PDA

View Full Version : Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên A (Mt 16:13-20)



littlewave
21-08-2008, 08:53 AM
Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên A (Mt 16:13-20)

Tuần trước Chúa Giêsu cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của một người phụ nữ ngoại đạo. Dù bị Chúa từ chối đến ba lần, bà vẫn một mực tin vào Chúa và kêu xin Người cứu giúp. Sau cùng không những Chúa đã nhận lời bà, mà còn đề cao đức tin của bà trước mặt dân Do Thái. Tuần này Chúa hỏi các môn đệ xem các ông có biết Người là ai không. Đồng thời Người cũng chấp nhận lời Thánh Phêrô tuyên xưng Người là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Dựa vào lời tuyên xưng này Người cho các môn đệ biết rằng chính Đức Chúa Cha đã tỏ cho Thánh Phêrô biết điều đó và Người đã đặt Thánh Phêrô làm “Đá” mà trên đó Người sẽ xây Hội Thánh của Người cùng hứa sẽ trao Chìa Khóa Nước Trời cho ngài.

Mt 16:13 - Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?"

Xêsarêa Philípphê là một thành huộc chi tộc Naphthali gần núi Libanô, trong tỉnh hạt Iturêa. Tên ngày xưa là Dan (St 14:14 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=st+14:14)). Sau đó gọi là Laish (Laghít) (Tl 18:7 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=tl+18:7)). Tiểu vương Philípphê đã xây dựng nó thành một thị trấn lớn và đổi tên là Xêsarêa để tỏ lòng biết ơn Tibêriô Xêsarê, là hoàng đế Rôma thời đó. Ðể phân biệt với một thành phố khác cùng tên nằm bên bờ Ðịa Trung Hải, người ta gọi thành phố này là Xêsarêa Philípphê. Bây giờ thành phố này vẫn còn, nhưng rất bé.

Người ta bảo Con Người là ai? Có một số bản lại viết rằng: “Người ta nói rằng Thầy, Con Người, là ai?”, nhưng đa số đều không có chữ Thầy. Có lẽ các nhà chép Thánh Kinh đã thêm vào đó để cho giống với Tin Mừng Marcô và Luca (Mc 8:27; Lc 9:18 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mc+8:27;%20lc+9:18)). Con Người ở đây ám chỉ chính Chúa Giêsu như Đấng Mêsia (Đaniel 7:13 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=daniel+7:13)).

Mt 16:14 - Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó"

Trong câu này các môn đệ thưa lại với Chúa về những ý kiến của người khác về Người. Hêrôđê Antipa nói rằng Người là Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống lại (Mt 14:1-2 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mt+14:1-2)). Còn những người khác đều tin rằng Chúa là một ngôn sứ (xem Mc 6:15; Lkc 9:8 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mc+6:15;%20lc+9:8)).

Mt 16:15 - Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?"

Câu hỏi này Chúa đặt ra cho các môn đệ để các ông xác tín Người là ai, Người có liên hệ gì với đời sống các ông, và các ông có tin vào Người, có yêu mến Người hay không. Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con nói Thầy là ai?”. Mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có thật sự tin là chúng ta rước Chúa không, hay đó chỉ là một tấm bánh vô nghĩa? Nếu chúng ta tin, chúng ta có ôm ấp, thờ lạy, yêu mến và tâm tình với Người không? Hay là chúng ta chẳng màng gì đến Người, mà lo để tâm đến những chuyện khác? Mỗi khi chúng ta chạm trán với những quyết định về luân lý, công bằng, bác ái, chúng ta có thực sự nghe theo tiếng Chúa hay chỉ nghe theo những dục vọng của mình? Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta có tin và chạy đến với Chúa hay tìm sự giúp đỡ của thế gian?

