PDA

View Full Version : Hành trình đức tin Công giáo của Thống đốc Bobby Jindal



littlewave
31-07-2008, 10:30 PM
Hành trình đức tin Công giáo của Thống đốc Bobby Jindal
VietCatholic News (Thứ Năm 31/07/2008 11:16)

New Orleans (The Deacons Bench ) – Ông Bobby Jindal được nêu tên trên bản danh sách rút gọn của những người có thể được Thương nghị sĩ John McCain chọn đứng chung liên danh ra ứng cử. Và lúc này đây thống đốc bang Louisiana đang được giới truyền thông tìm hiểu tỉ mỉ.



http://vietcatholic.net/pics/200px-Bobby_Jindalphoto.jpg




Tờ Wall Street Journal mới đây đã dõi theo con đường tìm đến đức tin của ông:


Năm 1988, cậu bé Piyush Jindal 16 tuổi, chỉ còn mấy tuần lễ nữa là tốt nghiệp trường trung học Baton Rouge, đã làm tan tành chiếc xe mới tinh của cha trong một tai nạn xe. Piyush – vào thời gian đó và lúc này đây ưa thích cái tên gọi thân mật “Bobby” cậu lấy từ show truyền hình “The Brady Brunch" – đã phải đối phó với cha mẹ không phải chỉ vì tai hại gây ra cho chiếc xe mà thôi.

Ông Jindal, hiện đang làm thống đốc bang Louisiana, hồi tưởng lại câu hỏi mẹ mình đặt ra sau khi ông thoát chết trong tai nạn xe hơi đó. Bà tên Raj, một người theo Ấn giáo ngoan đạo, hỏi ông: “Mày phải cảm ơn vị Chúa nào đã cứu mày thoát chết vậy?”

Đối với một đứa trẻ, con của người di dân đến từ Punjabi (Ấn độ), mới cho biết mình theo Kitô giáo mùa hè năm trước, câu hỏi đó thật khó trả lời.

Hai mưới năm sau, ông Jindal, một người cải đạo theo Công giáo, được nêu tên trong danh sách những người đứng đầu bảng có thể được John McCain chọn làm ứng viên phó tổng thống trong liên danh của đảng Cộng hòa.

Ấn giáo là một tôn giáo đa dạng, có nhiều hệ phái. Từ văn phòng tại Baton Rouge mới đây ông Jindal nói rằng cha mẹ đã nuôi dậy ông “trong một gia đình theo độc thần giáo, với niềm tin vững chắc vào một đấng Thượng Đế nơi tôn giáo mang những giá trị truyền thống – cùng loại như những giá trị các bạn thấy trong Mười Giới Răn hoặc các tôn giáo theo dòng chính khác.” Ông nhớ lại quan niệm của cha mẹ cho rằng tôn giáo của họ “không phải là một niềm tin ràng buộc chặt chẽ vào kinh sách cổ truyền đặc biệt hay một sự mặc khải nào” mà cha mẹ ông “tự tạo lấy đức tin riêng của họ.”

Thật họa hiếm mới có người Ấn giáo cải đạo theo Kitô giáo hoặc tôn giáo nào khác. Theo một bản thăm dò của Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống Công cộng mới phổ biến hồi đầu năm nay, cứ 10 người Mỹ gốc Ấn được nuôi dậy theo Ấn giáo từ nhỏ thì 8 người vẫn giữ niềm tin đó khi trưởng thành.

Nhắc lại chuyện cải đạo của mình, ông Jindal nói đó là một “cuộc hành trình dựa rất nhiều trên tri thức. Tôi đã không có được một hiện tượng hiển linh ngay sau một đêm ngủ như nhiều người khác”, mà ông đã phải nghiên cứu bao nhiêu sách vở về tôn giáo. “Xét theo nguồn cội và cá tính của tôi, thì đó là một phần quan trọng trong tiến trình.” Tuy nhiên, ông cho biết: “Tôi không nghĩ là bạn có thể chính mình cứ việc “đọc” rồi tin theo được. Tôi đã phải đi tới chỗ biết lịch sử đã nói gì về con người tên là Giêsu này, về những gì Người đã thực hiện trên mặt đất… Tôi nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó bạn phải “nhảy bổ” vào đức tin.”

Ông cho biết khi còn trong lớp tuổi thiếu niên, lúc đi kiếm một tôn giáo để tin theo, ông đã tìm đến các vị tuyên úy tại Trường Đại học Bang Louisiana gần nơi cư ngụ. Năm 1987, tại nguyện đường trong khuôn viên Đại học này, giữa buổi trình diễn âm nhạc nhân mùa Phục sinh của một nhóm thanh niên, khi nghỉ giải lao người ta cho chiếu cuốn phim đen trắng về cuộc tử nạn của Chúa. Ông nói: “Tôi không biết tại sao lúc đó tôi bị đánh động thật mạnh mẽ.”

“Cuốn phim đặc biệt đó không có gì làm say mê cả… Nhưng coi cách diễn xuất của một diễn viên đóng vai Đức Giêsu trên thập giá, tôi bị đánh động, mạnh mẽ hơn từ trước đó nhiều. Nếu đấy thực là con của Thiên Chúa, và Người thực sự chết cho tôi, thì tôi cảm thấy bắt buộc phải quỳ gối xuống thờ kính Người.”

Ông nói về giây phút đó: “Thật là một thời điểm giải thoát. Từ trước kia cho đến lúc ấy, cuộc sống cầu nguyện của tôi chỉ như đứa bé trò chuyện với ông già Noel – trả giá với Chúa khi nói: con sẽ ngoan ngoãn, nhưng để bù lại con muốn có cái này, cái kia.”

Những ngày sau đó, ông bắt đầu cầu nguyện và sốt sắng đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các dụ ngôn trong Tân Ước. Ông nói: “Cứ như các từ ngữ nhẩy ra khỏi trang sách vậy. Thực tưởng chừng những trang sách đó được viết ra cho riêng tôi.”

Phụng Nghi