PDA

View Full Version : SỐ TU SĨ TUYÊN KHẤN ĐÔNG KỶ LỤC CHO THẤY HỘI DÒNG PHÁT TRIỂN SAU GIAI ĐOẠN HỒI SINH



nu_angel
07-08-2011, 05:13 PM
HUẾ, Việt Nam – Sau ngày giải phóng 1975, một dòng nam tu bản địa chuyên trách về giáo dục ở miền trung Việt Nam tưởng chừng như đi vào ngõ cụt vì mất hết trường và hầu như không còn ơn gọi, nhưng một thánh lễ khấn dòng gần đây với số tu sĩ tuyên khấn đông kỷ lục cho thấy sự phát triển trở lại sau giai đoạn hồi sinh.




Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng phụ tá Giám mục của Huế đã chủ sự Thánh lễ khấn dòng hôm 29-7 tại nhà thờ Bến Ngự cho 16 tu sĩ khấn lần đầu và 4 tu sĩ khấn trọn đời trong Dòng Thánh Tâm. Đồng tế với Đức cha phụ tá có cha Bề trên Tổng quyền Antôn Huỳnh Đầy, cha Giám đốc Đại chủng viện Alphongsô Nguyễn Hữu Long và gần 70 linh mục. Cộng đoàn tham dự bao gồm quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân và ân nhân của các khấn sinh, quý khách của dòng và cộng đoàn giáo xứ. Nhà thờ không còn chỗ nào trống, người ta phải chấp nhận ngồi ghế phụ tại các hành lang xung quanh và bên trên nhà thờ để tham dự Thánh lễ kéo dài hơn 2 tiếng.
Đức cha chủ tế nói trong Thánh lễ rằng: “Xin chia vui với Dòng vì đã có một vụ mùa bội thu ơn gọi thánh hiến”. Ngài cám ơn cha mẹ của các tu sĩ đến từ Huế và các giáo phận khác trong cả nước vì “đã quảng đại dâng con mình để phục vụ Chúa và Giáo Hội”.


Vị Giám chức 71 tuổi nói thêm rằng: “Đời sống thánh hiến là một ân huệ nhưng không, một món quà tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho Giáo Hội. Nhưng Ngài còn chờ đợi nơi những con người được chọn, một tâm hồn thiện chí, quảng đại, một sự cộng tác tích cực để làm cho bộ mặt của Giáo Hội thêm tươi trẻ và năng động, nhờ sự dấn thân theo sát Đức Kitô bằng cách tự nguyện tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục”.


Trong bài huấn từ, cho các khấn sinh trước khi bước vào giai đoạn mới và cũng là huấn từ cho Dòng đang trong thời kỳ canh tân, thích nghi và phát triển, Đức cha nói: “Chúng ta đừng quá lo sợ những gì sẽ xảy đến trong tương lai, vì tương lai không ở trong tầm tay của chúng ta, tương là là của Chúa. Chúng ta chỉ biết sống trong phó thác và hy vọng. Nhưng ít ra chúng ta an tâm vì hiện tại của chúng ta đang ở trong tình yêu và an bình của Thiên Chúa”.


Thánh lễ diễn ra cách sốt sắng và trang nghiêm với từng nghi thức tuyên khấn lần đầu của 16 thầy và tuyên khấn trọn đời của 4 thầy. Cảm động trong không gian thánh thiêng khi các khấn sinh nằm sấp nghe ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh chưa đủ, cả cộng đoàn càng xúc động hơn khi từng khấn sinh tiến lên, quỳ gối, nắm chặt đôi tay vị Bề Trên Tổng Quyền và tuyên khấn trọn đời trong nước mắt và nghẹn ngào. Khóc vì niềm vui của cá nhân, niềm vui của Dòng, nhất là vì ơn Chúa xuống “như mưa như mưa” mặc kệ cho đời con bất xứng.


