PDA

View Full Version : Người Thợ Mộc Thành Na-da-rét



hungdung
30-08-2008, 01:08 PM
Người Thợ Mộc Thành Na-da-rét



https://thanhcavietnam.info/file/storage/719nguoi-tho-moc-thanh-nadaret.jpg


Ðây là một truyện dài của tác giả Giu-se, ông cảm hứng từ Kinh Thánh pha lẫn một chút hư cấu thời hiện đại để viết tác phẩm này. Xin chân thành cám ơn tác giả Giu-se.

Người thợ mộc Thành Na-da-rét kỳ 1

– Này, hôm nay làm gì mà quên cả thời gian vậy? Coi chừng phạm luật ngày hưu lễ đấy nhé!
Giu-se ngưng tay đục nhìn ra đường thì thấy Xi-mong đang đẩy cổng bước vào sân. Giu- se coi Xi-mong không chỉ là một người bạn thân mà còn coi như một người anh em ruột thịt. Tuy đã sống tại Na-da-rét miền Ga-li-lê gần chục năm rồi và đã được người trong thành kính nể vì tính tình hiền lành, khiêm tốn, ít nói nhưng nghiêm túc, lại có tay nghề vững, xưởng mộc của chàng gần như không bao giờ thiếu đơn đặt hàng, nhưng Giu-se vẫn không quên được gốc gác của mình là một kẻ nhập cư, đơn độc giữa những người xa lạ và sự thân mật gắn bó của chàng chỉ dừng lại nơi một mình Xi-mong.
Xi-mong là người đầu tiên nói chuyện với Giu-se khi chàng mới chân ướt chân ráo mang đồ nghề tới Na-da-rét tìm đường sinh sống. Và cũng chính Xi-mong giới thiệu cho Giu-se thuê căn nhà bỏ hoang của một người bà con, căn nhà nay đã trở thành tài sản của Giu-se sau khi được chàng mua lại với số tiền kiếm được bằng nghề thợ mộc. Giu-se đã biến một nơi hoang tàn nhếch nhác thành một ngôi nhà xinh xắn khiến ai nhìn thấy cũng phải khen, khen căn nhà và khen luôn người chủ trẻ thế mà thật khéo tay.
– Chào anh Xi-mong, Giu-se trả lời. Anh đến thật đúng lúc. Tôi đang cố làm gấp cho xong cái khạp đựng gạo của bà Yu-tha, kịp ngày mai mang giao cho bà ấy. Tôi đã giam nó gần tháng nay rồi. Mãi làm nên quên mất hôm nay đã là thứ Sáu. Cảm ơn anh nhé.
Xi-mong đập mạnh một cái vào vai Giu-se rồi vừa cười vừa nói:
– Tớ biết tỏng vì sao cậu làm việc quên cả ngày tháng rồi.
– Này, đừng có đoán mò nhé!
– Mò cái gì, chẳng phải cậu sắp tổ chức lễ đính hôn với con gái ông bà Gioa-kim đó sao? Cậu tệ lắm, với mình mà cũng bí mật vậy à?
– Ờ, ờ...
– Thấy chưa!
Rồi đổi giọng, Xi-mong kéo tay Giu-se:
– Cậu nghỉ đi rồi vào trong nhà tớ nói chuyện này.
Ánh nắng chiều đang tắt dần, báo hiệu một ngày mới, ngày Xa-bát sắp bắt đầu. Giu-se vội thu dọn đồ đạc, đóng cửa xưởng mộc rồi mời Xi-mong vào nhà.
Biết tính bạn mình ít nói, Xi-mong không chờ Giu-se hỏi đã vội cất tiếng khi mới ngồi xuống ghế:
– Cậu nên cẩn thận trong những ngày này. Tới biết cậu là người ngoan đạo nên không cần khuyên cậu cầu nguyện, nhưng nếu cậu gia tăng cầu nguyện thì...
Sốt ruột vì sự lấp lửng của Xi-mong, Giu-se liền nói:
– Có chuyện gì anh nói ngay đi, sao hôm nay dài dòng thế?
Xi-mong chống hai cùi chỏ xuống bàn, cúi mặt về phía Giu-se và hỏi nhỏ:
– Cậu quen anh em nhà Pê-rét không?
– Tôi có biết họ, nhưng quen thân thì không. Có chuyện gì thế?
