PDA

View Full Version : Đấng Đồng Trinh Trọn Đời



maria_huong
22-11-2011, 04:48 PM
8. ĐẤNG ĐỒNG TRINH TRỌN ĐỜI





(Aeiparthenos)



Câu truyện
Giáo lý về đặc ân Đồng Trinh Trọn Đời của Đức Maria là một treong những điều tin gây sôi nổi. Giáo lý này trước tiên đòi phải tin nhận Đức Maria đồng trinh mặc dù đã thụ thai và cưu mang; và thứ hai là Mẹ vẫn còn đồng trinh sau khi đã hạ sinh Chúa Giêsu.

Điều tin thứ nhất có nguồn gốc trực tiếp từ Thánh Kinh. Theo Phúc Âm thánh Matthêu (1,18-25), “Maria đã đính hôn với Giuse, nhưng trước khi ông bà chung sống với nhau, thì xảy ra là bà đã có thai do bởi Thánh Thần.” Choáng váng trước sự kiện ấy, Giuse quyết định “lìa bỏ bà cách kín đáo” để chấm dứt hôn ước. Nhưng một thiên thần đã hiện đến và cho thánh nhân biết Đức Maria vẫn luôn đồng trinh:” “…Thai nhi nơi bà là do tự Thánh Thần.” Phúc Âm còn cho biết các sự kiện trên được xác chứng qua lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai”(7,14), và giải thích rằng Giuse đã kết hôn cùng với Đức Maria nhưng không “tri giao vợ chồng…”

Phúc Âm thánh Luca (1,26-38) minh định sự kiện về người trinh nữ sinh con. Thiên thần Gabriel hiện đến cùng Đức Maria trong thời gian sau khi đính ước với Giuse và loan báo Mẹ sẽ thụ thai “Con Đấng Tối Cao.” Khi Maria thắc mắc, “Làm sao điều này có thể xảy đến, vì tôi là một trinh nữ?” thì thiên thần đã trả lời, “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà… Vì không có gì là Thiên Chúa không làm được.” Thế là Đức Maria đã suy phục chương trình của Thiên Chúa.

Một nguồn ngoại kinh quan trọng khác cũng kiện chứng cho giáo lý đồng trinh sinh con. Theo Tiền Phúc Âm thánh Giacôbê, một tác phẩm ngoại kinh được viết vào khoảng năm 120, song thân của Đức Maria là Gioachim và Anna đã kết hôn với nhau nhiều năm nhưng không coá con. Một thiên thần đã hiện đến và loan báo các ngài sẽ có một ái nữ, người sẽ được thánh hiến để phụng sự Thiên Chúa. Bà Anna đã thụ thai và sinh con trẻ là Maria: Năm lên ba tuổi, trẻ Maria đã được hiến dâng trong đền thờ và đoan nguyền giữ đức đồng trinh trọn đời. Tuy nhiên, khi đến tuổi lớn, Maria cần có một người bảo hộ để gìn giữ sự khiết trinh, thế là Giuse, một người cao niên, goá vợ và có nhiều con cái, đã được tuyển chọn cách nhiệm là để kết ước cùng Maria. Câu truyện sau đó tiếp diễn như đã được kể trong các trình thuật Phúc Âm, ngoại trừ việc thầy cả thượng phẩm, khi hay biết Đức Maria thụ thai, đã bắt cả hai người phải chịu thử thách, và cuộc thử thách đã minh chứng sự thật là Maria thụ thai đồng trinh.

Một nguồn ngoại kinh khác là Phúc Âm Maria Sinh Con cũng kể lại một câu truyện tương tự như trong Tiền Phúc Âm thánh Giacôbê.

Niềm tin về sự kiện đồng trinh sinh con đã có từ xa xưa, được nhiều giáo phụ cũng như nhiều người minh chứng và tin rằng đó là điều cần thiết và đã được Thiên Chúa tiền định, bởi vì chỉ có một trinh nữ mới có thể được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Chẳng hạn, thánh Ignatius thành Antioch (+c.107) đã viết rằng, Chúa Kitô “thực sự đã được sinh ra bởi một trinh nữ.” Thánh Jerome (c.342-420) kêu lên, “Chúng tôi tin Chúa đã được sinh ra bởi một trinh nữ, bởi vì chúng tôi đã đọc được điều ấy.” Kinh Tin Kính các Tông Đồ cũng tuyên xưng, “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh.” Công đồng Nicêa (325) đã đưa giáo lý ấy vào khinh Tin Kính: “…Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã Nhập Thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria…” Công đồng Lateran năm 649 tuyên bố Chúa Giêsu đã được đầu thai “bởi Đức Chúa Thánh Thần mà không có mầm nam nhân.”