Cuối Thánh lễ, khi vị chủ tế và cộng đoàn an tòa thì mọi thành viên thuộc Dòng Thánh Tâm đứng, trong khi cha Bề Trên đại diện Dòng bày tỏ tâm tình biết ơn đối với Đức Tổng giám mục Stêphanô và Đức cha Phụ tá Phanxicô Xaviê vì đã rất ưu ái và quan tâm đến từng bước đi của Dòng, tạo mọi điều kiện cho Dòng hồi sinh và phát triển. Cha Bề Trên cũng cám ơn Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện Huế đã dày công đào tạo nhiều thế hệ tu sĩ trong Dòng trở thành Linh mục Thánh Tâm, đặc biệt với sự hiện diện của Cha Tân Giám đốc Anphong Nguyễn Hữu Long, người vừa giúp giảng tĩnh tâm 8 ngày cho các khấn sinh tại Trung tâm Mục vụ Huế.
Dòng cũng không quên cám ơn Quý Cha trong và ngoài Giáo phận, Quý Bề trên, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Thân nhân và Ân nhân, Quý Khách và mọi thành phần không chỉ vì hiện diện trong ngày lễ khấn Dòng hôm nay, mà Quý Vị đã, đang và sẽ còn đồng hành với anh em Thánh Tâm trong sứ vụ của mình giữa lòng Giáo Hội và xã hội.


Sau Thánh lễ, nói chuyện với vị thầy kỳ cựu Phương Pháp Học, Cha Gioan Hoan Nguyễn Hữu Vịnh, niên trưởng Dòng Thánh Tâm, nói rằng: “Lễ khấn Dòng năm nay thiết lập kỷ lục số người tuyên khấn lần đầu”. Ngài cho biết kể từ khi thành lập Dòng năm 1925, mỗi dịp lễ khấn chỉ có 6 hay 7 người tuyên khấn lần đầu sau khi đã mãn 1 hoặc 2 năm ở Tập viện, có những năm có từ 1 đến 3 người khấn, thậm chí không có lễ khấn vì Tập viện không có Tập sinh.


Cha Vịnh 88 tuổi, giải thích rằng những bạn trẻ đến từ các Giáo xứ trong Giáo phận thích đi tu làm cha hơn là làm thầy Dòng, trong khi đó Dòng của ngài trước năm 1975 lại đào tạo nên các tu sĩ làm thầy giáo dạy học theo chương trình của nhà nước trong các trường của Giáo Hội. “Thời đó tuy không nhiều nhưng mỗi năm vẫn có một số người có thiện chí đến nhà Dòng xin tu. Những năm gần đây rất nhiều người trẻ tới xin vào Dòng, đến nỗi chúng tôi không đủ chỗ để cho họ ở”.


Cha Vịnh, cựu Bề trên, kể lại giai đoạn từ 1970-1975 là những năm chiến tranh đẫm máu diễn ra tại Huế và miền Nam. Dòng của ngài có nhiều tu sĩ bị giết chết hoặc mất tích, nhiều cơ sở vật chất bị phá huỷ và phải di dời. Từ sau năm 1975, các tu sĩ hồi tục gần hết vì không còn trường để dạy học và bị đe doạ đến cuộc sống, nhà nước đã quản lý Tu Viện Mẹ và toàn bộ các trường học của Dòng ở miền Trung và miền Nam.


Tuy nhiên, “chúng tôi tìm cách sống và bảo vệ một Tu Viện duy nhất ở Huế”. Trong số 15 người còn bám trụ với Dòng, một số tu sĩ đi mua đất canh tác như những người nông dân, một số đi làm thuê làm mướn để nuôi sống anh em mình, một số âm thầm giúp mục vụ Giáo xứ.