Giu-se lặp lại câu hỏi vì thấy Xi-mong vẫn chưa chịu nói ngay điều chàng muốn biết.
Xi-mong nhìn thẳng vào mặt Giu-se một hồi rồi mới trả lời:
– Bọn chúng đang cấu kết với mấy tên nữa để làm hại cậu đấy. Tối hôm qua tình cờ đi ngang hội đường, tớ thấy một đám khoảng năm, sáu tên đang to nhỏ với nhau chuyện gì đó. Lúc ấy trời đã tối, bọn chúng không thấy có người đang đi tới nên cứ tiếp tục nói chuyện. Tớ đi chậm lại và nhận ra tiếng thằng Pê-rét. Nó nói rằng: “Tao đã dò hỏi và biết chắc trong một tuần nữa thằng Giu-se thợ mộc sẽ mang lễ vật đến nhà ông bà Gioa-kim để làm lễ đính hôn với con gái của họ. Bố mẹ Ma-ri-a đã chấm nó, một tên thợ mộc mồ côi, lại là di dân, và đã từ chối lời cầu hôn của nhiều đám khác, trong đó có tao. Tụi bây là bạn tao, hãy giúp tao cho thằng ấy một bài học...”
Xi-mong nói tiếp:
– Không dám dừng lại để nghe tiếp chúng nó nói gì thêm vì sợ bị lộ, tớ đành phải đi xa. Nhưng chừng ấy điều nghe được cũng đủ để cậu phải đề phòng. Ai chẳng biết anh em nhà Pê-rét là những tên ngang ngược, chúng đã nói là chúng làm thôi.
Dưới ánh đèn dầu mới được đốt lên, nét mặt của Giu-se không có gì thay đổi khiến Xi- mong ngạc nhiên. Đã vậy Giu-se còn ngây thơ hỏi:
– Nhưng mà tại sao?
Xi-mong nổi cáu:
– Trời đất ạ! Có vậy mà cậu cũng không hiểu sao? Ma-ri-a là hoa khôi của Na-da-rét, tớ còn dám nói là của cả miền Ga-li-lê này nữa kia. Nàng không những đẹp mà còn đoan trang đức hạnh gấp trăm lần các cô gái khác cùng trang lứa. Cậu chẳng say đắm nàng là gì? Má có thằng con trai nào, kể cả tớ, lại không ao ước được kết duyên cùng nàng... Thế mà nàng sắp là của cậu! Tớ ghen với cậu đấy, cậu biết không? Nếu không phải là bạn thân của cậu thì tớ cũng dám làm điều thằng Pê-rét đang âm mưu lắm. Tớ hỏi thật cậu nhé, cậu làm gì để không những chiếm được cảm tình của ông bà Gioa-kim mà còn lọt được vào mắt xanh của Ma-ri-a nữa vậy?
Giu-se lúng túng chưa biết trả lời như thế nào thì Xi-mong đã nói tiếp:
– Cậu chẳng cần trả lời. Tớ biết rồi. Ông bà cụ chỉ có mỗi mụn con là Ma-ri-a, nên muốn gả nàng cho cậu, một người không cha không mẹ, lại ngoan đạo và có nghề nghiệp hẳn hoi, như vậy cậu sẽ vừa là con rể vừa là con trai của ông bà cụ. Còn Ma-ri-a, tớ nghĩ rằng nàng là đứa con gái hiếu thảo nên cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó thôi. Cậu xem tớ phân tích như vậy có đúng không?
Giu-se bây giờ mới lên tiếng:
– Thật tình tôi cũng chẳng hiểu sao mình được diễm phúc đó. Thấy mình cù bơ cù bất, không cha không mẹ, không họ hàng bà con, lại là người nhập cư tại đây, tôi có ngờ đâu ông bà cụ lại đoái thương đến mình như thế. Còn đối với Ma-ri-a, từ lâu tôi đã để ý đến nàng, nhưng mà tôi không bao giờ dám hy vọng có ngày nàng cũng lại để ý đến mình. Không phải là nàng kiêu kỳ hay phách lối, những từ ngữ này có lẽ chẳng đời nào đụng đến nhân cách của nàng, nhưng, chắc anh cũng nhận thấy, vì chính anh mới nói là anh cũng thầm yêu nàng nữa mà, từ nơi con người nàng toát ra một cái gì đó thánh thiện, trong trắng khiến người ta chỉ biết kính trọng và chiêm ngưỡng chứ không dám ước mơ điều gì trần tục. Tôi chẳng biết sức mạnh nào đã khiến tôi có can đảm mang lễ vật đến nhà nàng để cầu hôn ngoài sức mạnh của lời cầu nguyện, vì trước khi quyết định làm việc đó tôi đã ăn chay và cầu nguyện suốt một tuần...
