PDA

View Full Version : Bén rễ sâu nơi Đức Kitô



hongbinh
20-08-2011, 06:56 AM
Bén rễ sâu nơi Đức Kitô

Bài Giáo lý 2 cho giới trẻ Việt Nam tại Ngày Giới trẻ Thế giới 2011

Các bạn trẻ thân mến,

Ai trong chúng ta cũng từng có lần quan sát một cây mọc lên từ đất. Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của cây. Để đứng vững, bất kỳ loại cây nào cũng phải bén rễ vào đất. Cây bén rễ vào đất không chỉ để đứng vững, mà còn để hút chất dinh dưỡng từ đất, nhờ đó mà cây có thể tồn tại và sinh hoa kết trái.

Cùng với hình ảnh một cây bén rễ sâu vào đất, Thánh Phaolô cũng dùng một hình ảnh khác để so sánh sự gắn bó thân tình giữa người tín hữu với Đức Kitô, đó là động từ “xây dựng”. Khi nói đến xây dựng là chúng ta nói đến một công trình. Công trình nào, dù lớn hay nhỏ đều cần có nền móng. Phần móng là phần quan trọng để ngôi nhà được bền vững trước bão táp phong ba. Nếu móng nhà không chắc, nhà sẽ dễ dàng đổ sập.

Hình ảnh “bén rễ” và “xây dựng” được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dùng làm chủ đề cho ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVI. Trong những ngày này, các bạn trẻ Việt Nam cùng với các bạn trẻ toàn thế giới cùng hội ngộ để biểu dương đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng suy tư về đời sống đức tin công giáo trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Trong Sứ điệp dành cho Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay, Đức Thánh Cha nhắc tới bối cảnh của xã hội hôm nay phần nào cũng giống như cộng đoàn Côlôxê, hoang mang trước những trào lưu sai lạc, nhằm gài bẫy con người bằng những tư tưởng mệnh danh tự do dựa trên quan niệm trần thế, đối nghịch với đời sống đức tin. Với chủ đề của bài giáo lý thứ hai hôm nay, chúng ta cùng nhau suy tư và học hỏi để sống đức tin một cách hiệu quả hơn.

1- Bén rễ sâu nơi Đức Kitô là tái khám phá ơn của Bí tích Thanh Tẩy

Giáo lý Công giáo dạy: nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi để trở thành tạo vật mới. Dòng nước Thanh tẩy làm cho chúng ta được tái sinh, trở nên con cái Chúa. Thánh Phaolô dùng những từ ngữ gợi hình như “mai táng” và “sống lại” để diễn tả sự đổi mới của người tín hữu khi lĩnh nhận bí tích này (x. Cl 2,12). Khi được dìm mình trong dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta chết đi, nhường chỗ cho con người mới, con người của ân sủng. Bí tích Thanh Tẩy dẫn đưa chúng ta từ sự chết đến sự sống, từ tối tăm đến ánh sáng. Khi lĩnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã tuyên thệ sống như con cái sự sáng, từ bỏ tội lỗi và những gì nghịch với đức tin. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết: “Bí tích Thanh Tẩy không phải là một nghi thức quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, ảnh hưởng trên toàn thể cuộc sống của người chịu phép Rửa, mang lại cho họ sự sống thần linh và kêu gọi chân thành hoán cải, một cuộc hoán cải được ân thánh khởi sự và nâng đỡ, đưa họ đạt tới tầm mức trưởng thành của Chúa Kitô” (Sứ điệp Mùa Chay 2011).

Thông thường, chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy khi còn nhỏ, nên không ý thức được ý nghĩa quan trọng của bí tích này, cũng như không hiểu rõ trách nhiệm của người lãnh nhận bí tích. Khi được Thanh tẩy, chúng ta khởi đầu một hành trình mới là hành trình đức tin. Hành trình ấy kéo dài suốt cuộc đời dương thế của chúng ta. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côlôxê: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ”. Lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô nhằm tới việc làm cho lớn lên ơn của bí tích Thanh tẩy nơi mỗi người chúng ta, nhờ đó đức tin của chúng ta được trưởng thành và sinh hoa kết trái.

