PDA

View Full Version : Đọc kinh tháng Mân Côi



dvtung
06-10-2007, 03:09 AM
ĐỌC KINH THÁNG MÂN CÔI
[align=justify:4e33bad269]Kiệu Đức Mẹ đến nhà

Tháng Mân côi ở các giáo xứ miền quê Việt Nam, có những cuộc rước kiệu Đức Mẹ thật sốt sắng.
Bắt đầu là cuộc rước kiệu khai mạc tháng Mân Côi.
Mỗi giáo họ, giáo khu, chi họ đã chuẩn bị riêng một bàn kiệu Đức Mẹ thật đẹp từ những ngày cuối tháng 9. Bà con giáo dân tập trung lại một nơi, người hoa, người giấy, người bóng điện, kẻ lồng đèn…mỗi người đóng góp một chút, mỗi người làm một việc để có được một bàn kiệu xứng đáng nhất với Mẹ Maria và thỏa lòng mến yêu Mẹ nhất. Rồi vào đêm 30-9 hoặc 1-10, giáo dân nô nức tập trung về giáo họ của mình, để rước kiệu Mẹ từ các giáo họ về đài Đức Mẹ giáo xứ, tham dự Thánh Lễ Khai Mạc tháng Mân Côi. Khắp các ngã đường trong giáo xứ, các đoàn kiệu tiến về nhà thờ. Đâu đâu cũng rực rỡ đèn hoa, lung linh những ngọn nến, vang rộn tiếng kinh Kính Mừng xen lẫn những bài thánh ca quen thuộc “năm xưa trên cây sồi”, “Mẹ ơi tháng hoa này con dâng về Mẹ…” “đời con một chuỗi Mân côi…”. Về đến Đài Đức Mẹ bên cạnh nhà thờ giáo xứ, các bàn kiệu được đặt vòng quanh đài Mẹ, muôn màu muôn sắc như muôn tấc lòng của con cái Mẹ. Sau thánh lễ thật sốt sắng, Cha xứ tuyên bố khai mạc tháng Mân côi với việc nhắc lại ba mệnh lệnh của Mẹ ở Fatima năm xưa: “Cải thiện đời sống, tôn sùng Mẫu tâm, siêng năng lần hạt”. Các đoàn kiệu Mẹ lại bắt đầu từ Đài Mẹ tuôn ra khắp các ngã đường, kiệu Mẹ mình về với giáo họ mình, lại rộn lên tiếng kinh, vang lên tiếng hát “mẹ cùng đi với con, trên con đường tới mọi nhà…” Lòng người bao hân hoan sung sướng “rước Mẹ về nhà mình”.
Từ đêm hôm sau, Kiệu Đức Mẹ sẽ được rước đến từng nhà trong toàn giáo họ. Bà con tập trung tại điểm đặt kiệu, rước kiệu đi, đọc kinh kính mừng và hát. Đến nhà thứ nhất, đưa kiệu Mẹ vào trong nhà, đặt bên cạnh bàn thờ, rồi mọi người tiến hành giờ kinh Mân Côi. Mọi người đứng nghe một đoạn Tin mừng, ngồi nghe suy niệm, thinh lặng một lúc để Lời Chúa tác động, rồi lần một chuỗi Mân Côi. Kiệu Đức Mẹ sẽ ở lại với gia đình đêm này và cho hết ngày mai. Đêm mai, kiệu Mẹ lại đến nhà khác.Thật hạnh phúc cho các