấy. Thôi cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhớ lại Lời Chúa: gắng tìm của báu trên trời, nơi mối mọt, trộm cắp không làm gì được. Nói thế, tôi nhớ lại một lời khuyên của sách Mỹ: Những gì tôi tiêu sài đã không còn' những gì tôi giữ chắc sẽ mất' những gì tôi cho đi mãi mãi là của tôi. Năm 1978 Việt nam đang đói khổ, nếu bà Hòa dùng của ấy chia sẻ, nuôi những người nghèo đói. Chắc Bà không phải khổ vì mất của mà mãi mãi giầu có trước mặt Chúa.
Chị An thân mến, cám ơn chị đã đặt câu hỏi và tỏ ý muốn giải hoà trong năm thánh này. Vâng, con người hay tránh vấn đề để rồi giải quyết một cách vá víu khiến cho vấn đề nên phức tạp hơn. Tôi nghĩ đó cũng là trường hợp của bà Hòa. Tại sao vậy? Bác sĩ Kubler-Ross khi nghiên cứu về chết và hấp hối, nhận thấy một người phải đau khổ về thể lý hay tâm lý phải trải qua năm giai đoạn trước khi được lành mạnh:
1. chối bỏ (denial) "Tôi không tin là tôi bị mất! Chắc tôi để lộn!" "Tôi không tin là có bà chửi tôi vô lý thế! Chắc họ lầm!"
2.Tức giận (anger) vì con kia ăn cắp! vì bà này vu vạ tầm bậy!
3.Mặc cả (bargaining): Nếu nó đến xin, ta sẽ cho luôn! Nếu bà đến xin lỗi sẽ tha!
4. Buồn chán (depression): Tại mình quá tin họ ngay lành! Tại mình hiền quá, không cãi lại! không chửi lại!
5. Chấp nhận (acceptance): nhìn thấy điều tốt trong cái rủi ro này. Chẳng hạn, qua cái đau vì mất của, bà cảm rõ ràng là của trên trời mới quan trọng và cần phải có hơn, Qua đau khổ dễ thông cảm với người khác hơn. Qua đau khổ, tin vào Chúa hơn tin vào người đời.
Nhiều người không tới được giai đoạn chấp nhận. Người ta phải ngạc nhiên đến kinh hãi nhìn thấy gánh nặng của những bất bình mà nhiều người, ngay cả trong giới tu hành, ôm ãm suốt đời: bất bình với các bề trên vì những bất công đủ loại có thật hay tưởng tượng. Họ không ý thức những tai hại bất mãn gây cho đời thiêng liêng, cho hiệu quả việc tông đồ, và ngay cho sức khỏe của họ.
Những cảm tình cay đắng, ghen ghér, căm tức đầu độc vào chúng ta và làm chúng ta khổ sở. Nhưng điều lạ lùng là ta bám chặt lấy chúng. Ðôi khi ta sẵn lòng mất bất cứ báu vật nào miễn sao được nuôi dưỡng ác cảm với người nào đó. Ta đơn giản là từ chối thứ tha. Giáo huấn Chúa rất minh bạch về chuyện này: nếu anh em không tha thứ, anh em không còn liên hệ gì với thầy nữa!
Tiến sĩ Kubler-Ross nhận thấy ai có thể bày tỏ và được một người đáng tin nào lắng nghe sẽ tới giai đoạn chấp nhận mau hơn. Áp dụng của nhận xét này là chúng ta cần những người bạn để chia sẻ và tâm sự cho tan đi những niềm đau vô ích. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện, nói chuyện với Chúa như nói với người bạn. Người ta có thể viết nhật ký, làm thơ, viết văn để không bị những cảm tình đau khổ dày xéo. Người ta bảo Hàn Mạc Tử làm nhiều thơ về trăng vì khi trăng tròn nước thủy triều dâng và bệnh cùi làm ông đau đớn vô cùng.
"Phúc Âm Chúa dạy rõ ràng" hơn cả những gì chị nói. Thật thế, trong Phúc Âm thánh Marcô, Chúa Giêsu nói "Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mc 11:25-26).
Còn trong thánh Mattheo, Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn, "Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình." (Mt 5:23-24).
Không chỉ tôi bất bình với ai, nhưng ai đó bất bình với tôi chuyện gì đó! Ðây là lý do chính mà lời cầu xin của nhiều người thiếu thế lực: họ nuôi dưỡng những bất bình trong lòng. Dù cách nào, chị cần vượt qua cơn đau kéo dài quá lâu rồi. Chị có thể nói chuyện với một người mà chị biết bà Hòa tin tưởng để làm cầu nối. Chẳng hạn, chị nói với một người đạo đức nào đó hay ngay cả cha xứ và bày tỏ ý muốn hòa giải trong năm thánh.
Dù cách nào, chị cần vượt qua cơn đau kéo dài quá lâu rồi. Chị may mắn nhìn thấy rõ nhưng đây cũng là một cảm tình bị dồn ép nơi nhiều người. Người ta không thấy mình buồn bực ai cả nhưng sự thực không phải vậy? Người khác có thể thấy nó qua cách cư xử và phản ứng của tôi. Phải làm thế nào đây? tôi nghĩ ta cần làm ngay lúc này lục lọi tìm ra bất cứ bất mãn khó chịu loại nào và tống cổ chúng khỏi ta. Bằng không, chúng ta cầu nguyện chẳng được gì. Ðừng ngại mất nhiều ngày giờ với chúng. Chẳng hạn, ta có thể lấy một hai tờ giấy liệt kê hết những ai chúng ta ác cảm, khó chịu, bực bội hay từ chối làm quen và tha thứ. Với một số người liệt kê thế không dễ chút nào. Họ nói với tất cả sự chân thành là họ không ghét ai mà yêu tất cả mọi người. Nhưng một cách vô tình, họ lại phản ảnh những bất mãn và cay đắng trong cách ăn nói và hành động. Tại vì ai cũng biết những cảm xúc ghen ghét không tốt nên những cảm xúc này thường bị dẹp bỏ nên dồn nén vào vô thức. Ta có thể dễ hơn liệt kê những người ta có khuynh hướng tiêu cực ... hay liệt kê những người không được ta coi trọng lắm, hay những người không được ta ưa thích lắm hay những người không thích ta mấy. Bảng liệt kê có thể làm sáng tỏ vài bực tức hay ác cảm không ngờ. Chúc Chị thành công .

duoc1706
06-07-2011, 10:18 AM
3. Tháo Gỡ Hôn Nhân
Gần giáo xứ con có một cô mà ở Việt Nam cô đã có chồng. Qua định cư ở đây vài năm cô đã lấy chồng khác mà con thấy cũng được vô nhà thờ làm lễ cưới. Con và nhiều người thắc mắc thì cha trả lời: Lần trước cô thành hôn là vì gia đình gặp khó khăn nên phải lấy chồng để cứu vớt gia đình. Anh ta có địa vị và tiền bạc. Vậy là hôn nhân không thành nên được tháo mở. Thưa cha con thấy như vậy có phải Hội Thánh rộng rãi ra quá phải không? Nếu như vậy thì theo con ai muốn lấy vợ, lấy chồng khác thì có rất nhiều lý do. Nhất là ở Việt Nam thì nhiều cặp cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hoặc sau 1975 thì nhiều cặp lấy nhau như chạy nước rút' có cô 15 đã lấy chồng, lấy cho lẹ vì sợ cộng sản bắt lấy thằng què. Nếu thật dễ dàng như vậy thì thật là một thảm hoạ cho thế giới. Con xin cha giải đáp cho. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha hồn an xác mạnh để phụng sự và làm sáng danh Chúa. Con cám ơn cha nhiều. (Tuyết Dương)
"Chị" Tuyết Dương thân mến,
Trước khi trả lời trực tiếp vào vấn nạn của Chị, chúng tôi xin được nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản:
1. Những chân lý thuộc Ðức Tin, Giáo Hội không có quyền thay đổi, trái lại có trách nhiệm phải bảo vệ vẹn toàn những chân lý ấy. Ðức Thánh Cha cũng không có quyền tuyên bố rằng Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa. Giáo Hội không có quyền nói rằng lời Chúa Giêsu phán dạy về hôn nhân: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp con người không được phân ly" (Mt 19:6) không còn hiệu lực nữa.
2. Giáo Hội có quyền ban hành những luật lệ và cũng có quyền thay đổi các luật theo lợi ích cho cộng đoàn Dân Chúa hay miễn chuẩn áp dụng luật cho cá nhân tín hữu trong trường hợp hữu lý nào đó. Giáo Hội có nhiều luật liên quan đến hôn nhân và cũng thay đổi những luật lệ ấy theo thời gian và nhu cầu.
Giáo Hội luôn tôn trọng sự vững bền của hôn nhân theo niềm tin vào Lời Chúa. Giáo Hội cũng ban hành những luật lệ để bảo vệ sự bất khả phân ly được kiện toàn nhờ Bí Tích Hôn Phối trong hôn nhân Kitô giáo.
"Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật' sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào" (Giáo Luật khoản 1057 #1). Luật Giáo Hội xác định khi nào Giáo Hội có thể nhìn nhận sự kết hợp của hai người là hôn nhân thực sự. Luật về hôn phối liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân được xét qua ba đề mục chính:
Ngăn trở hôn phối (impediments): Luật Chúa và luật Giáo Hội xác định một số trường hợp một người hay cả hai người không đuơc tự do kết hôn. Ví dụ: chưa đủ tuổi, bất lực, họ máu gần...
Nghi thức (form): Hôn phối được cử hành trước sự chứng kiến của thừa tác viên Công Giáo có năng quyền, và hai nhân chứng.
Ưng thuận (consent): Chính lời thề hôn phối làm cho hôn phối hiện hữu, do đó, nếu thiếu sự ưng thuận sẽ làm cho hôn phối bất thành. Có nhiều yếu tố chi phối làm cho sự ưng thuận khiếm khuyết như sự sợ hãi, thiếu trưởng thành, bị lừa, v.v...
Do đó trong thực tế, có những trường hợp phép cưới, hôn lễ, và nhiều khi cả Bí Tích Hôn Phối đã được cử hành nhưng thực chất, vì một hay nhiều lý do nào đó, phép hôn phối không thành. Sự kiện này chẳng phải là điều mới mẻ gì. Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan cũng đã nói về trường hợp của người phụ nữ xứ Samarita bên bờ giếng Giacob: "Người đàn ông đang ở với chị không phải là chồng chị" (Jn 4:17-18).
Giáo Hội đã ban hành những luật lệ và xác định các thủ tục phải theo để giải quyết những trường hợp này. Tòa án trong các giáo phận là nơi thông thường có nhiệm vụ cứu xét và quyết định các trường hợp liên quan đến sự vô hiệu của hôn nhân. Khi tòa án tuyên bố tiêu hôn một cuộc hôn nhân nào đó chỉ có ý nghĩa là tòa án, đại diện Giáo Hội, xác nhận rằng cuộc hôn nhân được cứu xét đã không thành sự. Nói cách khác, trước mặt Giáo Hội, hai người phối ngẫu đã không thực sự lấy nhau và do đó, bây giờ họ được tự do để đi đến một hôn nhân thành sự.
Những lời của Cha Xứ trả lời Chị về trường hợp "một cô đã có chồng tại Việt Nam" chỉ là những lời giải thích vắn tắt và đơn giản. Nhưng chắc chắn những vị hữu trách đã phải cứu xét một các tỉ mỉ và đầy đủ để có thể đi đến kết luận về một hôn nhân vô hiệu. Sự tiêu hôn ngày nay được các tòa án ban nhiều hơn vì nhiều lý do, nhưng điều này không có nghĩa là ngày nay Giáo Hội "rộng rãi ra quá." (Lm Phi Quang trả lời).

duoc1706
06-07-2011, 10:20 AM
4. Con có mắc tội tự tử không?
Kính thăm cha, con có một người bác, năm nay đã trên 85 tuổi. Một năm sau này, bác yếu nhiều, và thường bị ra vào nhà thương. Lần gần nhất mà bác vào nhà thương, bác sĩ nói là bị "troke", và chỉ có 5% "survival". Họ hỏi gia đình có muốn cứu bác bằng mọi cách hay để "nature takes its course"? Các anh chị muốn cứu bác. Kết quả là bác sống, nhưng toàn thân không thể cử động được, thậm chí đến việc trở mình, cứ 2-3 tiếng người nhà phải xúm lại, ít là 2 người mới xoay mình được cho bác. Bác nằm đó nhưng vẫn tỉnh. Khi thấy con cháu khổ cực nhiều vì mình, bác cứ ứa nước mắt. Ai nhìn thấy cảnh này cũng ước rằng phải chi Chúa cất bác đi thì đỡ khổ cho mọi người, cho chính bác là người trên giường bệnh cũng khỏi bị đau đớn, và cho cả mọi người chung quanh.
Nhìn thấy hoàn cảnh bác, con muốn viết "power of attorney" nói rằng nếu con chỉ còn 10-15% để sống, thì xin bác sĩ và nhà thương đừng dùng "technology" để cứu con, mà cứ để "nature takes its course". Hay là trong trường hợp con bị "coma" quá 3 tháng, thì xin "take off life support and let nature takes its course". Con muốn hỏi là nếu con viết giấy như vậy, thì theo luật giáo hội Công giáo, con có mắc tội tự tử không? Con nghĩ rằng vì bên này nhiều "technology" nên họ cứu sống nhiều người, nhưng nhiều khi cũng vì vậy mà nhiều người sống dở, chết dở, còn khổ hơn là cứ để tự nhiên. ( Phạm Ngọc Trâm, CA)
Ngọc Trâm mến!
Xin thông cảm với ông bác và gia quyến trong thánh giá Bác và gia đình đang phải vác. Phản ứng của Trâm trước nỗi khổ của gia đình rất hợp lý. Nó nói lên sự quan tâm với những người thương yêu.
Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nguyên tắc cần nắm giữ: sự sống là quà của Chúa chúng ta phải tôn kính trong mọi hoàn cảnh. Nhưng chết không phải là sự dữ tuyệt đối. Chết không phải là hết nhưng là khởi sự cuộc sống vĩnh cửu. Ngoài ra mỗi người có quyền và trách nhiệm săn sóc sức khỏe cũng như xếp đặt để người khác làm giúp chúng ta.
Vài tài liệu liên quan đến điều này để Trâm an tâm. Chẳng hạn, ngày 12 tháng 10 năm 1970, phủ Quốc Vụ Khanh viết nhân danh đức Phaolô VI cho Liên Hiệp Quốc Tế Y Sĩ Công Giáo: một bác sĩ không bao giờ được giết người nhưng cũng không buộc họ phải dùng tất cả mọi kỹ thuật mà khoa học ngày nay cung cấp. "Trong nhiều trường hợp, đó phải chăng là hành hạ vô ích một người mang bệnh không thể chữa được ở giai đoạn cuối khi cố kéo dài sự sống như cây cỏ? Nhiệm vụ của y sĩ ở đây là làm giảm thiểu đau đớn hơn là níu kéo sự sống không còn đầy đủ nhân tính bằng mọi phương tiện và điều kiện . ... Làm như thế, cũng là kính trọng sự sống." Bộ Ðức Tin cũng có chỉ dẫn tháng Năm 1980, "Khi cái chết đã gần kề, dù dùng phương thế nào đi nữa được phép từ chối các hình thức trị liệu không mấy bảo đảm và phiền hà để kéo dài sự sống' tuy nhiên vẫn phải duy trì cách thông thường cho bệnh nhân. "
Tương tự, Sách Giáo Lý Công Giáo 92 sau khi dạy không được làm cho chết êm ái, còn nói thêm, " Còn như ngưng những phương thuốc y khoa quá tốn kém, nguy hiểm, dị thường hoặc không xứng với những kết quả mong muốn, thì là một việc làm hợp pháp. Ðây là sự từ chối "những sự trị liệu kịch liệt": như vậy, đây không phải là muốn làm cho chết, nhưng chỉ là chấp nhận rằng không thể cản ngăn cái chết. Những quyết định phải do chính bệnh nhân làm lấy, nếu người đó có thẩm quyền và có khả năng, nếu không sẽ phải do những người hưởng quyền trước pháp luật, nhưng bao giờ cũng phải tôn trọng ý muốn hợp lý và những lợi ích hợp pháp của bệnh nhân."( 2278)..
Người ta đã bàn nhiều về "power of attorney" và những lạm dụng khi thi hành "living wills" và "power of attorney". "Power of attorney" trở nên phức tạp khi áp dụng vì tùy thuộc vào chỉ dẫn pháp luật (legal guidlines) từng bang. Các Giám Mục ở nhiều tiểu bang có giải thích riêng. Ðể biết rõ về chuyện này tại địa phương nên nói chuyện với cha tuyên úy hay văn phòng Giám mục sở tại (Pro-life Office). Một số người tránh sự lạm dụng của luật pháp, nhờ một người trưởng thành và khôn ngoan quyết định thay khi mình trong trường hợp nguy ngập như thế. Họ bàn trước với người đó và viết cho người đó giấy ủy quyền quyết định thay. Một quyết định bây giờ về điểm này khá phức tạp về những khó khăn chưa lường được ở lúc chưa biết trong tương lai. Những điều trị ngoại thường cho một ông gìa chín chục bây giờ không hẳn là ngoại thường cho người cha ba chục đang cần nuôi người vợ trẻ với bốn con nhỏ vào một thời điểm tương lai với nhiều kỹ thuật khác biệt. Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, một bà mẹ bị bất tỉnh suốt một năm qua, bất ngờ tỉnh táo nói năng được là một thí dụ điển hình.