Điều tin thứ hai – sau khi hạ sinh Chúa Giêsu , Đức Maria vẫn mãi mãi đồng trinh – đã gây nên nhiều tranh luận hơn điều tin thứ nhất, và cũng có nguồn gốc từ xa xưa. Khi xác quyết Đức Maria trọn đời đồng trinh, các giáo phụ đã coi lời sách ngôn sứ Ezekiel như một lời tiên tri: “Giavê phán với tôi: Cổng này sẽ được đóng lại không được mở. Không người nào sẽ vào ngang qua đó. Vì Giavê Thiên Chúa của Israel đã đi qua đó. Nó sẽ phải đóng lại” (44,2). Các giáo phụ đã coi cổng ấy là biểu tượng của con đường Chúa Kitô đi ra từ cung lòng của Đức Maria. Thánh Athanasius, thánh Epiphanius, thánh Jeromi, thánh Syril thành Alexandria, tất cả thuộc thế kỷ thứ IV, đều ủng hộ quan điểm này. Thánh Augustine (354-430) đã viết rằng, Đức Maria là trinh nữ khi thụ thai, trinh nữ khi sinh con, trinh nữ khi nuôi nấng con, và mãi mãi là trinh nữ” (Bài giảng 186). Công đồng Constantinople II (553-554) đã xác nhận lập trường ấy, và hai lần khẳng định Đức Maria trọn đời đồng trinh.

Mặc dù có những cuộc tranh luận kéo dài xuyên các thế kỷ, nhưng Giaó Hội luôn tin nhận sự kiện Đức Maria trọn đời đồng trinh là một giáo lý đức tin, dựa trên nền tảng là truyền thống lâu đời, sự tương hợp giữa những trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu về chi tiết ấy, và sự khó khăn trong việc giải thích nguồn gốc những tư tưởng ấy – nếu không phát xuất từ cốt lõi đức tin. Sách Giáo lý Giaó Hội Công Giaó (số499) viết rằng:

Việc đào sâu thêm niềm tin vào sự làm mẹ mà vẫn đồng trinh của Mẹ Maria đã dẫn đưa Giaó Hội tới chỗ tuyên xưng sự tinh khiết thực sự và trọn đời của Mẹ Maria, cả trong việc sinh hạ Con Thiên Chúa làm người. Đúng thế, sự sinh ra của Chúa Kitô ‘đã không giảm mất mà còn thánh hiến sự trinh tuyền của Mẹ Ngài’ (Lumen gentium, 57). Phụng vụ của Giaó Hội tôn vinh Mẹ Maria là ‘Aeiparthenos – Đấng Trọn Đời Đồng Trinh’ (Lumen gentium, 52).

Đấng Aeiparthenos (Trọn Đời Đồng Trinh) đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách sống đời trinh khiết, tận hiến toàn thân để thực thi điều Thiên Chúa muốn, tin tưởng rằng thái độ suy phục của Mẹ sẽ có một giá trị siêu vượt trong chương trình lịch sử ơn cứu độ. Đức tin của Đức Maria đã được chứng minh, vì Mẹ vẫn mãi mãi được chúc tụng “là người diễm phúc hơn mọi người nữ.”

LỜI KINH TRUYỀN THỐNG

Lạy Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh vinh hiển, Hiền Mẫu của Chúa không, Chúa chúng con, xin Mẹ chấp nhận những lời cầu nguyện của chúng con và dâng lên trước toà Con Mẹ là Chúa chúng con, để Người vì Mẹ mà ban ánh sáng và ơn cứu độ cho linh hồn chúng con. Amen.

LỜI KINH MỚI

ÔI Đấng Trọn Đời Đồng Trinh, xin cứu con khỏi cacnhr muộn phiền, đó là tình trạng u uẩn điều khiển mọi bước chân con và mong chờ mọi thành quả, hoạch định và xúc tiến để đạt đến những mục tiêu con ấp ủ, giữ chặt các định kiến của con về cuộc sống, bởi vì bất cứ sự ngạc nhiên nào cũng làm đảo lộn tất cả những chương trình của con. Lối sống này đem lại cho con quá ít niềm vui, nhưng con lại không chịu đổi thay. Lạy Đấng Trọn Đời Đồng Trinh, xin cho con biết nhận ra ơn soi động thánh thiện. Xin soi sáng cho con thấy những khả năng vô giới hạn của tâm trí con. Xin mở rộng cửa linh hồn con cho Thiên Chúa vô cùng! Xin giúp con nghe được những lời đầy hứng khởi của thiên thần, “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể,” để sau cùng, con dám từ bỏ thói lệ của con, biết chấp nhận cảnh bấp bênh và tìm kiếm phần phúc hoan lạc mà Thiên Chúa đã đoái thương tiền định khi tạo thành nên con. Amen.



Lm. Anthony F. Chiffolo