PDA

View Full Version : Thánh Kinh Nhập Môn



Bảo_†_Lâm
06-02-2012, 12:43 PM
Xin gửi đến quý bạn đọc TCVN, cách riêng đến quý anh chị em Gíao Lý Viên những tổng hợp ngắn gọn về các sách Thánh Kinh, để quý anh chị em làm tài liệu tham khảo trong việc truyền đạt kiến thức cơ bản cho con em mình.

Bảo Lâm sẽ lần lượt post lên mỗi ngày một cuốn sách, bắt đầu bằng phần các sách lịch sử (Bộ Ngũ Kinh có nhiều tài liệu tham khảo hơn sẽ post lên sau):


DẪN NHẬP CHUNG
VỀ CÁC SÁCH LỊCH SỬ

Theo cách chia bộ Thánh Kinh thường thấy nơi các nhà chú giải, thì Cựu Ước hay Tân Ước đều được phân thành 3 cột:
- Các sách lịch sử.
- Các sách tiên tri.
- Các sách giáo huấn.
Theo cách chia này, thì bộ Ngũ Kinh cũng được xếp trong cột các sách lịch sử, có 21 cuốn: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật, Giôsuê, Thủ Lãnh, Rút, 1&2 Samuel, 1&2 Vua, 1&2 Sử Biên Niên, Ét-ra, Nơkhemia, Tôbia, Giútđita, Ét-te, 1&2 Macabê.
Bộ Ngũ Kinh đã được tìm hiểu trong quyển I, chúng ta tiếp tục với các sách lịch sử còn lại.
Tuy gọi là "lịch sử", nhưng không phải theo nghĩa chúng ta quen hiểu. Đây là một nỗ lực đọc lại lịch sử Ít-ra-en dưới ánh sáng Giao Ước. Từ khi vào Đất Hứa cho đến khi cả hai vương quốc bị lưu đày. Những thăng trầm đều là hậu quả của việc trung thành hay phản bội đối với Giao Ước của Thiên Chúa (x. Tl 2,11-19).
Khác với quan niệm “lịch sử” Âu Tây và cả chúng ta ngày nay, là muốn quá khứ phải trình bày theo thứ tự thời gian diễn ra các biến cố và cần mức độ chính xác nhất, rồi các trình thuật phải được xếp theo mức thang giá trị từ quan trọng đến phụ thuộc… Thì đối với các ký lục thời xưa “lịch sử” lại bao gồm tất cả mọi thể loại: thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết, sử biên niên, giai thoại, tục ngữ ca dao, truyền thống dân gian, kỷ niệm gia đình… Các thể loại khác nhau này được trình bày nguyên dạng, mộc mạc, được xếp lại với nhau, đặt các biến cố hay sự kiện bên cạnh nhau cách vô tư, trong đó mối bận tâm về giáo lý đôi khi chi phối tính khách quan của thuật truyện.
Trong qui điển Thánh kinh Hipri, các sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel, và Các Vua được đặt trong phần “Các tiên tri” và được gọi là các tiên tri “tiền” đối chiếu với các tiên tri “hậu” (Isaia, Giêrêmaia, Êzêkiel và mười hai tiên tri nhỏ). Gọi là các sách tiên tri vì có truyền thống cho rằng các sách này do chính các tiên tri biên soạn: Giôsuê, Samuel, sách Thủ Lãnh và sách Samuel; Giêrêmia, sách Các Vua. Mặt khác, các sách này cũng trình bày dung mạo của một số tiên tri (Samuel, Gát, Natan, Elia, Elisa, Isaia, Giêrêmaia…) hoạt động giữa dân được chọn. Các ngài nói với dân Lời của Thiên Chúa và đồng thời vạch ra những việc bất trung, thất tín của Israel trong liên lạc với Giavê, Đấng đã lập giao ước với dân.
Nhưng xét về nội dung thì cũng có thể nói được rằng các sách này nối tiếp các sách Ngũ Kinh: nhân vật chính của sách Giôsuê đã xuất hiện trong Ngũ Kinh và được chỉ định nối tiếp sứ mạng của Môsê, trong phần cuối sách Đệ Nhị Luật. Và cho rằng các sách này, cùng với Kinh Đệ Nhị Luật, làm thành một khối diễn lại một giai đoạn lớn của lịch sử tôn giáo của Israel kéo dài tới tận cuối thời các vua: Israel là dân được tuyển chọn và được Thiên Chúa ban cho một lề luật (Đệ Nhị Luật). Dân được tuyển chọn ấy tới định cử tại Đất được hứa ban (Giôsuê). Nhưng cuộc sống của dân được chọn tại đây là một chuỗi những bội giáo rồi trở lại (Thủ Lãnh). Lý tưởng về Thần quyền bị lung lay sau cuộc khủng hoảng đưa tới việc thành lập vương quyền, đã được thực hiện dưới triều đại Đa-vít (Samuel). nhưng sự suy đồi đã khởi đầu từ triều đại Sa-lô-mon và sau một chuỗi những bất trung của dân, Thiên Chúa đã ra án phạt (Các Vua). Sách Đệ Nhị Luật có thể đã được tách ra khỏi khối này khi người ta muốn thu tập tất cả những gì liên quan đến con người và sự nghiệp của Môsê.
Về mặt văn chương người ta cũng nhận thấy có một sự thống nhất nào đó giữa hai khối, tuy rằng khó mà phân biệt các nguồn văn khác nhau trong các sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel và Các Vua như đã làm trong Ngũ Kinh. Ảnh hưởng của tinh thần và đạo lý Đệ Nhị Luật trên các sách này phải nhận là rõ rệt.
Giả thuyết về sự “nhất khối” trên đây có thể chấp nhận được. Nhưng cần phải để ý điểm này là việc soạn thảo trong khuynh hướng Đệ Nhị Luật đã dựa trên các văn kiện, tài liệu khác nhau về thời buổi và tính chất. Do đó có sự kiện này là các sách, hoặc các phần trong một quyển sách vẫn giữ nguyên tính cách cá biệt của nó. Mặt khác việc soạn thảo trong khuynh hướng Đệ Nhị Luật này đã không được thực hiện một lúc và mỗi sách còn mang những dấu chứng của nhiều đợt ấn hành. Nguyên về sách các Vua, – dấu chứng rõ ràng nhất – người ta nhận ra có ít là hai đợt soạn thảo. Một đợt sau cuộc cải cách tôn giáo của Giosigia và một đợt sau cuộc lưu đày.
Trong hình thức cuối cùng, các sách này là một công trình của một trường phái gồm những người có lòng đạo, thấm nhuần tư tưởng Đệ Nhị Luật, đã suy nghĩ về quá khứ của dân và đã rút ra một bài học tôn giáo. Nhưng họ cũng còn giữ lại được những truyền thống, hay những văn bản lên tới thời đánh chiếm Đất Hứa và những trình luật về những biến cố nổi bật của lịch sử Israel. Như thế, lịch sử Israel trong các sách này đã được trình bày như một "lịch sử thánh", một lịch sử nhìn dưới nhãn giới tôn giáo. Và sử gia cũng như các tín hữu vẫn có thể tìm thấy ở đây những giá trị. Người tín hữu sẽ không chỉ nhìn ra bàn tay của Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố, mà còn nhận ra trong chính mối ưu ái kèm theo những đòi hỏi của Thiên Chúa đối với dân Người chọn, một sự chuẩn bị dần dần cho một Israel mới, cộng đồng các tín hữu.
Lịch sử Israel là bài học sống động về ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Với cái nhìn nhân loại, xem ra lịch sử đó thất bại, vì không thực hiện nổi nơi Israel. Tuy nhiên, xuyên qua sự thất bại bên ngoài ấy, chúng ta khám phá ra tính ưu việt của ơn gọi Israel và lòng thương của Thiên Chúa thật lớn lao. Nếu Israel là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô, thì những gì xảy ra cho dân tộc ấy, bảo đảm và tiên báo những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện trong Giáo Hội.

Bảo_†_Lâm
06-02-2012, 12:47 PM
SÁCH GIÔSUÊ.
Giôsuê tiếng Do Thái: ספר יהושע có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” hay “Xin Thiên Chúa cứu.” Sách Giôsuê là cuốn sách thứ sáu trong bộ Thánh Kinh của người Do Thái (Tanakh) và Cựu Ước của Kitô giáo, sách ghi chép về lịch sử của Israel từ sau cái chết của Mô-sê.
Giôsuê là đồ đệ trung thành của Môsê trong suốt cuộc hành trình Xuất Hành. Ông đã giao chiến với quân Amalek trong khi Môsê cầu nguyện trên núi (x. Xh 17,8-13), được cùng Môsê lên núi Sinai lãnh bia Giao Ước và là một trong những thám tử đầu tiên do thám đất Canaan và đứng lên khuyên dân can đảm tiến vào Đất Hứa, rồi được chọn để kế tục sự nghiệp của Môsê lãnh đạo Dân Chúa.
Vào khoảng năm -1200 trước Công nguyên, Giôsuê đưa dân Israel tiến vào Đất Hứa. Sau khi vượt qua sông Giođan và chiếm đất Canaan, họ lấy Gilgal làm bản doanh và Sikem làm nơi thờ phượng. Giôsuê đã triệu tập tất cả các chi tộc Israel tại Sichem và lập thoả thuận với họ.
Dựa vào các truyền thống phía Bắc, trình bày cuộc chiếm lãnh Đất Hứa như một thiên anh hùng ca tiếp nối thiên anh hùng ca của cuộc xuất hành: tất cả các bộ lạc đồng tâm góp sức dưới sự chỉ huy của Giô-suê vượt qua sông Gio-đan như đã vượt qua Biển Đỏ bốn mươi năm trước, rồi chiến thắng dần để chiếm lãnh toàn miền đất Thiên Chúa đã chỉ cho Mô-sê thấy (ch. 1-12). Sau đó là cuộc phân chia đất đai giữa các bộ lạc (ch. 13-21). Và cuối cùng là đại hội toàn dân ở Si-khem. Giô-suê cũng nói những lời cuối cùng theo kiểu Mô-sê khi ở bên kia sông Gio-đan, công bố lại Giao Ước và lập bia chứng ước. Giô-suê là người được Thiên Chúa tuyển chọn để chạy tiếp sức với ông Mô-sê: Mô-sê dẫn dân từ Ai-cập đến bờ sông Gio-đan, Giô-suê dẫn dân vào chiếm lãnh và định cư trên Đất Hứa. Cuốn sách kết thúc với việc hài cốt ông Giu-se được an táng ở Si-khem tại phần đất ông Gia-cóp đã mua. Thế là cuộc hành trình nhiều thế kỷ của nhà Gia_cóp đã khép kín: từ Si-khem xuống Ai-cập nay lại về đến Si-khem. Lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Ápraham về một miền đất và một dòng dõi đông đúc nay đã thành sự.
Sách Giôsuê đã trình bày cuộc đánh chiếm trọn vẹn Đất Hứa như công trình của toàn thể mọi chi tộc hợp lực lại và dưới quyền chỉ huy của Giôsuê, nhưng trình thuật trong sách Thủ Lãnh thì lại khác: trình thuật này cho thấy mỗi chi tộc chiến đấu riêng rẽ để giành phần đất riêng cho mình và thường xuyên bị thất bại. Trình thuật này thuộc truyền thống gốc Giuđa và có nhiều yếu tố của truyền thống này được đưa vào trong phần trình bày khung cảnh địa dư của sách Giôsuê : 13,1-6; 14,6-15; 15,13-19; 17,12-18. Hình ảnh gợi lại một sự chinh phục Đất Hứa một cách riêng rẽ và từng phần một này hợp với thực tế của lịch sử hơn (thực ra , cũng chỉ là phỏng đoán!) Việc định cư tại Miền Nam Palestin đã được thực hiện từ Cađès và Namsa và chính yếu là do bởi các nhóm sẽ chỉ sát nhập vào Giuđa một cách từ từ : nhóm Caleb, nhóm Qênizzi v.v và nhóm Simêon. Việc lập cư ở trung phần Palestin là công trình của các nhóm đã qua sông Giođan dưới quền chỉ huy của Giôsuê gồm các phần tử của các chi tộc Ephraim. Manassê và Benjamin. Trường hợp ở phía Bắc thì lại khác. Việc lập cư ở đây có một lịch riêng. Các chi tộc Zabulon, Issakhar, Asher và Neptali có thể đã lập nghiệp ở đây vào một thời không xác định được và đã không xuống Aicập. Các chi tộc này đã được tiếp xúc với lòng tin vào Giavê của các nhóm do Giôsuê cầm đầu mang đến và tại Sikem, họ đã công khai chấp nhận lòng tin vào Giavê đó. Họ đã làm chủ thực thụ vùng đất của họ sau khi đánh bại người Canaan đã từng ức hiếp hay đe dọa họ. Tại các vùng, các miền khác nhau ấy, việc lập cư đã được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau : bằng quân sự, bằng sự xâm nhập từ từ và trong hòa bình, bằng những giao ước với các dân đã ở sẵn trong miền. Phải coi là có tính cách lịch sử vai trò của Giôsuê trong việc định cư ở trung phần Palestin, từ biến cố qua sông Giođan tới hội nghị tại Sikem. Xét thời buổi của cuộc xuất hành, có thể đề nghị một niên biểu sau: Xâm nhập phía Nam vào khoảng -1250; các nhóm từ bên kia sông Giođan vào đánh chiếm trung phần Palestin, từ năm -1225, và các nhóm phía Bắc bắt đầu bành trướng vào khoảng -1200 trước CGS.
Về giai đoạn lịch sử phức tạp và được thiết lập lại theo giả thiết trên đây, sách Giôsuê đã đưa ra một hình ảnh được đơn giản hoá và lý tưởng hoá. Lý tưởng hoá: cuộc đánh chiếm được trình bày như một anh hùng ca nối tiếp Xuất Hành trong đó người ta thấy Thiên Chúa tiếp tục can thiệp trực tiếp và một cách ngoạn mục để bênh vực dân của Người. Đơn giản hoá vì Giôsuê đã được trình bày như một nhân vật có mặt trong tất cả mọi biến cố, người điều khiển trận chiến của nhà Giuse 1-12. Người ta gán cho ông việc phân chia đất đai cũng không phải là đã được thực hiện trong một thời gian ngắn 13-21. Sách kết thúc với những lời giã từ của Giôsuê và cái chết của ông 23,24.29-31, từ đầu tới cuối sách, ông đã là nhân vật chính. Quả thực, mảnh đất Canaan này trong nhãn giới của Cựu Ước là đề tài đích thực của sách Giôsuê: dân đã tìm thấy Thiên Chúa của mình trong sa mạc này được lãnh nhận phần đất của mình, và lãnh nhận từ bàn tay Thiên Chúa của mình, bởi vì Giavê đã đánh giặc cùng với Israel, 23,3-10; 24,22- 12 và đã ban cho họ làm gia nghiệp đất hứa cho cha ông họ 23,5-14.

I. Xuất xứ.
Điều chắc là được không phải chính Giôsuê đã là tác giả trực tiếp của sách mang tên ông. Sách đã được viết ra dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau, và là một trong những tập sách hỗn tạp nhất của Thánh Kinh Cựu Ước. Chung chung, có thể kể như được soạn thảo theo hướng Đệ Nhị Luật các đoạn sau : Ch. 1 (phần lớn ): 8, 30-35; 10,16-43; 11,10-20; 12; 22,1- 8; 23,24. Sự kiện ch. 24, được duyệt theo tinh thần Đệ Nhị Luật. Được duy trì bên cạnh ch. 23 do một bàn tay khác soạn nhưng dựa vào chương 24, là dấu cho thấy có hai đợt ấn hành sách kế tiếp nhau. Ngoài ảnh hưởng biên soạn và hiệu đính theo tư tưởng Đệ Nhị Luật, còn có những mảng chịu ảnh hưởng của nguồn văn tư tế như việc đề cao vai trò của tư tế Eâlêazar, Pinhas… (x. Gs 14,1; 19,51; 21,1; 22,13.30.32); các trình thuật này hầu hết liên hệ đến ngôi đền tại Silô. Cuối cùng sách được hoàn thành sau thời lưu đày Babylon.

II. Bố cục.
– Sách Giôsuê có thể chia ra làm ba phần:
a) Đánh chiếm Đất Hứa, 1-12.
b) Phần chia đất đai giữa các chi tộc, 13-21.
c) Cuối đời Giôsuê, diễn từ cuối cùng của ông và hội nghị tại Sikem 22-24.

III. Nội dung.
Mục đích chính của sách là chứng minh sự trung tín của Thiên Chúa với lời Người đã hứa, đặc biệt là lời hứa sẽ ban cho dân miền đất chảy sữa và mật. Niềm tin vào sự trung tín của Thiên Chúa là điểm tựa cho Dân, để dù sống giữa cảnh lưu đày, họ vẫn một niềm tin tưởng vào sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát họ và đưa họ về miền Đất Hứa. Đồng thời, Dân Chúa phải ý thức rằng họ sẽ có thể sống mãi trong miền đất Thiên Chúa đã ban cho họ, với điều kiện là họ trung thành tuân giữ tất cả những điều Môsê đã truyền qua Lề Luật: “Anh em phải thật cương quyết tuân giữ và thực hành tất cả những gì ghi trong Sách Luật Môsê, không đi trệch bên phải bên trái” (23,6).

a) Đánh chiếm Đất Hứa, 1-12.
Phần này kể lại việc ông Giôsuê sai người do thám Giêricô và họ được cô Ra-kháp giúp ẩn nấp và làm nội gián (ch.2). Tiếp đến, sau những chỉ thị của Giôsuê, dân Isrel qua sông Giođan và đóng trại tại Gilgal (ch.3) rồi cử hành cắt bì và mừng lễ Vượt Qua đầu tiên trên đất Canaal (ch. 5). Tấn công Giêrikhô (ch.6), thất bại tại thành Ai vì tội của Akan (ch.7), chiến thắng thành Ai (ch.8). Liên minh với dân Gibêôn (ch.9), đánh chiếm các thành phía Nam (ch10). Đánh chiếm các thành phía Bắc (ch.11) và cuối cùng là bảng liệt kê các thành bị chiếm (ch.12).
Trong phần này, người ta nhận ra, trong các ch. 2-9 một số truyền thống, đôi khi song song với nhau, dính với Đềân Thờ của nhóm Benjamin tại Gilgal và trong các chương 10-11 hai tường thuật về chiến trận, Gabaôn và Mêrôm, gắn liền với cuộc chinh phục các miền Nam rồi cả miền Bắc Palestin.
Trình thuật này mô tả việc qua sông Giođan như một cuộc rước trọng thể trong phụng vụ. Mục đích là để cho thấy chính Thiên Chúa hằng sống là Chúa của toàn thể cõi đất đã đưa dân Israel vào Đất Hứa. Như thế, dân đang sống cảnh lưu đày vững tin vào quyền năng Chúa là Đấng sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.
Sự kiện các trình thuật của các chương 2-9, gốc từ Gilgal, tức xuất phát từ nhóm Benjamin đã không làm lu mờ dung mạo của Giôsuê – trong các trình thuật này, tuy ông thuộc chi tộc Ephraim, – bởi vì các phần tử Benjamin và Ephraim đã cùng vào Canaan trươc khi đóng đô tại phần đất của họ. Không thể chối cãi chiều hướng giải nghĩa các sự kiện hay hoàn cảnh có thể quan sát được của các trình thuật này. Nhưng tính cách suy luận luận ấy chỉ nhắm vào những hoàn cảnh, hay những hậu quả của các biến cố hay người ta không thể phủ nhận tính cách lịch sử của chúng, trừ trường hợp về đánh hạ thành Ai.
Trong cuộc rước trọng thể, dân đi theo các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước, và khi nước dừng lại thì dân đi qua sông. Rõ ràng trình thuật này muốn nhắc lại việc dân Israel qua Biển Đỏ; như thế làm nổi bật ý nghĩa: việc vào Đất Hứa chính là sự kết thúc hành động Thiên Chúa giải thoát Dân, đã được bắt đầu từ cuộc xuất hành. Xuất Hành trở thành điểm quy chiếu qua đó thấy được hành động giải thoát của Chúa.
Các tấm bia là sự nhắc nhớ cụ thể rằng “nước sông Giođan đã bị chặn lại trước Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa khi Hòm Bia qua sông Giođan.” Như thế, chính Chúa chứ không ai khác, đã đưa dân qua sông.
Việc qua sông Giođan vừa khép lại một giai đoạn trong lịch sử Israel vừa mở ra một giai đoạn mới. Trình thuật này mô tả bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Trình thuật này được đóng khung bằng hai sự kiện mang tính phụng vụ: Giôsuê dựng mười hai tảng đá lấy từ sông Giođan (4,20-24) và việc cử hành lễ Vượt Qua (5, 10-12).

