PDA

View Full Version : Đàn hát trong nhà thờ



chư dân
24-12-2011, 09:56 AM
Đàn hát trong nhà thờ

23.12.2011

LTCG (23.12.2011) (http://luongtamconggiao.wordpress.com/)

ĐHY Villot, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có viết : “Phải cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí mang tính thế tục, đặc biệt những bài hát kích động, gay cấn, rùm beng làm náo động bầu khí trang nghiêm và khung cảnh thanh bình của các nghi thức phụng vụ.”

Đàn hát là điều cần thiết và hữu ích trong phụng vụ. Phụng vụ là việc kính thờ công khai và công cộng mà Đấng cứu chuộc chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, dâng lên Chúa Cha với tư cách là thủ lãnh Giáo hội. Đó cũng là việc của Giáo Hội, dâng lên Đấng lãnh đạo minh, với tư cách là Dân Thiên Chúa. Nói tóm lại, đây là việc kính thờ trọn vẹn của toàn thể thân mình mầu nhiệm Đức Ki-tô, tức Hội thánh dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong công việc thờ phượng này, thánh nhạc đóng một vai trò quan trọng vì là thành phần hoàn chỉnh của phụng vụ, nghĩa là phải có thánh nhạc, phụng vụ mới đầy đủ.
http://www.nuvuongcongly.net/wp-content/uploads/2011/12/cadoan-300x211.jpg (http://www.nuvuongcongly.net/wp-content/uploads/2011/12/cadoan.jpg)

Hình minh họa: Một ca đoàn phụng vụ

Thánh nhạc trước đây được gọi là ancilla liturgiae, nghĩa là nữ tỳ của phụng vụ, tùy thuộc phụng vụ như một tôi tớ. Khi dùng từ này, tự nhiên người ta thường có những ý tưởng thấp kém về vật hay người ở trong vai trò đó. Nhưng trong phụng vụ, từ nữ tỳ chỉ có ý nói đến sự liên hệ chặt chẽ giữa đôi bên, thánh nhac phục tòng phụng vụ, nhất là từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, khi phụng vụ được cải tổ và thánh nhạc được chú trọng đặc biệt trong huấn thị De musica sacra (Về thanh nhạc) và vị trí của thánh nhạc trong phụng vụ.
Cụ thể, xin bàn về ca hát trong nhà thờ, vì vấn đề này thiết thực liên hê trực tiếp đến công đoàn và ca đoàn. Ca đoàn hát và cộng đoàn cũng hát. Vậy hai bên phải ca hát thế nào cho đúng phụng vụ và hợp với chức năng của thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Chức năng và nhiệm vụ của thánh nhạc là như thế, nên ca đoàn và cộng đoàn phải đầu tư công sức và sự chú ý để làm tròn công tác của mình.
1.Hat trong thánh lễ
Thường có lễ là hát. Hát nhiều hay ít là tùy cấp bậc của lễ. Huấn thị De musica sacra in sacra liturgia (Về thánh nhạc trong phụng vụ thánh) viết : “Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức hát, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày. Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc như đã ấn định trong huấn thị De musica sacra năm 1958 số 3, chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành. Tuy nhiên, vì lý do ích lợi mục vụ , có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, để từ nay về sau, mỗi cộng đoàn tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ long trong hơn, nhờ ca hát.
Các cấp bậc tham gia được qui định như sau : Bậc nhất dùng riêng một mình ; bậc hai, bậc ba chỉ được dùng tất cả phần riêng cho mình hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần đầy đủ vào việc ca hát”.
Bậc nhất gồm
Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân lúc đầu lễ, và lời nguyên nhập lễ.
Các câu Tin Mừng đối đáp
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng và các lời đối đáp
Kinh Thánh, Thánh, Thánh
Lời vinh tụng kết thúc kinh Tạ ơn
Kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp theo
Lời chúc bình an
Lời nguyện hiệp lễ
Công thức kết lễ.
