PDA

View Full Version : NGỘ NHẬN



littlewave
05-08-2008, 03:20 PM
Luật Ometa của phép giải tội
(http://www.honnghesi.com/topicDetail.asp?topicID=1268)
Người đàn bà làm tan tác đời mình, mà cha lại không nhớ nổi mặt… Một người bạn cha, cười ruồi: “Bao dung quá để quên, hay ức quá không nhớ nổi?”. Cha Thục quen cái lối nói châm chọc sống sượng của bạn nên chẳng quan tâm. Hắn về đây cũng một "duộc" bị thất sủng như mình, với tội danh: làm vấy bẩn đức thanh tịnh.

Hắn về trước cha Thục hai năm, khi dưỡng viện HIV mới xây xong. Hai cha cùng bạn đồng niên, đồng môn, rồi cùng đồng bị đày lên đây, nên quen cái thói suồng sã từ thời nhỏ, đến nay không sao bỏ được cái lối ăn nói sống sượng, không đúng với đấng bậc mình.

- Cậu cũng về đây à! - Hắn cười nhăn nhở: Ông cụ Linh đạo mạo ngày nào, đức hạnh chảy tràn mỡ mà cũng vô đây, kể cũng hơi bị lạ đấy!


Vất cái túi xách với mấy bộ đồ nhàu nát là cơ nghiệp của đời cha vào góc giường, gối đầu nằm thờ thẫn.

- Buồn làm chi, cuộc đời vào đây rồi thì như ông cụ non về hưu, sướng chán! Mấy bữa đầu về đây, tớ mới buồn thảm, vì lúc đó chưa có ma nào ở cái chốn này nên ủ ê lắm, chứ có phải được vui như bây giờ đâu.

Dưỡng viện HIV được xây dựng trên một ngọn đồi, chênh vênh với những cây thông già, gọi gió về vi vu suốt ngày không ngơi nghỉ. Mặt đường láng nhựa xoắn vòng lên, nhìn xuống làng mạc và phố thị san sát nhau, trông ngoạn mục như lên tham quan dinh Bảo Đại không bằng. Nhưng số phận của những người bị đưa lên đây, thì không còn lòng trí nào để thưởng ngoạn khung trời nên thơ như thế này nữa rồi. Con đường lên dốc quanh co mà ngỡ như số phận đang tuột dốc xuống vực thẳm đời mình. Hai ông cụ nhà ta, tuy còn mạnh khoẻ chán, nhưng được đưa lên đây cũng xếp vào loại HIV của tôn giáo. Lên chốn này có khác chi “nhà dài” ngày xưa để câu lưu mấy cụ có tỳ vết đen đâu. Cũng nửa đời đi xuống, nhưng khi được chuyển lên đây, các cụ không có cái tâm trạng buồn thảm ủ ê như các bệnh nhân, và thậm chí là cha Thục cũng phải thốt lên: “Cậu nói đúng thật, lên đây sướng chán”.

Mà sướng cũng phải thôi. Bị bắt đi cải tạo, rồi được tha về đây, dù gì đi nữa cũng được làm vua một cõi, còn gì sướng bằng.

Nghĩ cũng lạ, đang yên hàn ở một xứ đạo miền quê, bỗng sự cố xảy ra: lệnh cưỡng chế khẩn cấp cải tạo di trú. Cha bị bắt và đưa về một làng quê ngoại đạo hẻo lánh ở một huyện xa xôi.

Toà Giám cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Vì bình thường bị bắt có oan sai cách mấy, các ngài cũng chẳng dám động đến chính quyền để kêu ca khiếu nại, nhất là vào cái thời điểm nhạy cảm ấy – sau 75. Một phần vì mặc cảm con dân “thua làm giặc”, phần khác chính quyền địa phương luôn cậy thế “được làm vua”, để quyền thì chưa lớn, nhưng hành dân thì lại là ông trời con. Bây giờ tội vạ đã rành rành còn ai dám ngó mặt lại cho vạ lây.

Nhớ lại ngày đó, đến bây giờ cha vẫn thấy nỗi nhục còn vướng đọng trong tâm hồn, để không bao giờ nguôi ngoai.

Rủ áo ra đi, khi giáo dân đang tiếc nuối… nhưng rồi vướng vít vụ tai tiếng, để rồi giáo dân xì xầm: “ Tầm ngầm thế mà đấm chết voi. Ai mà ngờ được?”. Cha lầm lũi bước lên xe bịt bùng u uất trong nhục nhã đắng cay ê chề, không người đưa tiễn.