duoc1706
06-07-2011, 10:24 AM
6. Sao Con Quạ Ở Trên Nhà Chầu?
Thưa Cha, con nhìn thấy trên nhà chầu hay bàn thờ ở vài nơi có hình con quạ rất to xoè cánh ra trông dữ tợn lắm. Tại sao lại có hình con quạ ở đấy vừa mất thẩm mỹ vừa chả có ý nghĩa gì hết! Chả nhẽ coi Chúa như bày quạ đói ăn hiếp người ta à! ( THH, OR)
Chị THH mến,
Chết tui rồi! Con chim đẹp vậy mà bà chị bảo con quạ đói. Ðó là hình con chim lềnh đềnh. Khi nuôi con, lềnh đềnh lấy mỏ đập vào ngực và mớm cho con của ăn đày máu. Ngày xưa, người ta tưởng nó mổ lấy thịt nó để nuôi con nên dùng nó làm hình ảnh Chúa Giêsu lấy chính thịt máu mình nuôi sống chúng ta. Sự thật thì lềnh đềnh bắt cá. Nó giữ bên hàm. Khi cho con ăn nó đập cho cá nát ra nên máu cá chảy ra rồi mớm cho con. Khi còn nhỏ học giáo lý tôi phải học câu "Lềnh đềnh mổ nát thịt mình / Nuôi con thơ dại tận tình vì con." Ðó là hình ảnh bình dân, người ta vẫn tiếp tục dùng hình ảnh bình dân đó để chỉ về Chúa yêu thương chúng ta.

duoc1706
06-07-2011, 10:29 AM
7. Tại sao không được lần hạt trong thánh lễ?
Con năm nay 70 tuổi chẵn có một điều muốn trình bày xin cha giải đáp:
Con có đi sinh hoạt Ðạo Binh Xanh của xứ đạo trong vùng con ở. Linh mục quản nhiệm nói về sự tôn thờ Thiên Chúa và lòng sùng kính Ðức Mẹ. Linh mục nói rằng: "Trong thánh lễ không ai được lần hạt riêng." Con thắc mắc, vậy cầm tràng hạt trong tay có được không? Con về suy nghĩ hoài. Mỗi thứ Bẩy trước thánh lễ con quì trước Mình Thánh Chúa lần hạt, cầu nguyện. Có lần con suy nghĩ: "Từ lúc Mẹ nhận làm Mẹ Thiên Chúa, rồi sinh Chúa ra trong khó nghèo, và theo Chúa 3 năm đi giảng đạo, nhìn Chúa chịu chết đau đớn trên thánh giá. Trong suốt cuộc hành trình, nhất là theo con đi chịu chết trên đồi Canvê, Mẹ đứng dưới chân thập giá, cũng như ẵm xác con vào lòng. Mẹ đã đồng công cứu chuộc nhân loại. Vậy thánh lễ cử hành hàng ngày trên bàn thờ chỉ diễn lại công cuộc cứu chuộc nhân loại. Tại sao linh mục lại nói là không được lần hạt trong thánh lễ?
Ý của con khi cầm tràng hạt trong tay là cùng với Mẹ để dâng thánh lễ trên bàn thờ cùng với linh mục đang diễn lại cuộc tử nạn của Chúa cho trọn. Chứ đâu tách rời Mẹ ra khỏi thánh lễ được? Không ai làm hai việc một lúc được. Theo con nghĩ trong thánh lễ chú ý đến các bài đọc, phúc âm, bài giảng của linh mục và lời truyền phép Mình Máu thánh, nhưng đôi lúc có chia trí về ngoại cảnh chung quanh. Tay mân mê tràng hạt lúc này lấy lại được sự ổn định tâm hồn để tiếp tục dâng lễ trên bàn thờ. Con thiết nghĩ không có trái. Vậy xin cha chỉ giáo cho một vài điểm để yên tâm phục vụ Chúa. (NVT, CA)
Cụ NVT mến,
Cám ơn Chúa và cám ơn cụ vì những tâm tình đạo đức cụ vừa chia sẻ. Ðó là những tâm tình cao đẹp. Cụ cứ an tâm. Không ai cấm cụ cầm tràng hạt khi dự lễ đâu. Nhiều ông dòng, bà dòng đeo tràng hạt loảng xoảng khi dự lễ và đôi khi cũng mân mê tràng hạt. Nếu có ai hiểu lầm là lần hạt thì giải thích cho họ thôi.
Còn tại sao không lần hạt trong Thánh Lễ? Chúng ta biết Phụng vụ, nhất là Thánh Lễ, là việc tôn thờ chung của cả Giáo Hội. Bởi Phụng vụ là việc chung, chúng ta cần chú tâm tất cả và tích cực tham gia những gì được phép. Trong Phụng vụ, Chúa Kitô ở giữa và cầu thay cho chúng ta. Thiên Chúa Cha luôn nhậm lời Chúa Kitô cầu nguyện nên gía trị của Phụng vụ là Lời cầu của Chúa Kitô.
Trong khi ấy, lần hạt Mân côi là việc đạo đức rất được yêu thích và rất phổ quát trong Giáo Hội Công Giáo. Người ta lần hạt riêng một mình, chung trong gia đình, trong lối xóm, trong họ đạo, trong nhà thờ với nhiều người. Nhưng dù thế, lần hạt không thuộc Phụng Vụ, không là lời cầu chính thức của Giáo hội, nên vẫn là việc đạo đức "riêng" dù có làm chung cả mọi người trên thế giới.
Cùng với Ðức Mẹ để tích cực tham dự Thánh Lễ là điều rất tốt lành. Như cụ đã nói, " Không ai làm hai việc một lúc được," chúng ta chấp nhận sự giới hạn của con người, nên không lần hạt trong Thánh Lễ. Phụng vụ chung có ưu tiên hơn việc đạo đức tư nên chúng ta nên chú tâm vào Thánh Lễ. Dĩ nhiên chúng ta còn nhiều giờ để lần hạt ở nhà hay ở nhà thờ trước, sau Thánh Lễ rồi trên đường đến nhà thờ hay về nhà.
Cũng nên nhắc là Phụng vụ được ưu tiên hơn cầu nguyện riêng nhưng không có ý thay thế cầu nguyện riêng. Hơn thế, Phụng vụ, cầu nguyện chung đòi phải có cầu nguyện riêng. Thiếu cầu nguyện riêng, Phụng vụ nhiều khi chỉ là xác không hồn, chỉ là thờ kính Chúa bằng môi mép còn lòng thì xa Chúa.

duoc1706
06-07-2011, 10:29 AM
8. Muốn tự tử có tội không?
Thưa cha con là một giáo hữu Công Giáo sống tại Na Uy, có mấy điều tìm hiểu để sống đạo:
a.Gia đình con không mấy thuận hoà. Mỗi lần sóng gió nổi lên thì con muốn tự tử, vì lý do chồng con nghi là con đem tiền cho gia đình con mà không hỏi anh. Ngay khi còn ở Việt Nam, gia đình bên con không giàu có nhưng cũng không đến nỗi nghèo đói mà phải nhận quà cáp của con mà không có sự đồng ý của rể. Vì vậy mỗi lần sóng gió là con muốn tự tử. Con cũng biết tự tử là chết khốn nạn lắm, mất linh hồn uổng công giữ đạo. Nên con muốn hỏi rằng: ý muốn tự tử chứ chưa thực hành, vậy có tội không thưa cha?
b. Chồng con nghi oan cho con tức nhiên có tội hồ nghi. Khi đi xưng tội được Chúa tha rồi, nhưng nay mai nổi sóng gió nữa lại đem chuyện hồ nghi ra nói nữa, như vậy có phạm tội không dốc lòng chừa phải không cha?
Con rất đau khổ, không được bình an mà sống đạo. Xin cha giải đáp và cầu nguyện cho chúng con. Cám ơn cha. (Ẩn Danh, Na Uy)
Chị Ẩn Danh thân mến,
Vì có chuyện hồ nghi nhau về tiền bạc nên điều hay nhất để có chứng cớ rõ ràng không thể hồ nghi là sổ sách đàng hoàng, tiền vô tiền ra đều có biên nhận. Lúc đó, nếu còn hồ nghi là người bệnh tâm thần hay do ác ý. Tôi đề nghị chi mua ngay tập giấy làm sổ chi thu. Một sổ đơn giản chỉ cần ba cọc: Ngày - Lý do - Chi/Thu. Ai chi tiêu cái gì, ghi sổ, giữ lại biên nhận. Dù chưa quen, chúng ta gắng làm việc đó vì có lẽ chồng chị cần học biết điều hành tiền bạc rõ ràng minh bạch hơn.
Ðiều chị lo lắng hỏi về tội, nhưng tôi tự hỏi tại sao chị muốn tự tử? Chị không cho biết nên tôi tạm kể các lý do sau: a- Ðể chứng minh chị không làm như ông chồng vu cáo? b- Ðể thoát nợ đời, cái khổ nghi ngờ nhau? c- Ðể trả thù chồng, bắt ông và cả gia đình cha mẹ con cái cháu chắt, cả đời phải hối hận không kịp, dám nghi oan đến nỗi vợ phải tự tử cho thoát nợ đời. Ðể gia đình đôi bên phải mang tiếng nhà có người tự tử.
Hai lý do đầu không đòi chị phải tự tử, dù chị có tự tử không đủ minh oan mà còn bị coi là đã làm như vậy, không chối được nên lấy cái chết để tránh trả lời. Mục đích thứ ba có thể thành công nhưng tôi không nghĩ chị dữ dằn như vậy. Chị dữ thế chắc chị không hỏi về tội lỗi làm gì. Nên tôi cho rằng còn một lý do khác:buồn chán (depression). Chị đang bị buồn nản, nói theo kiểu Tây, đó là một "bệnh." Buồn chán được dịp phát lộ là sự hồ nghi của ông chồng nhưng tôi sợ dù không có dịp này sẽ có dịp khác. Ðã là bệnh thì phải chữa thôi. Chị thử nói với một bác sĩ xem sao cũng nên nói với chồng con và người thân để họ biết mà đề phòng cơn bệnh này. Tôi nghĩ ý muốn tự tử nơi chị là một dấu của bệnh này.
Nói về tội, chúng ta biết mọi điều xấu xa thì từ trong lòng mà ra nên khi muốn tội thì đã phạm tội rồi, dù khi làm tội sẽ nặng hơn. Tôi không hiểu cái muốn của chị thế nào? Chỉ có tư tưởng cám dỗ thế hay đã ước ao hay quyết định? Dù sao, chị cần thưa hết với cha giải tội, không chỉ vì tội mà còn vì bệnh tật của chị để xin sự linh hướng thực tế hơn xin ngài giải thích rõ ràng hơn và xin một lời khuyên, hơn nữa đây là cái bệnh.
Vợ chồng khác nhau là lẽ tự nhiên. Khác nhau không để hơn thua nhưng để lắng nghe nhau và chia sẻ tâm sự với nhau. Cả anh lẫn chị cần tu bổ thêm chuyện này. Hạnh phúc gia đình không phải cứ lấy nhau là nó có đâu nhưng phải tăng bổ và cố gắng lắng nghe và chia sẻ với nhau.
Chồng chị có lẽ mang hơi nhiều "nữ tính" nên dễ nhớ những chuyện đã qua. Có thể chị mong anh sửa lại và có lẽ anh cũng muốn thế nhưng có lẽ không dễ đâu. Trước hết có lẽ chị cần cầu xin Chúa cho chính chị biết chấp nhận nết xấu này của anh ấy trước khi anh ấy có thể sửa được. Trong trường hợp này nhớ dai là nết xấu nhưng nhờ nhớ dai anh cũng nhớ ngày cưới, ngày sinh nhật của chị. Nhiều ông chồng chỉ được tính hay quên, quên các ngày kỷ niệm đã đành mà đôi khi còn quên đã có vợ con đùm đề mới tội chứ! So anh ấy với các ông như thế, số chị còn khá may, phải không?

duoc1706
06-07-2011, 10:30 AM
9. Giáo Hội duy nhất?
Trọng kính cha, nói về sự duy nhất của Giáo Hội con có mấy điều thắc mắc:
a) Người Mỹ có kinh cáo mình trong thánh lễ, nhưng họ không phải đấm ngực khi đọc kinh này, trong khi Việt Nam ta thì tự thoi mình 3 phát mỗi khi đọc lỗi tại tôi. Tại sao có sự khác biệt?
b) Ở XX, cha quản nhiệm đã cho đọc kinh lễ mới từ mấy năm nay rồi. Nhưng con thấy hầu hết các xứ khác từ Mỹ về tới Việt Nam vẫn còn dùng kinh lễ cũ. Giáo Hội tốn bao nhiêu công sức, tiền của cũng như thời gian để soạn thảo và cải biến để có kinh lễ mới, vậy tại sao mình không xử dụng? Nếu không xử dụng thì soạn ra làm gì? ( Vũ, AL)
Vũ thân mến,
"Người Mỹ có kinh cáo mình trong thánh lễ, nhưng họ không phải đấm ngực khi đọc kinh này." Ðiều thứ nhất, kinh Cáo Mình của Mỹ bỏ, không đọc lỗi tại tôi, tại ông hay tại bà hay tại chúng ta, nên họ không có lúc nào để "tự thoi." Thật ra, họ cũng phải đấm ngực nhưng nhiều người không chịu "đấm" đó thôi. Họ chỉ "tự thoi" một "phát" thôi. Sách lễ (Sacramentary) ghi bằng chữ đỏ, "They strike their breast" rồi chữ đen ghi tiếp, "in my thoughts and in my words, in that I have done and in what I have failled to do." (Họ đã dịch dài dòng "trong tư tưởng , việc làm và những điều thiếu sót" để có dịp tự thoi.)
Tại sao có sự khác biệt? Giáo Hội duy nhất trong đức tin là chính. Riêng kỷ luật Phụng Vụ, mỗi Hội đồng Giám Mục có bản dịch riêng vì tinh thần ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Trước đây ít năm xe Mỹ có xe NOVA. Xe khá phổ thông ở giới bình dân. Người ta hy vọng xuất cảng sang Mexico là ăn khách. Nhưng khi xuống Xì, không ai mua cả vì cái tên của nó (Va có nghĩa là đi, do đó no (không) va là không đi). Xe mà "không đi" thì mua làm gì. Tùy theo văn hóa khác nhau, mỗi bản dịch sẽ khác nhau. Nhưng bản dịch nào cũng cần Tòa Thánh chuẩn y mới trở thành bản văn Phụng Vụ.
Về chuyện "Việt Nam ta thì tự thoi mình 3 phát mỗi khi đọc lỗi tại tôi," tôi cũng rất băn khoăn trong việc này. Chữ đỏ của sách lễ ghi, "Ðấm ngực và đọc" rồi chữ đen ghi tiếp "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng." Nhưng thực tế, vẫn thấy mọi người theo thói tục trước Vatican II nghĩa là "tự thoi" mỗi khi đọc "lỗi tại tôi."
Tôi không nghĩ tới chuyện này cho đến một hôm tôi dâng lễ cho một giáo xứ người Ý. Tôi thấy họ cũng đọc kinh cáo mình như kinh Việt nam nhưng "tự thoi" một "phát"rồi giữ nguyên tay trên ngực. Thấy sự nghiêm trang của nghi thức tôi tự hỏi ai đúng? Phụng vụ chỉ nói "đấm ngực" mà không nói rõ mấy phát. Việt nam có thói cứ ba phát có lẽ cũng đúng thôi.
"Giáo Hội tốn bao nhiêu công sức, tiền của cũng như thời gian để soạn thảo và cải biến để có kinh lễ mới, vậy tại sao mình không xử dụng? Nếu không xử dụng thì soạn ra làm gì?" Ông hỏi cũng có lý. Trong Thông Cáo ngày 11-2-1993 về việc dùng Sách Lễ theo bản dịch mới có viết, "Kể từ ngày Thứ Tư Lễ Tro 24-2-1993, sẽ bắt đầu cử hành Thánh Lễ theo bản dịch mới. Riêng trong phần thường lễ, những phần giáo dân cùng đọc thì tạm thời cứ đọc như cũ, cho tới khi có thông báo mới." Và Thánh Bộ Phượng Tự chấp nhận thông cáo trên ngày 7 tháng 1 năm 1994. Như vậy vấn đề là dùng khi nào hơn chứ không phải là dùng hay không.