Bậc hai gồm
Bộ lễ tức : kinh Thương Xót, Vinh Danh, kinh Tin Kính, Thánh Thánh Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa
Lời nguyện giáo dân
Bậc ba gồm
Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ
Đáp ca
Tung hô Tin Mừng
Bài hát lúc dâng của lễ
Các bài đọc sách thánh, (trừ khi thấy nên đọc hơn hát). Phân cấp hạng bậc như thế là để hát cho thêm phần sốt sắng và long trọng. Nếu muốn hát thì hát trong các phần chỉ định đó.
Tại một vài nơi, các bài hát khác được dùng để thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ, lấy trong sách Graduale do đặc quyền riêng.
Có thể giữ như thế, tùy theo phán quyết của Vị Thường Quyền Sở Tại, miễn là các bài hát đó phù hợp với các phần đoạn trong thánh lễ, ngày lễ cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca trong những bài hát đó.
Cộng đoàn tín hữu nên hết sức tham gia phần riêng dành cho mình. Điều này có thể thực hiện được, nhất là khi có những điệp khúc dễ hát và những hình thể âm nhạc thích hợp.
Qua những điều trên đây, đã rõ là Giáo Hội khuyến khích việc ca hát trong thánh lễ, nên mới đặt ra các cấp bậc và qui tắc trong vấn đề này. Sở dĩ như thê, vì ca hát trong thành lễ là một công việc thuộc phạm vi phụng vụ. Mà phụng vụ là việc thờ phượng có những luật riêng được qui định cho những ai có bổn phận phải thi hành. Bởi vậy, có nhiều người, kể cả các linh mục, cho rằng ca hát trong nhà thờ phải theo qui tắc phụng vụ thấy ngặt nghèo và nặng nề quá. Cũng phải thôi. Nhưng nếu suy nghĩ thêm và hiểu cho đúng thì không phải như vậy, vì ca hát trong nhà thờ có một chức năng cao quí như đã nói ngay từ đầu là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Chức năng này rất đòì hỏi, đòi hỏi dòng nhạc phải có nghệ thuật, lời ca, lý tưởng là lời Kinh thánh và phụng vụ, phong cách diễn đạt phải thánh thiện, bài ca phải được công nhận là nghệ thuật ở khắp nơi và mọi thời. Những ai theo dõi hay nghiên cứu thánh nhạc một chút thì không còn xa lạ gì với những điều đã được cô đọng trong tiếng la tinh dưới các từ bonitas formae, sanctitas, và universalitas.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II, tuy khuyến khích hội nhập văn hóa và đã cho dùng thường ngữ trong các bài ca, nhưng vẫn đòi hỏi lời trong những bài đó phải có chất Kinh Thánh, hợp giáo lý, đúng phụng vụ. Riêng vấn đề hòa nhạc trong các nhà thờ, (điều còn rất họa hiếm ở Việt Nam, trừ những buổi trình diễn thánh ca), ngày 5.11.1987, Tòa Thánh đã ra sắc lệnh qui định những điều sau đây :
“Nhạc công và thính giả phải ăn mặc và đi đứng cho xứng hợp với nơi thiêng thánh.
Các nhạc công và ca sĩ phải hết sức tỏ lòng tôn kính bàn thờ, giảng đài và ghế ngồi của chủ tế.
Phải đưa Mình Thánh Chúa đi nơi khác.
Phải có lời giới thiệu nhạc phẩm sắp trình diễn không nguyên về lịch sử nghệ thuật mà còn về tâm tình, ý hướng của tác giả nữa.”