Giu-se như đang ngây ngất trong niềm vui sướng của mình, chợt thấy ánh mắt chăm chú của Xi-mong nhìn chàng một cách lạ lùng thì ngừng ngay, không dám nói tiếp nữa.
Xi-mong vẫn cứ nhìn thẳng vào mặt Giu-se và cũng giữ im lặng. Một hồi lâu, Giu-se lên tiếng, ấp úng như người có lỗi:
– Anh Xi-mong này, anh làm sao vậy? Có điều gì làm anh phật ý chăng?
Bấy giờ Xi-mong mới giật mình và nói như để chữa thẹn:
–Mình xin lỗi. Chẳng giấu gì cậu, như tớ đã nói, tớ ghen với cậu đấy... Biết bao lần tớ đã mơ ước được cùng Ma-ri-a trở thành vợ chồng. Nhưng cũng như cậu, tớ thấy Ma-ri-a sao mà cao sang thánh thiện quá... Tớ cảm thấy mình thấp hèn, không xứng với nàng. Do đó tớ đã không có can đảm làm điều cậu đã làm. Phải chăng vì tớ đã không biết ăn chay cầu nguyện như cậu... Nhưng thôi, mọi sự đã được an bài. Nếu Gia-vê Thiên Chúa đã muốn như thế thì tớ chỉ còn biết chúc mừng cậu và sẵn sàng làm những gì cậu thấy cần có sự tiếp tay của tớ, kể cả cái việc bảo vệ cậu khỏi âm mưu hãm hại của anh em nhà Pê-rét.



(còn tiếp)

hoathuytinh
14-09-2008, 08:11 PM
Kỳ : 2

Bài thánh vịnh kết thúc buổi cầu nguyện ngày hưu lễ vừa chấm dứt, Xi-mong ngạc nhiên thấy Giu-se vội vã rời hội đường. Anh liền đi theo, nhưng mới ra tới cửa, anh đã thấy Giu-se đi như chạy, mãi tít đằng xa. Xi-mong bước nhanh theo nhưng phải mất cả đỗi anh mới bắt kịp Giu-se. Rồi vừa thở, anh vừa hỏi:
– Có chuyện gì mà cậu bỏ đi như chạy trốn vậy?
Giu-se tiếp tục bước đi như không nghe tiếng Xi-mong nói. Bực mình, Xi-mong níu vai bắt Giu-se đứng lại và nói:
– Này, cậu có nghe tớ hỏi không đấy? Cậu đã đánh mất tính lịch thiệp sẵn có của cậu từ lúc nào vậy?
Giu-se vẫn im lặng và Xi-mong thấy một thoáng buồn lướt qua trong đôi mắt của chàng. Như nghĩ rằng không thể tiếp tục làm thinh, Giu-se chậm rãi nói:
– Hôm nay là ngày nghỉ việc, mời anh về nhà chơi. Chúng ta sẽ nói chuyện.
Và như sực nhớ gần hai tuần nay không gặp Xi-mong, Giu-se hỏi:
– Còn anh, hình như mấy ngày rồi anh đi đâu vậy?
Xi-mong đáp:
– Vâng, tớ mới về lại Na-da-rét tối hôm qua. Bố mẹ tớ sai tớ đi Giáp-pha đòi mấy món nợ đã từ lâu người ta không trả. Tớ tưởng chỉ vắng nhà vài hôm nên chẳng cần báo cho cậu biết, không ngờ mất gần nửa tháng mới lo xong chuyện.
Đến nơi, Giu-se mở cổng rồi mở cửa vào nhà không nói năng gì và như quên mất có Xi-mong đang đi bên cạnh.
Biết tính Giu-se ít nói nhưng Xi-mong không khỏi cảm thấy bực bội trước sự im lặng khó hiểu của chàng. Anh bèn lên tiếng trước:
– Tớ hết chịu nổi rồi đấy nhé! Cậu có chịu mở miệng không đây?