Cha Vịnh cho biết sau khi nhà nước tiếp quản trường Trung học Phổ thông của Dòng tại Sài Gòn vào năm 1976, ngài bị buộc nghỉ làm Hiệu trưởng, sau đó Đức Tổng Giám mục Sài Gòn cử ngài coi sóc một Giáo xứ. “Tôi tiếp tục cổ động và trợ giúp các mầm mống ơn gọi trong Giáo xứ. Có những năm Dòng tôi không có ai đến xin tu. Tôi phải rời bỏ Giáo xứ để về làm Bề Trên, dần dần Chúa gửi những Ơn gọi đến với nhà Dòng. Từ năm 2000, tôi kêu gọi các cựu tu sĩ và học trò cũ ở hải ngoại giúp đỡ tiền để tôi xây nhà cho những người trẻ ở và tu học.”, cha Vịnh kể.


“Ngày nay nhà nước vẫn chưa cho phép Giáo Hội mở trường học, họ cũng chưa trả lại đất đai và nhà cửa cho chúng tôi, nên các tu sĩ được giáo quyền cho phép học thần học và chịu chức Linh mục để đi Truyền Giáo. Chính điều này đã thu hút nhiều ơn gọi đến từ mọi nơi trong cả nước”, cha Vịnh nói.


Theo cha Bề trên Antôn Huỳnh Đầy, các tu sĩ sau khi khấn lần đầu sẽ được gửi đi học tại các Chủng viện của các Giáo phận hoặc các Học viện Liên Dòng. Họ sẽ là nhân tố đi Truyền Giáo, giúp mục vụ Giáo xứ hoặc chuyên trách tại 11 Sở và cộng đoàn của Dòng ở 8 Giáo phận khác nhau”.


Cha Đầy 57 tuổi, cho biết ngài đang nỗ lực mở rộng môi trường phục vụ cả về địa bàn và các công việc để Dòng Thánh Tâm hiện diện ở mọi nơi, tuy nhiên vẫn ưu tiên vấn đề giáo dục giới trẻ và truyền giáo cho lương dân. “Có một số mạnh thường quân được Chúa gửi đến cho chúng tôi, họ quảng đại hiến đất cho chúng tôi tại một số Giáo phận hoặc giúp đỡ tiền để xây dựng nhà ở, nhà nội trú cho học sinh sinh viên và Nhà Thờ mà Dòng đang phụ trách. Chúng tôi đang thiếu nhân sự chuyên trách đào tạo để lo huấn luyện các ơn gọi trong Dòng. Ở tại các cộng đoàn lại càng thiếu nhiều nhân sự lo giúp mục vụ giáo xứ và điểm Truyền Giáo.”, cha Đầy nói.


Vị Bề Trên còn cho biết có nhiều khó khăn mà Dòng đang gặp phải, như cơ sở vật chất quá tải, tìm học bổng cho các tu sĩ du học, nhất là vấn đề chi phí nuôi ăn học cho các thành viên 3 năm trước khi khấn Dòng và 6 hoặc 8 năm sau khi khấn Dòng vì sau khoảng thời gian này họ mới có thể ra đi và làm việc để nuôi sống chính họ được. “Chúng tôi phó thác trong Thánh Tâm Chúa”, cha Đầy nói.


Tân tu sĩ Bonaventura Phạm Nhật Nam cho biết Thầy đang chuẩn bị thi tuyển sinh vào Đại Chủng viện sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa. “Tôi mong mình sẽ trung thành với ơn gọi để sau này về góp phần cho các dân tộc thiểu số ở Kontum, quê hương tôi”, Nam nói.


Dòng Thánh Tâm được Đức cha Eugène Marie Joseph Allys, Giám mục Tông toà của Huế sáng lập năm 1925. Vị thừa sai người Pháp đã mời người bản xứ là linh mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn cộng tác xây dựng và đào tạo Dòng này trong vòng 10 năm trước khi cha Cẩn được bổ nhiệm làm Giám mục Bùi Chu. Hiện nay Dòng có 19 Tu sĩ Linh mục, 14 Tu sĩ vĩnh khấn, 45 Tu sĩ tạm khấn, 15 Tập sinh, 21 Thỉnh sinh và 70 Đệ tử đang tìm hiểu ơn gọi.





Nguyễn Văn Khánh

(Theo dongthanhtam.net)