PDA

View Full Version : Bí tích truyền chức Thánh



AugustineTuanBao
06-07-2011, 01:56 AM
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH


1. Đâu là bản chất của bí tích Truyền chức thánh ?

Để hiểu bí tích Truyền chức thánh, cần phải đặt nó trong mối tương quan với bí tích Rửa tội. Nhờ bí tích Rửa tội, tất cả những ai chịu phép Rửa đều tham dự vào chức Tư tế của Chúa Kitô. Sự tham dự này được gọi là « chức tư tế chung của các tín hữu ». Quả thế, như thánh Phêro dạy, toàn thể Giáo Hội là một dân tư tế (1 Pr 2, 5.9).

Những ai lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh đều được thánh hiến để, nhân danh Chúa Kitô, trở nên những mục tử của Giáo Hội. Chức tư tế thừa tác khác với chức tư tế chung của các tín hữu, bởi vì nó trao ban một ấn tích, một sứ mệnh trong Giáo Hội và một quyền hạn để làm tròn sứ mệnh này. Các thừa tác viên chức thánh thực thi việc phuc vụ của mình bên cạnh Dân Thiên Chúa qua việc giảng dạy, phụng thờ Thiên Chúa và hướng dẫn mục vụ cộng đoàn.

Bí tích Truyền chức thánh có 3 cấp độ : chức phó tế, chức linh mục và chức giám mục.

2. Đâu là bản chất của chức linh mục (những gì cấu thành linh mục) ?

Việc hiểu chức linh mục đã tiến bộ với công đồng Vatican II. Trước Công đồng này, ý tưởng mà người ta có về chức linh mục đến từ giáo huấn của công đồng Trentô vào thế kỷ XVI. Công đồng Trentô, vì phải đương đầu với các sai lầm của Tin Lành, đã định nghĩa chức linh mục như là năng quyền cử hành Thánh Thể và tha thứ tội lỗi.

Công đồng Vatican II lấy lại giáo huấn này, nhưng đặt lại nó trong một viễn ảnh rộng lớn hơn bằng cách đặt nó trong tương quan với chức giám mục : chức linh mục là một tham dự vào chức giám mục và vào sứ mệnh giảng dạy, thánh hóa và cai trị của ngài. Do đó, linh mục cũng có sứ mệnh loan báo Lời Chúa, hướng dẫn dân Chúa. Quan niệm mới mẻ này có nhiều hệ quả đối với cách thực thi thừa tác vụ linh mục.

