PDA

View Full Version : Têrêxa Hài Đồng Giêsu : Hiến Lễ Cho Tình Yêu (4)



hoathuytinh
28-09-2007, 03:52 PM
4. HAI MƯƠI CÂU HỎI XOAY QUANH VIỆC DÂNG MÌNH CỦA TÊRÊXA.

Giờ đây chúng tôi xin giải đáp những thắc mắc có thể nảy ra trong tâm trí độc giả.

1- Liệu chừng việc dâng mình này có kéo theo những đau khổ.

Thưa không. Kiểu nói lễ vật hy sinh, có thể khiến người ta nghĩ rằng việc dâng mình này sẽ kéo theo những đau khổ. Khi Têrêxa trình bày với người chị là nữ tu Marie, phản ứng đầu tiên của chị này là lắc đầu: chị sợ sẽ phải chuốc lấy những đau khổ. Thế nhưng thánh nữ Têrêxa đã giải thích cho chị hiểu rằng việc dâng mình này nhằm một chuyện khác hẳn, chị nói: Đây không phải là dâng mình cho phép công thẳng của Thiên Chúa nhưng là dâng mình cho tình yêu xót thương của Ngài. Viễn tượng hoàn toàn khác: “Không có gì phải sợ, bởi vì, từ nơi tình yêu Thiên Chúa, sẽ chỉ có lòng xót thương.”

2- Thế thì ngược lại, phải chăng việc dâng mình này sẽ cất hết đau khổ ?

Cũng không. Có thể nói Thiên Chúa không trực tiếp gửi đau khổ đến cho con người thì cũng vậy, có thể nói Thiên Chúa không trực tiếp cất đau khổ đi. Đau khổ nằm sẵn trong cuộc sống con người, một cuộc sống gắn liền với điều kiện vật lý, tâm lý, vật chất, gắn liền với những tương quan liên vị và xã hội. (Không phải Thiên Chúa khiến ta đau khổ nhưng là cuộc sống, chính bản thân ta và người xung quanh, chính tình trạng còn bất toàn của ta gây nên đau khổ.)

Sự dâng mình của Têrêxa diễn tả sự quảng đại khao khát “chu toàn ý Chúa cách hòan hảo”, dù ý muốn ấy ra sao, ngay cả khi ý muốn ấy gắn liền với những biến cố đau đớn và đầy thập giá của thân phân con người. Nếu ta phải uống chén đắng như Chúa Giêsu thì không nên tránh trút (Mt, 26,42).

Tuy nhiên, nếu ta trung thành yêu mến như Chúa mong chờ thì sẽ giảm bớt được hoặc cả đến sẽ tránh được hết những đau khổ do tội bản thân gây ra. Đó là chưa nói, sự gần gũi Thiên Chúa, là tình yêu xót thương, có thể biến đổi được những đau khổ ta gặp ngoài ý muốn .

Thánh Têrêxa đã để lại một lời chứng hùng hồn. “Con đường tình yêu êm dịu biết mấy!” “Chúa Giêsu biến đổi cả những cái đau đớn nhất thành dịu ngọt”. Và ngay trong cơn bệnh cuối đời, chị nói: “Tôi như đã được phục sinh... Dường như tôi không còn có thể đau khổ nữa, vì mọi đau khổ đều trở thành dịu ngọt cho tôi.” Đàng sau mọi sự, chị đều nhìn thấy Chúa : “Hơn bao giờ hết, tôi hiểu rằng mọi việc xảy ra, dù hết sức nhỏ mọn, cũng đều do Thiên Chúa hướng dẫn.” Chị quả quyết: “Là lễ vật bé nhỏ của tình yêu, người ta không thể ghê tởm điều Đức Phu Quân mình gởi đến.”

3- Phải chăng việc dâng mình của Têrêxa cũng dành cho các Kitô-hữu khác?

