PDA

View Full Version : Thánh lễ tưởng niệm 30 năm Đức Phaolô VI qua đời



xoicucnong
13-08-2008, 04:00 PM
http://v2.hdgmvietnam.org/DesktopModules/TTONews/LoadImage.aspx?NewsPK=884



Lúc sau 5 giờ chiều thứ tư ngày 6-8-2008, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm 30 năm Đức Phaolô VI qua đời.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Hồng Y mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội vị chủ chăn tôi tớ Chúa say mê yêu mến Chúa Kitô, Giáo Hội và thế giới, cũng như nêu gương trong cuộc sống tinh thần, trong các giáo huấn sâu xa và các hoạt động chống lại các bất công và bạo lực để tái tạo nền văn minh tình thương và hoà bình trên thế giới.

Thật vậy, Đức Phaolô VI là vị Giáo Hoàng đặc biệt, bắt đầu với tên gọi Phaolô. Người là vị Giáo hoàng đầu tiên lấy tên gọi là Phaolô trong 4 thế kỷ liên tiếp của lịch sử Giáo Hội. Qua đó, người muốn bắt chước Thánh Tông đồ Phaolô là ”người đã rất mực yêu thương Chúa Kitô và tột đỉnh ước mong và cố gắng đem Tin Mừng của Chúa Kitô đến với mọi dận tộc và vì yêu Chúa Kitô, tận hiến mạng sống mình cho Chúa” (Bài giảng lễ đăng quang 30-6-1963).

Lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm của mọi sự và mọi hoạt động phục vụ Giáo Hội và thế giới đã được Đức Phaolô VI nêu bật trong diễn văn khai mạc khoá II của Công đồng Chung Vatican II với các lời đáng ca ngợi như sau: ”Chúa Kitô là nguyên lý của chúng ta! Chúa Kitô là đường và là vị hướng đạo chúng ta! Chúa Kitô là niềm hy vọng và đích tới của chúng ta... Ước chi đừng có ánh sáng nào khác chiếu soi trên cuộc họp của chúng ta nếu không phải Chúa Kitô, ánh sáng thế gian; ước chi đừng có sự thật nào khác lôi kéo tâm trí chúng ta nếu không phải là các lời của Chúa là vị Thầy duy nhất của chúng ta; ước chi đừng có linh hứng nào khác hướng dẫn chúng ta nếu không phải là ước muốn tuyệt đối trung thành với Người” (29-9-1963).

Tiếp tục bài giảng, Đức Hồng y Re nói tinh thần tu đức lấy Chúa Kitô làm trung tâm và tuyệt đối vâng phục Chúa là bí quyết của việc phục vụ Giáo Hội trong thừa tác Phêrô và việc thực thi việc cập nhật hoá Giáo Hội được Công Đồng đề xướng. Tình yêu đối với Chúa Kitô cũng khiến cho Đức Phaolô VI hết mực yêu thương Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội cho đến chết.

Như là Giáo hoàng, Đức Phaolô VI sống và rao giảng lòng tin với sự tận tâm không mệt mỏi và can đảm bảo vệ sự toàn vẹn và tinh tuyền của lòng tin. Người tận dụng mọi dịp để rao truyền Lời Chúa và phổ biến tư tưởng của Giáo Hội và vững tay lèo lái con thuyền Giáo Hội ngược sóng trong thời gian khó khăn của những năm chống đối và nỗ lực bảo vệ gia tài lòng tin.

Năm 1967, nhân kỷ niệm 19 thế kỷ cuộc tử đạo của hai Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Phaolô VI tuyên bố Năm Lòng Tin và trong lễ kết thúc đọc lên ”Kinh Tin Kính của dân Chúa” và chỉ cho các thần học gia và toàn Giáo Hội các điểm nền tảng không được xa rời và người tái khẳng định các chân lý nền tảng của Kitô giáo.

Chính ý thức cao độ về nhiệm vụ duy trì kho tàng lòng tin đã khiến cho Đức Phaolô VI can đảm lựa chọn đưa ra các giáo huấn rõ ràng trong thông điệp ”Sự sống Con người - Humanae Vitae” và bảo vệ luật lệ của Thiên Chúa, cho dù biết rằng sẽ bị chống đối vì ngược lại với nền văn hoá đang thống trị và dư luận công cộng.

Nói thêm trong bài giảng, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giám mục ca ngợi Đức Phaolô VI như là vị Giáo hoàng của tinh thần đối thoại với thế giới tân tiến và với các tôn giáo và nền văn hoá khác. Người yêu thương thế giới, tìm hiểu học hỏi và nhìn nó với thiện cảm và lòng khâm phục sự phong phú văn hoá và khoa học, nhưng cũng nhận biết những bần cùng và cao cả của nó. ”Nếu thế giới cảm thấy xa lạ với Kitô giáo, thì Kitô giáo không cảm thấy xa lạ với thế giới”. Chính vì thế, Giáo Hội luôn mở rộng cửa và đối thoại với tất cả mọi người. Đối với Đức Phaolô VI, đối thoại là kiểu diễn tả tinh thần Tin Mừng tìm đến với tất cả mọi người, chung sống và rộng mở cho nhau trong niềm tôn trọng công lý, trong tình liên đới và tình yêu thương.

Trong một thế giới nghèo nàn tình yêu, đầy vấn đề và bị xâu xé vì bạo lực, Đức Phaolô VI đã tận lực làm việc để thiết lập một nền văn minh tình thương. Cũng vì thế, ngài đã có nhiều sáng kiến đáng ghi nhớ. Ngài đã là vị Giáo hoàng đầu tiên trở lại Thánh Địa. 6 tháng sau khi được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, ngài viếng thăm Thánh Địa, qua đó Đức Phaolô VI chỉ cho Giáo Hội thấy chỉ khi theo vết chân Chúa Kitô, Giáo Hội mới tìm lại được chính mình.

Đức Phaolô VI cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên khước từ chiếc mũ 3 tầng và cho bán đấu giá nó để lấy tiền giúp người nghèo trong chuyến viếng thăm Ấn Độ sau đó.

Người cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đến nói chuyện với hàng lãnh đạo toàn thế giới tại Liên Hiệp Quốc và đã đưa ra lời kêu gọi đáng ghi nhớ sau đây: ”Đừng bao giờ có chiến tranh nữa, đừng bao giờ con người chống lại con người hay ở trên nhau nữa, nhưng cho nhau và với nhau”.

Đức Phaolô VI cũng là vị Giáo hoàng huỷ bỏ giáo triều và muốn Toà Thánh có kiểu sống đơn sơ hơn. Ngài cũng là người cải cách các Cơ quan Trung ương Toà Thánh khiến cho nó hữu hiệu, mang tính mục vụ và quốc tế hơn.
Ngoài ra, Đức Phaolô VI cũng là vị Giáo hoàng thiết lập Ngày Hoà bình Thế giới cử hành vào ngày 1 tháng giêng hằng năm.

Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y Giovanni Battista Re xin Mẹ Thiên Chúa, mà Đức Phaolô VI đã vô cùng yêu mến, bầu cử để cho ánh sáng các giáo huấn và chứng tá của vị tôi tớ Chúa tiếp tục sáng soi con đường của Giáo Hội và xã hội ngày nay.

(SD 6-8-2008)

Linh Tiến Khải