View Full Version : Ơn Gọi
ThuoctronveChua
27-08-2011, 01:10 PM
Ơn gọi
Mt 10, 1-7
Bài Tin Mừng nói về ơn gọi của các tông đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ơn gọi tu trì của chính chúng ta. Có thể nói, ơn gọi của các Tông Đồ là kiểu mẫu của mọi ơn gọi.
1. Chúa muốn
http://dongten.net/wp-content/uploads/2011/06/Mt-71-5.jpg (http://dongten.net/wp-content/uploads/2011/06/Mt-71-5.jpg)
- Ơn gọi của các tông đồ phát xuất từ chính ý muốn của Chúa: “Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại”. Tin Mừng Maccô còn nói rõ hơn: “Đức Giêsu gọi đến với Người những ai Người muốn” (Mc 3, 13).
- Cũng thế, ơn gọi của chúng ta đến từ chính ý muốn của Chúa: Chúa gọi đích danh từng người chúng ta – và chúng ta đáp lại. Cho dù khi đến với đời tu, chúng ta có nhiều động lực hay lí do khác nhau. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời tu của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”, nghĩa là chính ý muốn của Chúa. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
- Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời.
- Xác tín được Chúa gọi, không chỉ một lần là xong, nhưng phải được xác tín lại hằng ngày; chúng ta cần làm mới lại ơn được gọi mỗi ngày, như thể ngày nào chúng ta cũng nghe được tiếng Chúa gọi.
2. Chúa muốn gọi ai?
- Con số được gọi là 12. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
- Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng đã gọi tên từng người chúng ta. Các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đang “lôm côm”, giới hạn, bất toàn như chúng ta, có khi còn kém hơn. Và thực sự là như thế!
3. Chúa gọi để làm gì?
- Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Ngài gọi các tông đồ, Ngài gọi chúng ta chính là để cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông. Chúng ta có thể tự hỏi, những ai hôm nay là “đám đông” như thế, là đối tượng mà Đức Giêsu chạnh lòng thương?
- Chúa bảo các môn đệ “xin chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về”, nhưng rốt cuộc Chúa chẳng đợi ai xin. Chính Chúa chọn và sai các tông đồ, và hôm nay chọn và sai chúng ta.
- “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại…”. Như thế, Chúa muốn chúng ta làm chứng và rao giảng Nước Trời trước tiên với những người thân cận lạc loài, chưa cần phải đi đâu xa xôi.
- “Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhất là những người trẻ mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, truyền thống bền vững, chạy theo các ngẫu tượng; đám đông cũng có khi là cả một xã hội!
Giuse Nguyễn Văn Lộc
hatbui.
18-11-2011, 08:28 AM
ĐOẢN KHÚC 76: ƠN GỌI
- Thưa Cha, làm sao Cha biết Cha có ơn gọi đi tu?
Một lần, một người bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi đã hỏi về ơn gọi của tôi.
Băn khoăn về ơn gọi đi tu là băn khoăn về một chuyện rất đẹp. Bạn đang băn khoăn về tâm tình của hai người. Một người gọi và một người đang chờ muốn được gọi.
Đó là tâm tình của hai tâm hồn, hai trái tim nói chuyện với nhau. Người gọi là Chúa và người nghe là bạn.
Ơn gọi là chuyện riêng tư, khi bạn hỏi làm sao tôi biết mình có ơn gọi đi tu. Tôi không biết trả lời bạn sao cho dễ dàng. Trả lời theo ngôn ngữ những sách tu đức, thì tôi không chắc mình biết những điều mình học. Trả lời bằng chuyện đời mình đã đi qua thì tôi lúng túng vì đó là chuyện riêng và không biết bắt đầu thế nào. Trả lời bằng những gì mình đã đi qua thì nó có những vụng về của nó, vì nó riêng tư, nhưng những gì mình đã đi qua thì mình biết rõ hơn.
Vì là chuyện Chúa gọi, nên chuyện ta đang nói với nhau liên hệ tới ơn thánh. Bạn đang đi trên con đường rất đẹp. Nơi nào có ơn thánh, nơi nào có tiếng Chúa là nơi ấy có vẻ đẹp. Một khi bạn băn khoăn không biết Chúa có gọi bạn đi tu không tức là bạn đã ít nhiều đang nghe tiếng Chúa rồi, ít nhiều bạn đang đi vào đường đẹp đó rồi.
Khi trả lời bạn Chúa gọi tôi thế nào. Bạn nhắc nhở tôi về ơn gọi của chính tôi. Bởi thế, trả lời bạn cũng là nhắc cho tôi tiếp tục sống ơn gọi ấy. Cám ơn bạn.
