PDA

View Full Version : GÃ NGỐ



littlewave
06-08-2008, 12:16 PM
GÃ NGỐ (http://www.honnghesi.com/topicDetail.asp?topicID=1368)

Khép cửa, để bước vào văn phòng, tôi chợt ngớ người ra, và buột miệng thốt lên: "Gã Ngố!". Định quay lưng lại, nhưng cũng không kịp nữa rồi.
- Đúng là gã ngố đây chị Linh!

Tôi cảm thấy thẹn đỏ chín mặt. Một con người mà tôi từng ác cảm, xét nét và xem thường, đang ngồi trước mặt tôi trong vai trò "sếp" đại diện công ty sát hạch tôi. Và việc bị đánh rớt là không có gì phải ngạc nhiên. Điều đó không làm tôi quan tâm. Điều làm tôi khó chịu là, bây giờ ngôi vị đã đổi, từ chủ xuống tớ.

Nhưng rồi điều lo sợ đó đã không xảy ra. Hắn ân cần, niềm nở với tôi, một điều chị chị, em em như người thân quen ngày nào. Và điều đó, làm tôi tự hổ thẹn với bản thân. Một người, mình ác cảm, lại lấy sự cởi mở thân thiện đối đãi với mình. Hơn nữa, lại là cấp trên mình. Tôi bỗng nhớ lại cái ngày ấy…

* * *


Bữa đó, trời mùa thu, mưa rắc bụi. Hắn khoác chiếc áo ba-đờ-suy bạc màu. Tay cầm tờ báo, hắn ngênh ngang bước vào tiền sảnh nhà tôi với đôi giày bốt lấm láp bùn. Mẹ và mấy đứa em chưa hết kinh ngạc vì cách ăn mặc quái dị và sự đường đột của hắn, thì hắn lên tiếng: "Nhà có nhận gia sư dạy kèm phải không ạ?"

Bỗng đâu con chó Milu chạy ra cắn hắn. Mẹ tôi và gia đình cuống lên, băng bó cho hắn. Nhưng hắn lại tỏ ra tỉnh bơ: " Nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ!"

Con người nhà quê, cục mịch đã làm tôi ác cảm trong lần đầu gặp gỡ, lại càng ghét hơn, khi hắn tỏ ra ngông nghênh, chẳng xem ai ra chi. Đúng là ngu si hưởng thái bình. Tôi cứ thấy hắn ngố ngố ra sao ấy, rồi bỗng đặt tên cho hắn ta là "gã ngố".

Thực ra, mẹ tôi cũng chẳng ưa gì hắn. Nhưng nghĩ chó nhà mình "lỡ dại" cắn hắn, nên cho hắn dạy một vài tháng, rồi tính kiếm cớ cho nghỉ cũng không muộn. Còn ba đứa em tôi thì chán hắn ngày từ bữa dạy đầu tiên. Tôi thầm nghĩ: " Ba bảy hai mốt là cùng!". Nhưng rồi hôm sau, đi học về ngang qua phòng, nghe tiếng hắn sôi nổi về chuyện Thạch Sanh cứu Công Chúa, nhưng hắn lại hiện đại hoá: phi đạn, hoả tuyển... bắn nhau chí choé, khiến cho bọn trẻ cười ngặt nghẽo. Tôi biết, hắn đã chinh phục đuợc lũ nhóc. Tôi cảm thấy hụt hẩng, vì sự chinh phục thành công của hắn, làm tôi càng bực tức thêm. Tôi bắt đầu kiếm cớ, để gây chuyện với hắn, nhưng hắn lại tỏ ra rất biết điều và luôn lễ độ với tôi. Cứ một điều chị Linh và em, và hắn cũng luôn tìm cách né tránh, nên tôi không thể kiếm cớ để gây chuyện hắn đuợc.