b) Phần chia đất đai giữa các chi tộc, 13-21.
Sau những chỉ thị của Thiên Chúa, sách Giôsuê đề cập tới các chi tộc bên kia sông Giođan (ch.13), rồi tới 3 chi tộc phía Tây sông Giođan (ch.14-17), và cuối cùng là phần đất của tất cả các chi tộc khác (ch.18-19). Sau đó là danh mục các thành làm nơi trú ẩn (ch.20) và các thành dành cho nhà Lêvi (ch.21).
Như thế, phần II có tính cách một bản đồ địa dư. Chương 13 đặt vị trí cho Ruben, Gát và nửa chi tộc Manassê đã có phần ở bên kia sông Giođan, vào sinh thời của Môsê, theo Ds 32 (x.Tl 3,12-17 ).
Các chương 14-19 liên quan tới các chi tộc phía Tây Giođan, đã đấu kết hai loại văn kiện: một văn kiên mô tả ranh giới các chi tộc. Mức độ chính xác không đều và phần chính yếu có thể lên tới thời tiền quân chủ. Và văn kiện khác là danh sách các thành. Chi tiết nhất là danh sách các thành của Giuđa (ch.15). Danh sách này, được bổ sung bởi một phần các thành của Benjamin 18,25-28, đã phân các thành ra làm mười hai khu. Danh sách này phản ảnh nền hành chánh của vương quốc Giuđa, có thể dưới thời Giosaphat. Chương 20 kê khai các thành tị nạn, danh sách các thành này hẳn không có trước triều đại Sa-lô-mon. Chương 21 các thành Lêvit, được thêm sau thời lưu đày, nhưng đã sử dụng những ký ức về thời quân chủ.

c) Cuối đời Giôsuê, diễn từ cuối cùng của ông và hội nghị tại Sikem 22-24.
Các chi tộc bên kia sông Giođan đã từng tham gia chiến đấu (x. Gs 1,12-16) được Giôsuê cho quay về phần đất của họ. Nhân dịp này, sách kể việc dựng một bàn thờ như là cơ hội để các chi tộc long trọng thoả hiệp với nhau (ch.22), sau đó là bài thuyết pháp cuối cùng của Giôsuê (ch.23). Sách kết thúc bằng đại hộâi Sikhem (ch.24), lặp lại giao ước Sinai.
Phần này mang dấu tích của soạn thảo theo chiều hướng Đệ Nhị Luật và Tư Tế. Gốc của chương này là một truyền thống riêng, nhưng thời kỳ và ý tưởng của truyền thống này khó xác định. Chương 24 giữ lại một ký ức xưa và xác thực về hội nghị tại Sikem và về khế ước tôn giáo được ký kết tại đây.
Ý nghĩa lớn nhất của phần này là việc cũng như Môsê, Giôsuê nhắc lại giao ước mà Israel đã ký với Thiên Chúa và phải luôn ghi nhớ và tuân giữ Luật mà Người đã ban bố. Đó cũng là sự sống còn của Israel và thực tế đã cho thấy sự tồn vong của Israel sau này (dưới ngòi bút của các tác giả) là bao lâu họ còn tuân giữ giao ước thì bấy lâu họ được thịnh trị. Còn những việc như cho các chi tộc có công trong việc đánh chiếm vùng bên kia sông Giođan làm sở hữu như là một chứng minh tính lịch sử, cũng như việc các chi tộc này lập một bàn thờ chỉ nhằm làm nổi bật về việc phụng tự là mối dây hiệp nhất của các chi tộc Israel.

Bảo_†_Lâm
06-02-2012, 09:00 PM
SÁCH THỦ LÃNH
Thủ Lãnh bởi động từ “shâphât”, có nghĩa là sửa trị, gần với cai trị hay cầm quyền, nhằm chỉ các vị anh hùng trong cuốn sách, họ là những người được Thiên Chúa sai đến cầm đầu các cuộc giải phóng rồi làm người xét xử mọi việc trong dân. Thủ lãnh theo tiếng Híp-ri, có nghĩa là quan tư pháp hay lãnh tụ một nhóm đô thị hoặc bộ lạc, vì thế cũng dịch là "quan án" - "thẩm phán" - "xét xử", ở nền văn hoá này đồng nghĩa với cai trị. Về một số vị, sách chỉ nêu tên và số năm "xét xử" chứ không kể một hành động giải phóng nào. Mười hai vị này chẳng bao giờ "xét xử" toàn thể Ít-ra-en mà chỉ giới hạn trong từng bộ lạc. Thủ lãnh đôi khi còn được gọi là “cứu tinh’, từ ngữ theo văn mạch, chỉ vị lãnh tụ quân sự trong một cuộc chiến đấu tự vệ. Để hoàn thành sứ mệnh, vị thủ lãnh sau khi giải phóng đã kiêm nhiệm những chức vụ chính trị, quân sự và tư pháp. Họ chỉ còn thiếu chức vụ lập pháp để trở thành một ông vua, nhưng đối với dân Do Thái lúc bấy giờ, quyền đó chỉ dành cho Thiên Chúa.
Sách Thủ Lãnh đã biến họ thành những anh hùng giải phóng hoặc cai trị toàn thể Ít-ra-en, những vị anh hùng của vài chi tộc được phóng đại và được đưa lên hàng quốc gia điều khiển thánh chiến cho cả Israel. Các "Thủ Lãnh nhỏ" phát xuất từ một truyền thống khác. Không thấy các Thủ Lãnh nhỏ này có hoạt động giải thoát nào. Người ta chỉ cho biết qua về gốc của họ, về gia đình và nơi chôn cất họ, và nơi họ đã làm "Thủ Lãnh" trên Israel trong một số năm nhất định. Sách cũng đồng thời phân bổ số năm hoạt động của mỗi vị theo những con số ước lệ: 20, 40, 80 để có được con số bốn trăm tám mươi năm tính từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến khi xây đền thờ (x. 1V 6,1).
Sách Thủ Lãnh hầu như là nguồn duy nhất cho chúng ta biết về thời đại các Thủ Lãnh, nhưng không thể dựa vào đây để viết một lịch sử liên tục về thời này. Niên biểu đưa ra trong sách có tính cách giả tạo. Những cách áp bức cũng như các cuộc giải phóng chỉ liên quan tới một phần đất đai.
Các biến cố chính và ký ức còn giữ lại chỉ có thể được định thời gian một cách phỏng chừng. Cuộc toàn thắng Tanak dưới thời Đê-bô-ra và Ba-rắc (4- 5) có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ -XII, trước khi quân Mađian xâm nhập (Ghít-ôn) và trước khi dân Philitin bành trướng ra ngoài phần đất của họ (Sam-son). Và có thể rút ra kết luận là trong giai đoạn lộn xộn này, người Israel đã phải chiến đấu không chỉ với dân cư Canaan, như các dân trong đồng bằng Izrơel bị Đê-bô-ra và Ba-rắc đánh bại, mà còn phải đương đầu với cả các dân xung quanh: Moab (Ê-hút) Ammon (Gíp-tác) Mađian (Ghít- ôn) và Philitin mới kéo tới (Sam-son). Trước sự đe dọa đó, mỗi nhóm lo bảo vệ lấy phần đất của mình, thường thì liên minh với nhóm bên cạnh, 7,23, nhưng cũng có trường hợp một chi tộc hùng mạnh có thể phản đối vì đã không được mời chia chiến lợi phẩm, 8,1-3; 12,1-6. Bài ca Đê-bô-ra (ch.5), chế diễu các chi tộc đã không đáp lại lời kêu gọi, nhưng điều đáng chú ý là Giu-đa và Si-mê-on đã không được nhắc đến tên.
Hai chi tộc này sống ở phía Nam, cách biệt với phía Bắc bởi các thành Gabaôn và Giêrusalem không thuộc Israel và tình trạng cô lập này là mầm mống cho sự ly khai sau này. Ngược lại cuộc toàn thắng trên Tanak đã đem về cho Israel cánh đồng Izrơel và nối liền nhà Giuse với các chi tộc phía Bắc. Nhưng sự thống nhất giữa các thành phần khác nhau ấy được bảo đảm trước tiên bởi sự thống chia cùng một lòng tin : tất cả Thủ Lãnh là những kẻ tin nơi Gia-vê và đền thờ hòm bia ở Silô đã thành trung tâm qui tụ mọi nhóm. Mặt khác, các cuộc đấu tranh này rèn luyện nên tinh thần quốc gia và chuẩn bị cho giờ phút, trước một đe dọa chung, tất cả sẽ hợp lực lại, dưới thời Samuel.

I. Xuất xứ.
Các Thủ Lãnh là những người đã đóng vai trò hướng dẫn Dân Chúa trong suốt 150 năm sau ông Giôsuê (1200-1050 trước CGS). Tuy nhiên sách Thủ Lãnh đã chỉ được biên soạn trong thời lưu đày, nghĩa là sau đó khoảng 400-500 năm. Như thế, sách được biên soạn không chỉ nhằm mục đích ghi lại những sự kiện lịch sử nhưng còn trình bày một cái nhìn thần học về lịch sử.
Trải qua nhiều lần biên soạn, hình thức hiện nay là của các soạn giả thuộc trào lưu Đệ Nhị Luật. Các nhà soạn thảo này có những hiểu biết đích xác về các Thủ Lãnh, nhưng đã phóng đại quyền hành của các Thủ Lãnh Israel và đã xếp đặt cho họ theo Đệ Nhị Luật trong niên biểu. Các soạn giả đã đem gắn danh hiệu Thủ Lãnh lên trên các vị ạnh hùng trong "sách các anh hùng Giải phóng" và các vị anh hùng này do đó trở thành những "Thủ Lãnh của Israel". Lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, người ta đã đạt được con số mười hai Thủ Lãnh, tượng trưng cho tất cả mười hai chi tộc của Israel.
Và cũng chính việc soạn tác đã tạo ra khung cảnh thời gian có trong sách. Soạn tác Đệ Nhị Luật, tuy duy trì những hiểu biết đích xác về Thủ Lãnh nhỏ, nhưng đã cắm chặng các trình thuật bằng những mốc thời gian giả tạo với các con số ước lệ là bốn mươi năm — một thế hệ — hay gấp đôi lên là tám mươi năm, hoặc chỉ có một nửa là hai mươi năm, cố làm sao để, cộng với các dữ kiện khác của Thánh Kinh, có thể có một tổng số là bốn trăm tám mươi năm, phù hợp với khoảng cách, theo nhãn giới Đệ Nhị Luật, giữa thời Xuấât Hành khỏi Ai Cập và lúc xây dựng Đền Thờ (1V 6,1). Trong khoảng cách đó, lịch sử các Thủ Lãnh lấp đầy giai đoạn từ khi Giôsuê chết tới lúc Samuel khởi đầu sứ vụ của ông.
Truyện về các Thủ Lãnhï, trước tiên được truyền khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau, rồi dần già, nhiều yếu tố khác nhau được thêm vào. Cuối cùng, các truyện này được gom vào làm thành một cuốn sách, "sách các người giải phóng" được soạn trong vương quốc phía Bắc vào buổi đầu thời quân chủ. Sách gồm truyện về Ê-hút, về Ba-rắc và Đê-bô-ra, có lẽ đã chịu ảnh hưởng của trình thuật Giô-suê 11 về Giabin tại Khaxor, truyện Ghít-ôn, Giê-rúp-ba-ben, truyện Gíp-tác, hai bài thơ cổ, ca vịnh Đê-bô-ra ch.5, và lời kêu gọi của ông Giô-tam 9,7-15.
Điều trước tiên các soạn giả theo khuynh hướng Đệ Nhị Luật đã đem lại sách Thủ Lãnh là cái ý nghĩa tôn giáo của nó: Ý nghĩa này được diễn tả trong phần nhập đề chung 2,6-3,6 và trong phần nhập đề riêng của truyện Ót-ni- ên, thuộc soạn tác Đệ Nhị Luật và được dùng để đóng khung các truyện tiếp theo sau : con cái Israel đã bất trung cung Gia-vê và đã bị Gia-vê phó nộp cho kẻ áp bức chúng. Con cái Israel đã kêu cầu danh Gia-vê và được Người đoái thương ban cho một vị cứu tinh, một Thủ Lãnh. Nhưng rồi dân lại ăn ở bất trung, rồi bị phạt… (có thể đóng khung trong một khung thần học của nhóm biên soạn thuộc trào lưu Đệ Nhị Luật này là: phạm tội kéo theo bị phạt, thống hối và được Chúa sai Thủ Lãnh đến cứu). Sách Thủ Lãnh này có ít là hai đợt ấn hành. Nhưng dấu chứng rõ rệt nhấât là: hai yếu tố nối tiếp nhau trong phần nhập đề 2,11-19 và 2,6-10 và 2,20-3,6 và hai kết luận cho truyện Sam-son 15,20 và 16,30, có nghĩa là ch. 16 đã được thêm vào.
Sách này chưa có các phụ chương 17-21. Các chương này không kể chuyện các Thủ Lãnh mà lại nói các biến cố xảy ra trước việc thiết lập thể chế quân chủ và do đó các chương này đã được đưa vào phần cuối sách, sau khi lưu đày về. Các chương này họa lại những truyền thống cổ xưa và đã có một quá trình văn chương dài hay tiền văn chương, trước khi được đưa vào đây. Các ch. 17-18 thuộc một truyền thống của nhóm Đan và các chương 19-21 thuộc về truyền thống khác có thể đã xuấât phát từ Benjamin và duyệt lại tại Giu-đa trong chiều hướng chống lại vương quyền Saul tại Gibơah.

II. Bố cục.
a, Nhập đề: 1,1 - 2,5: Nhắc lại tình hình sau ngày Giosuê qua đời.
b, Phần I: 2,6 - 3,6: nêu lý do tại sao Thiên chúa sai các thủ lãnh đến cứu dân tộc Israel khỏi thù địch.
c, Phần II: 3,7 - 16,31: Ghi lại hoạt động của mỗi thủ lãnh.
d, Phụ lục: Hai đoạn được thêm vào nói về cuộc di dân của nhóm Đan, với việc thành lập đền thờ của họ (17-18) và trận chiến phạt tội con cái Benjamin đã phạm tại Gibơah (19-21).

III. Nội dung.
Phần dẫn nhập, 1,1-2,5, trình bày một cách sơ sài việc các chi tộc lập cư ở Canaan. Các chi tộc này đã hoạt động một cách lẻ tẻ và thường xuyên gặp thất bại. Trong hình thức hiện tại, phần này muốn cắt nghĩa tình trạng bị đe dọa của Israel. Thời các Thủ Lãnh, bức tranh lịch sử này khác với bức tranh trong Giô-suê và được trình bày dưới nhãn giới của nhóm Giu-đa, nghĩa là không mặn mà ca ngợi gì với các chi tộc phía Bắc.
Phần chính 2, 6 – 16,31 đề cập đến lịch sử các Thủ Lãnh. Các học giả hiện tại phân biệt sáu khuôn mặt Thủ Lãnh "lớn":
- Ót-ni-ên,
- Ê-hút,
- Ba-rắc (và Đê-bô-ra)
- Ghít-ôn,
- Gíp-tác
- Samson.
Hành động của các vị Thủ Lãnh này được kể một cách tỷ mỉ. Và sáu Thủ Lãnh nhỏ:
- Sam-ga,
- Tô-la,
- Gia-ia,
- Íp-xan,
- Ê-lôn
- Áp-đôn.
Những thủ lãnh nhỏ chỉ được nhắc qua. Bản văn thì không phân biệt theo kiểu này, nhưng cũng đã cho thấy có một sự khác biệt thâm sâu giữa hai nhóm, và danh hiệu Thủ Lãnh được đặt chung cho họ là do việc soạn thảo đã gộp các yếu tố không ăn nhằm gì với nhau. Các "Thủ Lãnh lớn" là những anh hùng giải phóng, tuy khác về gốc gác, về tính tình, về hành động, nhưng đều có một nét chung: họ đã lãnh nhận một ơn riêng, họ được Thiên Chúa chọn đặc biệt để sung vào sứ vụ giải thoát.
Dân Israel đã ký kết giao ước với Thiên Chúa, tuy nhiên họ đã không trung thành với giao ước. Họ bỏ Chúa để chạy theo các ngẫu tượng mà dân địa phương tin rằng mang lại sự thịnh vượng như Baal, Asherah, Astarte... Họ còn bắt chước cả những cách tế tự của dân địa phương như giết người để dâng hiến làm của lễ… Khi vào đất hứa họ nhận lệnh phải đuổi cho khuất mắt các dân ở đó, nhưng thực tế, người Philitinh và Moab vẫn hiện hữu. Họ như là những cây roi của Thiên Chúa dùng để sửa phạt Israel khi họ bất tín bất trung. Thiên Chúa sửa trị và huấn luyện dân cách tiệm tiến chứ không tiêu diệt. Dù dân có phản bội giao ước, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương họ bằng tình yêu trung tín. Nếu tội lỗi của dân dẫn đến án phạt thì cần nhìn những án phạt này trong viễn tượng của tình yêu trung tín đó, nghĩa là Thiên Chúa trừng phạt dân không phải vì căm thù mà vì tình yêu thương, để sửa dạy dân và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa sử dụng cả những con người yếu đuối và tội lỗi, chẳng hạn những phụ nữ chân yếu tay mềm Đê-bô- ra, hay Sam-son nặng nề xác thịt; Người chọn đủ mọi thành phần trong xã hội: từ kẻ làm vườn Ghê-đê-ôn đến đứa giang hồ trộm cướp Gíp-tác… Nhất là việc chỉ dẫn cho ông Ghê-đê-ôn chọn 300 lính chiến trong 10.000 quân để đương đầu với 135.000 quân địch (sự kiện để nói lên tính sẵn sàng trong mọi lúc). Điều này cho thấy, sức mạnh và chiến thắng đến từ Thiên Chúa và con người chỉ cộng tác mà thôi, để không ai có thể tự hào về xuất xứ và công trạng của mình.
Sách Thủ Lãnh đưa vào gương mặt của Đê-bô-ra, một phụ nữ làm thủ lãnh Israel khoảng bốn mươi năm. Đó là một nữ tiên tri nhân danh Đức Chúa để thi hành công lý. Đây được xem là một trường hợp ngoại lệ, vì hồi đó trong Israel nam giới nắm mọi quyền hành. Bà Đê-bô-ra trở thành thẩm phán và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống Giavin vua Canaan, đồng thời tiêu diệt tướng Sisera chỉ huy quân đội của vua Giavin (x. Tl 4) và hát lên bài ca chiến thắng (x. Tl 5). Bà Đê-bô-ra là tấm gương của lòng tin khi tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Đức Chúa và kêu gọi ông Ba-rắc cùng con cái Israel đặt niềm tin vào Người, bà còn tìm cách để cho các con (Israel) luôn luôn hướng bước đi của họ về con đường của Chúa.
Một trong những chương đẹp nhất của Cựu ước là bài ca chiến thắng (được coi là của bà Đê-bô-ra) trong chương 5 của sách Thủ Lãnh. Nội dung bài ca làm nổi rõ chiều kích vũ trụ trong hành động của Đức Chúa: Người không phải chỉ là một vị thần bộ tộc, như kiểu con cháu Abraham vẫn nghĩ từ trước cho đến bây giờ, nhưng Người là Thiên Chúa chủ tế trời đất vũ hoàn. Và để đáp lại sự che chở ưu ái mà “Thiên Chúa của Israel ở Xi- nai” dành cho Dân Người chọn, ít là cho ai kính sợ và tuân giữ Luật Người, thì ta còn thấy trong bài ca một tâm tình yêu mến được bộc lộ thật thống thiết.

- Thần học căn bản về lịch sử mà tác giả muốn trình bày là: tội lỗi dẫn đến hình phạt, còn sám hối dẫn đến ơn tha thứ và giải thoát (x. 6,1-10; 10,6-16). Ý nghĩa thần học này rất quan trọng đối với dân lưu đày: họ đã mất quê hương vì tội lỗi của họ, nhưng nếu họ biết ăn năn hối cải thì Thiên Chúa sẽ tha thứ và giải thoát họ.
- Sách Thủ Lãnh dạy con cái Israel bài học này là, sự áp bức là hình phạt do lòng bất tín và sự chiến thắng là hậu quả của sự trở về với Thiên Chúa. Sách Huấn Ca ca ngợi sự trung thành của Thủ Lãnh (x. Hc 46,11-12). Họ trình bày các thành công như phần thưởng cho lòng tin của họ, họ thuộc về khối "đám mây nhân chứng" khuyến khích tín hữu bỏ tội lỗi và can đảm gắng chịu thử thách (x. Hc 11,32 - 34; 12,1).

