PDA

View Full Version : THẰNG CHẤM PHẨY



littlewave
25-09-2007, 10:27 PM
THẰNG CHẤM PHẨY

Thằng chấm phẩy. Thấy không động tĩnh gì người đó lập lại câu trên to hơn. Nói xong ngài cười khoái chí như vừa phát minh được câu nói khôn ngoan hợp ý. Hai ba đứa con cưng của ngài đang hí hóay gì đó ở bàn kế bên ngưng bút nhìn ra sân. Thấy vẻ mặt mất hồn của người tàn tật ngơ ngác chúng bụm miệng cười khúc khích.

Vị đó gọi đứa nhỏ tàn tật là ‘thằng chấm phẩy’ vì khi đi một chân chấm đất; chân kia phẩy tới phẩy lui trông giống hệt một dấu chấm phẩy.

Đứa nhỏ ngoài hành lang nghe tiếng gọi nhưng không nghĩ là có người gọi nó, tuy nhiên vì có tiếng gọi nên nó ngừng bước ngơ ngác ngó quanh chưa biết phản ứng ra sao. Bình thường nó chửi vung xích chó đứa nào dám gọi nó một cách mách qué như thế. Hôm nay nó phản ứng chậm vì không nghĩ người điên nào gọi nó, cái tên xa lạ chưa từng nghe và tiếng gọi phát ra từ đâu đó chưa định hướng được.

Người gọi là một bậc vị vọng trong dân, sau tràng cười thỏa mãn, biết mình hớ miệng, xúc phạm đến người tàn tật. Vị đó vội rời bàn ra nói với nó."Vào đây tao cho quà."

Thằng nhỏ ngơ ngác như không tin vào tai mình. Đời nào vị này lại cho nó quà. Nó trợn mắt ốc ngó thẳng vào mặt người đó; vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt; không biết phản ứng ra sao. Vị kia nói lại dõng dạc theo lệnh kẻ cả. "Mày muốn quà thì vào đây."

Rồi như không để cho đứa nhỏ quyết định, nắm cánh tay nó lôi đi, miệng lập lại câu "Vào đây, vào đây thằng què."

Đã không muốn vào lại nghe thêm hai chữ ‘thằng què’ khiến đôi chân nó khựng lại, tê cứng không muốn lê theo sức kéo của vị kia. Nhận thấy thái độ bất mãn của nó, vị kia trừng mắt nhìn nó từ đầu đến chân, tay vẫn nắm chặt cánh tay như sợ nó chạy mất. Lần thứ hai vị đó tỏ ra hối hận nhưng không xin lỗi, thở dài buông hai tiếng ‘tội nghiệp’ rồi ra lệnh cho nó đứng đó, chờ.

Đứa nhỏ được gói quà trong tay nhưng mặt nó còn tái mét, tay chân run rẩy. Nó run vì sợ, giận bị gọi là ‘thằng chấm phẩy’ vì thái độ hống hách của người có quyền thế đối xử bất công với nó. Trong đầu nó lởn vởn một lô những câu rủa thậm tệ quanh đi quẩn lại, hiện đến rồi biến đi rồi lại hiện đến. Nó cắn răng ráng nhịn không dám cho ra vì biết nếu hở miệng thế nào cũng lãnh đủ. Kẹp gói quà bên hông quay đi không thèm cám ơn. Đôi nạng gỗ nhảy đều trên nền hành lang tạo ra những tiếng lóc cóc khô khan.

Người vị vọng có tiếng là khó và dữ dằn ai cũng muốn tránh xa, không muốn đến gần. Khi ngài vui thì không sao, khi ngài không được như ý thì khốn nạn kẻ nào quanh quẩn đâu đó, gần đấy sẽ được ngài xả cơn giận lên thân thể bằng cơn mưa roi. Vết bầm đóng chốt trên người cả tháng mới mờ nhạt đi.