gia đình. Cả làng đi đọc kinh tháng Mân côi, già trẻ lớn bé, kể cả lương dân có người cũng đi kiệu, đi đọc kinh và hòa chung với niềm vui của con cái Mẹ. Mọi người mong ngóng tới phiên Mẹ đến nhà mình, ở lại với nhà mình một đêm, một ngày…Có người rưng rưng đôi mắt khi Mẹ đến nhà mình. Có người đã chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng một chút , và nhất là thông báo với con cháu, với một số người hàng xóm lương dân:
-“Hôm nay Mẹ đến nhà mình, các con đem mấy cháu về đọc kinh với Ông Bà nhé”.
-“Hôm nay Mẹ đến nhà tôi, mời anh mời chị tối ghé qua nhà tôi đọc kinh nhé”.
-“Tôi biết đọc kinh gì đâu”
- “Không sao, đến vui với tôi là được rồi”.
Có người còn thể hiện niềm vui, bằng việc ngày hôm sau làm mấy con gà nấu cháo hay làm bữa cơm cả nhà ăn mừng, mời vài người ăn mừng, trước kiệu Mẹ.
Nhiều bàn kiệu, nhiều đoàn kiệu, để Mẹ có thể đến hết mọi nhà ở lại một đêm và một ngày với gia đình. Vì thế, hầu như Mẹ đến không sót nhà nào, nhà người sốt sắng cũng như nhà người khô khan, nguội lạnh, rối rắm, gần cũng như xa… không trừ nhà nào, dù khó khăn đến đâu, dù mưa gió lầy lội… Có đoàn người kiệu Mẹ đi qua sông, vào sâu đến tận mấy nhà trong xóm rẫy- những người nghèo có thể nói được là chạy nợ từ những nơi khác mới tìm về đây gầy dựng lại cuộc sống. Có đoàn người kiệu Mẹ vào một căn chòi tồi tàn trong tận hốc núi, tiếng kinh vang rộn cả một góc trời xa, chỉ vì nơi ấy có vợ chồng Ông Tám già, đang sống những ngày cuối đời bên nhau nhờ vài chục gốc chuối và mấy con gà….
Sau khi các kiệu Mẹ đi hết 30 nhà trong tháng mười, các giáo họ lại kiệu Mẹ về Đài Đức Mẹ để dự thánh lễ Bế Mạc Tháng Mân côi. Lần về lễ Bế Mạc, Mẹ mang theo nhiều nhiều linh hồn về với Mẹ- những người con của Giáo Hội xa nhà thờ, thiếu điều kiện, những người lâu năm chưa xưng tội, những người “lạc bước lưu đày, ngày tháng chơi vơi” về với Mẹ, về với Chúa với Giáo Hội. Trong lễ bế mạc Tháng Mân côi, các Cha sở lại nhắc: “Anh chị em đã sốt sắng lần chuỗi Mân Côi và tôn vinh Mẹ trong tháng mười, hãy tiếp tục lần chuỗi Mân côi trong tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, trong đó có biết bao linh hồn người thân của anh chị em”.