Mt 16:16 - Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Lần này Thánh Phêrô nhanh nhảu đại diện cho các môn đệ mà trả lời Chúa. Từ đầu đến giờ chúng ta thấy Thánh Phêrô đứng đầu danh sách các Tông Ðồ, nhưng ở đây ngài trả lời trước nhất. Vì ngài xác tín rằng Chúa Giêsu là Ðức Kitô, nên đã trả lời ngay mà không do dự gì cả. Danh hiệu Ðức Kitô, hay Ðấng Ðược Xức Dầu, được dùng trong Cựu Ước để chỉ một Vua Tương Lai của Nước Do Thái, nhưng không mấy ai tuyên xưng Ðức Kitô là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Còn Thánh Phêrô thì xác quyết điều này trong lòng, và tuyên xưng ra ở đây.

Mt 16:17 - Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Thực ra phải dịch là Simon Bar-Giôna mới đúng, vì đó là cách gọi của người Do Thái có nghĩa là Simon con ông Giôna.
Xác thịt hay máu huyết - thực ra là xác thịt và máu huyết hay huyết nhục, từ Hy Lạp là σαρξ και αιμα - thịt và máu, có nghĩa bóng là người ta, người phàm. Từ trước đến giờ, Chúa Giêsu đã giảng dạy và làm nhiều phép lạ nhưng các môn đệ vẫn chưa tin chắc rằng Người là Ðức Kitô. Câu chuyện men Pharisiêu ở chương 16 chứng tỏ điều đó. Nhưng nhờ ơn mặc khải của Chúa Cha mà Thánh Phêrô đã hiểu tin chắc rằng Người là Con Thiên Chúa.

Mt 16:18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.

Ðây là lần đầu tiên Chúa Giêsu cho các môn đệ biết rằng Người sẽ lập một Hội Thánh, và đặt Thánh Phêrô làm đá tảng của Hội Thánh này. Ngay khi mới gặp ông Simon, Chúa đã đặt cho ông một tên mới là Kêpha nghĩa là Ðá, mà tiếng La Tinh dịch là Petrus và Hy Lạp là Πετρος(Ga 1:43 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=ga+1:43)), với mục đích là sẽ dùng ông làm nền móng của Hội Thánh Người sau này.

Nhiều người Tin Lành không chấp nhận điều này, vì Chúa gọi Thánh Phêrô là “Πετρος”, rồi nói rằng “επ ταυτη τη πετρα οικοδομησω μου την εκκλησιαν - Trên chính đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy. Họ lý luận rằng chữ πετρα – đá ở câu này là chỉ Lời Tuyên Xưng Ðức Tin của Thánh Phêrô, hay chính Ðức Kitô, chứ không phải là Thánh Phêrô, vì Chúa gọi Thánh Phêrô là Πετρος chứ không phải Πετρα. Theo văn phạm Hy Lạp thì một tảng đá lớn gọi là “πετρα” (giống cái), chứ không gọi là πετρος (giống đực). Nhưng cũng theo văn phạm thì Thánh Phêrô là giống đực nên Thánh Matthêu phải dùng Πετρος cho ngài chứ không dùng Πετρα được. Thực ra bàn cãi về văn phạm Hy Lạp ở đây là sai, vì Chúa không nói tiếng Hy Lạp, mà nói tiếng Aram.

Trong tiếng Aram thì Kêpha có thể được dịch ra là πετρος hoặc πετρα. Như thế trong ở hợp này, hai chữ chỉ là một, sở dĩ phải viết khác nhau để cho đúng văn phạm Hy Lạp mà thôi. Chính học giả Tin Lành Albert Barns cũng phải công nhận là Giải thích rằng Chúa Giêsu hứa xây dựng Hội Thánh trên lời tuyên xưng của Thánh Phêrô hoặc trên chính Chúa Giêsu là những giải thích gượng ép. Ông viết thêm trong Barnes' New Testament Notes câu Mt 16:18rằng: “Another interpretation is, that the word rock refers to Peter himself. This is the obvious meaning of the passage” - Một cách cắt nghĩa khác là chữ đá chỉ chính Thánh Phêrô. Ðây là ý nghĩa hiển nhiên của câu này. Hiểu như thế, nhưng ông vẫn không trở lại Công Giáo, vì ông còn nhiều sai lầm khác.