Bảo_†_Lâm
07-02-2012, 12:22 PM
SÁCH RÚT
Sách Rút là câu chuyện về bà Rút, người Mô-áp, vợ một người ở Bê-lem tới lập cư tại Mô-áp. Sau khi chồng chết, bà đã trở về Giu-đa với mẹ chồng là bà Na-o-mi và đã cưới Bô-át, một người bà con của chồng, theo luật "anh em chồng" (x. Mc 12,19). Con của hai người là Ô-vết, sẽ là ông của Đa-vít (Ô-vết sinh Gie-sê, Giê-sê sinh Đa-vít).
Trong bản Hy-lạp (LXX), La-tinh (Vulgata) và các bản dịch mới, sách Rút được đặt liền sau sách Thủ lãnh, vì truyện xảy ra vào thời kỳ này, dù vấn đề sáng tác văn chương của sách Rút không có liên hệ gì đến sách Thủ Lãnh. Bản Do-thái đặt trong bộ năm cuốn để đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm Ca đọc dịp lễ Vượt Qua; Rút đọc dịp lễ Ngũ Tuần; Ai Ca đọc ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm Đền Thờ bị thiêu hủy; Giảng Viên đọc dịp lễ Lều và Ét-te đọc ngày lễ Pu-rim.
Người ta tranh luận rất nhiều về thời kỳ soạn tác sách này. Mọi thời từ Đavit, Sa-lô-mon tới Nêhêmia được đưa ra làm giả thiết. Đây là một câu chuyện xây dựng, mục đích chỉ là vạch cho thấy lòng tin tưởng đặt nơi Thiên Chúa quan phòng và tinh thần phổ quát ấy là giáo huấn của trình thuật. Sự kiện Rut nhìn nhận là tổ mẫu của Đavit đã đem lại cho cuốn sách một giá trị đặc biệt và thánh Matthêu sau này trong Tân Ước sẽ ghi tên Bà Rút trong gia phả của Đức Kitô (x. Mt 1,5).

I. Xuất xứ.
Mặc dù đề tài của Rut đưa về thời các Thủ Lãnh (x. R 1,1), nhưng sách không thuộc soạn tác theo tinh thần Đệ Nhị Luật, mặc dù soạn tác này chạy dài từ Giôsuê tới cuối Các Vua.
Truyện này có lẽ được viết vào thế kỷ IV trước CGS, với một văn phong khoáng đạt và vượt lên trên chủ nghĩa quốc gia, vì trước đó không lâu, Ét-ra đã buộc người Do Thái một khi đã hồi hương trên đất Palestin phải ly dị các bà vợ ngoại bang, vì các bà này có thể kéo theo các ông và con cái họ theo tà thần dân ngoại (x. Er 10, 15-14). Sách Rút thì ngược lại, dường như tác giả muốn bênh vực hôn nhân của một người gốc ngoại giáo mẫu mực cao đẹp, nên đã tìm trong sử cũ, nhất là qua dòng họ triều đình Đa-vít để viết lên câu truyện tinh tế này và vai chính trong sách là một người đàn bà ngoại bang. Thật vậy, bà Rút tin nhận Thiên Chúa của Israel và được đón nhận vào cộng đồng dân Chúa.

II. Bố cục.
Cuốn sách chỉ có vỏn vẹn 4 chương, không nhất thiết phải chia bố cục để phân tích vì tính liên tục của câu truyện, nhưng có thể tạm thời tách ra thành từng đoạn như sau để dễ nhớ:
a, Dẫn nhập: Câu chuyện giữa người mẹ Na-o-mi (xinh đẹp, giàu có, nhưng bất hạnh vì chồng và các con trai đều chết) với người con dâu (1,1-22).
b, Diễn tiến việc Rút trở thành vợ ông Bô-át (2,1-4,17).
c, Một đoạn thêm vào 4,18-22, trình bày một phổ hệ Đa-vít, song song với 1Sbn 2,5-15.

III. Nội dung
Có nhiều cách giải thích nội dung sách Rút, ví dụ đề cao những nhân đức trong đời sống gia đình qua hình tượng các nhân vật như ông Bô-át và bà Rút, hoặc phê phán những quan niệm thời xưa về hôn nhân... Tuy nhiên nội dung chính yếu cần đề cập tới là dung mạo Thiên Chúa được bày tỏ qua tác phẩm, và đức tin hiểu như sự đáp trả của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

a. Bà Na-o-mi.
“Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara” (1,20). Mara có nghĩa là Chúa giáng phạt: “Đấng Toàn năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng.” Lý do dẫn bà Ruth đến tâm trạng cay đắng này là vì bà bị mất tất cả: “Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về, hai bàn tay trắng” (1,21); không những mất của cải mà còn rơi vào tình trạng góa bụa cô đơn.
Thiên Chúa bị coi là nguyên nhân mọi đau khổ: “Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn năng đã để tôi đau khổ” (1,21); vì thế không còn thấy được dung nhan Thiên Chúa tình yêu. Nhận xét này mời gọi ta nhìn lại kinh nghiệm cá nhân của mình khi phải đối diện với đau khổ. Ta cũng rất dễ đánh mất niềm tin và cậy trông vào Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách và đau khổ. Đây thực sự là một vấn nạn lớn, đúng hơn là một mầu nhiệm và ta chỉ tìm được câu trả lời khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh.

b, Bà Rút
Rút gắn bó với mẹ chồng: “Mẹ đi đâu, con đi đó; mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (1,16). Bà lại là người có lòng nhân hậu, lo cho mẹ già: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất...” (2,12) . Khi nhắc lại những phẩm tính cao đẹp của Rút, tác giả nhằm đề cao tình nghĩa gia đình và lòng trung tín với những nghĩa vụ thiêng liêng trong gia tộc. Đàng khác, câu truyện cũng ngụ ý rằng Thiên Chúa của Israel chấp nhận và ân thưởng công đức và lòng tin tưởng của một người phụ nữ ngoại bang, làm cho bà trở thành tổ mẫu của dòng họ Đa-vít.
Xem ra chính bà Naomi đã sắp xếp mọi sự và đã đạt được mục đích: chính bà khuyên Rút đến với ông Bô-át (3,1-4) và bà đã có người bảo tồn dòng dõi (4,14-15). Tuy nhiên khi đạt kết quả thì chính Thiên Chúa lại được ca tụng: “Chúc tụng Đức Chúa, Đấng hôm nay đã không để cho bà phải thiếu thốn người bảo tồn dòng dõi: tên tuổi con trẻ sẽ được tung hô tại Israel” (4,14). Như thế, tác giả đã nhìn mọi sự từ quan điểm đức tin. Chính Thiên Chúa là Chủ mọi sự. Ngài vận dụng mọi sự nhằm mục đích cứu độ con người, kể cả thông qua những tính toán tự nhiên của con người.

Bảo_†_Lâm
07-02-2012, 05:48 PM
SÁCH SAMUEL I & II
Hai sách Samuel ban đầu chỉ có một cuốn, về sau các dịch giả bản LXX đã chia làm. Sách mang tên vị thẩm phán cuối cùng, tức là Samuel vì sách được mở đầu với câu chuyện kể về ông. Đàng khác, chính qua Samuel mà Thiên Chúa đã chấp nhận cho dân được tổ chức thể chế theo các nước lân bang.
Danh xưng Samuel (Shem-hu-el) vừa có nghĩa là “tên Ngài là Chúa”, hoặc “người đến từ Thiên Chúa” mà bà Anna mẹ Samuel tuyên xưng, vừa có nghĩa là “xin” (x. 1Sm 1,20) nghĩa là “kẻ xin được” vì Samuel là đứa con mà bà Anna son sẻ đã xin Chúa ban cho và bà đã được nhận lời. Tên Samuel còn có nghĩa là “người đến từ Thiên Chúa” cho thấy sứ mạng của Samuel.
Samuel giữ một vai trò quan trọng trong các biến cố thời bấy giờ, trong tư cách vừa là tiên tri vừa là Thủ Lãnh. Ông được coi như là chiếc cầu nối thời hỗn loạn các Thủ Lãnh với thời hiệp nhất và có tổ chức của các vua. Dùø chính ông có đắn đo dè dặt khi chấp nhận lời thỉnh cầu của ông để lập vương triều, nhưng người ta vẫn coi ông như là nhà thiết lập nền quân chủ cho Israel, khi chính tay ông lần lượt xức dầu cho hai vua tiên khởi cai trị Israel là Saun và Đa-vít. Samuel còn là tư tế của Đức Chúa, phục vụ tại đền thờ Silô, mặc dù ông không thuộc chi tộc Le6vi như truyền thống.
Sách Samuel là một trang sử dài và quan trọng trong tiến trình mặc khải, vì nó cho thấy sự tiến triển của dân Israel về chính trị, luân lý và tôn giáo. Mối liên hệ giữa Đức Chúa với dân Người phát triển một cách tiệm tiến, bắt đầu từ những quan niệm thô sơ vật chất rồi thanh lọc dần đến một ý niệm siêu việt của Thiên Chúa. Sách khẳng định, chính Đức Chúa, qua trung gian là ông Samuel, thiết lập nền quân chủ. Ý kiến của dân xin có vua một cách nào đó vẫn bị lên án. Như thế, vương quyền của một ông vua không do người ta mà có, nhưng do Đức Chúa. Vì vậy, chính thể quân chủ của Israel ngay từ đầu đã mang tính tôn giáo. Nói cách khác, luôn phải suy phục thần quyền, các vua phải vâng lời và phục vụ Đức Chúa.
Tác giả sách Samuel kể lại các tích truyện về những vị lãnh lãnh đạo Israel từ ngày khi Samuel được gọi cho đến hết triều đại Salomon. Ông cho thấy định mệnh của toàn dân lệ thuộc vào đời sống đạo đức và sự khôn ngoan của các vị lãnh đạo: Thượng tế Hêli kết liễu cuộc đời thật thảm thương vì không sống đúng danh nghĩa tư tế và thẩm phán, Saun sớm bị Chúa loại bỏ vì bất tuân lệnh Người, Đa-vít chịu lao đao đủ thứ vì tội ngoại tình…

I. XUẤT XỨ.
Truyền thống cổ xưa của các Rabbi coi Samuel là tác giả của bộ sách này; về sau, một số các Rabbi khác còn dựa theo 1Sb 29,29-30 để cho rằng sách do chính Samuel biên soạn và được tiếp nối bởi các tiên tri Nathan và Gát sau khi Samuel qua đời.
Thật ra, sách này được hình thành vào khoảng năm 700 trước CGS, do việc sưu tập các ký sự và các tài liệu trong văn khố của hai nước Bắc và Nam. Sách được viết lại như chúng ta có ngày nay vào khoảng thế kỷ thứ VI trước CGS, do một vị thuộc nhóm Đệ Nhị Luật.
Có thể nói, sách Samuel có tính lịch sử hơn cả so với các tác phẩm khác của vùng Tây Á cổ xưa, vì sách không ngần ngại kể cả những điều không đẹp không tốt của các vị mà sách đề cao, thậm chí cả những chuyện không cần thiết cũng được kể lại, vì không ai lại bịa ra những chuyện xấu xa cho thần tượng của mình cũng như bịa ra những chuyện không cần thiết và thậm chí không có ý nghĩa nhắm tới một mục đích gì.
Tác phẩm sắp xếp nhiều nguồn văn và nhiều truyền thống khác nhau về buổi đầu của thời quân chủ. Có một truyền thống về thời Hòm Bia bị cầm giữ nơi người Philitin, 1S 4-6, và liên tục trong 2S 1. Câu truyện được đóng khung giữa một trình luật về một thời thơ ấu của Samuel. 1S 1-3, và một trình thuật trình bày Samuel như vị Thủ Lãnh cuối cùng và phóng về trước giải thoát khỏi ách quân Philitin, 7. Samuel đóng một vai trò cốt cán trong lịch sử thành lập vương quyền, 1S 8-12. Từ lâu người ta đã phân biệt trong phần này hai nhóm truyền thống: 9,10 1-16 11 và 8,10 17-24 12. Nhóm thứ nhất, là khuynh hướng vương quyền và biến cố, và nhón thứ hai, khuynh hướng bài quân chủ. Khuynh hướng thứ hai phải muộn thời hơn khuynh hướng thứ nhất. Thực ra, cả hai truyền thống đều xưa và chỉ nói lên những khuynh hướng khác nhau, chứ không phải đối chọi. Khuynh hướng thứ hai không đến nỗi quá « bài quân chủ » như người ta nghĩ. Khuynh hướng này chỉ chống một nên quân chủ không tôn trọng quyền của Thiên Chúa.Cch. 13-14 trình bày các cuộc chiến của Saul chống lại Philitin dưới nhãn giới bài Saul 13 7b-5a; nhãn giới bài bác này gặp lại trong 15, liên quan tới trận chiến chống lại dân Amalek. Sự bài kích Saul này chuẩn bị cho việc Samuel xức dầu cho Đa-vít và về sự xung khắc giữa ông với Saul, được gộp lại trong 1S 16 14-2S 1. Phần cuối của câu truyện nằm trong 2S 2-5 : Vương quyền của Đa-vít tại Hêbron, cuộc chiến chống dân Philitin và việc đánh chiếm Giêrusalem đảm bảo cho việc xác nhận Đa-vít là vua trên toàn cõi Israel, 2S 5 12. Ch. 6 tiếp câu truyện về Khám. Lời tiên tri của Natan, 7, xưa, nhưng đã được sửa lại. Ch. 8 là một bản tóm lược do soạn tác. Từ 2S 9, bắt đầu một trình thuật dài sẽ chỉ kết thúc với thời đầu các vua, 1V 1-2. Đó là câu chuyện về gia đình Đa-vít cùng với các cuộc xung đột sau vụ nối ngôi, được kể bởi một nhân chứng nhãn tiền trong buổi đầu của triều Sa-lô-mon. Câu chuyện bị đứt quãng bởi 2S 21-24, gộp lại các mảnh vụn, gốc khác nhau về triều đại Đa-vít.
Ngoài phần 2S 9-20, có thể có nhiều phần khác đã được cấu tạo từ những thế kỷ đầu của thời quân chủ : truyện Samuel, hai truyện về Saul và Đa- vít. Cũng có thể các phần này đã được đấu kết với nhau vào khoảng năm — 700, nhưng chỉ được đưa vào trong tác phẩm dưới hình thức cuối cùng của nó vào thời lịch sử trong tinh thần Đệ Nhị Luật. Tuy vậy, ảnh hưởng của Đệ Nhị Luật ở đây không rõ rệt trong Thủ Lãnh và sách Các Vua. Người ta có thể nhận ra ảnh hưởng này cách riêng trong những chương đầu tác phẩm như 1S 2 22-36 7 và 12, có lẽ trong việc sửa lại lời tiên tri Natan, 2S 7, nhưng trình thuật của 1S 9-20 đã được giữ lại hầu như nguyên vẹn.
Các sách Samuel bao trùm giai đoạn từ đầu thời quân chủ tại Israel cho tới cuối thời Đa-vít. Sự bành trướng của dân Philitin— chiến trận Aphek, 1S 4, vào khoảng năm— 1050—đe dọa chính sự sống của Israel và bắt đầu cuộc sống còn của Israel và bắt buộc đưa tới nền quân chủ. Saul, vào khoảng năm– 1030, xuất hiện như kẻ nối tiếp các Thủ Lãnh, như được tất cả các chi tộc nhìn nhận, uy tín và quyền hành của ông có tính cách bao quát và bền bỉ : vương quyền ra đời. Chiến tranh giải phóng bắt đầu và người Philitin bị đánh lui về phần đất của họ, 1S 14, nhưng các cuộc chạm trán vẫn tiệp tục xảy ra ở ven rìa đất Israel, 1S 17; 28 và 31. Trận cuối cùng thật bại và Saul chết khoảng năm—1010. Sự thống nhất quốc gia lại một lần nữa bị đe dọa. Và Đa-vít được xức dầu làm vua Hêbron do người Giuđa ; các chi tộc phía Bắc thì đặt Ishbôel nhưng bị ám sát chết và Đa-vít được nhìn nhận là vua trên cả Israel. Thống nhất được tái lập.
Sách thứ hai Samuel chỉ ghi lại vắn tắt những kết quả chính trị của triều đại Đa-vít. Nhưng kết quả thật lớn lao. Quân Philitin bị đẩy lui vĩnh viễn, thống nhất đất nước được hoàn tất, Giêrusalem trở thành kinh đô chính của vương quốc. Tất cả những vùng bên kia Giođan phải thuần phục và Đa-vít mở rộng quyền kiểm soát trên người Aram trong vùng Nam Syri. Nhưng, vào lúc Đa-vít chết, khoảng năm -970. Sự thống nhất quốc gia chưa thực sự được thực hiện; Đa-vít là vua Israel và Giuđa nhưng hai khối thường chống đối nhau : cuộc nổi loạn của Absalôm được các người phương Bắc ủng hộ, Shơba thuộc chi tộc Benyamin đã muốn xuối dân nổi dậy. Đã có mầm mống cho sự li khai.
Các sách này mang một tín thư tôn giáo : loan báo những điều kiện và những khó khăn ở một nước Thiên Chúa ở trần gian. Lý tưởng chỉ đạt tới dưới triều Đa-vít ; trước đó Saul đã thất bại và tiếp theo sau là mọi bất trung của nền quân chủ, đưa tới án phạt của Thiên Chúa và được nuôi dưỡng với những lời hứa cho nhà Đa-vít. Tân Ước nhắc tới ba lần, Cv 2,30; 2Cr 6,18; Dt 1,5. Đức Giê su thuộc giống Đa-vít, và khi dân gọi ngài là « con Đa-vít », là nhìn nhận ngài là Mêsia. Các giáo phụ đã so sánh đời của Đa-vít với cuộc đời của Đức Yêsu. Đức Kitô được chọn để cứu chuộc mọi người, làm vua dân thiêng liêng của Thiên Chúa, nhưng Ngài lại bị chính người nhà bách hại.

II. BỐ CỤC
Sách chia làm 4 phần:
Phần I: Thời thẩm phán của Samuel (1Sm 1-7).
Phần II: Triều đại vua Saun (1Sm 8 – 2Sm 1).
Phần III: Triều đại Đa-vít (2Sm 2-20).
Phần IV: Phụ lục (2Sm 21-24).

III. PHÂN TÍCH
Phần I. Thời thẩm phán của Samuel (1Sm 1-7).
a, Nội dung.
Phần này tập chú nói về ơn gọi của Samuel: Được Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của bà Anna, được dâng vào đền thờ giúp thượng tế Hêli, trở thành tiên tri, rồi làm thủ lãnh và cứu tinh vĩ đại của dân tộc Israel. Đặc biệt trong phần này, một bài ca chúc tụng Thiên Chúa của bà Anna được xem là bài tiền Magnificat của mẹ Maria sau này. Ngoài ra, phần này còn kể thêm về những cuộc chiến với dân Philitinh và số phận của Hòm Bia giao ước.
Samuel được coi là con người của sự trung thành và biết lắng nghe lời Thiên Chúa. Ông thẳng thắn đóng vai trò của phát ngôn viên: dám nói thẳng nói thực với bất cứ ai, kể cả thượng tế Hêli và vua Saun.

b, Những sự kiện chính.
* Ơn gọi của Samuel.
Hình ảnh thầy cả Heli với cặp mắt đã mờ (3,2) diễn tả đời sống đức tin của Israel lúc đó: ngọn đèn của Chúa, tức là Lời Chúa, đã bị dập tắt vì lối sống buông thả của hàng tư tế.
Thiên Chúa lên tiếng gọi Samuel nhưng cậu bé chỉ nhận ra tiếng Chúa gọi nhờ sự hướng dẫn của thầy cả Heli. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của việc phân định thiêng liêng trong đời sống đức tin của ta.
“Này con đây”: lời đáp trả của Samuel gợi nhớ lời đáp trả của Abraham khi Chúa gọi ông hiến dâng Isaac (St 22,1-12). Thái độ sẵn sàng của Samuel tương phản với sự trì trệ của hàng tư tế không muốn lắng nghe Lời Chúa (2,25). Samuel là vị tư tế trung tín, được Chúa chọn để thay thế cho hàng tư tế bất trung.
* Hòm bia và đền Silô.
Ngay sau khi chiếm được đất hứa, Giôsuê đã đặt Hòm Bia Giao Ước tại Silô, một làng nhỏ trong vùng núi Épraim, giữa Bết-ên và Si-khem, gần như là nằm giữa hai miền Nam Bắc đất Canaal. Như thế, Silô trở thành đền thờ trung ương làm mối dây hiệp nhất cho các chi tộc sống rải rác khắp xứ, Silô trở thành trung tâm thờ phượng Đức Chúa, nơi tiêu biểu cho sự đoàn kết tôn giáo và là nơi các chi tộc tập họp về mang cả ý nghĩa tôn giáo lẫn chính trị.
Chính tại nơi đây, tư tế Hêli làm Thủ Lãnh 40 năm và qua đời lúc 80 tuổi khi nghe biết Hòm Bia Đức Chúa bị người Philitinh chiếm đoạt. Hai đứa con của Hêli là Khópni và Pinkhát cũng bị quân Philitinh giết vì tội không sống thánh thiện của một tư tế. Cũng tại nơi đây Chúa nhận lời bà Anna cầu xin và cũng tại nơi đây Samuel được chọn gọi.
* Hòm Bia Giao Ước bị quân thù chiếm đoạt (1Sm 4-6).
Hòm Bia là sự hiện diện của Đức Chúa giữa Israel, và mỗi khi có biến thì dân Israel kêu cầu và sự có mặt của Hòm Bia đã làm cho họ vững tâm chiến đấu, nhưng trong một lần Đức Chúa không nhận lời vì dân Isrel không đẹp lòng Người, Hòm Bia đã bị dân Philitinh lấy đi. Tuy nhiên, Đức Chúa đã trừng phạt thần Đagôn của Philitinh, Người gieo tai rắc họa cho dân Philitinh hết những nơi mà họ đưa Hòm Bia tới, cuối cùng họ đã khiếp sợ và mang trả lại cho Israel cùng với những lễ vật chuộc lỗi.
* Samuel làm Thủ Lãnh.
Samuel làm thủ lãnh khác với các vị thủ lãnh “giải phóng” trước đó, nhưng đúng hơn, ông là một tiên tri với nhiệm vụ mang lại cho dân Israel một tinh thần tôn giáo, một tinh thần trách nhiệm và có đạo đức, trên hết phải đặt niềm tin vào Đức Chúa. Samuel còn như là một tư tế mục vụ, ông thường xuyên đi thăm các nơi thờ tự, giảng dạy, khuyến cáo và xét xử, như ở Bết-ên, Ghingan, Mítpa, Rama… (x. 1Sm 7,17).
* Lập vương quốc cho Israel.
Các dân xung quanh đều có vua để đảm bảo sự ổn định về chính trị, quân sự và cơ cấu xã hội. Điều này rất hợp lý và Isrel không những muốn sự ổn định mà còn để sánh ngang với các vương quốc lân bang, vì vị vua cai trị sẽ vừa nắm quyền chỉ huy quân đội, vừa có một đường lối chính trị duy nhất cho toàn dân. Nhưng khó cho Israel vì họ không đơn thuần là một dân tộc, mà là “dân Thiên Chúa”. Thiết lập một vua chẳng khác nào phủ nhận chủ quyền của Đức Chúa. Samuel đã rất khó xử với việc dân xin lập vua, nhưng ông đã thỉnh ý Đức Chúa và chiều lòng mong muốn của dân, đồng thời tiên báo trước cho họ những khổ dịch mà vị vua cai trị họ sẽ đem lại.