Với một tâm hồn truyền giáo, Têrêxa đã trải lời câu hỏi này bằng một động tác. Têrêxa dâng mình trong thánh lễ ngày 9-6-1895 thì liền ngay sau đó, Têrêxa đã sốt sắng mời người chị là nữ tu Geneviève cùng dâng mình. Sau đó Têrêxa đã xin một người chị khác là nữ tu Marie cùng dâng mình, rồi đến một tập sinh của chị là Marie de la Trinité. Điều mà từ đầu chị đã thoáng thấy là một ân sủng vô biên đối với chị thì chị muốn chia sẻ với mọi người khác.

Một năm sau, khi biên soạn quyển thủ bản tự thuật, chị than thở rằng : “Buồn thay! Ngay giữa các môn đệ thân tín của Ngài, Chúa Giêsu gặp được quá ít những tâm hồn dám tận hiến trọn cho Ngài, những tâm hồn hiểu được tất cả sự âu yếm của tình Ngài yêu vô biên.” Cuối cùng, chị kêu lên: “Ôi Chúa Giêsu, ước gì con có thể nói cho mọi tâm hồn nhỏ biết tình Chúa xót thương thật kỳ diệu khôn xiết... Con cảm thấy rằng nếu, thật hy hữu, Chúa tìm gặp được một tâm hồn nào yếu đuối hơn, bé nhỏ hơn tâm hồn con, Chúa sẽ thích thú đổ đầy tâm hồn ấy những ân huệ còn lớn lao hơn, nếu như tâm hồn ấy biết phó thác cho lòng xót thương vô biên của Chúa bằng một niềm tin tưởng hoàn toàn, con nài xin Chúa ghé mắt nhìn đến đông đảo những tâm hồn nhỏ. Con nài xin Chúa hãy chọn lấy một đạo binh những lễ vật hy sinh nhỏ xứng đáng với tình yêu Chúa”.

4- Có cần theo sát công thức chị thánh đã soạn thảo?

Không nhất thiết. Có biết bao Kitô-hữu đã hiến mình cách triệt để và bền bỉ cho tình yêu xót thương của Thiên Chúa và cho tác động của Thánh Thần Ngài mà không biết đến hoặc không dùng đến bản văn của Têrêxa. Chắc hẳn bản kinh của chị rất phong phú, nhưng bạn không buộc phải sao chép lại nguyên văn lời kinh ấy. Bạn có thể tự soạn lấy theo tinh thần của Têrêxa. Điều then chốt là bạn dâng mình một cách chân thành và đầy dấn thân. Vì lý do đó, bạn có thể đích thân soạn lấy kinh dâng mình, để nó có thể gói ghém hết những ước ao và những cuộc chiến đấu của bạn. Bạn cũng có thể rút ngắn bản kinh của Têrêxa, giới hạn vào phần cuối “Để được sống trong...”, có thể thêm đoạn “Khi cuộc sống về chiều” và cả đoạn khởi đầu, rất cô đọng, cho đến những chữ “chính Chúa là sự thánh thiện của con”.

5- Có thể dâng mình mà không cần diễn tả ra bằng kinh nguyện không?

Trên nguyên tắc thì được. Thế nhưng đã là người thì thông thường nên diễn tả tâm tình thành lời nói. Nếu bạn đã muốn dâng mình cho lòng xót thương Chúa thì nên chuẩn bị kỹ và tìm cách diễn tả thành lời, kết quả sẽ phong phú hơn. Lời kinh ấy có thể đánh dấu một thời điểm trong đời bạn, và cũng như trong trường hợp Têrêxa, ngày dâng mình sẽ nổi bật trong số những ngày hồng phúc của đời bạn.

Nên biết thêm rằng chính Têrêxa cũng thường gói ghém việc dâng mình vào điểm cốt yếu để lặp đi lặp lại theo từng nhịp đập trái tim. Đối với chị, tất cả có thể được diễn tả nơi một cái nhìn, một lời yêu mến. Tâm tình dâng hiến ấy trở nên như một bản tính thứ hai, như một hơi thở, như một nhịp đập của trái tim... Chính vì thế, như một cử chỉ tượng trưng, chị luôn giữ trong ngực bản văn kinh dâng mình, dù tờ giấy ấy đã cũ mèm nhàu nát. Có vẻ như chị đã đọc đi đọc lại bản kinh dâng mình ấy rất đều đặn. Trong cơn bệnh cuối đời, chị quả quyết: “Rất thường xuyên, mỗi khi có thể, tôi đều lập lại việc dâng mình cho Tình Yêu.”