Hắn thường đi chiếc xe đạp cọc cạch, trần trụi: thắng, dè, đèn cũng không. Hắn thường dắt xe để trước thềm nhà. Tôi kiếm cớ gây chuyện, và nói với hắn: "Phiền thầy, đừng để chiếc xe rác rưởi này, trước nhà tôi, trông nó bẩn lắm!". Hắn vâng dạ, rồi hôm sau, không thấy hắn đi xe đạp tới nữa. Nhưng rất lâu sau, tôi mới biết hắn đã gửi xe ở một tiệm sửa xe gần nhà tôi.
Hắn đã thô kệch, lại vụng về. Bữa nọ, không biết luống cuống ra sao, đánh vỡ chiếc ly. Có mặt tôi, hắn tỏ ra lúng túng, mặt đỏ gay : "Xin lỗi, tôi vô tình đánh vỡ". Tôi suýt bật cười khoái trá cho sự vụng về của hắn. Hôm sau, hắn thật thà mua trả lại chiếc ly. Thực ra, hắn hơn tôi những ba bốn tuổi. Hắn học năm cuối về quản trị kinh doanh.

Hơn hai tháng sau, chẳng nghe mẹ tôi nói đến việc cho hắn nghĩ dạy, tôi lấy làm ngạc nhiên, không biết hắn đã đắc nhân tâm mẹ tôi thế nào. Sau đó, tôi được biết: Hôm trước, người kế toán sổ sách của mẹ tôi nghỉ việc, không báo trước, mẹ tôi chưa tìm ra được người kế toán, mẹ tôi nói chuyện bâng quơ với hắn, hắn bảo: "Việc nhỏ nhặt có đáng gì, thôi để cháu giúp bác!"

Hắn làm việc suôn sẻ, rõ ràng và rành mạch hơn người tiền nhiệm. Mẹ tôi trả lương cho hắn, nhưng hắn quyết không lấy. Mẹ tôi tỏ ra kinh ngạc, người đâu thời buổi này lại quý hoá thế. Nhưng rồi, mẹ tôi lại tăng lương dạy học cho hắn, với lý do: mấy đứa thích học và tấn tới rõ rệt. Tôi thì cho rằng, hắn chỉ làm bộ kiểu cách mầu mè, sĩ diện hão. Nhưng tôi biết, cái ngày để cho hắn thôi dạy, chắc không còn xảy ra nữa. Mẹ tôi ngày càng ca tụng và mến mộ hắn, tôi như bị tổn thương tự ái hơn và càng căm ghét hắn hơn.

Thế là trong gia đình tôi, mẹ và ba đứa em đã đồng minh theo hắn. Anh tôi thì đàn đúm với bạn bè học hành chẳng ra gì, nên cũng chẳng quan tâm đến hắn. Ba tôi là viên chức nhà nước, đi làm luôn, ít khi gặp hắn, nên không có chính kiến về hắn. Còn chị tôi thì mê mải học hành, nhưng cũng có vẻ coi thường hắn, làm như không có sự hiện diện của hắn trong nhà.

Nhưng rồi, tình cờ xảy ra sự cố trong đêm chị tôi đi ăn sinh nhật. Đêm đó chị tôi về khuya, tới khu vực mất điện thì bỗng đâu một bọn côn đồ vây. Chúng định lấy xe và làm nhục chị tôi. May nhờ có người đi đường can thiệp kịp thời, và chị tôi thoát về, nhưng bọn kia lại quay sang đánh phủ đầu người đi đường.

Khi anh tôi chở chị tôi trở lại hiện trường, thì thấy vắng ngắt. Có vết máu trên đường và chiếc xe đạp nằm lăn lóc bên đường. Khi đưa chiếc xe đạp về nhà, tôi nhận ra: đây chính là chiếc xe đạp của gã ngố. Thế là vô tình, hắn được thêm hai đồng minh thân thương và tin cậy. Còn mẹ tôi thì than thở: "Tội nghiệp cho hắn", rồi chạy đôn đáo, kiếm khắp các bệnh viện, nhưng cũng chẳng tìm thấy hắn đâu.