duoc1706
06-07-2011, 10:34 AM
10. Khác biệt Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo Rôma
Thưa cha, con không thấy gì khác biệt khi gọi Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo Roma. Có phải người Tin lành, Thệ phản thêm chữ Roma vào cho giảm giá Giáo Hội đi? (Tran H., AL)
Tran H. thân mên,
Khoảng năm 100, thánh Ignastiô Antiokia đã gọi các Kitô hữu là người Công giáo (Katholika). Chúng ta người Công Giáo Roma có khuynh hướng coi mình là Giáo Hội Công giáo duy nhất. Thật ra chúng ta đông nhất nhưng cũng có nhiều giáo Hội Công Giáo khác. Họ là các Giáo Hội bên Ðông Phương và hợp nhất với đức Giáo hoàng như Giáo Hội Công Giáo Armenia, Giáo Hội Công Giáo Maronia, Giáo Hội Công Giáo Ukrain và nhiều Giáo Hội như vậy. Họ hợp nhất trong đức Tin và phục quyền đức Giáo Hoàng nhưng họ có nghi lễ Phụng vụ, qui luật riêng và có kiểu cách đạo đức riêng.
Họ đã được thành lập ngay từ những thế kỷ đầu. Họ không phải là chi nhánh của Giáo Hội Roma nhưng ngang hàng về "phẩm giá" (Xem Hiến chế Giáo Hội Ðông Phương 3). Trong nghĩa này, Công giáo Roma chỉ là xác định một phần của Giáo Hội Công giáo theo lễ nghi Rôma.
Chúng ta quen gọi giáo hội do vua nước Anh là giáo chủ là Anh Giáo. Nhưng ở bên Anh, họ gọi họ là công giáo và gọi người phục quyền Giáo hoàng là giáo hội Roma hay Giáo Hội Công giáo Roma. Trong nghĩa này chữ Roma do Tin Lành chỉ để giới hạn và có ý mỉa mai.

duoc1706
06-07-2011, 10:35 AM
11. In sai hay dịch sai?
Hôm rồi đi lễ con nghe đọc Phúc Âm thánh Luca. Khi các môn đệ hỏi Chúa ý nghĩa dụ ngôn một người đi gieo hạt giống, Chúa bảo các ông, "Phần các con thì cho các con biết những mầu nhiệm nước Thiên Chúa, đối với người khác thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu." Tại sao lại thế? Chúa giảng cho người ta để người ta không hiểu sao? Có phải in sai hay dịch sai không?(T. Nguyen, CA)
Ông T. Nguyen thân mến,
Ông nghe không sai sách cũng không in sai và bản dịch cũng không sai đâu! Nhưng đó mới rắc rối! Ðây là một câu rất khó hiểu và luôn gây thắc mắc. Chúa chia thính giả làm hai loại: môn đệ và dân chúng. Với môn đệ thì Chúa nói và giải thích rõ ràng còn với dân chúng Chúa dùng dụ ngôn. Trước thắc mắc này, đã có nhiều chủ trương như:
a-Theo nghĩa đen, Phúc âm theo thánh Luca có vẻ như nếu Chúa nói rõ ràng với dân chúng, người ta sẽ hiểu. Do đó Chúa dùng dụ ngôn cho người ta không hiểu. Ðiều đó có nghĩa là Chúa phạt dân chúng vì họ nghe lời Chúa hoài mà không chịu sửa đổi. Thánh Augustinô, Bêda còn cho biết thêm rằng Chúa phạt họ nhưng còn thương trong hình phạt vì khi không hiểu, khi không biết thì tội nhẹ hơn. Nhưng ai có thể tin được là Chúa cố ý che giấu ý nghĩa lời giảng dạy qua dụ ngôn khi Chúa nhân từ đến để cứu chữa! Ý kiến như thế khó được chấp nhận.
b- Thánh Matthêo (13:13) viết hơi khác. Chúa Giêsu nói dụ ngôn vì dân chúng không thể nghe, xem và hiểu đúng, có nghĩa là, dụ ngôn Chúa dùng không cản trở việc dân chúng nghe, xem và hiểu nhưng trái lại có ý giúp họ hiểu và hiểu "đúng". Hơn thế, đây là dụ ngôn về nước Thiên Chúa. Chúng ta biết người Do thái thời đó đồng nhất nước Thiên Chúa với nước Do thái trần thế. Nếu họ hiểu Chúa Giêsu đến lập nước Thiên Chúa, dân chúng sẽ hiểu lầm là xã hội chính trị và một số người quá khích sẽ có những hành động đáng tiếc. Như thế, theo thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Thomas Chúa dùng dụ ngôn là vì thương dân chúng để họ dễ hiểu và hiểu đúng.
Hơn thế, ngay sau đó Mattheo trích lời Chúa trong sách Isaia 6:9,10 để Isaia không ngã lòng vì sự mù tối của dân chúng. Nên Mt 13:13 có nghĩa là Chúa Giêsu đã giảng Lời Chúa nhưng hiệu quả là dân chúng chẳng hiểu gì. Vậy phải chăng thánh Luca ở trên ghi lại Lời Chúa Giêsu nói về kết quả của việc giảng dạy, chứ không phải mục đích của việc giảng dạy.
c- Áp dụng ngay dụ ngôn gieo hạt giống này. Số phận hạt giống lời Chúa tùy vào lòng người nghe: hạt giống Lời Chúa đã gieo vào những đá sỏi, bụi gai hay vệ đường. Hạt giống không mọc lên không phải tại hạt giống nhưng là lỗi của thửa đất. Không phải lỗi tại Chúa mà vì người ta biếng lười, cố chấp, không muốn thấy, không muốn hiểu.

duoc1706
06-07-2011, 10:36 AM
12. Bạn gái con: Phật giáo, đã ly dị
Kính thưa cha! xin cha giúp và giải thích cho con. Con có quen với một cô đạo phật được 6 năm. Cô ta rất thích và muốn theo đạo Công Giáo, nhưng khổ nỗi cô ta có chồng đạo phật và đã ly dị theo luật đời và chưa có baby (vì phía bên chồng).
Theo đạo Công Giáo, con biết đã có gia đình thì không được tái hôn, nhưng cô ta lập gia đình khi chưa theo đạo. Nay chúng con muốn đi đến hôn nhân. Con không biết theo luật đạo có cho phép chúng con lấy nhau, cũng như chịu đủ phép hôn phối theo luật giáo hội hay không (nếu cô ấy trở lại đạo)? và riêng con, người có đạo, có mắc phải lỗi đạo gì không?
Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban nhiều hồng ân xuống cho cha, để cha được nhiều sức khoẻ cùng sự minh sáng để dẫn dắt đàn chiên sống và hiểu đạo, làm đẹp lòng Chúa. (Hùng Phạm, Dallas)
Anh Hùng Phạm thân mến,
Anh nói đúng, "Theo đạo Công Giáo, con biết đã có gia đình thì không được tái hôn." Như đã nói đôi lần nói ở trang này, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận hôn phối dân sự thành sự giữa hai người chưa rửa tội (dù không phải là bí tích). Những người Phật giáo không thể ly dị để lập gia đình khác Giáo hội công nhận hôn phối của họ. Tuy nhiên, thánh Phaolô bảo, "Còn về những kẻ khác thì tôi bảo họ (tôi chứ không phải Chúa) . . . Nhưng về phía ngoại, người ta ly dị, thì cứ ly dị trong trường hợp như thế, anh hay chị em hết bị bó buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em để được sống trong bình an!" (I Cor 7:12-15).
Vậy thánh Phaolô đã lấy quyền Chúa mà ban đặc ân cho người ngoại trở lại dễ giữ đạo. Ðặc ân thánh Phaolô giải gỡ hôn ước tự nhiên giữa hai người chưa rửa tội. Ðặc ân là một trong những giải thích của câu "anh hay chị em hết bị bó buộc." Các giáo phụ cũng giải thích về điều này nhưng không rõ ràng lắm. Thời Trung Cổ, Gratian và Phêrô Lombard bàn về quyền tái hôn của người trở lại đạo nếu người phối ngẫu không rửa tội đã ly dị và tái hôn. Trong thời thánh Phaolô, người không rửa tội không muốn sống với người rửa tội hay sống mà không cho người rửa tội chu toàn nhiệm vụ Kitô hữu. Ngày nay thường việc đoạn tuyệt xảy ra trước khi nghĩ đến việc rửa tội như trường hợp của cô bạn anh quen... Cách và lúc tháo gỡ hôn ước đầu được chỉ rõ ràng trong Bộ Giáo luật 1917. Trong Bộ Giáo Luật 1983 nói về đặc ân này trong các khoản 1143-1147. Khoản 1143 ghi:
"1) Hôn phối kết ước giữa hai người không được rửa tội, được tháo gỡ bởi đặc ân thánh Phaolô, nhằm ích lợi đức tin của bên đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ.
2) Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm đến Ðấng Tạo Hóa đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi nhận Bí Tích đã gây ra cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt"
Trường hợp của anh nêu ra có thể khá tiêu biểu khi hai người chưa bao giờ được rửa tội đã kết hôn cách hợp pháp và hữu hiệu theo nghi thức riêng của họ nhưng họ đã ly dị. Nếu một trong hai muốn được rửa tội theo đạo, người ấy có thể kết hôn sau khi tháo gỡ bằng đặc ân thánh Phaolô. (Cũng lưu ý là để ban đặc ân này, người không rửa tội phải được chất vấn về a) có muốn rửa tội không? b) có ít là ước sống hoà thuận với người đã rửa tội mà không xúc phạm đến Chúa? GL 1144).
Ðoạn sau của khoản luật giải nghĩa rõ hơn duyên cớ của việc đoạn tuyệt. Việc người không rửa tội đoạn tuyệt nếu không vì lý do rửa tội, không phải do duyên cớ tội lỗi của người rửa tội. Thí dụ nếu một người ngoại đạo ngoại tình hay tình gian nghĩa trái tùm lum đến độ tan vỡ gia đình và rửa tội để bỏ hôn ước cũ. Ðặc ân không được áp dụng trong trường hợp này. Thánh Phaolô không ban đặc ân để cổ võ sự bất công với người không rửa tội. (Xem James Coriden, The Code of Canon law, A Text and Commentary, Paulist 1985, p. 814).
Trong thực tế, anh dẫn chị vào cha sở để học Giáo Lý và làm đơn xin tòa án hôn phối Giáo phận điều tra trường hợp hôn phối của chị. Cha Phi Quang có viết, "đặc ân Phaolô thì không do phán quyết của Tòa án nhưng thủ tục thì theo cấp Giáo Phận: chất vấn đương sự và xét đủ điều kiện để được đặc ân hay không. Lệ phí thường vào khoảng 50 dollars, trong khi đặc ân Phêrô ít nhất cũng phải 250 dollars, giá cả tùy theo Giáo Phận."

duoc1706
06-07-2011, 10:38 AM
13. Có được giải thích Kinh Thánh không?
Thưa Cha giáo hội vẫn nguyên thủy, và con hiểu rằng hàng giám mục, linh mục, phó tế mà thường gọi là thày Sáu là các vị đã học xong Triết và Thần, có quyền giải thích Kinh Thánh. Còn Thừa tác viên vĩnh viễn (con chưa biết đã học xong Triết và Thần chưa) và giáo dân học xong chương trình lớp 12 có được giải thích Kinh Thánh không? Con xin cha giải thích - để khỏi bị lạm dụng. (Con, Q.,TX)
Kính chào ông Q.,
Giải thích Thánh Kinh là công việc của Hội Thánh. Chỉ có Giáo Hội mới nắm trọn quyền giải thích Thánh Kinh. Người giáo dân có hai điều cần về Thánh Kinh.
Ðiều thứ nhất là đọc Thánh Kinh, cầu nguyện với Thánh Kinh. Ðiều này được Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Hiến Chế Mặc Khải, "Công đồng tha thiết kêu mời mọi Kitô hữu siêng năng đọc Kinh Thánh để học biết môn học siêu việt về Chúa Giêsu Kitô (Phil 3:8). Quả vậy, không biết Kinh Thánh là không biết về Chúa Kitô. Vì thế các tín hữu nên trực tiếp đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh hoặc đón nghe lời Người trong các lễ nghi phụng vụ, các khóa học hỏi hay các phương tiện truyền thông khác. Ngoài ra cũng đừng quên rằng cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh Thánh để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, vì chúng ta nói với Thiên Chúa khi cầu nguyện, chúng ta nghe Người khi đọc các lời sấm thần linh...
Chớ gì các tín hữu được dạy cho biết cách đọc Sách Thánh, nhất là bộ Tân Ước và đặc biệt các sách Tin Mừng trong các bản dịch có lời dẫn nhập và chú giải vừa đủ và cần thiết, để con cái Hội Thánh nhờ làm quen với Kinh Thánh một cách bảo đảm và hữu ích cũng được thấm nhuần tinh thần Kinh Thánh." (số 25).
Chúa không phải như nhà lập hiến: viết một bản hiến pháp rồi bảo cứ làm theo những gì trong đó. Không, Chúa Giêsu làm ngược lại' ngài chọn một nhóm môn đệ ban cho họ quyền hành và bổn phận làm cho mọi người nhận biết Chúa. Các ngài đi rao giảng và ghi chép một số những lời giảng dạy đó trong Tân Ước. Thánh Kinh quả quyết Giáo Hội là nền tảng và cột trụ của chân lý (1 Pr). Kinh Thánh chỉ có thể hiểu được trong Giáo Hội. Nên người ta phải nắm chắc những gì Giáo Hội dạy và tin để hiểu Thánh Kinh. Chính Giáo Hội chỉ định sách nào thuộc Thánh Kinh sách nào không.
Ðọc Thánh Kinh và học thuộc lòng là điều tốt nhưng không phải cái để huênh hoang. Ma quỉ nó còn thuộc hơn bất cứ ai. Nhiều ông Tin lành cũng thuộc lắm. Thánh kinh không phải chuyện để giải thích theo ý mình. Một giáo sư Thánh kinh có nói nếu chỉ chứng minh bằng vài câu Thánh Kinh ông có thể bênh vực bất cứ điều gì. Ðây không phải chuyện Kiều để lúc hứng lẩy một đôi câu tùy thích.
Thánh Kinh phải được hiểu trong toàn thể trong cả văn bản và văn mạch. Không thể lấy vài câu để chứng minh này nọ. Chính những người đọc Thánh Kinh kiểu này đã chối bỏ mầu nhiệm Ba Ngôi, Thánh Thể ... Nhờ chứng minh bằng Kinh Thánh kiểu ấy, chúng ta thấy những người chủ trương phá thai, chủ trương ngừa thai, đồng tính luyến ái đã thấy mình có lý vì tìm được những câu thích hợp cho chủ trương của họ. Ðó là chủ trương "Chỉ có Thánh Kinh" mà Luther đã khởi xướng Tin Lành. Nhờ chủ thuyết "chỉ có Thánh Kinh" hằng năm có thêm vài trăm hệ phái Tin Lành mới. Nhưng ngày nay chính trong phong trào Tin Lành nhiều người nhận ra Thánh Kinh không bao giờ nói "chỉ có Thánh Kinh". Những năm gần đây, Giáo hội vui mừng đón nhận những đứa con đã từng mạt sát, chửi rủa Giáo Hội.