Giu-se mỉm cười trước vẻ nghiêm nghị hơi bất thường của Xi-mong:
– Thì tôi đã chẳng nói là mời anh về nhà nói chuyện đó sao? Nhưng có gì mà anh sốt ruột dữ vậy, anh phải đi đâu à?
– Không đi đâu cả, hôm nay là ngày Hưu lễ mà. Nhưng mà tớ không chịu được khi thấy cậu có cái gì đó giấu tớ, mà cái gì đó hình như làm cậu không vui. Tớ còn nhớ là hôm lễ đính hôn, mọi người đã thấy cậu hạnh phúc biết chừng nào. Và điều làm cho tớ vui hơn cả là anh em nhà Pê-rét đã không thực hiện lời hăm dọa của chúng.
Giu-se cúi đầu ngồi nghe Xi-mong nói. Xi-mong ngừng lại và như cảm được cái nhìn của anh xoáy vào đầu mình, Giu-se liền ngẩng đầu lên và chậm rãi nói:
– Đúng là mọi sự đã diễn ra rất tốt đẹp. Tôi đã được Gia-vê đoái thương một cách đặc biệt, và tình thương của Ngài như đã lan đến mọi người khiến ai nấy đều tỏ ra yêu mến tôi, kể cả anh em nhà Pê-rét. Anh có biết không, tôi thật sự rất cảm động khi gặp tôi ngoài đường họ đã nắm lấy tay tôi để chúc mừng tôi, như thể điều anh tiết lộ với tôi trước đây chỉ là chuyện bịa đặt. Xin lỗi anh nhé.
Ngừng một lát, và thấy Xi-mong chẳng nói gì, Giu-se tiếp tục:
– Anh cũng biết phong tục của chúng ta, sau khi đính hôn, hai người nam nữ đã trở thành vợ chồng (1) nhưng còn phải tổ chức lễ rước dâu thì người chồng mới được phép đưa vợ về nhà mình. Được sự đồng ý của ông bà Gioa-kim, tôi dự định sẽ đón Ma-ri-a về nhà sau đại lễ Vượt Qua năm nay... Nhưng không hiểu tại sao, Ma-ri-a đã bỏ nhà đi mà chẳng cho tôi hay biết gì cả. Đến nay nữa là đúng mười hôm.
Thấy câu chuyện bắt đầu có vẻ hấp dẫn, mà Giu-se thì chẳng tỏ vẻ ra tích cực chút nào, Xi-mong vội lên tiếng:
– Thế cậu đã gặp ông bà cụ để hỏi cho biết nàng đi đâu chưa?
– Sao lại chưa, mà vì biết được nàng đi đâu nên tôi càng lo.
– Nàng đi đâu?
– Nàng đi Ain-Karim. Anh biết ở đâu chớ?
Xi-mong suy nghĩ một lúc nhưng không tìm ra.
– Tớ chịu. Có xa lắm không?
– Tận miền Nam. Cách Giê-ru-xa-lem trên bốn mươi dặm về phía tây, nghĩa là trên sáu trăm dặm từ đây đến đó (2).
Nói xong, Giu-se thở dài còn Xi-mong thì nhăn trán suy nghĩ. Lát sau anh nói:
– Thế các cụ không cho biết nàng để đó làm gì sao?
– Các cụ bảo ai đó báo tin một người chị họ già tưởng suốt đời phải chịu cảnh son sẻ, nay được Gia-về đoái thương cho có thai. Các cụ nói bà ấy đã mang thai được sáu tháng. Xót cảnh hai ông bà đơn độc sắp phải lo việc sinh đẻ và nuôi nấng con thơ, Ma-ri-a xin phép bố mẹ cho đi giúp đỡ họ...
Xi-mong ngắt lời Giu-se:
– Cậu nói ai đó báo tin cho Ma-ri-a là ai chứ? Làm sao mà có người từ mãi miền Nam xa xôi lên báo tin... mà lại để tới nay mới báo? Các cụ không nói rõ thêm gì sao?
– Thật ra các cụ đã làm mình hết sức ngạc nhiên vì họ bảo họ cũng chỉ nghe Ma-ri-a nói thế chứ họ đã không có người khách nào đến thăm trong những ngày ấy. Còn Ma-ri-a thì cũng chẳng gặp ai bởi vì trong thời gian đó nàng đã không hề bước chân ra khỏi nhà...