Về một miền quê nghèo héo lánh hoang mạc. Ở độ nhà một gia đình nông dân đã nghèo lại đông con. Dĩ nhiên là cái ăn uống kham khổ thì đã có nhà nước lo rồi. Sự nhục nhằn cần mẫn và lòng tận tuỵ giúp công, đỡ chuyện cho gia đình họ, nên về sau, cả gia đình đều thiện cảm và mến thương cha lắm. Đến nỗi ngày ra về, mụ vợ và mấy đứa con thương khóc tiễn cha. Đó là chút ký ức ngọt ngào, còn sót lại mỗi khi cha hồi tưởng về những ngày tháng nhục nhằn đó.

Ngày đó, cha sống cực nhục như một tên tù giữa những người dân góp tứ chiếng, vốn đã sống buông tuồng không có tôn ti, thì một ông cha tội phạm, lại càng bị khinh khi và rẻ rúng biết là ngần nào. Nhưng được một điều hay là mạnh ai nấy sống, để sau đó, không ai dòm ngó đến cha. Ngày tháng trôi lê thê trong nhạt nhẽo và vô vị của cuộc sống. Nhưng nỗi đau lớn nhất là tai tiếng về cho ông bà cụ - cha mẹ, và anh em bạn bè lối xóm. Bao nhiêu kỳ vọng đặt vào cha, để bây giờ ra đời phải bẽ mặt tủi hổ vì có đứa con như thế, không cực lòng cho cha mẹ sao được!?

- Dậy đi cha! Làm gì mà ăn yên. ngủ kỹ thế?

Cha Thục ủ ê với những hồi ức chợt thức giấc trở về tra tấn cha đến khốn khổ.

Dưỡng viện được thiết kế xây dựng thành hai khu vực tách biệt, mở ra phía trước là một công viên với muôn hoa khoe tươi sắc màu, bên những chậu cảnh bon-sai được chăm chút tỷ mỉ với những cách tạo dáng rất phong phú và đa dạng. Những lối đi ngang dọc cân phương với những ghế đá công viên nằm giữa những thảm cỏ xanh mượt mà. Một đài nước nằm ở giữa ngã tư vườn hoa, phun nước tung tóe lên không gian, làm nắng toả lung linh muôn sắc cầu vồng sặc sỡ, khiến cho vườn hoa thêm rạng rỡ và tươi mát. Vườn hoa này chỉ dành cho những nhân viên phục vụ, các: y, bác sỹ, điều tá viên và kể các cha điều hành, rãnh rỗi ra thư giãn tưới tắm và tỉa tót. Nhưng ngày hai lần các bệnh nhân khu vực nam và nữ, thay phiên nhau dạo chơi và ngồi vãn chuyện trên ghế đá để tìm chút thư thái trong tâm hồn.

Hai ngôi dưỡng viện trại A của nữ và trại B của nam, được nối liền với hai hành lang có mái che, phía bên phải dẫn đến nhà nguyện và bên trái là một hội trường thoáng rộng, để khi diễn văn nghệ, hay hội thảo về những vấn đề cấp thiết của sự phong ngừa và điều trị HIV. Phía sau lưng của hai khu dưỡng viện A và B là vườn rau xanh, với những luống rau hành ngò, cải bắp, xu-hào đều nhau như chữ in và thẳng tắp. Mỗi sáng chiều, vườn rau được vun đắp, cày xới, tưới tắm bởi bàn tay của những bệnh nhân còn khoẻ khoắn.

Thường ngày, sáng nào cũng có thánh lễ và chiều nào cũng có kinh nguyện nơi nguyện đường dành cho những người theo đạo. Còn hội trường, chỉ dành cho các bệnh nhân cả nam và nữ họp mặt nhau vào chiều chủ nhật để giao lưu hát ca sinh hoạt…

Cha Thục mỉm cười, thầm nghĩ: Mấy ông cha khéo vẽ ra mô hình dưỡng viện, để cách ly nam nữ tránh sự gặp gỡ giao duyên của trai gái thụ thụ bất thân; mà trước đó, cũng vì quan hệ bừa bãi mà ra nông nỗi này. Nhưng quả là mất bò mới lo làm chuồng!