Nguồn : catholique-nanterre.cef.fr

AugustineTuanBao
06-07-2011, 01:57 AM
Tìm Hiểu về Bí Tích Truyền Chức Thánh
Mỗi năm Hội Thánh dành Chúa Nhật Thứ IV Mùa Phục Sinh để suy tôn Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành. Mặc dầu Chúa Giêsu đã về Trời, nhưng Người vẫn ở lại với chúng ta trong Hội Thánh, đặc biệt là qua các Bí Tích và giáo huấn của Hội Thánh. Để có người tiếp tục sứ mạng trần thế của Người, Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ và huấn luyện các Ngài cùng ủy nhiệm cho các Ngài thay mặt Người mà giảng dạy và cử hành các Bí Tích, đặc biệt là Mầu Nhiệm Thánh Thể, cùng điều khiển Hội Thánh. Đến lượt các Tông Đồ cũng chọn những người phụ tá và kế vị các Ngài để tiếp tục các thừa tác vụ mà Chúa Giêsu ủy thác. Các thừa tác vụ này được truyền lại cho đến tận thế qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, vì thế Bí Tích này được gọi là Bí Tích của thừa tác vụ Tông Đồ, gồm ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế (x. GLCG 1536).
I. Tại sao gọi là Bí Tích Truyền Chức? (x. GLCG 1537-1538)
Từ Ordo trong cổ thời Rôma, được dùng để chỉ những nhóm dân sự, nhất là nhóm lãnh đạo. Ordinatio chỉ việc được nhận vào nhóm đó. Trong Hội Thánh cũng có những nhóm. Việc gia nhập vào một nhóm này của Hội Thánh xưa kia thường được cử hành bằng một nghi thức gọi là Ordinatio, một hành vi tôn giáo và phụng vụ. Ngày nay, từ Ordinatio dành riêng cho việc cử hành Bí Tích gia nhập hàng giám mục, linh mục và phó tế. Ordinatio còn được gọi là thánh hiến, nghĩa là được Ðức Kitô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh.
II. Bí Tích Truyền Chức trong Chương Trình Cứu Ðộ
Chức Tư Tế trong Giao Ước Cũ - Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm vương quốc tư tế, và dân thánh. Trong đó, Ngài chọn chi tộc Lêvi để lo việc tế tự. Các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ được thánh hiến bằng một nghi thức đặc biệt. Tư tế được đặt lên để loan báo Lời Thiên Chúa, và để tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện. Chức tư tế của Aaron và việc phục vụ của các thầy Lêvi cũng như việc cắt đặt 70 bô lão, là những hình bóng của chức tư tế của Giao Ước Mới (x. GLCG 1539-1543).
Đức Kitô là Thượng Tế duy nhất- Tất cả tiên trưng về chức tư tế trong Cựu Ước được hoàn tất trong Ðức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Hy lễ cứu độ của Đức Kitô là hy lễ duy nhất, hoàn tất chỉ một lần mà thôi. Hy lễ này hiện diện trong hy lễ Thánh Thể của Hội Thánh. Cũng vậy, chức tư tế duy nhất của Đức Kitô hiện diện qua chức tư tế thừa tác mà không bị suy giảm tính duy nhất của chức tế của Người. Do đó, "chỉ mình Ðức Kitô là tư tế đích thực, những người khác chỉ là thừa tác viên của Người" (x. GLCG 1544-1545).
Hai cách tham dự vào chức tư tế duy nhất của Ðức Kitô - Ðức Kitô là thượng tế và trung gian duy nhất đã biến Hội Thánh thành "Vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha Người". Như thế, tất cả cộng đoàn tín hữu là tư tế cộng đồng. Chính qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, các tín hữu được "thánh hiến để trở nên... hàng tư tế thánh". Chức tư tế thừa tác của các giám mục và linh mục cũng như chức tư tế cộng đồng của các tín hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình và bổ túc cho nhau. Các tín hữu thi hành chức tư tế cộng đồng bằng cách phát triển đức Tin, đức Cậy, đức Mến, sống theo Thánh Thần. Còn chức tư tế thừa tác để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp phát triển ân sủng Bí Tích Thánh Tẩy của mọi Kitô hữu. Vì thế, chức tư tế này được chuyển giao qua Bí Tích riêng là Bí Tích Truyền ChứcThánh (x. GLCG 1546-1547).