Khi tái khám phá ơn của Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình. Đức Thánh Cha đã cảnh báo một nguy cơ lớn nơi nhiều bạn trẻ thời nay: “Có một xu hướng duy đời (laiciste) mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, toan tính kiến tạo một “thiên đường” không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là một hỏa ngục trong đó trổi vượt những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng” (Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 26, số 3).

“Có một sự mâu thuẫn khi chủ trương loại bỏ Thiên Chúa để làm cho con người được sống! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống: loại bỏ Ngài, có nghĩa là tách rời khỏi nguồn mạch ấy và chắc chắn sẽ bị mất sự sung mãn và niềm vui: ‘Thực vậy, thụ tạo không có Đấng Tạo Hoá thì sẽ tàn lụi’ (Gaudiun et Spes, 36)” (Sứ điệp ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 26, số 1).

2- Bén rễ sâu nơi Đức Kitô là ý thức mình thuộc về Giáo Hội

Giáo Hội được trình bày như thân thể của Đức Kitô. Một thân thể gồm nhiều chi thể. Không có chi thể nào dư thừa, nhưng mỗi chi thể đều có một chức năng riêng. Đức Giêsu là Đầu của thân thể huyền nhiệm là Giáo Hội. Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta thuộc về Giáo Hội, là chi thể của Giáo Hội. Cũng như mỗi chi thể phải liên kết với Đầu của mình và với các chi thể khác, người tín hữu Công giáo phải sống tình hiệp thông với Giáo Hội.

Giáo Hội Việt Nam vừa cử hành Năm Thánh 2010. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại Giáo Hội ở nhiều khía cạnh khác nhau. “Năm Thánh mời gọi và thúc đẩy tất cả các tín hữu cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp thông; một Giáo Hội trong đó mỗi người đồng cảm với Giáo Hội, vui niềm vui của Giáo Hội và đau nỗi đau của Giáo Hội; một Giáo Hội trong đó mỗi người cảm nhận mình được yêu thương chăm sóc, đồng thời có trách nhiệm chăm lo cho người khác cũng như cho ích chung của Giáo Hội” (Diễn văn khai mạc Năm Thánh, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam).

Khi ý thức mình thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng ta gắn bó với cộng đoàn đức tin nơi mình đang sống, nhiệt thành tham gia các hội đoàn hoặc các phong trào tông đồ, tuỳ khả năng Chúa ban cho. Chính nhờ cộng đoàn này mà đức tin của chúng ta từng bước trưởng thành. Được bén rễ sâu nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta quảng đại chấp nhận những bất toàn của cộng đoàn Giáo Hội, cùng nhau góp phần làm cho cộng đoàn thăng tiến và hoàn hảo hơn.

Là một chi thể thuộc về Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm là Đức Giêsu, chúng ta cũng là thành viên của một Gia đình Giáo Hội. Bí tích Thánh Tẩy liên kết chúng ta mặc dù những khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống… Đức tin công giáo liên kết chúng ta trong tình hiệp thông thật kỳ diệu: không còn khác biệt, chỉ còn lại là tình yêu thương, tình liên đới và chia sẻ huynh đệ.

Tình hiệp thông nhắc bảo chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: “Tôi đã làm gì cho Giáo Hội của tôi?”; “Giáo Hội chờ đợi gì ở tôi?”; “Đâu là vị trí của tôi trong Giáo Hội?”. Một khi xác định Giáo Hội là một gia đình, chúng ta sẽ sống tình bao dung với những người khác, đón nhận những khác biệt nơi anh chị em và quảng đại dấn thân phục vụ mọi người.

Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Giáo Hội còn được soi sáng và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, đến để nâng đỡ sự yếu hèn của con người. Đó là bí quyết cho sự trường tồn của Giáo Hội.