duoc1706
06-07-2011, 10:39 AM
14. Bản cũ đúng hay bản mới đúng?
Như con biết ủy ban Chuyển ngữ của giáo hội Việt Nam chỉ có một (trên nguyên tắc). Tại sao kinh Tin kính, Lạy Cha lại không đồng nhất về hình thức? Các lời nguyện hiệp lễ, giáo dân... cũng rất tùy tiện trong khi sách lễ Rôma chỉ có một. . . Lấy thí dụ, khi truyền phép cha đọc: "Chính nhờ Người, với Người. . . ." (trước đây), mà bây giờ lại đọc: "Chính nhờ Ðức Kitô . . ." Trong lúc cha Mỹ đọc: "Through Him with Him..." Ðại danh từ ngôi thứ 3 số ít trong tiếng Việt phải chăng là chữ "Người" đã đọc trước đây nay lại bỏ? Những bài hát "kinh Thương xót, kinh Vinh danh, Thánh thánh thánh. . ." sau này đã dài lại dở ẹc (theo con), lại chỉ có ca đoàn hát được. Vậy thưa cha bản cũ đúng hay bản mới đúng? nên cho giáo dân đọc bản nào? (Một độc giả, OK)
Thưa ông Một Ðộc giả,
Tôi xin gọi vậy vì không biết xưng thế nào cho phải phép. Ông đặt vấn đề "nhớn" ngoài tầm tay tôi quá. Tôi xin ghi ở đây vài sự việc để dễ nhận xét. Sách Lễ Rôma (bản gốc Latinh Missale Romanum) đã có nhiều ấn bản và mỗi ấn bản mới có sửa chữa và thêm bớt (không kể các sửa đổi theo báo Phụng Vụ Notitiae) nên các bản dịch có nhiều ấn bản cũng là điều hợp lý thôi. Ủy Ban Phụng Tự (trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam) có cho ra đời ấn bản 1971 với "Imprimatur" của Ðức cha Thiên và ấn bản 1992 không có giám mục nào cho "imprimatur." Cho đến nay, ấn bản 1971 còn là ấn bản chính thức' ấn bản 1992 là bản, theo một thông cáo, được phép thí nghiệm trong 5 năm. Vì trước đây liên lạc giữa Việt nam và Tòa Thánh quá khó khăn, Bộ phượng tự cho Việt nam được phép "làm trước, tấu sau" về Tòa Thánh. Nay dù đã quá 5 năm, nhưng bản 1992 khá phổ thông rồi nên các đấng có "quờn" đành làm ngơ và chính các đấng cũng dùng trong lúc chờ đợi một bản chính thức được Tòa Thánh phê chuẩn.
Chúng ta nên nhìn nhận thiện chí cố gắng của Ủy Ban Phụng Vụ trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt. Về thí dụ, ông đưa ra không sai, "Người" trong bản 1971 dùng làm đại danh từ ngôi thứ 3 số ít để dịch "Per ipsum, et cum ipso, et in ipso . . ." của tiếng Latinh. Hầu hết các bản dịch trên thế giới (kể cả cha Mỹ như ông ghi nhận) giữ nguyên "ngôi thứ 3 số ít" để đúng trích dẫn Thánh Kinh. Tôi nghĩ bản 1992 đã dựa bản tiếng Ý "Per Cristo, con Cristo e in Cristo . . ." để cho giáo dân Việt nam ít quen với Thánh Kinh hiểu địa vị quan trọng của Chúa Kitô.
Bản nào đúng? Ðúng về phương diện gì? Về luật phụng vụ, giáo dân luôn dùng bản cũ 1971. Bản 1992 chỉ có thể thí nghiệm cho phần chủ tế thôi. Trong lúc thay đổi, chắc chắn không khỏi lộn xộn ít nhiều. Ðiều đáng buồn hơn là có một số tự động dịch và dùng. Tôi thí dụ câu sau các bài đọc trong cả hai bản 1971 và 1992 là "Ðó là Lời Chúa." Khi thấy người Mỹ chỉ đọc "The Word of the Lord" thay vì "This is the Word of the Lord," một số đã tự dịch và dùng trong Thánh Lễ. Ðiều đó không hợp pháp. Trong nguyên bản "Verbum Domini," tiếng Anh trước dùng "This is the Word of the Lord." Công bố thế không đúng vì "This" không phải Lời Chúa mà "That" cái vừa đọc mới là Lời Chúa. Khi biết không đúng, ban Phụng Vụ Mỹ xin đổi mà phải mất nhiều thời gian mới được phép đổi. Còn bản tiếng Việt "Ðó," (cái vừa đọc) là Lời Chúa rất thích hợp. Trong dịp Học Hội Mục Vụ tại New Orleans, Ðức Cha San Petro, đặc trách Di Dân Tị Nạn, đã yêu cầu các cha "lễ tiếng Anh theo bản tiếng Anh, lễ tiếng Việt theo bản tiếng Việt! Ðừng đổi lộn xộn, lỗi luật phụng vụ." Làm Mẽo con không bắt buộc phải giống Mẽo ở điểm này!

duoc1706
06-07-2011, 10:41 AM
15. Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Lễ Buộc hay Lễ Trọng?
Hôm lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, con & bạn con có thảo luận là lễ Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội chỉ là lễ trọng thôi, không thể lễ buộc được, vì khi lễ buộc, con không đi lễ thì con mang tội vậy Ðức Mẹ trở nên một vị cho chúng ta thờ rồi, nghĩa là Ðức Mẹ ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng thực tế, Giáo Hội chỉ dạy chúng ta thờ một "Chúa" mà thôi. Vậy thì lễ Ðức Mẹ VNNT phải là lễ trọng mới đúng. Ðó là ý kiến bạn con.
Còn theo con, con nghĩ là: Giáo Hội đã nhận thấy giá trị vô nhiễm nguyên tội của Mẹ rất quý báu nên đã đặt vào lễ buộc với mục đích là để toàn thể nhân loại ca tụng Mẹ vì Mẹ là một người Nữ hơn tất cả mọi người nữ. Vậy thưa cha lễ Ðức Mẹ VNNT là lễ buộc hay lễ trọng? Xin cha giải thích giúp con. (D.C.)
D.C. thân mến,
1. Dự Lễ buộc là một trong sáu điều luật Hội Thánh. Trước đây, Giáo Hội muốn tất cả tín hữu tôn kính cuộc tử nạn Chúa bằng cách kiêng thịt ngày Thứ Sáu, ngày nay hầu hết các tín hữu được chọn việc khác thay thế trong những Thứ Sáu mùa quanh năm. Trước đây Thứ Sáu mà cố tình ăn thịt là có tội nhưng bây giờ thì không. Tội gì? và tại sao lại tội? Thịt con vật do Chúa tạo nên, chứ đâu có do ma quỉ nặn ra. Hơn thế, Chúa còn bảo thánh Phêrô "Giết mà ăn!". Vậy tội không do chính việc ăn thịt mà do việc không vâng phục Giáo Hội "Ai nghe các con là nghe Thầy." Giáo Hội muốn con cái kiêng thịt không phải hễ thứ Sáu là rau cỏ, cá mú được coi là Chúa hay linh thiêng hơn, việc hy sinh hãm mình thành Chúa.
2. Tương tự như thế với các lễ buộc. Chúa muốn con người được hạnh phúc khi trưởng thành thánh thiện. Một phương thế quan trọng là bí tích, nhất là bí tích tạ ơn. Giáo Hội muốn con cái mình lợi dụng phương thế đó bằng những lễ buộc như nói, 'Ðây là phương thế không thể thiếu trong đời Kitô Hữu, tối thiểu phải dùng những lễ này tăng bổ đời sống linh thiêng.' Sống trong thế giới nặng vật chất hôm nay, ơn Vô nhiễm nguyên tội là điểm qui chiếu tốt để kiểm soát và thăng tiến đời Kitô hữu. Ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Mẹ nhắc nhở chúng ta tất cả là ơn Chúa. Chúng ta biết ơn Chúa thế nào? Do sự khôn ngoan Giáo Hội muốn lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội là lễ buộc.

duoc1706
07-07-2011, 05:39 PM
16. Chúa Giêsu Sẽ Trở Lại
Con quen một ông Tin lành. Ông tin là Chúa Giêsu sẽ trở lại cai trị trời mới đất mới một ngàn năm bắt đầu năm 2000 sắp tới này? Ông chỉ cho con đọc. Con cũng thấy sách Khải Huyền trong Kinh Thánh bên Công Giáo nói về ngàn năm vậy. Nhưng tại sao các cha không ai nói cho chúng con? (LQT, Utah)
Ông LQT thân mến,
Không cha nào nói cho ông về một ngàn năm mà Chúa Giêsu sẽ đến cai trị trời mới đất mới bởi vì có đâu mà nói. Giáo Hội phi bác chuyện này từ xa xưa rồi.
Lý thuyết ngàn năm (Millenarianism hay Chiliasm) dựa vào một phần đoan 20 của sách Khải Huyền. Ðại cương lý thuyết Ngàn năm tin rằng Chúa Kitô sẽ trở lại trái đất và cai trị trên mặt đất này đúng một ngàn năm. Khi Chúa đến, cũng có các vị tử đạo sống lại với ngài để cùng trị. Cuối ngàn năm này mới có chiến trận kinh hãi nhưng Satan sẽ bại trận trong ngày phán xét chung và kẻ dữ sẽ ra khỏi mồ sể bị quăng vào biển lửa (chết lần hai). Các giáo phái tin theo lý thuyết này như Seventh Day Adventist, Southern Baptist Covention, Second Adventist, Primitive Baptist, Mormon và Jehovah's Witness và một số phong trào Thánh Linh. Tôi nghĩ ông Tin lành của ông là Mormon vì Utah thủ đô của họ mà. Nếu ông tin ông ta thì nên dọn về Missouri ở vì theo họ Chúa đến sẽ cai trị ở thành phố Independent, MO đấy. Có nhiều giai thoại về ngày Chúa trở lại. Nhưng xin trở lại vấn đề. Ðầu thế kỷ 13, Gioakim Fiore quả quyết một ngàn năm của Chúa Thánh Linh bắt đầu năm 1260. Năm 1525 Thomas Munzer quả quyết chỉ có người nghèo xứng hợp với một ngàn năm, ông đã khởi đầu cuộc Chiến Tranh Nông Dân để tiêu diệt mọi người giầu có.
Về phía Công giáo, một số tác gỉa cổ thời như Thư của Barnabê (15:4-9) ủng hộ lý thuyết này. Eusebiô, Justinô, Irênê và Tertulian cũng nghĩ như vậy. Nhưng thánh Augustinô (De Civ. Dei 20:7-8) thấy lý thuyết ngàn năm này hoàn toàn xa lạ với Tân Ước nên đã ủng hộ giải thích thiêng liêng: "một ngàn năm" phải được coi là tượng trưng -- cho cả lịch sử Giáo Hội (cả dưới đất và trên trời) từ khi Chúa sống lại cho đến ngày Chúa đến lần thứ hai. Khi Công đồng Ephêsô nói lý thuyết ngàn năm sai lạc và hoang đường, lý thuyết này mất hẳn chỗ đứng trong tư tưởng Công Giáo. Cũng có một nhóm Công Giáo ở Nam Mỹ loan truyền một lý thuyết nhẹ nhàng năm 1824 và ở Nam Phi cũng làm sống lại chủ thuyết này nhưng Tòa Thánh kết án lý thuyết năm 1941 (xem sắc lệnh trong Acta 36(1944), 212' xem "Responsum de millenarismo" Biblica 23 (1942),385: "Không thể có sự an toàn đức Tin Công giáo khi chủ trương Chúa Kitô trở lại cai trị hữu hình trên mặt đất trước ngày thế mạt.")
Theo đó, cụm từ "sống lại lần thứ nhất" là nói về sự sống mới Chúa Kitô ban cho tội nhân trong đức tin và phép rửa (như nói đến trong Rm 6:1-8 như chết và sống lại với Chúa Kitô) Công giáo và phần đông Tin Lành vẫn còn theo giải thích này. Ý nghĩa tượng trưng của một ngàn năm rất phù hợp với các con số khác trong Khải Huyền. Ðọc lại đoạn 20, chúng ta thấy thánh Gioan đang nhìn một thiên thần từ trời xuống đất (20:1). Con rồng đã gây chiến với các con khác của người nữ (12:17). Dù những mãnh thú đã bị quảng xuống vực, con rồng vẫn còn luẩn quẩn. Nay con rồng bị quảng xuống vực suốt ngàn năm (20:2-3). Thực tế, tất cả con số khác trong sách Khải Huyền là tượng trưng, nên coi con số một ngàn toán học là điều không hợp lý. Một ngàn năm diễn tả một khỏang thời gian dài. Thời đại tương đối bớt cám dỗ của ác quỉ. Cuối cùng nó được sổ lồng một thời gian ngắn.
Ðiều khó là sang câu 20:4, thánh Gioan còn nói chuyện dưới đất hay đã tả cảnh trên trời rồi? Chúng ta thấy thánh Gioan đã nói đến ngai tòa đến bốn mươi bảy lần và bất cứ khi nào thánh nhân nói đến ngài tòa, thánh nhân nói chuyện trên trời (chỉ trừ khi ngài nói đến ngai Satan (2:13) hay ngai mãnh thú (13:2' 16:10)). Ở đây, thánh nhân nói đến các vị tử đạo(20:4) mà ở 6:9 thánh nhân nói đến các vị dưới bàn thờ trên trời. Những kẻ thắng mãnh thú cũng là người đứng trên biển lưu li (15:1-2) và được hứa chia phần trong ngai tòa trên trời (3:21).
Các điều trên chứng tỏ thánh Gioan đã chuyển sang tả cảnh trên trời khi Satan bị giam một ngàn năm. Lối đổi chuyển sân khấu có lẽ không khó hiểu với tâm hồn Á đông. Những ai xem phim Tầu sẽ không lạ về lối diễn xuất trên nhiều sân khấu một lúc. Các vị tử đạo trị vì với Chúa Kitô trên trời, nhưng việc trị vì của các ngài, cũng giống như việc trị vì của Chúa Giêsu, cũng cả trên đất nữa. Hi lễ của các ngài, cũng như của Chúa Kitô, đã đem lại sự trói buộc Satan.
Tất cả ai được cứu chuộc được hứa cai trị trái đất (5:10) nhưng ở đây chỉ nói đến các vị tử đạo (20:4). Không có gì nói đến các ngài sống trong thân xác ở đưới đất, cũng thế, Chúa Kitô. Vậy trong lối diễn xuất hai sân khấu của Khải Huyền, chúng ta phải nói Chúa Kitô cùng các thánh cai trị trên trời nhưng ảnh hưởng của hi lễ của các Ðấng ảnh hưởng trên đất (xem thánh Toma, ST 3.77.1-4)
Sách Giáo Lý Công Giáo 92 dạy, "Từ ngày Chúa Kitô lên trời, kế hoạch của Thiên Chúa đã bước vào giai đoạn hoàn tất. Chúng ta đã ở vào "giờ sau cùng" (1 Ga 2,18). ... Giáo Hội trên mặt đất này đã mặc lấy một sự thánh thiện thực sự, tuy còn bất toàn". Nước của Chúa Kitô đã tỏ rõ sự hiện diện của mình bằng những dấu lạ kèm theo sự loan báo Tin mừng do Giáo Hội. Dầu đã hiện diện trong Giáo Hội của mình, Nước Chúa Kitô vẫn chưa được hoàn thành "với quyền năng và vinh quang lớn lao" (Lc 21,27) do cuộc giáng lâm của Ðức Vua trên trái đất này. Triều đại của Ngài vẫn bị tấn công bởi các lực lượng xấu xa, mặc dầu về căn nguyên thì chúng bị cuộc Phục sinh của Chúa Kitô đánh bại." 670-675)
Tóm lại, Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận lý thuyết một ngàn năm nghĩa đen này từ Công đồng Ephêsô năm 431 và tòa thánh kết án lý thuyết hồi giữa thế kỷ qua. Sách Giáo Lý Công Giáo nhắc, " Dầu là dưới hình thức giảm nhẹ, dưới cái tên gọi là thuyết thiên niên kỷ, thuyết này cũng bị Giáo Hội lên án như là một sự ngụy tạo Nước Thiên Chúa, (676)" Chúng ta cần hiểu ngàn năm theo nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen. Của đáng tội, khi cần hiểu theo nghĩa đen ba ông Tin Lành đó không hiểu cho như khi Chúa Giêsu nói về bánh thánh thành thịt máu Chúa, các ông bảo tượng trương. Nếu là tượng trương mà làm nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu sẽ gọi lại bảo các ngươi hiểu sai: đó chỉ là tượng trương thôi. Nhưng Chúa đành chịu mất nhiều môn đệ, thì không thể nói đó là tượng trương được.
Tôi ở trong vùng đa số là Tin Lành nên cũng đôi lần tiếp xúc với họ trong quan điểm này. Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng là họ tự mãn rất đóng kín , không chịu nghe ai. Họ rất giống những người Pharisieu ngày xưa khi Chúa đến lần đầu. Với người Pharisiêu thì Chúa đến phải giải phóng dân Do thái, phải làm cho dân họ nở mặt nở mày. Chính điểm này làm Pharisieu đánh mất cơ may nhận Ngài khi Ngài đến. Nếu ai mong chờ Chúa Giêsu đến cai trị ngàn năm, thì đây là lúc Chúa đang trị đấy. Ngàn năm ấy bắt đầu khoảng năm 33 cho tới nay và sẽ kéo dài đến ...?