Nhân danh vị Thủ Lãnh là Ðức Kitô - Trong việc phục vụ Hội Thánh của những người có chức thánh, chính Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh như Đầu của Nhiệm Thể, Chủ Chăn, Thượng Tế, và Thầy dạy Chân Lý. Các linh mục, nhất là giám mục, là người hành động thay Đức Kitô, làm cho Đức Kitô, Đầu Hội Thánh, trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu. Sự hiện diện này không có nghĩa là thừa tác viên ấy được giữ gìn khỏi sự yếu đuối, đầu óc thống trị, sai lầm và ngay cả tội lỗi. Quyền năng Chúa Thánh Thần không bảo đảm các hành vi của thừa tác viên, mà chỉ bào đảm hiệu quả của các Bí Tích người ấy thi hành mà thôi. Chức tư tế là để phục vụ, liên hệ đến Đức Kitô và con người, hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Kitô và chức tư tế duy nhất của Người, được thiết lập để mưu ích cho con người và cộng đồng Hội Thánh. Bí Tích Truyền Chức ban "quyền năng thánh", chính là quyền của Ðức Kitô. Nên phải sử dụng quyền bính theo gương Ðức Kitô là làm đầy tớ mọi người (x. GLCG 1548-1551).
... Nhân danh toàn thể Hội Thánh - Thừa tác vụ linh mục không những chỉ thay mặt Đức Kitô trước cộng đồng tín hữu, mà còn nhân danh toàn thể Hội Thánh mà dâng Thánh Lễ và cầu nguyện. "Nhân danh toàn thể Hội Thánh" không có nghĩa là các linh mục là đại biểu của cộng đồng. Kinh nguyện và lễ vật của Hội Thánh không thể tách rời khỏi Ðức Kitô, Đầu Hội Thánh. Ðây luôn là việc Ðức Kitô phụng thờ Chúa Cha được dâng lên trong và qua Hội Thánh. Cả Ðầu và các chi thể cùng cầu nguyện và dâng mình; những thừa tác viên đúng nghĩa trong Nhiệm Thể ấy, không chỉ là thừa tác viên của Ðức Kitô mà còn là thừa tác viên của Hội Thánh (x. GLCG 1552-1553).
III. Ba cấp bậc của Bí Tích Truyền Chức
Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là: giám mục, linh mục và phó tế. Hàng giám mục và hàng linh mục là thừa tác viên chức tư tế của Ðức Kitô. Còn hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các giám mục và linh mục. Cả ba đều được thụ phong bằng Bí Tích Truyền Chức Thánh (x. GLCG 1554).
Giám mục - sự trọn vẹn của Bí Tích Truyền Chức – Các giám mục lãnh nhận Bí Tích này cách trọn vẹn. Các ngài thay cho chính Đức Kitô để thánh hoá, giảng dạy và quản trị. Nhờ Chúa Thánh Thần mà các ngài đã lãnh nhận, các giám mục trở thành thầy dạy đức tin, thượng tế, mục tử thực thụ và chính thức. Một trong những cách diễn tả đặc tính và bản chất tập đoàn của hàng giám mục là từ xưa Hội Thánh muốn có nhiều giám mục cùng tấn phong một tân giám mục. Ðể tấn phong hợp pháp một giám mục, phải có ý kiến đặc biệt của giám mục Rôma, vì ngài là dây liên kết hữu hình cao nhất của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương trong một Hội Thánh duy nhất và bảo đảm cho các Giáo Hội được tự do. Mỗi giám mục có trách nhiệm mục vụ trong Giáo Hội địa phương được trao phó cho ngài, đồng thời ngài cũng phải cùng với các vị khác trong giám mục đoàn chăm lo cho toàn thể Hội Thánh (x. GLCG 1555-1561).
Linh mục - cộng sự viên của giám mục – Nhờ Bí Tích Truyền Chức, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Ðức Kitô, Thượng Tế, để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc các tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước. Các linh mục là những cộng sự viên của hàng giám mục. Các ngài thực thi thánh vụ của mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ. Các linh mục đại diện giám mục của họ trước mặt giáo dân, và hợp với giám mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tùy thuộc vào giám mục và hiệp thông với giám mục mà thôi (x. GLCG 1562-1568).
Phó tế để phục vụ - Các phó tế được đặt ra để phục vụ. Bí Tích Truyền Chức in trong họ một ấn tín vĩnh viễn làm cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Một trong các nhiệm vụ phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là Thánh Lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái. Chức phó tế vĩnh viễn có thể được ban cho người nam đã lập gia đình, đã góp phần quan trọng giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng (x. GLCG 1569-1571).
IV. Cử Hành Bí Tích Truyền Chức (x. GLCG 1572-1574)
