PDA

View Full Version : Đêm hợp xướng "Trường Ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria"



Caohuong
06-07-2011, 04:18 AM
ĐÊM HỢP XƯỚNG

“TRƯỜNG CA THÁNH NỮ ĐỒNG TRINH MARIA”



http://www.truyenthongconggiao.org/Portals/Hinh_chung/2011/HX.jpg

Tôi muốn gọi đêm nay, 4-7, tại Hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn, TTMV TGP. Sài Gòn, là “Đêm Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, hơn là “Đêm Biểu Diễn Hợp Xướng Trường Ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”. Ước muốn ấy không vì câu chữ dài dòng hay ngắn gọn, không vì đêm nay nhằm một lễ kính Mẹ Maria của lịch phụng vụ, không vì Mẹ Maria đang hiện ra, càng không phải vì đêm hợp bích vuông tròn đôi uyên ương Thơ Nhạc, nhưng là vì tôi tin chân dung cực thánh, cực tinh, cực sạch của “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” đang bao trùm cả một hội trường có đến hơn 700 con người yêu mến Mẹ với cõi lòng khát khao nên tinh tuyền sáng láng.

Đêm của những con người Việt Nam yêu mến Mẹ hiệp nhau nên một tâm nguyện trong bản hợp xướng “Trường Ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, thơ Hàn Mạc Tử, Nhạc Gs. Ns. Phạm Đức Huyến và Ns. Vũ Đình Ân.

Từ hàng ghế đầu tiên, chúng tôi có thể nhìn thấy nụ cười duyên dáng của Đức GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Sài Gòn; niềm vui hạnh ngộ của Đức GM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GM. GP. Thái Bình, người vẫn “xin cho tôi các linh hồn”; khuôn mặt rạng rỡ của Đức GM Giuse Vũ Văn Thiên, GM. GP. Hải Phòng; và những ánh mắt thân tình của quý Lm. Ns. Roco Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Uỷ ban Thánh nhạc Toàn quốc (UBTNTQ); Lm. NsGioan Nguyễn Văn Minh, cựu TTK UBTNTQ trước năm 1975; Lm. Ns. Mi Trầm, nguyên TTK BTN TQ; cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, PGĐ TTMV, quý linh mục trong và ngoài TGP, Sài Gòn; Lm. Nhạc Sĩ Vương Diệu và Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh; Ban Thánh nhạc các Giáo phận; đông đảo các nam tu các dòng; các Nhạc sĩ Công giáo, và các Nhạc sĩ, Nghệ sĩ không Công giáo; học viên các Khoá Ca trưởng tại Việt Nam, Mỹ và Đan Mạch; các ca trưởng, ca viên các ca đoàn, và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Tất cả đang lắng lòng chờ đợi, cho âm thanh thánh đức ngập tràn, hay đúng hơn, cho hào quang sáng láng của “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” rợp bóng.

19g45, Nhà Thơ, Nhà Biên khảo Lê Đình Bảng, cũng là người dẫn chương trình đêm nay, mở lời chào và giới thiệu long trọng quý Đức Cha, quý cha, quý khách, đồng thời, ông cũng đã chuyển tấm lòng và lời chúc mừng của quý Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, nguyên CT UBTNTQ, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBTNTQ, Cha Kim Long. Phó Chủ tịch UBTNTQ đến hai tác giả phổ thơ, đến Ban Tổ chức và mọi người.

Sau đó, ông giới thiệu về con người Nhà Thơ Hàn Mạc Tử và Tập Thơ “Xuân Như Ý”, cách riêng, bài thơ “Ave Maria” mà “đa phần các văn bản lại tự đặt cho nó một cái tên khác là “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”!

Bài thơ bất hủ này lần đầu tiên được in và trân trọng giới thiệu trên báo chí vào năm 1939: “Một bài thơ nhuốm đầy màu sắc đạo hạnh, rất hào hoa rung động, một bài thơ sáng láng, nóng hổi những tình cảm tràn trề của một tâm hồn đau thương khao khát Thiên Đàng” (Tạp chí Trong Khuê Phòng số 96, trang 9, ngày 20.5.1939) Còn nhà viết văn học sử Vũ Ngọc Phan thì khẳng định HMT là “người Việt Nam cangợi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria bằng thơ trước nhất, với một giọng rất chân thành. Thơ tôn giáo ra đời với HMT và lần đầu tiên thi ca Việt Nam được một nguồn hứng mới” (“Nhà Văn Hiện Đại”, Q.3, trang 332) (Lê Đình Bảng, Bài giới thiệu).

