Ðăng Nhập

View Full Version : Chà đồ nhôm, chôm đồ nhà



hatbui.
31-01-2012, 10:13 AM
Chà đồ nhôm, chôm đồ nhà!


http://www.caimon.org/Songdao/Diendan_SD/chaDoNhom/11495582.gif


“Tết vừa rồi, nhà tôi có tí chuyện buồn khuyến mãi thêm ít chuyện vui. Số là thằng út nghe lời chúng bạn, chôm vài gốc tắc kiểng dạng cổ thụ của nhà. Chuyện vỡ lẽ, ông nhà tôi “nổi sùng” quất túi bụi vào thằng bé. Hoảng hồn, nó bỏ chạy ra ngoài, biệt tích hơn dăm tuần. Vài bữa đầu, nhà tôi nháo nhác ngược xuôi tìm con, mọi chuyện vô vọng ! Sau đó đăng tin truyền hình, truyền thanh, nhà xứ, huyện xã,... tốn của, tốn công mà chẳng được gì. Ổng buồn lắm, lủi thủi vào trình cha sở nhờ tiếp sức cầu nguyện. Chẳng có tin tức gì khả quan. Trước tết ba ngày, nghĩa là hôm hăm bảy tháng chạp, nghe phông phanh út Sơn ở bên chòi thằng Tám nhiều chuyện, ông nhà lấy chiếc cub vọt thẳng ra lộ, mặc kệ mũ bảo hiểm xốc xa xốc xếch. Lo cho con lang thang bụi bờ, bữa trưa lo bữa tối, chồng tôi hối tiếc về cách dạy con thiếu phương pháp sư phạm. Gặp được Út Sơn, lão “mừng rúm”, xít xoa liên tục. May mà nhờ Tám nhiều chuyện, trang lứa bạn bè thằng bé, kẻ góp ý, người góp lời động viên út về nhà. Nếu không, chẳng biết cái tết nhà tôi thảm cảnh đến độ nào. Út Sơn khôn ra, bị bọn bạn xấu dụ khị một lần, giờ nó “tởn” rồi. Tạ ơn Chúa, sợ rằng “tiền mất tật mang”, may mà tiền mất và hết tật.” Mở đầu bài chia sẻ, tôi mượn câu chuyện nhà chị Hai Hà gửi gấm chút ít tâm tình Tin Mừng Chúa nhật thứ bảy thường niên B.

Xuyên suốt đoạn Tin Mừng, chẳng thấy tí gì thao thức, ham muốn được chữa lành nơi bệnh nhân. Anh chàng im lặng suốt quá trình diễn tiến. Án phạt của tội nguyên tổ là cực nhọc, đau đớn và chết (St 3,17-19). Do vậy, chẳng có gì khó hiểu, khi xem việc đau đớn của bệnh tật là một hình phạt của tội. Tránh né, chán nản, bức rức,... trở thành nét đặc trưng nơi những tội nhân. Việc khó khăn trong bước tiến sám hối chính là nhận ra mình chưa hoàn thiện, và dám một lần thử “rạch mặt ăn vạ ơn Chúa”. Bệnh nhân trong đoạn Tin Mừng, tuy á khẩu bất ngôn, nhưng vẫn để đám đông chõng đến Chúa và xin ơn chữa lành. Đức Giêsu chơi một trò lý thú : chọc gậy bánh xe. Ngài biết được niềm tin yếu kém của bệnh nhân ; thảm cảnh hơn, niềm tin ấy đang tuột dốc. Ngài dùng gậy chế ngự và chuyển hướng lăn bánh. Hành động xốc xếch ra khỏi nhà tìm con trai trước khi thằng bé trở về giúp Út Sơn cảm nhận tình thương gia đình ; cũng vậy việc Đức Giêsu tha tội trước khi chữa lành nói lên một mầu nhiệm yêu thương chân thành của Thiên Chúa. Mặc cảm bệnh tật làm bệnh nhân tách rời đám đông, trầm tư tội lỗi khiến họ tránh xa Thiên Chúa. Giờ đây, Thiên Chúa chạm mạnh đến người bại liệt. Rõ ràng, trước nhất phải tìm thấy Chúa, sau đó mới đủ sức hòa nhập cộng đồng. Trong tiến trình này, Thiên Chúa luôn đi bước trước. Thành công hay thất bại phụ thuộc ta có sẵn lòng đến – hay ít ra để người khác mang đến – gặp Chúa.