Đứa nhỏ buộc đi ngang cửa văn phòng vì đó là lối ngắn nhất trên đường đi nhà vệ sinh. Hơn nữa lại là hành lang xi măng, khô ráo sau cơn mưa nên nó chọn lối đó. Bây giờ nó hối hận vì cái tội lười đi lòng vòng. Cha mẹ vẫn la mắng con cái là đi lòng vòng hư thân mất nết, nhưng trong trường hợp này đi lòng vòng là khôn. Đi ngang về tắt không tích sự gì còn mang vạ vào thân, như trường hợp của nó đây.

Câu chuyện trên lọt ra ngoài vì mấy thằng con cưng của vị đó thích thú kể lại cho đám bạn nghe. Cái tên thằng què nó ghét cay ghét đắng, nay cái tên mới còn tệ hơn ngàn lần. Về nhà nước mắt cứ ứa ra không sao ngăn được, cứ nghĩ đến cái tên mới nó lại khóc, khóc thương chính mình, tội nghiệp chính mình. Nó nhịn ăn liên tiếp hai ngày vẫn không thấy đói. Cha mẹ lo sốt vó không biết nó bệnh gì, hỏi không nói, gọi không thưa, chỉ thấy nó trùm chăn kín mít mặc dầu trời bên ngoài nắng gắt.

Chỉ một ngày sau tất cả đám trẻ con trong xóm ai cũng biết nó có tên mới 'Thằng Chấm Phẩy'.

Cha mẹ nó nghe trẻ trong xóm kháo với nhau cái tên mới, gặn hỏi mãi nó khai nhưng khi nghe tên người vị vọng kia ban cho tên mới hai ông bà đành thở dài. Bực quá ông ra sau hè hét, văng một tràng dài, liên hoàn những câu tục tĩu, rồi vào nhà nốc một hơi cạn sạch ấm nước chè nguội cho hả cơn giận.

Cái tên độc ác mỗi lần nghe thấy là nó nổi khùng lên. Nó càng nổi khùng đám trẻ càng thích, càng chọc ghẹo càng cười vui. Nhiều đứa không tàn tật khi thấy nó cũng làm bộ què bắt chước đi kiểu chấm phẩy.

Có lần cả hội trường lớn nhỏ cười ngất ngưởng vì đám trẻ đóng kịch kì cuối năm, vui và náo động nhất là chúng bước ra sân khấu cùng nghiêng ngả bước đi kiểu chấm phẩy. Mọi người cười rũ rượi, trong khi đó gia đình nó trơ như đá, muốn độn thổ cũng không xong. Tức chết đi được khi các thầy chấm điểm giải nhất cho vở kịch lố bịch kia. Cả một xã hội khinh thường người tàn tật như thế thì phản ứng sao lại đám đông quần chúng.

Trước đây nó mang mặc cảm thằng què, cái tên mới khơi lên trong nó một mặc cảm thua thiệt, mặc cảm tàn tật, sống nhờ vào lòng bác ái của kẻ thương nó. Nhà nó nghèo nhưng không thiếu ăn. Cha mẹ thương con và thương nó đặc biệt hơn vì nó tàn tật. Tình thuơng của cha mẹ không đủ mạnh đánh tan cái mặc cảm què quặt. Những trêu chọc của lũ bạn tinh ranh xảy ra hàng ngày khiến nó hận trời, ghét đời và thù người nào động chạm đến đôi chân què. Nó cần tình thương của hàng xóm, nhất là của lũ bạn. Thương tránh nhắc đến cái mặc cảm què quặt. Tránh gọi nó là thằng què, thằng chấm phẩy. Gọi nó là gì cũng được miễn là đừng nhắc đến mặc cảm tàn tật.

Từ khi có tên mới nó tránh gặp người khác, lớn bé đều tránh. Nó muốn cha mẹ dọn nhà đi sống nơi khác, tránh cái tên khốn khổ kia. Cha mẹ nó buồn lắm, khổ tâm, muốn đi nơi khác tránh cái què của con. Cả xã hội như thế, suy đi nghĩ lại dọn đến xóm nào cũng có người khinh kẻ tàn tật. Hơn nữa cái nghèo cầm chân gia đình nó. Dời nhà tốn kém, liệu nơi xa lạ miệng đời để yên hay xóm mới đặt cho một tên mới nữa thì khốn.