6. Có phải chỉ cần đọc kinh dâng mình là tức khắc đạt được những mục tiêu mà Têrêxa đã theo đuổi?

Nếu nói về việc đem lại niềm vui cho trái tim Chúa, thì đúng thế. Còn để được tràn ngập những ơn Chúa như nơi Têrêxa, thì không. Ta cần phải thực tế. Việc dâng mình không phải là một ngón ảo thuật, một máy ban ơn tự động. Tất cả tùy thuộc nơi Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong lòng ta. Ngài là Đấng tự do, Ngài hành động tùy ý Ngài muốn, nhưng thông thường, Ngài cũng nương theo nồng độ của tương quan tình yêu giữa chúng ta với Thiên Chúa, mà việc dâng mình cũng có thể góp phần làm cho tương quan này được trưởng thành.

Ta có thể so sánh với tương quan nhân lọai giữa hai bạn trẻ yêu nhau vì sắc đẹp. Sau nhiều lần gặp nhau, họ dần dần hiểu nhau hơn, quý nhau hơn và cảm phục nhau hơn. Nếu biết suy nghĩ, họ sẽ khám phá ra tất cả những gì tình bạn chân thực mời gọi để vượt khỏi ích kỷ và dần dần trở nên vị tha hơn, vượt khỏi những gì là thân xác để quan tâm hơn đến tấm lòng, nhờ đó tình yêu của mỗi người sẽ giúp người kia cũng như giúp cho chính mình triển nở cách chân thật và thâm sâu.

Tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy, muốn được sống động và xác thực, cần tiếp xúc thường xuyên đều đặn và càng lúc càng gia tăng với ân sủng Chúa ban kèm với những điều Ngài gợi ý cho ta. Mỗi tác động quảng đại nho nhỏ và mỗi một cố gắng dâng mình đều sẽ giúp ta hướng về Thiên Chúa hơn và tín thác vào tình yêu Ngài hơn, khiến ta trở nên dễ uốn nắn và dễ tiếp nhận ơn Chúa hơn. Ngay cả sau khi ta đã lãng phí mất nhiều thời giờ do chậm chạp hoặc do yếu đuối, ta sẽ vẫn dễ quay về được với điều mà Têrêxa gọi là “tập sống thân mật với Chúa Giêsu”, “một con đường dịu ngọt”.

7. Do đâu mà hiệu quả nơi mỗi người mỗi khác?

Têrêxa có nói: “Càng phó mình cho Đấng Yêu Thương, càng được Tình Yêu thiêu hủy”. Tất cả tùy nơi quan giữa ta với Ngài. Ai mà không biết rằng càng hiến mình trọn vẹn cho Đấng Yêu Thương, mối quan hệ ấy càng sâu đậm! Mỗi một lần dâng mình đều để lại dấu vết. Nối gót Têrêxa, nếu sự dâng mình nơi ta trở thành một chuyển động của “từng nhịp đập con tim”, những dấu vết của nó dần dần sẽ khơi thành cả một luống cày, một vực thẳm cho thác ơn lành đổ xuống, một lũng sâu cho đại dương của tình Chúa ngập tràn.

Sống thân tình với Thiên Chúa không phải là chuyện đạt được một lần là xong. Nó có khi hơn, khi kém. Têrêxa nói tới “bữa tiệc thịnh soạn” Chúa Giêsu dành cho người con “phung phá” (fils prodigue) nhưng chị đã chơi chữ để diễn tả tình yêu vô biên của Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa nuôi con từng giây phút, những ngọn sóng của trái tim Chúa cứ ập lên con không gì ngăn nổi (pas de digue).” Được cứu chuộc không đồng nghĩa với thánh thiện. Thật vậy, mọi cái chén dâng Thiên Chúa đều sẽ được Ngài xót thương đổ cho đầy tràn nhưng sức chứa của mỗi cái một khác, tùy theo ơn Chúa và sự trung thành của từng người. Chén tình yêu của ta càng mở rộng, Thiên Chúa càng có thể thông ban Tình Yêu của Ngài vào đó nhiều hơn.