Xem đấy thì xưa cũng như nay, Giáo Hội luôn có những luật lệ về ca hát theo phụng vụ. Dù cởi mở hay thích nghi, Hội thánh vẫn đặt ca hát trong nhà thờ vào đúng vị trí của nó, như thấy biểu lộ trong thông điệp gửi các nhạc sĩ ngày 8.12.1965 :
“Nếu đặt thánh nhạc hay nhạc đạo vào đúng vị trí của nó, các nhạc sĩ Ki-tô hữu vá các thành viên trong các ca đoàn chuyên nghiệp (Scholae cantorum) sẽ cảm thấy được an ủi, khi theo đuổi truyền thống vẫn có và giữ cho sống động để phục vụ đức tin, như lời mời gọi của Công Đồng Va-ti-ca-nô II Các bạn đừng từ chối đem tài năng của mình ra để phục vụ chân lý của Chúa. Thế giới chúng ta đang sống cần phải có cái đẹp để khỏi rơi vào tuyệt vọng. Cái đẹp cũng như chân lý làm cho lòng người vui tươi phấn khởi. Điều đó có được cũng là nhờ bàn tay của các bạn.”
Khi nói ca hát trong nhà thờ là có ý nói đến ca hát trong thánh lễ, các giờ kinh phụng và các bí tích hơn những gì khác.
Các bài hát trong thánh lễ, lời mới là chính. Lời ở đây là lời Kinh thánh và phụng vụ, như đã nói. Nhiều người cho rằng nhạc phụng vụ buồn vì phải dựa vào lời mà viết nhạc. Nhạc sĩ phải gò bó theo khuôn lời, thành ra mất tự do trong sáng tác. Đúng vậy. Nhưng một nhạc sĩ giỏi có thể viết nhạc theo một thánh vịnh hay một thánh thi mà vẫn hay, cũng như một văn sĩ hay một thi sĩ tài ba có thể viết lời cho một bản nhạc giá trị đã có sẵn, mà không ai chê được. Vấn đề là tài nghệ. Ngoài tài nghệ ra là kỹ thuật sáng tác, do công học hành nghiên cứu. Có điều nếu muốn dệt nhạc vào lời Kinh thánh hay phụng vụ mà lại dùng các nhịp điệu tân thời hiện nay thì thật là khó và không hợp. Về điểm này, trong thư gửi cho Đại hội Thánh nhạc Ý vào thập niên 70 đăng trong Osservatore romano số 39, ĐHY Villot, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có viết : “Phải cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí mang tính thế tục, đặc biệt những bài hát kích động, gay cấn, rùm beng làm náo động bầu khí trang nghiêm và khung cảnh thanh bình của các nghi thức phụng vụ.”
Thường nhiều người vẫn chưa phân biệt được thánh ca phụng vụ với thánh ca thông thường. Thánh ca bao gồm nhiều thứ như ca khúc bình dân tôn giáo, nhạc có khởi hứng và tâm tình tôn giáo, nhạc đa âm hợp xướng, nhạc phụng vụ. Các loại thánh ca khác có thể được hát trong nhà thờ ngoài khung cảnh phụng vụ, mà chưa chắc đã được hát trong thánh lễ, vì những bài hát trong thánh lễ phải là những bài phù họp với các phần đoạn trong thánh lễ, theo hình thể âm nhạc dành cho mỗi phần. Thí dụ đem bài hát kính Đức Mẹ hay các thánh hát vào lúc rước lễ là không hợp và không được, vì chỗ đó là để hát các bài tạ ơn, kết hợp với Chúa Giê-su mà mình vừa rước vào lòng, cũng tựa như khách đến thăm mà mình không nói chuyện với khách, lại nói chuyện với một người nào khác. Ngoài ra, đưa các bài đời ra đặt lời đạo vào để hát trong nhà thờ cũng không được, vì nguyên tắc là bài hát dùng ở nhà thờ phải là bài hát có ý làm ra vì mục đích đó. Cũng vì thế, không được dùng bài của người ngoài đạo để hát trong nhà thờ. Nhiều nơi đã đưa những bài như Wedding, One day, Hymne à la joie lời Việt, và những bài như Ơn nghĩa sinh thành, Uống nước nhớ nguồn vào hát trong nhà thờ. Như thế là không được theo kỷ luật thánh nhạc. Những bài này có thể hát trong phòng sinh hoạt hay tại gia đình vào các dịp lễ giỗ.