Bạn có cho rằng khi tiếng Chúa thì thầm gọi đã là quà tặng hay chưa, hoặc bạn phải đợi tới khi đi tu rồi bạn mới cho đó là quà tặng. Với tôi, khi rất mơ hồ nghe tiếng gọi, có thể một chiều nào bâng khuâng với tháp chuông, hình ảnh nóc giáo đường, tôi cho đó đã là quà tặng rồi. Điều đó quan trọng đối với tôi vì câu trả lời cho bạn, tôi dựa trên luận cứ này. Nghĩa là hễ cứ có bóng hình Chúa là có ân sủng rồi.
Muốn nói quà tặng là một ơn thánh, thì để lãnh nhận, tôi cần tâm hồn yêu mến vẻ đẹp. Tiếng gọi là một ơn thánh, thì để nghe, tôi cần một cõi lòng thanh tịnh. Tôi cần chính ơn Chúa để nghe tiếng Chúa. Tôi muốn nói những điều ấy với bạn để bắt đầu trả lời câu hỏi của bạn.
Khi bạn phân vân không biết Chúa gọi bạn thế nào đây. Đầu tiên, bạn dùng trí tuệ để phân tích, rồi bạn có thể xin ý kiến người chung quanh. Điều đó rất đúng. Tôi cũng trải qua con đường đó. Tuy nhiên, có một tâm tư tôi muốn nói với bạn:
- Cầu nguyện tha thiết và ngay lành trong tin tưởng.
Cần chính ơn Chúa để nghe tiếng Chúa thì bạn phải phó thác và đơn sơ khi tìm nghe tiếng Chúa. Như tôi đã nói với bạn, tôi ngại khi trả lời bạn vì nó là câu chuyện riêng tư của riêng mình.
Sự phó thác và đơn sơ như nghịch lý với thông minh của trí tuệ. Khi gặp một điều khó khăn, bạn muốn dùng trí tuệ để giải quyết vấn đề. Một người thông minh lại càng muốn giải quyết bằng trí tuệ của mình hơn. Lúc đó, rất có thể bạn nghĩ phó thác cho Chúa, điều ấy tiêu cực quá.Còn tin tưởng là không tính toán theo trần thế, như một bé thơ, điều ấy có vẻ ngây ngô quá. Sống trong xã hội bạn phải tính toán nhiều. Cạnh tranh với cuộc sống, bạn phải cân nhắc, so đo, dè dặt. Người ta gọi đó là khôn ngoan.
Rất có thể bạn cũng áp dụng những nguyên tắc đó vào ơn gọi đi tu. Hoặc có khi bạn cũng so đo, dè dặt khi nghe tiếng Chúa mà không biết rằng mình đang tính toán với Chúa. Hơi khó để nói cho bạn điều tôi muốn nói, vậy bạn cho tôi nói bằng một kinh nghiệm của riêng tôi.
Vào năm đó, 1983 tôi đã đi hết năm năm thần học, sắp được thụ phong linh mục. Bấy giờ Chúa lại gọi tôi vào một con đường khác: Con đường tu Dòng.
Qua lần này, tôi hiểu hơn thế nào là phó thác, tính toán và ơn gọi. Tân linh mục thường là 26 hay 27 tuổi. Năm tôi học xong thần học đã là 32. Thay vì thụ phong linh mục, lúc này, tôi cảm thấy đời sống tu dòng thích hợp với tôi hơn.
Tôi mong ngày thụ phong linh mục vì đã chờ đợi bao năm rồi. Bây giờ tới đích lại hoãn lại hay sao ? Hoãn lại biết tới ngày nào? Biết nói sao với Đức Cha nếu bỏ địa phận ra đi. Cái băn khoăn lớn nữa là nhà dòng có nhận mình không. Vì thế, bắt đầu phải “tính toán”.
- Một là cứ “âm thầm” liên lạc với nhà dòng, khi họ nhận mình rồi, bấy giờ báo cho Đức Cha biết. Trình bày trước, nếu nhà dòng không nhận, biết chỗ đâu quay về? Đức Cha đã biết ý định mình muốn ra đi như thế, liệu Đức Cha có nghi ngờ ơn gọi của mình không ? Liệu biết đâu ngài mang thành kiến rồi đối xử tệ với mình thì sao đây? Những ý nghĩa ấy làm tôi ái ngại.
- Hai là cứ thụ phong linh mục trước đã, rồi vào dòng sau cũng được. Điều này còn chắc hơn nữa vì mình đã là linh mục rồi, có thể nhà dòng quý mến mình hơn. Tôi hỏi ý kiến và có người cũng góp ý với tôi như vậy. Họ bảo phải khôn ngoan mà tính toán.
Xem ra con đường nào cũng có vẻ hợp lý.
Nhưng suy niệm trước Nhà Chầu của Chúa, tôi thấy có dáng dấp của sự thiếu siêu thoát.
