PDA

View Full Version : Từ Vựng Thần Học Thánh Kinh: Lưỡi



mariakieuanh
28-06-2011, 10:01 PM
Lưỡi

Bằng cái lưỡi, con người có thể trao đổi với nhau và bày tỏ với Thiên Chúa những nỗi lòng của mình. Cái lưỡi không có quyền sử dụng nữa có lẽ là một hình phạt của Thiên Chúa (Lc 1,20; Tv 137,6); trả lại cho người câm quyền sử dụng cái lưỡi là một việc làm của Đấng Mêsia (Is 35,6; Mc 7,33-37), Đấng cho phép họ hát lên những bài ngợi ca Thiên Chúa (Lc 1,64).


1. Mặt tốt và xấu của việc sử dụng lưỡi.


“Sống hay chết tùy vào sức mạnh của cái lưỡi” (Cn 18,21). Thể loại văn chương mang tính phổ quát này lập lại thường xuyên nơi những bậc khôn ngoan (sách Châm Ngôn, Thánh Vịnh, Huấn Ca), cho đến Giacôbê: “Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha, và ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gc 3,2-12): lưỡi nói lời dối trá, gian xảo, giả tạo, xấu xa, vu khống (Tv 10,7; Hc 51,2-6). Đó là con rắn (Tv 140,4), là con dao sắc (Tv 52,4), là thanh gươm bén nhọn (Tv 57,5), là mũi tên giết người (Gr 9,7; 18,18). Thế nhưng, điều dễ nhận thấy là: “Ai lại không lỗi phạm bởi miệng lưỡi” (Hc 19,16), lời chúc phúc thưa: “Phúc thay kẻ không lỗi phạm bởi miệng lưỡi” (25,8). Ta cũng hy vọng rằng vào Ngày của Giavê, trong số những kẻ được tuyển chọn còn xót lại, sẽ không còn “miệng lưỡi phỉnh gạt nữa”(Xph 3,13).
Niềm hy vọng này không phải là một điều hão huyền, vì kể từ lúc này, người ta có thể mô tả cái lưỡi của người công chính. Đó là một thứ bạc ròng (Cn 10,20): miệng lưỡi cất lên sự công chính và ca tụng Thiên Chúa (Tv 35,28; 45,2), nó tuyên xưng quyền năng bao la của Ngài (Is 45,24). Sau hết, giống như môi miệng, cái lưỡi biểu lộ tâm hồn con người; hành động phải đi đôi với lời nói: “Chúng ta đừng yêu nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu cách chân thật bằng hành động” (1 Ga 3,18; x Gc 1,26).


2. Đa ngôn ngữ.


Các dân tộc trên thế giới là “những cái lưỡi”. Bằng lối diễn tả này, Kinh thánh mô tả sự đa dạng của các nền văn hóa. Tính đa dạng này không chỉ cho thấy sự giàu có trí tuệ của loài người. Nó là một nguyên lý không thể hiểu nổi giữa con người với nhau, một khía cạnh của mầu nhiệm tội lỗi mà ý nghĩa tôn giáo của nó được thấy qua tháp Babel (St 11): tính kiêu ngạo trịch thượng của con người muốn xây dựng một thành phố không có Thiên Chúa đã phải chịu hậu quả là ngôn ngữ xáo trộn. Qua biến cố Hiện Xuống (Cv 2,1-13), mối chia rẽ ấy của con người bị chế ngự: Thánh Thần tỏa lan thành hình những lưỡi lửa đậu trên các Tông Đồ để Tin Mừng được lắng nghe qua ngôn ngữ của các dân tộc. Cũng vậy con người sẽ hòa giải với nhau qua ngôn ngữ duy nhất của Thánh Thần, Đấng bác ái. Đặc sủng “nói bằng nhiều thứ tiếng” này nơi các Tông Đồ đôi khi là một hình thức cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa với lòng phấn khởi (Cv 2,4; 10,46) lúc là một hình thức tiên tri loan báo cho con người biết những tốt đẹp của Thiên Chúa (Cv 2,6.11; 19,6). Để sử dụng đặc sủng này trong Giáo Hội, Phaolô khen hình thức thứ nhất của đặc sủng nhưng lại nói mình thích loại hình thức hai hơn vì nó hữu ích cho hết mọi người (1 Cr 14,5). Biến cố Lễ Hiện Xuống chỉ ra rằng, kể từ thời khai sinh, Giáo Hội là Công giáo, nói với hết mọi người bằng các thứ tiếng đồng thời quy tụ họ lại để chúc tụng những điều tốt đẹp của Thiên Chúa (x. Is 66,18; Cv 5,9; 7,9…). Như vậy “mọi miệng lưỡi sẽ tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa, nơi vinh quang của Thiên Chúa là Cha” (Pl 2,11).



Nguồn : daminhvn.net