Phần II: Triều đại vua Saun (1Sm 8 – 2Sm 1).
a, Nội dung.
Saun được chọn làm vua đầu tiên của Israel, ông xuốt thân từ chi tộc Benjamin, ông có thân hình cao lớn nhưng lại mang trong mình bản tính ưu tư đến bệnh hoạn, tuy có bản lĩnh nhưng lại đa nghi, lúc thì tỉnh táo thẳng thắn và dễ gần, khi lại nóng nảy và nhu nhược. Đức Chúa chỉ đòi hỏi nơi Saun một điều là phải vâng phục Người tuyệt đối. Saun đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng trước quân Philitinh, quân Amaleck…, nhưng rồi ông đã hai lần bất tuân lệnh Đức Chúa và sau đó, qua trung gian Samuel, Đức Chúa quyết định truất phế ông.

b, Những sự kiện chính.
* Cách thế tuyển chọn của Thiên Chúa.
Samuel được Thiên Chúa sai đến xức dầu phong vương cho một người con trai của ông Giesê. Thế nhưng những người mà Samuel nghĩ rằng Chúa sẽ chọn lại không phải là người Chúa muốn. Và Người phán: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (16,7).
Ở mọi thời đại, cách riêng trong thời đại ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến dáng vẻ bên ngoài: trong sản xuất kinh doanh, trong việc đánh giá con người, kể cả trong đường hướng giáo dục, ví dụ chủ nghĩa thành tích dẫn đến bao nhiêu gian dối trong môi trường học đường .
* Saun phạm luật Hêren (luật Khêren).
Theo nhãn quan ngày nay, chúng ta thấy Saun đáng ra có toàn quyền hành động như thế trong tư cách là một ông vua, hơn nữa những gì ông làm cũng không thể coi là hoàn toàn sai trái khi không thi hành án tru diệt hoàn toàn, và phải chăng Đức Chúa tàn ác và thiếu thông cảm?
Trước hết, cần hiểu đây là nhãn quan Cựu Ước, và nội dung tác giả nhắm tới không dùng ơ sự kiện thực khi diễn tả, mà có tính thần học nhiều hơn. Thời bấy giờ, các dân tộc vùng Cận Đông có một thứ luật dùng trong chinh chiến (thánh chiến) là luật Hêren. Luật này có nghĩa là “tru hiến” là giết sạch và đốt sạch tất cả chiến lợi phẩm gồm cả người và vật. Luật He6ren mang ý nghĩa tôn giáo có nghĩa là: “cắt đứt”, “tách rời”, nghĩa là một khi đã dâng cho Đức Chúa thì không còn được dùng vào việc khác, để tránh lạm dụng, người ta thiêu hủy của lễ. Vì vậy, sau khi chiến thắng, mọi chiến lợi phẩm thuộc về Thiên Chúa, không phải do công trạng mình mà là do bởi công của Thiên Chúa cho ông, nên ông phải tru hiến thiêu hủy sạch, nếu giữ lại là bất phục.
* Chuyện Gôliát.
Truyện Đa-vít chiến thắng tên khổng lồ Gôliát như là một thiên anh hùng ca làm nổi bật dần hình ảnh Đa-vít sẽ thay thế Saun trong tương lai.
Không biết tác giả có phóng đại hay không, dù trong Thánh Kinh đôi khi cũng nói đến “những người khổng lồ”, nhưng chưa có một khảo cổ nào trong lịch sử cho thấy dấu vết có người khổng lồ cao lớn gấp 7 lần người bình thường, và thế giới này cũng chưa ai sở thị có người to lớn như vậy. Tuy nhiên, chắc chắn rằng có một cuộc thách đấu thực sự, và Gôliát chắc chắn phải có một thân hình vạm vỡ và mạnh mẽ nên mới dám ra thách đấu tỉ thí với một dũng sĩ mạnh mẽ nhất của Israel. Sự kiện này cũng gợi lại một tục lệ thời xưa, trước khi giao chiến, hai bên lôi nhau ra nguyền rủa chửi bới nhau cho chán đã, và thường là họ nhân danh các thần minh để nhục mạ nhau và nhục mạ các vị thần của nhau, nhằm lôi kéo sự nổi giận của các vị thần xuống chia phe cùng với họ đánh nhau.
Nhìn từ bên ngoài, cuộc chiến giữa Đa-vít và Goliát quả là cuộc chiến không cân sức. Tương tự như thế là cuộc chiến giữa Giáo Hội và thế gian. Thế nhưng trong cuộc chiến khốc liệt đó, Đa-vít đã chiến thắng. Vậy bí quyết chiến thắng của Đa-vít ở đâu? Lời tuyên bố của Đa-vít đã nói lên tất cả, “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (17,47) .
* Saun nổi ghen tàn ác với Đa-vít.
Từ sau sự kiện Gôliát, với lời ca hát của chị em phụ nữ ca ngợi dũng sĩ Đa- vít, Saun luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị thay thế, từ đó trong đầu óc vua nổi lên một cơn ghen tàn ác, tự tay phóng lao giết Đa-vít không được, dùng quân Philitinh để Đa-vít bỏ mạng cũng không xong, sau rồi đãø truy nã Đa- vít gắt gao đến nỗi làm cho Đa-vít phải phiêu bạt giang hồ.
Nguồn gốc của sự ghen tị là tính ích kỷ, không nhìn thấy ích chung, chỉ thấy quyền lợi và địa vị của mình. Từ đó, tìm cách hạ thấp thành công của người khác và vui mừng trước thất bại của người khác. Khi không kềm chế được, sự ghen tị còn có thể dẫn người ta đến chỗ phạm nhiều tội ác khác .
* Ý nghĩa âm nhạc và y khoa trong sách Samuel.
Sách kể lài việc Đa-vít nhờ cây đàn đã chữa được Saun nhiều lần nguôi giận trong lúc nổi cơn thần kinh. Thời này, các dân bên cạnh Israel như Babilon, Ai Cập và Syrie đã dùng cách phối hợp âm nhạc với y khoa trong việc chữa trị vài thứ bệnh, nhất là một số bệnh về thần kinh. Nếu người Do Thái biết cách sử dụng lối đó thì không đáng ngạc nhiên. Không phải Saun, Đa-vít hay nhà thông thái nào có ý tưởng dùng phương pháp chữa bệnh này, nhưng là những người giúp việc đã khuyên Saun làm cách đó giúp vua khuây khỏa (x. 1Sm 16,14-23).
* Sự quảng đại của Đa-vít.
Qua tường thuật của sách Samuel cũng cho thấy một hình ảnh Đa-vít khôn ngoan và nhân từ, ít nhất hai lần đã tha chết cho Saun.
Đối lại sự ghen tị của Saun, Sách Thánh làm nổi bật lòng quảng đại của Đa-vít. Đa-vít đã sẵn lòng tha thứ cho kẻ làm hại mình (24,1-8). Động lực của lòng quảng đại này không chỉ là những lý do tự nhiên nhưng sâu xa hơn, chính là tầm nhìn đức tin của Đa-vít. Ông nhìn Saun là người được Chúa xức dầu, và vì thế không thể ra tay sát hại (24,7) .
* Cái chết bi thảm của Saun.
Thánh Kinh được nhìn tất cả trong cái nhìn đức tin. Vua Saun cũng có những chiến thắng oanh liệt, những cư xử thiếu sáng suốt, những trăn trở tuyệt vọng và một kết thúc cuộc đời bi thảm… Tất cả sự kiện Saun thực ra cũng là một giai đoạn các vương triều phong kiến, có thịnh có suy trong từng triều đại vua chúa. Vì thế, khi nhận định về giai đoạn lịch sử này, cần hiểu tác giả sách Samuel chỉ tập chú đến ý nghĩa của đức tuân phục vào Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thích đức vâng phục hơn mọi của lễ…

Phần III: Triều đại Đa-vít (2Sm 2-20).
a, Nội dung.
Vua Đa-vít được tác giả sách Samuel xây dựng nên một hình ảnh ông vua đúng nghĩa, được lý tưởng về mọi mặt: với các chiến công rực rỡ, thiện cảm ông gây được, lòng quảng đại và tế nhị… Sách còn ca ngợi Đa-vít là luôn biết suy phục Thiên Chúa, luôn ân cần thỉnh ý Thiên Chúa và đáp lại lệnh Người. Dù là vua hay dân, luật Thiên Chúa không thể miễn trừ cho ai, điều đáng ghi nhận là Đavit biết thống hối ăn năn và chấp nhận hình phạt khi sa ngã phạm tội. Vua chấp nhận sự khiển trách của bầy tôi Nathan và được Thiên Chúa tha thứ và hứa cho ngai vàng trường cửu. Bên cạnh biết bao đức tính cao đẹp và mạnh mẽ can đảm, vua lại yếu đuối trước sắc đẹp và té ngã trước một người phụ nữ. Chính sự tương phản này gây không ít lao đao khổ tứ và sự rạn nứt gia đình, sự tương tàn huynh đệ nơi các con, sự bất nhân mưu giết cha mình của Absalon, nhất là gây nhiều hậu quả khó lường của việc chọn người kế vị ngai vàng.

b, Những sự kiện chính.
* Thánh thiện và tội lỗi.
Trong thân phận con người, nhà vua cũng đã phạm những lầm lỗi nặng nề. Trình thuật Thánh Kinh về tội của Đa-vít soi sáng cho ta nhiều điều về ý nghĩa của tội lỗi cũng như đưa ra những cảnh giác cụ thể về mối nguy hiểm của tội.
Vua Đa-vít say mê Bathsêba, vợ của tướng Uria, và tìm cách chiếm đoạt bà. Khi đã ăn ở với Bathsêba, nàng có thai, nhà vua phải tìm cách che giấu tội lỗi của mình. Trước hết, vua cho gọi Uria, chồng nàng về gặp vua, rồi ra lệnh cho ông về nhà nghỉ ngơi. Nếu Uria về thăm gia đình và sau đó Bathsêba có thai, âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng “Uria nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình,” và lý do ông đưa ra thật đáng khâm phục, “Hòm Bia cũng như Israel và Giuđa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Gioap và các bề tôi của chúa thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao?” (11,11). Nhưng vua Đa-vít phải tìm mọi cách che giấu tội lỗi của mình nên khi sử dụng trò gian dối không thành, nhà vua phải dùng đến thủ đoạn tàn ác nhất. Ông viết thư cho tướng Goap, căn dặn rằng: “Hãy đặt Uria ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết” (11,15). Oái ăm thay, chính Uria lại là người cầm bản án tử cho mình để nộp cho Gioap (11,14) và Đa-vít đã toại nguyện. Bathsêba làm tang lễ cho chồng, sau đó vua Đa-vít đón nàng về làm vợ mình (11,23-27).
Như thế, trong trường hợp của vua Đa-vít, gian dâm dẫn đến gian dối rồi dẫn đến sát nhân. Tội này kéo theo tội khác. Đây cũng là thực tế trong đời sống mỗi người, có điều nhiều khi ta không đủ can đảm và khiêm tốn nhận ra sự thật này. Và vì không thấy đúng sự thật nên không thấy rõ sự tàn phá của tội, cũng không đủ quyết tâm để xa tránh tội.
Tội của Đa-vít khơi nguồn từ chỗ “nhìn thấy người phụ nữ đang tắm.” Giác quan là cánh cửa cho tâm hồn mở ra với thế giới bên ngoài, nhờ đó nhận biết thế giới, thiết lập tương giao, và làm cho đời sống thêm phong phú,nhưng thế giới giác quan cũng có thể trở thành cửa ngõ cho những ham muốn tội lỗi. Vì thế, các nhà đạo đức mới nói đến việc canh chừng ngũ quan.
Cuộc đời vua Đa-vít là tấm gương sáng cho các nhà lãnh đạo cũng như cho từng người tín hữu về nhiều phương diện. Thế nhưng con người tốt lành đó cũng đã có những giây phút sa ngã trầm trọng, từ một đam mê nhất thời dẫn đến nhiều hậu quả trầm trọng.
* Sám hối.
- Biết mình: khởi điểm của hành trình sám hối (12,1-15)
Đa-vít phạm tội và tìm cách che giấu tội lỗi. Có lẽ ông đã thành công vì âm mưu của ông khéo léo quá và vì ông là vua nên không ai dám đụng tới. Nhưng hành động của ông không thể qua mắt Thiên Chúa (11,27). Ngài sai tiên tri Natan đến để giúp Đa-vít nhận ra sự thật mà ông đang tìm cách che giấu.
“Connais-toi meâme - Bạn hãy biết mình.” Người Hi Lạp coi đây là khởi điểm của triết học, và thực sự đây là chân lý căn bản nhất trong đời người nhưng cũng lại là chân lý bị lãng quên nhiều nhất. Đa-vít cũng không dễ dàng nhận ra sự thật về chính mình. Oâng vẫn tỏ ra là một vị minh quân sáng suốt và đầy tình nhân ái. Vì thế khi nghe tiên tri Natan kể chuyện về một người giàu cóù đã ức hiếp người nghèo đến độ bắt cả con chiên duy nhất của người nghèo mà làm tiệc đãi khách của mình, Đa-vít đã hùng hồn tuyên bố, “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết” (12,5). Nhưng trong khi ông sáng suốt nhận diện sự bất công mà tên nhà giàu gây ra cho đồng loại, thì ông vẫn không nhận ra sự bất công trầm trọng chính ông đã gây ra. Trong khi ông hùng hồn lên án tên nhà giàu, ông không biết rằng ông đang tuyên án chính mình! Chỉ đến khi tiên tri Natan thẳng thắn công bố, “Kẻ đó chính là ngài” (12,7), ông mới ngỡ ngàng.
- Đền tội
Khi nghe tiên tri Natan kể về một trường hợp bất công, Đa-vít đã tuyên án: “Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót” (12,6). Lời tuyên án này báo trước chính hình phạt ông phải chịu, tức là mất bốn người con. Đau đớn nhất cho Đa-vít là ở chỗ những cái chết này lại do chính anh em trong nhà sát hại lẫn nhau:
- 12,18 : con bà Bathsheba chết,- 13,28 : Amnon chết dưới tay Absalom,
- 18,15 : Absalom chết dưới tay quân sĩ của Đa-vít,
- 1V 2,24-25 : Adonijah chết dưới tay Salomon.
Theo lẽ công bằng, nếu tội lỗi đã gây ra những bất công trầm trọng cho tha nhân, thì người phạm tội cũng phải chịu hình phạt cho cân xứng. Phải chăng sự trừng phạt của Thiên Chúa cũng chỉ nhẳm tái lập sự công bằng? Chắc chắn là thế nhưng còn hơn thế. Từng bước một, Thiên Chúa giúp Đa-vít khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
- Đỉnh cao: khám phá lòng thương xót
Absalom là đứa con phản loạn. Anh ta đã giết Amnon (13,23-29) cho dù với lý do xem ra chính đáng là để báo thù cho em gái mình đã bị Amnon làm nhục! Sau đó, dù đã được vua Đa-vít tha thứ, anh ta vẫn tìm cách tạo vây cánh (15,1-5) và làm loạn chống lại chính vua cha (15,7-12) đến độ vua Đa- vít phải bỏ cả hoàng cung mà chạy trốn. Absalom còn làm những hành vi xúc phạm trầm trọng đến cha già (16,20-22).
Dù con cái ngỗ nghịch như thế, vua Đa-vít vẫn một niềm tha thứ. Đa-vít đã chấp nhận cho Absalom trở về sau khi anh ta đã giết Ammon (14,1-21). Hơn thế nữa, dù Absalom làm loạn khiến Đa-vít phải bỏ cả hoàng cung mà chạy, ông vẫn không muốn giết con. Ơng yêu cầu các tướng sĩ của mình nương tay với Absalom (18,5). Đến khi được tin Absalom tử trận, không những ông không vui mừng mà còn than lan khóc lóc, đòi được chết thay cho con: “Vua Đa-vít run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: Abasalom con ơi, Abasalom con ơi! Phải chi cha chết thay cho con!” (19,1-5).
Đây quả là đỉnh cao của câu chuyện thương tâm và cũng là đỉnh cao của tình phụ tử. Nhưng cũng chính từ kinh nghiệm làm cha như thế, vua Đa-vít khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa là Cha. Trước kia, Đa-vít có lẽ chỉ thấy được một Thiên Chúa công bằng vì tuy Người tha thứ nhưng vẫn bắt đền tội nặng nề cho xứng với tội nhà vua đã phạm. Thế nhưng kinh nghiệm ông có trước cái chết của Abasalom đã giúp ông khám phá dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Mặc cho ông ngỗ nghịch đến đâu, mặc cho ông tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm thương xót. Tình thương của Chúa lớn hơn mọi tội lỗi con người đã phạm.

Tóm lại: Chúng ta đọc thấy nơi con người Đa-vít với những nét chính yếu sau đây:
- Là một mục tử can đảm, một nhạc sĩ biệt tài (nên phần lớn các thánh vịnh được quy cho ông là tác giả).
- Là một người rất đẹp lòng Đức Chúa, vì ông có những đức tính cao đẹp, như quảng đại với kẻ thù, suy phục Đức Chúa và tha thiết với việc tôn thờ Đức Chúa.
- Đa-vít cũng là một con người đầy yếu đuối về xác thịt, nhưng biết mau mắn trở về với Đức Chúa và chấp nhận đền tội.

Bảo_†_Lâm
08-02-2012, 07:30 AM
SÁCH CÁC VUA QUYỂN 1 & 2
Dẫn nhập.
Bộ sách Các Vua kể lại những biến cố cuối đời của Đa-vít cho tới ngày vua Giơhôakhin được ân xá (-561) giữa thời lưu đày ở Babilon, quãng thời gian trên bốn trăm năm. Chính dựa theo những tài liệu đã có trước và theo mạch văn của những năm buồn thảm, tức năm -721 khi Samaria sụp đổ và vương quốc miền Bắc sụp đổ, rồi năm -587 khi Giêrusalem bình địa và vương quốc miền Nam bị tiêu diệt, mà 2 sách các Vua được soạn thảo.
Sách Các Vua tiếp liền sách Samuel. Phần cuối của tài liệu 2S 9-20 nằm trong 1V 1-2 và 3-11 là một trình thuật dài về triều đaiï Sa-lô-mon, một triều đại giàu sang với những công trình xây cất lớn lao huy hoàng ; vua thì đầy sự không ngoan. Nhưng tinh thần chinh phục của triều đại Đavit không còn : người ta chỉ lo duy trì, tổ chức, nhất là khai thác. Tình trạng xung khắc giữa hai thành phần dân tộc vẫn còn, và khi Sa-lô-mon chết, năm -931, vương quốc được chia ra làm hai do sự ly khai của mười chi tộc phía Bắc. Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi sự ly khai này kéo theo sự ly khai về mặt tôn giáo (1V 12-13).
Từ 1V 14 tới 2V 17 là lịch sử song song của hai vương quốc, Israel và Giuđa : thường là lịch sử của những cuộc xung đột của giữa hai vương quốc anh em và của những cuộc tấn công từ bên ngoài, của Aicập, của dân Aram. Nguy hiểm gia tăng khi các đạo quân của những cuộc tấn công bởi các đạo quân của Át-sua bắt đầu xuất hiện trong vùng vào thế kỷ IX và VIII.
Năm -721, Samari thất thủ. Giuđa đã là một nước chư hầu. Lịch sử Giuđa tiếp tục một mình cho đến ngày Giêrusalem bị phá huỷ, năm -587 trong 2V 18-25 21. Trình thuật đã đặc biệt chú trọng vào hai triều đại, triều Khítkigia, 2V 18-20 và triều Giosigia, 2V 22-23 được đánh dấu bởi sự thức tỉnh của tinh thần quốc gia và cuộc cải cách tôn giáo. Các biến cố chính trị lớn khi ấy là cuộc xâm lăng của Sennakêreb dưới triều Khítkigia năm -701 và sự sụp đổ của Át-sua và sự thành lập đế quốc Kanđê, dưới triều Giosigia. Giuđa buộc lòng phải thuần phục những người chủ mới của Phương Đông. Nhưng sẽ nổi dậy và hậu quả là hình phạt : năm -597, các đạo quân của Nabuchođonosor tới chiếm Giêrusalem và đưa một số dân đi đày. Mười năm sau, một âm mưu dành lại độc lập đã kéo theo sự can thiệp mới của Nabuchođonosor, kết thúc năm -587. Giêrusalem bị sụp đổ và đợt đi đày thứ hai. Sách các 1V kết thúc với hai phụ chương ngắn, 2V 25 22-30.

