PDA

View Full Version : CẦU NGUYỆN TRONG GIÁO LÝ



AugustineTuanBao
06-07-2011, 02:01 AM
CẦU NGUYỆN TRONG GIÁO LÝ
I. MỤC ĐÍCH:
Như đã trình bày từ các bài trước, mục đích cuối cùng của việc dạy Giáo Lý là giúp các em gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Do đó, cầu nguyện có một vai trò hết sức quan trọng trong một buổi Giáo Lý. Có thể nói, cả buổi Giáo Lý phải là một cuộc gặp gỡ Chúa. Chính những phần cầu nguyện ở đầu, ở giữa và ở cuối buổi Giáo Lý giúp các em đi vào cuộc hạnh ngộ tuyệt vời này. Tuy nhiên, mỗi phần cầu nguyện đều có ý hướng và nội dung khác nhau, thích ứng với trình tự của một buổi học Giáo Lý.
II. NỘI DUNG:
Trước khi đi vào ý hướng và nội dung từng phần, thiết tưởng cũng nên nhắc lại những điều kiện thiết yếu cho việc cầu nguyện. Đó là:
1. Khát vọng gặp Chúa:
Chính Giáo Lý Viên là người trước hết khao khát gặp gỡ Chúa, xin Chúa soi dẫn để mình biết trình bày sứ điệp của Chúa đến cho các em. Kế đó, Giáo Lý Viên truyền lan nỗi khao khát được gặp Chúa sang cho tất cả các em, để về phía các em, các em cũng khao khát xin Chúa mở trí mở lòng để đón nhận nội dung Giáo Lý mà các em sắp học, đang học và vừa học xong.
Điều này thể hiện cả ở việc làm dấu Thánh Giá, ở tư thế lúc cầu nguyện. Hãy thường xuyên nhắc cho các em hiểu ý nghĩa của việc làm dấu, của cử chỉ cúi mình bái lạy. Không nên làm dấu quều quào như... đuổi ruồi, chưa làm dấu kết thúc đã vội làm ngay, nói ngay sang chuyện khác. Giáo Lý Viên phải giúp các em cầu nguyện với cả con người, nghĩa là với tất cả trí nhớ, trí tưởng tượng, tâm hồn và thể xác. Nên dùng những lời và những cử chỉ đơn sơ mộc mạc chân thành.
2. Thời gian gặp Chúa:
Những giây phút cầu nguyện ngay trong buổi học Giáo Lý phải là khoảng thời gian dành trọn cho Chúa, Những giây phút cầu nguyện ngay trong buổi học Giáo Lý phải là khoảng thời gian dành trọn cho Chúa, được Giáo Lý Viên chuẩn bị chu đáo, diễn ra một cách trang trọng, chứ không làm cho có, làm theo thói quen. Cầu nguyện đừng quá ngắn ngủn cộc lốc, gây cảm tưởng là sợ phí giờ. Cũng đừng quá lê thê, tạo ra tâm lý ngán ngẩm hoặc ngột ngạt. Điều này sẽ âm thầm huấn luyện rất hiệu quả cho các em biết cần phải thường xuyên cầu nguyện với Chúa không chỉ trong lớp mà vào mọi nơi mọi lúc trong ngày sống của các em, đặc biệt là trước khi đi ngủ và vừa khi thức dậy, khi vừa lãnh nhận một Bí Tích và trước khi ăn cơm.
Cũng cần nhớ rằng: cầu nguyện không phải là đọc kinh liên tục kéo dài, hết kinh này đến kinh khác một cách máy móc. Mỗi kinh nếu được sử dụng đều là những lời cầu nguyện đã được Giáo Hội cô đọng sâu xa ( Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin-Cậy-Mến, Kinh cầu Chúa Thánh Thần, Kinh Cúi Xin Chúa sáng soi... )
3. Lắng nghe tiếng Chúa:
Tâm lý chung của đám đông là sợ sự thinh lặng. Hễ cứ thấy im lặng hơi lâu một chút là sốt ruột, thấy cần phải hát, phải làm một cái gì đó ngay.