duoc1706
07-07-2011, 05:40 PM
17. Chưa chết đã được
1. Thưa Cha, Bà thánh Luxia trong kinh cầu các thánh có phải là chị Luxia được Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima không? Nếu đúng, tại sao chị Luxia chưa chết mà đã được phong thánh?
2. Kinh "Dâng nhà tư cho Trái Tim Ðức Chúa Giêsu" có nhắc đến bà thánh Margarita Maria đã tỏ lòng ước ao ..." Vậy bà thánh Margarita Maria tỏ lòng ước ao điều gì?
3. Xin cha giải thích sự khác biệt của thánh: * Gioan Baotixita * Gioan Tẩy Giả * Gioan Tiền Hô. ( DTTH, MD)
DTTH thân mến,
1. Chị Luxia nhận bà thánh Luxia trong kinh cầu các thánh làm quan thầy. Tức là bà thánh Luxia ở đây sống vào thời xa xưa hơn chị Luxia Fatima.
2. Tôi xin lỗi vì tôi không biết kinh "Dâng nhà tư cho Trái Tim Ðức Chúa Giêsu." Ai biết xin trả lời dùm tôi. Không biết mà phải trả lời thì biết làm sao bây giờ? Vậy tôi đoán bậy là từ lâu "thánh Margarita Maria đã tỏ lòng ước ao" cho mọi gia đình trưng bày ảnh Trái Tim Chúa và tôn nhận Chúa làm Vua, làm Chủ gia đình, cho mọi người biết tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.
3. Cả ba tên là một nhân vật. Ngày xưa dùng âm Latinh nên gọi là Gioan Baotixita, về sau dùng theo nghĩa của nên gọi là Gioan Tẩy Giả. Tên đó chỉ rằng thánh Gioan là người đến rao giảng sự thống hối và làm phép rửa cho nhiều người trong đó có Chúa Giêsu. Còn Gioan Tiền Hô là nói về sứ mệnh chung của ngài là đi trước Chúa để dọn đường cho Chúa.

duoc1706
07-07-2011, 05:46 PM
18. Ðiều Lệ Ơn Toàn Xá?
Thưa Cha, để giúp cho một số bổn đạo không hoang mang vì đuoc nghe những điều lệ được lãnh Ơn Toàn Xá khác nhau trong mỗi họ đạo, và điều lệ nhà thờ Việt Nam cũng khác hơn nhà thờ Mỹ và một số đông Bổn Ðạo già trẻ cũng không biết việc Ơn Toàn Xá được ban bố trong năm Thánh 2000 này.
Thưa cha, có nơi thì nói là: để được Ơn Toàn Xá, phải viếng Nhà Thờ Ðức Giám Mục chỉ định 1 lần mà thôi (nếu được nhiều lần càng tốt) và ở nhà, mỗi ngày phải đọc kinh theo ý Ðúc Giáo Hoàng là:
- 1 kinh Lạy Cha
- 1 kinh Tin kính
và gẫm sự Thương khó Chúa Giêsu chịu nạn. Nhà thờ Mỹ, thì mỗi nhà thờ chọn Kinh đọc và hát bài Thánh Ca khác nhau.
Xin cha vui lòng chỉ bảo trên báo T.T.Ð.M. càng sớm càng tốt, hầu giúp ích cho bổn đạo được Ơn Toàn Xá. . . (M.K.)
M.K. thân mến,
Nếu thật ai cũng khác nhau, tôi viết thêm là loạn thêm. Tôi nghĩ các Ðấng đã viết đủ rồi. Tôi xin trích Sắc Lệnh của Tòa Xá Giải Tối Cao. (Các nét đậm và nghiêng được thêm).
"Những Qui Ðịnh để lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh:
Nhằm thi hành ý muốn mà Ðức Thánh Cha đã bày tỏ trong Sắc Dụ Mở Năm Thánh 2000, và dựa vào năng quyền do chính Ðức Thánh Cha ban cho, sắc lệnh này của Tòa Ân Giải Tối Cao (the Apostolic Penitentiary) ấn định các kỷ luật phải tuân hành được hưởng Ân Xá Năm Thánh.
Tất cả mọi tín hữu, khi được chuẩn bị thích đáng, đều có thể hưởng trọn vẹn ân xá, suốt trong Năm Thánh, theo các tiêu chuẩn sau đây:
Các ân xá được ban chung riêng trước đây vẫn có hiệu lực trong Năm Thánh, và nên lưu ý các ân xá trong Năm Thánh cũng có thể được chỉ cho các linh hồn đã qua đời: của lễ cao cả như thế chính là một hành vi trổi vượt bày tỏ lòng bác ái siêu nhiên, dựa vào mối dây liên kết các tín hữu còn lữ hành trên đời này với các tín hữu dã kết thúc cuộc hành trình trần gian của mình, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thêm vào đó, qui tắc mỗi ngày chỉ được hưởng một ơn toàn xá vẫn có giá trị trong suốt Năm Thánh.
Cao điểm của Năm Thánh là sự gặp gỡ giữa ta với Thiên Chúa Cha, qua trung gian Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế đang hiện diện trong Hội Thánh, và đặc biệt hơn, trong các bí tích. Chính vì thế toàn bộ hành trình Năm Thánh, được chuẩn bị qua các cuộc hành hương bao giờ cũng mở đầu và kết thúc bằng việc cử hành các bí tích thống hối và Thánh Thể, tức là cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, nguồn đem lại bình an và hòa giải cho chúng ta. Ðây chính là bước gặp gỡ có sức biến đổi chúng ta, mở lòng chúng ta ra để nhận lânh ân xá cho mình và người khác.
Sau khi cử hành bí tích xưng tội một cách xứng đáng, mà thông thường theo điều 960 của bộ Giáo Luật chung của Hội Thánh Công Giáo, và theo điều 720&1 của bộ Giáo Luật cho Giáo Hội Ðông Phương, phải là xưng tội cách cá nhân và đầy đủ, tín hữu nào đã thỏa mãn các điều kiện đòi buộc có thể lãnh nhận cho mình hay cho người khác ơn toàn xá trong một thời gian thích đáng, thậm chí hàng ngày cũng được, mà không cần phải đi xưng tội lại. Tuy nhiên, rất khuyến khích các tín hữu siêng năng lãnh nhận ơn bí tích sám hối để ngày càng hoán cải và thanh sạch. Cần tham dự bí tích Thánh Thể, như mọi ân xá đòi hỏi, vào đúng ngày làm các việc vừa kể.
Giây phút cao điểm ấy phải kèm theo sự hiệp nhất với Hội Thánh một cách tỏ tường, bằng cách cầu theo ý Ðức Giáo Hoàng, cũng như bằng cách làm các việc bác ái và đền tội, theo các chỉ dẫn sau đây: phải làm các việc này với mục đích nói lên lòng mình đã thay đổi thật sự' đây lại là một kết quả mà nhờ kết hợp với Chúa Kitô trong các bí tích ta sẽ có được. Ðức Kitô chính là người tha thứ và đền tội chúng ta. Khi đổ vào lòng các tín hữu Chúa Thánh Thần, tức là sự tha tội, Ðức Kitô cũng đưa ta tới gặp vị Cha đầy nhân ái trong tâm tình hiếu thảo và tin tưởng. Từ chỗ gặp gỡ ấy, ta sẽ cương quyết hoán cải và đổi mới, hiệp thông với Hội Thánh và sống bác ái với anh chị em mình.
Trong Năm Thánh sắp tới này, chúng ta cũng áp dụng tiêu chuẩn sau đây: vì ích lợi của những ai bị ngăn trở một cách hợp pháp, các vị giải tội có thể thay đổi các việc làm và những điều kiện đã qui định. Các nam nữ đan sĩ, những người yếu đau và tất cả những ai vì một lý do nào đó không thể ra khỏi nhà, có thể viếng nhà nguyện trong tu viện mình, thay vì một nhà thờ nào đó. Nếu như ngay cả việc này cũng không làm được, họ vẫn có thể hưởng ân xá bằng cách kết hợp trong tinh thần với những người đang thi hành các việc qui định theo thể thức thông thường, và bằng cách dâng lên Chúa các kinh nguyện, đau khổ và tật nguyền.
Chiếu theo những điều đã qui định, các tín hữu có thể lãnh nhận ân xá Năm Thánh như sau:
Tại Roma, khi hành hương đạo đức tới một trong các Ðại Vương cung thánh đường, tức là Ðền thờ thánh Phêrô ở Vatican, Ðền thờ Chúa Cứu Thế ở Lateranô, Ðền thờ Ðức Bà Cả và Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành' ở đó sốt sáng tham dự thánh lễ hay một nghi thức phụng vụ như đọc kinh sáng hay kinh chiều, hoặc làm một việc đạo đức như đi đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân Côi, đọc thánh thi kính Mẹ Thiên Chúa Akathistos. Cũng được lãnh ân xá Năm Thánh, nếu thăm viếng theo nhóm hay riêng cá nhân một trong bốn đền thờ trên và dành ít thời gian chầu Thánh Thể vả suy niệm, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, tuyên xưng đức tin theo một hình thức nào đã được chấp thuận và đọc kinh kính Ðức Trinh Nữ Maria. Vào dịp đặc biệt của Năm Thánh này, Tòa Thành thêm vào bốn đại vương cung thánh đường trên một số địa điểm hành hương khác, cũng một điều kiện đã kể, đó là Ðền thờ Thánh Giá Jerusalem, đền thánh Ðức Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa và hang toại đạo của các Kitô hữu.
Tại Ðất Thánh, nếu tuân thủ các điều kiện đã kể trên đây, và thăm viếng đền thờ Mồ Thánh ở Jerusalem hay đền thờ Chúa Giáng sinh ở Belem hay đền thánh Truyền Tin ở Nazareth.
Tại các Giáo Hội địa phương, khi hành hương kính viếng nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ khác hoặc những nơi được Ðấng Bản Quyền chỉ định, và tại đó sốt sắng tham dự cử hành phụng vụ hay một việc đạo đức nào khác như những việc đã kể trên khi nói tới Roma. Hoặc khi viếng theo nhóm hay riêng mỗi cá nhân nhà thờ chính tòa hoặc một đền thánh đuợc Ðấng Bản Quyền chỉ định và tại đó dành ít thời giờ để suy niệm, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, tuyên xưng đức tin theo hình thức nào dâ được chấp thuận và đọc kinh kính Ðức Mẹ.
Tại bất cứ nơi nào, khi dành thời giờ tương xứng viếng thăm các anh chị em đang phải thiếu thốn, đau khổ, khó khăn (như các bệnh nhân, tù nhân, người già cả, cô đơn, người tàng tật, cô nhi ...) coi như một cuộc hành hương tìm về Ðức Kitô đang hiện diện nơi các anh chị em ấy, đồng thời thỏa mãn các điều kiện thông thường về mặt thiêng liêng và các bí tích, cũng như các kinh thường lệ. Các tín hữu chắc hẳn mong muốn có nhiều lần viếng thăm như thế trong suốt Năm Thánh này, vì cứ mỗi lần làm vậy, họ có thể lãnh nhận ơn toàn xá, dù mỗi ngày chỉ được lãnh một lần.
Ta cũng có thể lãnh ơn toàn xá của Năm Thánh khi làm những việc nói lên tinh thần sám hối một cách vừa thực tiễn vừa quảng đại, vì sám hối là trọng tâm của Năm Thánh. Chẳng hạn như kiêng cũ ít là trọn một ngày những thức ăn uống không cần thiết (thí dụ hút thuốc, uống rượu ... hoặc ăn chay và kiêng thịt theo những qui tắc chung của Hội Thánh và theo qui dịnh của các Hội Ðồng Giám Mục)" tặng một số tiền tương xứng cho người nghèo, đóng góp một cách tương đối để nâng đỡ các công trình mang bản chất tôn giáo hay xã hội (nhất là có lợi cho các trẻ em bị bỏ rơi, các thanh thiếu niên gặp khủng hoảng, các người già nghèo khó, dân di cư đang tìm những điều kiện sống khả quan hơn)" dành một khoảng thời gian rảnh rỗi tương xứng cho các hoạt động có lợi cho cộng đồng hay những hình thức hy sinh riêng khác.
Ban hành tại Tòa Ân Giải Tối Cao Roma, ngày 29 tháng 11 năm 1998, tức Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.
Hồng Y William W. Baum, Chánh Án.
Luigi de Magistris, thư ký thường trực."
Sắc chỉ trên nhắc cho chúng ta điều kiện tinh thần là Tìm Về Gặp Gỡ Thiên Chúa, "đây chính là bước gặp gỡ có sức biến đổi chúng ta, mở lòng chúng ta ra để nhận lânh ân xá cho mình và người khác." Do cuộc gặp này chúng ta được ân xá và ân xá giúp chúng ta gặp Chúa cách chân tình hơn.
Sắc chỉ giữ các ân xá ban trước như Sổ Ân Xá qui định. Có rất nhiều việc với các điều kiện thường lệ, như viếng đàng Thánh Giá, gia đình đọc 50 kinh Mân Côi, tham dự lễ có người rước lễ lần đầu, nửa giờ đọc Kinh Thánh, viếng nghĩa trang trong tuần đầu tháng 11, . . .
Sắc chỉ không nói tới nhưng bao giờ cũng có là phải có ý định lânh nhận ơn toàn xá (G.L. 996,2).