Tuy sách kể về nhiều sự kiện lịch sử, nhưng không nên coi đây là một công trình lịch sử thuần túy, nhưng đúng hơn là một cái nhìn lịch sử theo thần học trong suốt thời gian dân Do Thái có các vua trị vì. Cái nhìn đó chủ yếu làm nổi bật việc thịnh suy của đất nước phụ thuộc vào đạo đức của vị vua cai trị, nghĩa là vị vua có làm điều tốt trước mắt Đức Chúa và hướng dẫn dân theo Luật của Đức Chúa truyền hay không, và bao lâu dân Israel thờ phượng Đức Chúa của giao ước thì bấy lâu họ sẽ được hưởng an bình thịnh vượng. Trong thực tế, dân Israel đã gạt bỏ Đức Chúa sang một bên và chạy theo các ngẫu tượng ngoại giáo, đặc biệt là thần Baal của dân Canaan. Chính vì thế, Thiên Chúa đã thiết lập các tiên tri để họ kêu gọi dân trở về với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
Sách Các Vua vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của một cuốn sách sử, vì tác giả nhằm xây dựng một bài học tôn giáo. Các sự kiện chính trị không được phân tích đầy đủ, nhưng lại bàn khá dài những gì liên quan đến tôn giáo như đền thờ, việc tế tự, nghi thức thanh tẩy…
Chỉ có một số ít nhật ký triều đại các vị vua được kể tương đối dài, còn lại hầu hết các vua được kể rất sơ sài và theo khuôn mẫu chung lặp đi lặp lại như: thời gian trị vì bao nhiêu năm, làm điều lành hay điều dữ trước mắt Đức Chúa, vua qua đời và mai táng, giới thiệu vua mới kế vị… Trong đó, hầu như tất cả các vua phía Bắc đều bị lên án vì làm điều xấu và làm cho dân ra hư hỏng tội lỗi, còn các vua miền Nam có phần quân bình hơn, cách riêng hai vị vua được ca ngợi là tốt là Khítkigia và Giôsigia có công trong việc chấn hưng tôn giáo.
Như thế, mục đích đầu tiên mà sách Các Vua nhắm tới là cố gắng đi tìm lời giải thích làm sao để hiểu được rằng hai nước Giuđa và Israel và cả thành giêrusalem nữa một ngày kia sẽ bị rơi vào tay người ngoại, tại sao một dân tộc được đức Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập lại phải đi lưu đày, tại sao xứ sở của Lời Hứa lại bị phá huỷ? Câu trả lời chính là việc các vua trị vì hai vương quốc đã làm điều dữ, dân đã không trung thành với Đức Chúa và Isrel đã không nghe lời các tiên tri mà Chúa sai đến cảnh tỉnh họ.

I. XUẤT XỨ.
Trong bản Hípri, hai cuốn Các Vua chỉ làm thành một cuốn, việc chia ra thành Các Vua 1 và 2 là do bản dịch LXX (Hy Lạp), chính việc tách ra làm cho trình thuật về triều đại vua akhátgiahu và câu chuyện tiên tri Êlia bị đứt đoạn (bắt đầu từ 1V 22, 54 và kết thúc ở 2V 1).
Có lẽ phần lớn sách này tác giả dựa trên niên đại các vua (trong sử ký triều đình) Giuđa và Israel, ngoài ra cũng không thiếu những nguồn truyền khẩu trong dân về sự nhận định khen chê các triều đại vua của họ. Có vẻ như tác giả còn là một nhân chứng khi mục kích sự sụp đổ của giêrusalem (-587), vì thế có thể suy đoán rằng, tác giả là một tư tế đã viết sách này vào khoảng năm -580.
Thời gian sau, qũang năm -550 và trước khi nhưng người lưu đày hồi hương, cũng trên đất Palestin, một soạn giả thứ hai có lẽ đã đọc lại và bổ sung thêm những trình thuật và những truyền thống mà ông sưu tập được, như: l5ch sử việc nối ngôi vua kéo dài từ sách Samuel qua, việc phong toả Giêrusalem (2V 18-19), việc nữ hoàng Sơva đến chiêm ngưỡng sự khôn ngoan của Sa-lô-mon. Soạn giả này còn đặc biệt nói đến tầm quan trọng của luật và các tiên tri, nên có thể nói được là tác giả là một nhân vật thuộc giới tiên tri.
Sau cùng vào cuối thế kỷ –VI sách được hiệu đính và bổ sung thêm nữa do các ký lục thuộc giới Lêvi.

Sách Các Vua kể ra ba trong số các nguồn văn của mình : một lịch sử của Sa-lô-mon, Ký sự các vua Israel và các ký sự vua của Giuđa. Ngoài ra còn các nguồn văn khác, ngoài phần cuối của tài liệu quan trọng về Đavit, 1V 1-2, một phần mô tả Đền Thờ, gốc tư tế, 1V 17 2V 1 và 2V 2-13. Các trình thuật về triều Khítkigia, đề cập tới Isaia xuất phát từ các đồ đệ của tiên trị này.
Khi việc soạn tác không sử dụng các nguồn văn thì các biến cố được đóng khung trong một khuôn mẫu nhất định: mỗi triều đại được đề cập tới một cách riêng rẽ, đầu và cuối các triều đại được ghi bằng những công thức hầu như nhất định, kèm theo một sự phê phán về thái độ tôn giáo của vua. Tất cả mọi vua Issrael đều bị lên án vì cái tội "nguyên thuỷ" của vương quốc này : đó là việc thành lập đền thờ Baal; trong số các vua của Giuđa, chỉ có tám vị là được khen ngợi vì sự trung tín đối với lệnh truyền của Giavê. Nhưng sự khen ngợi này đã sáu lần bị giới hạn bởi nhận xét: "Các cao đàn không bị huỷ"; chỉ có Khítkigia và Giosigia là được tán tụng không dè dặt.
Các sự phê phán hiển nhiên dựa vào luật về sự thống nhất đền thờ. Nhưng hơn nữa : việc khám pha ra sách Luật dưới triều Giosigia và cuộc cải cách tôn giáo là điểm cao của tất cả lịch sử này và tất cả tác phẩm là một sự minh chứng cho luân thuyết căn bản của Tl và được lập lại trong 1V 8 và 2 V 17 : nếu dân tuân giữ giao ước ký kết với Thiên Chúa sẽ được chúc lành, còn nếu vi phạm sẽ bị sử phạt. Ảnh hưởng của Luật còn thấy trong điệu văn mỗi khi soạn giả khai triển hoặc chú giải các nguồn văn.
Có thể việc soản thảo thứ nhất theo tinh thần Đệ Nhị Luật được thực hiện trước lưu đày, trước khi Giosigia chết tại Mơgiđđô, năm -609, và lời khen ngợi này, 2V 23 25 (trừ các câu cuối) sẽ là phần kết luận của tác phẩm tiên khởi. Một ấn bản thứ hai, cũng thuộc Đệ Nhị Luật, được thực hiệân trong thời lưu đày, sau năm 562 nếu phần cuối sách hiện tại là 2V 52 22- 30, và sớm hơn một chút, nếu tác phẩm ngừng sau trình thuật về cuộc đưa đi đày lần thứ hai, 2V 25 21. Và cuối cùng, có thêm ít khúc, trong và sau lưu đày.

II. BỐ CỤC.
Sách Các Vua được chia làm 3 phần chính:
Phần I: Triều đại vua Sa-lô-mon (1V 1-11).
Phần II: Lịch sử song song hai vương quốc Nam và Bắc (1V 12- 2V 17).
Phần III: Vương quốc miền Nam từ sau khi miền Bắc sụp đổ (2V 18-25).

III. PHÂN TÍCH.

Phần I: Triều đại vua Sa-lô-mon (1V 1-11).

Trong phần này, tác giả nhắc lại tập hồi ký của gia đình Đa-vít, rồi hết lời ca ngơi tất cả những gì nói lên vinh quang của Sa-lô-mon là vị vua lớn trong lịch sử dân tộc Israel về mọi lãnh vực, mà công trình quan trọng bậc nhất là xây dựng đền thờ Giêrusalem.
a, Sự khôn ngoan của Sa-lô-mon.
Thời kỳ Sa-lô-mon trị vì có thể nói là đạt tới đỉnh vinh quang (tất nhiên là trong cái nhìn đương thời của Israel). Về tài liệu, có lẽ phần này tác giả sử dụng nguồn chính là sử ký triều đình của Sa-lô-mon, có thể nói những gì mô tả khá chính xác, nhưng những gì biện hộ và ca tụng không hẳn là viết sử và không loại trừ những thêm thắt vào, nhất là những ca tụng có phần phóng đại về quyền lực, giàu có và sự khôn ngoan.
Ý nghĩa của hai chữ “khôn ngoan” được hiểu là những đức tính cần thiết mà Đức Chúa ban cho vua để cai trị, chứ không có tính chủ yếu luân lý như các triết gia ngày nay định nghĩa. Theo quan niệm Đông Phương cổ đại, khôn ngoan là một sự tài khéo đặc biệt để điều hành về chính trị và hành chánh.
b, Lời cầu xin của Sa-lô-mon.
Sa-lô-mon được xức dầu tấn phong làm vua vào năm -970. Khi lên ngôi vua, ông đã cầu xin Chúa “ban cho ông một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và biết phân biệt phải trái” (3,9). Lời cầu xin của ông đẹp lòng Thiên Chúa, và Người đã ban cho ông sự minh triết khiến ông nổi tiếng là khôn ngoan và được coi như hình mẫu của sự khôn ngoan trong lịch sử dân Israel.
Lời cầu xin của Sa-lô-mon phát xuất từ tâm hồn khiêm tốn, ý thức rằng sẽ không thể chu toàn trách nhiệm lớn lao được trao phó nếu không có ơn Chúa phù trì. Lời cầu xin đó cũng cho thấy tầm quan trọng của sự lắng nghe, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe tiếng dân, vì nếu không lắng nghe thì sẽ không nhận ra sự thật và không thể đáp trả những nguyện vọng của Dân Chúa.
Điều đáng tiếc là Sa-lô-mon đã không trung thành mãi với ý nguyện ban đầu. Ông đã không còn lắng nghe tiếng Chúa, cũng chẳng nghe tiếng than thở của dân (chương 9), càng ngày càng sa đà vào lối sống của dân ngoại, nhất là xây dựng những đền miếu thờ thần cho các bà vợ dân ngoại, để rồi làm dịp tội cho dân Israel và vì thế đưa đất nước đến chỗ suy vong sau này.
c. Xây dựng Đền Thờ.
Vua Đa-vít ước mong xây dựng Đền thờ kính Đức Chúa, nhưng ước nguyện này chỉ được hoàn thành dưới triều Sa-lô-mon. Vào năm thứ tư triều đại mình, Sa-lô-mon đã bắt đầu công trình xây dựng đền thờ, và sau bảy năm, công trình được hoàn thành (chương 6). Sau khi hoàn thành, nhà vua đã cho kiệu Hòm Bia của Đức Chúa vào Đền Thờ, và vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ.
Thiên Chúa chẳng lệ thuộc vào một ngôi nhà bằng gạch đá, Người chỉ hiện diện ở đó vì tình thương đối với dân. Khi dân không còn trung tín nữa thì ngay cả sự hiện diện của Đền Thờ cũng không cần thiết! Sách Các Vua đã kết thúc với sự kiện bi đát là Đền thờ bị phá huỷ và dân bị đem đi lưu đày. Chính Chúa đã cảnh báo Sa-lô-mon từ trước, “Nếu ngươi và con cháu các ngươi tráo trở bỏ đường lối Ta…. Thì Ta sẽ tiêu diệt Israel khỏi phần đất Ta đã ban cho chúng. Còn Đền thờ Ta đã thánh hoá để kính Danh Ta, Ta sẽ loại trừ khỏi nhan Ta, và Israel trở thành bia miệng cho mọi dân tộc đàm tiếu” (9,2).

Phần II: Lịch sử song song hai vương quốc Nam và Bắc (1V 12- 2V 17).
Cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo chia cắt dân tộc làm hai. Từ đó hai bên ở trong tình trạng huynh đệ tương tàn cho đến thời Akháp lên ngôi ở Israel đem lại một thời gian hoà hoãn và liên kết cho tới triều đại Giôát. Sau đó lúc thì dửng dưng, khi lại đánh nhau và đến năm -721 thì vương quốc Israel bị Átsua bắt đi lưu đày. Trả lời cho sự sụp đổ của Israel, tác giả sách Các Vua lý giải rằng do vua và dân nước này chìm đắm trong tội lỗi khi thờ các thần dân ngoại…
a. Chính trị và tôn giáo
Sau cuộc ly khai về chính trị, Giơroboam làm vua toàn Israel, chỉ còn Giuđa theo nhà Davit (12,20). Giơroboam quyết định đặt 2 bò mộng bằng vàng ở Bethel và Dan nhằm mục đích chính trị là để dân khỏi phải lên Giêrusalem để làm việc thờ phượng, và như thế ông giữ dân ở lại với mình (12,26-33). Như thế, tôn giáo đã bị lợi dụng để phục vụ cho ý đồ chính trị, sử dụng tôn giáo như công cụ cho ý đồ chính trị của mình. Thiên Chúa không còn là Đấng được tôn thờ nhưng chỉ là phương tiện phục vụ những tính toán quyền lực của con người. Đương nhiên Thiên Chúa không thể chấp nhận điều đó (13, 1-5).
b. Đạo lý về tiên tri.
* Một vài ghi nhận về tiên tri Elia.
Tên gọi của tiên tri Elia có nghĩa: Giavê là Thiên Chúa của tôi. Ta không có đầy đủ những sử liệu về việc sinh hạ và thiếu thời của tiên tri. Tuy nhiên, ta biết chắc rằng tiên tri Elia đã hoạt động dưới thời các vua Ahab, Ahaziah, và Jehoram (873-843 BC). Các vua thời đó thờ phượng Thiên Chúa nhưng cũng chạy theo các thần ngoại (Baal và Ashera) để cầu mưa nhằm làm tươi tốt đất đai. Nhiều tiên tri và tư tế khác cũng chạy theo, nhưng Elia cương quyết đòi hỏi một niềm tin trọn vẹn và tinh tuyền vào Giavê. Hoàng hậu Jezabel là người Phoenician, cũng là người đỡ đầu cho những việc thờ cúng ngoại giáo này, và tiên tri Elia đã gặp nhiều khó khăn với bà hoàng hậu này.
* Tiên tri Elisê
Trong trình thuật về ơn gọi của Elisê, nên quan tâm đến một vài chi tiết: Áo choàng của Elia là biểu tượng quyền năng của vị tiên tri (x.2V 2, 8.14: đập áo choàng rẽ biển). Elisê đã đáp lại lời mời gọi bằng cách giết bò và lấy cày làm củi. Hành động này diễn tả quyết tâm dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo thầy.
Tiên tri Elisê làm nhiều phép lạ: những phép lạ trên sự vật như chữa lành nước uống, lượng dầu của bà goá nghèo khổ; những phép lạ trên bệnh tật và cả thần chết. Điều cần nhấn mạnh ở đây là quyền năng của Lời Chúa, Lời chữa lành, Lời ban sự sống. Ý nghĩa này được thể hiện cách cụ thể qua phép lạ chữa lành Naaman.
Vua Israel bất lực trước cơn bệnh của Naaman. Dù thương mến vị tướng này hết sức, nhà vua không thể giúp gì được. Như thế, quyền lực chính trị và quân sự không phải là tất cả. Rộng hơn nữa, mọi thứ quyền lực con người có trong tay đều có những giới hạn của nó. Sự giới hạn này gắn liền với chính thân phận hữu hạn của loài thụ tạo. Không biết nhìn nhận những giới hạn này là không sống đúng với sự thật về con người, và có thể dẫn đến những hành động tai hại.
Thái độ của Naaman: Ông từ chối đi tắm ở sông Giođan theo yêu cầu của tiên tri Elisê vì lập luận rằng có nhiều dòng sông ở quê ông còn tốt hơn. Chính ở đây, độc giả khám phá ý nghĩa của bản văn: vấn đề không phải là dòng sông mà là lời của vị tiên tri dạy, đúng hơn là Lời Thiên Chúa phán qua miệng vị tiên tri. Chính Lời Thiên Chúa làm cho nước sông Giođan có khả năng chữa lành, chính Lời Thiên Chúa chữa lành và ban sự sống .
* Đạo lý về tiên tri.
Trong mọi trường hợp, các tiên tri nói nhân danh Đức Chúa, kêu gọi mọi người vâng nghe lời Đức Chúa và hứa cho họ được Người che chở. Chủ đích của các tiên tri là làm sao cho lề luật và công lý trong Isrel được tôn trọng. Các tiên tri hoạt động trong cả lãnh vực tôn giáo, luân lý và chính trị, vì tất cả đều đặt dưới quyền của một Đức Vua tối cao là Đức Chúa.
Tiên tri là người được Chúa sai đi để công bố Lời Chúa cho dân, vì thế các ngài nhấn mạnh rất nhiều đến việc trung tín với Lời Chúa. Có thể lấy một vài câu chuyện trong Sách Các Vua để minh hoạ.
- Truyện bà Jezabel
Vì lòng tham, hai vợ chồng vua Achaz sử dụng mọi thủ đoạn tồi tệ nhất để chiếm đoạt vườn nho của Nabot. Nabot bị tố cáo tội phạm thượng đến Thiên Chúa và Đức Vua, và ông bị ném đá chết. Và nhà vua ung dung chiếm đoạt vườn nho của Nabot (1V 21, 4-15). Thế nhưng tiên tri Elia được Chúa sai đến tuyên án lệnh của Thiên Chúa, một án lệnh khủng khiếp: “Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi, Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi… Chó sẽ ăn thịt Jezabel…” 1V 21,23. Và án lệnh đã được thi hành: vì vua Achaz bày tỏ lòng sám hối nên Chúa phán, “Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống nhà nó” (21,29). Nhưng bà Jezabel đã phải chịu hình phạt như Lời Chúa phán (2V 9, 30-37).
- Truyện Vua Ahaziah
Nhà vua đau ốm và sai người đi thỉnh ý thần Baal xem có qua nổi cơn bệnh không (2V 1,2). Quả là một cử chỉ tỏ tường cho thấy nhà vua đã bỏ Chúa để tin theo các thần tượng ngoại giáo. Vì thế Chúa phán qua miệng tiên tri Elia: “Ở Israel không có Thiên Chúa hay sao, mà các anh lại đi thỉnh ý Baal… Vì thế Đức Chúa phán thế này: ngươi sẽ không xuống khỏi giường mà ngươi đã lên nằm, vì thế nào ngươi cũng chết” (2V 1, 3-4). Và án lệnh của Thiên Chúa đã được thi hành (2V 1,17).
Hai câu truyện trên và nhiều sự kiện khác trong sách đều nhằm làm nổi bật đòi hỏi trung tín với Thiên Chúa và với giao ước. Đây không phải là lời đe doạ nhưng là lời mời gọi cho tất cả các tín hữu, để mỗi người cố gắng sống trung tín với ơn gọi đã lãnh nhận: ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi linh mục tu sĩ. Cuộc sống ta sẽ chỉ có hạnh phúc thật sự sâu xa và bền vững khi sống sự trung tín này.