Nên cử hành lễ truyền chức một cách long trọng vào ngày Chúa Nhật tại nhà thờ Chánh Toà. Nghi thức truyền chức giám mục, linh mục và phó tế đều diễn tiến như nhau và được cử hành trong Thánh Lễ. Nghi thức chính yếu của Bí Tích Truyền Chức cho cả ba cấp bậc là giám mục đặt tay trên đầu người được thụ phong, cùng với lời nguyện truyền chức xin Thiên Chúa ban cho người được thụ phong đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần và những ân sủng đặc biệt để chu toàn thừa tác vụ sắp lãnh nhận. Nghi lễ truyền chức cũng có những nghi thức phụ diễn đạt nhiều khía cạnh của ân sủng Bí Tích. Trong nghi lễ Latinh, có những nghi thức khai mạc, xác nhận ứng viên được tuyển chọn đúng theo tập tục của Hội Thánh, và chuẩn bị cho nghi thức truyền chức. Sau nghi thức truyền chức, còn có những nghi thức biểu trưng dùng để diễn tả và hoàn tất mầu nhiệm vừa cử hành.
V. Thừa tác viên Bí Tích Truyền Chức (x. GLCG 1575-1576)
Chính Ðức Kitô đã tuyển chọn và cho các Tông Đồ tham dự vào sứ mạng và quyền bính của Người. Người tiếp tục hoạt động như thế qua các giám mục. Vì Bí Tích Truyền Chức là Bí Tích ban thừa tác vụ Tông Đồ, nên chỉ các giám mục, với tư cách là những người kế nhiệm các Tông Đồ có quyền ban Bí Tích này.
VI. Ai được lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức? (x. GLCG 1577-1580)
Chỉ đàn ông đã chịu phép rửa tội mới được lãnh Bí Tích Truyền Chức. Chúa Giêsu đã tuyển chọn đàn ông để lập nhóm Mười Hai Tông Ðồ, và các Tông Đồ cũng làm như vậy khi tuyển chọn các cộng sự viên để tiếp nối sứ mạng của mình. Hội Thánh bị ràng buộc với sự chọn lựa của Chúa, nên không thể truyền chức cho phụ nữ.
Không ai có quyền đòi được chịu chức thánh. Không ai được coi mình là xứng đáng với chức vụ này. Phải được Chúa kêu gọi. Trong Giáo Hội Latinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân "vì Nước Trời". Trong các Giáo Hội Ðông Phương, thì chỉ các giám mục được tuyển chọn trong những người độc thân; còn linh mục và phó tế có thể được tuyển chọn trong những người đã lập gia đình. Ở Ðông Phương cũng như Tây Phương, người đã nhận chức thánh không được phép lập gia đình nữa.
VII. Hiệu quả của Bí Tích Truyền Chức
Ấn tín vĩnh viễn - Nhờ chức thánh, các ngài có thể hành động như đại diện cho Ðức Kitô, Ðầu Hội Thánh, trong ba nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vua. Như trường hợp Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, việc tham dự vào chức vụ của Ðức Kitô nhờ Bí Tích Truyền Chức chỉ được lãnh nhận một lần ở mỗi cấp. Bí Tích này cũng in một ấn tín thiêng liêng vĩnh viễn nên không thể lãnh nhận nhiều lần hay tạm thời được. Người lãnh nhận chức thánh thành sự, vì lý do hệ trọng, có thể được miễn các bổn phận và chức vụ gắn liền với chức thánh hay bị cấm thi hành chức vụ, nhưng không thể trở thành giáo dân vì ấn tín Bí Tích Truyền Chức không thể xoá bỏ được. Vì chính Ðức Kitô hành động và thực hiện ơn Cứu Ðộ qua thừa tác viên có chức thánh, nên dù vị này bất xứng, cũng không ngăn cản được Người hành động. “Thừa tác viên kiêu căng sẽ bị liệt vào hàng ma quỷ. Hồng Ân Ðức Kitô không vì thế mà bị ô nhiễm.” (T. Augustinô) (x. GLCG 1581-1584).
Ơn Chúa Thánh Thần - Ơn riêng Chúa Thánh Thần được ban trong Bí Tích này làm cho người lãnh nhận vừa nên giống, vừa nên thừa tác viên của Ðức Kitô là Thượng Tế, Thầy Dạy và Mục Tử. Giám mục lãnh nhận trước hết là ơn sức mạnh để ngài can đảm và khôn ngoan bảo vệ và hướng dẫn Hội Thánh. Ơn này thúc đẩy ngài loan báo Tin Mừng cho mọi người, trở nên mẫu mực cho đoàn chiên, đi tiên phong trên đường thánh thiện bằng cách kết hợp với Ðức Kitô Tư Tế và Hiến Lễ trong Bí Tích Thánh Thể, dám hiến mạng sống vì đoàn chiên. Linh mục được ơn Chúa Thánh Thần để cử hành các Bí Tích và loan báo Tin Mừng Nước Chúa. Các phó tế được ân sủng để hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn, chăm sóc dân Thiên Chúa, với vai trò phục vu trong Phụng Vụ, trong việc rao giảng và bác ái (x. GLCG 1585-1588).