Các nhà thờ của chúng ta, ca hát vui vẻ, sôi nổi thât, nhưng thiết tưởng có nhiều điều cần phải suy nghĩ lại. Dù dễ tính đến đâu cũng phải thấy rằng việc ca hát trong nhiều nhà thờ chưa ổn. Lý do chưa ổn là vì còn quá ồn ào kích động, không giúp tín hữu cầu nguyện bao nhiêu, lại thiếu nghệ thuật trong việc đàn hát và không tuân hành kỷ luật về ca hát theo phụng vụ.
Bởi thế, cần phải chọn những bài hát có nghệ thuật, đáp ứng đòi hỏi của phụng vụ, hát vào đúng phần đoạn trong thánh lễ, nhập lễ ra nhập lễ, đáp ca ra đáp ca v.v…
Hát ở nhà thờ không phải hát như trên sân khấu. Vì vậy, ai lãnh vai trò lĩnh xướng, thì đừng hát như ca sĩ mà hát như người cầu nguyện và giúp người khác cầu nguyện.
Cần phân biệt nhạc vào đời và nhạc nhà thờ. Nhạc vào đời là nhạc dùng các ý tưởng, tâm tình tôn giáo để du nhập đạo vào đời trong các sinh hoạt cộng đồng, như Nhóm LỬA HỒNG đang làm từ nhiều năm qua.
Ca đoàn không phải là một hội ái hữu hay một câu lạc bộ mà là một đoàn thể gồm những người thành tâm thiện chí, muốn phụng sự Chúa bằng lời ca tiếng hát. Đây là một công tác tông đồ và đạo đức mà chỉ có những người thiện chí, bằng lòng hy sinh thời giờ và công sức mới thực hiện được.
2. Các bài hát
Các bài hát trong thành lễ là ca nhập lễ, bộ lễ, tiến lễ, hiệp lễ và kết lễ. Thường trong các nhà thờ vẫn thấy hát như thế, nhưng phải nói là quá ồn ào, bài hát chọn lựa không kỹ, nên không đúng với tinh thần của mùa phụng vụ và các phần đoạn trong thánh lễ. Sở dĩ như thế, có lẽ vì ca trưởng và ca viên chưa được nghe nói về thánh lễ và nhạc phụng vụ cho đủ, lại thiếu các bài hát được soạn để hát cho đúng phụng vụ hay có, mà vì chiều theo thị hiếu dễ dãi, không đòi hỏi của ca viên, có khi của cả cha sở và cha phó nữa, cũng như khuynh hướng của giới trẻ thiên về nhạc sân khấu, phòng trà, mà ca trưởng đành bỏ qua. Rồi còn đàn nữa. Những người chơi đàn trong các nhà thờ hiện nay hầu hết dùng đàn điện tử, thường mở âm lượng thật lớn và đánh những điệu nhạc đời như Surf, Twist, Rumba v.v… đã có sẵn trên đàn. Nếu đến nhà thờ để nghe cho vui tai như giới trẻ vẫn thích thì được, còn đến để cầu nguyện trong một bầu không khí và quang cảnh như thế thì thật là khó. Nhưng nhà thờ là nơi để cầu nguyện và giáo dục đức tin hay là nơi để người nghe được vui tai ? Vấn đề tranh chấp là ở chỗ đó, người muốn nghiêm túc thì bị giới trẻ cho là bảo thủ, còn giới trẻ thích dễ dãi phóng khoáng thì bị mang tiếng là hời hợt, nông nổi. Muốn hành xử cho đúng, xin mời xem Qui chế tổng quát sách lễ Roma từ số 24-40.
