PDA

View Full Version : Giáo dân đợi chờ gì nơi linh mục ?



hungdung
28-08-2008, 10:32 PM
Giáo dân đợi chờ gì nơi linh mục ?


Giáo dân Việt Nam rất quí trọng linh mục. Lòng quí trọng này vừa là một lợi điểm lại vừa là một nguy cơ. Là lợi điểm vì giúp cho linh mục cảm thấy mình cần thiết và có ích. Từ chỗ này, linh mục cũng cảm thấy ít bị cô đơn. Là nguy cơ, vì lòng quí trọng ấy có thể làm cớ cho linh mục ỷ y mà tôn mình lên, coi thường thiên hạ, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước.

Vì thế, lòng quí trọng này nên đươc coi là một ơn riêng Chúa dành cho hàng ngũ linh mục Việt Nam, để nhờ đó các vị được an vui và phấn khởi trong chức vu. Vậy, với lòng quí trọng này, giáo dân đợi chờ gì nơi linh mục ?

1. Người của Chúa

Từ xưa và bây giờ cũng thế, giáo dân được nghe nói linh mục là một Đức Ki-tô khác, nhất là trong các lễ mở tay (mà bây giờ gọi là lễ tạ ơn sau ngày chịu chức.) Chức linh mục được đề cao và đưa lên đến tận tầng mây. Do sự đề cao quá đáng quyền chức này mà linh mục cũng dễ bị cám dỗ tôn mình lên, nhất là trong ngày chịu chức, khi người ta đến xin phép lành đầu tay hay ngỏ lời chúc mừng. Thời trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, người ta thường đến quì trước tân linh mục để hôn tay và xin phép lành.

Hồi đầu tháng Mười Hai năm 2004, tại lễ truyển chức linh mục ở Đài Bắc cho mười một phó tế, nhiều người cũng đã làm như thế. Đây là một cử chỉ đầy lòng tin và sự khiêm nhường. Cử chỉ này có thể làm cho tân linh mục xúc động và tăng thêm lòng tạ ơn Thiên Chúa. Có lẽ vì coi linh mục như một Ki-tô khác nên người ta mới có những cử chỉ như thế, và qua đó linh mục phải hiểu rằng giáo dân muốn linh mục là người của Chúa Giê-su và đồng hóa với Người về lòng nhân ái và tinh thần phục vụ. Trong cuộc đời truyền đạo, Chúa Giê-su luôn gần gũi tiếp xúc với người ta và tìm cách làm ơn cho họ. Giáo dân cũng đợi chờ nơi linh mục đức tính này là dễ gặp, dễ nhờ. Vì đức tính này mà linh mục được định nghĩa rất sâu sắc và thâm thuý là con người “được ăn” hay “bị ăn” (Le prêtre est un homme mangé). Kiểu nói này là của một linh mục người Pháp, cha Chevrier, người lập ra hội Linh mục Prado.

Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi có mặt ở nhà, mọi việc giao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không gặp được. Lại có những cha sở tuy gặp được, nhưng giáo dân rất sợ vì tính lạnh lùng và hay bẳn gắt của cha. Bởi vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là hoạ lại hình ảnh Chúa Giê-su trong cách hành xử, nói năng và tiếp xúc.

2. Thi hành đúng chức năng

Nói về việc linh mục thi hành đúng chức năng, Đức Giáo hoàng Ghê-go-ri-ô Cả có một bài giảng rất sâu sắc thấm thía. Đại ý ngài than phiền là có nhiều linh mục, nhưng rất ít linh mục chịu làm việc theo chức năng của mình hay có làm thì lại làm những việc ở bên ngoài chứ không phải việc bên trong. Việc chính yếu của linh mục là rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích, giáo dục đức tin và lo phần rỗi cho các tín hữu. Những việc này phải làm trước rồi mới đến những việc khác như xây cất, mở mang cơ sở, hoạt động xã hội, phát triển dân sinh v.v… Ở Việt Nam, cha sở có một vị trí xã hội tốt, nói thì dân dễ nghe và người ta cũng hay nhờ thế cha sở để làm công kia việc nọ. Vì thế, cha sở cũng dễ bị cám dỗ trở thành một nhân vật ngoài đời để có thế ăn nói với người ta. Điều này có thể đưa linh mục đi ra khỏi phạm vi chức vụ chính thức của mình. Linh mục không phải là quan. Vậy, phải coi chừng với tính thích làm quan tự nhiên của mình mà luôn nhớ rằng linh mục chính yếu là người phục vụ lời Chúa và Tin Mừng của Người.

