PDA

View Full Version : Á BÍ TÍCH



AugustineTuanBao
14-08-2011, 05:21 PM
Á BÍ TÍCH
Lm. LG. Huỳnh Phước Lâm




1. Á bí tích là gì ?


Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 60, trình bày khái niệm về các á bí tích như sau:

“Giáo Hội Mẹ Thánh còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những bí tích, nhờ đó biểu trưng những hiệu quả - nhất là những hiệu quả thiêng liêng - và thông ban hiệu quả đó nhờ sự bầu cử của Giáo Hội. Nhờ các á bí tích, con người được chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và thánh hoá những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống”.

Bộ Giáo luật đã lấy lại những lời của Công đồng Vatican II trên đây để đưa ra định nghĩa: “Các á bí tích là những dấu chỉ thánh, nhờ đó, phần nào phỏng theo các bí tích, những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban nhờ lời khẩn cầu của Giáo Hội” (Điều 1166).

- Là dấu chỉ, các á bí tích phải dễ hiểu đối với những người tham dự vào việc cử hành.

- Là dấu chỉ thánh, các á bí tích phải biểu lộ cho các tín hữu những giá trị thiêng liêng được diễn tả.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1668, đã nêu lên đặc điểm của á bí tích:

“Hội Thánh thiết lập các á bí tích để thánh hoá một số thừa tác vụ trong Hội Thánh, một số bậc sống, những hoàn cảnh rất đa dạng của đời Kitô hữu, và cả việc sử dụng những vật hữu ích cho con người. Theo quyết định mục vụ của các giám mục, á bí tích còn được dùng để đáp ứng với những nhu cầu, với văn hoá và lịch sử riêng của dân Kitô giáo trong một vùng hay một thời đại. Á bí tích luôn luôn gồm một kinh nguyện, kèm theo thường là một dấu chỉ xác định như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh (để nhắc lại bí tích Thánh Tẩy)”.


2. Tương quan giữa bí tích và á bí tích như thế nào?



2.1. Tương đồng
Các á bí tích, một phần nào phỏng theo các bí tích, cho nên có những điểm tương đồng như sau:

- Đó là những dấu chỉ thánh khả giác.

- Đó là những phương tiện công cộng để thánh hoá.

- Phát sinh những hiệu quả nhất là những hiệu quả thiêng liêng.

- Việc ban phát bí tích và á bí tích là những hành vi phụng tự công cộng (x. Điều 834).

- Hiệu quả phát sinh từ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Đấng đã chịu nạn, chịu chết và sống lại. Chính Người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích [1] (x. SC 61).

2.2. Khác biệt
Tuy nhiên, giữa bí tích và á bí tích có sự khác biệt ở 3 điểm chính yếu sau đây:

2.2.1. Sự thiết lập

Á bí tích do Giáo Hội thiết lập và không bị giới hạn về số lượng. Còn bí tích do Chúa Giêsu thiết lập và chỉ có 7 bí tích mà thôi.

2.2.2. Hiệu năng

Hiệu năng của các bí tích phát sinh do việc cử hành (ex opere operato), còn hiệu năng của á bí tích phát sinh dựa trên hành động và lời khẩn cầu của Giáo Hội (ex opere operantis Eccesiae).

2.2.3. Hiệu quả

“Các á bí tích không ban ơn Thánh Thần như các bí tích, nhưng nhờ lời cầu của Hội Thánh, chuẩn bị chúng ta đón nhận ân sủng và giúp chúng ta “cộng tác với ân sủng”.

Tất cả các bí tích nhằm mục đích chính là phát sinh ân sủng mà chúng biểu thị và mục đích thứ hai mới nhằm phát sinh những ân lộc trần thế; trái lại, các á bí tích không được thiết lập để phát sinh ân sủng, nhưng để chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng như để thánh hoá những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống (x. SC 60-61).


2.3. Liên hệ
Dù sao, chúng ta cũng đừng quên rằng giữa bí tích và á bí tích có sự liên hệ: các á bí tích lệ thuộc vào các bí tích, vì chúng chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích hoặc chúng nối dài hiệu quả của bí tích.


3. Thẩm quyền của Giáo Hội đối với các á bí tích như thế nào?


Các á bí tích là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa, thuộc về nghi thức phụng vụ. Cho nên, Giáo Hội luôn luôn có quyền thiết lập, bải bỏ, thay đổi hay thích nghi tuỳ theo nhu cầu lợi ích của mỗi thời đại hay của mỗi dân tộc. Cũng vậy, chính Giáo hội có thẩm quyền để đưa ra ý nghĩa chính xác của mỗi á bí tích, cũ cũng như mới.

Điều 1167:

§1. Chỉ một mình Tông Toà mới có thể thiết lập những á bí tích mới, hoặc chính thức giải thích những á bí tích đã được chấp nhận, huỷ bỏ hoặc thay đổi á bí tích nào đó trong số các á bí tích ấy.

§2. Khi thiết lập hoặc ban các á bí tích, phải cẩn thận tuân giữ các nghi lễ và các thể thức đã được quyền bính Giáo Hội phê chuẩn.

Việc bó buộc “phải cẩn thận tuân giữ các nghi lễ và các thể thức đã được quyền bính Giáo Hội phê chuẩn” không loại trừ những sự thích nghi đặc biệt cần thiết dành cho vị chủ sự mà các sách Nghi Thức đã tiên liệu. Thông thường trong các cuốn Nghi Thức đang sử dụng, Giáo Hội đã dành nhiều tự do cho vị chủ sự để có thể thích nghi với những tập quán và tâm thức rất khác nhau.

Điều 1167 trên đây không nói gì tới hậu quả của việc không tuân giữ những nghi lễ và những công thức đã được chuẩn nhận.

Giáo luật hiện hành còn quy định là các Giám mục có bổn phận phải liệu sao để cho kỷ luật của Giáo Hội không bị lạm dụng, trong những điều liên quan đến việc cử hành các bí tích và á bí tích (x. Điều 392 §2).