Kết Luận
Tuy Chức Linh Mục là Chức Thánh cao trọng, nhưng thi hành thì thừa tác vụ Linh Mục một cách trung thành là theo gương Ðức Kitô “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20:28; Mk 10:45). Nhiệm vụ chính của các Linh Mục là xây dựng đền thờ Chúa Thánh Thần trong lòng mỗi con chiên của mình. Tiếc rằng có nhiều vị chủ chăn đang đặt nặng vấn đề danh tiếng, xây dựng cơ sở đồ sộ, và những hình thức đạo đức bề ngoài, mà lơ là những nhiệm vụ chính là giáo huấn và ban phát ơn thánh qua các Bí Tích. Ðôi khi vì quá được tôn trọng mà một số Linh Mục trở nên kiêu căng, trịch thượng và coi thường giáo dân. Cám dỗ lớn nhất của các Linh Mục là tội kiêu ngạo. Giáo dân Việt Nam nhiều khi vì quá tôn trọng các Linh Mục mà làm “hư” các ngài. Các Linh Mục không phải là thần thánh mà cũng là người như chúng ta nên các ngài cũng sai lỗi như mọi người. Tuy nhiên cũng có rất nhiều Linh Mục gương mẫu và thánh thiện, đáng cho chúng ta gọi là ‘Cha” dù còn ít tuổi.
Là những tín hữu trưởng thành, chúng ta có bổn phận thương yêu, nâng đỡ và cầu nguyện các Linh Mục, nhất là khi thấy các ngài sa vào những lỗi lầm đáng tiếc. Có lẽ không một Linh Mục nào lại tự ái khi chúng ta đến với các ngài bằng một tình bác ái chân thành, và góp ý xây dựng cho các ngài. Nhưng nếu vì lỗi của các ngài mà chúng ta bất mãn, nói hành, nói xấu, viết thư nặc danh và nhất là viết báo để bôi lọ các ngài thì chúng ta chỉ tạo thêm dịp cho các ngài thêm kiêu căng và cố chấp.
Tóm lại, một Linh Mục khiêm nhường sẽ không tự ái khi bị giáo dân sửa sai, nhưng mau mắn xét mình mà sửa đổi. Một giáo hữu khiêm nhường sẽ biết hạ mình xuống trước các Linh Mục dù nhỏ tuổi hay thiếu kiến thức hơn mình để lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa từ tay các ngài. Hống hách là do ma quỷ mà đến. Chống đối cũng là do kiêu ngạo mà ra. Mà Thiên Chúa ghét kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho những ai khiêm nhường (x. 1 Phr 5:5; cũng xem Isa 13:11; Mal 4:11; Gia 4:16).

Lạy Chúa, xin ban cho các Linh Mục của Chúa ơn khiêm nhường để các ngài nhận ra rằng nhiệm vụ của các ngài là phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Xin cũng ban cho tất cả chúng con ơn khôn ngoan và khiêm nhường để biết dùng tài năng Chúa ban mà xây dựng Hội Thánh Chúa, chứ không phải để phô trương, mưu cầu tư lợi, hay để chống đối nhau và chống báng Hội Thánh Chúa. Amen

Phaolô Phạm Xuân Khôi