Xi-mong tỏ ra sốt ruột nên lại ngắt lời Giu-se lần nữa:
– Nếu vậy, tại sao các cụ lại tin lời Ma-ri-a và để cho nàng đi?
– Cái đó thì tôi không biết. Nhưng anh nên nhớ Ma-ri-a không phải như người khác. Sự nghiêm túc và lòng đạo đức của nàng đủ để bảo đảm cho điều nàng nói. Hơn nữa, nàng đã không đi một mình mà nghe các cụ nói là may mắn lúc ấy có mấy người muốn về Giê-ru-xa-lem sớm để đợi ngày mừng lễ Vượt Qua nên nàng đã nhập đoàn với họ.
– Ra vậy! Nhưng tớ vẫn thắc mắc về người đưa tin. Bởi theo cậu nói thì chẳng có ai đưa tin cả, vậy mà Ma-ri-a đã biết được tin vui của người chị họ.
– Tôi cũng rất thắc mắc như anh và có lúc tôi đã nghi ngờ ông bà Gioa-kim đang giấu tôi điều gì đó. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới, tôi thấy sự nghi ngờ của tôi là vô lý vì các cụ đã tỏ ra rất chân thành khi nói chuyện với tôi. Các cụ khuyên tôi cứ tin tưởng vào Gia-vê Thiên Chúa.
Ngừng một lát, Giu-se hỏi Xi-mong:
– Anh xem tôi phải làm gì bây giờ? Có nên đi tìm Ma-ri-a không?
– Cậu bảo là nàng đã đi được mười hôm phải không?
– Vâng, đó là theo lời các cụ nói.
– Nếu vậy thì hẵng còn sớm. Thử đợi thêm ít lâu xem nàng có thư từ gì về không đã. Còn cậu thì nên nghe lời các cụ mà tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa. Việc đi đối với cậu thì dễ quá mà! Có điều, cậu đừng làm cái mặt khó ưa đó nữa. Có nhớ vợ lắm cũng hãy bình tĩnh và tiếp tục làm việc, sửa sang dọn dẹp nhà cửa để mà đón nàng về, chấm dứt cái cảnh đơn độc của cậu đi...

(1) Chú thích của các dịch giả (Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ) cuốn Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước xuất bản năm 1998, trang 2384.
(2) Dặm ở đây không phải là mile (tiếng Anh) hay mille (tiếng Pháp) tương đương 1.600 mét, nhưng là stadium (tiếng Anh) hay stade (tiếng Pháp) và tương đương 182 mét; như vậy trên 40 dặm nghĩa là khoảng 8 km và 600 dặm là khoảng 110 km.

hungdung
14-09-2008, 09:26 PM
Kỳ 3

Lần thứ hai Xi-mong đến đứng trước cổng nhà của Giu-se. Nhưng cũng như lần trước, tiếng gọi của anh vang lên một cách vô vọng. Anh định leo cổng vào nhưng rồi nghĩ sao lại thôi. Vì công việc làm ăn của bố mẹ, nhiều lần anh phải đi xa Na-da-rét, khi năm ba ngày, khi nửa tháng hoặc lâu hơn.
... Chiều hôm trước anh trở về sau một chuyến đi gần mười ngày, anh tới nhà Giu-se và ngạc nhiên vì thấy mọi cửa nẻo đều đóng kín, xưởng mộc trông như không hoạt động lâu ngày, xơ các, lạnh lẽo. Sau năm lần bảy lượt réo gọi tên Giu-se, anh bỏ về lòng đầy thắc mắc, không hiểu Giu-se có thể đã đi đâu trong lúc anh vắng mặt. Anh đến gặp ông bà Gioa-kim vì nghĩ rằng Giu-se đang ở đó hoặc có thể họ sẽ cho anh biết Giu-se đi đâu. Nhưng sự ngạc nhiên của ông bà Gioa-kim khi nghe anh kể về Giu-se khiến anh càng lo sợ hơn. Thấy Ma-ri-a đã về và đang đứng sau lưng bố mẹ, anh liền hỏi:
– Ma-ri-a về bao giờ thế? Chẳng lẽ em cũng không biết Giu-se đi đâu sao?
Ma-ri-a buồn bã trả lời:
– Dạ không ạ. Em cũng hơi lấy làm lạ vì khi hay tin em về lại Na-da-rét, anh ấy chỉ đến đây có một lần rồi thôi...
