PDA

View Full Version : Cách thức loan báo tin mừng cho người Việt Nam hôm nay



duoc1706
02-10-2011, 09:55 PM
Cách thức loan báo tin mừng cho người Việt Nam hôm nay


1. TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM TRONG QUÁ KHỨ
Đã có một thời người ta coi việc truyền giáo như là việc thay cũ đổi mới, một cuộc cách mạng để gạt bỏ một lối sống cũ để thay vào đó một lối sống mới phù hợp với Tin Mừng. Thế nên, việc rao giảng Tin Mừng đã không đem lại kết quả là bao, có khi trở thành phản chứng trong môi trường truyền giáo. Đó cũng là bi kịch đã diễn ra tại việt nam vào thời gian đầu của việc truyền giáo. Trong quá khứ, Giáo hội Việt Nam đã trở thành một tà đạo đối với dân tộc. "Điểm then chốt ở đây là: Giáo Hội chưa thích nghi để hội nhập văn hoá, để diễn tả niềm tin theo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Giáo Hội đã có thời kỳ gạt bỏ tất cả những lề thói, tập tục của văn hoá Việt Nam như thờ kính tổ tiên, tôn thờ thần hoàng, hay các anh hùng dân tộc... điển hình như lệnh cấm đầu tiên vào năm 1704 thời ĐTC Clemente XI, năm 1715, Tông chiếu Ex Illa Die nhắc lại những điều cấm và kèm thêm bản tuyên thệ phải từ bỏ lễ nghi Trung Hoa. Tại Việt Nam, ở Giáo phận Đàng Trong, các cha Dòng Tên đã phản đối và vẫn cho phép làm những việc trước đây nên có sự căng thẳng giữa các Cha Dòng Tên và vị đại diện Toà Thánh. Cuối cùng, ĐTC Benedicto XIV ra Tông chiếu Ex quo singulari năm 1742 giải quyết dứt khoát vấn đề lễ nghi Trung Hoa. Năm 1773, Dòng Tên bị giải thể và mãi đến năm 1814 mới được phục hồi.
Điều đó dẫn đến nhiều người Việt Nam không dám theo đạo vì sợ bất hiếu, bất trung với tổ tiên và dân tộc. Phải gần 200 năm sau, trong đường hướng cởi mở đối với các vấn đề về xã hội được ĐTC Leo XIII khởi đầu qua Thông điệp Rerum Novarum (1891) và ĐTC Pio XII qua các thông điệp như Mystici Corporis (1943), Divino afflante spiritu (1943), Thánh Bộ Truyền bá Đức tin mới cho rằng lễ nghi tôn kính tổ tiên và đức Khổng Tử chỉ có tính cách xã hội. Năm 1939, Thánh bộ công bố Huấn thị Plane compertum est về vấn đề này. Năm 1965, HĐGMVN mới có thông báo cho phép những hình thức tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam" (Lm. Nguyễn Ngọc Sơn).
Thế nên, việc tìm ra một phương thế loan báo Tin Mừng cho phù hợp với hoàn cảnh với thời đại đó là điều mà toàn thể Giáo Hội đang quan tâm và đang cùng với Chúa Thánh Thần để tìm ra một giải pháp thích hợp nhất cho thời đại hôm nay. Trong kỳ họp THĐGM Á châu, các Đức Giám mục đã đưa ra một phương thế đối thoại trong tôn trọng để qua đó đưa Tin Mừng vào trồng trong chính nền văn hoá cụ thể. Các ngài đã khẳng định: “Để cống hiến cho họ Tin Mừng cứu độ, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu văn hoá của họ. Giáo Hội tìm cách để nhận biết não trạng và tâm hồn của người nghe, những giá trị và tập quán, những vấn đề và khó khăn, những hy vọng và ước mơ của họ. Một khi biết được và hiểu được những khía cạnh khác nhau này của văn hoá, Giáo Hội có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu độ” (Giáo hội Á châu, số 21).
2. CHÚA GIÊSU MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO
Việc hội nhập văn hoá không phải là điều mới mẻ, nhưng đó chính là cách Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời rao giảng của mình. Nhìn lại cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài không trở nên khác thường giữa mọi người và Ngài cũng không làm cho môi trường hay hoàn cảnh đó vượt lên bình thường. Trong tiệc cưới Canna, Ngài đã hoá nước thành rượu để cho tiệc cưới được bình thường, được trọn vẹn niềm vui. Tiệc cưới đang vui bỗng hết rượu, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu, nghĩa là Ngài làm cho tiệc mừng đó được diễn ra bình thường, không gây xáo trộn, không mất vui vì hết rượu. Và nhất là trong cuộc sống dương gian của Ngài, Chúa Giêsu đã sống như bao con người. Ngài đã mang lấy xác phàm giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng mang lấy một dòng máu, màu da và chịu ảnh hưởng của một nền văn hoá cụ thể là văn hoá Do Thái, đến nỗi người ta có thể nhận ra Ngài là một người Nazareth, con của một người lao động tên là Giuse. Nhìn vào cung cách sống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra Ngài đã hoàn toàn tự huỷ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để sống một cuộc đời như bao người đồng hương với Ngài. Ngài đã tự nguyện đi sâu vào những thăng trầm của đời người để từ đó Ngài khai mở cho nhân loại một hướng đi mới dựa theo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Ba mươi năm sống đời ẩn dật là thời gian đủ để Ngài hiểu được những ưu tư, trăn trở, lo lắng trong kiếp sống con người. Ba mươi năm sống giữa gia đình, thôn xóm là thời gian đủ để những nét đặc thù của văn hoá Do Thái thấm nhuần trên con người của Ngài. Thế nên, những lời Ngài rao giảng luôn được khởi đầu từ những dụ ngôn, những biến cố, những câu chuyện mang đặc tính văn hoá của dân tộc Do Thái, nhờ đó những giáo huấn của Ngài trở thành chân lý soi dẫn cho chính cuộc sống của họ.
Khi hoàn tất sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội ở giữa nhân loại, cùng đồng hành trong lịch sử nhân loại qua đó tiếp tục sứ mệnh của Thầy Chí Thánh Giêsu đem Tin Mừng cứu độ đến khắp cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội phải bước theo con đường Thầy mình là hoà nhập vào đời sống trần thế, là đem Tin Mừng gieo vào mọi hoàn cảnh và mọi nền văn hoá khác nhau của các châu lục, đồng thời nhận ra những dấu chỉ cụ thể của thời đại để hoàn thành sứ mạng của mình giữa trần thế.
3. THƠ VĂN GIÚP GÌ CHO CÔNG CUỘC RAO GIẢNG TIN MỪNG
3a. Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam về vai trò của tư tưởng và rao giảng
Với con người, ý tưởng và hành động đi đôi như hình với bóng. Tư tưởng có thông, hành động mới vững. Cái đầu giúp cánh tay để hành động và cánh tay giúp cái đầu để hoạch định. Lịch sử nước nhà dạy ta bài học sức mạnh đến từ chính nghĩa song song với sự vận dụng khéo léo những gì có trong tầm tay. Việc động viên lòng người đời xưa đã đạt mức nghệ thuật. So sức với quân nhà Tống, xâm lăng nước ta vào thế kỷ 11, quân Nam như châu chấu đá xe mà xe phải nghiêng ngả… Thành công thần kỳ ấy nhất thiết nhờ vào khí phách của Lý Thường Kiệt truyền qua tuyên ngôn “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”.
Hai cuộc chiến vệ quốc chống quân Nguyên, thế kỷ 13, vẻ vang chiến thắng dưới sự chỉ huy của dũng tướng Trần Hưng Đạo. Tướng quân đã truyền hào khí non sông qua “Hịch Tướng Sĩ”:
“Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng…”.
Tuyên cáo hùng tráng “Bình Ngô Đại Cáo”, thế kỷ 15, xuất phát tự tân não của vua Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi, một đàng phô bày nỗi khuất tất cay cực mà quân Minh ngoại bang áp bức bóc lột dân lành, đàng khác tuyên cáo chính tất thắng của quân Nam:

“Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối
Phần vì giận quân thù ngang dọc
Phần vì lo vận nước khó khăn…
Nhân dân bốn cõi một nhà, đựng can trúc ngọn cờ phất phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều…
Đem lại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo…”.
3b. Văn chương biểu lộ tâm hồn, đi vào lòng người, dọn đường Tin Mừng
Cổ nhân nói “Tổ quốc hưng vong, sĩ phu hữu trách”, người trí thức mang nặng trách nhiệm hưng vong đối với dân tộc tổ quốc mình. Hội nhà văn phần nào tiêu biểu cho lớp sĩ phu, thời gian này thường tự chất vấn tại sao chúng ta không “sinh đẻ ra được những tác phẩm lớn?”. Tại sao một tác phẩm vừa phát hành đã vội bị quên lãng? Và ta cũng có thể hỏi do đâu có những tác phẩm vượt qua mệnh yểu và trường thọ? Tại sao nguời ta đọc mãi “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi mà vẫn tìm thấy trong đó thần hứng? Tại sao khắp thế giới người ta nôn nao tìm thưởng thức “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” của Victo Hugo?... Tôi thiết nghĩ tác phẩm trường thọ có tính triết lý, nghĩa là có cái hay, cái đẹp… cái tầm để nâng cao cái tâm và nó sẽ sống mãi với cõi đời. Nơi Nguyễn Trãi bừng khí thiêng sông núi, nơi Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… đó là cái quý báu làm cho người ta sống và người ta chạy đi tìm kiếm…
Gắn bó hữu cơ với giá trị nội dung là sự khéo léo nhuần nhuyễn sử dụng ngôn từ. Cái hay cái đẹp lại được gói ghém khéo léo thì ai cũng thèm cũng mê. Nó nhập hồn ta và cứ khiến ta bận tâm.
Cha ông ta xưa đã khoé léo vận dụng thơ văn để khuyên răn, dạy dỗ con cái. Những vần thơ, những câu ca dao nặng tính triết lý đã đi sâu vào lòng người. Ta thử hỏi có ai là người Việt Nam lại không thuộc, không hiểu đạo lý làm con phải hiếu qua câu thơ:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ kính mẹ cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hay khi nói về tình mẹ, cha ông ta thường ví như cái gì đó rất ngọt ngào, thơm ngon:

“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau”.
Người xưa con dùng thơ văn để nói lên nỗi lòng của mình. Chúng ta thử nghe một câu ca dao đơn sơ:

“Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”.
Ta có thấy lòng mình xót xa cái “thân em” không? Quả thực:

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Ta cứ thấy niềm mơ ước tấm lụa ấy…
Ca dao ra đời và tồn tại là để đáp ứng những nhu cầu bộc lộ tình cảm của con người. Bên cạnh những bài ca về yêu thương tình nghĩa thì những lời than thở về cuộc đời đau khổ, đắng cay cũng là một đề tài rất tinh tế trong hệ thống ca dao dân ca Việt Nam. Đó là những lời than thân trách phận, tâm tư tình cảm của những con người lao động và họ đã mượn hình ảnh con cò để bày tỏ nỗi lòng của mình.

“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi vào,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con”.
Hình ảnh ẩn dụ “nước trong”, “nước đục” đã gợi cho chúng ta biết cò là một người rất trọng danh dự. Nếu phải chết, cò muốn chết trong “nước trong” - chết trong danh dự chứ không phải là “nước đục” - một sự tượng trưng cho tai tiếng, nhục nhã và đầy hổ thẹn. Lời của cò còn thể hiện được những khao khát, những nỗi niềm khác nhau. Cò muốn được sống để có thể lo cho con, cho gia đình. Tiếng kêu của nó chân thành, gấp gáp giống như tiếng kêu của một sự cầu cứu. Dù sắp chết nhưng cò vẫn nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm của mình đối với các thế hệ con cháu đời sau. Cò sợ đời sau xấu hổ, tủi thân, phải mang tiếng xấu với đời. Qua lời cò, câu ca dao đã đề cập đến người bình dân Việt Nam rất trọng danh dự, luôn có trách nhiệm với thế hệ sau.
Thi hào Nguyễn Du đau đời và thương người, thương da diết và đau phận “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương” của nàng Kiều:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân…”
“Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần”.
Đã thất thân, giữa chốn thanh lâu, Kiều thở than, lời than thở mấy ai hiểu thấu?

“Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau…”
“Một mình âm ỉ canh chầy,
Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh”.
Ôi Thôi!

“Xót thay chiếc lá bơ vơ
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng
Xót than chìm nổi, đau lòng hợp tan”.
Kết tập truyện thơ, Cụ Nguyễn Du bộc bạch:

“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh…”.
“Lời quê”, Cụ quá khiêm tốn mà nói thế, những lời ấy chẳng còn là quê nhưng rất thần kỳ, đi sâu vào tậm hồn khiến ta phải nặng lòng... Mấy ai diễn thành những “lời quê” như thế ấy… cho hậu thế mãi mãi ngẫm nghiền?
Cách đây mấy thập niên việc học giáo lý hoàn toàn dựa vào thơ ca. Chính những vần thơ đã đi vào lòng người những giá trị của Kitô giáo. Chính những vần thơ đã giúp cho các tín hữu hiểu và sống đạo. Như bài thơ CÓ THIÊN CHÚA mà mỗi người chúng ta từng đã thuộc nằm lòng:

Có thợ thì mới có nhà
Nếu không có thợ hỏi nhà đâu ra
Nhìn xem trời đất bao la
Trăng sao sông biển cỏ hoa núi rừng
Chòm cây chim hót vang lừng
Mặt trời gieo ánh tưng bừng sáng tươi
Bao nhiêu cảnh sắc tuyệt vời
Quyết rằng cũng phải có người dựng nên
Ấy là Thiên Chúa chớ quên
Suốt đời yêu mến ngày đêm kính thờ.
Hoặc những bài thơ đã được phổ nhạc càng đi vào lòng người và giúp cho việc dạy giáo lý càng hiệu quả hơn như:

Ai cho hoa trái chín ngon trên cành cây.
Ai cho tinh tú sáng soi trên bầu trời
Chính Chúa dựng nên muôn sao lấp lánh
Chính Chúa ban trái ngọt chín thơm trên cành.
Kết
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy nhiều người đã đổi đời nhờ gặp một cuốn sách, một lời dạy thấm thía, nhất là gặp được một tấm lòng… Sao ta không cố gắng rèn luyện từ con tim luôn sẵn sàng những lời tao nhã, những cử chỉ nhân văn làm máng chảy truyền thông sức sống thần linh cao quý. Nhất là biết vận dụng những vần thơ, những áng văn để diễn tả tình yêu của Chúa cho nhân trần, để loan báo Tin Mừng đến cho muôn loài.
Ước mong CLB Đồng Xanh Thơ của chúng ta luôn được Thần Khí Chúa hướng dẫn để biết chuyển tải Tin Mừng của Chúa qua thơ văn như những món ăn ngon đến cho mọi người.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
longthuongxotchua.net (http://longchuathuongxot.net/showthread.php?t=7198)