******************
Một ngày kia nó may mắn gặp một người chuyên trồng cây bonsai. Người này có nhiều kinh nghiệm bonsai và hiện đang giữ chức vụ phó giám đốc công viên hoàng gia tiểu bang Tây Úc. Cả gia đình ghiền bonsai, biết nhiều, hiểu rộng kĩ thuật trồng tỉa bonsai.

Nhìn những cây bonsai đang được uốn nắn trong vườn hình ảnh đập vào mắt là những thân bonsai chằng chịt giây nhợ cuốn quanh như một bệnh nhân trong phòng cấp cứu. Cành bè ra vì sức nặng trĩu xuống của cục đá to tướng vặn càmh theo ý chủ. Ngoài cục đá và giây nhợ cành còn phải uốn cong do cọng giây đồng bó sát. Lá bị vặt gần hết, thân trầu trụa. Cành này nhựa chảy khô quánh bầm đen, cành kia nhựa tươi đang rỉ. Dấu tích của xén tỉa. Vài cây rễ bật ngược phơi trần trụi, phần còn lại ôm quanh hòn đá. Dưới đất là những cành héo, rễ khô, lá úa để lại trong ta hình ảnh pha trộn giữa khát sống và chết yểu. Người ta khoan vào thân cây, đục chỗ nọ, chém chỗ kia, xén đám lá này, tỉa cành nọ. Để có vết thẹo u ra vừa mắt người ta lựa cành mạnh khỏe cắt ngang cho cây mọc lớp vỏ che vết cắt thành vết thẹo để đời.

Nhận thấy giữa bonsai và người có những điểm giống nhau. Tình trạng què quặt của của đôi chân, cánh tay khẳng khiu, người mắt chột, kẻ lưng gù, người lùn tủn. Tất cả những hình ảnh đó rất gần với thân hình khác thường, cong queo, khúc khủyu, chém, xẻ, đắp vá của những thân bonsai nó nhìn thấy. Người ta khen cây này đẹp, cây kia đẹp hơn, cây nọ đẹp nhất. Càng nhiều thương tật, vết u, vết thẹo, càng được nhiều người để ý, mê tít.

Lắng nghe lời khen chê, bình phẩm nó nhận ra chân lí mới, sức sống mới làm thay đổi quan niệm sống, đổi đời nó. Lời khen bonsai không dành riêng cho bonsai mà chủ đích nhắm đến người uốn, nặn và nuôi sống bonsai. Soi gương nó nhận ra nó là BONSAI NGƯỜI TRONG TAY THƯỢNG ĐẾ.

Nó kết luận người ta khen, chê không phải khen chê nó mà chính là khen, chê Đấng Dựng nên nó. Từ đó ai gọi là thằng què, cà thọt, chấm phẩy nó nói ngay: XIN ĐỪNG CHÊ TÔI NHƯNG HÃY CHÊ ĐẤNG DỰNG NÊN TÔI.

Đúng vậy, không ai muốn què, muốn câm, muốn điếc, trời dựng nên như vậy nên ai chê là chê trời, không phải chê người. Trời có thấu không chứ nó thì thấu đến tận xương tủy, đau khổ đến tột cùng, chán nản đến tuyệt vọng và bực tức đến điên khùng. Những người tàn tật vì chiến tranh còn hãnh diện hi sinh cho đất nước, dân tộc, còn người nhớ đến cám ơn. Tàn tật tai nạn nghề nghiệp còn lí do chính đáng giải thích. Tàn tật từ bẩm sinh không lí do giải thích nên cả nhà đau khổ. Người ta chê trách cha mẹ nó ăn ở thất đức nên sanh con tàn tật. Tội của nó hay của cha mẹ nó (Gioan 9,3). Môn đệ hỏi và Chúa trả lời. Không phải tội nó cũng chẳng phải của cha mẹ nó nhưng để cho vinh quang Chúa hơn.