Điều làm tôi băn khoăn hơn nữa là bấy giờ tôi vẫn mang student visa. Tôi tỵ nạn bên Âu Châu. Từ Âu Châu qua Mỹ, tôi mất quyền tỵ nạn, không có thường trú nhân. Nếu thụ phong linh mục, sẽ có thường trú nhân ngay, điều này lợi lắm vì tôi có thể làm giấy bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Là người con duy nhất ở nước ngoài, người anh cả của bẩy đứa em, điều đó thôi thúc tôi rất nhiều. Trăn trở ấy cứ bảo tôi thụ phong linh mục đi đã. Những chiều thinh lặng trước Nhà Chầu, tôi thấy Chúa không bằng lòng với cả hai cách tính toán trên.
Những cuối tuần sinh viên đi nghỉ, nhà trường vắng, tôi ở trong phòng với những tính toán. Đã nhiều lần tôi lấy ý kiến người khác để xoa dịu lương tâm mình, nhưng trước Nhà Chầu của Chúa, Chúa vẫn có một tiếng nói riêng. Chúa nói phải siêu nhiên và phó thác.
Bây giờ, tôi muốn nói với bạn về “tiếng nói riêng” này của Chúa là gì. Trong những giờ cầu nguyện, tôi nghe như Chúa nói rằng: “Con hãy dùng trí thông minh mà tính toán trong cuộc đời, nhưng chuyện ơn gọi đi tu, con đừng tính toán”.
Lúc ấy,. nhìn về tương lai thật mù mờ. Làm sao tôi dám gọi niềm tin mà phó thác. Tôi muốn tính toán sao cho đời mình khỏi lỡ dở. Tôi nghe văng vẳng cung điệu đó là, với Chúa, tôi phải lắng nghe tiếng gọi bằng con tim chân thành. Nếu tôi tính toán, đời linh mục của tôi sẽ không trong sáng. Nhưng còn gia đình tôi thì sao. Giữa lúc biết bao người đang qua Mỹ theo diện đoàn tụ dành cho người Việt Nam. Tôi cần tấm thẻ xanh thường trú nhân.
Ơn gọi đi tu là một tự do tuyệt vời, tự do của cả hai trái tim, nơi người gọi và nơi người nghe. Tuyệt đối không thể có tính toán trần thế, vì ơn gọi này không thuộc về trần thế, làm việc giữa trần thế, nhưng không đến từ trần thế.
Tôi phải tìm hiểu ơn gọi trong sự tin tưởng. Trong những ngày đó, cám dỗ của tôi là cứ giấu Đức Cha đi. Mình tự tính toán như thế là đủ rồi. Tôi không muốn nói với bạn là bề trên luôn luôn không thể sai lầm. Có khi bề trên sai lầm.
Điều tôi muốn nói với bạn là sự chân thành và nghe tiếng gọi từ nơi Nhà Chầu vắng.
Tôi tin điều này và có những trường hợp tôi phải tin một cách mãnh liệt, một trong những trường hợp đó là để Chúa hành động trong ơn gọi linh mục của mình. Riêng trong trường hợp của tôi, tôi biết có khi bề trên cũng sai lầm, nhưng ở đây, qua những giờ phút tính toán, tôi thấy Chúa muốn tôi hành động qua Đức Cha. Phải cho ngài biết.
Biết vậy, nhưng tôi phải chiến đấu lắm mới dám trình bày tất cả cho cả Đức Cha địa phận và nhà dòng biết. Tôi đã qua những quyết định thật khó khăn. Chắc bạn muốn biết, vậy Đức Cha nghĩ gì và rồi tôi tiếp tục ơn gọi ra sao ?
Sau khi trình bày xong, Đức Giám Mục địa phận im lặng rồi nói: “Nếu nhà dòng không nhận, thầy vẫn có thể ở trong địa phận của tôi. Nhưng thầy sẽ không được chịu chức. Thầy sẽ đi giúp xứ, bao lâu tôi không biết, cho đến khi tôi gọi”.
Chợt nghe, lòng tôi cũng se sắt, đã xong năm năm thần học rồi, bây giờ lại biết đến bao giờ. Thụ phong linh mục, tôi sẽ có thường trú nhân, tôi nghĩ đến gia đình.
Đối với ơn gọi, ta phải quy phục trước thánh giá bạn ạ.
Những tháng ngày sau đó, tôi chưa biết nhà dòng có nhận tôi không, nhưng tôi thấy mình không có chút gì gian dối trong ơn gọi. Có hơi buồn và trăn trở nhưng tôi thấy mình đi đúng hướng. Khó khăn thì không hết nhưng có bình an. Tôi mơ hồ hiểu bình an mà Chúa nói với các môn đệ không như bình an của thế gian. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy một nỗi niềm nào đó có thể là xót xa xẩy ra về vấn đề bảo lãnh gia đình.