Đức tin đơn sơ mà hiệu quả

Qua việc kiệu Đức Mẹ và đọc kinh tháng Mân Côi, tôi cảm thấy vui lắm, vì- không chỉ ở giáo phận tôi, giáo hạt tôi, giáo xứ tôi mà còn có thể nói, các Giáo phận khác, các giáo xứ khác, nhất là những giáo xứ ở vùng quê- các cha sở vẫn nhiệt tình cổ vũ và tạo mọi điều kiện để tiến hành việc đạo đức tốt đẹp nầy. Tôi không muốn đề cập đến mặt tiêu cực của việc kiệu rước linh đình có tính cách khoe khoang hình thức bên ngoài, vì thực ra, ở các miền quê Việt Nam, con cái Mẹ hãy còn đang nghèo khổ lắm, chút điện,chút đèn, chút hoa, chút giấy màu…tất cả đều đơn sơ và không có gì là xa xỉ để nói rằng khoe khoang hay vụ hình thức. Tôi muốn nêu lên tính tích cực của lòng yêu mến Đức Mẹ nơi con cái Mẹ ở Việt Nam. Cách nào đó, các cộng đoàn dân Chúa ở những nơi cuối sổ kinh tế nầy đang “đồng tâm nhất trí , chuyên cần cầu nguyện với Bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu: (Cv 1,14). Họ đã mong mõi và tiếp đón Đức Maria vào nhà họ với lòng hân hoan. Một Đức Maria “xin vâng” cưu mang Ngôi Con Chúa và mang “Con Thiên Chúa” đến viếng thăm nhà họ. Một Đức Maria từng theo chân Chúa Giêsu Con Mẹ đi rao giảng, nay cùng Con Mẹ đến thăm nhà họ và ban cho họ Lời Hằng Sống, để họ tìm về với sự sống vĩnh cửu. Một Đức Maria đã từng làm mẹ và làm vợ với bao lo toan bao gánh nặng trong cuộc đời gia đình, đến với họ như một bà bạn rất thánh sẻ chia với họ bao điều như họ vẫn kêu cầu “Đức Bà an ủi kẻ âu lo, cầu cho chúng con”. Một Đức Maria chuyên gia quản lý hạnh phúc và nội trợ, đã đến xem nơi họ ở, ở lại với họ và biết họ cần gì để nói với Con Mẹ rằng “họ hết rượu rồi”- thứ rượu của tình yêu, hy sinh và hạnh phúc…
Những con cái của Mẹ ở các vùng quê nầy hầu như chẳng học thần học nào về Đức Maria, đôi khi có người còn chưa thuộc được bài giáo lý căn bản về những đặc ân của Mẹ. Đơn sơ nhất, họ chỉ biết Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu và họ nghĩ là bấy nhiêu đã đủ để họ yêu mến Mẹ biết chừng nào. Họ đã sống đức tin chân thành, một đức tin thể hiện tinh thần lời dạy của Thánh Phaolô: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta được nhận ơn làm nghĩa tử” (Gal 4,4). Đức tin vào “Con của Mẹ” và tinh thần “ca tụng Mẹ của Con” ấy, đã được rao giảng từ đời nầy sang đời kia, thấm nhuần trong lòng người Việt-một phần vì cảm nghiệm tình mẫu tử của người Việt thật thâm thúy “không ai yêu con bằng Mẹ, không ai yêu mẹ bằng con, Mẹ là quê hương của con, quê hương có chuối ba hương, có xôi nếp một có đường mía lau”, phần khác quan trọng hơn, tôi vẫn nghĩ ấy là do hiệu quả hay ơn ích của Kinh Kính Mừng, của chuỗi Mân côi mà từ đời Cha ông chúng ta đã luôn luôn dùng cầu nguyện trong biết bao gian khổ. Nhà nhà lần chuỗi Mân côi, người người lần chuỗi Mân Côi; lần chuỗi chung, lần chuỗi riêng; một mầu nhiệm, năm mầu nhiệm…. tất cả đều mang một giá trị vô song. Giá trị ấy chính là cùng Mẹ, kết hiệp với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại và cứu chuộc người lần chuỗi Mân Côi. Đức tin của người Việt đơn giản như thế. Đức tin “cầu được, ước thấy” một cách chân quê mộc mạc.
Như vậy, việc lần chuỗi Mân Côi và kiệu Mẹ đến nhà trong tháng mười có thể nói được là việc đạo đức truyền thống của người Việt, là đường hướng giáo dục đức tin mà các Mục tử đã dày công truyền giảng và nêu gương cho hậu duệ sống đời sống Giáo Hội sinh động nhờ việc “Tin nơi Con của Mẹ” và “Yêu mến trông cậy nhờ Mẹ của Con” qua chuỗi Mân Côi- từ việc yêu mến mẹ: Tôn sùng Mẫu tâm, đến việc lần chuỗi Mân côi và cuối cùng, nhờ đó, cải thiện được đời sống mà về với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa. Thật đáng quý, thật đáng tạ ơn Chúa và tạ ơn các mục tử.

Lạy Mẹ Maria, chúng con vui mừng tạ ơn Mẹ vì Mẹ đã đến và đem Chúa đến cho mỗi gia đình, cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết cùng Mẹ, đồng hành với Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt đoạn đời Vui Thương Mừng Sáng của Mẹ và Con Mẹ , để trong giờ lâm tử, chúng con tin chắc có Mẹ và Con Mẹ tiếp sức cho chúng con trong cuộc vượt qua đầy bi tráng. A men. [/align:4e33bad269]

Pm. Cao Huy Hoàng

Nguồn: VietCatholic