PDA

View Full Version : Chúa Nhật 21 Thường Niên A



phan_nghị
28-08-2008, 11:07 PM
VietCatholic News (Thứ Bảy 23/08/2008 03:15)
Chúa Nhật 21 Thường Niên A:
Quyền lực Tử Thần sẽ không thắng nổi

Đôi bên cùng có lợi…

http://www.vietcatholic.net/pics/80814LaVang33.jpgĐại Hội La Vang 15.8.2008Trung tuần tháng 5 năm 2008 này, Nhà Nước đã đứng ra tổ chức lễ hội Vesak của Phật giáo tại thủ đô Hà Nội. Thế thì chẳng có gì lạ nếu tuần vừa qua tại Quảng Trị, Đại hội La Vang lần thứ 28 đã diễn ra với sự hiện diện của 15 Tổng giám mục và giám mục, 500 linh mục và trên dưới 500.000 giáo dân. Ai có điều kiện để theo dõi tin tức qua mạng lưới điện toán của VietCatholic - Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam đã có thể có được các tin tức sốt dẻo và cả những hình ảnh sống động nhất. Các lễ hội kiểu này hiện nay rất được Nhà Nước ưa chuộng, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, để càng hoành tráng linh đình càng tốt, vì như thế là chứng minh cho thế giới thấy có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Còn đối với người tín hữu chúng ta, thì đây là một cách thức, một cơ hội để sống niềm tin, để tuyên xưng đức tin. Điều này đưa ta đến nội dung bài Tin Mừng hôm nay.

Anh em nói Thầy là ai ?

Đó là câu hỏi Đức Giê-su đặt ra cho các Tông Đồ. Thay mặt các Tông Đồ, ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su đã nói gì sau lời tuyên xưng đức tin của ông Phê-rô, chúng ta vừa mới nghe xong. Hôm nay tôi xin mời anh chị em chúng ta dừng lại ở mấy chữ quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi để cùng nhau suy niệm. Và để hiểu được mệnh đề này, tôi xin nhắc lại mấy mệnh đề trước:

– Anh là Si-môn, con ông Giô-na,
– từ nay anh sẽ gọi là Phê-rô, nghĩa là tảng đá.
– trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy
– và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

Chẳng biết Si-môn có nghĩa là gì, điều đó không quan trọng. Nhưng từ nay, Si-môn được Đức Giê-su đổi thành Phê-rô, có nghĩa là tảng đá. Thay đổi như thế để làm gì ? Thưa để giao một sứ mạng. Đức Giê-su nói: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Sẽ không thắng nổi

Nền đá tảng gợi cho ta hình ảnh của một nền móng kiên cố, vững chắc, trên đó toạ lạc một ngôi nhà, một công trình kiến trúc. Đó là hình ảnh của Hội Thánh Chúa Ki-tô. Nhưng đừng lầm tưởng là ta cứ vào đó mà vui sống thảnh thơi an nhàn. Là vì sau khi tuyên bố: Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy thì Đức Giê-su nói ngay: Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Muốn hay không, Hội Thánh phải đương đầu với một cuộc chiến, với nhiều cuộc chiến. Phần thắng đã được đảm bảo rồi. Nhưng đã nói chiến đấu là nói gian khổ, nói hy sinh, cả đến tính mạng nếu cần. Vì thế, Hội Thánh phải luôn đề cao cảnh giác, phải luôn sẵn sàng, nhất là khi đối thủ của mình là loại ghê gớm nhất, đó là tử thần, đó là thần chết.

Quyền lực tử thần

Ai cũng biết rằng thử thách đáng ghê sợ nhất đối với con người, đó là cái chết. Nhưng kể từ ngày Đức Ki-tô từ cõi chết sống lại thì cái chết, thần chết đã bị đánh bại. Chiến thắng cuối cùng đã được đảm bảo. Nhưng chiến thắng chỉ trọn vẹn vào ngày cánh chung, ngày cuối cùng của lịch sử. Trước mắt thì Hội Thánh Chúa Ki-tô cứ phải đương đầu với thần chết, với cái chết. Điều đó có nghĩa gì với chúng ta hôm nay ?

Đối mặt với cái chết

Lời Chúa đến với chúng ta giữa lúc dân tộc chúng ta, đất nước chúng ta đang ngày ngày đối mặt với cái chết:

– chết do thiên tai: chỉ mới bắt đầu mùa lũ mà vừa qua ở mạn bắc nước ta đã có trên một trăm người chết;

– chết do dịch bệnh: hết cúm gà đến heo tai xanh, rồi trâu bò lở mồm long móng: gia súc cứ chết đà này, mai mốt chẳng biết còn gì để ăn;

– cái chết của rừng dẫn đến lũ lụt;

– cái chết của những dòng sông gây ô nhiễm nguồn nước;

– cái chết của những cánh đồng lúa mầu mỡ phì nhiêu bỗng dưng bị biến thành sân gôn cho đám người nhiều tiền lắm của đến giải trí, và cùng lúc người nông dân đang là ông chủ trên đám ruộng của mình bỗng biến thành cu li đi lượm banh, hay phải lên thành phố nhập đạo quân ve chai để kiếm sống qua ngày;

– cái chết do chính con người gây ra như tai nạn giao thông: trung bình mỗi ngày trên cả nước có chừng 30 người chết: cứ nhân lên cho một năm, mười năm, hai mươi năm, sẽ thấy con số khủng khiếp biết chừng nào;

– còn nói chi đến cái chết của những hài nhi vô tội: chẳng ai có được con số chính xác, nhưng ai cũng biết rằng Việt Nam là một trong những nước có số ca phá thai nhiều nhất thế giới, nghe đâu đến trên 1 triệu ca mỗi năm.

Nhưng đã nói đến cái chết thì làm sao không nói đến cái chết về mặt tinh thần: cái chết của các giá trị đạo đức, của tự do và dân chủ, của công bằng xã hội, của lòng yêu nước. Chỉ mới ngày 3 tháng 8 này thôi, ta có thể đọc trên mạng lưới điện toán Đàn Chim Việt bức tâm thư gửi lãnh đạo Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, tác giả có tên là Hương Trà, sinh viên luật, cùng một nhóm bạn trẻ: qua bức tâm thư đó, ta đọc được tâm trạng của họ, thao thức lo âu của họ, của những người trẻ không còn lý tưởng, qua bức tâm thư đó, ta như thấy được cái chết của niềm tin. Tôi xin trích đọc một số đoạn:

"Những điều xảy ra chung quanh chúng tôi đã khiến chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi:

Hoàng Sa, Trường Sa và Ải Nam Quan bây giờ có còn là của đất nước Việt Nam không ?”

- Tại sao lịch sử thường ca ngợi những người can đảm chống quân xâm lược mà ngày nay công an lại đàn áp và kết tội những người biểu tình chống Trung quốc xâm lăng ?

- Tại sao Đảng thường hô hào thực thi quyền dân chủ mà lại bắt bỏ tù những người tranh đấu ôn hoà cho quyền dân chủ ?…

- Tại sao công an đàn áp các sinh viên biểu tình chống bọn bá quyền Trung quốc nhưng lại bảo vệ những người Trung quốc biểu tình ủng hộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung quốc ngay trên đất nước của mình ?...

- Tại sao thầy giáo dạy môn lịch sử dạy rằng: Mỹ là kẻ thù không đội trời chung với nhân dân ta, còn Trung quốc là anh em rất tốt của ta, nhưng hôm nay các nhà lãnh đạo của ta lại cầu viện Mỹ giúp đỡ, còn Trung quốc thì lại chiếm đất của ta, lại còn xâm lấn đất đai lãnh hải của ta nữa ?

- Tại sao các nước theo thể chế đa nguyên tư bản lại giàu có hơn các nước theo chủ nghĩa Cộng Sản ?

- Tại sao lúc trước đảng nói những người vượt biên là phản quốc, còn bây giờ đảng nói là yêu nước ?.

- Tại sao quân đội và công an mang tiếng là của nhân dân nhưng lại phục vụ hết mình cho quyền lợi của đảng?.

- Tại sao người giàu bây giờ đa số là đảng viên, là cán bộ chính quyền…

- Tại sao công nhân của ta đi lao động nước ngoài bị chủ bóc lột, bị đối xử tàn nhẫn phải nhờ cơ quan cứu người lao động của Việt kiều ở nước ngoài bênh vực, còn chính quyền VN của đảng thì im lặng ?

- Tại sao đất nước mình không có báo chí tư nhân như các nước khác ?..v.v…

- Tại sao và tại sao??? Loanh quanh với những câu trả lời mà chung quy cũng chỉ tại vì độc đảng mà ra."

Qua những lời lẽ thống thiết trên đây, ta thấy bạn sinh viên luật đã nhìn thẳng vào vấn đề, đã nhận ra vấn đề, đã nói lên suy nghĩ của mình, không quanh co úp mở.

Còn lại điểm quan trọng cuối cùng cần bàn tới trong khuôn khổ bài suy niệm hôm nay, đó là:

Vai trò của người lãnh đạo

Bình thường trong một tổ chức, người lãnh đạo nắm vai trò quan trọng như ta dễ dàng thấy vai trò ông Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay. Chẳng vậy mà vào cuối năm 2007, khi xảy ra vụ cầu nguyện 40 đêm ngày để đòi lại đất Toà Khâm Sứ Hà Nội, lời nói có ảnh hưởng mạnh nhất, có âm vang xa nhất, đó là lời đức cha Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội. Ngài nói: “Nếu có ai vì cầu nguyện mà phải đi tù, thì tôi sẵn sàng đi tù thay cho họ.” Trong nhiều ngày sau đó, đã bùng lên một khí thế mãnh liệt chưa từng thấy. Tôi xin đọc một đoạn trong bài của tác giả Thợ Cày mang tựa đề “Đăng ký đi tù thay cho giáo dân Hà Nội”, đăng tải trên Vietcatholic ngày 31.1.2008.

http://www.vietcatholic.net/pics/80818tks1.jpgTòa Khâm Sứ tại Hà Nội (18.8.2008) http://www.vietcatholic.net/pics/2508200880825lavang.jpg…"Nghe nói đến chuyện Đức Tổng Giám Mục Hà Nội tình nguyện đi tù thay cho Giáo dân làm cho dân làng quê tôi phấn chấn hẳn lên. Xem ra ai cũng muốn theo gương Đức Tổng. Họ bảo nhau rằng, chúng mình lúc này rảnh rỗi quá vì chẳng có việc gì phải làm; ruộng nương thì khô cạn chẳng trồng chẳng cấy gì được. Trong khi đó, những nơi chung quanh Hà Nội lúc này lại đang bắt đầu mùa cấy lúa. Nếu Giáo dân ở đó phải vào tù hết thì ai sẽ đi cấy lúa cho họ. Mà không cấy lúa thì lấy gạo đâu mà ăn chứ nói chi đến chuyện xuất khẩu gạo. Hay là chúng ta tới Hà Nội để đi tù thay cho họ. Vào đó có khi còn sướng hơn cả ở nhà. Vào đó chúng ta sẽ được gặp Đức Tổng, chứ cứ ở mãi cái nơi vùng quê hẻo lánh này thì đời thuở nào mà được gặp Đức Cha. Thế là mọi người nhao nhao lên đăng ký xin được tình nguyện đi tù thay cho Giáo dân Hà Nội. Tôi cứ nghĩ mình sẽ được ưu tiên đi trước vì thấy mình già cả ốm yếu, chẳng biết còn sống được bao nhiêu. Nhưng dân làng tôi lại không nghĩ như vậy. Họ yêu cầu tôi phải ở nhà trông coi đàn vật và còn trông cửa trông nhà cho họ nữa chứ. Đi vào nhà tù hết thì để làng để mạc lại cho ai ! Còn phải có người ở lại để cho mèo cho chó ăn, cho trâu cho bò uống nước.

Tôi đồng ý, nhưng cũng cảm thấy tiếc vì mình không có diễm phúc được đi tù chung cùng với Đức Tổng Kiệt như mọi người dân trong làng.

Có lẽ tôi phải nghĩ đến chuyện phải dắt cả đàn trâu đàn bò, cả chó lẫn mèo ra Hà Nội thôi, vì ở nhà một mình buồn lắm.

Trong nhà tù có chỗ thả trâu không nhỉ?..."

Chỉ một câu nói của người lãnh đạo thôi cũng tạo được khí thế, nung nấu lòng dũng cảm khiến người ta sẵn sàng hy sinh, bất chấp mọi khó khăn thử thách. Giá không phải chỉ có một câu, giá không phải chỉ có một vị lãnh đạo, nhưng hai ba hoặc dăm bảy vị nữa, khả năng tạo nên sức mạnh sẽ lớn lao biết chừng nào.

Kết luận

Điều không thể chối cãi là trong mọi lãnh vực của đời sống cá nhân và xã hội, cái chết đang rình rập chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta lại muốn chết. Vậy thì chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là chống lại cái chết, chống lại sức mạnh của tử thần. Cuộc chiến sẽ cam go, đòi buộc ta phải kiên trì, phải bền tâm chịu đựng, phải tốn nhiều công sức. Nhưng điều không thể nghi ngờ là mưu mô của tử thần có xảo quyệt đến đâu, quyền lực của tử thần có mạnh mẽ đến đâu, cũng không được làm chúng ta chùn bước: chiến thắng cuối cùng thuộc về chúng ta, vì chính Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đảm bảo cho chúng ta rằng: Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

(Nhà thờ Phan-xi-cô Đa-kao, Chiều thứ Bảy 23-08-2008)
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

lanhvananh
14-11-2008, 04:51 AM
Chúa nhật 32 TN A (Trích bài giảng của Đức TGM Ngô Quang Kiệt)


TRINH NỮ KHÔN NGOAN

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Mt 25,1-13
"Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên : "Chú rể kia rồi, ra đón đi !" Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng : "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi !" Các cô khôn đáp : "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : "Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !" Nhưng Người đáp : "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !" Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Đám cưới là một sinh họat bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh họat bình thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này, Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn là trinh nữ. Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta mấy chân lý về Nước Trời.
Hạnh phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương, linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.
Con người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý. Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.
Mọi người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể. Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.
Nhưng ai đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.
Các con TNTT thân mến,
Thánh Thể là một bữa tiệc Chúa Giêsu mời gọi ta vào dự. Được dự tiệc Thánh Thể là được đồng bàn với Chúa. Thánh Thể là bữa tiệc hạnh phúc vì trong TT Chúa yêu thương hiến mình cho ta. Thánh Thể là bữa tiệc đem lại sự sống đời đời. Thánh Thể là bữa tiệc cưới trong đó ta được kết hiệp nên một với Chúa. Thật hạnh phúc cho ta.
Vì yêu thương, nên Chúa Giêsu cũng đã từ trời xuống thế tìm ta. Để gặp được con người Chúa đã phải trải qua biết bao vất vả khó nhọc. Nhất là phải chịu nhục nhã và chịu chết nữa. Hôm nay Chúa vẫn ở trong nhà chầu chờ đợi ta.
Trong nhà thờ luôn có ngọn đèn chầu. Khi không có ai thờ phượng Chúa, thì có ngọn đèn chầu lúc nào cũng thắp sáng để thờ phượng Chúa. TNTT nguyện là những ngọn đèn chầu ở bên cạnh Chúa. Mỗi khi các con đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, các con trở nên những ngọn đèn chầu. Càng có nhiều ngọn đèn chầu và những ngọn đèn càng sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.
Ngọn đèn chầu của các con được sáng lâu và sáng mạnh là nhờ các con sống bí tích Thánh Thể. Như CGS hiến mạng sống để tuân theo thánh ý Đức Chúa Cha, TNTT hãy luôn yêu mến và làm theo ý Chúa. Như CGS hiến mạng sống vì tha nhân, TNTT hãy biết yêu mến mọi người. Như CGS đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ. TNTT hãy biết khiêm tốn phục vụ mọi người. Như CGS đã là tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng mọi người, TNTT hãy biết chia sẻ cơm áo với những người nghèo, viếng thăm an ủi những người buồn khổ. Thực hành bí tích Thánh Thể là chất dầu giữ cho ngọn đèn tâm hồn các con luôn cháy sáng. Với ngọn đèn cháy sáng trên tay, các con sẽ an ủi CGS Thánh Thể và khi Chúa đến các con sẽ cầm đèn sáng cùng Chúa vào tham dự hạnh phúc Nước Trời.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
1- Dụ ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?
2- Bạn chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?
3- Chúa đến bất ngờ. Điều này dạy ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa?

lanhvananh
14-11-2008, 05:00 AM
Có 10 cô trinh nữ đi đón chàng rễ...