Cũng những tháng ngày sau đó, Đức Cha thương tôi hơn. Có lần ngang qua tiểu bang, phải đợi máy bay ngoài phi trường, ngài lấy taxi vào chủng viện thăm tôi, điều mà chưa bao giờ xảy ra trước đó. Cái thăm rất chân tình không phải để “câu người” nhưng là như người cha giúp đứa con của mình tìm thánh ý Chúa. Tôi nói với Đức Cha:
- Con muốn tìm hiểu thánh ý Chúa, con trình bày hết và xin Đức Cha giúp con. Con rất ngại khi nhìn về mấy năm ăn học mà địa phận đã trả cho con.
Đức Cha ôn tồn nói:
- Thầy không phải lo gì cả, thầy cứ tìm hiểu thánh ý Chúa đi. Ở đâu cũng là phục vụ cho Giáo Hội.
Năm 32 tuổi tôi mới vào dòng. Lại một con đường mới. Nhà dòng cũng chưa biết tôi thế nào. Nhà dòng cũng cần thời gian để thử thách tôi thêm. Trước khi vào dòng, tôi đã nhìn thấy thời gian dài đằng đẵng ấy, Cha Bề Trên Dòng cho biết ít nhất phải đợi thêm sáu năm nữa. Tôi đã học xong chương trình thần học của địa phận là năm năm. Tôi có thể thụ phong linh mục và có thường trú nhân ngay. Bây giờ phải đợi thêm sáu năm nữa, tiếp tục đời sinh viên, mà còn dài hơn chính chương trình thần học tôi vừa học xong. Thời gian quá dài làm tôi ngán ngẩm. Có những ngày dài tôi rất ái ngại, hơi hoang vu.
Tôi cũng tự hỏi sau những năm dài ấy mới thụ phong linh mục, lúc đó mới có thường trú nhân, có thể tôi mất cơ hội bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Điều ấy làm tôi lo lắng và buồn nhất. Tôi cảm thấy mơ hồ một điều gì đó sẽ xảy ra. Tôi biết thế.
Và như điều lo xa, điều ấy đã xẩy ra.
Tôi đã mất cơ hội bảo lãnh gia đình.
Thời gian chờ đợi quá lâu. Sau năm năm thần học của địa phận, tôi chờ thêm sáu năm nữa theo chương trình trong dòng. Tất cả sau mười một năm, thụ phong linh mục xong, có thường trú nhân, nhưng phải đợi năm năm để lấy quốc tịch. Thụ phong linh mục xong, tôi đi làm mục vụ bên trại tỵ nạn. Ngày trở về Mỹ, chương trình bảo lãnh đoàn tụ không còn. Điều dự đoán đã xảy ra như vậy. Tôi chấp nhận con đường của riêng tôi.
Tôi không bảo lãnh gia đình qua Mỹ được, tôi nhìn đó như là cả gia đình được tham dự vào ơn gọi của tôi. Tôi quý ơn gọi này.
Nhìn lại những bến bờ, tôi nhờ sáu năm chậm lại này mà gặp gỡ biết bao chuẩn bị tốt làm hành trang cho con đường linh mục của tôi trong tương lai. Lại cũng nhờ thêm sáu năm nữa làm việc mục vụ bên trại tỵ nạn mà tôi chìm sâu hơn vào ơn gọi linh mục. Thanh thoát sau những năm đầu đời mục vụ, rồi mơ hồ lãng đãng, không hẳn sương, không hẳn khói, nhưng nó không là bình minh rất sáng. Những mùa hè về Mỹ giúp tĩnh tâm, có dịp ghé qua những nơi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đông đúc. Khi được mời dâng lễ cưới, họ gởi tôi phong thơ tạ ơn. Ở những cộng đoàn như thế, lòng quý mến của giáo dân Việt với linh mục còn cao quý lắm. Từ đó, có những so sánh, thiếu tâm tình cao thượng của con diều yêu trời mây. Để sống đời linh mục mà không phải chống lại một lười biếng, dễ dãi nào đó, tôi rất nghi ngờ về lối sống thoải mái này.
Tôi không muốn gọi những tháng ngày vất vả tìm hiểu đó là cách Chúa “thử thách”. Tôi muốn gọi đó là con đường Chúa thanh tẩy. Chúa biết những gì tôi cần hơn để chuẩn bị cho đời sống linh mục của tôi. Chúa có cách chuẩn bị riêng cho bạn. Bạn hãy chân thành và tin tưởng Chúa trong lúc tìm hiểu ơn gọi của bạn. Bạn cũng hãy nhìn về phía trước, nếu đó là ơn gọi, bạn phải bảo vệ ơn gọi đó thế nào. Những gì xảy ra khi bạn theo ơn gọi đó.
Ơn gọi là ánh trăng. Cần một hồ nước êm ả.
Ơn gọi là áng màu của mây, phải đón gió để nó trôi đi.
Ơn gọi là quà tặng, hãy nhận bằng tâm hồn yêu mến vẻ đẹp.
Ơn gọi đi tu là vẻ đẹp của ánh sáng trong đêm, bạn đừng để bụi đường toan tính trần thế làm mờ ánh lấp lánh của ngàn sao.