An ủi, hãnh diện, đau khổ trong nước mắt. Cha mẹ vô tội trong cái què quặt, tật nguyền của con cái. Chúa nói rõ thế mà vẫn còn những người công giáo xỉ nhục cha mẹ, kết án cha mẹ ăn ở thất đức sinh con tàn tật. Hiểu biết điều đó để tự an ủi, mỗi khi ai nhắc đến cái què nó nhớ đến câu trên. Ngày này qua tháng nọ cái giác ngộ và chấp nhận đến làm vơi đi nỗi khổ dằn vặt bao năm qua. Từ ngày chấp nhận tật nguyền. Đời vui hơn.

Khi có ai tỏ ý khinh thường hay trêu chọc nó nhỏ nhẹ đáp: XIN ĐỪNG CHÊ TÔI NHƯNG HÃY CHÊ ĐẤNG DỰNG NÊN TÔI.

Dường như thuốc trị bá bệnh. Nhờ giọng nói ấm, nhỏ nhẹ, chậm chạp như rót vào tai làm cho người nghe thấm thía, giật mình thót lên. Cha mẹ nhiều đứa trẻ trước đây chê nó nghe câu trên họ tỉnh ngộ, khinh chê coi thường người tàn tật bớt hẳn. Họ không dám chê Đấng dựng nên người tàn tật vì đâu ai muốn khổ và rồi ngăn con, đe cháu cấm chúng khinh chê, coi thường người tàn tật. Nhận thức đứng đắn trên đóng một vai trò quan trọng trong việc đối xử với nhau.

Chỉ một câu nói đơn giản thay đổi cuộc sống mà nó không nhận ra. Bây giờ hết mặc cảm tàn tật. Yêu đời hơn, sống thảnh thơi hơn, vẻ mặt tươi tỉnh hơn, nhìn đời tích cực hơn và trở nên thân thiện hơn với nhiều đứa trước đây nó ghét cay đắng. Chính nó cũng nhận ra một lỗ hổng lớn trong đời. Giả như nó không khinh chê bạn đồng lứa có lẽ đời nó bớt khổ nhưng vì cay đắng với người nên người bắt nó gặt bão; ghét đời nên đời xử tệ lại; thù người nên người bất thân; trốn chạy thực tế nên sống trong ảo tưởng.

CON NGƯỜI BẤT TOÀN

Thân thiện với đám bạn bè nó khám phá ra hầu như đứa nào không ít thì nhiều cũng có những mặc cảm riêng, âm thầm đau khổ dấu đám bạn vì sợ chúng mang ra làm trò đùa diễu cợt trên đau khổ riêng. Có đứa mặc cảm mắt to. Đứa khác suốt đời buồn đôi chân mập ú, ngắn ngủn như đòn bánh tét. Đứa khác cay đắng mũi cánh buồm bèn bẹt. Đứa khác mặc cảm thấp bé, nhỏ con; trái lại có đứa mặc cảm cao nghệu, khổ sở khi mua sắm áo quần, giầy dép. Những câu diễu cợt như mặt em ‘xâu sắc’; mắt em ‘mơ huyền’. Rồi thì hàm răng đi trước, đôi môi lả lướt theo sau chòng ghẹo, khích bác người có hàm răng nạo dừa.

BẤT TOÀN VỀ TRÍ TUỆ

Thân thể đã thế, trí tuệ cũng có những mặc cảm riêng của nó. Có đứa hậu đậu từ lúc sanh đến lúc sinh thì. Có đứa nhớ toàn điều mách chòi, mách qué. Nhìn học bạ thấy rặt điểm nhí thì ra điểm lớn để dành xuất khẩu. Âu cũng do bộ óc thông minh dưới trung bình. Thằng kia học chữ A hôm trước, hôm sau thầy hỏi nó không nhận ra còn thắc mắc sao chữ A mới từ qua đến nay mà sao nó lớn mau thế. Hôm qua viết ở tập thì nó nhỏ; hôm nay viết trên bảng thì nó to. Vẫn thắc mắc tại sao viết bảng chữ A lại to hơn viết ở tập.