Tuy nhiên, vì đã đích thân cảm nghiệm thấy Thiên Chúa là ngọn lửa thiêu hủy và chuyển hóa, và được Tin Mừng hướng dẫn, Têrêxa xác tín rằng bất cứ lúc nào ta dâng sự nghèo khó lên Chúa cũng đều lôi kéo lòng xót thương của Ngài xuống trên ta mà dường như Ngài không có cách gì cưỡng lại được. Chị viết: “Bạn hãy hiểu rằng, để yêu mến Chúa Giêsu, để trở nên lễ vật hy sinh cho tình yêu Ngài, ta càng yếu đuối, không một ước ao, không một nhân đức, thì càng thích hợp để cho Tình Yêu của Ngài thiêu hủy và chuyển hóa... Khi nào ta có tinh thần nghèo khó, Chúa Giêsu sẽ đến kiếm tìm ta; dù ta xa cách Ngài tới đâu, Ngài cũng sẽ biến đổi ta thành những ngọn lửa nồng của tình yêu”. (Thư 97)

8. Còn những lầm lỡ và tội lỗi của ta thì sao?

Một cách thực tế, ngay trong bản kinh dâng mình, Têrêxa đã tiên liệu rằng cũng sẽ “có đôi lần con sa ngã”. Thế nhưng đầy lòng tín thác, chị cầu xin: “Xin Ánh Mắt thần linh Chúa thanh tẩy tâm hồn con, thiêu hủy mọi bất toàn trong con như lửa biến đổi mọi vật thành lửa vậy.”

Không nên che giấu các lỗi lầm của mình, trước lương tâm ta cũng như trước Chúa, nhưng hãy đem đặt chúng trước nhan Ngài, hãy đưa mắt nhìn sâu vào Ánh Mắt tuyệt đối thanh khiết của Chúa, từ đó một ngọn lửa của Tình Yêu nhân hậu sẽ lập tức thanh luyện chúng ta. Nếu ta thường xuyên quay về với Chúa, dần dần cả những gốc rễ của điều xấu nơi ta cũng sẽ héo khô.

9. Thiên Chúa làm việc theo nhịp độ nào?

Bình thường thì Thiên Chúa tôn trọng nhịp tăng trưởng của ta, như một cây xanh lớn lên theo nhịp riêng của nó. Tuy nhiên, bởi vì Thiên Chúa cũng như Tình Yêu toàn năng Ngài đều vượt khỏi thời gian, cho nên trong kinh dâng mình của chị, Têrêxa đã viết: “Đối với Chúa thời gian không là gì cả, một ngày cũng tựa ngàn năm. Nên chi chỉ cần một giây lát là Chúa đã có thể chuẩn bị cho con ra trình diện trước nhan Chúa.”

10. Những “việc làm” của ta có cần thiết gì không?

Nơi Têrêxa quả có một nghịch lý. Một đàng, chị nhấn mạnh rằng “tình yêu phải chứng tỏ bằng việc làm”, “những tư tưởng cao đẹp nhất mà thiếu việc làm cũng chỉ là không”. Trong cái huy hiệu chị làm ít lâu sau ngày dâng mình, chị viết: “Tình yêu chỉ có thể được trả bằng tình yêu.”

Thế nhưng một đàng khác, dường như Têrêxa lại tương đối hóa các việc làm. Chị “không muốn sống theo hướng lập công phúc để được lên thiên đàng”, chị “muốn ra trước nhan Chúa với đôi bàn tay trắng, vì chị không xin Chúa đếm những việc chị làm”. Thiên Chúa “không cần những tư tưởng cao đẹp của chúng ta mà cũng không cần những việc chói sáng chúng ta làm.”

Mấy tiếng sau cùng này giúp ta giải gỡ được cái nghịch lý. Cái mà Têrêxa cho là không mảy may cần thiết chính là những gì lớn lao, “những công việc chói sáng”, những “hành động trổi trang” của chúng ta: Tất cả những gì rực rỡ, đập vào mắt, những “hành động cao cả”. “Chúa Giêsu không hề cần đến việc làm của chúng ta nhưng chỉ cần tình yêu của chúng ta”. Mà đã là tình yêu thì, ngay cả khi nhắm hoàn tất việc làm, trước nhất phải có thiện chí, cố gắng, nỗ lực.