Phần III: Vương quốc miền Nam từ sau khi miền Bắc sụp đổ (2V 18-25).
Phần này tường thuật về vương quốc Giuđa thời gian từ năm -721 đến năm -587, nghĩa là sau khi vương quốc phía Bắc sụp đổ cho đến khi Giuđa bị lưu đày sang Babilon. Tác giả đặc biệt chú trọng tới hai vua được xem là sùng đạo nhất là Khítkigia (716-687) và Giôsigia (640-609): Vua Giosigia đã biết nghe lời tiên tri Isaia mà giữ vững niềm tin vào Đức Chúa trong lúc vương quốc bị lâm nguy, còn vua Giôsigia có công phục hưng tôn giáo sau khi tìm thấy Sách Luật. Còn lại, các vua khác đều suy nhược và không làm đẹp lòng Đức Chúa đã đưa dân đến bờ vực diệt vong.

Kết thúc sách Các Vua ghi lại một niềm hy vọng cho dân Chúa, vì đối với tác giả, lý do trực tiếp đưa tới việc ly khai Nam – Bắc và việc Giuđa sụp đổ chính là tại bởi những người kế vị vua Đa-vít (vua tốt) không tuân phục Đức Chúa. Tuy nhiên, lời hứa cho nhà Đa-vít tồn tại (1V 2,4; 15,11; 2V 8,19) vẫn mở ra niềm hy vọng. Ngay tại nơi lưu đày, vua Babilon vẫn đối xử thiện cảm với vua Giuđa (x. 2V 25,29) và cuối cùng vua Giơhôgiakhin được phóng thích.
Sách Các Vua phải được đọc trong tinh thần, theo đó các sách này đã được viết ra: một lich sử của cuộc cứu thoát. Thái độ vô ơn của dân được chọn, sự sụp đổ kế tiếp nhau của hai phần của dân tộc xem ra đã làm hỏng kế đồ của Thiên Chúa. Nhưng người ta thấy luôn luôn có một nhóm trung tín không chịu quì gối trước Baal, một số sót của Sion trung tín với Giao Ước, để bảo đảm tương lai. Tính cách vững chắc của quyết định của Thiên Chúa được bộc lộ trong sự tồn tại liên liên tục lạ lùng của dòng dõi Đa- vít, mang các lời hứa về Mêsia. Và tác phẩm, dưới hình thức cuối cùng của nó, kết thúc trên ân huệ được ban cho Giơhôgiakhin, như trên bình minh của sự cứu chuộc.

Bảo_†_Lâm
08-02-2012, 08:52 PM
SÁCH SỬ BIÊN NIÊN
Từ khi trở về sau lưu đày, dân xứ Giu-đa đã xây dựng một cộng đồng lấy đền thờ làm trung tâm và Luật Mô-sê làm luật sống. Cộng đồng này vẫn được đế quốc Ba Tư, rồi đế quốc Hi Lạp dành cho một quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của tầng lớp tư tế. Nhưng từ ngày hồi hương, họ luôn gặp sự chống đối của cộng đồng Sa-ma-ri ở phía bắc. Cộng đồng này cũng nhận sách Luật Mô-sê do Ét-ra công bố, nhưng vẫn không muốn thuộc quyền giới tư tế ở Giê-ru-sa-lem. Vào những thập niên đầu của đế quốc Hi Lạp (do A-lê-xan-đê Đại Đế mở mang), cộng đồng Sa-ma-ri đã xin được quyền xây một đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Thế là sự cạnh tranh giữa hai cộng đồng và hai đền thờ trở nên gay gắt.
Trong bối cảnh ấy, bộ lịch sử thuộc trào lưu tư tế ra đời gồm các sách 1-2 Sử biên niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Tác giả thuộc giới tư tế, trong thành phần lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. Sử dụng tư liệu trong các Sách Thánh có trước và nhiều sách khác nay đã thất lạc, tác giả viết lại lịch sử của Ít-ra-en nhằm giúp cho cộng đồng Do Thái lấy lại gốc rễ của mình và nhận ra mình đang sống cùng một lịch sử thánh như các thế hệ trước lưu đày. Tác giả trình bày vua Đa-vít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa và đền thờ Giê-ru-sa-lem là dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa. Công và tội của các vua được lượng giá tuỳ sự trung thành với Lề Luật và phụng tự đền thờ. Sự khẳng định ấy đồng thời cũng là một lời kết án và loại trừ đền thờ Ga-ra-dim và cộng đồng quy tụ quanh đền thờ ấy. Nhằm minh chứng quan điểm thượng tôn Giê-ru-sa-lem, tác giả đã đánh bóng khuôn mặt của Đa-vít và coi ông là người đã thiết lập toàn bộ nền phụng tự đền thờ như đang diễn ra ở thời ông. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giê-ru-sa-lem, đền thờ, Luật Mô-sê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.

Sách Sử Biên Niên trong tiếng Híp-ri là דברי הימים (Dibh're Hayyamim), và tiếng Hi Lạp là Paralipomenon. Tựa đề sách Sử Biên Niên (chroniques) hợp với tựa đề trong bản Híp-ri hơn là trong bản dịch Hi Lạp (LXX) với cái tên Paralipomènes (nghĩa là “những điều bỏ sót”). Trước đây, sách này thường được coi là phần bổ sung cho những gì còn bị bỏ sót trong các sách Samuel và Các Vua cùng một phần nhỏ trong các sách Sáng Thế, Xuất Hành, Dân Số và Giôsuê. Tuy nhiên, không hẳn là như thế, vì Sử Biên Niên có sự phong phú riêng và cung cấp nhiều dữ kiện lịch sử (chẳng hạn như việc kê khai khá chi tiết về các chi tộc, về địa dư, về công việc xây cất…). Cũng như các sách trước đó, sách Sử Biên Niên mang tính thần học hơn là lịch sử. Đặc biệt, sách Sử Biên Niên cho ta một bằng chứng, có lẽ duy nhất trong sách Thánh, về cách viết lại các sách thời trước theo thể văn MIDRASH (thể văn giải thích sách cũ bằng cách cập nhật hoá hoặc hiện đại hoá nó).
Giáo huấn của sách Sử Biên Niên rất rõ ràng: Israel hợp thành một cộâng đoàn tôn giáo để Thiên Chúa thực hiện Nước của Người. Mẫu mực Nước đó có thể tìm thấy trong quá khứ khi vua Đa-vít đặt nền tảng cho một chính thể lấy Thiên Chúa làm chủ. Vì thế, tác phẩm này xem Đa-vít là nhân vật lớn nhất và trong khi kê khai các chi tộc, tác giả đã đặt gia đình Đa-vít đứng đầu; Môsê là nguồn gốc các cơ chế có trước vương quốc, còn Đa-vít thì có trách nhiệm tổ chức tôn giáo sau đó như phụng vụ ca hát, tầng lớp tư tế…
Nhưng từ sau ngày lưu đày trở về, mọi tham vọng chính trị đều thất bại; từ nay quốc gia được thay thế bằng một cộng đoàn tôn giáo, trong đó các tư tế hướng dẫn dân được tuyển chọn để đưa họ đến sự thánh thiện. Sự thánh thiện này làm cho họ trở thành một vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thật sự. Thần học lịch sử trong sách này dưới một hình thức rõ rệt hơn là trong sách Các Vua, vì trong thần học ấy trình thuật một cách xác định. Trong tinh thần đó, để khỏi làm độc giả khó chịu, tác giả khi nói đến Đa-vít, không đả động gì đến tội ngoại tình với Bết-se-va; cũng theo viễn tượng được nhắm vào đó, vụ phân ly thành hai vương quốc vì là vết thương sâu độc làm hại đến lý tưởng của Israel, tác giả cũng chỉ nói phớt qua cho vương quốc miền Bắc thôi.

I. XUẤT XỨ.
Hai sách Sử Biên Niên ban đầu chỉ là một được soạn vào khoảng năm -300, nghĩa là rất lâu sau khi hồi hương. Sách kể rất vắn tắt về thời kỳ từ ngày Ađam bị đuổi khỏi địa đàng cho đến ngày phong vương cho Saun, thời gian đó bao lâu thì chỉ có Chúa biết, nhưng kể chi tiết hơn đối với thời kỳ Các Vua và thời kỳ kết thúc lưu đày Babilon.
Chúng ta dễ nhận thấy tác giả sách này phải là một thầy Lêvi. Thật vậy, so sánh hai trình thuật song song việc di chuyển Hòm Bia về Giêrusalem (2Sm 6 // 1Sbn 15-16) cho thấy trình thuật trong Sử Biên Niên dành một vị trí đặc biệt cho các thầy Lêvi hơn trong trình thuật sách Các Vua. Hơn nữa, khi đối chiếu 1V 8,11-13 với 2Sbn 5 về việc đặt Hòm Bia trong Đền Thờ cũng đưa tới cùng một kết luận: môi trường chính của sách Sử Biên Niên là giới Lêvi của Đền Thờ. Đặc biệt, đó là giới ca viên, trong đó có tác giả sách này, dù là một người hay một nhóm .
Bối cảnh lịch sử để soạn thảo nên sách Sử Biên Niên rất khác với bối cảnh lịch sử mà tác giả sách Các Vua đã sống. Tác giả sách Các Vua viết trong tai hoạ, còn tác giả sách Sử Biên Niên được hưởng cảnh thái bình, nên có thời giờ thong thả để sắp xếp những sự kiện, đồng thời đặt vào đó những suy tư thần học và giải thích sách cũ bằng cách cập nhật hoá hoặc hiện đại hoá nó.
Trong các nguồn tài liệu được tác giả sử dụng như sách Samuel, Các Vua, Đệ Nhị Luật, Hôsê, Giêrêmia, còn có những tài liệu do nguồn khác nữa, kể cả những nguồn không thuộc Thánh Kinh. Nhưng cách chung, sách không thuật lại một lịch sử hoàn toàn mới, mà đúng hơn là cái nhìn mới để đưa ra một giáo huấn về tôn giáo cho thật rõ ràng.
Một trong những lối trình bày chính là lối trình bày các phổ hệ. Lối trình bày này được hệ thống hoá, vì ngay sau khi đưa ra nguồn gốc của ba nhóm thuộc dòng dõi Nôê, tác giả đi ngay đến Abraham. Người ta cũng chú ý đến sự khác biệt, hoặc so với bản văn của sách Sáng Thế, hoặc từ đoạn này đến đoạn khác của ngay trong sách Sử biên Niên cũng thấy khác. Chẳng hạn dòng dõi của một chi tộc chỗ này kể thấy khác chỗ kia, tuỳ thời kỳ và tuỳ sự giao dịch với các nhóm lân cận. Những bộ tộc phía Nam, không có định cư hẳn ở Giuđa lại được nhắc đến chỉ vì tác giả dưa theo truyền thống mà không tìm để dung hoà, nhưng vì truyền thống đó cho biết một tình trạng rất cổ và ít được biết đến.
Mối bận tâm của tác giả sách Sử Biên Niên là giúp độc giả dễ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng thần học của một tác phẩm, mà theo một bình luận quá thiên về lịch sử thì không có giá trị lắm. Sự thật thì, để dựng lại quá khứ, rất khó dựa vào Sử Biên Niên, nhưng ưu tiên phải được dành cho sách Samuel và sách Các Vua.

II. BỐ CỤC
Việc chia sách thành hai cuốn như hiện nay làm giới hạn tầm nhìn về cấu trúc toàn bộ tác phẩm. Không thiếu những học giả đã phải gượng ép chia sách thành 4 phần, trong đó mỗi cuốn chia thành hai phần:
Phần I: Lược sử gia phả, chuyện ký kết nơi nhà Saun và việc thiết lập giai đoạn cho sự phát triển triều đại Đa-vít (1Sbn 1-10).
Phần II: Lịch sử triều đại Đa-vít (1Sbn 11-29).
Phần III: Lịch sử triều đại Sa-lô-mon (2Sbn 1-9).
Phần IV: Là một biên niên sử của các vị vua của Giu-đa đến thời điểm các lưu đày Babylon , kết thúc với lời kêu gọi của Kyrô đại đế cho những người lưu vong trở về với đất của họ.

Còn dưới đây là cách chia bố cục mà nhiều học giả đồng ý nhất:
Phần I: Lịch sử dân Israel trước thời Đa-vít viết dưới dạng gia phả (1Sbn 1-9,44).
Phần II: Thời Israel thống nhất (1Sbn 10-2Sbn 9).
Phần III: Thời tách hai vương quốc Giuđa và Israel (2Sbn 10-28).
Phần IV: Cuộc phục hưng tôn giáo đầy khó khăn tại Giu-đa (2Sbn 29-36).

III. NỘI DUNG
Toàn bộ tác phẩm là một suy tư thần học về lịch sử thăng trầm của dân Israel khởi từ nguyên tổ A-đam cho đến lúc Israel từ Ba Tư hồi hương về Palestin. Lịch sử trở thành cái cớ để suy tư về những hình ảnh chứng tá xét dưới khía cạnh trung thành với Thiên Chúa, nhất là trong việc phụng tự: Một vị vua tốt là vị vua dành ưu tiên và duy nhất trong việc phụng tự cho Gia-vê Thiên Chúa, kiên quyết bài trừ các tôn giáo thờ thần và các kiểu thờ phượng ngoại giáo. Đời sống của dân được đánh giá tốt xấu cũng tuỳ thuộc vào đạo đức của ông vua cai trị họ. Nói tóm lại, tác giả sách Sử Biên Niên nhằm xây dựng một suy tư thần học về lòng trung thành với Thiên Chúa.

Phần I: Lịch sử dân Israel trước thời Đa-vít viết dưới dạng gia phả (1Sbn 1-9,44).
1. Giới thiệu về gia phả
Qua các gia phả, phần mở đầu sách Sử Biên Niên nhắc lại tất cả các sách đã được ghi chép từ sách Sáng Thế đến sách Các Vua. Nhưng gia phả ấy cung cấp một bài học đáng ngạc nhiên về sự khiêm tốn. Những nhân vật “lớn” của Thánh Kinh đứng sắp hạng, chỉ bằng vài nét, lẫn lộn trong đám đông của những người từ thế hệ này qua thế hệ kia nhận phần của loài người trong lịch sử cứu độ. Nhìn chung, những gì chi tiết hơn đã được các sách sử trước đó ghi chép, việc của sử biên niên không phải để bổ sung, cũng không nhằm để tóm tắt, nhưng nhằm nhìn lại các gia phả và các sự kiện trong cái nhìn thần học và hiện tại hoá nó ngay trong thời đại hậu lưu đày. Bên cạnh đó, với cái nhìn về lịch sử cứu độ, về sự thành hình và phát triển dân tộc Israel thì phải đẩy lên tận nguồn gốc phát xuất, vì thế, khi kể về những nhân vật lớn như Đa-vít hay Sa-lô-mon trong thời quân chủ cũng như kể về các chi tộc, đương nhiên tác giả đồng thời cung cấp nguồn gốc của tiền nhân. Ngoài ra, còn có danh sách những người hồi hương từ sau lư đày, đặc biệt nói đến các tư tế và những người có phận vụ liên quan đến phụng tự (1Sbn 9,1-44).

2. Các chi tộc Israel.
Sự khác biệt về hoàn cảnh sống của dân Israel hậu lưu đày khác hẳn thời Các Vua. Thời này, Israel chỉ còn như là một tỉnh lẻ, không còn là một dân tộc hoàn toàn độc lập, mà sống dưới sự can thiệp của Ba Tư, dù ương đối được tự trị và khá tự do tôn giáo. Và lúc này, người ta càng khao khát mãnh liệt hơn Đấng Messia xuất hiện. Chính vì thế, sách sử biên niên hầu như chỉ quan tâm đến lịch sử các triều đại vua Giuđa là hậu duệ của Đa-vít. Trong khi tác giả kể ra danh sách các tổ phụ của vua Đa-vít lên đến ông A- đam, nhưng lại không đề cập gì đến vương quốc phía Bắc (Israel), nơi mà đại đa số “dân được tuyển chọb” cư ngụ, chỉ vì Israel đã tách khỏi vương quốc của vua Đa-vít, tách khỏi Đền Thờ Giêrusalem.
Tuy nhiên, đã nói đến dân tộc Israel thì ai cũng nghĩ ngay đến 12 chi tộc (là con cháu tổ phụ Giacóp). Cho nên, dù không tường thuật về mức độ quan trọng của các chi tộc, sách Sử Biên Niên vẫn ghi vắn tắt lại gia phả các chi tộc.
Chi tộc là một nhóm những gia đình cùng nhận một tổ tiên chung. Nếu nghiên cứu kỹ truyền thống thì dễ nhận thấy dòng giống thiêng liêng thường tahy thế dòng giống cốt nhục. Một số bản văn cung cấp khá đầy những chỉ dẫn về cách tổ chức nội bộ các chi tộc (x. Gs 7,16-18; 1Sm 10,20). Chi tộc hình thành do nhiều gia đình. Những gia đình này họp thành một số những “đại gia đình” hay “họ” và lấy tên ông tổ hoặc tên họ của ông tổ mà gọi.
Ngoài liên hệ cốt nhục, còn có nhiều liên hệ khác để cấu tạo nên một chi tộc: cuộc sống chung đụng làm các gia đình pha trộn nhau; những phần tử yếu kém bị đồng hoá bởi thân cận mạnh hơn. Nhiều nhóm yếu kém đoèn kết với nhau để có thể đương đầu với kẻ chiếm đoạt xâm lăng. Những cá nhân có thể được kết nạp vào một gia đình, như hôn phối, con nuôi…
Khi định cư, chi tộc là một đơn vị theo đất đai. Liên hệ của mọi liên hệ của các chi tộc Israel là liên hệ niềm tin chung vào một Giavê Thiên Chúa duy nhất và tất cả đều giữ lề luật của Người.
Có hai trường hợp ngoại lệ chỉ có trong dân tộc Israel là chi tộc Giu-se được chia làm hai cho hai con mình là Ep-ra-im và Mơ-na-sê, cùng với việc chi tộc Lêvi được dành riêng làm tư tế không có phần đất đai riêng mà sống bằng huê lợi đóng góp cho Đêàn Thờ. Vì thế, cũng cần phân biệt rằng, khi nói đến chi tộc Israel thì phải hiểu là 12 chi tộc con cái gia-cóp; chỉ khi nào nói về việc phân chia đất đai thì người ta mới kể theo sự phân chia dành cho 2 người cháu của Giacóp là Eùp-ra-im và Mơ-na-sê.:
1. Chi tộc Giuđa (con trai thứ tư của Giacop và Lia).
2. Chi tộc Issakar (con trai thứ sáu của Giacop và Lia).
3. Chi tộc Zabulon (con trai thứ năm của Giacop và Lia).
4. Chi tộc Ruben (con trai cả của Giacop và Lia).
5. Chi tộc Simêon (con trai thứ hai của Giacop và Lia).
6. Chi tộc Gad (con trai thứ nhất của Giacop và cô hầu Zinpha).
7. Chi tộc Lêvi (con trai thứ ba của Giacop và Lia – con trai thứ tám).
8. Chi tộc Ephraim và Mơnasê (con của Giuse, Giuse là con đầu lòng của Giacop và Rachel – con trai thứ mười một).
9. Chi tộc Benjamin (con trai út của Giacop và Rachel – con trai thứ mười hai).
10. Chi tộc Đan (con trai thứ nhất của Giacop và cô hầu Bilha – con trai thứ bảy).
11. Chi tộc Aser (con trai thứ hai của Giacop và cô hầu Zinpha –con trai thứ bảy).
12. Chi tộc Nephtali (con trai thứ hai của Giacop và cô hầu Bilha – con trai thứ mười).

Phần II: Thời Israel thống nhất (1Sbn 10 - 2Sbn 9).
Nội dung phần này đặc biệt tập chú đến ba vị vua đầu tiên của Israel:

1, Vua Saun – mẫu vua bất trung (1Sbn 10).
Khi nói về Saul, tác giả Sử Biên Niên không phân tích chi tiết như trong sách Samuel (từ việc giới thiệu về thân hình cao lớn, những trận đánh oai liệt, đến những lỗi lầm bất trung của Saul phạm như không vâng lời, chạy theo đồng bóng và nhất là sự ghanh ghét tàn ác với Đa-vít). Sách Sử Biên Niên chỉ giới thiệu sơ lược về gia phả của Saul, trận đánh ở Ghinbôa khiến Saul tử trận và một lời bình ngắn gọn ở chương 10 câu 13 rằng: Vua chết vì đã thất trung với Đức Chúa, không tuân giữ lời Đức Chúa truyền, lại còn tìm một bà đồng bóng để thỉnh vấn nữa. Cách diễn tả như thế như là một sự giới thiệu vị tiền nhiệm của Đa-vít đã sống bất trung với Đức Chúa và bị phế bỏ, ngầm ý cho chuẩn bị cho vị vua mẫu mực là Đa-vít mà tác giả sẽ hết lời ca ngợi trong những chương kế tiếp.