BẤT TOÀN VỀ TÂM LÍ

Về phương diện tâm lí số người lớn nhỏ mắc bệnh trầm cảm không phải là ít. Họ cũng khổ sở ngày đêm vì tâm bệnh mà họ không bao giờ nghiệm ra chỉ đau khổ vì nghĩ người khác ghét, thù mình. Nhìn đâu cũng thấy con mắt người dòm trộn, ngó lén. Đi đâu cũng nghe thấy thiên hạ nói về mình dù đó chỉ là tiếng nói trong đầu lúc nào cũng lởn vơn khiêu khích. Sống trong lo sợ, đau khổ triền miên.

BẤT TOÀN VỀ XÃ HỘI

Về phương diện xã hội thì vô số trường hợp con cái hận cha mẹ vì bị bỏ rơi. Số khác buồn vì cha mẹ quyết định học gì, làm gì cho tương lại. Số khác nữa sợ gặp mặt cha vì ông nghiện ngập, bài bạc, rượu chè. Sợ gặp mẹ vì phải nghe tin đồn, tin dị đoan, bói toán. Thằng kia là con nuôi vì theo lời thầy nó cầm tinh sao quả tạ không cho đi sau này phá tan gia bại sản. Số khác mẹ trẻ con bồng con trẻ, cả hai nheo nhóc, không lo nổi cho mẹ nói chi đến lo cho con nên người.

Gẫm cho kĩ mấy ai thoát mặc cảm trên đời. Ngoài ra còn bệnh tật rình rập trước ngõ sẵn sàng nhảy vào đánh chiếm bất cứ tuổi nào. Cụ kia mới qua đời vì bướu não. Chị nọ đi mổ vì bướu cổ, anh kia cần cổ lắc lẻo vì bướu thần kinh. Chú nọ tay chân lẩy bẩy vì chứng Parkinson. Dì này lưng còng vì trẹo trật sống. Đó là chưa kể trăm loại tật trong người mà khi sanh ra đã có sẵn. Ai tránh khỏi tình trạng bonsai, chất bonsai tiềm ẩn sẵn sàng phát tác thay hình, đổi dạng, chuyển tâm đổi tính con người. Những khám phá trên cho thấy nó may mắn hơn nhiều người. Ngoài đôi chân không vừa ý, người nó khỏe mạnh, tâm tính nó bình thường, trí óc nó minh mẫn, cha mẹ nó thương nó. Không biết dâng lời tạ ơn Đấng dựng nên còn than thân trách phận, hận Đấng dựng nên. Nó tự tin, hãnh diện không còn mặc cảm đôi chân què. Đời nó thay đổi, sống trong tâm tình tạ ơn.

BẤT TOÀN CÓ MỤC ĐÍCH

Có lẽ Thượng đế tạo dựng con người bất toàn vì Ngài có mục đích riêng. Một trong những mục đích đó là nhắc nhớ con người bất toàn. Xét mình để biết người. Không thể bắt anh em hoàn thiện trong khi chính mình không hoàn thiện. Vì bất toàn nên phải chấp nhận bất toàn của nhau. Chấp nhận rõ ràng và thành thật nhất là chấp nhận tha thứ. Tôi bỏ qua chuyện này vì chính tôi cũng lầm lẫn. Tôi học từ cái sai, cái lỗi để trở nên tốt hơn. Học hỏi để tiến trên đàng nhân đức, thánh thiện. Như thế bất toàn không còn là một cực hình đau khổ mà là cơ hội phấn đấu tiến đến tình trạng toàn thiện, tốt lành trên đường lữ hành trần gian. Sàng suy nó càng thích câu châm ngôn 'Cười người hôm trước hôm sau người cười' diễn tả trọn vẹn cái bất toàn nơi mỗi người.