– Bao lâu rồi?
– Dạ hôm nay nữa là đúng một tuần.
– Thế em không thắc mắc tại sao anh ấy biến mất như vậy à?
Ma-ri-a cúi mặt không trả lời. Xi-mong định hỏi thêm một câu nhưng mắt anh như thoáng thấy một cái gì khang khác nơi Ma-ri-a nên anh thôi không hỏi nữa. Anh cúi chào ông bà Gioa-kim và Ma-ri-a rồi ra về. Cả đêm, nhiều lần anh thức giấc, nằm trằn trọc nghĩ về sự vắng mặt bất thường của Giu-se. Anh nhớ lại nỗi lo lắng của Giu-se khi Ma-ri-a thình lình rời Na-da-rét đi Ain-Karim. Giu-se đã sống những ngày khắc khoải chờ đợi, và chỉ tích cực làm việc trở lại khi được Ma-ri-a nhắn tin về thăm và báo sẽ trở về Na-da- rét sau khi người chị họ Ê-li-da-bét sinh con, nghĩa là trong khoảng ba tháng nữa. Vậy mà bây giờ khi Ma-ri-a đã về nhà, chấm dứt những ngày chờ đợi của anh, thì, theo lời Ma-ri-a, anh chẳng lui tới nhà nàng mà lại biến mất một cách khó hiểu.
... Xi-mong do dự một hồi rồi định bỏ đi thì tai anh hình như bắt được một tiếng động rất nhỏ từ trong nhà phát ra. Tuy nghĩ rằng có thể mình tưởng tượng ra tiếng động đó, nhưng Xi-mong cũng dừng lại nghe ngóng. Rồi không hiểu do động lực nào thúc đẩy, anh cất tiếng nói lớn:
– Tớ biết cậu đang ở trong đó, Giu-se ạ. Mau mở cửa cho mình vào. Rồi có chuyện gì thì anh em cùng bàn với nhau để tìm cách giải quyết.
Xi-mong giật mình, không hiểu do đâu anh lại nói những lời như thế. Và thật lạ lùng! Ngay lúc đó, anh thấy một cánh cửa sổ được mở ra, sau đó là cửa ra vào rồi trước mắt anh một người lạ mặt xuất hiện. Xi- mong mở to mắt nhìn người lạ, mà hình như không phải lạ hoàn toàn. Mái tóc, dáng người... thì chính là của Giu-se bạn anh, nhưng khuôn mặt thì hoàn toàn khác: đôi mắt lõm sâu vào, hai má và cằm thì đầy râu. Người lạ bước tới mở cổng cho Xi-mong. Ngay lúc ấy anh la lên vì anh nhận ra Giu-se qua bộ điệu của chàng.
– Trời ơi! Cậu đó sao Giu-se?
Giu-se cười đáp lại:
– Thì tôi đây chứ còn ai nữa! À, chắc là bộ râu của tôi làm cho anh ngỡ là ai khác chứ gì?
Xi-mong chưa hết ngạc nhiên nên nói:
– Không phải do bộ râu mà thôi, đôi mắt của cậu cũng lạ lắm. Chẳng lẽ cậu đã phải thức nhiều đêm lắm sao?
Giu-se không trả lời câu hỏi của Xi-mong nhưng chỉ tay mời anh vào nhà. Chàng nói:
– Câu chuyện dài lắm. Mời anh vào nhà đã rồi ta sẽ nói chuyện. À, mà anh đến tìm tôi sớm thế này chắc là chưa ăn sáng.

Sau khi đã điểm tâm qua loa vì cả hai người đều có vẻ chẳng muốn làm gì khác ngoài việc chia xẻ cho nhau những gì họ đang suy nghĩ. Giu-se lên tiếng trước:
– Ngày hôm qua, tôi nghe tiếng anh gọi và rất muốn mở cửa mời anh vào. Nhưng...
Xi-mong sốt ruột:
– Nhưng tại sao cậu không trả lời tớ? Cậu có biết tớ đã phải...
Giu-se ngắt lời:
– Vâng, tôi biết. Nhưng mà xin anh tha lỗi, vì tôi có lời nguyền với Gia-vê Thiên Chúa là sẽ không ăn uống, không ngủ nghỉ, không tiếp xúc với ai trước khi được biết ý định của Người.