2, Vua Đa-vít - mẫu vua trung tín (1Sbn 11-29).
Nổi bật trong Sử Biên Niên là vì Đa-vít có một vận mệnh huyền bí, một đời sống phiêu lưu và đầy sóng gió, trên bình diện xã hội cũng như bình viện luân lý và thiêng liêng. Nhân vật đầy nhân bản này, trong chiến thắng cũng như trong đắng cay xuất hiện như con người toàn diện: quy tụ vào một cá nhân với nhiều điểm khác biệt. Đúng vậy, những đức tính của Đa-vít cũng như tội lỗi của ông, mà tác giả Sử Biên Niên muốn bỏ qua, đạt tới cường độ vĩ đại, mà nhiều người không thể với tới nổi. Trong con người hiếu chiến hùng hổ đó có cả một tâm hồn thi sĩ và trong con người tội nhân lớn lao đó cũng là gương mẫu thống hối nhiệt tình.
- Sau thắng Gô-li-át mà cậu bé chăn cừu trở thành người anh hùng dân dộc. Hôm nay là tướng lãnh quân đội nhà vua, được dân chúng hoan hô bảo vệ và là bạn thân nhà vua, nhưng ngày mai bị đặt vào vòng pháp luật và bị truy nã. Trở thành tướng cướp rồi lại làm vua nước Israel và thiết lập vương quốc.
- Đa-vít còn có tình thương với kẻ thù ít ai bì kịp, nhưng cũng nêu bất ổn mong manh cho sự nghiệp, mức độ tội lỗi của nhà vua thì chỉ có mức độ thống hối của chính vua mới thắng nổi….
- Cuộc đời Đa-vít còn bao hàm cả một chuỗi thảm kịch gia đìng, vua chứng kiến các con giết nhau, bị chính con mình phản loạn đuổi khỏi hoàng cung và sống lang thang trong sa mạc….
Những kinh nghiệm đó, Đa-vít đã sống cho đến tột cùng, và vua đã chia sẻ tất cả những kinh nghiệm đó trong một ý nghĩa thiêng liêng mà chính vua mới có. Có thể nói những chiến tích lẫy lừng rồi dễ bị lãng quên và triều đại cũng tan tành sau bốn thế kỷ, nhưng lịch sử về sự tuân phục, trung thành, thống hối của Đa-vít còn vọng mãi trong lịch sử, đặc biệt trong các thánh vịnh.

3, Vua Sa-lô-mon – mẫu vua thịnh trị (2Sbn 1-9).
Triều đại Sa-lô-mon được thuật lại như tuyệt đỉnh của lịch sử trần thế nước Israel. Đó là quãng thời gian ngắn ngủi được vinh quang và yên hàn thịnh trị, gia đoạn được chuẩn bị lâu nhưng lại chóng suy tàn. Giai đoạn trị vì của Sa-lô-mon là thời kỳ hoàng kim trước cuộc phân ly và lưu đày. Mọi trào lưu lịch sử trước đó đều quy tụ vào sự kiến tạo này của một vương quyền vững mạnh, của một vương quốc thái bình, của một đền thờ lộng lẫy và của một sự thịnh vượng sáng chói, đó là những điều được thấy trước từ xa, trước khi những tệ nạn hồi kết của triều đại xảy đến.
Khôn ngoan được xem là ơn thiên triệu của Sa-lô-mon, bẩm sinh nhà vua đã ham thích những gì thuộc tinh thần. Nguồn gốc của vua như đã tiền định để vua nên thông minh và có cảm kích thẩm mỹ, đặc biệt thừa kế dòng máu thi sĩ từ thân phụ Đa-vít.
Nhưng Sử Biên Niên nhấn mạnh đến việc Sa-lô-mon ý thức lựa chọn sự khôn ngoankhi đến tuổi có trách nhiệm (2Sbn 1,10). Nhà vua biết suy luận về người, về sự việc qua các dụ ngôn và các câu phương châm biểu lộ sự hiểu biết sâu xa về tâm lý và luân lý.
Cũng như trong triều đại Đa-vít, tác giả Sử Biên Niên đã tránh những gì không tốt nơi triều đại và đoạn kết của Sa-lô-mon (chuyện tàn sát anh ruột và những người có công cho đất nước, việc để các tế tự ngoại giáo du nhập vào vương quốc qua các bà vợ ngoại bang). Nhưng vì là một soạn giả thuộc lớp tư tế, tác giả nhấn mạnh hơn về việc xây cất thánh điện, cũng như muốn cho thấy sự khôn ngoan đích thực khởi đi từ Thiên Chúa, qua vị vua nức tiếng khôn ngoan này, đến nỗi mọi vua chúa trần gian phải ngưỡng mộ (x. 2Sbn 9).

Phần III: Thời tách hai vương quốc Giuđa và Israel (2Sbn 10-28).
Nội dung phần này phần lớn chỉ là những lược soạn tóm tắt về các vị vua hậu Sa-lô-mon, rồi qua đó đem ra những lời bình luận khen chê theo tiêu chuẩn là vua có trung thành với Đức Chúa hay không, qua việc có đập bỏ các tế đàn thờ ngẫu tượng và loại bỏ các kiểu phụng thờ ngoại giáo. Cụ thể là:
- Rơ-kháp-am - vua bất trung nhưng sau đó hối cải (2Sbn 10-12)
- Các vua có điểm khen (chăm lo phụng tự), điểm chê (dựa vào thế lực ngoại bang hoặc không triệt hạ nơi thờ quấy) như: A-vi-gia (2Sbn 13), A-xa (2Sbn 14-16), Giơ-hô-gia-phát (2Sbn 17-21,1).
- Những vua vô đạo: Giơ-hô-ram (2Sbn 21,2-20), A-khát-gia-hu (2Sbn 22,1- 9), “nữ hoàng” A-than-gia-hu (2Sbn 22,10-12).
- Tiếp tục kể các vua có điểm khen, điểm chê: Giô-át (2Sbn 23-24), A- mát-gia-hu (2Sbn 25), Út-di-gia-hu (2Sbn 26), Giô-tham (2Sbn 27).
- Vua bất trung nặng nề: A-khát (2Sbn 28).
Dưới ngòi bút của tác giả Sử Biên niên, những hình ảnh từ Rơ-kháp-am cho đến A-khát đều cho thấy những phản chứng, bất trung với các thể chế phụng tự, cũng như phản bội dân, và điều này hiện rõ trong cuộc ly khai hoặc cái chết. Như đã nói ở trên, sự phê phán của tác giả Sử Biên Niên mang chiều kích thần học về lòng trung thành hay bất trung của vị đại diện cho dân đối với Thiên Chúa, và mối tương giao đó thể hiện trong phụng tự là điều kiểm chứng được.

Phần IV: Cuộc phục hưng tôn giáo đầy khó khăn (2Sbn 29-36).
Hình ảnh chứng tá trọng tâm Đa-vít được lặp lại qua Khít-ki-gia và Giô-si- gia-hu, là hình ảnh của một Israel trung thành chung quanh tổ chức Đền Thờ và phụng tự.

1, Vua cải cách thứ nhất: Khít-ki-gia (2Sbn 29-32).
Sử Biên Niên hầu như tường thuật lại toàn bộ triều đại Khít-ki-gia như sách Các Vua đã ghi chép. Công việc của vua hầu như tất cả đều chứng tỏ sự trung thành với Thiên Chúa, đặc biệt trong việc phụng tự. Thật vậy, điều nổi bật ở nơi vị vua này là biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vâng nghe lời ngôn sứ của Người cải cách tôn giáo qua việc thanh tẩy đền thờ, dâng lễ tạ tội, tái lập và cải tổ nền phụng tự, phục hồi lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men.
Nhưng cũng như sách Các Vua, tác giả Sử Biên Niên không đem ra một câu trả lời thoả đáng cho việc vua phải chết sớm khi tuổi đời còn trẻ (54 năm), đặc biệt hậu duệ là một kẻ bất trung gây ra bao tội lỗi và làm hư hại công trình cải cách của thân phụ mình.

2, Những vua làm gián đoạn cải cách: Mơ-na-sê và A-môn (2Sbn 33).
Dù là đọc lịch sử trong cái nhìn thần học, nhưng khó có được lời giải thích thoả đáng cho việc vua A-khát bất trung sinh ra một vị vua trung tín như Khít-ki-gia, vua Khít-ki-gia tốt lành sinh ra vua vô đạo Mơ-na-sê, và cuối cùng nơi vua A-môn xấu xa lại sinh nên một vị vua nổi tiếng đạo đức là Giô-si-gia-hu. Càng mâu thuẫn hơn, khi Mơ-na-sê vô đạo lại có thời gian trị vì được kể là rất dài trong lịch sử Các Vua thời đại Nam-Bắc phân tranh này.
Những tội phạm của vua cũng được tác giả mô tả trong những gì liên quan đến phụng tự, là dựng các cột thờ nơi cao, và dâng kính các ngẫu tượng. Đó là điều lỗi phạm nặng nề đến lề luật của Thiên Chúa. Thiết nghĩ, khi trích dẫn lại công việc của tội lỗi của vua Mơ-na-sê và A-môn, tác giả nhằm cho thấy cuộc cải cách tôn giáo lúc này thật khó khăn, và qua đó càng làm nổi bật con người của vị vua thực hiện việc cải cách tôn giáo.

3, Vua cải cách thứ hai: Giô-si-gia-hu (2Sbn 34-35).
Có thể nói, đây là vị vua thực hiện cải cách triệt để nhất và nhiệt thành nhất với việc phụng thờ Thiên Chúa, vua đã bật khóc khi tìm thấy sách Luật, đã thanh tẩy Giu-đa và Giêrusalem khỏi các điều xấu xa, triệt bỏ tế đàn thờ ngẫu tượng, thiêu hủy các bàn thờ dâng kính các thần dân ngoại. Vua đã cho tu bổ lại đền thờ và tái lập lại giao ước với Thiên Chúa. Tác giả Sử Biên Niên đã đưa ra lời bình đặc biệt: “Vua Giô-si-gia-hu đã làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa và đi theo đường lối của vua Đa-vít, tổ tiên vua; vua không đi trệch bên phải bên trái” (2Sbn 34,1).
Thế nhưng, thật trớ trêu là vua đã tử nạn trong một cuộc giao chiến với vua Ai-Cập. Trả lời cho điều này, độc giả chỉ biết truy tầm lịch sử và phát hiện ra cái chết này xảy đến do sự nhiệt thành nhưng thiếu khôn ngoan của vua khi can thiệp vào trận chiến không tương xứng về quân lực.
Thật ra, cần công bằng hơn khi nhìn nhận mưu đồ chính trị của vua Giô-si- gia-hu, vì trong giai đoạn này, vương quốc Giu-đa dù độc lập, nhưng vẫn phải lệ thuộc đế quốc Át-sua; khi Babilon bành trướng và đánh chiếm Át-sua, Ai Cập là nước đồng minh của Át-sua đã đem quân đến yểm trợ và đi qua gần phần đất của Giu-đa; Giô-si-gia-hu đã đem quan chặn đường Ai Cập để nhằm giúp Babilon chiến thắng Át-sua, với mong đợi khi Át- sua sụp đổ thì ách thống trị của họ can thiệp lên Giu-đa cũng chấm dứt. Tiếc là Khít-ki-gia-hu đã tử trận sau khi Babilon chiến thắng Át-sua thì đã giải quyết nốt đất nước nhỏ bé cuối cùng nằm ở khu vực Địa Trung Hải.

Phần V: Sự bất trung tràn lan từ vua đến dân dẫn đến mất nước, nhưng Gia-vê cho phục quốc qua sắc chỉ của vua Ky-rô (2Sbn 36).
Sau khi vua Khít-ki-gia-hu chết, quyền kế vị và lập vua thực ra không còn thuộc dân Giu-đa nữa mà do sự quyết định của Ai Cập và sau đó Babilon. Điều tệ hại hơn là dù phải chịu áp bức và của cải Đền Thờ bị chiếm đoạt, nhưng các vua Giu-đa vẫn không biết chạy đến với Thiên Chúa và nghe lời các ngôn sứ. Các thủ lãnh tư tế và cả dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học đòi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Đền Thờ ra ô uế. Họ coi thường lời các ngôn sứ cảnh báo họ nhân danh Thiên Chúa. Đến nỗi, soạn giả Biên Niên Sử đã phải thốt lên: “… đã vô phương cứu chữa”.
Kể lại phần này, tác giả Sử Biên Niên minh chứng sự sụp đổ tất yếu dân Chúa là do bởi việc họ đã bỏ việc phụng thờ Đức Chúa theo đúng luật truyền. Bỏ qua các biến cố, tác giả một lần nữa nhấn mạnh đến việc phụng tự là trên hết và trở thành vận mệng của Israel.
Thời gian lưu đày ở Babilon xảy ra những biến cố gì Thánh Kinh không ghi lại, nhưng viễn tượng tương lai được mở ra cho Israel là sau khi Ba Tư đánh bại Babilon đã ra sắc chỉ cho dân Israel được hồi hương. Những gì kế tiếp sẽ được bàn trong sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a.

Kết luận :
Trung tâm của tác phẩm là Đền Thờ Giêrusalem và nền phụng tự cử hành tại đócùng với các nhân viên phục vụ liên hệ. Các vua trong lịch sử dân Israel được đánh giá theo sự quan tâm của họ đến đền Thờ. Vua Đa-vít, Sa- lô-mon, Khít-ki-gia và Gio-si-gia-hu được nêu ra như những mẫu mực. Tác giả đã bỏ qua những khuyết điểm của những vị vua này. Đàng khác, chẳng những các tư tế được đề cập nhiều (76 lần so với 27 lần trong toàn bộ Ngũ Kinh). Còn các buổi lễ phụng tự được kể với giọng điệu vui vẻ, ngợi khen và cảm tạ.
Những điều trên có thể cho thấy lập trường của tác giả Sử Biên Niên về lịch sử thiên về “chế độ thần quyền” – Gia-vê mới là vị vua đích thực. Vị vua thuộc dòng Đa-vít có nhiệm vụ chính yếu là cổ võ việc phụng tự chính thống được cử hành trong Đền Thờ Giêrusalem nhờ các tư tế, đồng thời cấm đoán việc thờ các thần dân ngoại. Như vậy, một cách nào đó, sách Sử Biên Niên xuất phát từ phản ứng đối với sách Đệ Nhị Luật. Thật vậy, sách Đệ Nhị Luật chỉ tập chú đặt việc giữ luật lên hàng đầu, trong khi thần học sách sử Biên Niên đưa ra việc sống đạo toàn vẹn bao gồm việc chu toàn phụng tự lẫn việc tuân giữ các lệnh truyền.

Bảo_†_Lâm
09-02-2012, 04:09 PM
SÁCH ÉT-RA VÀ NƠ-KHE-MI-A

Lịch sử các vương quốc liên tiếp nhau phần nào đó cho thấy sự thành bại phụ thuộc khá nhiều vào việc tôn trọng bản sắc và tôn giáo của các dân tộc. Hơn ai hết, vua Ky-rô (Ba Tư) đã thấu hiểu điều này, ông có những ý định về tôn giáo thiểu số khác với các vua triều đại trước, nhất là triều đại Nabucôđônoso (Babilon) đã bị ông lật đổ. Ky- rô đã cho trả về nguyên quán các thần tượng mà các vua Babilon đã thu góp về cung điện. Vài tháng sau khi chiến thắng Babilon, ông đã ký chiếu chỉ cho ai muốn trở được trở về Giêrusalem để xây dựng lại đền thờ phụng thờ “Chúa Tể Trời Đất”.
Trách nhiệm trước hết được giao cho Nơ-khe-mi-a và Ét-ra. Nơ-khe-mi-a là công chức cao cấp của triều đình Ba Tư được phái đi Giêrusalem và Ét-ra cũng là cố vấn của chính phủ nhà vua. Cả hai cùng đồng lòng làm việc vì triều đình và vì trung thành với Thiên Chúa. Cách riêng, nhiệm vụ của Nơ-khe-mi-a rất quan trọng, vì trong vai một nhà cầm quyền và đã có công đưa Giuđa lên một tỉnh tự trị, bởi vì trước đó, vùng đất Giuđa đã bị sáp nhập và dưới quyền xứ Samaria. Chính vì thế mà ban đầu việc xây dựng các Đền Thờ và các tường thành bị ghen tỵ và chống phá…
Sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a được xem là những nguồn văn rất quan trọng trong khoảng thời gian sống lưu vong, phục hồi, hình thành các cộng đồng tôn giáo nơi lưu đày và thời gian hồi hương của dân tộc Do Thái. Hai người có công nhất trong việc tổ chức đời sống và nhất là tôn giáo của người Do Thái vào thời điểm này là Ét-ra và Nơ- khe-mi-a. Ét-ra có công đặc biệt trong việc phục hồi Luật Môsê, còn Nơ-khe-mi-a nhiệt thành trong việc xây dựng lại các tường thành và đền thờ Giê-ru-sa-lem. Các tiên tri Khác-gai và Gia-ca-ri-a cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích dân Israel trở về quê hương của họ và xây dựng lại Đền Thờ Thiên Chúa. Đền thờ (thứ hai) này được xây dựng lại ở Giêrusalem và hoàn thành vào năm 516 trước CGS.
Khi công nhận vai trò của chính quyền Ba Tư trong các sự kiện, sách của Ét- ra và Nơ-khe-mi-a rằng đời sống tín hữu có thể diễn ra dưới sự cai trị nước ngoài. Rõ ràng các cuốn sách là quan ngại sâu sắc về bản sắc của người Do Thái và nguy cơ mất mát của nó. Người ta có thể thông cảm với mối quan tâm này nếu không phải luôn luôn có những phương tiện được lựa chọn để đạt được nó. Những cuốn sách trấn an cộng đồng về tính chính đáng của mình bằng cách so sánh sự trở lại để xuất hành, bằng cách báo cáo sự hiện diện của đền thờ trước, bằng cách so sánh các đền thờ như thời Salômon, và bằng cách liên kết những người vừa hồi hương với tổ tiên của họ. Trên tất cả, các bài trình thuật và đề cao Luật Lệ (một số hình thức của Ngũ Kinh) cung cấp sự gắn kết và hướng về cộng đồng.
Ba mối bận tâm của các sách Nơ-khe-mi-a và Ét-ra là Đền Thờ, thành Giêrusalem và cộng đoàn Dân Chúa.
Sách Sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a ban đầu chỉ là một tác phẩm theo tên của Ét-ra. Việc phân chia thành hai cuốn sách không xuất hiện trong bản viết tay tiếng Do Thái cho đến thế kỷ XV và thậm chí ngày nay. Truyền thống Hy Lạp coi là hai cuốn sách vào đầu thế kỷ thứ ba. Origen và bản Vulgata theo truyền thống này vào thế kỷ thứ tư. Hiện nay, Các bản dịch trong Kitô Giáo vẫn phân chia thành hai sách.


A. SÁCH ÉT-RA
I. XUẤT XỨ.
Kể từ những năm đầu của thế kỷ XIX, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a thường được coi là một phần của lịch sử chép sử (1 và 2 Sử Biên Niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a). Điều này đã được dựa trên sự chồng chéo giữa 2 Sbn 36,22-23 và Ét-ra 1,1-3a, sự sắp xếp của văn bản phía sau Ét-ra (nơi 2 Sbn 35-36 được theo sau bởi những câu chuyện của Ét- ravà Nơ-khe-mi-a 8 sau Ét-ra 10), từ vựng và phong cách của những tác phẩm này cũng như hệ tư tưởng thần học. Các yếu tố được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một cuộc tranh luận dài dòng về từ vựng và phong cách. Sự khác biệt về thần học trong các sách Sử Biên Niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a, cũng như khái niệm khác nhau của các tiên tri và các lời tiên tri trong hai công trình, cho thấy rằng Ét-ra và Nơ-khe-mi-a nên được coi là một tác phẩm riêng biệt từ Sử Biên Niên.
Phần lớn sách Ét-ra được viết bằng tiếng Aram (4,8-6,18; 7,12-26) và phần còn lại trong tiếng Híp-ri. Lý do cho điều này có lẽ là kết quả của các tác giả bao gồm một số tài liệu nguồn Aram, bao gồm:
4,8-16, một lá thư từ Rehum để Ác-tắc-sát-ta 4,17-22, trả lời lá thư này.
5,6-17, một lá thư từ Tattenai thống đốc của tỉnh, trong đó 5,13-15 là một diễn giải các nghị định của vua Ki-rô.
6,3-17, trả lời của vua Đa-ri-ô, trong đó 6,3-5 là trích dẫn của các nghị định của Ky-rô.
7,12-26, các nghị định của Ác-tắc-sát-ta, cho phép sự trở lại của Ét-ra.
Các đoạn từ 4,8-6,18 do không chứng từ có lẽ được viết bởi tác giả của Ét-ra 1-6.
Nguồn Híp-ri được sử dụng bởi các tác giả của Ét-ra (bao gồm: 1,9-11, một sưu tập của đền thờ; 2,1-3,1, danh sách của những người trở về từ Babylon; 4,6-7, bản tóm tắt các kẻ thù của người Do Thái trong thời gian của Xerxes và Ác-tắc-sát-ta; 8,1-4, danh sách của những người trở về Giêrusalem với Ét-ra).