Như tôi đã nói với bạn. Chúa gọi mỗi người một cách riêng tư. Vì riêng tư nên chúng ta đáp trả riêng tư. Vì riêng tư nên nguy cơ có thể xảy đến với bạn không có nghĩa là nguy cơ cho tôi. Tôi quyết định theo tiếng gọi của tôi, nên tôi không được đưa tiêu chuẩn đó vào quyết định của bạn.
Bạn có cho những quyết định của tôi trong cách tìm hiểu ơn gọi như thế là không biết “tính toán” không? Cuộc đời hôm nay họ bảo phải “khôn ngoan” mà sống. Phải “thực tế” mà hành động. Sau cùng, rất có thể họ chối từ niềm trông cậy và phó thác, họ không còn thành thật nữa. Và rồi sự “khôn ngoan” trần thế đi quá sâu vào những công việc siêu nhiên.
Bạn đồng ý hay không vẫn là suy tư của riêng bạn.
Khi bạn tìm hiểu về ơn gọi và bạn hỏi tôi về ơn gọi của riêng tôi, thì tôi phải trả lời bằng kinh nghiệm của riêng mình. Như thế, bạn biết đó, câu trả lời cho bạn, nó chân thành đến từ một trái tim. Và cũng chân thành, tôi xin nói với bạn, hôm nay, tôi rất quý đời sống linh mục của tôi. Tôi hạnh phúc trong ơn gọi. Tôi thấy đời ơn gọi linh mục quá đẹp. Không có gì thay đổi hoặc đánh mất được ơn gọi này. Ngày thơ tuổi nhỏ tôi viết Tình Thơ Thập Giá và Mùa Hoa Trên Thánh Gía Gỗ. Dù ngày xưa tuổi nhỏ, tôi đã mơ hồ thấy rằng thập giá vẫn có tình thơ. Dù chỉ là thánh giá gỗ vẫn nở mùa hoa. Cô đơn của thập giá, tuổi nhỏ, tôi gọi là cô đơn của thi ca. Lời kinh đời linh mục, tôi viết về buổi chiều lẻ loi là lẻ loi thi vị của văn chương. Trải qua một phần đời linh mục, tôi có thể nói, linh mục không thể cô đơn hiểu theo nghĩa là héo hắt, sầu muộn. Lẻ loi của lời kinh linh mục là một huyền nhiệm linh thiêng. Là vẻ đẹp của một đường đi.
Đời linh mục vẫn là một huyền nhiệm tiếp tục gọi tôi vào khám phá. Hạnh phúc vì được khám phá và từ khám phá họ bắt gặp hạnh phúc. Phải chăng đấy chỉ là hai bờ đê của một dòng sông mà nhiều người chọn đi. Có những dòng sông họ phải quyết định ra khơi một mình.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=442&ict=5232
hatbui.
18-11-2011, 08:30 AM
ĐOẢN KHÚC 49 : TIẾNG GỌI BÊN RỪNG THU
(http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=169&ia=7051)
Gởi Người Bạn Trẻ
Tôi xa Việt Nam năm 24 tuổi. Quê hương bỏ lại. Bố đi cải tạo. Một mình mẹ nuôi 7 đứa em. Làm người con trưởng, tôi ra đi với nhiều trăn trở. Mẹ và các em ở lại sống ra sao?
Ở tuổi đó, người thanh niên phải có một hướng đi rõ rồi, nhưng hoàn cảnh thay đổi khắc nghiệt làm hướng đi đời tôi băn khoăn hơn. Băn khoăn lớn nhất là không biết Chúa còn tiếp tục gọi tôi đi tu hay không. Chúa không hiện ra để nói rõ cho tôi biết tôi có ơn gọi hay tôi cần phải đổi hướng đi. Tôi tiếc ơn gọi, nhưng tôi băn khoăn về cuộc sống mới của tôi và gia đình. Thời gian thật dài, thật trống trải. Bấy giờ tôi chỉ tin rằng Chúa không bao giờ im lặng mãi. Tôi tin rằng cứ cầu nguyện rồi Chúa sẽ cho biết.
Cho dến một ngày rất mệt, tôi lấy xe lửa từ Tournai xin đến một viện tu để tĩnh tâm, tu viện Soleimont.
Một chiều mùa thu, gió se lạnh. Tôi ngồi bên bờ đá, chung quanh vắng lặng. Giữa rừng thu có một cây khô trơ cành đã chết tự thủa nào. Tôi thấy cây khô ấy giống như đời tôi. Xa gia đình, xa tất cả. Tự mặc cho mình cánh áo sâud bi ấy, tôi cho đời người khác là rừng thu đẹp kia, còn tôi là gốc cây khô. Khi mình càng vin cho đời mình những hình ảnh sầu não thì cái nhìn về cuộc đời càng bi quan.
Rồi bất chợt, tôi nghe có tiếng chim hót trên cành. Lắng nghe, tôi thấy tiếng chim như cũng se sẽ hót trong hồn tôi.