Vâng, chúng ta thuộc về Giáo Hội. Giáo Hội là chúng ta. Khi ý thức điều đó là chúng ta “xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu”.

3- Bén rễ sâu nơi Đức Kitô là lắng nghe và thực hiện Lời Chúa

Trong dụ ngôn “Người gieo giống”, Đức Giêsu đã đề cập đến những loại đất khác nhau. Chính Người đã cắt nghĩa: “Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: Khi gặp gian nan hay ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay” (Mt 13,20). Đức Kitô thực hiện sứ mạng cứu độ của mình với sự kiên nhẫn và quảng đại như được giới thiệu qua hình ảnh người gieo giống. Người nỗ lực đem Lời hằng sống đến cho mọi người để nhờ đó họ được sống và sống dồi dào.

Người tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Với cái nhìn đức tin, họ có thể nhận ra Lời của Ngài mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh cũng như mọi biến cố vui buồn. Nhờ việc lắng nghe Lời Chúa mà chúng ta cảm thấy Ngài luôn gần gũi và hiện diện giữa chúng ta. Thánh Giêrônimô đã viết: “Làm thế nào người ta có thể sống mà không hiểu biết Kinh Thánh, vì nhờ Kinh Thánh, ta mới học biết được chính Chúa Kitô, Đấng chính là sự sống của các tín hữu”. Đức Thánh Cha Bênêđictô ước mong các bạn trẻ được học hiểu Kinh Thánh để củng cố đức tin cho riêng mình, đồng thời trở nên những người loan báo đức tin cho những người trẻ khác (x. Tông huấn Verbum Domini, số 104).

Tuân giữ lời Chúa là một điều kiện cần thiết để trở nên môn đệ của Người: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46). Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một ngôi nhà để so sánh giữa những người nghe Lời Chúa: có người thực hành Lời ấy, họ giống như xây nhà trên đá; có người không thực hành, họ giống như xây nhà trên cát (x. Lc 6,46-69). Khi đọc Lời Chúa, chúng ta được gặp gỡ Đấng Tối Cao. Khi thực thi lời Ngài, chúng ta cộng tác với Ngài để làm cho Lời Chúa thấm nhập nơi mọi môi trường xã hội và nảy nở những hoa trái của Chân, Thiện, Mỹ.

Bạn trẻ thân mến,

Nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 26 này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy tự đặt ra những câu hỏi cho mình: “Đời sống của tôi đang được xây nền trên giá trị nào?”; “Đức Kitô là ai đối với tôi?” “Người muốn tôi làm gì trong hoàn cảnh cụ thể của tôi đang sống”. Chính chúng ta hãy tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Những câu trả lời không chỉ bằng môi miệng, nhưng bằng cả cuộc đời. Khi cố gắng sống những gì chúng ta vừa chia sẻ trên đây là chúng ta “được bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được củng cố trong đức tin”.

Cám ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.


+ Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ

hongbinh
20-08-2011, 05:39 PM
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ


Chương trình Giáo lý tiếng Việt Nam tại WYD 2011 đề tài I: ''Bền vững trong đức tin''

(Dành cho các bạn trẻ Việt Nam tham dự Đại Hội Quốc tế Giới trẻ lần thứ 26
tại Madrid từ 16 đến 21-08-2011
Do Đức Cha Giuse Nguyễn chí Linh, Giám mục Giáo Phận Thanh hoá trình bày)

CHƯƠNG TRÌNH TỔNG QUÁT

Các bạn trẻ Việt Nam thân mến,

"Bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô, được củng cố trong đức tin” (Col 2 câu 7). Đó là chủ đề Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI đã đề ra và quảng diễn trong Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXVI tại Madrid mà chúng ta đang tham dự. Qua Sứ điệp này, Vị Cha Chung Giáo Hội muốn đề ra phương hướng để củng cố niềm tin của giới trẻ trong thời đại hiện nay.