ĐAU KHỔ ĐỂ ĐẸP HƠN

Người ta khen cái đẹp của bonsai nhưng mấy ai thấu hiểu trước khi được khen bonsai đã trải qua muôn vàn uốn nắn, đau khổ, đói khát, rồi mới tỏa ra cái đẹp hợp mắt. Điều không thể chối cãi được là loài thảo mộc rất khát sống. Nơi nào có điều kiện sống sót là nó cố sức vươn lên, thích hợp với hoàn cảnh để tồn tại. Trái lại, đứng trước hoàn cảnh khó khăn con người thường lưỡng lự, do dự, ngại ngùng và tìm cách tránh né. Có trường hợp ý chí sống mất đi, không thiết tha gì với cuộc sống.

NÓ PHẢI NHỎ ĐI

Bonsai thân già vẫn toát ra một sức sống mãnh liệt. Cành lá tươi mát đầy nhựa sống, bông hoa xinh xắn mời gọi khách ngắm hoa. Tự bản chất bonsai là những cây cổ thụ sống trăm năm, thân dài dăm bảy chục trượng, cành lá xum xuê rợp góc rừng, rễ sâu hút nước tận lòng đất. Giống cổ thụ đó nay sống trong điều kiện trong chậu cho phép, thân nó cao dăm bảy tấc, cành vươn dài vài gang tay; lá nó ít đi, teo lại thích ứng với sức mạnh của cành. Để thích hợp với hòan cảnh cành phụ tự chết đi; hoa teo lại cân xứng với hoàn cảnh sống thu gọn chậu, bình. Dù nhỏ, dù bé hoa lá vẫn tỏa ra một sức sống, vẫn tươi mát, giữ nguyên vẹn hương, sắc, màu, thu hút cả người lẫn ong bướm, côn trùng.

NGÔN NGỮ THẢO MỘC

Bonsai gặp điều kiện khó khăn nó tự hủy diệt những gì thuộc xa xỉ phẩm, chỉ giữ lại bản chất tốt lành như lời mời gọi lòng yêu chuộng khách ngắm hoa. Ngôn ngữ thảo mộc rất đơn giản. Người ta vặt sạch lá để những cành trơ trụi bonsai biết người trồng nó muốn xem hoa. Mọi nỗ lực sống dồn vào việc đơm bông. Khi ngắt hết lá nó tạo ra những cánh hoa tuyệt vời khiến ngay cả kẻ vô tình cũng không thể làm ngơ khi đi ngang. Sau đợt đâm bông đến lớp lá non đâm chồi; nếu chủ tiếp tục vặt lá bonsai đọc biết ý chủ là muốn lá nhỏ. Các lá non mọc tiếp theo sẽ nhỏ hơn lớp lá trước. Cứ thế cho đến khi chủ hài lòng. Thảo mộc đáp ứng điều kiện người nuôi, không sống kỉ cho chính nó nhưng sống theo ý người vun trồng. Con người được mời gọi sống theo ý Chúa nhưng đại đa số viện lí này, lẽ nọ để bênh vực ý riêng và sống theo ý riêng. Trong điều kiện khó khăn con người lại đâm ra chán nản, bê bối và ngay cả trách Trời, chê Đấng Tạo dựng nên họ. Những ý nghĩ trên là chất độc làm tê liệt tinh thần khát sống, vươn lên trong ta. Trái lại những ai nuôi dưỡng tư tưởng lạc quan đều bật lên bình an nội tâm. Sức mạnh nội tâm giúp vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để sống còn và sống bình an ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Vì thế có những tù nhân tuyên bố con tim họ vẫn rong chơi, tâm vẫn tịnh, tinh thần vẫn phấn chấn, niềm tin vẫn rực sáng. Được như thế vì đời sống nội tâm cao không ảnh hưởng bởi điều kiện sống và hoàn cảnh.

Thiếu phân, thiếu nước cũng là dấu hiệu cho biết bonsai phải thích ứng với hoàn cảnh mới để sống còn, dù thiếu ăn uống, thân lá hoa cành nhỏ lại nhưng vẫn không kém vẻ tươi mát bởi vì bản tính tự nhiên của loài thảo mộc là khát sống. Con người cũng có khả năng thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng trong con người có chứa hận thù, cay đắng, và ngay cả lừa dối người cùng cảnh ngộ.