Trời vừa xong cơn mưa, lá trên cành đọng nước, nhỏ giọt, làm bày chim ướt cánh. Chúng con thể đậu được. Nhờ cây khô chết không còn lá nên bày chim mới có thể thong thả dừng chân. Nhờ những cành khô ấy mà khu rừng mới có tiếng hót của bày chim. Không ngờ những cành cây khô giữa rừng thu đẹp kia lại cũng có một ơn gọi riêng trong rừng thu ấy.
Nhìn những cành cây khô, tôi cũng lại nghe như chúng đang muốn nói với tôi về ý nghĩa đời nó. Qua hình ảnh cành cây khô là chỗ dừng chân cho đàn chim cất tiếng hót, tôi thấy Chúa muốn tôi về ơn gọi của mình.
Như con nước nhè nhẹ dâng, tôi thấy lòng mình tự do dần dần. Rồi rừng thu cũng nhè nhẹ sang mùa, không phải sang mùa trên lá, trên cỏ cây mà trong hồn tôi. Tôi thấy dấp dáng một sự thong thả, một thứ hạnh phúc rất đơn sơ, nhẹ thôi, nó là sự bình an.
Tôi có ơn gọi đi tu không? Qua tiếng hót của bày chim, qua hình ảnh những cành cây lạc lõng, tôi biết lời cầu xin đã được Chúa đáp trả, cảnh cửa im lìm bắt đầu mở, nắng ấm đã dọi trong hồn lạnh sau một thời gian dài.
Trở vào nhà nguyện, tối một mình bên Nhà Chầu, ánh đèn rất ấm cúng thiết tha. Hình ảnh những cành khô giữa mùa thu lá vàng se lạnh và tiếng hót trong khu rừng thu vắng đẹp như một bài thơ nhẹ đọng xuống linh hồn. Nhẹ nhàng mà có sức mạnh thiêng liêng xoá đi hết những muộn phiền phân vân. Linh hồn tôi bình an lạ thường, và ơn gọi đi tu trở nên mãnh liệt hơn lúc nào hết.
Trong lá thư gởi tôi, em hỏi: “Làm sao Cha biết Cha có ơn gọi đi tu?” Tôi hiểu là em cũng đang băn khoăn như tôi thủa nào. Em muốn theo đuổi ơn gọi nhưng phân vân. Tôi lưỡng lự, không biết viết cho em một lời khuyên, hay trả lời em bằng ngôn ngữ sách tu đức. Sau cùng, tôi chọn cách trả lời em như một người đi trước, viết cho em cảm nghiệm của tôi, nhưng bằng ý từ ngôn ngữ thi ca. Bởi, trong hình ảnh thi ca, em có cả một vùng trời sáng tạo để bước vào. Tôi xin gởi em:
Tiếng Gọi Bên Rừng Thu
Có nhiều bài thơ về mùa thu. Người ta hay nói đến mùa thu như những khung trời mang nhiều chia ly. Nhìn cánh lá rơi, gợi một nỗi cách xa. Gió nhẹ thôi mà lá thu cũng giã từ. Cứ nhìn những cánh lá lặng lẽ ra đi, mùa thu sẽ nói với người lữ khách “mùa thu không trở lại”. Có giã từ, nên những tâm tình trong mùa thu hay mang lời ru: “mùa thu đã chết rồi”. Chia ly là định mệnh, con người cũng thế thì cỏ cây cũng vậy, chẳng nên trách mùa thu là khung trời xa cách, là bóng người phân ly. Đối với tôi, mùa thu có chia ly nhưng bao giờ cũng đẹp. Trời thu bao giờ cũng dịu và nhất là khi có tiếng thu thì mùa thu huyền dịu biết bao.
Kính lạy Đức Vua, như người hành khất, con đến trước cửa nhà Người trong trời thu gió ẩm sương. Lối cỏ ướt. Đường đi yên tĩnh vắng người qua lại. Có phải mùa thu là tiếng thở cuối mệt mỏi của thời gian báo cho người hành khất tìm chỗ trú thân vì gió đông sắp tới? Gió đông lạnh làm cỏ cây khô cứng, nó là một không gian không còn niềm vui, chỉ có im nìn. Nếu so sánh đời một người chỉ có thể ví trong đời người cũng giống như những tháng ngày u ám, đang dẫn dần người đó đến lối chỉ còn là nặng một cõi lòng. Người hành khất bên rừng thu như thế cũng giống như con đường thiêng liêng mà một linh hồn đang lạnh vì không thấy hơi ấm của niềm tin, không thấy Thượng Đế đâu trong cuộc sống, đang lo âu tương lai. Bấy giờ gió ẩm của sương là nỗi lạnh thâý linh hồn bơ vơ. Trời mù hơi nước là băn khoăn của con đường thiêng liêng không biết phải quyết định làm sao, đâu là lý tưởng, con đường nào phải theo.