duoc1706
07-07-2011, 05:49 PM
19. "Con Người" là ai?
Thưa Cha, con đọc Phúc Âm, cứ thấy Chúa Giêsu nói Con Người thế nọ, Con Người thế kia. Phải chăng con người là chính Chúa? Tại sao Chúa Giêsu lại gọi mình là "Con Người" mà không xưng là Con Chúa? (TNT, TX)
TNT thân mến,
Chúa Giêsu xem như phải giấu Thiên tính mình cho giai đoạn cuối của nhiệm vụ mình. Một công bố Thiên tính sớm sẽ ngăn trở việc Ngài huấn luyện các tông đồ. Chúa dùng danh hiệu "Con Người" vì một người Dothái bình thường thời đó không danh hiệu đó là cho của Ðấng Thiên Sai gì cả. Nhưng các môn đồ hiểu như thế.
"Con Người" được dùng hằng trăm lần trong nhiều sách Cựu Ước nhưng không chỉ dành cho Ðấng Thiên Sai. Từ "ben adam" của Hípri có thể là con người mà cũng có thể chỉ là con Adam thôi.
Chúa Giêsu có lẽ nói tiếng Aram chứ không phải Hípri. Trong tiếng Aram, thay vì nói tôi, người ta có thể dùng tiếng "con người". Chính vì thế, chẳng hạn, mối phúc thật, thánh Mattheo 5, "Phúc cho anh em khi người ta xỉ mắng anh em . . . vì danh Thầy." Luca lại viết, "Phúc cho anh em khi người ta sỉ mắng anh em . . . vì danh Con Người." Ðó là thành ngữ của tiếng Aram dùng thay cho đại danh từ ngôi thứ nhất số ít. Nhưng tại sao không thấy ai khác dùng thành ngữ ấy trong Phúc Âm?
Hơn thế, ngay Chúa Giêsu có những chuyện Chúa dùng Con Người hơn dùng "ta", "tôi". Việc Ngài trở lại phán xét, việc Ngài lập Nước Thiên Chúa và nhất là Ngài chịu khổ đau trong hồi thương khó là những việc đặc biệt của Ðấng Thiên Sai mong đợi. Nếu thế, chúng ta có thể nói, Chúa đã dùng một biểu từ trong Cựu Ước hoặc một thành ngữ của tiếng Aram làm một thuật ngữ riêng cho Chúa. Bằng thuật ngữ này, Chúa công bố mình Đấng Thiên Sai (Messiah) mà các người gần Chúa mới dần dần hiểu ra, còn các kẻ thù chỉ hiểu là dùng thành ngữ tiếng Aram thôi.
Chúa không mặc khải sớm là Ðấng Thiên Sai để khỏi ngăn trở việc Ngài huấn luyện và dạy dỗ, vì kẻ thù sẽ kết án Ngài sớm hơn. Ngoài ra, dân chúng cuồng nhiệt sẽ có thể đòi Ngài làm vua như có lần Ngài phải lẫn trốn đám đông quá khích ấy. Ngài đã chạy trốn đám dân cuồng nhiệt đó không có nghĩa là Ngài không phải là Vua. Ngài gọi mình là Con Người không có nghĩa là ngài không là Con Thiên Chúa. Khi đến giờ Ngài định, như trong hồi thương khó, trước các thượng tế và trước mặt Philatô, Ngài xưng mình là Vua, tự nhận là Con Thiên Chúa. Dù Chúa dùng thành ngữ và biểu tượng Thánh Kinh, các thượng tế hiểu Chúa nói gì nên mới xé áo kết án Chúa nói phạm thượng.
Ngoài ra, những người chứng kiến phép lạ và việc Ngài sống lại có thể tưởng Ngài không phải là người, mà là thần thiêng hiện hình con người thôi, như có một lạc thuyết hồi đầu Giáo Hội. Khi xưng mình là ben adam, Con Người, Ngài xác quyết Ngài là dòng dõi con cháu Adam như chúng ta. Hơn thế, Ngài cứu chuộc không chỉ là con vua Ðavít hay con Abraham nhưng là ben adam nên việc cứu chuộc cho mọi người chứ không chỉ cho dân Do thái.

duoc1706
07-07-2011, 06:00 PM
23. Xem Phim Người Lớn Kính thưa cha, gia đình con là Công Giáo đạo gốc, và chúng con đi lễ mỗi tuần. Vợ con rất ngoan đạo, nhưng lại nghĩ rằng coi phim người lớn giữa 2 vợ chồng mà thôi thì không có tội, và không cần xưng tội. Riêng con nghĩ rằng coi phim người lớn là có tội. Xin cha cho con biết ai đúng. (N.T., CA)
Ông N.T. thân mến,
Ông đúng. Ông xem lại câu hỏi và trả lời ở số báo cũ. Ở đây tôi xin ghi vắn tắt Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1992.:
"Sách báo và tranh ảnh khiêu dâm là những thứ trưng bày cho người ngoài thấy những hành vi tính dục, hiện thực hoặc tưởng tượng, rút ra từ sự thân mật nam nữ. Nó xúc phạm đến đức khiết tịnh, vì nó làm biến chất hành vi phu phụ là sự hiến thân cho nhau cách thân mật giữa hai vợ chồng. Nó gây thương tổn nặng nề cho phẩm giá của những người lao đầu vào việc này (các diễn viên, các con buôn, quần chúng), vì người này sẽ trở thành đối tượng của một thú vui thô lỗ và của một mối lợi bất chính cho người kia. Nó dìm tất cả những người đó trong ảo tưởng của một thế giới giả tạo. Nó là một lỗi nặng. " (2354.)

duoc1706
07-07-2011, 06:01 PM
24. Lễ Thứ Bảy Thay Chúa Nhật
Chỗ giáo xứ con ở có thánh lễ ngày Chúa Nhật mà anh em con không đi tham dự vào đúng ngày, cứ đi chiều thứ Bảy. Họ nói rằng để "Chúa Nhật đi chơi hay ăn nhậu cho thoải mái". Thưa cha như vậy là có giữ tròn ngày Chúa Nhật không? Và thánh lễ ngày thứ Bảy với hoàn cảnh nào thì được thay lễ Chúa Nhật? (Ẩn Danh)
Anh thân mến,
Chúng ta biết "Thánh Lễ ngày Chúa nhật đặt nền và thừa nhận tất cả sinh hoạt Kitô giáo. Bởi vậy, các tín hữu có nghĩa vụ phải tham dự Thánh Lễ tất cả các ngày lễ buộc, trừ khi được miễn thứ vì một lý do nghiêm trọng (như do bị bệnh, do chăm sóc trẻ sơ sinh,v.v.), hoặc được vị chủ chăn của mình chuẩn miễn cho mình. Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này một cách có suy nghĩ, thì phạm một tội trọng." (2181)
Việc dự lễ ngày Chúa Nhật là bổn phận nhưng dự khi nào, lúc nào mới được kể ngày Chúa Nhật . Sách Giáo Lý Công Giáo 1992 dạy,
"Ðiều răn của Giáo Hội xác định và nói rõ về luật của Chúa: Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu có nghĩa vụ phải tham dự Thánh Lễ. Ðược kể là đã giữ đủ luật buộc tham dự Thánh Lễ, những ai dự Thánh Lễ cử hành ở bất cứ nơi nào theo nghi thức công giáo, hoặc chính ngày lễ, hoặc chiều ngày hôm trước" (2180). Như thế, anh em chị dự lễ chiều hôm trước là làm việc dự lễ rồi.
Nhưng việc "giữ ngày Chúa Nhật" gồm nhiều hơn thế! Nói một cách tiêu cực, "Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu sẽ kiêng công việc làm ăn và những việc ngăn cản việc phụng tự Chúa, ngăn cản niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc ngăn cản sự thư giãn đáng lẽ phải có cho tâm trí và cho thân thể" (2193)
Nói một cách tích cực, "Ngày Chúa nhật được lập ra để góp phần lo cho mọi người được hưởng thời gian nghỉ ngơi và thư nhàn cần thiết để vun trồng đời sống gia đình, trau dồi đời sống văn hoá, xã hội và tôn giáo" (2194).

duoc1706
07-07-2011, 06:02 PM
25. Con nên xưng tội không?

Kính thưa cha, con muốn trình cha một chuyện như sau. Thưa cha con nhớ hồi trước khi lập gia đình. Chúng con yêu nhau thắm thiết, đã trao thân cho nhau. Thế nhưng con không dám xưng những tội đó ra sợ cha quen biết tội mình. Từ đó tới nay con đã 40 tuổi rồi, mà con vẫn lên rước Chúa đều đều. Thưa cha nếu con chưa xưng những tội mà con đã nói trên con phạm thêm tội gì khác? Và bây giờ con xưng được không? Xin cha giúp đỡ để con an tâm sống và giữ đạo cho nên. (Vô Danh)

Vô Danh thân mến,
"Và bây giờ con xưng được không?" Không (những ) được" mà "phải" làm và cần làm ngay. Thế hệ các anh chắc không phải học nhưng tôi hồi nhỏ học Bổn Ðồng Ấu của đức cha Hồ với các câu hỏi thưa đơn sơ.

H. Phải xưng tội làm sao?
T. Phải xưng tội thật rõ ràng ngay thật.

H. Xưng cho ngay thật là làm sao?
T. Là phải xưng hết các tội mình đã xét, chớ dấu một tội nào.

H. Kẻ có ý dấu một tội thì sao?
T. Nếu dấu một tội trọng, thì là phạm sự thánh.

H. Phạm sự thánh là tội làm sao?
T. Là tội rất nặng nề vì đã làm hư phép Bí Tích.

H. Các tội xưng lần ấy thì làm sao?
T. Các tội ấy chẳng được tha, cho nên sau phải xưng lại hết."

Sau này, ở Sàigòn có Giáo Lý Công Giáo (in năm 1967). Cũng có một câu hỏi thưa tương tự.

duoc1706
07-07-2011, 06:04 PM
26. Kẻ chỉ dấu một tội trọng thôi, có được tha các tội khác không?
Thưa Cha, nếu dấu một tội trọng thì có được tha các tội khác không? (Không Tên)
Không Tên thân mến,
Kẻ ấy không được tha tội nào hết, mà còn mắc thêm một tội trọng là phạm sự thánh, nên khi xưng tội lần sau thì phải xưng tội phạm sự thánh này, và những tội đã dấu, cùng xưng lại các tội trọng đã xưng lần trước, và những tội trọng mới phạm nữa."

Chuyện cũng dễ hiểu vì những bận rộn, lo lắng cho ngày cưới chúng ta bị nhiều sức ép nên làm một số cái không phải. Nếu đủ bình tĩnh, chúng ta hãy đến tòa hòa giải kể với Chúa mọi tội lỗi ít là từ lần dấu tội đó. Dĩ nhiên cũng ngại một chút. Anh biết không phải mình anh như thế. Nhiều người đã tìm lại được bình an nhờ hòa giải với Chúa. Ðôi khi trong tòa giải tội, hai người có tội với nhau mà một người xưng thống thiết còn người kia không đề cập đến. Có trường hợp giúp được mà cũng lắm trường hợp không sao được.

duoc1706
07-07-2011, 06:07 PM
27. Sách lễ Rôma
Sách lễ do Giáo hội Trung ương soạn hay Giáo hội địa phương soạn. Chân thành cám ơn cha. (Nguyễn Ðức Thiệp, IA)

"Thưa" Ông Thiệp thân mến,
Sách lễ hay đúng hơn Sách Lễ Roma là do Giáo Hội trung ương soạn. Ðể có tiếng địa phương , Giáo Hội cho phép địa phương dịch. Năm 1969, tòa thánh ban hành Huấn Thị về việc phiên dịch các bản văn phụng vụ. Huấn thị này các nhà chuyên môn gọi theo tên bản dự thảo là Comme le prévoit

Giáo Hội cho phép phiên dịch ra tiếng địa phương để cho "mọi người dù trẻ em hay ít học" cũng hiểu nhưng Phụng Vụ diễn tả mầu nhiệm cao siêu nên không thể dùng tiếng ngoài hè phố. Huấn thị cũng chỉ rõ những phần phải phiên dịch không thêm bớt nhưng trong nhiều tiếng điạ phương không có danh từ tương đương nên nếu cần phải giải thích và đôi khi chỉ phỏng dịch (des éclaircissements, et parfois quelques paraphrases). Ở số 43, thay vì kết luận, huấn thị đi xa hơn, "Phiên dịch rõ ràng mà thôi thì chưa đủ để cử hành phụng vụ canh tân. Cần phải có sáng tác mới."

Nên trong bản dịch nào cũng có phần "soạn" của địa phương, chứ không chỉ "trung thành" với nguyên bản La tinh mà thôi. Chúng ta chưa kể đến Huấn thị Hội Nhập Văn Hóa (1994), Ðại Kết (1993) đòi hỏi óc sáng tạo để "soạn" một sách lễ cho địa phương. Nhưng các Huấn thị nói về cả tập thể và theo một kỷ luật chứ không bừa phứa tùy cá nhân như mấy ngài dịch khác với câu "Ðó là Lời Chúa" đâu.

duoc1706
07-07-2011, 06:09 PM
28. Thinh lặng hay phân bua?
Kính thưa cha, Chúa có nói rằng cầu nguyện trong thinh lặng; hãy thinh lặng để cầu nguyện, để lắng nghe. Khi thấy thánh Giuse nghi ngờ về phẩm hạnh của mình, Ðức Mẹ thinh lặng, không phân bua, không cải chánh, không làm cho rõ chuyện. Ðức Mẹ trả lời bằng sự "vô ngôn". Ðức Mẹ làm được như vậy vì trong Mẹ có Thiên Chúa, có Chúa Kitô (trích từ Con Ðường Tình Yêu, của Sr. Têrêsa Thanh Thủy).

Thưa cha, còn đối với con người thì sao? Khi bị nghi ngờ một điều gì oan ức, không nói lên để đính chánh, mình cứ thinh lặng, thì mình cứ bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết sao? Không nói ra để người ta hiểu, thì con có mắc lỗi với Chúa không, khi biết người ta mắc cái lỗi đó mà mình cứ thinh lặng? Thưa cha con đã thinh lặng mấy chục năm rồi. Xin cha giúp con bây giờ có nên nói ra không? Một điều rất oan ức cho con, làm sao cho con yên ổn được tâm hồn. Và một điều nữa, khi con người chết đi, già trẻ, lớn, bé, đều có đủ, đến ngày phán xét, ra trước toà Chúa, con người có lớn theo thời gian không? hay cứ ở mức độ tuổi thời gian mình đã chết? (Ẩn Danh)

Thưa "Ẩn Danh" thân mến,
Tôi xin thưa là bà vì đoạn trích trên nói về việc Ðức Mẹ bị nghi ngờ và Ẩn Danh cũng bị nghi ngờ nên tôi xin được thưa bà cho ngắn gọn. Thưa bà, rất tiếc tôi chưa được đọc cuốn sách bà trích dẫn nên tôi không dám nói về cuốn sách. Tôi chỉ coi đó là quan điểm của bà thôi.

Thưa bà, tôi nghĩ rằng quan điểm bà vừa ghi lại là giải thích phổ thông và rất cảm động quen thuộc trong Giáo Hội về đoạn Phúc Âm mà thánh Mattheo ghi lại. Giải thích như thế làm nổi bật lòng tin cậy Chúa của Ðức Mẹ cũng như của thánh Giuse. Tuyệt vời! Theo giải thích này "chàng" tự mắt nhìn thấy "nàng" ngày càng đẫy đà hơn sau những tháng vắng nhà để giúp đỡ bà chi họ Isave. Rõ ràng đó là dấu "nàng" mang thai. Rồi "chàng" nghi ngờ và muốn bỏ "nàng" vì theo luật thì "chàng" phải tố cáo và nếu như thế thật tội nghiệp cho "nàng" quá. Xin đành phó mặc cho Chúa định liệu. Nhiều nhà văn, nhà giảng thuyết còn thêm mắm muối nghe đến não nuột vô cùng.

Chúng ta biết các sách Phúc Âm đặt trọng tâm vào thời gian từ lúc Chúa chịu phép rửa trên sông Jordan đến lúc lên trời. Chỉ có hai thánh Mattheo và Luca cho một vài nét về thời thơ ấu trước đó. Ngày nay nhiều chuyên gia thánh kinh như Xavier Léon Durfour thấy lối giải thích cổ điển này không ổn ở nhiều điểm. Chẳng hạn, ngay từ đầu câu truyện (câu 18), thánh Mattheo đã nói Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, nghĩa là Giuse biết mầu nhiệm thụ thai đồng trinh chứ không chỉ thấy Maria ngày một đẫy đà và đòi ăn chanh chua vì mang thai mà thôi. Ngoài ra, nếu Giuse "là người công chính" như thánh Mattheo nhấn mạnh, Giuse bắt buộc phải làm trọn luật cách tỉ mỉ; luật nào cho Giuse trốn trách nhiệm dễ dàng thế. Cùng với nhiều lý do khác người ta phải hiểu là Giuse biết Maria "thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần." "Vì là người công chính" Giuse nghĩ mình không được phép "đánh lận con đen" để hưởng cái vinh dự làm cha vị Thiên sai thần linh này. Chúa đã chọn Maria và Chúa đã trực tiếp hành động trên nàng. Giuse phải tôn kính Chúa và đừng ở bên nàng vì như thế che lấp, không ccccho muôn dân thấy việc Chúa làm. Không cách nào hơn, Giuse chỉ còn cách bỏ trốn. Trong lúc định tâm như thế, thiên thần can thiệp, xin Giuse cứ nhận làm cha bằng cách "đặt tên cho con trẻ" dùm Thiên Chúa. Chưa phải lúc Chúa muốn cho muôn dân thấy việc lạ lùng này.