Tuy nhiên, nếu linh mục chỉ biết có phòng thánh, nhà thờ và nhà xứ của mình thì cũng không đủ. Mà nếu chỉ lo những công việc ở bên ngoài phạm vi phòng thánh, nhà thờ, nhà xứ thì cũng không được nữa. Vậy phải theo một bậc thang giá trị mà dành ưu tiên cho những việc thuộc bổn phận linh mục. Mà bổn phận đó là làm lễ, giải tội, giảng thuyết, đi kẻ liệt, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật. Một linh mục, nếu làm đầy đủ bổn phận của mình thì chẳng còn thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu. Mà nếu có rảnh rỗi thì cũng nên dành thời giờ để học hành đọc sách vở thêm. Làm linh mục rồi nhưng vẫn còn phải học, ít là học cho biết viết bài giảng và giảng thế nào cho người ta nghe được. Soạn và viết bài giảng là một trong những hy sinh hãm mình của linh mục bên cạnh việc giải tội và “đi kẻ liệt”. Thường sau khi làm linh mục rồi, ít ai còn thích hay tiếp tục làm việc tinh thần. Vì vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là lo cho có giờ để làm việc tinh thần mỗi ngày, ít là để soạn bài giảng, không dài quá, không chạy theo thời sự mà chú trọng vào ý nghĩa lời Chúa, không khuyên lơn hời hợt mà mở lối cho những áp dụng thiết thực, cũng không chiều theo thị hiếu của người nghe mà chú tâm vào việc giáo dục đức tin và đem lại cho người ta một cái gì có chất lượng. Muốn vậy phải tiếp tục học và tìm tòi suy nghĩ.

Một điều nữa cũng nên lưu ý là đồng bào chúng ta thích sự hào nhoáng và hình thức bên ngoài. Người ta thích vui, thích dễ, thích ồn ào. Về điểm này, phải giữ chừng mực. Nếu chiều theo khuynh hướng này thì linh mục cũng dễ trở thành hời hợt nông cạn.

3. Tác phong đích đáng

Giáo dân muốn linh mục có tác phong đích đáng trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử. Ngày nay linh mục thường ăn mặc như người đời. Ăn mặc như người ta có cái lợi là dễ hoà đồng, thoải mái, nhưng có cái bất lợi là có thể làm cho linh mục quên danh tính của mình mà không còn giữ gìn hay ít giữ gìn trong lời ăn tiếng nói, trong cách ăn mặc và cư xử với người ta nữa. Tất nhiên, “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng thày tu phải làm cho cái áo của mình có vẻ gì là tu chứ. Vì vậy, tuy ăn mặc như người đời, nhưng linh mục vẫn phải giữ cho mình cái cốt cách là linh mục. Cốt cách đó là phải ăn mặc đơn sơ xứng đáng với con người được học hành, có chữ nghĩa và có văn hoá, không chải chuốt quá đáng mà cũng không lôi thôi xười xĩnh trong cách ăn mặc, bừa bãi trong lối nói năng. Nhiều giáo dân lấy làm ái ngại cho những linh mục áo quần luộm thuộm, đầu tóc bù xù, nói năng bừa bãi. Mới đây có dư luận cho rằng nhiều linh mục trẻ sau 1975 thiếu nhân bản trong cách hành xử. Dư luận này đáng cho các linh mục lưu ý vì có liên quan đến ảnh hưởng và uy tín của các vị trong vấn đề làm chứng cho Chúa và cho đạo.