Kính lạy Đức Vua, như người hành khất, con đến trước cửa nhà Người kể lể câu chuyện về một mùa thu ẩm lạnh hơi sương. Như Người biết, khi mùa thu đến là gió có heo may, có những cánh chim giang cánh tìm nắng ấm và có những chuyển màu huyền nhiệm trên sự sống của cỏ cây. Đường thiêng liêng của linh hồn trong thời gian mùa thu cũng vậy, bối rối và u sầu, muốn bay mà cứ chập chừng, muốn tin mà cứ ngờ vực, muốn đi theo tiếng thôi thúc của linh hồn mà cứ phân vân vì không đủ hơi ấm. Người hành khất trong mùa thu cũng thếm biết mình phải vội vã tránh mùa đông mà không biết phải làm gì, cứ dùng dừng cho thấm cảm hơi gió. Đi lẻ loi bên rừng chiều ẩm hơi nước là lúc người hành khất thèm nghỉ ngơi, là lúc người hành khất mơ tưởng được trú thân và bấy giờ, căn nhà của Đức Vua là nỗi khát khao như thế nào trong hồn con.
Kính lạy Đức Vua, khi rừng thu chuyển màu trên cánh lá, mùa thu đẹp lắm, duyên dáng và tình tứ, nhưng Đức Vua nhìn kìa, buồn làm sao giữa một rừng thu mơ màng thế mà lại lẻ loi một thân cây đã khô chết tự thủa nào. Chung quanh nó là màu vàng của lá, màu hường của nắng, là mùa thu đang về. Nhưng với cành cây khô, không còn dáng lá, nó như một ngôi mộ lạc lõng bên bờ đồi. Đời của một người hành khất có như thế chăng? Khi mà chiều xuống, có tiếng trẻ thơ vui đùa giòn giã trong căn nhà ấm cúng, khi mà có yêu thương của vợ chồng bên chiều ấm lửa thì người hành khất bước lên đường một mình. Trong đường thiêng liêng, đấy có là hình ảnh của con khi con thấy Đức Vua như bỏ rơi con trên cuộc sống, chung quanh ai cũng là mùa thu rực màu mà con là thân cây khô chết lạc lõng một mình giữa không gian.
Lời Của Rừng Thu
Con yêu mến, nói về mùa thu, Ta cũng muốn nói với con về Tiếng Thu, tiếng gọi của mùa thu là tiếng gọi rất êm, nhẹ như lá thu bay trong đời. Ta biết cành cây khô trong chiều thu, giữa một trời đất rừng thu đang chuyển màu, mà riêng mình nó chơ vơ không còn vương một cánh lá chắc nó sẽ thấy lạc lõng. Và bất cứ người hành khất nào khi đi ngang qua rừng thu ấy, nhìn thấy lẻ loi một thân cây chết như thế cũng sẽ thấy đó là hình ảnh chính đời mình. Giữa một bìa đồi xanh bao la, vàng mênh mông, giữa một rừng thu vi vu tiếng lá mà chỉ có một thân cây chơ vơ ai mà không thấy le loi, khi người hành khất bước lên đường vào những chiều se lạnh, nhìn qua khuông cửa, thấy trong căn nhà người khác là ấm cúng, người hành khất nào cũng nhìn xuống đời mình như kẻ sinh ra dưới vì sao xấu. Đường thiêng liêng của một linh hồn cũng không khác lắm đâu, lúc qua những con đường đêm tối của niềm tin, họ thấy như Thượng Đế bỏ rơi, họ thấy chung quanh ai cũng là người hạnh phúc, trừ riêng mình họ, cô đơn, đau yếu, nghèo túng, sao mà vất vả gian nan, cầu xin mà như không thấy tiếng vọng đáp trả.
Con yêu dấu, Tiếng Thu nhẹ vì là tiếng rì rào của gió, của lá hoa cỏ cây, nên con phải lắng nghe với trái tim của người hành khất đi tìm thi ca, chứ không phải của trái tim người hành khất đi tìm của ăn.
Trong cuộc đời, ai cũng là hành khất, nhưng có nhiều loại hành khất trong đời lắm. Hành khất đi tìm vẻ đẹp, hành khất đi xin sự hiểu biết, hành khất tình yêu, hành khất tiền bạc, hành khất xin ăn.
Tiếng Thu chỉ nói với con tim hành khất đi tìm lý tưởng, muốn nghe Tiếng Thu, cần con tim hành khất của kẻ chấp nhận làm hành khất như Đức Kitô. Ngài hành khất tình yêu nơi Chúa Cha. Gởi niềm tin trọn vẹn nơi Đấng sai Ngài đi. Con phải nhìn lại thái độ làm kẻ hành khất của mình.
Con là hành khất đi tìm vẻ đẹp không?