Dưỡng viện này được nước ngoài tài trợ xây cất, sau bao năm Toà Giám xin phép nhà nước mới cho. Các lương y, bác sỹ, điều dưỡng viên đều do nhà nước điều qua để phụ trách chuyên môn, nhưng việc điều hành và quản lý dưỡng viện lại do Toà Giám đảm nhiệm.

Cha Sơn phụ trách trại A Nữ. Còn cha Thục phụ trách trại B Nam. Có lần cha Sơn chọc quê cha Thục: “Bề trên soi xét công minh thật, tội của cậu nặng hơn tớ, nên cậu phải bị cách ly qua nam giới là phải lắm rồi, đừng có tiếc nuối chi nữa nhé!” Cha Thục vốn trầm lặng mà cũng phải bật cười vì sự tếu táo của hắn! Nhưng rõ ràng là cha Sơn trắng trẻo, tóc tai bóng bẩy rất phù hợp bên nữ, có phải đâu như mình, thân người thấp đậm cục kịch, chậm chạp thì cũng phải thôi… Chơi thân lâu ngày với hắn, nên cha biết tính hắn: ưa lẹt phẹp cái mồm, làm vạ cái thân, chứ con người hắn chân tình và tốt bụng lắm! Có lần cấm phong, đến giờ hội thảo vui vẻ, cha Sơn góp vui: Cố Hồng Y Phanxicô đã chỉ ra mười điều yếu kém của Chúa: Không biết làm toán 1 > 99 - bỏ 99 con đi tìm một con chiên. Chúa không biết làm kinh tế. Chúa không có trí nhớ…đố các cha biết: Chúa Giêsu còn phạm giới răn nào? Ai cũng cho rằng cha to gan, vì có cả Đức Cha nữa! Mà cha nào có biết, mọc gạc cũng không dám nói ra. Thế rồi sau đó cha giải đáp: Chúa Giêsu không vâng lời cha mẹ để bỏ đi bụi mấy ngày đêm, làm cha mẹ phải vất vả kiếm tìm. Ai cũng cho là cha Sơn táo tợn. Rồi để cho không khí bớt căng thẳng cha giải thích: Chúa cố tình làm như thế, cho giống tính xác thịt loài người: cũng mê chơi mãng nhởi; chứ nếu không thì Chúa đâu có bản tính loài người. Đức cha nghe xong, cũng cười trừ vì sự lém lỉnh của cha.

Cha Thục trông coi trại B, toàn phái nam.
Những ngày đầu chưa quen, cha khá dị ứng với sự tiều tuỵ thân người, lại còn các vết thương bầm tím, lở loét trên người các bệnh nhân. Những bữa như thế, cha thường về nôn mửa và không ăn được cơm. Một thời gian sau quen dần, cha mới thấy được nỗi thống khổ đau đớn và day dứt nơi bệnh nhân, khiến cha xót xa và thương cảm sâu sắc cho họ. Chính vì thế mà bao nhiêu ca bệnh vào giai đoạn cuối, đều do cha tự tay chăm sóc an ủi vỗ về, để họ khỏi tuyệt vọng buông xuôi hay tự tử. Chính các bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên cũng phải khâm phục sự tận tâm nhiệt thành của cha. Trong khi những ngày đầu ai cũng định kiến về một ông cha cụ chẳng ra gì. Lẽ ra với cương vị của cha, là lo giám sát điều hành tổng quát, và điều quan trọng nhất là lo phần hồn cho các bệnh nhân vào lúc lâm chung. Các phái đoàn khi tham quan dưỡng viện rất khó nhận ra cha, nếu không để ý đến cổ cồn trắng, thì cha cũng ăn mặc thường phục mà thôi. Dường như sau cái sự cố đó, cha sợ mình làm hư mất hình ảnh một linh mục, để ăn mặc đồng làn với mọi người.