4. Thận trọng trong vấn đề vật chất

Vật chất ở đây là tiền bạc, của cải, đất đai nhà ở, đồ dùng cá nhân. Các linh mục phần đông không để ý đến vấn đề này bao nhiêu, nhưng giáo dân rất để ý. Người ta vẫn thích những linh mục nào không lo làm giầu hay tìm kiếm cho mình hoặc bà con họ hàng mình của cải vật chất. Họ còn nể trọng những linh mục sống đơn sơ giản dị, không xa hoa trong cách ăn mặc và biết sử dụng bạc tiền một cách đích đáng. Bình thường linh mục nào cũng muốn có một cái máy vi tính, một chiếc xe gắn máy tốt, một máy ảnh kỹ thuật số hảo hạng, một căn phòng đầy đủ tiện nghi, càng sang càng cho là có giá trước mặt người đời. Khuynh hướng này khá mạnh và hiện ra rõ nét nơi nhiều linh mục thuộc thế hệ mới. Đó là kiểu cách tự nhiên theo thói đời. Nhưng linh mục là người đã chọn theo Chúa chứ không theo đời. Lý tưởng là thế nhưng thực tế lại không như vậy. Thành ra linh mục luôn ở trong thế giằng co căng thẳng. Có người hỏi tại sao ít người vào đạo công giáo, trong khi đạo có tổ chức, kỷ luật, nhiều nhà thờ đẹp đẽ, nhiều cơ sở to lớn và các lễ nghi rất tưng bừng lôi cuốn. Chắc có nhiều lý do mà một trong lý do là tại giới linh mục chúng ta xa cách.

Chúng ta xa giáo dân và những người ngoài đạo, lại cách biệt nữa. Sự xa cách đó là do lối giao thiệp và đời sống của chúng ta. Về cách giao thiệp thì có thể vì chúng ta quá bận việc nên không có thời giờ và cơ hội tiếp xúc. Còn về đời sống thì chúng ta cách họ, vì dù sao, nói chung, đời sống của chúng ta vẫn cao hơn phần đông đời sống của ho. Vì thế, về phía chúng ta, xem ra chúng ta ít có dịp và ít có thời giờ; về phía họ, họ ngại và sợ gặp chúng ta. Thực ra, khi người ta không ở cùng một mức độ như nhau, thì cũng khó gặp gỡ và chuyện trò với nhau lắm, trừ ra khi hai bên đều cố gắng để xích lại gần nhau.

Về sự gặp gỡ, giáo dân muốn chúng ta để ý đến những nghèo và ít học. Người ta đã phê bình và còn phê bình những linh mục nào chỉ chơi với người giầu và có học, còn người nghèo hay ít học, có đến gặp thì thường chỉ được tiếp đãi một cách hết sức qua loa hay lạnh nhạt.

Nói chung, giáo dân còn đợi chờ ở linh mục nhiều lắm, nhưng đại khái trên đây là những điều chờ đợi chính yếu và có thể tóm tắt là nếu hỏi giáo đợi chờ gì nơi linh mục, chúng ta có thể trả lời rằng giáo dân đợi chờ chúng ta :

trở thành người của Chúa

* lo làm nên những công việc thuộc đấng bậc mình
* ăn ở cho đúng với chức vụ của mình
* thận trọng trong việc việc sử dụng của cải vật chất

Làm được bấy nhiêu thì kể là linh mục đã đáp ứng được những đòi hỏi chính yếu của giáo dân rồi vậy.


LM An-rê Đỗ Xuân Quế

littlewave
15-03-2009, 08:51 AM
Ý kiến độc giả góp ý: về người Linh Mục
VietCatholic News (11 Mar 2009 13:28)

(Nhân đọc bài "Giáo dân và linh mục" và " Tình trạng sống hiện nay của các linh mục"; v.v…)

Ngày nay, trong xã hội đầy dẫy những điều mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Có những sự việc xãy ra một cách trật tự và bài bản, nhưng, cũng có những sự việc xãy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.

Vẫn biết Linh Mục là một khái niệm rộng lớn và thánh thiên. Nhưng riêng tôi, đã biết bao lần, tôi vẫn tự hỏi: Linh Mục, người là ai ?

Là người được Giáo hội tín nhiệm, thay mặt Chúa thông ơn, làm cho mọi người thấy được sự liên kết trọn vẹn từ linh mục đến Chúa Kitô và từ linh mục đến con người. Qua bàn tay linh mục, chúng ta tìm được niềm an ủi trong cõi lòng, cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng và thánh thoát.