“Thấy lòng tin của họ” (Mc 2,5) sự im lặng nơi chàng bại liệt được trám khuyết bằng hành động tin của đám đông. Đức Giêsu đòi hỏi nơi các phép lạ một niềm tin “tuy méo mó nhưng có còn hơn không”, cụ thể ở đây là niềm tin nơi bốn người khuân vác. Một kinh nghiệm thiêng liêng: Hội Thánh thông công. Chính nhờ lời cầu xin nài nỉ của các ông, các bà phép lạ vẫn tiếp tục diễn ra. Phép lạ không đâu xa, đơn giản chỉ là nhoẻn một nụ cười sau cái đen tối thất vọng ; bước đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ dễ dàng hơn việc thư giãn giải trí cuối tuần ; chấp nhận giao hòa với Thiên Chúa nơi các bí tích hối tử,... Lòng tin nơi cộng đồng có sức chi phối mãnh liệt. Do vậy, một khi niềm tin đúng đắn sẽ làm động lòng trắc ẩn của một vì Thiên Chúa đa cảm. Qua câu chuyện bên trên: nếu như đám đông “không xi-nhan” (xi-nhan : đèn quẹo trái, phải của xe gắn máy) cho bố Út Sơn, chắc chắn gia cảnh ăn tết chấm nước mắt ! Chính vì suy nghĩ đúng đắn của bà con, mọi chuyện trở nên “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Một điểm nhấn nhỏ : chuyện gì sẽ xảy ra nếu như niềm tin bị lệch lạc ? Biết bao giáo phái tách rời khỏi công giáo, nào là Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo,... “hằm bà lằng” các kiểu đạo Kitô ! Cách khắc phục tốt nhất : trong mọi biến cố công hay tư, vui hay buồn, điều đầu tiên phải làm là “chúng con nguyện danh ‘tụi con’ cả sáng, nước ‘của tụi con’ trị đến, ý ‘của tụi con’ thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, í lộn, phải dồng lòng thốt lên : “chúng con nguyện danh ‘Cha’ cả sáng, nước ‘Cha’ trị đến, ý ‘Cha’ thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Một ghi nhận cuối cùng : những vị học thức Do Thái “nghĩ thầm trong bụng” (Mc 2,6) những hành vi cụ thể của Thiên Chúa yêu thương. Tại sao bố của Út Sơn dễ dàng tha thứ tội lỗi cho con mình như vậy? Chỉ khi nào bạn đóng vai trò làm cha, làm mẹ, bạn mới thấu đáo “hành vi khùng” của bố Út Sơn. Cũng vậy, khi nào bạn trở thành Thiên Chúa, bạn mới thông suốt từng tí một hành vi yêu thương của Ngài. Trước một phiên tòa, bạn không truy xét rõ ràng ngọn nguồn, bạn sẽ sai lầm khi xử án, dẫn đến những chuyện không kịp hối tiếc. Chưa kể thanh danh người vô tội hoen úa vì bạn. Thiên Chúa đã bị bạn “nghĩ thầm trong bụng” bao nhiêu lần ? Sau mỗi lần nghĩ thầm như vậy, bạn xử án Thiên Chúa với những tội danh : nào là Chúa phạt, Chúa nguyền rủa, Chúa cầm giữ,... Tội nghiệp Chúa quá ! Con người chưa một lần làm Thiên Chúa, do vậy không thể hiểu thấu đáo Thiên Chúa. Nếu như đòi hỏi bằng Thiên Chúa, tôi lại rơi vào “cái vòng lẩn quẩn” của tội nguyên tổ, chuyện phản bội của Luxiphe. Đành lòng khoanh tay đứng nhìn Thiên Chúa hành động, và tin tưởng : Ngài không để chúng ta mồ côi (x.Ga 14,18). Thiên Chúa là cha (x.Gl 4,6), vì là cha nên việc chọn lựa cho con luôn đòi hỏi Ngài phải tìm những cái tốt nhất ! Khi còn nhỏ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của ba mẹ, tại sao bây giờ chúng ta không nhìn thấy nỗi bất lực của mình để đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa yêu thương ?

Lang thang các ngóc ngách Tin Mừng và suy tư vài khía cạnh cuộc sống, tôi nghiệm ra cái phức tạp, khởi điểm từ tội nguyên tổ. Thôi thì kịp ngắm nghía mọi chuyện để chấp nhận câu chuyện cứu độ của Đức Giêsu. Nếu không, tôi thấy cuộc sống đã đủ cho mình, chẳng cần chữa lành phần hồn, chẳng thèm tha thứ tội lỗi,... Ngắt một lời, tôi nhìn lên thánh giá và “hết hồn” thấy Ngài gật đầu với những thoáng đọng tâm trí tôi. Cầu chúc tất cả có một dịp “chỉ biết câm nín” khoanh tay đứng nhìn Thiên Chúa tác động cách khó hiểu trên chính dòng sống đời mình. Cũng nên nhắc khéo: bạn không đứng nhìn một mình đâu ! Bạn có Hội Thánh, trong đó có cha sở, cha phó, bạn bè thân hữu, dĩ nhiên có cả tôi cùng song hành ; ít là trong lời cầu nguyện, trong Thánh Lễ hằng ngày. Amen.
FLJ
sonthofm@gmail.com