Con người trăn trở và ngán ngẫm khi điều kiện sống trở nên khắc nghiệt. Điều này làm cho cuộc sống trở nên khó hơn. Từ đó ý chí sống còn chết dần mòn. Suy nghĩ lí luận của con người giúp ta khát sống hay làm ta chán sống tùy vào quan niệm sống trong đời.

CHIÊM NIỆM TÌM SỰ THẬT

Con người thành công trên nhiều lãnh vực nhưng ít người nhận ra vẻ đẹp của người tàn tật. Những ai nhận ra đã lao mình vào giúp người tàn tật. Họ tìm được nguồn vui khi phục vụ. Đại đa số không nhìn ra cái đẹp tiềm ẩn của người tàn tật nên khi gặp người tàn tật họ cố ý làm ngơ hay trốn chạy. Cái đẹp của người tật nguyền không phơi bày ra bên ngoài như loài thảo mộc mà tiềm ẩn trong tâm hồn, trong lối sống, cách xử thế. Muốn tìm hiểu phải đến gần, phải tìm kiến. Cái đẹp của thảo mộc là cái đẹp bề ngoài, mau tàn lụi, điều kiện hóa bởi thời tiết, thời gian. Cái đẹp nội tâm bền lâu, không bị điều kiện hóa bởi khí trời. Đẹp nội tâm phảng phất trong lối sống. Cần tìm kiếm để nhận biết cái đẹp tiềm ẩn nơi con người tàn tật. Rõ nét nhất là nơi họ có sức sống mãnh liệt. Trong thân gầy, què quặt có tâm hồn trong sáng, niềm tin và rộng lượng thứ tha. Mỗi cây bonsai có vẻ đẹp riêng, tương tự như thế mỗi người, lành hay tàn tật đều có vẻ đẹp riêng. Cần để tâm khám phá mới hưởng được cái đẹp tiềm ẩn.

Nhìn chung người ta công nhận cái tài nơi người tàn tật qua câu có tật có tài. Nhìn như thế phiếm diện và nhỏ hẹp. Chỉ những ai có đời sống nội tâm cao mới nhìn thấy cái đẹp nội tâm; những ai thích hào nhoáng xã hội sẽ khó nhìn thấy cái đẹp nội tâm nấp sau một thân hình dị kì gây nên bởi tật nguyền.

Để biết cái đẹp của người cần đến với họ trong tâm tình yêu mến. Đến với họ vì thấy họ tội nghiệp chỉ là phản ứng nhất thời của lòng thương xót. Bước được bước đầu sao ngại ngùng đi bước thứ hai, thứ ba. Chỉ sau hai ba bước mới bắt đầu cảm nghiệm thấy cái đẹp nội tâm. Lòng thương xót rất dể biến ta thành người ban ơn và người kia là kẻ thọ ơn.

Đến với người khác như kẻ ban ơn là đến với tấm lòng bố thí. Làm việc bác ái, bố thí giúp người nghèo, tàn tật là nhân đức tốt lành, hợp lẽ đạo, đáng khích lệ và tuyên dương. Ban ơn bố thí không giúp ta nhìn ra cái đẹp nội tâm nơi người thọ ơn. Bố thí đạt kết quả cao quý nhất khi cho với lòng yêu mến, không phải thương hại, tội nghiêp mà là yêu mến. Đẹp thay tình yêu vì tình yêu giúp nhận ra cái hay, cái đẹp nơi người khác. Cho vì yêu là cho một cách trọn lành nhất.

Không phải khách bàng quang mới cần tìm kiếm cái đẹp của người tàn tật mà chính người tật nguyền tự tìm hiểu cái đẹp nội tâm để trân trọng vì đó là lẽ sống. Họ sẽ không còn là nạn nhân một khi họ tìm ra giá trị cao quý đó. Bao lâu còn tự kỉ ám thị với tật nguyền bấy lâu còn đau khổ, chưa biết giá trị chính mình.