– Vậy là bây giờ cậu đã biết rồi?
– Vâng.
Tiếng “vâng” chắc nịch của Giu-se làm Xi-mong chưng hửng. Anh mở to mắt nhìn Giu-se và thấy như có những tia sáng chiếu ra từ đôi mắt chàng mặc dầu đôi mắt đó vẫn còn sâu hoắm vì những đêm không ngủ và những ngày chay tịnh. Thấy vậy, Giu-se biết rằng Xi-mong không thể hiểu được câu chuyện của chàng nếu không được chàng thuật lại chi tiết. Chàng nói:
– Như tôi đã nói với anh lúc còn ở ngoài cổng là câu chuyện dài lắm. Vậy bây giờ xin anh chú ý nghe tôi kể.
Và Giu-se bắt đầu kể cho Xi-mong câu chuyện kỳ lạ của đời mình. Nhưng trước đó, Giu-se yêu cầu Xi-mong phải thề với chàng là tuyệt đối giữ bí mật và chỉ tiết lộ cho người thứ ba nào đó sau khi chàng chết. Tuy không biết Giu-se có bí mật gì cần phải giữ kín, nhưng nhìn vẻ nghiêm trang của chàng và sau những gì chàng đã trải qua, Xi-mong hiểu rằng Giu-se không đùa – thật ra Giu-se không phải là người thích đùa – nên anh nắm chặt tay Giu-se và thề sẽ không bao giờ tiết lộ cho bất kỳ ai những gì anh sắp được Giu-se tiết lộ, ít nhất cho đến sau khi Giu-se qua đời. Xi-mong nói như một cái máy chứ thật tình anh không ý thức lắm điều mình nói. Trong khi Giu-se cũng nắm tay anh nhưng không nhìn anh, mà lại nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Và trong tư thế đó, Giu-se bắt đầu kể. Xi-mong cảm thấy có một cái gì đó vừa linh thiêng vừa kinh dị khiến anh lo sợ, nhưng như một người bị thôi miên, anh cứ để mặc cho Giu- se nắm tay mình và chăm chú nghe. Anh bắt đầu nghĩ đến một điều gì rất quan trọng sắp xảy đến...
Và Giu-se nói, giọng anh trầm hẳn xuống và gần như khác với giọng anh thường nói trước đây:
– Anh Xi-mong, chắc anh nhớ có một câu trong sách tiên tri I-sai-a, một câu sấm mà đến nay các kinh sư của chúng ta thường né tránh, không chịu giải thích mỗi khi gặp đến. Câu ấy như sau: “Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en” (1) (http://mail.yahoo.com/config/login?/file:///E:/My%20Webs/Vui%20Mung%20Hy%20Vong/Van%20hoa%20xa%20hoi/Truyen%20nhieu%20ky/Nguoi%20tho%20moc%20thanh%20Nadaret%203.htm#1). Có bao giờ anh thắc mắc về câu sấm ngôn đó không? Việc một phụ nữ mang thai và sinh hạ một con trai thì đâu có gì khác thường. Nhưng đây là một trinh nữ và người con nàng sinh ra sẽ được gọi là Em-ma-nu-en, tiếng này thì ta biết có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Xi-mong chăm chú nhìn kỹ Giu-se và tự hỏi không biết chàng có mất trí không bởi vì những gì Giu-se vừa mới nói có gì ăn nhập với tình huống họ đang sống đâu! Nhưng anh cố gắng bình tĩnh lắng nghe Giu-se để xem câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào.
– Và, anh biết không? Tôi đã gặp người trinh nữa ấy. Nàng không là ai khác mà chính là Ma-ri-a, vợ tôi. Vâng chính nàng!
Đến đây, Giu-se buông tay Xi-mong ra rồi bước tới đứng ngay giữa nhà, hai tay đưa lên cao và nói lớn:
– Ôi, lạy Gia-vê Thiên Chúa, nếu Ngài không can thiệp kịp thì con đã hại nàng rồi. Nhưng con biết Ngài luôn bênh vực những kẻ tin cậy cầu khẩn Ngài.