Nếu thế, chính Ðức Mẹ là người nói cho thánh Giuse tất cả sự việc. Nếu Ðức Mẹ mến thánh Giuse lắm mà có thể để thánh Giuse khổ đau không cần thiết? Thánh Giuse và Ðức Mẹ tinh tế và biết lắng nghe là điều kiện đầu của thông cảm. Khi nói không phải để huênh hoang, để cãi nhau nhưng để chia sẻ, để thông cảm thì cái nói đó là nhân đức cao vời của đức ái. Ca tụng đức phó thác, tin cậy nơi Chúa là điều phải lẽ nhưng thông cảm của đức ái cũng là điều cao cả.

Trở lai chuyện bà hỏi " còn đối với con người thì sao? Khi bị nghi ngờ một điều gì oan ức, không nói lên để đính chánh, mình cứ thinh lặng, thì mình cứ bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết sao?" Bộ bà tưởng Ðức Mẹ, thánh Giuse không phải người sao? Vậy chúng ta cũng cần có một đức tin cậy nơi Chúa như hai đấng. "Chúa là nơi con nương tựa! dù người đời gian ác, hại nổi con nỗi gì!" Chúng ta hãy dâng những oan ức, những đau khổ lên Chúa để Chúa thánh hoá chúng ta, thánh hoá mọi người. Dù chúng ta phải oan suốt đời, oan lớn như "oan thị Kính" và " bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết" đi nữa, chúng ta tin có sự sống lại, chúng ta tin có phán xét chung, trễ lắm là ngày đó mọi người sẽ thấy chúng ta vô tội! Với lòng tin Chúa, chúng ta đừng sợ hãi gì! Với lòng tin chúng ta hãy sẵn lòng chấp nhận tất cả, hãy can đảm chấp nhận để Chúa làm và thường Chúa làm cách tốt đẹp quá điều chúng ta mong đợi.

Nhưng đức bác mời gọi chúng ta chia sẻ, thông cảm với nhau. Chúng ta có thể tìm dịp thuận tiện, bằng lời lẽ chân thành đượm tình bác aí để nói cho nhau nghe những gì còn u uất trong lòng.

Quả thật, " Chúa có nói rằng cầu nguyện trong thinh lặng; hãy thinh lặng để cầu nguyện, để lắng nghe." Thinh lặng chứ không phải im lặng đâu. Im lìm không nói có thể, có thể giúp tạo thinh lặng nhưng cũng có thể cản trở, gây xáo trộn. Thinh lặng là sự bình an gồm cả thể lý, tâm linh. Bà đã im lặng nhưng cái im lặng đó dày vò, làm xáo trộn. Bà đâu tìm được bình an vì im lặng đâu. Ðể tìm được thinh lặng bà cần nói để chia sẻ thông cảm. Có thể trong lúc bên nhau, bà nhỏ nhẹ bày tỏ tâm sự giữ kín bao năm nay, nhưng nay vì thương nhau muốn thông cảm chia sẻ chuyện xưa thôi. Bà nhớ mang sẵn chén và ít khăn bông vì tôi sợ ông nhà khóc hết nước mắt.

Bà thân mến, trường hợp cụ thể có những phức tạp riêng của nó, bà có thể bàn với một vài người khôn ngoan đáng tin cậy để dễ dàng hơn. Chúc bà giải tan nỗi "oan thị Kính" đã dày vò bà nhiều năm tháng. Nguyện Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho bà.

duoc1706
07-07-2011, 06:12 PM
29. Thánh lễ Misa
Con con không muốn đi lễ vì nó kêu "Sao Lễ boring (nhàm chán) thế!" (TTT)

TTT thân mến,
Có nhiều lý do làm cho Lễ nên "boring." Về thể lý, có thể đêm Thứ Bảy ngủ trễ, sáng Chúa Nhật đi lễ là mệt rồi và lễ "boring" có lạ chi. Chưa ngủ gật là may rồi. Co hai giải pháp cho căn cớ này. Hoặc đi ngủ sớm hoặc đi lễ trễ. Nếu thấy con em còn mệt có thể chọn giờ trễ hơn khi có thể.

Về tâm lý, giới trẻ được nuôi nấng trong văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa tiêu khiển. Người ta ngồi xem phim ảnh, tivi, văn nghệ để được tiêu khiển, kích thích sôi nổi. Ðó không phải là điều Thánh lễ cống hiến cho chúng ta. Thánh Lễ là cái gì khác với kỹ nghệ tiêu khiển. Thánh Lễ là việc thờ phượng, không phải ai thờ phượng dùm nhưng việc thờ phượng Chúa của chúng ta, cộng đoàn chúng ta dâng lễ tạ ơn Chúa vì mọi ơn Chúa đã cho chúng ta. Chúng ta làm thế cách nào? Chúng ta lắng nghe, hát, đọc kinh, cầu nguyện và chia sẻ mình máu Chúa Kitô.

Nếu chúng ta đi lễ mà chúng ta không làm các việc đó, thánh lễ sẽ "boring" lắm. Nếu chúng ta không lắng nghe, không hát, không đọc kinh, không liên kết với những gì đang diễn tiến, chúng ta như người ngoài cuộc.

Ðiều quan trọng là đó là lựa chọn của chúng ta. Chúng ta chọn làm cho lễ nên "boring" khi chọn không tham gia tích cực vào Thánh Lễ. Tôi có thể chọn cách khác. Tuần tới, thử tiến một chút để tham dự vào xem nha.

Tôi có thể mở tâm hồn, nghĩ về những lạ lùng trong cuộc đời mình và dùng một giờ vắn vỏi để tạ ơn Chúa về điều đó. Ðó là việc của tôi, không ai ép tôi được.

Về giáo lý, chúng ta biết Thánh Kinh dạy chúng ta phượng thờ Chúa. Chúng ta lại không thể hiểu phụng thờ nếu không nhìn phụng thờ trong mối liên hệ giữa Chúa và dân Chúa. Một liên hệ mà các ngôn sứ gọi là "Giao Ước" và đã ví như hôn nhân vì dựa trên tình yêu. Chúa còn cho họ thấy mối liên hệ này qua cách phụng thờ mà Chúa chỉ dạy. Các sách Xuất hành, Lêvi, và Ðệ Nhị Luật chỉ dẫn cách Phụng thờ Chúa. Phụng thờ với của lễ hy sinh là hình thức bên ngoài của mối liên hệ.

Nhưng các phụng thờ này chỉ là hình bóng của sự thật (Heb 10:1), cái bánh vẽ với bánh thật. Chúa Kitô thiết lập giao ước mới khi Chúa tự hiến như của lễ hi sinh thật (Heb 9:1-10:25). Chúa Kitô là hi lễ hoàn hảo; Chúa tạo cho chúng ta một mối liên hệ hoàn hảo. Chúng ta tiến đến cùng "Chúa Giêsu, trung gian giao ước mới, và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh hơn cả máu Aben." (Heb 12:24). Ðây chính là thờ phượng mà Thánh Lễ Công giáo diễn tả.

Vì thế, chúng ta không đi lễ để nhận cái gì nhưng để dâng một cái gì: để tôn thờ Chúa. Trong mỗi Thánh Lễ, Giáo Hội dâng hiến hy sinh của Chúa Giêsu lên Thiên Chúa Cha cho phần rỗi nhân loại. Giáo Hội làm việc này không tại ý thích của mình nhưng là làm theo lệnh truyền "hãy làm việc này" khi Chúa lập Thánh Thể. Thực ra chúng ta cũng nhận được một cái gì: chính Chúa Giêsu. Giáo Hội luôn tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện qua hình bánh ruợu đã truyền phép. Chúng ta đón nhận điều chúng ta cần hơn hết đó chính là Chúa Giêsu.

duoc1706
07-07-2011, 06:14 PM
30. Giữ Luật nào?
1. Luật Giáo Hội là luật chung cho mọi quốc gia trên hoàn cầu nhưng có chút thay đổi tùy hoàn cảnh mỗi quốc gia. Vậy người Công giáo Việt Nam sống ở hải ngoại theo giáo luật nước đó hay Việt Nam? Chẳng hạn, những ngày lễ buộc ở Việt Nam thường dời vào Chúa Nhật nhưng ở Hoa Kỳ thường giữ đúng ngày lễ.
2. Khi linh mục, phó tế hoặc thừa tác viên Thánh Thể trao Mình Máu Thánh Chúa Kitô cho giáo dân có buộc đưa Mình Thánh Chúa lên và đọc lớn, rõ (đủ để người sắp được rước Chúa nghe): "Mình Thánh Chúa Kitô", và người giáo dân đáp: "Amen!" như các linh mục ở Việt Nam và các linh mục Mỹ thường làm. Theo con nghĩ, dù không buộc nhưng trong thánh lễ có 2 phần quan trọng: "Phụng vụ lời Chúa" được công bố trịnh trọng và rõ ràng thì "Phụng vụ Thánh Thể" cũng cần làm như vậy.
3. Khi giải thích về các phương pháp ngừa thai hoặc chích thuốc ngừa thai cho bệnh nhân thì có phạm tội không? Nếu trường hợp có người muốn phá thai, con đã khuyên họ "đừng" nhưng không thấy kết quả (vì thường bế tắc ở vấn đề tài chánh), con phải làm sao?
Con cám ơn cha nhiều. Con kính chúc cha được luôn mạnh khoẻ trên bước đường dấn thân phụng sự Chúa. (Người muốn biết Giáo luật)
Người muốn biết GL thân mến,
1. Luật địa phương:
Luật Giáo Hội có nhiều loại. Luật phổ quát bó buộc mọi nơi đối với hết mọi người mà luật chi phối. Luật địa phương được ban bố cho một lãnh thổ riêng biệt thì bó buộc những người mà luật nhằm đến, nếu họ có cư sở hoặc bán cư sở và hiện đang cư trú tại đó. Người Công Giáo Việt Nam sống tại Hoa Kỳ hay các quốc gia khác phải giữ các luật địa phương nơi mình cư ngụ. Do đó, luật về lễ buộc phải giữ theo qui định địa phương.
2. Ðọc: "Mình Thánh Chúa Kitô"
Luật phụng vụ về việc cho Rước Lễ đã qui định công thức thừa tác viên phải đọc khi đưa Mình và Máu Thánh Chúa cho giáo dân lãnh nhận. (Trong "Nghi Thức Thánh lễ" của Sách Lễ Rôma số 135 có ghi, "Rồi cầm đĩa hay chén đựng Mình Thánh đi đến từng người rước lễ, nâng bánh thánh lên một chút và nói: Mình Thánh Chúa Kitô. Người rước lễ thưa: Amen.Và cho rước lễ. Nếu phó tế hoặc một thừa tác viên khác cho rước lễ thì cũng làm như vậy.")
Theo "common sense" các thừa tác viên nên đọc đủ để người sắp rước lễ nghe thấy, nhờ đó mới đáp được "Amen" một các hợp lý hợp tình. Không nên đọc thầm trong miệng và cũng chẳng nên đọc to quá làm người khác chia trí.
3. Ngừa thai và phá thai:
Khi "giải thích về các phương pháp ngừa thai" nhằm mở mang kiến thức mà thôi thì đâu có tội lỗi gì. Nhưng sự giải thích được làm với chủ ý chỉ dẫn, cộng tác hay khuyến giục người khác làm điều có tội thì chắc chắn không thể vô can được.
Việc chích thuốc ngừa thai phải coi là việc cộng tác chính thức (formal cooperation) vào hành vi ngừa thai của đương sự. Ðây không phải chỉ là một sự cộng tác thể lý như trường hợp người bán dao cho kẻ dùng dao giết người, nhưng với việc chích thuốc ngừa thai hay phá thai, tác nhân minh nhiên chủ ý cộng tác với đương sự thực hiện và hoàn thành việc xấu. Việc bán các dụng cụ ngừa thai như bao cao su, vòng xoắn ... cũng phải kể là mặc nhiên cộng tác với người khác trong hành vi bất hảo của họ.
Trường hợp gặp một người muốn phá thai ta đã cố gắng khuyên răn họ đừng làm mà họ cứ cố tình vi phạm, ta có thể và nên tìm những phương pháp, kế hoạch khác hữu hiệu hơn. Một khi ta đã cố gắng hết sức mà không kết quả thì ta chỉ còn biết phó thác cho Chúa để tùy Ngài lo liệu theo chương trình của riêng Ngài đối với con người đó. Chúa không bao giờ đòi hỏi ta bất cứ sự gì ngoài khả năng của mình.
Khi "vì thường bế tắc ở vấn đề tài chánh" chẳng hạn, ta có thể liên lạc với Pro-life office của giáo phận để hỏi chương trình con nuôi. Rất nhiều người muốn có con nuôi và họ đủ kinh tế để trả cho người mẹ phải nghỉ việc.

duoc1706
28-07-2011, 09:03 PM
31. Quan niệm luân hồi của Phật Giáo

Thưa cha con có câu hỏi: Quan niệm luân hồi của Phật giáo có hợp với Công Giáo không? (Dũng, NC)

Dũng thân mên,
Luân hồi nói lên điều thứ nhất là chết chưa hết. Công Giáo quả quyết điều như thế: có một cuộc sống sau cái chết. luân hồi xác quyết điều thứ hai là cuộc sống sau cái chết là kết quả của cuộc sống hiện nay. Ðó là dựa trên thuyết nhân quả. Chúa Giêsu bảo cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu. Trong Giáo thuyết Công giáo, cuộc sống của tôi sau khi tôi chết là tùy thuộc vào sự cộng tác của tôi với ơn Chúa ban dư tràn hôm nay. Trong dụ ngôn nén bạc của Phúc Âm, tôi là một trong những tên đày tớ được Chúa trao tặng những nén bạc. Tôi sẽ sử dụng những nén bạc cuộc sống hôm nay thế nào? Cuộc sống tôi, những tài năng, thời giờ, của cải, những may lành, cả con người tôi có sinh lợi cho Chúa, cho tha nhân hay chỉ ích kỷ cho mình tôi.

Khi thuyết luân hồi tiến xa để cho rằng con người sẽ đầu thai tiếp cho đến khi biết sống đúng đạo làm người, nó không còn hợp với giáo lý Công giáo. Giáo lý Công giáo dạy con người được Chúa dựng nên và cho sống trên trần này chỉ một lần để biết và yêu mến Chúa và tha nhân để được hạnh phúc muôn đời. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nên cuộc đời đáng quí vô cùng. Nếu biết dùng nó, chúng ta đạt hạnh phúc; không biết dùng nó chúng ta phải phạt. Hôm nay tôi sống thế nào, ngày sau tôi sẽ nhận quả của kiếp này. Suy nghĩ về điểm này đã giúp một người tin nhận Chúa vì đây là cách khôn ngoan nhất. Ông kể lại rằng khi đó ông rất mơ hồ không biết chỉ có một kiếp sống hay sẽ trở lại sống nhiều kiếp khác nhau. Ông quen thuộc với luân hồi và thoải mái với thuyết đó. Nhưng nếu chỉ có một kiếp thì sao? Nếu chỉ có một kiếp mà mình tin có nhiều kiếp: chết là mình sẽ khốn nạn mãi. Còn nếu có nhiều kiếp mà mình tin có một kiếp thì mình vẫn còn nhiều kiếp sau để đổi lại! Nên theo lẽ khôn tự nhiên, "common sense", bắt ông phải nhận chỉ có một kiếp đã!