Tâm trạng những bệnh nhân khi mới vào đây, họ thường dị ứng khó chịu, bẳn gắt và phản kháng khi tiếp xúc với các y, bác sỹ và điều dưỡng viên. Đó là tâm trạng của những kẻ tự nghĩ: mình đang bước vào con đường cùng của cuộc đời. Chưa có căn bệnh nào khiến cho người bệnh tủi hổ, tự ti như những người nhiễm HIV. Mà thường là giai đoạn cuối, khi xã hội và gia đình kham không nổi mới đưa vào đây, khiến cho họ bức bối khó chịu, để rồi không chịu ăn uống, điều trị thuốc thang. Nhưng rồi nhờ sự kiên nhẫn và lòng tận tuỵ của cha, đã khiến cho nhiều tay ương bướng ngang ngạnh, cũng chịu khuất phục. Đến nỗi có tay đã quỳ khóc xin cha tha lỗi, vì lần đầu khi cha xức vết thương, hắn đã xô cha ra rồi đấm vào mặt cha sưng vù với lời mắng nhiếc: “Tôi không cần lòng thương hại của các người. Tôi chỉ là một con chó ghẻ để các người đem lòng thương xót mà thôi. Hãy để cho tôi chết. Đồ dối trá!” Bây giờ chính hắn là người cộng tác đắc lực với cha trong mọi tình huống của các bệnh nhân. Hắn thổ lộ: “Con không ngờ cha lại đánh gục được tính ngang bướng, bất cần đời để nhục nhằn với cha như thế”.

Nhìn lại những thành quả mà dưỡng viện có được như ngày hôm nay, cha Thục cảm thấy có chút hài lòng trên khuôn mặt đã bớt trầm tư. Tâm lý người bệnh dần ổn định để vui sống yêu đời, và chịu khó nghe lời điều trị và vận động thể dục hay lao động làm vườn mỗi ngày. Càng ngày càng có nhiều người xin rửa tội để theo đạo; bởi cận kề cái chết ai cũng muốn bám víu vào tôn giáo như cái phao cứu hộ, để tâm hồn nhẹ nhàng sang bên kia thế giới. Nhưng mừng nhất là bác sỹ trưởng khoa sang đạo, tạo được ảnh hưởng rất lớn cho các bệnh nhân có ý thức muốn sang đạo.

Thấy những thành quả đạt được, cha chính và các cha hạt đến thăm dưỡng viện, cũng đã tay bắt mặt mừng với hai cha quản lý dưỡng viện, chứ không còn lạnh nhạt như cái ngày cha Thục mới về nữa.

Ngày đó, khi cha Thục cầm tờ giấy trả tự do về Toà Giám, mọi người xem ra dè dự với cha lắm! Các cha chỉ tiếp xúc khi có việc cần, còn bình thường thì chỉ chào lấy lệ rồi bước đi. Thời gian đã làm lòng cha nguội lạnh để không còn biết buồn là gì nữa rồi. Nhưng khổ nhất vẫn là giờ ăn cơm, với không khí thân thiện giả tạo, khiến cha khó chịu, tưởng những ánh mắt đang nhìn mình như một con thú tật nguyền, bốn bề vây hãm. Đến khi được chỉ định về dưỡng viện, cha cảm thấy thở phào nhẹ nhỏm, như con chim được thoát ra khỏi lồng với phía trước là bầu trời rộng mở.

Cũng may về đây có cha Sơn, đồng cảnh ngộ, lại là bạn bè thân quen để trò chuyện giải bày tâm sự và cảm thông với nhau. Nhưng tính cha Sơn vô tư, không lo lắng và không mặc cảm như cha Thục. Ban đầu cha Thục cứ ngỡ cha Sơn phạm tội gì nặng lắm! Nào ngờ cha đẹp trai, ở xứ các cô gái hay ve vãn cha, và nhân có cô suýt tự tử chết vì mê cha, khiến cha lo sợ đe doạ ơn gọi, để xin đi phục vụ các xứ đạo người dân tộc ở những miền núi xa xôi nghèo nàn. Nhưng đến khi lập dưỡng viện, không có cha nào chịu về làm quản lý, thế là cha Sơn xung phong xin lên đây, chứ có tội tình gì đâu. Thế mà ngày đầu cha Thục cứ ngỡ cha một "duộc" như mình.

Rồi mùa đông đến, cha Sơn bị bệnh suyển lên cơn, kéo đàn khò khè, nên cha Thục phải đảm trách thêm bên trại nữ.