Xi-mong cảm thấy như Giu-se quên sự hiện diện của mình. Anh muốn lên tiếng nhưng lại không dám làm gián đoạn phút xuất thần của Giu-se. Anh ngồi xuống ghế và lắng tai nghe tiếp. Bây giờ Giu-se lại nói với Xi-mong nhưng mắt anh vẫn không rời trần nhà:
– Chắc anh đã gặp Ma-ri-a và hỏi tin tức về tôi. Tôi đoán thế vì hôm qua sau khi nghe anh gọi ở cổng rồi bỏ đi, tôi nghi thế nào anh cũng đến nhà nàng. Anh có thấy điều gì khác thường nơi nàng không?
Xi-mong như tỉnh ra vì thấy rõ ràng Giu-se chẳng những không mất trí mà còn rất minh mẫn nữa. Anh vui vẻ đáp:
– Đúng, tớ đã đến nhà nàng và gặp các cụ. Và tớ ân hận vì đã làm thế, vì nếu không, tớ đã không phải trải qua một đêm mất ngủ như vừa rồi. Còn Ma-ri-a thì tớ cũng đã gặp và hỏi nàng về cậu. Tuy lúc ấy nàng đứng hơi khuất sau lưng bà An-na, nhưng tớ có cảm tưởng như nàng đã có mang... Tớ thật sự không hiểu gì cả và suốt đêm qua tớ đã thao thức không ngủ được vì mãi tìm cách ráp nối các sự kiện: việc cậu chỉ đến thăm nàng có một lần từ khi nàng trở lại Na-da-rét, việc cậu mất tích một cách kỳ lạ suốt cả tuần nay, rồi cái thai nàng đang mang và xa hơn nữa là sự ra đi đột ngột của nàng sau lễ đính hôn của các cậu...
Xi-mong nói một mạch như sợ bị Giu-se ngắt lời.
– Bây giờ cậu có chịu ngồi xuống và giải thích cho mình rõ đầu đuôi câu chuyện không nào?
– Xin anh đừng nóng – Giu-se chậm rãi nói trong khi ngồi xuống ghế đối diện với Xi-mong. Vì anh đã biết là Ma-ri-a đang mang thai nên tôi chẳng có gì phải giấu anh về chuyện này. Chắc anh đang thắc mắc lắm mà không dám hỏi là tại sao nàng lại có mang nhanh như thế. Có đúng vậy không?
– Vâng, thật sự là nếu cậu không nói ra thì tớ không bao giờ dám đặt câu hỏi đó. Tớ biết là hai cậu chưa về chung sống với nhau, còn Ma-ri-a thì lại đi Ain-Karim và ở mãi đó tới hơn ba tháng trong khi cái thai nàng đang mang, theo sự đoán mò của tớ thì cũng phải được chừng ấy thời gian.
– Đúng là nặng đã có mang được hơn ba tháng. Nhưng chắc anh không thể nào tưởng tượng nổi nỗi khổ đau của tôi, nỗi khổ đau làm tan biến ngay lập tức niềm vui được gặp lại nàng sau những ngày xa cách. Tôi đến thăm nàng ngay sau khi được tin là nàng đã trở về. Tôi gặp ông bà Gioa-kim trước và hai cụ vui vẻ kể về câu chuyện ra đời của Gioan, con trai của bà chị họ Ê-li-da-bét ở Ain-Karim. Bà chị họ nay đã suýt soát tám mươi còn ông chồng tên là Da-ca-ri-a thì ngoại bát tuần. Ai nấy cứ tưởng là hai ông bà sẽ ra đi về chầu tổ tiên mà chẳng để lại con cái gì. Nhưng sự đau buồn và tủi nhục của hai ông bà đã được Gia-vê Thiên Chúa cất đi một cách lạ lùng. Nhưng thôi để dịp khác tôi sẽ kể nốt chuyện này. Còn bây giờ tôi xin trở lại với việc Ma-ri-a mang thai vì hình như anh đang chờ có mỗi điều đó.
Xi-mong không tin vào tai, vào mắt của mình nữa khi nghe Giu-se nói với một giọng vui vẻ và khi thấy khuôn mặt anh, ngoại trừ bộ râu, đã trở lại với sắc diện lúc trước. Anh nói:
– Tớ có thể ngồi đây suốt ngày để nghe cậu kể. Cho nên cậu muốn nói cái gì trước cái gì sau cũng được vì tất cả những gì cậu kể đều mới lạ và hấp dẫn đối với tớ. Vậy cậu cứ nói tiếp đi...

(Còn tiếp)