Đó là lần đầu tiên, tôi bắt đầu xét lại cái ác cảm về hắn. Nhưng thật sự, tôi cũng chưa thể có thiện cảm với hắn. Tình cờ, tôi đi thăm mộ của người bà con và trong khi đi mua hương thì gặp hắn nằm điều trị trong một căn nhà tồi tàn ở bên cạnh nghĩa trang, sau cái vụ hắn ra tay nghĩa hiệp. Hắn ở cùng với lão già bảo vệ, người đồng hương. Người hắn xanh xao và mặt vẫn còn nhiều vết bầm tím. Tự dưng, tôi cảm động về hoàn cảnh của hắn, và trong hoàn cảnh này, làm sao hắn có tiền đi bệnh viện kia chứ! Còn mẹ tôi khi nghe kể, đã đôn đáo đưa hắn vào viện chăm sóc.

Đến ba tôi, người chẳng mấy khi quan tâm đến việc nhà, cũng đã cảm kích hắn, và càng cảm kích hắn hơn khi một Chủ Nhật nọ, một ông bạn tới chơi cờ, và cờ đang dở cuộc, ba tôi bị chiếu bí. Hắn chỉ tình cờ đi ngang, rồi mách nhỏ cho ba tôi và ba tôi đã thắng. Thế là khi nào rảnh rỗi, ba tôi cũng gạ hắn chơi vài ván. Nhưng rốt cuộc, khi nào hắn cũng nhường ba tôi một ván. Ba tôi biết, hắn tỏ lễ độ kính nhường người trên, thì càng nể cái nhân cách của hắn hơn.

Kể ra thì hắn cũng có nhiều cái tài vặt: từ toán 12 mấy sao, đến các câu đố mẹo, hắn suy luận rất nhanh và sắc sảo để giải đáp. Những bài luận văn của chị tôi, hắn làm rất hay và đầy văn vẻ. Nhưng rồi, tôi đã ngã ngựa cảm phục tài hắn, trong cái đêm Sinh Nhật của chị tôi. Lúc đó trời đổ mưa, hắn ôm ghi-ta thùng, hát liền một lúc ba bài về mưa của nhạc nước ngoài, trong tiếng vỗ tay thán phục. Nhưng tôi thích nhất là bài: Rain & Tears của Aprodite Child. Giọng hắn trầm ấm, sâu lắng, nghe mênh mang da diết. Khi lên cao hơi khàn đục, càng tâm trạng hơn trong lời hát: "Rain and tear, are the same. But in, the sun you’ ve got to play the game…"

Đó là lần tôi xúc động nhoà nước mắt, khi nghe hắn hát. Có lẽ, cuộc đời nghèo khó và dâu bể đã hoà quyện trong giọng hát đầy cảm xúc, đã khiến hắn hát có hồn đến thế.

Đúng lúc người cuối cùng trong gia đình bị hắn khuất phục là tôi, thì một chuyện hiểu lầm xảy ra, mà chính ngay cả tôi, cũng ngờ ngợ là hắn.

Tôi còn nhớ, hôm đó là ngày 23 âm lịch - ngày ông táo về trời. Hắn dạy xong, và về nhà lấy bài tập, để cho ba đứa làm bài trong dịp Tết và nghĩ Tết luôn. Khi hắn trở lại, thì mẹ tôi phát hiện ra mất 10 triệu đồng, mẹ tôi để quên trong phòng học của mấy đứa. Hình như mẹ tôi cũng có phần nghi hắn lấy, bởi chỉ có hắn là người lạ trong phòng. Mẹ tôi sổ sàng hỏi hắn:
- Thầy có cầm lộn số tiền 10 triệu tôi để đây không?
Hắn tỏ ra sửng sốt khi bị hỏi như thế. Và dường như bị xúc phạm một cách đau đớn, người hắn rung lên, mặt tái mét, càng làm cho mẹ tôi thêm nghi ngờ. Hắn ú ớ nói như khóc:
- Không! Không! Cháu không lấy đâu ạ!
Trông khuôn mặt hắn lúc đó thật thảm hại. Chỉ vì hắn về lấy bài tập, mà mẹ tôi nghi hắn. Còn tôi, chút thiện cảm vừa mới nhen nhúm, đã vội tắt, để dành sự nghi ngờ cho hắn.