Lần đầu tiên tiếp xúc với phái nữ, cha mới thấy bên này phức tạp và nhiêu khê hơn nhiều. Tâm trạng của phụ nữ trầm cảm, để im lặng không nói ra những điều bức xúc âm ĩ trong lòng họ. Nhưng khi đến cơn, nổ ra bùng xung thì họ phát cuồng lên như người điên. Đã có cô gái còn rất trẻ, và xinh đẹp hoảng loạn lên khi biết đời mình tàn tạ trong kiếp người nhiễm HIV, để rồi chẳng còn biết tự chủ, điên cuồng lên xé áo quần đánh phỗng ra chạy khắp dưỡng viện, không ai ngăn giữ nổi. Cuối cùng cha cũng phải ra tay ôm chầm lấy, đưa vào phòng riêng nhốt lại. Tuổi 60, cha gần như đánh mất cái cảm tính nhục thể nơi người phụ nữ. Có lẽ, cũng chính vì tai tiếng về chuyện này, nên cha đã hết sức dè dự để đóng kín mọi ngõ ngách, không cho dòng chảy nhục cảm vào tâm tưởng. Những mỗi lần tiếp xúc với phái nữ cha vẫn ngại ngần. Mà vốn phụ nữ cũng nhiều chuyện mì nheo, nhiêu khê lắm! Khi đã quen thân nhau, thì ngồi túm tụm buôn dưa lê hành tỏi với nhau, đang cười nói vui vẻ là thế, bỗng đổ ra ẩu đả kéo tóc nhau… la mắng chửi bới nhau chí choé. Khóc đó cười đó, nắng mưa thất thường, ai mà chìu cho nổi.

Nhưng rồi một đêm nọ, có tiếng van la rên xiết, khiến cha nửa đêm phải cùng cô điều dưỡng xuống phòng. Một phụ nữ gầy rạc, tóc tai rối bù, mồ hôi đẩm ướt trên khuôn mặt tái nhợt. Chị rên xiết vì những vết thương bầm tím chảy nước, đang hành chị ở giai đoạn cuối. Đau đớn quá, khiến chị cuồng lên cào xé vết thương, miệng rên la: “Cha ơi! Cha ơi! Con đau lắm cha ơi! Con chết mất cha ơi!”. Trong khi chị điều dưỡng làm phận sự thầy thuốc của mình, thì cha dùng khăn ướt lau mặt cho chị và xoa nhẹ vào quanh vết thương cho giảm cơn đau. “Chị cố gắng chịu khó đi, đừng cào xé vết thương cho thêm đau nhức. Chị hãy cầu nguyện để Chúa giúp sức cho chị vượt qua cơn đau”. Thuốc giảm đau ngấm vào, làm chị cảm thấy dễ chịu và gần như kiệt sức, chị thiếp ngủ mê.

Những ngày tháng cuối đời của chị, nhờ có cha chăm sóc giúp đỡ tận tuỵ để chị bớt đau đớn và dằn vặt hơn. Rồi một hôm, chị thấy cái chết chập chờn như đang đến gần, chị mời cha đến lo phần hồn. Trong khi xưng tội với cha, chị thổn thức khóc:
- Cha ơi! Con bỏ đạo, bỏ xưng tội hơn hai mươi năm nay rồi.
- Con có khúc mắc với ai hay có bất mãn điều gì trong giáo hội không, để con bỏ đạo?
- Vâng, con có một khúc mắc: phạm trọng tội với một linh mục, để rồi sau đó con tự nghĩ rằng: con không con xứng đáng là một con chiên của Chúa nữa.
- Con nghĩ lầm rồi. Với bất cứ tội lỗi nặng nề nào, Chúa cũng có thể tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta thật lòng hối cải.
- Chúa không thể tha thứ cho con được đâu cha ơi! Bởi vì con đã vu oan giá hoạ để hại đời cha ấy phải khốn khổ trầm luân, bây giờ con cũng không biết cha ấy trôi giạt về đâu nữa rồi.
Cha Thục bỗng bị lôi cuốn vào câu chuyện:
- Thế con vu oan cho cha ấy tội chi mà ghê gớm thế!
- Con vu oan cho cha Linh, giáo xứ X, để rồi cha ấy bị nhà nước bắt đi cải tạo, thì cha bảo tội con có ghê gớm không? - Người phụ nữ ấy oà lên khóc thảm thiết hơn.

Cha Thục như không tin vào tai mình để hỏi:
- Con nói sao? Cha nào?
- Cha Linh, giáo xứ X cha không biết sao?
- Tưởng ai chứ cha Linh, thì cha biết.