Đó cũng là chủ đề mà Ban Tổ Chức Đại Hội muốn chúng ta đào sâu qua ba bài giáo lý chúng ta sẽ lần lượt học hỏi trong những ngày này:

- Sáng 17-08-2011, đề tài I: "Bền vững trong đức tin".
Đề tài này giúp người trẻ phát hiện những chủ trương đang đe doạ đức tin của họ và từ đó mời gọi họ xác tin về những cội nguồn sâu xa nhất của đức tin công giáo.

- Sáng 18-08-2011, đề tài II: "Bén rễ sâu nơi Đức Kitô".
Đề tài này nêu ra ba điểm qui chiếu cần thiết để xây dựng một đức tin vững vàng là Phép Rửa, Giáo Hội và Lời Chúa.

- Sáng 19-08-2011, đề tài III: "Chứng nhân của Đức Kitô giữa trần gian".
Đề tài này nêu ra sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của người trẻ trong lòng thế giới hôm nay.

Bài I: BỀN VỮNG TRONG ĐỨC TIN

Dẫn nhập

Tại sao cần phải đặt vấn để “bền vững trong đức tin” và phải làm gì để “bền vững trong đức tin”? Đó là hai câu hỏi sẽ giúp chúng ta tìm hiểu đề tài ngày hôm nay. Thật ra, hai câu hỏi đó chính là những vấn nạn Đức Thánh Cha đã đặt ra cho chúng ta trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ XXVI của ngài. Nói cách khác, ngài muốn chia sẻ ưu tư của ngài về người trẻ thời nay: điều gì đang đe doạ đức tin của họ và họ phải làm gì để giữ vững đức tin trước những nguy cơ đó. Để triển khai, ngài mời gọi người trẻ thời đại hãy trở về với cội nguồn của con người lúc được Thiên Chúa tạo dựng và hãy trở về với căn tính Kitô giáo khi sống trong thế giới bấp bênh mất phương hướng này.

1. Bền vững với nguồn gốc tạo dựng.

a. Khát vọng vô biên.

Đã là người, ai ai cũng ước mơ một tương lai tốt đẹp tươi sáng. Ước mơ đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn một cuộc sống vật chất đầy đủ, một thế giới đại đồng thân ái, một tình yêu son sẳt chân thật, một gia đình thuận hòa yên ấm, một tâm hồn thanh thoát bình an...v.v...

Những ước mơ đó nói lên điều gì ?

Những ước mơ đó nói lên rằng con người luôn chờ đợi và luôn theo đuổi một cuộc sống mỗi lúc một ổn định hơn.

Và quả thật, nhiều người đã thành công, đã biến ước mơ thành hiện thực. Tuy nhiên, dù có thành công đến mấy đi nữa, con người vẫn không bao giờ thỏa mãn. Tiền bạc, danh vọng, kể cả tình yêu…tất cả chỉ là tương đối. Tự đáy lòng, con người khát vọng một cái gì cao cả hơn sự ổn định bình thường. Con người khát vọng tuyệt đối, nghĩa là khát vọng một giá trị bất biến trường tồn. Con người khát vọng vô biên, nghĩa là khát vọng một giá trị không bị khống chế bởi thời gian và không gian.

Trong Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô, ngài khẳng định rằng chính Thiên Chúa đã ghi khắc khát vọng vô biên đó vào trong bản chất của con người. Theo ngài, đó là lý do tại sao sách Sáng Thế Ký gọi con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, là dấu hiệu cho thấy con người “mang dấu vết của Thiên Chúa”.

b. Nguy cơ của xu hướng tự mãn.

Vì thế tất cả những chủ trương loại bỏ Thiên Chúa đều là sai lầm. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, vì chính Ngài đã sáng tạo ra sự sống. Thiên Chúa là sự sống đích thực vì chỉ mình Ngài là Đấng Tuyệt Đối. Loại bỏ Thiên Chúa là loại bỏ nguồn mạch sự sống. Loại bỏ Thiên Chúa là loại bỏ sự sống đích thực.