Hôm sau, không thấy hắn đến dạy, mẹ tôi nghĩ là, hắn còn ngượng về sự việc hôm trước. Nhưng rồi một tuần, hai tuần… và cả tháng sau, hắn cũng không đến dạy. Mẹ tôi bắt đầu cảm thấy hối tiếc cho sự nông nổi của mình. Hơn nữa, hắn đang gửi nơi mẹ tôi số tiền 5 triệu đồng, để đóng tiền học quý hai. Ba tôi trách cứ mẹ tôi : "Để tiền đâu mất, rồi hồ đồ đổ cho hắn. Một người nhân cách và chân chất như thế, không thể làm việc đó được".
Mấy hôm sau, tôi và mẹ tôi tìm đến ngôi nhà của ông lão, cũng không có tin tức gì về hắn. Tìm đến trường ĐH, nhà trường bảo hắn đã nghĩ học hơn cả tháng nay. Bây giờ thì mẹ tôi thực sự hối hận cho sự hồ đồ đó, vì đã làm dang dở việc học của hắn.

Ngày tháng trôi đi trong sự tiếc nuối của mẹ tôi...
Rồi một hôm, sự việc xảy ra khiến cho mẹ tôi càng ân hận mãi. Anh tôi bị bắt, vì tội sử dụng và tàng trử ma tuý. Anh tôi khai số tiền mẹ tôi mất hôm đó, là do anh tôi lấy. Mẹ tôi ngỡ ngàng về việc anh tôi nghiện ngập thì ít, nhưng dằn vặt mãi về chuyện hàm oan cho hắn lấy tiền thì nhiều.

Nỗi day dứt chưa nguôi, thì mấy tháng sau, hắn gửi trả lại số tiền 5 triệu cho mẹ tôi với dòng chữ: " Cháu gửi bác số tiền bác mất hôm trước, cộng với tiền dạy học". Hành động tự trọng của hắn, làm mẹ tôi chết điếng trong lòng. Thời buổi nhiễu nhương vàng thau lẫn lộn, mà còn có những con người chân chất và tự trọng đến thế. Bị hàm oan, không tức giận, mà vẫn trả lại số tiền cho mẹ tôi, để khỏi phiền lòng khi nghĩ về hắn.

Rồi một hôm, nơi góc đường ngã tư đèn đỏ, có tiếng gọi:
- Chị Linh, chị Linh!
Tôi nhìn lên, rồi buột miệng:
- Gã ngố!
Hắn vẩy tay chào, rồi nói:
- Gã ngố đây chị Linh!

Tôi chưa kịp gọi thì chiếc xe chở sinh viên tình nguyện "Mùa Hè Xanh" đã chạy vụt đi. Lần đầu tiên, hắn đã làm mắt tôi cay sè. Sự thương cảm và tội nghiệp cho cuộc đời trôi nổi của hắn, làm tôi bồi hồi xao xuyến.

Và từ đó, trong tâm tư tôi không thể gọi hắn là "gã ngố" được nữa. Hắn đã cho tôi một bài học quý giá của cuộc đời. Sự chân chất nhà quê và lòng tự trọng của hắn đã đánh gục sự cao ngạo và lòng kiêu hãnh của một tiểu thư trưởng giả trong tôi. Giờ đây, tôi không còn dám hồ đồ, để khinh miệt những con người bề ngoài thô kệch và quê mùa như hắn nữa.

Nhưng tôi lại thầm trách hắn: " Tại sao hắn lại cứ một điều chị, hai điều em mãi, như thế thì làm sao những mong ước thầm kín trong tôi có thể mở ra, để chắp cánh bay tới khung trời mộng mơ được chứ!?"

NGUYỄN VĨNH CĂN (Châu Sơn - Ban Mê)