Ký ức của cha bỗng hiện về...
Ngày đó, sau 75, cha Linh được phong linh mục theo diện chạy chính sách, khi nhà nước đang tranh tối tranh sáng lu bu để ổn định chính trị, thì việc cha được điều về một giáo xứ đang trống, là việc cấp bách.

Là một linh mục trẻ, với bầu nhiệt huyết đầy ắp của một người đi gieo hạt giống, luôn muốn đem những hoài bão ra thực thi. Nay được về một giáo xứ vùng ven đô thị, cha phấn khởi như cá gặp nước vậy.

Ngày cha về, nhà xứ đang vắng vẻ như chùa đanh. Tâm trạng giáo dân lo âu trước sự đổi thay thời cuộc, nay bầu khí bỗng trở nên vui lên trong các sinh hoạt: lễ lạy, kinh nguyện và các hội đoàn cũng như diều gặp gió trở lại sinh hoạt thật đầm ấm yên vui trong tình thần khởi sắc của một giáo xứ đang trở mình lớn dậy. Người giáo dân hồ hỡi phấn khởi lắm! Có được một cha xứ như một chỗ dựa tinh thần, để che chắn cho con dân trong buổi giao thời đó, cũng là niềm an vui trong kinh nguyện mỗi ngày.

Các ca đoàn cũng được khôi phục và lập mới để trở lại sinh hoạt rầm rộ tập ngày, tập đêm. Giáo xứ X nổi lên như một giáo xứ đầu đàn trong giáo phận, khiến giáo dân các xứ khác thèm được, ước thấy giáo xứ mình cũng được như vậy. Nhưng điều này lại không làm hài lòng chính quyền non trẻ địa phương chút nào. Phải chăng vì ghen ăn, tức ở, để thấy sinh hoạt một giáo xứ đầm ấm yên vui, trong khi cảnh UBND xã vắng hoe? Hay do tình hình chính trị không cho phép giáo xứ được phép an vui?

Thế là cha xứ được hỏi thăm sức khoẻ dài dài để bị hoạnh hoẹ: khi thì cấm không cho chuông nhà thờ đổ hồi vào sáng sớm, với lý do: làm người giáo dân mất ăn mất ngủ, còn đâu sức để đi lao động. Kinh chiều cũng ảnh hưởng tới giờ giấc sản xuất nông nghiệp. Tối đi họp hành tổ, đội, không thể tổ chức đọc kinh toán, liên gia… Các hội đoàn không được họp mặt quá hai người trở lên, nếu có phải xin phép. Nhất là chuyện ca đoàn: hát trong nhà thờ thì chỉ một ca đoàn chứ làm chi mà rênh rang nhiều ca đoàn tập ngày, tập đêm, ảnh hưởng đến tình hình chính trị.

Nhưng với một linh mục trẻ, có trình độ học hành đến nơi đến chốn, lại am hiểu pháp luật, thì không dễ gì để chịu khuất phục trước những cán bộ xã già nua tuổi tác, mà non kém trình độ học hành, thậm chí là đọc câu chữ chưa suôn thì làm sao mà bắt bẻ nổi.

Nhưng khi lý sự không đứng vững, thì cách hay nhất để lấp liếm cái trình độ yếu kém: đổ lỗi cho tình hình chính trị không cho phép.

Nhưng dù thế nào thì cụ Linh vẫn là một cái gai trong mắt UBND Xã. Được cái cụ nhà ta cũng rất mềm mỏng và tế nhị khi đối ứng với cán bộ, để giải bày nhẹ nhàng hợp tình hợp lý, và không bao giờ làm cho cán bộ bẽ mặt. Chẳng những thế, những dịp lễ lớn bên đạo, cha thường hay mời các cán bộ vào tham quan nhà xứ, và các sinh hoạt cho họ biết, để họ khỏi nghi ngờ các hoạt động trong xứ, tạo sự thân thiện giữa đôi bên. Cá nhân các cán bộ khi tiếp xúc với cha cũng rất có cảm tình. Nhưng rồi cái cách phấn đấu trong bộ máy bao cấp chính quyền luôn có cái ý nghĩ: Chính quyền phải luôn ở thế thượng phong, khiến nhiều cán bộ tìm cách phấn đấu lấy điểm Chi bộ đảng xã.

Thời đó, chuyện vào đoàn, vào đảng là việc rất hệ trọng đối với các cán bộ, và thậm chí là đấu đá nhau để phấn đấu lên đoàn lên đảng với bất cứ giá nào; bởi có đoàn đảng thì dễ dàng có vị thế và thăng tiến trong bộ máy hành chính xã.