Trong xã hội, không ít nhiều cách sinh hoạt, xử lý của linh mục đối với giáo dân làm cho họ không thấy thoải mái và việc xử lý có tính áp đặt.

Những lần như vậy, làm tạo khoảng cách và mất đi tính thân mật trong tương quan giữa giáo dân và linh mục. Hình ảnh đẹp của Chúa Kitô mà linh mục muốn giới thiệu cho, vô tình, mất đi vẻ sống động và hoàn hảo.

Với tôi, một giáo dân dưới mức trung bình trong giáo xứ tôi. Tôi cũng từng bị va chạm trong những tình huống mà bản thân tôi không tâm phục khẩu phục. Cũng rất may trong tình huống ấy, tôi đã kịp kìm chế để khỏi bật ra thái độ của mình.

linh mục cũng như bao nhiêu người, họ cũng bằng da, bằng xương, bằng thịt và máu của họ cũng như máu chúng ta thôi. Trong cuộc sống nếu chúng ta có vấp ngã thì linh mục cũng vấp ngã. Ở các linh mục có sự mỏng dòn cũng như pha lê vậy. linh mục như một vật đồ trang sức, rất cần những ngưởi thợ gọt đẻo tôi luyện để trở nên một món đồ đẹp và giá trị.

Xin hiểu các linh mục và thông cảm các linh mục.

Sự cô đơn đi liền với người linh mục suốt cuộc đời. Chỉ một ý nghĩ hay hành động thiếu tích cực sẽ tác động mãnh liệt. Xin được gần gũi để các linh mục không cảm thấy cô đơn. linh mục sống trong sự cô đơn dằng xé của mọi sự cám dổ, đến lúc nhiều khi cảm thấy nhát đảm và thiếu sự trung thành.. ...

Hãy chia sẻ và đồng cảm hơn là chúng ta lên án các linh mục. Hãy để cho các linh mục tìm thấy được sự thoải mái tâm hồn trong cuộc đời tận hiến.

Xin đừng khuấy động tâm hồn các ngài.

Một vài bài viết, một vài ý kiến làm ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống tu trì.

Xem ra, sự cô đơn gắn liền với tính vô cùng nhạy cảm..

Xem ra, vẫn còn rất nhiều ánh mắt khắc khe, đòi hỏi nơi các linh mục.

Nhớ lại, có lần tôi nói đùa vui với Cha phó xứ tôi: "Đầu lễ cha xứ khủng bố, cuối lễ cha phó khủng bố. Sợ quá !". Câu nói này đã được cha xứ tiếp nhận và nhiều lần đưa vào bài giãng với thái độ rất vui vẻ và trọng thị cộng thêm lời xin lỗi nếu mất lòng ai đó. Một câu nói vui, mặc dầu ý nghĩa có như thế nào đi nữa, khi nghe Cha xứ nói, tôi đã phải chạnh lòng....

Viết ra những ý nghĩ trên đây, tôi xin chia sẻ với những người đã từng một lần không được vừa ý về lời nói và hành động của linh mục. Xin hãy tha thứ tính người của linh mục.

Xin cho các linh mục yên tâm làm công việc vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.

Chúng ta hãy nhìn vào 98% những điều tốt đẹp mà các linh mục đã từng làm mà quên đi 2% con số nhỏ bé này.

Với tôi có một điều chắc chắn rằng cho dù ở môi trường nào linh mục cũng chỉ muốn làm điều tốt cho chúng ta mà thôi.

Trên đây là những ý nghĩ thô thiển của một giáo dân-tân tòng. Dĩ nhiên, vẫn cần những mỹ từ, những lời hay ý đẹp. Nhưng cần hơn nữa, vẫn là sự hiểu biết, thông cảm sâu sắc, sự chân thành. Được như vậy, tính cách của người-linh mục thêm phần hoàn thiện.

Một linh mục tầm thường, sống thực tế và biết gần gũi, kịp thời chia sẻ đồng cảm với giáo dân, tôi vẫn thích hơn.


Hạnh Nguyên (vietcatholic)

littlewave
15-03-2009, 08:56 AM
GIÁO DÂN VÀ LINH MỤC

Cách đây mấy ngày, trên VietCatholic, tôi đã được đọc những bài giảng của Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh cho các cha thuộc giáo phận Đà Lạt. Một trong những bài giảng có tiêu đề về quan hệ giữa linh mục và giáo dân. Nhân dịp này, tôi cũng xin đóng góp những ý nghĩ cũng như nhận xét về mối quan hệ với các linh mục của một giáo dân và hơn nữa là một con chiên rất khô khan nguội lạnh.

Gần nhà tôi có một người thông thái. Tôi gọi ông này là thông thái vì ông ta học đến bác sĩ y khoa. Sở học đến như vậy thì chắc hẳn ông ấy nói hay làm việc gì cũng rất cẩn trọng với nhiều suy nghĩ và phán đóan chín chắn. Nhưng thực tế lại không được như vậy. Ông bác sĩ này không biết bị cái lọai vi trùng gì ăn vào lục phủ ngũ tạng mà đi đến đâu, vừa ngồi xuống chưa kịp chào hỏi ai, chưa kịp uống chai bia thấm giọng là ông ta bắt đầu lôi các linh mục ra nói hành nói tỏi. Những câu chuyện ông ấy nói ra chẳng biết phải trái thế nào, thực hư ra sao nhưng đôi khi cũng có ma lực lôi cuốn người nghe. Tôi không biết là có ân óan gì với các vị linh mục mà ông ta lúc nào cũng hận thù đằng đẵng. Và để giải tỏa những cái uất ức đó, ông ta mang các linh mục ra chê bai bêu riếu hết lời. Tôi không vui và thực sự bực bội với cái thái độ chẳng có gì là trí thức đứng đắn của ông ta. Người có danh vọng và tiền bạc rất sợ chết. Do vậy tôi đã nghĩ ra một “bài giảng” và tôi sẽ “giảng” cho ông ta nghe như sau:

“Nè, ông bạn già. Con người ta ai cũng phải chết. Chúa sinh ra có người đẹp người xấu, người thông minh người dốt nát, người giầu người nghèo. Dù là một ông vua hay một anh đạp xích lô thì ai cũng phải chết. Chúa rất công bằng và tất cả mọi người đều bình đẳng trước sự chết. Khi ông khỏe mạnh và tiền bạc đầy túi, sự chết hầu như đâu đó rất xa xôi và ông chẳng bao giờ nghĩ đến một lúc nào đó, bất cứ lúc nào, có thể chỉ mấy phút nữa ông sẽ vĩnh biệt cõi đời. Lúc ông nằm trên giường chờ chết thì tiền bạc của cải danh vọng có còn nghĩa lý gì. Ông không còn muốn nhìn thấy những xấp giấy bạc dầy cộm và cũng chẳng muốn nghe âm thanh của những thỏi vàng rổn rảng bên tai. Nhưng nếu bên cạnh ông có một linh mục hay một vị nữ tu với kinh nguyện và những lời an ủi vỗ về thánh thiện thì chắc hẳn ông sẽ an lòng hơn. Ông đang vác một tảng đá quá sức nặng nề “trên con đường về quê”. Bàn tay góp sức nâng đỡ của các vị linh mục hay nữ tu là những lời nguyện cầu, những an ủi đầm ấm thiết tha. Lúc đó ông mới thấy được vai trò của các đấng bậc tu trì trong cuộc sống và nhất là trong những giây phút cuối đời của người tín hữu. Bởi vậy tôi đề nghị ông nên có một lối xử sự đàng hòang và nghiêm túc với các vị tu hành”.

Người công giáo nhất là các tín hữu Việt Nam rất có lòng kính trọng các linh mục. Bà cụ tôi năm nay đã chín mươi sáu tuổi, trí óc gần như hòan tòan không còn họat động nữa nhưng vẫn khỏe mạnh. Một tháng vài lần, cha xứ rước mình thánh Chúa đến cho cụ và cũng tiện dịp thăm hỏi. Bà cụ ngồi trong phòng khách nhưng vừa thấy cha xứ với chiếc áo dài đen bước vào là cụ vội bám ghế đứng dậy thưa bẩm một câu chào kính quen thuộc đã đến gần một trăm năm: “ Con xin phép lậy cha ạ”. Cha xứ chắc cũng chẳng thỏai mái gì với câu chào kính quá mực thước đã ăn sâu vào tâm can của một bà cụ già. Ngày cụ còn ở Mỹ, mỗi lần về Việt Nam thì bao giờ cũng lo quà bánh cho cha xứ trước. Cha bị lãng tai, cụ cũng nhớ bảo con cháu tìm mua cho được cái “máy điếc” để “cha còn làm lễ giải tội”. Bà cụ tôi là tình nghĩa của giáo dân đối với linh mục: kính trọng và mến thương.

Giáo hữu nhìn vào các linh mục như là một nơi nương tựa tinh thần, một người cha nhân lành cho dù rất nhiều vị linh mục chỉ bằng tuổi con cháu. Một cha xứ người Mỹ hỏi tôi: “cha xứ bên Việt Nam và ở Mỹ khác nhau thế nào”. Tôi thưa: “ bên Việt Nam hai vợ chồng cãi nhau cũng chạy ra phân bua với cha, đêm hôm nhà có người bị sốt rét cũng chạy ra xin cha viên thuốc cảm”. Cha xứ người Mỹ tủm tỉm cười: “ như vậy cha xứ Việt Nam vừa là quan tòa vừa là bác sĩ nữa”. Cha xứ Việt Nam vất vả và nặng nhọc hơn cha xứ Mỹ rất nhiều nhưng lòng kính trọng và yêu mến của giáo dân cũng an ủi và xoa dịu các ngài phần nào.

Linh mục cũng là một con ngừơi với những yếu tính bất tòan của lòai thụ tạo. Các cha cũng có đầy đủ dục tính hỉ nộ ái ố và một lương tâm trong sáng cũng như chức vụ lành thánh mà các ngài đã nhận lãnh từ Thiên Chúa và giáo hội. Linh mục phải từng giây từng phút chống trả và chiến đấu với những đam mê dục vọng trong một trận chiến rất dữ dội và gay gắt. Một thi nhân đã viết: “Vì tôi là linh mục. Nên suốt đời hiu quạnh”. Đời sống của một linh mục rất cô đơn và hiu quạnh nhưng lại miệt mài sống chết với bổn phận và trách nhiệm. Ngòai những công việc thuần túy mục vụ của xứ đạo, chắc hẳn không một vị linh mục nào có thể ăn ngon ngủ yên khi còn phải nhìn thấy những cảnh đói khát cơ cực của con chiên trong giáo xứ. Tôi biết một vị linh mục trẻ tuổi làm công tác truyền giáo trên vùng Tây Nguyên đã cởi chiếc áo lạnh duy nhất của ngài mặc cho một ông già người Thượng đang rét run lẩy bẩy. Đời linh mục nhất là những cha xứ thật là nặng nhọc với rất nhiều đắng cay. Nhưng bất hạnh thay người ta lại cố ý không nhìn vào những việc lành phúc đức của các ngài mà lúc nào cũng chỉ muốn bơi móc soi mói những lỗi lầm vô tình hay cũng có thể là một cố ý trong những trạng huống cần phải được giãi bầy đến chi tiết. Tôi được nghe kể chuyện rằng một vị linh mục rất thân quen với gia đình đã nhịn ăn nhịn mặc dành tiền mua lại những tép xì ke của một đứa nghiện ngập trong giáo xứ. Người không biết chuyện thì có thể to mồm rằng ông cha này cũng nghiện ngập như ai. Nhưng con chiên trong giáo xứ thì ai cũng biết rằng ngài mua lại những tép xì ke đó như là một phương cách giúp cho thằng nhỏ nghiện ngập xa lánh ma túy.

Tôi không dám quả quyết tất cả các vị linh mục đều là những bậc thánh thiện. Trong một vườn hoa cũng có những cụm hoa khô cằn vì thiếu nước, có những cụm hoa bị sâu rầy gậm nhấm tả tơi. Trong hàng ngũ linh mục cũng vậy. Có những vị không còn xứng đáng trong thiên chức linh mục làm hoen ô hội thánh Chúa và trực tiếp gây ra những xáo trộn trong đời sống đạo đức của giáo dân. May mắn thay những cụm hoa thiếu nước hay bị sâu rầy chẳng có là bao trong một vườn hoa bát ngát xinh tươi. Cộng đồng giáo dân là cột trụ của giáo hội, các vị linh mục chỉ là những người giữ gìn cho những cột trụ đó vững chắc và không bị mối mọt. Các ngài đã sống một cuộc đời hy sinh và phục vụ. Chúng ta hãy kính trọng và yêu mến các linh mục của chúng ta.