2.1 Ca nhập lễ
Mục đích của bài ca này là mở đầu thánh lễ, tạo bầu khí vui tươi, phấn khởi nhằm cho thấy ý nghĩa của mùa phụng vụ hay ngày lễ. Lý tưởng là cả nhà thờ cùng hát, nhất là khi có rước chủ tế hay đoàn đồng tế ra cử hành. Nên chọn bài hát phổ thông thích hợp để mọi người cùng có thể hát. Về cách hát, có thể theo ba cách : cách thứ nhất là công đoàn và ca đoàn, cách thứ hai là một ca xướng viên và công đoàn hát, cách thứ ba là toàn thể cộng đoàn cùng hát.
2.2 Kinh Thương xót
Đây là một bài xưng tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Hình thức xứng hợp nhất để hát kinh này là xướng đáp. Chủ tế, một người hay ca đoàn xướng rồi mọi người đáp lại. Lối xướng đáp ở đây mang tính tung hô nên bài hát cần phải đơn sơ dễ hát.
2.3 Kinh Vinh Danh
Bản chất bài này là ca tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một bài thánh thi bằng văn xuôi có nhịp điệu, nên phải hát thế nào để biểu lộ được niềm hân hoan và mối đồng tâm của những người tham dự. Vì thế, có thể hát chung hay chia làm hai bên luân phiên giữa cộng đoàn và ca đoàn, hay giữa hai bên cộng đoàn với nhau.
2.4 Thánh vịnh đáp ca
Đây là phần hát cần phải điều chỉnh hơn cả, vì thường ca trưởng cũng như ca viên hay lấy bất cứ bài nào mình thích hay chọn bài về vị thánh kính nhớ ngày hôm đó để đưa vào chỗ này. Làm như thế chẳng khác nào” ông nói gà bà nói vịt” vậy, vì Chúa nói một đường mình đáp lại một nẻo. Chúa nói trong bài đọc. Giáo Hội đã xem những bài đó và tìm ra những bài tương ứng để đáp lại là những thánh vịnh đáp ca. Có lẽ khi chọn bài hát, ai đó đã không để ý tới điểm này. Cũng hiểu được là vì chưa có những thánh vịnh đáp ca hoàn toàn đúng tiêu chuẩn như luật qui định. Luật qui định là phải hát đúng lời thánh vịnh, không được thay đổi ý hay thêm bớt lời thánh vịnh. Nếu không hát thì đọc hoàn toàn như thánh vịnh. Hiện đang có những cố gắng để đáp ứng đòi hỏi này, tuy khá gay go, vì các dấu trong tiếng Việt. Trường hợp hát thánh vịnh như hiện nay mới chỉ là châm chước chứ chưa hoàn toàn đúng.
Người hát thánh vịnh đáp ca nên đứng ở giảng đài quay xuống cộng đoàn hát các câu riêng, còn câu đáp nên để cho cà nhà thờ cùng hát. Vì muốn cho cả cộng đoàn hát, nên câu này phải thật vắn gọn và dễ hát, chỉ cần tập vài phút trước lễ là ai cũng hát được. Câu này đã có sẵn trong bài đáp ca. Các nhạc sĩ chỉ cần dệt nhạc vào thôi. Trong tạp chí Maison Dieu số 80, cha Jounel viết Khúc ca này không cần giáo dân hát hết, họ chỉ cần hát câu đáp. Một người đứng ở giảng đài đọc hay hát các câu xướng, mọi người chăm chú ngồi nghe và đáp lại bằng câu đáp. Đừng làm gì khiến cộng đoàn bị phân tán. Tốt nhất là cộng đoàn nghe đọc hay hát, chỉ cần một người đọc hay hát và cộng đoàn đọc hay hát câu đáp thôi.
2,5 Tiến lễ
Có thể nói ngoài các bài hát kính Đức Mẹ ra, các bài hát tiến lễ chiếm đa số. Điều này cũng dễ hiểu vì trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chỉ có phần này là được hát bằng tiếng bản quốc, nên các nhạc sĩ tập trung vào đây sáng tác khá nhiều. Bây giờ phần này được tự do hát cũng được không hát cũng được. Nhưng nhiều nơi lại làm quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát như văn nghệ, khiến cho thánh lễ kéo dài mất cân bằng, đành rằng có nơi bên Mỹ, bên Phi Châu người ta làm như thế, nhưng đó không phải là chuẩn mực, mà có khi chỉ là một ngoại lệ được chuẩn chước, hay tự ý bày ra như thế thôi, lấy cớ cho lễ được long trọng và hấp dẫn. Nhưng mục đích chính của việc dâng lễ vật ở chỗ này là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ, trong chức vụ linh mục chung của họ mà thôi.