Tất cả những điều đó giải thích tại sao Têrêxa đề cao sự trung thành chu toàn những việc nhỏ mọn trong những tình huống thật hèn mọn âm thầm của đời thường và của tình bác ái huynh đệ.

Hơn nữa, vì ao ước tôn vinh lòng Xót Thương của Chúa, và ao ước để cho Chúa chiến thắng, Têrêxa không hề muốn cậy dựa vào những việc làm của riêng mình, kể cả những việc bé nhỏ nhất. Chị không muốn tự hào về những điều ấy, không muốn tự hào về bất cứ điều gì. Chị dứt khoát “khiêm tốn xếp mình vào hàng ngũ những người bất toàn cần phải được Thiên Chúa nhân lành nâng đỡ từng giây phút.”

11. Nếu như mọi việc làm đều khiếm khuyết thì sao?

Dù vậy đi nữa, lòng trông cậy vào lòng lân mẫn Chúa vẫn không lay chuyển. Bởi đó mà Têrêxa rất yêu thích những đoạn Tin Mừng nói về những người thợ giờ thứ mười một, về người thu thuế, về Maria Mađalêna, về tên trộm thống hối được Chúa Giêsu tha thứ ngay trên thập giá. Chị xác tín rằng trên trời chúng ta sẽ được thấy những việc diệu kỳ của lòng thương xót.

12. Phải chăng chính việc dâng mình lại cũng là một “việc làm”?

Têrêxa đã không quan niệm việc dâng mình như một việc thiện hay một thành tích, nhưng như một lời khẩn xin tha thiết. Thật vậy, việc dâng mình đích thực là một hành vi tin vào tình yêu của Thiên Chúa, hành vi hy vọng, hành vi của một tâm tình khiêm nhường khao khát sống quảng đại cách quyết liệt.

13. Còn luyện ngục?

Về sự thanh tẩy mầu nhiệm giúp chuẩn bị cho các tội nhân đã qua đời được xứng đáng ra trước tôn nhan Thiên Chúa, Têrêxa hy vọng (và cả chúng ta cũng được mời gọi hy vọng như thế) rằng việc chị dâng mình và cuộc sống đậm đà yêu mến do việc dâng mình ấy đem lại, “sau khi chuẩn bị cho chị ra trình diện trước Nhan Thánh Chúa”, cuối cùng sẽ làm cho chị được thấy Chúa, “không chậm trễ”.

14. Việc dâng mình cũng mang cả chiều kích tông đồ chứ?

Hẳn nhiên rồi. Với một trái tim đầy nhiệt tình truyền giáo, Têrêxa luôn nghĩ tới người khác. Kinh dâng mình ngay ở khởi đầu đã nêu lên hai mục tiêu: “Yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến... bằng cách cứu các linh hồn”; và rồi còn thêm: “Để làm vui lòng Chúa” và “cứu rỗi các linh hồn để đời đời họ sẽ mến yêu Chúa mãi.” Một năm sau, chị lại vận dụng linh hạnh của việc dâng mình để thực hiện những ước vọng tông đồ mãnh liệt “giữa lòng Hội Thánh”: “Lạy Chúa Giêsu, chính vì con yêu đuối mà con đã bạo dạn dâng mình làm lễ vật toàn thiêu cho tình yêu Chúa... Để được hoàn toàn mãn nguyện, Tình Yêu Chúa đã phải tự hạ, tự hạ trở thành hư không và biến đổi cái hư không ấy thành lửa...”

15. Có thể dâng người khác cho tình xót thương của Chúa không?

Chắc hẳn rồi. Tất cả chúng ta kết thành Hội Thánh, đó là mầu nhiệm “sự hiệp thông các thánh”. Trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện với tư cách là “chúng con”. Khi được kết hợp với kinh nguyện của Chúa Giêsu thì cả đến lời cầu nguyện thâm sâu và kín ẩn nhất cũng loại hẳn mọi thứ ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa để mang lấy tính cách cộng đoàn, tính cách Hội Thánh.