Vâng, có thể nói: “Ave Maria”, bài thơ xuất thần của Hàn Mạc Tử, đã chạm tới Thiên Chúa từ nỗi khát khao trong đau thương cùng cực, đã chạm đến nguồn thánh thiện như tơ vàng trọng thể của Đức Nữ Đồng Trinh, để mặc lấy cho ngôn ngữ thi ca một trang phục khải huyền mà vừa chân thực tự cõi lòng thơ vút lên, lại vừa thánh thiện tinh tuyền lộng lẫy từ trời cao phủ xuống.

Bài thơ Ave Maria đã làm rúng động một thế hệ văn học Việt Nam và cuốn hút bao tâm hồn say thơ say mến Mẹ, không kể là lương hay giáo. Bài thơ có cái Hương Thần Khí vừa dịu dàng vừa mãnh liệt để vừa dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lại cũng vừa giới thiệu Mẹ Đồng Trinh cho cả và thiên hạ mến yêu cung chúc.

Nhà Biên Khảo, MC Lê Đình Bảng còn cho biết bài thơ đã được nhiều Nhạc Sĩ phổ nhạc và đã được biểu diễn nhiều lần, nhưng cho tới nay, “trường ca Ave Maria của Hải Linh vẫn cứ là kiệt tác mẫu mực và bất cô cầu bại” (xin xem thêm bài Giới Thiệu của Nhà Biên khảo Lê Đình Bảng tiếp ngay sau bài này).

Nhận xét “bất cô cầu bại” quả là chí lý, vì “Trường Ca Ave Maria” của Hải Linh và phần biểu diễn Hợp Xướng của Ca Đoàn Hồn Nước tại nhà hát Thống Nhất Sài gòn từ năm 1957, vẫn còn vang vọng trong tâm hồn mọi người, nhất là nơi những ca trưởng, ca viên đã từng thuộc lòng từ mỗi phân đoạn, mỗi ca từ, từ dòng nhạc, đến cả cách diễn cảm tới mức say mến, ngất trí như tác giả khi viết bài thơ bất tử này.

Người Công giáo có thể hãnh diện vì loại hình Hợp Xướng trong Thánh ca Công giáo dẫn đến sự đạt đỉnh siêu phàm của một kết hợp, một giao duyên đất trời cách nhiệm lạ.

Hơn thế nữa, nếu một ca khúc phổ thơ với một giai điệu đơn thuần để bất kỳ một ai đó có thể tiến dâng lời ca ngợi lên Thiên Chúa, hay sẻ chia nỗi niềm cách riêng lẻ, cách lặng thầm kín đáo, và đôi khi cũng lạc loài bơ vơ, thì bản Hợp Xướng Phổ Thơ phải là một hài hòa của muôn tầng âm thanh vũ trụ, phải là một kết hợp toàn bích của những tâm hồn, phải được thể hiện với một tính hiệp nhất toàn vẹn và nhất là, Hợp xướng Công giáo, phải hòa cùng âm thanh siêu phàm cực thánh của Thiên Quốc chỉ nghe được bằng đức tin vững chắc và đức mến nồng nàn.

Cũng bài thơ “Ave Maria” bất hủ ấy, được Gs. Ns Phạm Đức Huyến và Ns. Vũ Đình Ân cưu mang gần 5 năm trời và hình thành Bản Hợp xướng “Trường ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, mà hôm nay chính thức ra mắt. Hẳn là, không vì trình bày một vốn học về âm nhạc, hay vì để làm phai mờ đi dấu ấn tuyệt vời “Ave Maria” của cố Ns. Hải Linh, nhưng thiết tưởng vì sự thôi thúc của Thánh Thần mãnh liệt tự bên trong để: bảo lưu, kế thừa và phát triển kho tàng hợp xướng của Thánh ca Việt Nam. Vì thế, nét mới trong “Trường ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” có thể nói là ơn Chúa Thánh Thần, và như một bức hoạ âm thanh trong xã hội âm nhạc mới, cách nào đó, biểu lộ lòng mến của ngàn năm thứ ba giữa nhiều thăng trầm hơn, nhiều thách đố hơn, nhiều uẩn khúc hơn.