2,6 Bài ca Thánh Thánh Thánh
Bài này là một bài tung hô phấn khởi, được thể hiện trong tư thế thờ lạy, cần được nhấn mạnh khi hát câu Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.
2,6 Lạy Chiên Thiên Chúa
Đây là bài hát của cộng đoàn dưới hình thức kinh cầu, diễn tả ý nghĩa của nghi thức bẻ bánh. Cử chỉ bẻ bánh có liên hệ đến cuộc thọ hình của Chúa Ki-tô. Người như tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho mọi người. Sự hy sinh của Người là dành cho mọi người và ai cũng được hưởng công ơn của việc hy sinh này.
2,7 Ca hiệp lễ
Bài ca hiệp lễ đi kèm với việc tiến lên rước lễ bày tỏ mối dây hiệp nhất giữa những người rước lễ và niềm vui trong tâm hồn, Có thể hát đối đáp giữa cộng đoàn và ca đoàn, giữa một ca xướng viên và cộng đoàn hay dạo một bài đàn thay vào đó. Cũng không cần phải hát cho đầy trong tất cả khoảng thời gian rước lễ. Rồi có thể giữ một khoảnh khắc yên lặng trong đó một người nói lên một vài câu lấy trong bài Tin Mừng hay các bài sách thánh ngày hôm đó. Lúc này chỉ hát những bài tạ ơn thờ lạy Chúa, chứ không hát về Đức Mẹ hay các thánh.
2.7 Kết lễ
Trong các nhà thờ ở Việt Nam, thường sau lời chúc bình an kết lễ vẫn có thói quen hát một bài. Có thể hát về Chúa, Đức Mẹ hay các thánh tùy ý. Bài này có thể bỏ nếu muốn, và thay vào bằng một bản đàn. Huấn thị Âm nhạc trong phụng vụ số 35 cũng nói đến bài hát này như sau : “Trong thánh lễ đọc, có thể hát một vài phần thường lễ hay lễ riêng. Hơn nữa, đôi khi có thể hát một bài khác với bài nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ cũng như kết lễ. Tuy nhiên, nếu chỉ có ý cho hợp thánh lễ thì chưa đủ mà còn hợp với các phần lễ, ngày lễ và mùa phụng vụ. Nhưng vì câu ‘Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an’ là một câu kết thúc và giải tán nên phải làm cho người ta thấy đến đây là hết. Vì vậy, nếu có hát thì không nên hát dài. Tuy là hết nhưng mới hết ở giai đoạn cử hành, còn sau đó là kéo dài trong tinh thần và giai đoạn áp dụng.
Lễ đã xong, tín hữu ra về bình an, trở lại với những công việc đời thường của mình, nhưng lại đem vào đó tinh thần và sức mạnh của lời Chúa. Thánh Thể mình đã lãnh nhận trong thánh lễ sẽ giúp mình vui tươi phấn khởi và như kéo dài thánh lễ ra trên trần gian.
Kết luận
Ca hát trong nhà thờ là một phần hệ trọng trong sinh hoạt phụng vụ. Thánh nhạc góp phần trong sinh hoạt này. Vì thế, theo tinh thần thánh nhạc, cộng đoàn cũng như ca đoàn nên để tâm chu toàn phần việc của mình trong sinh hoạt ca hát. Như thế có nghĩa là hai bên đều lưu ý thực hiện đúng theo tinh thần phụng vụ và chức năng của thánh nhạc vậy.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
Nguồn: Nữ Vương Công Lý