Trong một vở kịch của Têrêxa, Đức Trinh Nữ nói với người mẹ cũa “kẻ trộm lành” sau này: “ Rồi ra, những người mà bà yêu mến có thể sẽ xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng tuôn đổ bao ơn lành cho họ. Thế nhưng, hãy cứ vững tin vào lòng xót thương vô cùng của Thiên Chúa. Lòng xót thương ấy đủ rộng lớn để xóa sạch cả những tội ác ghê gớm nhất, một khi Ngài gặp thấy một trái tim mẹ hiền biết hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu không muốn cho tội nhân phải chết nhưng muốn họ hối cải để được sống đời đời”.

16. Việc dâng mình có chiều kích đại kết như thế nào?

Têrêxa đã đạt tới chỗ tinh túy nhất của Tin Mừng, hoàn toàn xa lạ với mọi ý niệm tự cứu độ. Do đó, mặc dù vẫn luôn là người công giáo trăm phần trăm, Têrêxa thường rất gần gũi với những điểm tích cực nhất của anh em Tin Lành trong thần học về ơn cứu độ. Khi bàn về việc công chính hóa các tội nhân, “Sách Giáo Lý Công Giáo cho người trưởng thành” do Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc ấn hành, sau khi trích dẫn nhiều câu trong kinh dâng mình của Têrêxa, đã giải thích: “Bất chấp những diễn tả khác biệt trong các công thức giáo điều, các Kitô-hữu cả công giáo và tin lành đều rất gần gũi nhau một khi họ không bàn về Thiên Chúa hay bàn về đức tin, nhưng là, trong đức tin, họ cùng đứng trước Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa trong kinh nguyện.”

17. Trong kinh dâng mình không thấy nhắc tới Chúa Thánh Thần. Ngài có trong đó không?

Nhất định là có và còn có rất dồi dào chứ! Ngài là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Hôm Têrêxa dâng mình nhằm lễ Thiên Chúa Ba Ngôi và trong kinh ấy, Têrêxa thưa với “Thiên Chúa, Ba Ngôi vinh phúc”.

Đã hẳn, theo thói quen, khi cầu nguyện Têrêxa thường hướng về Chúa Giêsu, vì chị hằng ngưỡng mộ và đón nhận sự nhập thể của Ngài với một lòng biết ơn không bến bờ. Chính Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, là “Tình Yêu duy nhất” của chị, khiến chị ngây ngất. Thế nhưng, nếu cấu trúc tâm lý nơi lòng đạo của chị thường hướng chị về Chúa Giêsu, thì Têrêxa vẫn không hề khinh xuất trong việc tôn thờ Ngôi Vị Chúa Thánh Thần và cầu khẩn Ngài thường xuyên.

Chị biết rằng Chúa Thánh Thần là Hơi Thở tình yêu của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa. Dù hai Ngôi ấy phân biệt nhau nhưng lại hiệp nhất thành một. Têrêxa biết rằng việc chị được Tình Yêu Chúa Giêsu nung nấu chính là một việc do chính Chúa Thánh Thần làm. Chị nhiều lần trích dẫn Ga 7,35-37, theo đó, những dòng sông phát xuất từ trái tim Chúa Kitô được đồng hóa với Chúa Thánh Thần. Chị thích nói đến “Thánh Thần Tình Yêu” và chị biết Ngài đang ngự trong tâm hồn chị, “là đền thờ sống động của Ba Ngôi đáng tôn thờ”. Được lãnh bí tích Thêm Sức, “bí tích của Tình Yêu”, chính là được đón tiếp “Chúa Thánh Thần viếng thăm”, “Chúa Thánh Thần ngự đến”. Làm theo ý Thiên Chúa chính là “chiều theo tác động của Chúa Thánh Thần”.

