Ðăng Nhập

View Full Version : MỘT THOÁNG LINH MỤC



mariakieuanh
28-06-2011, 10:28 PM
MỘT THOÁNG LINH MỤC


http://s.daminhvn.net/daminhvn/tulieubaiviet/hinhanh/minhhoa/priest9.jpg



1. Nếu hỏi chỗ ở của linh mục, xin thưa rằng chỗ ở đúng nhất của vị linh mục, nơi đăng ký thường trú, căn phòng của linh mục chính là nhà nguyện hay nhà thờ. Ở đó, Đức Kitô hiện diện rõ ràng như là người Anh, người Bạn, người Thầy của linh mục, Ngài ngự trong bí tích Thánh Thể, là trung tâm của đời sống linh mục, và Ngài ở đó để lắng nghe, tâm sự trao đổi với linh mục từng giây từng phút.
Thánh đường, nơi ở của linh mục, có những lúc đông vui, tấp nập, nhưng cũng có những lúc thật mênh mông, trống vắng, hiu quạnh, lạnh lẽo. Khi ở giữa cộng đoàn, linh mục cùng với mọi người hát ca chúc tụng Thiên Chúa. Còn khi một mình, linh mục ở đó, âm thầm, lặng lẽ chìm ngập trong tình yêu thương âu yếm ngọt ngào, trò chuyện với Đấng đã kêu gọi, đã chọn, và đã sai mình đến với anh chị em. Tất cả thế giới chung quanh, tất cả đất trời và muôn vật đang hội tụ về đây, trong khối óc, trong trái tim để biến thành lời thì thầm sâu lắng của linh mục dâng lên Chúa. Trong nơi ở này, linh mục luôn ý thức mình hiện diện trước Thiên Nhan Chúa và sẽ thấy mình thật là trần trụi : không là gì cả, tất cả là Chúa ; không có gì cả, tất cả có Chúa ; không có chỗ để trưng bầy, trang trí những vật dụng đắt gía ; không chỗ để chôn giấu vàng bạc, của cải ; không có nơi để cất giữ máy móc, xe cộ hiện đại, tân kỳ ; không có chỗ để ẩn thân trong chăn ấm gối êm... Tất cả cuộc đời thuộc về Chúa.
Chỗ ở của linh mục không phải chỉ là thánh đường trong giờ mở cửa, buổi sáng một chút và buổi chiều một chút, còn thì khóa chặt cửa lại, linh mục trở về với phòng riêng của mình để thao túng, hoặc để chậy dịch vụ đó đây. Chỗ ở của linh mục phải là ngôi thánh đường luôn mở toang, nơi hội tụ tất cả mọi người, lớn bé, gìa trẻ, nam phụ lão ấu, đẹp xấu, giầu nghèo cùng với biết bao nhiêu "vui mừng và hy vọng", ưu sầu và lo lắng của con người. Linh mục ở đó tay bắt mặt mừng, tiếp đón nồng hậu với từng con người, từng nỗi đời và trao ban bình an, hạnh phúc của Thiên Chúa cho từng người một.
Đối với chúng ta, có lẽ chẳng lời nào diễn tả cảnh sống đó rõ ràng hơn hình ảnh thánh Đa Minh, ngài không có phòng riêng và nơi ngài ngủ cũng chính là nơi ngài cầu nguyện : NHÀ NGUYỆN.


2. Về cách sống của linh mục,

nhiều người thường hay nghĩ rằng khi được chịu chức sẽ có nhiều ước mơ, hoạch định, tính toán, tìm cho mình một đường lối làm việc, lên chương trình vĩ đại chi tiết cho đời mình... vì khi làm linh mục thì dễ quyết định cho mình nhiều việc hơn. Vâng, đúng là như vậy, và điều đó tốt lắm. Nhưng nếu tất cả những tính toán, lo lắng hoạch định đó chỉ là những hứng khởi của cái thuở ban đầu hay chỉ là những cố gắng riêng của mình thôi, thì e rằng khó mà thực hiện được, nhất là khó mà bền bỉ khi mà những sốt sắng của buổi ban đầu đã tan biến mất.
Điều căn bản trong cách sống của linh mục là : Sống với Chúa và với anh em, thì phải cần phải sống giây phút hiện tại, ở đây và lúc này, chính lúc mà Thiên Chúa đang hiện diện với mình. Đó là giây phút tốt nhất, no đầy nhất, vĩnh cửu nhất. Nếu linh mục luôn sống với Chúa trong giây phút hiện tại thì dù ở hoàn cảnh nào, với con người nào, trong tình huống vui buồn sướng khổ nào, trên quê hương đất nước nào, linh mục cũng không cảm thấy cô đơn, lẻ loi trống vắng, không chùn chân bước. Dù công việc có thích hợp hay không, linh mục vận ý thức những gì mình đang có, những gì mình đang sống đều là Hồng Ân Chúa ban tặng. Hơn nữa, hoàn cảnh càng khó khăn, công việc càng mệt nhọc thì nó lại càng dễ giúp linh mục xét mình đã thực sự tin, thực sự yêu, thực sự hết lòng bám vào Thiên Chúa chưa ? Bài thơ "Khúc ca hôm nay" của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng có diễn tả cách sống đó của người linh mục :


"Đời con một chốc lát, là một thoáng qua mau,
Đời con là một khoảnh khắc trôi đi không bao giờ trở lại
Chúa biết,
Để yêu Chúa dưới đất này, con chỉ có hôm nay".