Đã muốn lắng nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tâm hồn hay được cất lên khi công bố Lời Chúa, rõ ràng là cần phải biết thinh lặng. Trong giây phút cầu nguyện, Giáo Lý Viên phải dành những khoảnh khắc thinh lặng hoàn toàn, không nên nói liên tục đến mức lải nhải dông dài, cầu xin kể lể đủ thứ chuyện mà không có trọng tâm ý chính.
Cần nhớ là một lời cầu nguyện thường có ý cảm tạ, ngợi khen, xin lỗi hoặc xin ơn tùy nội dung bài Giáo Lý gợi ra.
Cũng nên tập cho các em khi dâng lời nguyện tự phát thì cần nói chậm, to, dõng dạc, rõ ý để cộng đoàn mới có thể hiệp thông với ý nguyện được. Khi kết thúc một lời nguyện, nên thinh lặng một chút rồi thêm câu: "Xin Chúa nhậm lời chúng con..."
Sau những lời nguyện tự phát của các em, Giáo Lý Viên nên đợi tất cả lắng lại một lúc rồi mới dâng lời tổng nguyện kết thúc. Sau đó có thể hát một bài thánh ca phù hợp với nội dung vừa cầu nguyện.
III. CÁC PHẦN CẦU NGUYỆN:
1. Cầu nguyện đầu giờ:
Phút cầu nguyện đầu giờ có mục đích giúp các em đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa trong buổi Giáo Lý, bằng cách đặt các em trước sự hiện diện của Chúa. "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" ( Mt 18, 20 ).
Hãy giúp các em nhớ lại Lời Chúa mời gọi: "Cứ để trẻ em đến với Thầy..." ( Mc 10, 14 ). Hãy để các em nhận ra một buổi học Giáo Lý chính là thời gian đến với Chúa để học cùng Chúa: "Hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường..." ( Mt 11, 29 )
2. Cầu nguyện giữa giờ:
Phút cầu nguyện giữa giờ chính là đỉnh cao của buổi học Giáo Lý, vì sau khi nghe công bố và giải thích Lời Chúa, sau khi đã tiếp nhận lời mời gọi của Chúa với cả tâm tình, các em hẳn có nhiều điều muốn nói với Chúa, muốn đi vào cuộc đối thoại trang nghiêm mà thân tình với Chúa.
Như thế, cuộc gặp gỡ giữa các em với Chúa đã được chuẩn bị qua việc công bố và giải thích Lời Chúa, và sẽ được tiếp nối trong phần sinh hoạt tiếp theo sau đó. Nội dung của phút cầu nguyện này là ý chính và tâm tình của bài Giáo Lý.
3. Cầu nguyện cuối giờ:
Phút cầu nguyện cuối giờ sẽ giúp các em trình bày với Chúa quyết tâm sống những gì đã học. Nếu như phút cầu nguyện đầu giờ giúp các em từ cuộc sống bước vào cuộc gặp gỡ với Chúa, thì phút cầu nguyện cuối giờ hướng các em đến một cuộc gặp gỡ khác với Chúa ngay trong đời thường. Nhờ đó, toàn bộ cuộc sống các em sẽ là lời cầu nguyện liên lỉ.
IV. KẾT LUẬN:
Cầu nguyện trong Giáo Lý giúp các em nội tâm hóa những giáo huấn của Lời Chúa, chuyển sứ điệp thành hành động cụ thể. Như thế, cầu nguyện gắn Giáo Lý với Phụng Vụ và cuộc sống.
Hãy cẩn thận, đừng để rơi vào một cung cách cầu nguyện mà Đức Giê-su đã nhắc nhở: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi..." ( Mt 7, 21 )

Trích từ Nổi Lửa Cho Đời 3 của Cha Giuse Lê Quang Uy
Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (http://www.trungtammucvudcct.com/web/home.php)