Vài tháng trước khi dâng mình, trước khi xin Chúa Giêsu đổ tràn tất cả tình yêu của trái tim Ngài vào trái tim chị, Têrêxa đã thốt lên trong bài thơ Sống Tình Yêu: “Thánh Thần Tình Yêu thiêu đốt tôi trong ngọn lửa Ngài”. Chị cũng sẽ xin cha Roulland cầu nguyện ‘mỗi ngày’ cho chị: “Lạy Cha nhân ái, nhân danh Chúa Giêsu dịu hiền, nhân danh Trinh Nữ Mẹ Maria và các thánh, con nài xin Cha đốt nóng người chị em con bằng Thánh Thần Tình Yêu và ban cho chị ơn làm cho Chúa được yêu mến nhiều hơn.” (Thư 220)

Như thế, muốn đọc kinh dâng mình của Têrêxa trong chiều hướng Thánh Thần, cần đặc biệt lưu ý đến các từ ngữ “Tình Yêu”, “Lửa”, “thiêu hủy”, “Lòng ưu ái vô biên”.

18. Việc dâng mình liên hệ với bí tích thánh tẩy thế nào?

Với những ý nghĩa Kitô-giáo của việc dâng mình như nói trên, rõ ràng việc thánh hiến mới này của Têrêxa cho Thiên Chúa Tình Yêu là một sự triển nở của ơn bí tích rửa tội.



Một cách ý thức, Têrêxa ngụp lặn trong những ngọn sóng tình yêu của Ba Ngôi chí thánh mà chị đã được dìm vào khi đã chịu phép rửa. ta có thể thấy rõ điều đó vì, một cách hoàn toàn khác thường, khi ký tên dưới kinh dâng mình, chị đã ghi cả tên thánh rửa tội “ Marie Françoise Thérèse” vào trước tên thánh dòng. Một dấu chỉ hùng hồn khác là từ đó chị luôn mang trên ngực quyển Tin Mừng, công thức khấn dòng và bản kinh dâng mình: đó là biểu tượng cho thấy phép rửa Kitô-giáo, lời khấn dòng và kinh dâng mình cho tình yêu kết hợp mật thiết thành một .

19. Còn Đức Maria có chỗ đứng nào trong việc dâng mình này?

Chắc hẳn Đức Maria có mặt. Têrêxa viết rõ: “Con xin dâng lên Chúa tình yêu và công đức của Đức thánh Trinh Nữ, Mẹ yêu quý của con”. Rõ hơn hơn nữa, chính Đức Maria sẽ trình lên Ba Ngôi việc dâng mình của Têrêxa: “Con trao gởi việc dâng mình này vào tay Đức Mẹ và xin Ngài trình lên Chúa.”

Têrêxa không đưa ra một “hệ thống” về thánh mẫu học, nhưng toàn cả đời chị luôn hướng về Đức Maria, đượm nhuần sự thuộc về người mẹ tinh thần mà Đức Giêsu đã ban cho chúng ta trên Núi Sọ. Một cử chỉ đánh động đầy ý nghĩa là Têrêxa và người chị là nữ tu Geneviève đã quỳ gối trước tượng Đức Maria để đọc kinh dâng mình.

Ba tháng sau ngày dâng mình, khi ngụ ý nói về sự bất toàn trong những việc làm của riêng chị cần phải được Thiên Chúa hoàn tất, Têrêxa giải thích trong bài thơ 24 lý do khiến chị tin cậy vào sự chuyển cầu của Đức Maria:

Xin Chúa hãy nhớ rằng Mẹ thánh

Mang nơi tim Ngài một quyền năng kỳ diệu.

Xin hãy nhớ một ngày nọ vì Mẹ khẩn cầu

Chúa đã biến nước thành rượu.

Chúa ơi, ngày nay khi nghe ngài bầu cử

Xin cũng đoái thương biến đổi

Những công việc bất toàn của con

Cho trở nên hoàn hảo.

Ôi Giêsu, xin Chúa năng nhớ rằng

Con là con của Mẹ.

20. Kinh dâng mình cũng nói lên ước vọng được “chết vì yêu”. Ước vọng ấy đã được thể hiện hay không?

Xin xem câu trả lời ở phần 5 tiếp đây.

Còn tiếp
Trích :GHPhuYen.Com