Vào chương trình, Gs. Ns. Phạm Đức Huyến và Ns. Vũ Đình Ân thay nhau điều khiển dàn hợp xướng gồm 30 nhạc công phối hợp của Nhạc viện Sài Gòn và Đài Truyền hình Thành phố, với 14 loại nhạc cụ như piano, flute, clarinet, trumpet, trombone, timpani, cymbal, tambore, triangolo, violon, viola, cello, contrebass, cùng hoà tấu với dàn hợp xướng 4 bè, gồm 120 ca viên đến từ ca đoàn Thiên Thanh (Giáo xứ Vườn Xoài, hạt Tân Định), Cecilia (Giáo xứ Thạch Đà, hạt Xóm Mới), Thánh Linh (Giáo xứ Tân Thành, hạt Tân Sơn Nhì), ca đoàn Giáo xứ Phú Bình (hạt Phú Thọ)... kết hợp với học viên các lớp ca trưởng của Thầy Huyến năm 1, năm 2 và năm 3 tại Dòng Chúa Cứu Thế (38 Kỳ Đồng, Q.3) và hai ca sĩ lĩnh xướng: Trần Ngọc và Tâm Linh.

10 phân đoạn được trình bày. Mỗi phân đoạn một tâm tình, một xúc cảm, một đê mê ngây ngất rất riêng trong một điểm chung là Yêu Mến Ca Tụng Mẹ Đồng Trinh Maria cực thánh, cực linh, cực tinh tuyền vẹn sạch.

Cái thú vị tuyệt vời của Bài Hợp Xướng là khán giả không còn quá chú tâm đến cách đánh nhịp của ca trưởng, nhưng chính cách thể hiện hiệp nhất của một “khối băng trinh”: ca trưởng, dàn nhạc, ca viên, lĩnh xướng, âm thanh…làm cho mỗi người tham dự được hòa mình vào trong một không gian ắp tràn âm thanh thánh đức huyền diệu, như chính mình đang thốt lên lời ca tụng tự đáy lòng sâu thẳm. Thiết tưởng, đó chính là sự thành công của những Bài Hợp xướng, và cụ thể là Bài Hợp xướng “Trường Ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” đêm nay.

Bài Hợp Xướng “Trường ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” đã chấm dứt trong tiếng vỗ tay chúc mừng nồng nhiệt. Và cũng chính lúc này đây, mọi người mới thực sự trầm lắng tâm tư để nghe “đêm Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” đang mở ra trong cõi lòng mình. Chính Đức Maria Tinh Tuyền Thánh Vẹn sẽ đưa người vào giấc ngủ thánh thiện đêm nay, với lời ca tụng, tôn vinh và tri ân cảm tạ.


“Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi”.


Xin Tạ Ơn Chúa vì Người đã sinh ra Hàn Mạc Tử trong cuộc đời, Người đã nhận chìm thi sĩ tài hoa trong biển máu lệ cuộc đời, để chính trong đau thương cùng cực nhất, thi sĩ của Chúa đã được chạm vào các dấu đinh, vào vết đòng của Chúa Giêsu, mà phát tiết bao ngôn ngữ thi ca huyền bí, thần nhiệm nhờ lòng sốt sắng mến yêu đến ngây ngất Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ của Chúa Giêsu tử nạn, Mẹ của Hàn Mạc Tử khốn cùng.

Xin Tạ ơn Chúa vì Người đã chọn trong chúng con những tâm hồn sốt sắng mến yêu Mẹ Maria, những con người ngày đêm âm thầm phục vụ Chúa qua lời ca tiếng hát, để chắt lọc từ những phút ngất ngây thành bài ca dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tôn vinh, bài ca tán dương Mẹ Thiên Chúa, “Mẹ Sầu Bi” đáng yêu chuộng vô ngần.

Xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Gs. Ns. Phạm Đức Huyến và Ns. Vũ Đình Ân.

Sài Gòn, đêm 4-7-2011

PM. Cao Huy Hoàng