Các cửa địa ngục cũng có thể dịch là các cổng âm phủ. Ðây là dịch câu πυλα αδου ου κατισχυσουσιν αυτης. Chữ αδου được dịch là âm phủ, và hiểu theo nghĩa bóng là địa ngục, vì âm phủ là nơi ở của người chết, mà sự chết là do tội lỗi mà đến. Sự chết đây phải hiểu là sự chết thiêng liêng, nghĩa là không có ân sủng của Thiên Chúa. Vậy âm phủ được đồng hóa với địa ngục, là chỗ ở của những người chết về phần linh hồn, kể cả ma quỷ. Có sách dịch là quyền lực sự chết.

Ðể hiểu rõ câu này chúng ta phải hiểu cổng thành vào thời Chúa Giêsu là gì. Các thành ở Trung Ðông ngày xưa được bao bọc bởi tường thành, trong đó các cổng thành là nơi người ta ra vào, họp chợ, hội họp, xử án,… và thường là nơi được xây dựng vững chắc và canh phòng cẩn thận nhất. Một thành có thể có nhiều cổng. Đôi khi người ta dùng chữ cổng để chỉ quân đội xông ra từ đó. Vậy Chúa Giêsu dùng cổng âm phủ để nói về những âm mưu của ma quỷ và của những người chúng quy tụ làm đồng minh với chúng để phá Hội Thánh, và cả việc ma quỷ mở toang các cổng mà dồn hết quân lực của chúng ra để tấn công Hội Thánh. Chúa hứa là dù ma quỷ có làm gì đi nữa thì Hội Thánh Người xây dựng trên Thánh Phêrô cũng không bị lay chuyển. Sứ vụ căn bản của Thánh Phêrô và các Ðức Thánh Cha và bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin và luân lý của Hội Thánh. Vì hiểu điều này nên trong lịch sử Hội Thánh, khi có những tranh luận về luân lý hay đức tin mà các Ðức Giám Mục không thể giải quyết được đều được trình lên Ðức Giám Mục Rôma, là Ðức Giáo Hoàng, phán quyết. Các Ðức Giám Mục tham dự Công Ðồng Chalcedon, năm 451, viết: “Thánh Phêrô đã nói qua miệng (ÐGH) Lêo.... Ai tin không tin như thế sẽ bị vạ tuyệt thông.”

Mt 16:19 -Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Trong câu này Chúa nói rõ là Người ban cho Thánh Phêrô chìa khóa Nước Trời. Trong Kinh Thánh chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavid (Is 22:20-22 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=is+22:20-22)), hoặc quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1:17-18 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=kh+1:17-18)). Còn Nước Trời là Hội Thánh ở trần gian (Mt 3:2 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mt+3:2)). Nhiều học giả Tin Lành cũng công nhận rằng Chúa ban quyền này cho Thánh Phêrô, nhưng chỉ là quyền mở cửa Nước Trời mà thôi. Họ quên rằng trong câu này, Chúa cũng ban cho quyền tháo mở, cầm buộc nữa. Quyền tháo mở và cầm buộc gồm cả quyền tha tội mà sau này Chúa cũng ban cho các Tông Ðồ (Mt 18:18 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mt+18:18)).

Dựa vào những câu Mt 16:17-19; Ga 1:42; 21:15-17 (http://giaoly.org/tk/tk.php?q=mt+16:17-19;ga+1:42;21:15-17) mà Hội Thánh trong Công Ðồng Vaticanô I long trọng tuyên bố và buộc mọi người Công Giáo phải tin ba điều này:

1. Chúa Giêsu trực tiếp đặt Thánh Phêrô làm thủ lãnh các Tông Ðồ và là đầu hữu hình của Hội Thánh dưới thế, chứ không phải chỉ là một thủ lãnh danh dự.

2. Dựa theo sự cắt đặt này của Ðức Kitô, thì những vị kế nghiệp Thánh Phêrô, là các Ðức Giáo Hoàng, cũng có quyền trên toàn thể Hội Thánh như Thánh Phêrô vậy.