Thật ra, "ông bổn đạo mới này" chỉ thực hành lời Phật Tổ dạy, "Ðừng lẫn ngón tay ta với mặt trăng khi ta dùng ngón tay chỉ cho các người thấy mặt trăng! Chân lý như mặt trăng còn giáo lý ta dạy như ngón tay." Ngón tay không phải mặt trăng cũng như giáo lý Phật chưa phải chân lý! Tạ ơn Chúa đã soi cho ông bổn đạo mới này suy nghĩ như vậy.

duoc1706
28-07-2011, 09:09 PM
32. Ơn bất khả ngộ
Khi ông Galilêô bị phạt vạ thì Ðức Giáo Hoàng đã quyết định một việc sai lầm lớn lao! Như vậy thì nói làm sao được rằng Ðức Giáo Hoàng có ơn bất khả ngộ được? (Không Tên)
K.T. thân mến,
Để kết luận Ðức Giáo Hoàng "không có" bất khả ngộ, ông không cần nói xa xôi làm chi. Ông xem TV thấy Ðức Giáo Hoàng làm lễ cùng dân chúng đọc Kinh Cáo mình và đấm ngực: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Ngài có sai lỗi mà nếu trước không có sai lỗi mà đọc Kinh Cáo nmình là mang tội nói dối Chúa. Hay ông có thể nêu lên: Ðức Giáo Hoàng xưng tội hàng tuần trong khi ấy nhiều tín đồ có thể cả ông cả tôi cả năm xưng tội một lần cũng chả thấy có tội gì để xưng. Có người trước khi xưng tội phải chửi mấy câu, nói dối mấy câu cho có tội mà xưng. Như thế, Ðức Giáo Hoàng có tội lỗi rồi và còn biết mình có tội trong khi nhiều người không biết mình có tội! Có tội nghĩa là có phạm lỗi lầm! Có lỗi lầm thì không có ơn vô ngộ.
Câu hỏi của ông có hai câu mà cả hai đều sai một cách rất căn bản. Ông đọc lại câu trả lời trên báo này trước đây. Galileô không phải người đầu tiên xướng đưa vấn đề khoa học về mặt trời và trái đất. Ở Việt Nam chúng ta có Cao bá Quát, một nhân tài nhưng tính tình cao ngạo. Ông bị mọi người ghét bỏ rồi bị tru di tam tộc. Tôi có quen một anh bạn mang một họ hơi lạ: họ Quách. Anh bảo ông tổ của anh mang họ Cao và có họ xa xa với Cao Bá Quát nên khi Cao Bá Quát bị án tru di, ông tổ liền cao bay xa chạy đổi ra họ Quách. Galileô bị tòa án, dù đó là tòa án Giáo Hội, thì đó là việc của tòa án. Không nên lẫn lộn.
Câu thứ hai về ơn bất khả ngộ. Tôi phục ông, không hiểu giáo lý về ơn bất khả ngộ mà dùng được tiếng đó cũng là đáng phục. Giáo Lý Công Giáo ở Sàigòn xưa có ghi ở câu 88, "H. Những ai được ơn không thể sai lầm? T. Một là Ðức Giáo Hoàng khi lấy quyền Thánh Phêrô phán định điều gì về đức Tin hay luân lý mà buộc toàn thể Hội Thánh phải tin hoặc phải giữ. Hai là .... ba là ...." Vậy ơn bất khả ngộ hay ơn không thể sai lầm là ơn Chúa Giêsu đã hứa cho toàn thể Giáo Hội mà Ðức Giáo Hoàng có trách nhiệm hướng dẫn sẽ chỉ được trong đức tin và luân lý khi lấy quyền thánh Phêrô mà truyền ban mà thôi.

duoc1706
28-07-2011, 09:11 PM
33. Con riêng của chồng
Kính thưa cha, con có một thắc mắc như sau: "Con riêng của chồng (người mẹ của đứa bé này là một gái điếm, nên tình nghi có thể không phải là con của người chồng này ) có thể kết hôn với người con gái của em trai của vợ mình không?" Theo con nghĩ 2 đứa con này không có dính líu gì đến họ máu và họ kết bạn cả. Hơn nữa 2 gia đình này ở cách xa nhau từ lâu, người ở miền Trung, người ở miền Nam, nên 2 đứa không biết mặt nhau lần nào cả. (Vincent Nguyen, TX)

"Thưa" Ông Vincent thân mến,
Chết người ta rồi, ông Vincent ơi! Thời buổi này hai đứa không hề biết mặt nhau, mà ông "ép" tụi nó lấy nhau! Sau chúng nó có gì đừng đưa thư này ra làm chứng nha.

Hai đứa rõ ràng không liên hệ gì về họ máu rồi: hai cha mẹ đôi bên không hề có chút liên hệ máu mủ ruột thịt nào với nhau. Còn họ kết hôn (hay hôn thuộc), nếu ghép đi ghép lại thì cũng có chút ít. Nhưng họ kết hôn chỉ ngăn trở trực hệ, nghĩa là, người chồng không được lấy mẹ hay con riêng của vợ và ngược lại: "Hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp nào cũng làm cho hôn phối vô hiệu" (Can 1092). Ngăn trở trực hệ này cấm dù trong những liên hệ hợp pháp hay bất hợp pháp như sống chung công khai (ngăn trở công hạnh can 1093). Giáo luật hiện nay không nói tới hôn thuộc bàng hệ, nghĩa là, không có ngăn trở hôn thuộc bàng hệ như trường hợp hai đứa mà ông Vincent đang buộc sợi xích thằng cho tụi nó.

duoc1706
28-07-2011, 09:46 PM
37. Tại Sao Có Nhiều Tôn Giáo?
Kính thưa cha, kèm đây là bản chụp lại bức thư của Nguyễn Hoàng Dũng, một em trai trẻ mà con đang giúp em trong vấn đề cải hoá. Em có những thắc mắc xin cha giải đáp giúp.
a- "Cô ơi, con không hiểu tại sao mà thế gian này sao mà nhiều đạo vậy cô? Thật ra chỉ có một thôi phải không cô? Nếu vậy thì tại sao?
b- Còn về đạo Tin Lành và Công Giáo tại sao phải chia ra hai đạo vậy? Con biết là một đạo tin Ðức Mẹ còn một đạo không nhưng họ chia ra vậy sai phải không cô? Tại vì làm vậy có nghĩa là ích kỷ phải không cô? Tại vì đạo nào cũng muốn quyền thế và địa vị, không bên nào nhường bên nào. Cũng như hồi xưa hai bên chém giết nhau và chết biết bao nhiêu cũng vì tranh giành đạo. Kinh Thánh có viết rằng phải nhường nhịn, không tham lam hoặc ích kỷ, chớ giết người và nhiều điều khác. Vậy người viết Kinh Thánh này là người hồi xưa phải không cô? Mà người xưa đều phạm hết những luật lệ trong Kinh Thánh vậy thì những điều họ viết lại có đúng không cô? Biết đâu họ đổi đi mình làm sao mà biết hả cô. Dù sao, con chỉ thắc mắc thôi chứ không có ý chống đối gì... (Con ngoan của cô, Dũng Nguyễn & Lily Dang)

Dũng và Lily mến,
a- Nghĩ ra thì cũng buồn vì "thế gian này sao mà nhiều đạo vậy" quá nhiều! Lắm khi các đạo còn kình địch, cạnh tranh chống đối nhau. Rồi, một số âm mưu chính trị lợi dụng sự đối nghịch để thủ lợi. Chẳng hạn năm rồi, chính quyền Do Thái muốn người Palestin chia rẽ hơn nên đã cho dân Palestin Hồi Giáo xin xây một đền thờ ngay sát Ðền Thánh Ðức Mẹ nhận truyền tin để Hồi giáo với Công giáo hục hoặc nhau.
Việc có nhiều tôn giáo mà chỉ có một là thật nên kết luận được rằng nhiều người tin một cách sai lầm. Nếu thế gian quá hỗn lộn đến nỗi nhiều người tin tưởng sai lạc thì một tôn giáo thật phải cho biết điều ấy. Vậy đạo nào cho rằng thế gian không bị hỏa mù, lầm lạc, không sa lầy trong hỗn loạn niềm tin tôn giáo, người ta có thể loại đạo đó ra vì đạo đó không nhìn thấy một sự thật rõ ràng.
Kinh Thánh cho chúng ta biết con người bị ma quỉ lừa dối đã chọn lựa sự dữ ngay từ ban đầu. Tội lỗi đã vào thế gian và tiếp tục nảy nở đến nỗi Thánh Vịnh phải than loài người "đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có ai làm điều thiện" (Tv 14:1); "trên mặt đất, chẳng có người công chính nào làm điều thiện và không bao giờ phạm tội" (Gv 7:20). Tội lỗi làm trí khôn con người nên mù tối, bớt sáng suốt nhận định phải trái; ý chí nên yếu đuối để làm điều phải dù biết. Do đó thế gian là nơi đầy xáo trộn.
b- Cần nhiều quyển sách lớn để trả lời câu hỏi đơn giản của Dũng. Ngoài các lý do như câu trả lời về nhiều tôn giáo, Dũng biết, Luther có thể nói là ông tổ của đạo Tin lành. Luther cũng có ý tốt khi kêu gọi sửa đổi những lạm dụng của nhiều người trong Giáo Hội thời ấy. Nhưng những lực lượng chính trị và người chung quanh lợi dụng đã đưa đẩy để ông cứng ngắc trong chủ trương "Chỉ có Thánh Kinh" nghĩa là những gì ngoài Thánh Kinh đều vô giá trị. Ðược hỗ trợ bởi các lực lượng chính trị ăn có, ông đã tách giáo hội miền Bắc Âu thành Giáo hội "Protestant" (Thệ Phản). Từ chủ trương "Chỉ có Thánh Kinh," hàng trăm, hàng ngàn các phái Thệ phản khác nhau xuất hiện trong đó phái nào cũng vỗ ngực "Chỉ có Thánh Kinh." Thật ra phải nói "Chỉ có Thánh Kinh theo ông này, theo bà nọ." Giáo hội Tin lành nào cũng "chỉ" dựa vào Thánh Kinh, nhưng chúng ta có hơn hai trăm ngàn (200.000) các hệ phái khác nhau!!! Chính Thánh Kinh "không hề" chủ trương chỉ có Thánh Kinh. Thánh Kinh được Giáo Hội viết dưới sự linh ứng của Chúa, được Giáo Hội gìn giữ và giảng dạy, nên chỉ có thể hiểu được trong Giáo Hội. Chúa Giêsu nói với người Do thái xưa: "Các ngươi tra cứu Kinh thánh vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Kinh thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống" (Ga 5,39-40). Chúng ta có thể tưởng như Giáo Hội dùng những lời đó nói với người Tin Lành.
Thật vậy, Thánh kinh quả quyết trong thư thứ nhất Thánh Phaolô gởi cho Timôthê, "Giáo Hội Chúa là cột chống và nền tảng cho sự thật (The Church of God, the pillar and foundation of truth)" (1Tm 3,15). Rất ít người Tin lành nhớ câu này, dù họ lướt qua nhiều lần. Nhưng họ không thể chối bỏ câu này. Muốn tìm sự thật phải tìm nơi Giáo Hội vì Giáo hội là cột trụ và nền móng của sự thật. Nếu họ tin thật Thánh Kinh, họ phải tìm đến Giáo Hội. Gần đây, có những mục sư Tin lành rất thành tâm sau khi học và đọc Thánh kinh tìm đến Giáo hội..
Quả thật "ngươì viết Kinh Thánh này là người hồi xưa". Ðiều quan trọng là "người hồi xưa" viết nhưng phải được Giáo Hội nhìn nhận là thuộc Thánh Kinh. Dũng biết có nhiều sách viết về Chúa trước hay đồng thời với Thánh Kinh mà không được coi thuộc Thánh kinh như Didache (Giáo Huấn của các Tông đồ), Thư Banabê, Phúc Âm thánh Thoma . . . vì Giáo hội không nhìn nhận những sách ấy thuộc thành phần Thánh kinh. Didache viết rất hay nhưng không được nhìn nhận thuộc Thánh Kinh. Dũng cứ tin Giáo hội vì Chúa hứa gìn giữ Giáo hội dù quỉ hỏa ngục có mưu mô cỡ mấy! Những người viết Kinh Thánh phải là những người được ơn linh ứng, nghĩa là được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để viết những điều Chúa muốn, nên những chân lý các Ngài ghi chép trong Thánh Kinh liên quan đến phần rỗi đều không thể sai lầm. Có Chúa gìn giữ các Ngài nên cứ tin vào Chúa!

duoc1706
28-07-2011, 10:06 PM
41. Tin dị đoan
Con có một người dì đạo gốc. Dì đọc kinh sáng tối, đi lễ hàng tuần đầy đủ. Nhưng có một điều là dì rất tin dị đoan. Dì con có đi xem bói và về nhà làm y như lời thày bói nói. Nào là phải giấu ngày sinh tháng đẻ, không được cho ai biết, nếu không thì chết trước 30 năm, hoặc sẽ đau ốm nặng nếu ai tặng quà đúng vào sinh nhật của dì. Dì giữ tất cả những tập tục của người Nam thường làm trong năm, như phải lau chùi nhà bếp để đón ông Táo, đốt vía, và thay đổi ngày sinh tháng đẻ của con cháu để được phù hợp với tuổi tác, nếu không thì sẽ bị xui xẻo; thậm chí nếu có người đẻ đến thăm mà còn trong tháng thì dì rất bực mình, cho là không tốt. Con gái dì có bầu dì bắt kiêng tùm lum. Con và mẹ con có khuyên dì, nhưng dì nói rằng "có kiêng có lành". Vậy dì con có tội không? Dì tin nơi Chúa, nhưng dì lại đi nghe theo lời thày bói. Dì làm theo và bắt con cái phải làm theo. Vậy dì có phạm đến Chúa không? Và con phải làm sao để có thể giúp cho dì con? Con rất lo sợ sẽ có ngày dì và các em họ của con bị tai hoạ nếu cứ làm theo lời thày bói nói. Xin cha thương giúp dùm dì con. Xin chân thành cám ơn cha. (Người con lo lắng)
Người con lo lắng thân mến,
"Hòn đất mà biết nói năng thì ông thày bói hàm răng không còn."
Dĩ nhiên khi tin dị đoan, mê tín là "không tin" vào Chúa như điều răn thứ nhất dạy: "Chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa, ngoài ra không có Chúa nào khác, phải tôn thờ một mình Ngài." Nếu có nhiều Chúa thì "có kiêng có lành" nhưng "chỉ có một Chúa", nên "kiêng tùm lum" là mang tội, mang vạ vào thân. Sau khi sống trà trộn với dân ngoại, một số người Do thái cũng "kiêng tùm lum". Sách Macabeô kể sau một trận đánh, Macabeô đưa xác các tử sĩ về chôn cất nhưng thấy "bên trong áo trận của mỗi tử thi lá bùa của tượng thần Giamnia; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào những người ấy đã bị giết chết. Vậy mọi người chúc tụng Chúa vì Người thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn" (2 Mcb 12,40-41). Chúa để như thế để nhắc chúng ta đừng cậy tin vớ vẩn vào ma quỉ, thần nào khác ngoài Chúa. Tin vớ vẩn chỉ hại thân thôi. Chuyện đó cho thấy không phải "có kiêng có lành" mà ngược lại "có kiêng khiêng vạ vào thân" đấy. Tin vớ vẩn thứ nhất là có tội , mất lòng Chúa, vô ơn với Chúa. Lãnh nhận các ơn Chúa mà lại đi cám ơn thằng quỉ! Với những người tin nhảm nhí vào ma quỉ, đôi khi Chúa cho phép ma quỉ đánh lừa họ bằng những ơn giả, những cái xem như do ma quỉ giúp.
Mê tín dị đoan thường do sợ hãi. Có lẽ họ đã trải qua nhiều chuyện đau thương; kinh nghiệm nhiều chuyện thiếu may đó làm họ vái tứ phương. Nên họ thường hơi cố chấp. Chỉ tin nơi Chúa mới có bình an, hạnh phúc thật. Cô đào Eve Lavallière, minh tinh sáng chói khắp Âu châu đầu thế kỷ 20, đã nếm tất cả những gì đời cho là hạnh phúc: tình, tiền, tiếng. Nhưng khi nàng chấp nhận bán linh hồn cho quỉ mà Lucifer ậm ờ không làm cho nàng trẻ lại 20 tuổi, nàng khám phá ra sự gian dối bất lực của quỉ trước tình thương yêu tha thứ của Chúa. Nàng từ bỏ ma quỉ và tìm về tin tưởng trọn vẹn nơi Chúa.
Tôi không nghĩ bà dì tin thờ ma quỉ đâu nhưng trên đời, ai "làm tôi hai chủ" hay "bắt cá hai tay" là kẻ dại, luôn luôn bị thiệt thòi. Vững tin vào Thiên Chúa, chẳng ma quỉ hay cái gì làm hại nổi ta.