Chẳng những là sai lầm, tất cả những chủ trương loại bỏ Thiên Chúa đều sẽ thất bại. Bởi vì không có gì trên cõi đời này có thể làm cho con người mãn nguyện. Nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng (chẳng hạn như chủ nghĩa duy khoa học), con người chẳng bao giờ hạnh phúc thật sự. Nói cách khác Không thể có hạnh phúc đích thật bên ngoài Thiên Chúa.

Người trẻ thời đại cần phải đề cao cảnh giác để không bị những xu hướng loại bỏ Thiên Chúa làm lung lạc và xa rời cội nguồn của mình. Họ cần phải xác tín về vai trò bất khả thay thế của Thiên Chúa trong công cuộc truy tầm hạnh phúc đích thật, đúng như câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô, được Đức Thánh Cha trích dẫn trong Sứ Điệp của ngài: “Con tim của chúng con sẽ còn khắc khoải bao lâu nó chưa được an nghỉ trong Chúa”.

2. Bền vững với căn tính Kitô giáo.

a. Căn tính Kitô giáo

Những nước được xem là hùng mạnh nhất về kinh tế và dân chủ nhất về chính trị trên thế giới hiện nay hầu hết đều là những nước có bề dày lịch sử Kitô giáo lâu đời. Không thể phủ nhận rằng nền văn hoá và văn minh của họ bắt nguồn từ những giá trị Tin Mừng. Khái niệm về nhân phẩm, về bình đẳng, về dân chủ, công bằng, tự do, liên đới đều xuất phát từ Tin Mừng Đức Kitô. Đó là lý do tại sao các tổ chức nhân đạo quốc tế đều được khai sinh từ những quốc gia Kitô giáo.

Tắt một lời, chính nhờ những giá trị Kitô giáo mà những quốc gia nói trên đã được xây dựng trên những nền tảng vững chắc như hiện nay.

b. Chối bỏ căn tính Kitô giáo.

Thế mà một số nước có nguồn gốc Kitô giáo đó đang có xu hướng cho rằng đức tin chỉ là “một chuyện riêng tư, không ăn nhằm gì tới đời sống xã hội” (trích Sứ Điệp của Đức Thánh Cha).

Đó là một hình thức quay lưng lại với Thiên Chúa, phủ nhận chính nguồn gốc của mình. Con số Kitô hữu lơ là với đạo mỗi lúc một đông, hiện tượng trong một gia đình mỗi người mỗi đạo càng ngày càng tăng…phải chăng là những bằng chứng cho thấy giới trẻ cũng đang bị đe doạ bởi nguy cơ chối bỏ căn tính Kitô giáo ? Có vẻ như lối sống vô thần đang trên đà phát triển.

c. Nguy cơ mất phương hướng

Nền văn hoá ngày nay giống như hiện tượng « siêu thị », nghĩa là người tiêu dùng có muôn nghìn khả năng và sản phẩm để chọn lựa. Cách quảng cáo và trưng bày sản phẩm thương mại tạo ra cảm tưởng mọi sự đều có giá trị như nhau. Những giá trị đó thay đổi theo thời tiết và không gian y như thời trang, khiến khách hàng khó lòng mà chọn lựa chính xác.

Não trạng đó chi phối mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực đức tin khiến người trẻ không còn biết xây dựng đời mình trên những giá trị then chốt nào.

Để có thể thoát khỏi hiện tượng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ hãy trở về di sản đức tin các thế hệ đi trước truyền lại, giống như một cây non cần phải có sự nâng đỡ hổ trợ trước khi trở thành cứng cát và sinh hoa trái.

Kết luận

Cần có một nền tảng vững chắc cho đức tin, có nghĩa là cần những điểm tham chiếu vững vàng để xây dựng đời mình. Nền tảng đó chính là Phép Rửa, Giáo Hội và Lời Chúa. Ý tưởng đó sẽ được Đức cha Hải Phòng trình bày trong bài giáo lý ngày mai.


Nguồn: Vietcatholic news