TRÁNH BÁM RỄ SÂU

Rễ cây lan vòng quanh đáy chậu. Cứ vài ba năm được xén tỉa một lần, thay đất làm lại cuộc đời với những rễ mới, non khỏe. Đời sống của bonsai hoàn toàn lệ thuộc vào người trông nom nó. Cây bonsai không bao giờ bám rễ sâu trong chậu. Con người thích bám rễ sâu chủ động đời mình. Cậy vào trí khôn, tiền của, xa lìa Thiên Chúa tin vào sức mạnh vật chất, tiền tài. Dụ ngôn người xây thêm kho chứa của bàn đến vấn đề này (Lc 12,19). Câu hỏi nếu đêm nay Ta đòi linh hồn ngươi thì của cải ngươi để cho ai. Mỗi người tự tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Tìm được câu trả lời khôn ngoan chính là tỉnh thức.

Dùng của cải làm bảo chứng cho niềm tin, khi của cải tiêu tan niềm tin biến mất.

Bám rễ sâu vào của cải, chức quyền nên khi mất của là hụt hẫng. Mất chức quyền gắn liền với bất mãn, trở nên kêu ngạo hay bi quan yếm thế. Bám rễ sâu vào vật chất, của cải, tiền tài và danh vọng là những liều thuốc đưa đẩy con người đến kêu ngạo. Một khi niềm tin đặt căn bản trên vật chất mạnh thì niềm tin siêu nhiên trở nên yếu. Yếu siêu nhiên sóng gió cuộc đời xô tới xô lui con người bật gốc rễ té nhào.

VIÊN SỎI DƯỚI GÓT CHÂN

Đất trồng bonsai là đất tốt có pha thêm sỏi giúp tránh đọng nước và có nhiều không khí trong đất giúp bonsai thở và thải không khí dễ dàng. Người ta sợ viên sỏi dưới gót chân vì nó đau thốn khi đi lại. Cuộc sống con người cũng cần sỏi đá giúp thoát đi những vũng nước đọng trong tâm. Vũng nước đọng có rêu xanh đóng. Nước đóng rêu xanh là nước ao tù, dơ bẩn, độc hại. Môi trường thích hợp cho muỗi sanh nở. Cuộc đời cần có làn khí mới vì khí trong sáng mang sức sống, canh tân và biến đổi, làm cho con người tốt hơn, thánh thiện hơn.

ĐEO ĐÁ

Cành bonsai thường bị các cục đá nặng trĩu kéo rũ xuống bằng những sợi giây thừng hay ngay cả cọng chì uốn chặt. Mục đích là uốn nắn cành cây theo ý chủ. Sức nặng cộng thêm thời gian khiến cành cây uốn theo ý người tạo dựng nên bonsai. Con người cũng đeo đá nhưng đeo những cục đá kim cương, hạt càng lớn càng nhìn cao, càng hãnh diện vểnh mặt lên với đời. Con người cũng đeo giây xích, không phải xích sắt mà xích vàng đỏ chói, quanh vòng cổ, vòng tay, đôi khi cả cổ chân tỏ lộ mức độ giầu, trưởng giả của lớp cao cấp. Vẻ đẹp bề ngoài cần thiết và phải có. Vẻ đẹp đó tăng lên bội phần khi vẻ đẹp bề ngoài đi chung với vẻ đẹp trong tâm hồn. Để trở nên con người đẹp theo đường lối Chúa, con người cần đeo vào mình giới luật yêu thương, tự đóng khung trong luật bác ái, giới hạn lối sống buông thả, tiết chế lời ăn, tiếng nói. Uốn nắn đời sống tâm linh bằng Lời Chúa, tôi luyện sống thực hành giới răn Chúa và đóng khung trong các nhân đức.

(Kỉ niệm chuyến đi Tây Úc nhân ngày khánh thành 25 năm thành lập Cộng Đoàn Công Giáo Tây Úc)

Lm Vũ Đình Tường(vietcatholic)