PDA

View Full Version : NGƯỜI ĐỒNG CẢM ĐẦY YÊU THƯƠNG



DonRac
10-08-2008, 07:20 AM
NGƯỜI ĐỒNG CẢM ĐẦY YÊU THƯƠNG
(CN 19TN – Mt 14, 22-33)


Theo cảm nghiệm của tôi, khi làm phép lạ hóa bánh và cá hóa nhiều, Chúa Giêsu ao ước mọi người nhận ra thánh ý của Chúa Cha “là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Thế nhưng, “dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn lên làm vua, nên Người lánh mặt đi lên núi một mình.” (Ga 6, 14-15) Vì thế, “Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến Người vẫn ở đó một mình.” (Mt 14, 22-23)

Quả là, theo tâm lý thường tình của con người, Đưc Giêsu cảm thấy lo âu, buồn phiền và thổn thức, bởi như thánh Phaolô xác tín: “Chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với người Israen” (Rm 9,5). Và để tìm nguồn sức mạnh bình an vượt lên nỗi trăn trở, khắc khoải như có lần Người tâm sự: “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 49-50), Đức Giêsu phải ra sức cầu nguyện và liên lỉ kết hợp gặp gỡ Thiên Chúa Cha.

Một khi đã tìm được sự ủi an nâng đỡ nơi Chúa Cha qua cầu nguyện, khi phải đương đầu với thử thách gian nan trong sứ vụ, Đức Giêsu rất dễ dàng đồng cảm với những nỗi khốn khổ của người khác, nhất là các môn đệ yêu dấu của Ngừơi vẫn còn yếu lòng tin. Chính vì thế mà khi “thuyền của các ông đã xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược dòng, Người liền đi lên mặt nước mà đến với các ông,” bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bất chấp thời gian đã tối đen kể cả vào canh tư.

Với lòng yêu thương và tha thứ, Đức Giêsu đã cảm thông được nỗi sợ hãi của các môn đệ đã không nhận ra Người vì trời tối và vì sóng gió bão bùng, nên Người đã âu yếm vỗ về: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27) Ngay khi nhận ra tiếng nói thân quen của Thầy trong cơn nguy nan khốn khó, thánh Phêrô vẫn chưa hòan toàn tin vào tai và mắt mình. Nên, với lòng ao ước được ở gần bên Chúa, ngài đã xin được đến với Người. Và rồi Chúa vẫn không từ chối đáp ứng điều mong mỏi chân thành của ngài.

Như vậy từ lắng nghe được tiếng Chúa cho đến khi được ở gần kề bên Người cũng không phải là cuộc hành trình êm thấm và trôi chảy. Trong cuốn “Thiên Chúa và Trần Thế”, khi ký giả Peter Seewald đặt ra câu hỏi:

- Điều này có thể tôi lầm, là tín hữu Kitô có thái độ quá sùng tín đối với Thiên Chúa. An-tịnh nói: “Chúa ơi, con không đôi co với Chúa, vì Ngài là sự thật... Con không bắt đền Chúa... Nhưng, là bụi tro, con để cho lòng nhân từ Chúa nói.”

Hồng y Ratzinger tức Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trả lời:
- Thánh An-tịnh là người luôn đau khổ và không ngừng chiến đấu, ngài rất cảm kích về lòng nhân của Chúa. Lúc đầu ngài nghĩ, một khi trở lại đạo, mình sẽ phơi phới đi lên. Nhưng về sau, ngài nhận ra con đường đi lên đó quá vô cùng gian lao, và trên đường đó có nhiều bóng đêm thung lũng. Ngài bảo, ngay cả thánh Phaolô cuối cùng cũng không tránh khỏi bị cám dỗ. Nói thế, hẳn An-tịnh muốn phóng rọi chính mình vào thánh nhân. Nhưng chính vì bị dằn vặt, nên An-tịnh mới nhận ra lượng từ ái lớn lao của Chúa, và có thể nói với Ngài như một Đấng Nhân Từ, mới dám chờ đợi sự che chở nơi Ngài, mới thấy bộ mặt hiền từ của Ngài, và không phải đôi co với Ngài.
Trong ý nghĩa đó, tôi tin rằng, bóng dáng Chúa Kitô quả thật làm giảm đi ít nhiều nỗi đắng cay của cuộc sống đôi co của ta. Lòng nhân của Đấng Tạo Dựng, mà Gióp trước đây chỉ thấy lờ mờ, giờ đây – qua Đức Kitô – đã hiện hình rõ nét. ( Trích “Thiên Chúa và Trần Thế” của Hồng Y Joseph Ratzinger do Phạm Hồng Lam dịch)

Suy tới đây, tôi rất đỗi vui mừng, khi nhìn ra chính cuộc đời Chúa Giêsu cũng đã phải kinh qua nhiều những khó khăn và lo âu, cũng như nhiều những tâm tình thổn thức sâu đậm. Nhưng mỗi khi gặp những vấn nạn đời thường đó, sức mạnh làm cho Người đứng vững và vượt lên phía trước chính là đời sống cầu nguyện thâm sâu của Người. Chỉ có qua cầu nguyện liên lỉ như thế, Đức Giêsu mới có thêm bình an để tiếp tục hoàn thành sứ vụ của mình. Chỉ khi có mới cho đi được, nên Người đã dễ dàng đồng cảm với những nỗi thống khổ của con người.

Thánh Phaolô đã kinh nghiệm được điều vô cùng thiết yếu quan trọng này. Nên ngài đã dâng lên lời cảm tạ:

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giầu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.” (2Cr 1, 3-5)

Lạy Cha giầu lòng từ bi lân ái,
Chung quanh chúng con còn nhiều những mảnh đời đang sống trong lo âu và đói khổ, nhưng chúng con chưa đủ sức mạnh bình an của Cha để nâng đỡ ủi an họ.
Xin Cha hướng lòng chúng con luôn biết ngắm nhìn lên chân dung Con Yêu Dấu của Cha, vừa là người thật với tâm hồn đồng cảm đầy yêu thương và cũng vừa là “Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen”


Chúa Nhật 19TN, 10/08/2008
Phêrô Vũ văn Quí CVK64


Email: peterquivu@gmail.com