Bên rừng thu ẩm ướt hơi sương, mưa chiều làm cánh thu ướt lá. Con có nghe bày chim buông lời hát vang khu rừng làm cả chiều thu mênh mông? Con có thấy những cánh chim tinh nghịch muốn bay xa, chờn vời với mùa thu trong chiều ấy?Bao nhiêu lần nó muốn rời cành cây khô, đậu xuống những tàn lá xanh màu, xum xuê, nhưng cơn mưa còn ướt sũng, con có thấy những giọt nước mưa trên tàng lá xanh màu kia rơi xuống làm chúng ướt cánh? Con có thấy chúng lại bay về đậu trên nhánh cây khô? Nếu rừng thu không có cành cây khô ấy cho bày chim nghỉ chân thì khu rừng chiều đó im lìm lắm, không có tiếng chim ca. Những cành cây khô ấy không còn dáng lá mùa thu, nhưng nó là chỗ nghỉ chân cho bày chim. Con không thấy rằng nhờ chính cây khô ấy mà bầy chim ráo cánh và đã hát vang khúc nhạc chiều thu hay sao?
Đường thiêng liêng cũng vậy, con có thể là người hành khất trong đời, nhưng là hành khất đi tìm ân sủng hay đi tìm gì?
Con có thể là thân cây khô giữa một rừng cây xanh tươi, nhưng mỗi con người có một ơn gọi, một lối đi mà con không nên so sánh. Khi thấy mình bơ vơ là lúc con cần lắng nghe tiếng nói nhiệm mầu của rừng thu. Khi gió làm rơi những cánh lá mùa thu, cũng như khi đời gởi tới con những nghi ngờ, hoang mang, con dễ nhìn thấy chia lìa, sầu muộn trong hình ảnh mùa thu chết. Nhưng trong cánh lá rơi con có thấy rực lên huy hoàng của màu sắc kỳ diệu?Lúc “mùa thu chết” cũng là lúc lá thu chuyển mầu sự sống nhiệm lạ cho một sự thay đổi vô cùng sinh động trong mùa xuân. Con hãy nghe Tiếng Thu trong tâm hồn một kẻ nghe mùa thu vi vu trong khúc nhạc của bầy chim. Con hãy nhìn đời mình như bến đỗ cho bầy chim dừng chân hát vang. Chính nhờ cành cây khô mà mùa thu mới có tiếng hát, mùa thu mới thêm lãng mạn thi ca, thì đấy không phải là cành cây khô ấy đã vẽ nên mùa thu không phải bằng màu sắc mà bằng vẻ đẹp thiêng liêng đó sao.
Con yêu dấu, Ta có thể dùng con trong những công trình trong tay Ta. Miễn sao con là kẻ hành khất đi tìm chính Ta.
Ta muốn con là cành cây khô, là mùa thu không có cánh lá thu. Ta không muốn con làn cho khu đồi đẹp vì dáng lá, mà đời con là chỗ dừng chân cho tiếng thu reo. Nếu con thấy nhờ cành cây khô chiều đó cho bầy chim nghỉ chân hát vang mà mùa thu vào thu ca, thì con thấy đời con là một ẩn số trong công trình sáng tạo của Ta. Nếu con nghe Tiếng Thu trong cung cách ấy thì con đã đến trước cửa nhà Ta rồi, mùa đông có đến con cũng không lo vì nhà Ta đã mở cửa chờ con, và trong mùa đông lạnh con có thể thảnh thơi nghe tiếng mùa thu đang trở lại, mùa thu không chết, thu êm đềm và hạnh phúc.
Ta gởi con: Tiếng Gọi Bên Rừng Thu. Đấy không phải là quà tặng cho con đó sao.
Em thân mến, là người tu sĩ trẻ, em đang băn khoăn không biết Chúa có gọi em thật không. Mỗi người có một con đường riêng em ạ, Chúa có cách trả lời riêng cho em vì Chúa biết rõ em. Em đừng so sánh mình với người khác, hãy tin tình yêu Chúa dành riêng cho em. Chúa đã gởi tôi Tiếng Gọi Bên Rừng Thu, tôi cũng xin gởi lại em như một quà tặng. Có thể Chúa trả lời em bằng tiếng gọi trong mùa đông, bằng nắng của mùa hạ, hoặc biết đâu bằng hương sắc mùa xuân.
Em thân mến, như con con sâu bướm, khi thoát xác bay cao, nó là cánh bướm thật đẹp, khi cánh cửa im lìm mở ra, ngoài kia trời xanh lồng lộng sẽ đẹp lắm. Và tôi tin rằng đời em cũng thế, hãy đi theo ơn gọi, nếu có mệt mỏi của niềm tin mù mờ hãy nghĩ đến cánh bướm, đến hy vọng, đến tiếng Chúa đang gọi rất dìu dặt, rất thơ mộng ở chung quanh bước chân em đang đi.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=385&ict=4365
Powered by vBulletin® Version 4.1.7 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.