3. Ðức Giáo Hoàng, khi ngồi trên Tòa của Thánh Phêrô (ex cathedra), nghĩa là khi ngài dùng quyền chủ chiên và thầy dạy của tất cả Kitô hữu, qua quyền hành tối thượng mà các Tông Ðồ truyền lại cho ngài, và quyết định những tín điều liên quan đến đức tin và luân lý, và buộc Hội Thánh Hoàn Vũ phải tuân theo, thì ngài được ơn bất khả ngộ - không thể sai lầm, nhờ sự trợ giúp của Ðấng đã hứa những điều này cùng Thánh Phêrô.

Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, hầu hết các nhà lãnh đạo lạc giáo phát xuất từ Giáo Hội Ðông Phương, kể cả từ các Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople, nhưng chưa có một Ðức Giám Mục Rôma nào (tức là Ðức Giáo Hoàng, dù là những Giáo Hoàng tồi tệ, như có con ngoại hôn) đã long trọng đưa ra những giáo huấn sai lầm. Chỉ có một vi Giáo Hoàng là Ðức Giáo Hoàng Hônôriô I (623-638) bị Công Ðồng Constantinople năm 680 dưới thời Ðức Thánh Giáo Hoàng Agathô kết án là lạc giáo vì một lá thư ngài trả lời Thượng Phụ Giáo Chủ Constanstinople, là Sergiô, trong đó ngài đã không lên án một sai lầm của Sergiô. Một số người Tin Lành dựa vào sự kiện lịch sử này để đả kích tín điều Vô Ngộ. Nhưng bức thư trả lời Sergiô của Ðức Giáo Hoàng Hônôriô không hội đủ những điều kiện kể ra trong mục thứ ba ở trên, nên tín điều Vô Ngộ không áp dụng cho bức thư này được.

Mt 16:20 - Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Lần này Chúa đã chính thức cho các môn đệ biết Người là ai, nhưng Người vẫn không muốn cho quần chúng biết, vì quan niệm sai lầm về Ðức Kitô của người Do Thái sẽ gây ra rối loạn.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cũng hỏi con, “Con bảo Thầy là ai?” Xin Chúa ban cho con đức tin mạnh mẽ để xác tín rằng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, là “Đấng phải đến trong thế gian”. Xin cho con biết luôn phó thác vào Chúa vì biết rằng Chúa yêu con. Xin cho con biết trung thành với các giáo huấn của Hội Thánh vì tin rằng Chúa luôn giữ gìn Hội Thánh và sức quỷ Hoả Ngục cũng không lay chuyển được, để con không hiểu biết sai lạc về các Giáo Huấn của Chúa. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1. Tại sao người ta lại nghĩ rằng Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia, ông Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ mà không phải là Ðức Kitô?

2. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô có ý nghĩa gì đặc biệt? Và trong câu 17 Chúa Giêsu có ý nói gì về ơn gọi của Thánh Phêrô?

3. Thoạt đọc câu 18, bạn có nghĩ rằng Chúa nói rõ rằng Chúa sẽ xây Hội Thánh của Người trên Ðá là Thánh Phêrô không? Tại sao?

4. Cổng âm phủ là gì? Tại sao cổng âm phủ lại không thắng nổi Hội Thánh xây trên Phêrô?

5. Trong câu 19, Chúa ban cho Thánh Phêrô quyền gì? Chìa khóa Nước Trời là gỉ? Thánh Phêrô có được trao quyền này lại cho người kế vị ngài là các Ðức Giáo Hoàng hay không? Nếu được, thì việc người Công Giáo tin rằng Ðức Giáo Hoàng không sai lầm khi “long trọng dùng quyền Thánh Phêrô mà công bố những điều liên quan đến đức tin và luân lý cho Hội Thánh Hoàn Vũ” có phải là điều trái với lời Chúa không? Tại sao?

6. “Bất cứ sự gì” có nghĩa gì? Có luật trừ không? Nếu bạn nghĩ là có thì Chúa nói ở chỗ nào trong Kinh Thánh?

7. Tại sao Chúa lại cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðức Kitô? Như vậy Người có nhận Mình là Ðức Kitô không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi