PDA

View Full Version : Các tu sĩ Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam hành hương về Đất Tổ



xoicucnong
28-08-2008, 11:35 PM
(Cập nhật: 28/08/2008 11:11:56)

Huế - Trong 3 ngày 19, 20 và 21-8 vừa qua, Đức Viện phụ Đôminicô Phạm Văn Hiền, Viện phụ Hội trưởng Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, đã dẫn đầu phái đoàn gồm 200 linh mục và tu sĩ nam nữ dòng Xitô đến thăm Tổng Giáo phận Huế, viếng Thánh Địa La Vang, Giáo xứ Thừa Lưu, Phước Sơn, Quảng Trị, Tiểu Chủng viện An Ninh, Đan viện Thiên An và một số dòng tu ở Huế, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Dòng và 75 năm ngày giỗ tổ Đấng Sáng lập dòng.

Cuộc hành hương về Đất Tổ đánh dấu bằng Thánh lễ Tạ ơn tại Nguyện đường La Vang với sự chủ tế của Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, 30 linh mục, trên 200 tu sĩ và khách hành hương cùng tham dự.

Vui mừng trước sự hiện diện của các tu sĩ Dòng Xitô, Đức Tổng Stêphanô Thể nói rằng đây là cuộc hành hương rất thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Ngài nói: “Lâu lắm rồi mới có được cuộc hội tụ của Dòng Xitô. Trải qua biết bao gian nan thử thách, với sự quan phòng cách kỳ diệu của Thiên Chúa, hạt giống đức tin đã phát triển nhiều nơi. Ước nguyện của tôi là làm sao có sự hiện diện của Dòng Xitô trong Giáo phận để hương vị thiêng liêng, tinh thần chiêm niệm cầu nguyện toả lan, hỗ trợ cho công việc truyền giáo bằng chính đời sống cầu nguyện và hy sinh”.

Cụ Trần Văn Gioang, 80 tuổi, cựu đệ tử Dòng Xitô, kể lại: “Đời sống đan tu ở Phước Sơn ngày xưa rất nghiêm ngặt, đánh tội và ăn uống kham khổ, nhưng tinh thần tu trì rất mãnh liệt. Năm 1945, nhà dòng giải tán vì chiến tranh, tôi trở về quê, còn các cha và các thầy di tản vào miền Nam”.
Thầy Phanxicô Trần Văn Loan, 82 tuổi, nói: “Hội dòng Phước Sơn khai sinh trong thử thách, trưởng thành trong đau khổ và phát triển với biết bao khó khăn. Anh em chúng tôi cố gắng trung thành bảo tồn và phát huy linh đạo của dòng”.

Thầy Martino Ngô Văn Thành, ở Phước Lộc, chia sẻ rằng hành trình về Đất Tổ đã cho thầy hiểu biết, yêu mến Đấng Sáng lập hơn và biết ơn các vị tiền bối dày công xây dựng Hội Dòng cho thế hệ trẻ được thừa hưởng.
Nữ tu Gioana Phạm Thị Ghi Tạc nói đây là lần đầu tiên chị được đến La Vang. Chị cảm nhận được tình hiệp thông rộng lớn và sâu xa giữa các thành viên trong Hội Dòng và Tổng Giáo phận Huế. Chị cho biết chị tâm đắc 3 điều mà Đức Tổng Stêphanô Thể đã lưu ý nhắc nhở: những đe doạ của đời sống tầm thường, trưởng giả hoá dần dần và tinh thần hưởng thụ của xã hội trong đời sống đan tu.

Dòng Xitô được thành lập năm 1098, với ý hướng sống đời đan tu một cách triệt để, trở về những nét tinh tuyền của tu luật Biển Đức. Sau công cuộc cải tổ tôn giáo (Kitô giáo) và cải tổ các dòng tu (bắt đầu từ thế kỷ XVII) diễn ta trong một thời gian dài, vào năm 1892, Dòng Xitô tách biệt hoàn toàn thành 2 nhánh: “Nhặt phép”: những đan viện còn giữ đời sống thuần chiêm niệm; và “Chung phép”: gồm các đan viện khác.

Cộng đoàn tổ của Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam là Dòng Đức Bà Annam (hay còn gọi là Dòng Phước Sơn) do Cha Henri Denis (Benoit Thuận) sáng lập ngày 15-8-1918 tại núi Phước, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế, nên có tên gọi là Phước Sơn. Dòng Phước Sơn đã sử dụng Hiếp pháp của Dòng Xitô “Nhặt phép”, sửa đổi một số điều khoản cho phù hợp với hoàn cảnh và văn hoá Việt Nam, đề cao đời sống Thánh Gia, nên đổi tên thành Dòng Xitô Thánh Gia. Về sau, Dòng sát nhập vào Dòng Xitô “Chung phép” thế giới theo Sắc chỉ của Thánh Bộ Tu sĩ ngày 24-5-1934.

Theo gương Thánh Gia Thất, Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam thánh hoá đời sống âm thầm trong cầu nguyện, hy sinh và lao động, hầu góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn. Mỗi đan viện đều có nhà khách để tiếp đón những người đến tĩnh tâm và cầu nguyện.

Theo Đức Viện phụ Đominicô Phạm Văn Hiền, hiện nay Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có 800 tu sĩ trong 11 cộng đoàn ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, và tại 2 quốc gia Mỹ và Thuỵ Sĩ. :laughs:


Nt. Nguyễn Thị Luyến