3. Linh mục nói năng gì ?


Lời rao giảng của linh mục là những điều mà linh mục đã sống và đã cảm nhận. Khát vọng của giáo dân hôm nay là muốn linh mục nói cho họ về Chúa, ngoài ra không có gì thực sự cần thiết cho họ cả, họ biết hết cả rồi. Điều cần thiết đối với người giáo dân là : Linh mục đã sống với Chúa thế nào ? Đã kết hiệp với Chúa làm sao ? Đã cầu nguyện, đã chiêm niệm sâu xa đến độ nào ? Bởi vìâ tất cả những điều đó sẽ trở thành nguồn mạch để nuôi sống nâng đỡ của cuộc đời của họ. Những lý thuyết xa xôi, những bài văn sáo rỗng, những câu văn bóng bẩy, những bài giảng cao siêu được chăm chút cả tuần lễ, tất cả, nếu như không không thực sự chuyển thông được Lời Chúa qua chính con người cầu nguyện của vị linh mục thì cũng chỉ vô tai này qua tai khác mà thôi. Họ chẳng hiểu mô tê gì cả, vì họ đã "đồng ý" từ lâu rồi, Tệ hại hơn nữa có vị còn la mắng, dọa nạt, ngăm đe thì lại càng chứng tỏ rằng lòng linh mục cũng chẳng ổn, chỉ tổ làm khổ mình và khổ người khác thôi.



Khi còn là giáo dân, hay đã là chủng sinh tu sĩ, thì lời của mình còn hòa với lời kinh tiếng hát của cộng đoàn, nhưng khi là linh mục chủ sự các nghi lễ, cầu nguyện thay cho cộng đoàn, ngỏ lời với cộng đoàn, thì lời nói của linh mục có những ảnh hưởng lớn rộng. Vì thế, linh mục cần hiểu mình nói gì, biết mình đang nói với ai, có ý thực được như thế thì lời đọc mới có tâm tình, cái hồn của lời nguyện mới đụng chạm tới tâm tình của cộng đoàn và mới tạo nên được một bầu khí sốt sắng ca tụng, tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa.
Khi giao tiếp, nói chuyện này chuyện kia, trời trăng mây nước, kinh thế thời sự... Linh mục không thể kết thúc những câu chuyện ở đó mà còn phải biết gây cho người nghe cảm nhận được đâu là cốt lõi, đâu là hạnh phúc, đâu là bình an, đâu là lẽ sống, đâu là chân lý của cuộc đời. Thánh Augustinô nói : "Lạy Chúa, xin hãy cho con cái mà Chúa đòi con, và hãy đòi con cái mà Chúa muốn". Vâng, tất cả sứ vụ người linh mục lãnh nhận từ Chúa cuối cùng lại phải tìm thấy sức mạnh thực thi ở nơi Chúa mà thôi.

Thưa Anh Chị Em


Ngay sau giờ chia sẻ, tôi đã nghĩ rằng : không biết những điều mình chia sẻ có lý tưởng quá không, có "mơ" lắm không ? Có phải là ăn tục nói phét không ? Có khua môi múa mỏ không ? Nói thì bao giờ cũng dễ, còn sống được điều mình nói thì căng lắm.
Và thật bất ngờ. Ôi bất ngờ ! Chúa đã làm những chuyện con người chẳng ngờ một chút nào cả và con người vẫn phải giật mình vì những chuyện của Chúa. Có lẽ vì thế mà thánh nữ Têrêsa Avila nói rằng : "...Chúa ít bạn bè là vậy", Hồng Ân đã "rơi" vào tôi, khi mà tôi tưởng như chưa "tới số". Lúc này tôi nghĩ lại những lời chia sẻ của mình, giật mình vì những chuyện Chúa làm, tôi tự hỏi có phải mình dại mồm dại miệng không ? Tôi có sống được những điều mình nói không mà nói hăng thế ? Lên lớp thế ? Hay Chúa đã dùng mồm tôi để nói cho tôi chăng ?
Căng, căng thật, chẳng còn miệng lưỡi, chẳng còn mặt mũi nào mà biện hộ cho mình được nữa. Chỉ có một điều duy nhất, thưa Anh Chị Em, một điều duy nhất đó là phó thác, tin vào Tình Yêu của Chúa. Rồi Chúa sẽ làm điều Ngài muốn, Ngài đã khởi sự Ngài sẽ hoàn tất. Một điều tôi hằng xác tín là : có Chúa là có tất cả. Có Chúa thì sẽ làm được nhiều chuyện. Có Chúa sẽ có nghị lực, vì "có tình yêu sẽ không thấy mệt mỏi nữa" [thánh Augustino].



"CHỈ TRONG THIÊN CHÚA MÀ THÔI,
HỒN TÔI MỚI ĐƯỢC NGHỈ NGƠI YÊN HÀN"[Tv 61]


Tóm lại, xin Anh Chị Em cầu nguyện cho một kẻ "dại mồm" đã trót nói năng lăng nhăng về điều chính mình sẽ phải sống, phải giữ và phải thi hành.










nguồn: daminhvn.net