Cô y tá Mỹ Hạnh cũng không phải là ngoại lệ. Cái nhan sắc không mấy đẹp, đã được bù đắp với thân thể nẩy nở đầy hấp dẫn, và nụ cười đong đưa lẳng lơ như chào mời, cũng khiến cho nhiều cán bộ chờm chợ, để rồi uy thế cô ngày càng mạnh lên, lấn lướt đến cái chân y tá trưởng của xã một cách gọn thơm. Chưa hài lòng, cô vẫn muốn phấn đấu để đạt được tham vọng vào UBND xã.

Một linh mục ở giáo xứ trên 10 năm êm đẹp, chắc chắn phải là rất đặc biệt để Toà Giám lưu giữ lại. Hình như cha đang là lá cờ đầu của một giáo xứ tiêu biểu về mọi mặt: sinh hoạt, hội đoàn, xây dựng cơ sở…Và đặc biệt là việc đối ngoại với chính quyền, luôn là là điều khó khăn cho các xứ khác khi bị chính quyền hạch sách. Cha Thục gần như là tấm gương để các cha khác rút tỉa kinh nghiệm, khi bị chính quyền hoạnh hoẹ… Nhưng rồi chính cha cũng cảm thấy mình quá được ưu đãi, để được êm ấm mãi với một giáo xứ, kể ra cũng khá bất công với các cha khác. Cha tính dịp cấm phòng tới sẽ xin chuyển xứ.

Nhưng rồi một đêm nọ, Cha đang thiu thiu ngủ, thì nhận được một cuộc gọi thều thào: “Cha ơi! con bị trúng gió, nhờ cha ra xức dầu và chịu các phép”. Cha Linh một mình một xe, đạp vội vàng ra nhà giáo dân. Chuyện đêm hôm khuya khoắt, một mình, một bóng lặn lội để đi thăm kẻ liệt là quá bình thưòng đối với cha. Thậm chí là nhiều đêm mưa gió bão bùng, cha cũng phải đội mưa ra đi cho kíp, kẻo chậm trể, kẻ liệt chết thì thiệt thòi cho linh hồn người ta, là điều khiến cha không an tâm chút nào.

Đêm đó, ở một góc kề cận xã, bỗng có tiếng: “Bớ người ta! Có người cưỡng hiếp tôi! Cứu với! Cứu với! Bớ làng nước ơi!" Nghe tiếng van la, du kích xã đội bao quanh để tập kích vào nhà. Cha Linh bất ngờ quá đỗi để đớ người ra, mặt cha có dấu cào xước. Và cô gái áo quần bị rách mướp loã lồ. Dân mấy thôn làng gần đó, thấy ồn ào kéo đến xem rất đông. Người ta xì xầm, bàn tán đủ điều quanh chuyện đó! “ Cha xứ xem hiền thế mà cũng ghê thật”. “Với bà ngựa đó thì chuyện gì lại chẳng xảy ra”... Còn những người giáo dân sau khi biết chuyện, xấu hổ để thấy người cha mình hằng yêu quý, lại tệ hại như thế, cũng lặng lẽ bỏ về.

Cha bị nhốt một đêm trong Xã, rồi sáng mai công an Thị vào đọc lệnh đưa đi cải tạo, chứ không điều tra xem sự việc thực hư như thế nào?

Chị ấy oà lên khóc ngất…
- Cuộc đời con sau đó lao đao, lận đận. Tình duyên nhăng nhít chẳng ra gì, để đến nỗi phải vào đây. Cha ơi! Đúng là con bị quả báo rồi!

Cha chờ giây phút này lâu lắm rồi! Và những giọt nước mắt của người phụ nữ ấy như tắm gội nhục nhằn cho đời cha.

Mọi ngộ nhận về cha vẫn không được hoá giải, vì luật Ometa – im lặng, của phép giải tội, không cho phép linh mục được kể tội lỗi của người xưng tội cho bất cứ một ai biết. Nhưng với cha Thục, điều đó không còn làm cha bận tậm nữa rồi. Chỉ cần Chúa biết, là quá đủ cho tâm hồn ngài thanh thản vui sống.

NGUYỄN VĨNH CĂN (Châu Sơn- ĐakLak)