Trương Phú Thứ (vietcatholic)

littlewave
15-03-2009, 09:03 AM
Có một linh mục như thế

Tôi trở lại Kẻ Vàng trong một ngày đầu xuân tiết trời se se lạnh, những hạt mưa bụi lất phất bay, những chồi non đang bung nở trên những cành lá xanh mơn mởn. Trên con đường bê tông phẳng phiu, rắn chắc, tay lái tôi thêm yên tâm và tự tin hơn nhiều.

Cũng con đường này cách đây không lâu, sự ghồ ghề và trơn trượt đã không ít lần gây ra bao tai nạn, nhiều giáo dân đã trầy da xước thịt, đi lại muôn vàn bất tiện…trở lại Kẻ Vàng sau 1 năm, dường như giáo xứ đang trên đà thay da đổi thịt.

Gíáo xứ Kẻ Vàng là 1 trong những giáo xứ nhỏ và nghèo vào bậc nhất Giáo Phận Thanh Hoá. Nằm trên địa bàn xã Yên Thịnh - huyện Yên Định - tỉnh Thanh Hoá, một vùng trung du heo hút của vùng núi phía Bắc. Nơi của bạt ngàn lúa, ngô, sắn, lạc. Nơi của những đợt không khí lạnh rét căm căm, của những đợt gió Lào nắng cháy, nơi của những con người lam lũ một nắng hai sương quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời và cũng là nơi của những giáo dân sùng đạo, yêu mến Chúa nhất.

Cách đây một năm, lần đầu tiên Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm cho Kẻ Vàng một vị linh mục chính xứ. Một vị linh mục trẻ đầy lòng nhiệt thành và giàu đức hy sinh. Một con người có rất nhiều điều đáng để cho cá nhân tôi học hỏi.

Về làm chánh xứ Kẻ Vàng sau những tháng ngày tu nghiệp bên đất Pháp, ngỡ tưởng khó hoà hợp giữa một vị linh mục “đi Tây” với bà con giáo dân quê mùa, thường dân áo vải. Ấy thế mà có ai ngờ… sau những bộ lễ phục sang trọng trên bàn thờ, sau những chiếc complê, cà vạt lịch sự mỗi khi tiếp khách… tôi nhận thấy sự bình dị của ngài trong chiếc áo phông giản dị, đôi dép tổ ong sờn, cái đồng hồ casio “trăm hai mươi nghìn”, cái điện thoại “cục gạch” với chiếc wave “cà tàng”… Có ai ngờ vị linh mục thư sinh trắng trẻo kia lại sẵn sàng xắn quần, lội bì bõm dưới ruộng với bùn đất bẩn thỉu để cùng cày cấy, đến vụ thu hoạch thì cùng bà con gặt lúa, bẻ ngô. Những động tác hết sức lành nghề của một người con của vùng nông thôn Thanh Thuỷ.

Thấy đường làng đêm về tối om, bà con đi lại khó khăn, nguy hiểm. Ngài đã vận động lắp đặt cho giáo xứ một đường điện nối dài, Kẻ Vàng đêm về lại sáng trưng ánh điện, trẻ con trong xóm lại nô nức đùa vui. Thấy giáo xứ chưa có khuôn viên kính viếng Đức Mẹ, ngài vận động cho xây dựng tượng đài Đức Maria và đã hoàn thành được hơn 50% công trình.

Khổ cực nhất có lẽ là những tháng ngày làm công trình đường bê tông hoá nông thôn. Thật đúng là trăm công nghìn việc, trăm mối lo toan, trăm ngàn thách thức. Công việc vất vả khiến ngài thường xuyên muộn bữa sáng, có khi gấp gáp thì nghỉ ăn luôn, làm lễ sáng xong là ra công trường cầm cái bánh mỳ hay miếng xôi ăn lót dạ. Bỏ ngủ trưa để bốc xi đến bãi trộn, đương đầu với những giáo dân “cù nhầy” trong việc múc dỡ mấy gốc tre. Cái chuyện tế nhị và phức tạp khiến cho mấy đời chủ tịch xã phải chịu bó tay chịu trận. ấy thế mà đến tay ngài lại được “giải quyết” một cách êm thấm.

Vừa lo lắng xây dựng cơ sở vật chất cho giáo xứ, vừa lo lắng công tác mục vụ. Tôi đặc biệt ấn tượng với sáng kiến của ngài tổ chức giờ chầu vào mỗi tối chủ nhật, nói đúng hơn đó là một buổi giảng đạo hàng tuần, nơi mà Ngài sẽ cung cấp cho bà con giáo dân những kiến thức căn bản và sâu rộng về Đạo, nơi mà Ngài và bà con cùng nhau đối thoại, trao đổi về phúc âm, về luật Chúa và Hội Thánh. Qua những buổi như thế, tôi tin chắc rằng, niềm tin của bà con càng được xác tín mạnh mẽ hơn.

Không chỉ có giảng đạo trong nhà thờ, Ngài còn thường xuyên lui tới các gia đình trong xứ, trò chuyện, vận động bà con hăng say sống tin mừng, chung vui với bà con bên những nồi ngô nồi sắn khiến cho tình cha con ngày một khăng khít hơn.

Ngài còn tổ chức lại cơ cấu giáo xứ hết sức chặt chẽ với các hội đoàn, lên danh sách cụ thể thậm chí đang thử nghiệm hình thức dùng thẻ giáo dân. Mục đích của việc làm này là tạo mối liên kết mạnh mẽ và tinh thần hiệp nhất cao trong giáo xứ, giúp cho việc quản lý và coi sóc giáo xứ được thuận lợi và dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh đạo chúng ta đang có nhiều thế lực phá hoại muốn trà trộn và gây rối.

Bên cạnh đó, ngài luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục và quan tâm đến những người nghèo, người neo đơn, đau yếu. Chú trọng khâu vệ sinh môi trường với việc phát động giáo dân xây nhà vệ sinh tự hoại, có nắp đậy nhằm thay đổi những thói quen cổ hủ, lạc hậu có từ xa xưa…

Các đấng cứ lắc đầu trêu: không biết “Bác lấy tiền ở đâu?”. Thực ra tiền ngài không có. Ngài thường bảo: “cứ làm rồi Chúa lo liệu hết”. Tôi cảm phục Ngài, có những lần xe chở ximăng về nhưng tiền thì đã hết, Ngài phải chạy đến giáo dân vay nóng sau đó lại đi trả dần. Có những lần sai người mang tiền đi lấy thiết bị, ở nhà kẹt quá lại phải hoãn gọi đem tiền về lo chuyện ở nhà trước. Việc làm đường, không biết bao nhiêu người can ngăn, không muốn Ngài đụng vào vì sợ Ngài vất vả và tốn kém nhưng Ngài trả lời bằng một câu khiến tôi suy nghĩ: “Mình phải chịu khổ để cho bà con giáo dân được nhờ”

Có lẽ nếu đọc được những dòng này chắc Ngài sẽ trách tôi vì cái tội “hóng hớt ”. Vâng, người tôi muốn nói đến là linh mục Toma Bùi Huy Cường. Xin thay mặt cho bà con giáo dân xứ Kẻ Vàng cảm ơn Ngài đã không quản khó khăn, vất vả xây dựng giáo xứ, đã không sợ khó, sợ khổ để làm những việc mà chẳng mấy thảnh thơi, đã quên ngủ quên ăn hết lòng phục vụ giáo dân, Giáo Hội. Riêng đối với con, Ngài dạy cho con một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, miệt mài, một nghị lực phi thường và sự can đảm, quyết đoán trong mọi quyết định, hơn thế nữa đó là sự giản dị, đơn sơ trong lối sống thường ngày. Cảm ơn Ngài và xin Chúa cùng Mẹ Maria tuôn đổ thêm nhiều hồng ân hơn nữa giúp Ngài có một sức khoẻ dồi dào và lòng mến sắc son để chu toàn những công việc mà nhà Cha trao phó.

Hà Nội những ngày trong cái rét tháng 3
Peter Trần Tuấn (vietcatholic)