II. BỐ CỤC.
Sách Ét-ra chia làm hai phần:

1. Trở về từ lưu vong và xây dựng lại của Đền Thờ: 1,1-6,22
a, Sắc chỉ hồi hương: 1,1-11
b, Danh sách những người trở về: 2,1-70
c, tái lập việc phụng tự: 3,1-13
d, Những đối lập vời kẻ thù ghét: 4,1-24.
e, Xây dựng đền thờ: 5,1-17,
f, Đariô cho tìm lại sắc chỉ vua tiền nhiệm Kyrô, cho phép và giúp đỡ người hồi hương Do Thái tái thiết đền thờ: 6,1-22.

2. Tổ chức cộng đoàn dưới thời Ét-ra và Nơ-khe-mi-a: 7,1-10,44
a, Giới thiệu về thân thế và sứ mệnh của Ét-ra: 7,1-10
b, Sắc chỉ của vua Aùc-tắc-sát-ta (Ba Tư): 7,11-28,
c, Hành trình của Ét-ra từ Ba Tư về Giêrusalem: 8,1-36
d, Cải cách luật hôn nhân. 9,1-15
f, Những vi phạm và kiện tụng: 10,1-44.

III. NỘI DUNG.
1. Trở lại từ lưu vong và xây dựng lại của Đền Thờ (Er 1,1-6,22).
Bắt đầu bằng cách ghi lại một nghị định của Ky-rô rằng Thiên Chúa đã chỉ dẫn Ky- rô để xây dựng đền thờ, và rằng Ky-rô đã ủy quyền cho người Do Thái trở về Giêrusalem, được hỗ trợ bởi sự hỗ trợ tài chính của các nước láng giềng của họ trong các đế chế Ba Tư. Giơ-rúp-ba-ven là thống đốc Giu-đa và là hậu duệ của Đa-vít, nhưng yếu tố này không được quan tâm lắm trong sách Ét-ra. Việc tái thiết Đền Thờ là công việc ưu tiên của dân từ lưu đày trở về và đấy chính là mục đích của việc hồi hương theo sắc chỉ của vua Ky-rô.
Các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Do Thái từ chối lời đề nghị của "kẻ thù" mình để giúp đỡ xây dựng Đền Thờ. Công việc xây dựng được hối thúc bởi ngôn sứ Khác-gai và Gia-ca-ri-a. Người Do Thái hoàn thành công việc dành riêng cho đền thờ và cử hành lễ Vượt Qua.
Như vậy, sách Ét-ra bắt đầu bằng một thông báo rằng Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa được nói bởi ngôn sứ Giêrêmia và mang Israel trở lại đất nước của mình, với sự cho phép để xây dựng lại đền thờ tại Giêrusalem. Bất chấp sự phản đối bên ngoài, ngôi đền thờ được hoàn thành, với sự hỗ trợ của các ngôn sứ. Một sự hân hoan mừng đại lễ Vượt Qua đánh dấu dịp này, tuyên xưng sự can thiệp của Thiên Chúa thực hiện thông qua cơ quan Ba Tư (1-6). Đền thờ Giêrusalem vừa được xây dựng là trọng tâm của đời sống tôn giáo của hậu Giu-đa , Và tầm quan trọng của nó vẫn tiếp tục cho đến khi được mở rộng thời Hêrôđê và bị tàn phá năm 70 sau CGS.

2. Tổ chức cộng đoàn dưới thời Ét-ra và Nơ-khe-mi-a: 7,1-10,44.
Ét-ra đến Giêrusalem nhờ ảnh hưởng của Thiên Chúa trên các vua Ba Tư, và nhiệm vụ là để hỗ trợ xây dựng Đền Thờ và giảng dạy Lề Luật của Thiên Chúa cho dân Israel vừa mới hồi hương. Ét-ra nh?n th?y một số thành viên của cộng đồng đã kết hôn với nh?ng ng??i v? ngo?i bang mà xem nh? những người Do Thái chính th?ng, các bà vợ ngoại bang rõ ràng là phụ nữ từ các nhóm người không đi sống lưu vong hoặc từ các cư dân của Samaria (9,1-4). Trong khi tụ tập quanh Ét-ra lúc này trong cuộc khủng hoảng là một nhóm người nhiệt thành vì Lề Luật Thiên Chúa của Israel (9,4; 10,4). Vì thế, trong lời nguyện cầu, Ét-ra thú nhận tội lỗi của dân trong lịch sử Israel, nhất là do kết hôn với phụ nữ nước ngoài (9,5-15) và Ét-ra đề nghị dân thực hiện một lời tuyên thệ để ly hôn các người vợ ngoại bang (10,1-5). Tất cả thành viên của cộng đồng đã gặp nhau tại tại Giêrusalem và bổ nhiệm một ủy ban để xử lý các vấn đề, cuối cùng những người có vợ ngoại bang đã thực hành ly hôn (10,18-44).
Như vậy, Ét-ra chỉ các vấn đề của cuộc hôn nhân hỗn hợp, mà ông coi là một mối đe dọa nội bộ cho cộng đồng. Giải pháp quyết liệt của ông cho vấn đề này bằng cách buộc phải ly hôn là khá nhiều tranh cãi . Việc Ét-ra tái thiết Đền Thờ và thành lập cộng đồng, qua sự hỗ trợ của Aùc-tắc-sát-ta cho dự án này là để đáp ứng với những lời thỉnh cầu của Nơ-khe-mi-a, để khi hỗ trợ, Ba Tư một lần nữa thể hiện sự can thiệp của Thiên Chúa.


B. SÁCH NƠ-KHE-MI-A
I. XUẤT XỨ.
Nơ-khe-mi-a là một quan chức Do Thái ở Ba Tư (là quan chước tửu trong đền vua). Khi đền thờ ở Giêrusalem đã được xây dựng lại, Nơ-khe-mi-a lo lắng khi biết không có bức tường bảo vệ thành phố. Nơ-khe-mi-a xin Chúa soi lòng vua Ba Tư là Ác-tắc-sát-ta cho ông trở về xây dựng các tường thành. Không những vua đã nhận lời thỉnh cầu của ông, mà còn mà còn cung cấp những gì cần thiết để sử dụng trong dự án tái thiết.
Nơ-khe-mi-a được gửi đến Giêârusalem trong vai trò thống đốc Giuđa, trước đó Giêrusalem đã bị chinh phục và phá hủy bởi người Babylon năm -586 và Nơ-khe-mi-a tìm thấy nó vẫn còn trong đống đổ nát. Nhiệm vụ của ông là để xây dựng lại các bức tường và lập lại cư trú trong thành phố. Ông phải đối mặt với sự phản đối từ ba nước láng giềng mạnh mẽ là người Samaria, các Ammonites, và những người Ả Rập, cũng như các thành phố Ashdod. Ông sau đó thanh lọc các cộng đồng người Do Thái bằng cách bắt buộc phân biệt chủng tộc từ các nước láng giềng và thực thi pháp luật của Môsê.
Bất chấp sự phản đối và tố cáo của kẻ thù, các bức tường được xây dựng. Dân hưởng hứng lời Nơ-khe-mi-a, đóng góp nhiều tiền, vật tư, nhân lực để hoàn thành trong 52 ngày. Nơ-khe-mi-a là một người cầu nguyện và ông đã cầu nguyện nhiệt tình cho người dân của mình. Nơ-khe-mi-a đã dẫn dân Do Thái vào một sự tôn trọng và tình yêu với văn bản của Kinh Thánh. Nơ-khe-mi-a, vì tình yêu của mình cho Thiên Chúa và mong muốn được nhìn thấy vinh dự và vinh quang Thiên Chúa, đã lãnh đạo dân Do Thái đối với đức tin và sự vâng lời Thiên Chúa đã muốn cho họ từ lâu.
Cả Kitô Giáo lẫn truyền thống Do Thái nhận Ét-ra là tác giả. Điều này dựa trên thực tế là các sách của Ét-ra và Nơ-khe-mi-a ban đầu một. Sách của Nơ-khe-mi-a có thể được viết vào khoảng giữa -445 và -420, và là một trong những cuốn sách lịch sử của Kinh Thánh, tiếp tục câu chuyện của sự trở về của Israel từ Babylon bị giam cầm và xây dựng lại đền thờ tại Giêrusalem.



II. BỐ CỤC.
Sách Nơ-khe-mi-a chia làm 3 phần:

1. Sự trở lại của Nơ-khe-mi-a và xây dựng lại các bức tường của Giêrusalem: 1,1-7,73.
a. 1,1-11. Nơ-khe-mi-a cầu nguyện xin trợ giúp.
b. 2:1-20. Hành trình của Nơ-khe-mi-a trở về Giêrusalem.
c. 3,1-32. Sửa chữa các tường thành
d. 3,33-4,17. Các trở ngại và khó khăn.
e. 5,1-19. Các bất công xã hội và sự can thiệp của Nơ-khe-mi-a.
f. 6,1-10. Hoàn tất xây dựng tường thành.
g. 7,1-73. Kiểm tra dân số Israel.

2. Đọc sách Luật, cầu nguyện và xưng thú tội lỗi cùng những cam kết công dân: 8,1-10,39.
a. 8,1-18. Ông Ét-ra đọc sách Luật.
b. 9,1-37. Sám hối xưng thú tội lỗi.
c. 9,38-10,30. Những cam kết.

3. Phân bố cư dân Giêrusalem, phận vụ của các tư tế và thầy Lêvi, cùng một số cải cách thời Nơ-khe-mi-a: 11,1-13,31.
a. 11,1-36. Phân bố cư dân Giêrusalem.
b. 12, 1-47. Các tư tế và các thầy Lêvi.
c. 13,1-31: Những cải cách do Nơ-khe-mi-a thực hiện.

III. NỘI DUNG.
1. Sự trở lại của Nơ-khe-mi-a và xây dựng lại các bức tường của Giêrusalem: 1,1-7,73.
Nơ-khe-mi-a, một quan chức Do Thái của Ác-tắc-sát-ta, vua Ba Tư được thông báo bởi anh trai của ông là Hanani sự tồi tệ ở Giêrusalem, bao gồm các bức tường và cửa thành bị phá hủy. Trong lời cầu nguyện, Nơ-khe-mi-a thú nhận tội lỗi của dân và cầu Thiên Chúa trợ giúp. Sau đó Nơ-khe-mi-a được sự chấp thuận của Ác-tắc-sát-ta để xây dựng lại Giêrusalem, với vật liệu được cung cấp bởi chính quyền tỉnh. Khi đến Giêrusalem, Nơ-khe-mi-a kiểm tra các bức tường về đêm và bảo đảm sự đồng ý của các quan chức Do Thái để tham gia vào dự án. Một số quan bản địa chế giễu những người Do Thái, cáo buộc họ nổi loạn chống lại nhà vua và sự phản đối này tiếp tục trong suốt cuốn sách. Kinh tế khó khăn do hạn hán, dân làm việc vất vả xây tường thành, và thuế của nhà vua đã dẫn đến mắc nợ lớn, Nơ-khe-mi-a yêu cầu khôi phục lại tài sản cho chủ sở hữu ban đầu của nó và cuối thu phí lãi suất cho vay. Nơ-khe-mi-a cũng đặc biệt quan tâm bảo vệ những người ít may mắn và tố cáo tội lỗi những người giàu có đã phạm mà không nhận ra: bị thúc đẩy bởi vấn đề nợ nần, họ đã đi tời chỗ bắt anh em của mình phải làm nô lệ. Nơ-khe-mi-a đề cập đến mình là thống đốc Giu-đa và đề cập đến người tiền nhiệm của ông, nhờ nỗ lực của ông và toàn dân mà tường hành đã được hoàn thành chỉ trong năm mươi hai ngày, dù gặp bao nhiêu chống đối của các quan chức bản địa trước đó gây trở ngại, cùng vu cáo Nơ-khe-mi-a là có ý phản loạn chống lại vua Ba Tư. Khi xây dựng các bức tường đã được hoàn tất, Nơ-khe-mi-a bổ nhiệm Hanani anh trai của ông và một số Hananiah trách nhiệm hành chính trong Giêrusalem, rồi kiểm tra dân số lưu đày trở về và rà soát tính thuần chủng dân tộc Do Thái và mời Ét-ra đọc Luật Thiên Chúa cho dân nghe, nhằm minh chứng sự bắt buộc của Lề Luật về nòi giống và các tập tục.

2. Đọc sách Luật, cầu nguyện và xưng thú tội lỗi cùng những cam kết công dân: 8,1-10,39.
Dân Israel lúc này bao gồm chủ yếu là chỉ những người đã trở về nhà từ lưu vong, là những người đã đồng ý để tách mình khỏi không Do Thái và là những người đã thú nhận tội lỗi của họ cho thấy sự hối cải thật sự. Họ chăm chú nghe đọc sách Luật, cầu nguyện bắt đầu bằnglời ca ngợi và kết thúc với lời cầu xin trợ giúp, lời thú nhận tội lỗi và cam kết của dân với Lề Luật.
Sự kiện đọc Sách Luật lần đầu tiên trước mặt cộng đồng đánh dấu một ngày trọng đại trong lịch sử thánh. Vì từ thời Môsê cho đến thời hồi hương này, dân Israel sống đức tin bằng cách cầu nguyện và tham dự các việc phụng tự ở Đền Thờ và họ chỉ nghe giáo huấn của các tư tế và ngôn sứ, chứ chính bản thân họ không có nhu cầu đọc Thánh Kinh. Bắt đầu từ sự kiện đọc Sách Luật này, cộng đồng Israel phát triển việc đọc, suy niệm và giải thích Thánh Kinh. Chính Ét-ra đã lo sưu tập và san định các Sách Thánh; và đó chính là bước khởi đầu kỷ nguyên mới, trong đó Thánh Kinh sẽ là sách của mọi người và là nền tảng sống đức tin của họ. Cũng từ đây, đời sống tôn giáo Israel không chỉ tham dự lễ nghi long trọng ở Đền thờ, mà còn có các hội đường để họp nhau đọc và nghe Sách Thánh trong các ngày Sabát.
Nơ-khe-mi-a muốn cho dân Israel hiểu rằng, tội lỗi chính là nguyên nhân gây nên những tai hoạ họ phải chịu. Vì thế, không nên đợi chờ sự phục hưng dân tộc nhờ vào lòng tốt của các quốc gia hùng mạnh, nhưng phải nhờ vào sự hoán cải chính mình. Việc xây dựng tường thành không phải là mục tiêu chính yếu, nhưng qua việc kêu gọi sự cộng tác xây dựng tường thành mà Nơ-khe-mi-a đã tái thiết được cộng đoàn Giêrusalem.

3. Phân bố cư dân Giêrusalem, phận vụ của các tư tế và thầy Lêvi, cùng một số cải cách thời Nơ-khe-mi-a: 11,1-13,31.
Phần này chỉ tập chú kể lại những sắp xếp cho ổn định sau khi được xem là tự trị và đã xây dựng xong những gì cần thiết cho việc thực hành niềm tin tôn giáo và phòng thủ quân sự.
Việc phân bố dân cư là điều quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế, quân sự và cả việc mở mang lãnh thổ. Vì sau khi hồi hương, mọi người như đến lập cư ở một nơi mới hoàn toàn, nên không có việc đòi quyền lợi phải được lập cư nơi mình thích, nên việc chia đất theo cách bắt thăm là công bằng hơn cả.
Sự phục hồi tôn giáo và lề luật, trong đó các tư tế và Lêvi có một vị trí quan trọng trong việc phục vụ Đền Thờ và nền phụng tự. Bên cạnh đó, chức vị thượng tế đóng vai trò quan trọng về tôn giáo, nhất là trong chế độ tự trị của một tỉnh trực thuộc Ba Tư (không có vua cai trị riêng). Chính vì thế mà phần này ghi lại khá chi tiết về các thượng tế, các tư tế và các thầy Lêvi.
Công việc của Nơ-khe-mi-a và Ét-ra là công việc chung mà mọi người có trách nhiệm luôn lo lắng chu toàn, vì trách nhiệm dân sự và quân sự cũng như tôn giáo rất quan trọng. Tuy nhiên, các ông luôn tâm niệm mang trên mình sứ nhiệm cao cả của Thiên Chúa là thành luỹ phải bảo vệ cả đức tin lẫn lề luật. Thật vậy, đối với Nơ-khe-mi-a, công việc cải cách luân lý và công bằng xã hộiquan trọng hơn việc xây cất, mặc dầu các sử gia ít nhắc tới.

phungyen158
09-02-2012, 09:18 PM
Cháu cảm ơn Chú nhé, Chú hy sinh đăng lên cho mọi người đọc. Dễ hiểu hơn đó chú ạ

Bảo_†_Lâm
10-02-2012, 10:25 AM
SÁCH TÔ-BI-A
Tô-bi-a, nghĩa là “Thiên Chúa tốt lành”. Sách Tô-bi-a là một câu truyện gia đình, đúng hơn nó mang dáng dấp của một tập tiểu thuyết bình dân, do mộât tác giả vô danh viết ra với những yếu tố bình thường của cuộc sống, pha lẫn một chút huyền thoại, nhằm để chuyển tải một tư tưởng và một bài học giáo lý hơn là những gì mang tính lịch sử về nhân vật, thời gian và địa lý. Thật vậy, các yếu tố lịch sử và địa dư đều rất phóng khoáng đến độ không thể ráp nối với thực tế . Có thể nói đây là một trong những cuốn tiểu thuyết về đạo đức. Cố gắng của tác giả là những bài học đạo đức và luân lý được rút ra từ bản văn: giá trị của bố thí, của đau khổ, người lành bị thử thách không phải do hình phạt tội lỗi, bổn phận đối với kẻ chết. Sau cùng, một số người đã có cảm tưởng rằng cuộc hôn phối giữa Xa-ra và Tô-bi-a loan báo việc phối hợp của vợ chồng Kitô hữu.
Cốt truyện kể về đời sống tôn giáo của hai gia đình Do Thái lưu vong luôn trung thành gắn bó với Luật Môsê: Ở Ninivêâ , có một người tên là Tô-bít, một nguời bị phát lưu, thuộc chi tộc Neptali, có lòng đạo, và bác ái, nhưng bị mù. Tại Ecbatana , một người bà con của ông là Ra-gu-ên có một người con gái Xa-ra, người đã phải chứng kiến cái chết liên tiếp của bảy người chồng của cô, bị quỷ Át-mô-đai-ô giết vào đêm tân hôn. Tô-bít và Xa-ra cầu xin Thiên Chúa cất mình khỏi sự sống. Từ hai số phận hẩm hiu và từ hai lời cầu nguyện này, Thiên Chúa đã cho phát sinh ra một nỗi vui mừng; Người sai thiên thần Ra-pha-en dẫn Tô-bi-a, con của Tô-bít tới nhà Ra-gu-ên, cưới Xa-ra và cho ông thuốc chữa cho Tô-bít khỏi mù. Đây là một câu chuyện xây dựng, dành một chỗ khá lớn cho những bổn phận đối với người chết và làm ơn bố thí. Ý nghĩa gia đình được diễn tả một cách có duyên dáng. Và sách đã khai triển một ý niệm rất cao, trong tinh thần Kitô-giáo, về hôn nhân. Thiên thần Ra-pha-en, vừa bộc lộ vừa che giấu hành động Thiên Chúa mà ngài là công cụ. Chính sự quan phòng ấy của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và sự gần gũi với một Thiên Chúa nhân từ lànhững điểm mà sách Tô-bi-a muốn người đọc nhìn nhận.
Như vậy, sách Tô-bi-a nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người sống xa Đất Hứa. Chỉ cần trung thành giữ Luật Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức là đẹp lòng Chúa và được chúc phúc.

A. XUẤT XỨ.
Sách được viết vào khoảng năm 200 trước CGS do một tác giả vô danh, phỏng theo những bài tường thuật của Thánh Kinh về các tổ phụ (như hành trình của Ê-li-sa, hôn nhân của Rê-bec-ca và Isaac…) và một số tài liệu ngoại giáo nữa.
Sách lệ thuộc vào một nguyên bản bằng tiếng Sêmit đã mất. Thánh Hiêrônymô, để dịch ra bản Vulgata, đã dùng một bản văn bằng tiếng “Kanđê” (Aram) nay không còn. Nhưng người ta đã tìm thấy trong hang Qumran phần còn lại của bốn thủ bản bằng tiếng Aram và một thủ bản bằng tiếng Híp-ri của sách Tô-bi-a. Nguyên bản bằng tiếng Híp-ri hay Aram có thể đã thất truyền, hiện nay chúng ta đang dùng bản Hy Lạp.
Sách Tô-bi-a được đưa vào quy điển Thánh Kinh khá muộn. Thánh Kinh Híp-ri Tin Lành không nhìn nhận sách Tô-bi-a là Thánh Kinh. Tuy nhiên, bản bằng tiếng Híp-ri cũng vẫn còn được các Rabbi tranh luận trong thế kỷ I của công nguyên, nhưng sau đó rất được người Do Thái ưa chuộng. Sách thuộc quy điển thứ; giáo hội Công giáo chỉ nhìn nhận sau nhiều do dự vào thời các giáo phụ, và sách đã có trong các danh sách chính thức của quy điển, tại Tây phương từ thượng hội đồng Rôma năm 382 và Đông Phương, từ công đồng Constantinople, năm 692.

B. BỐ CỤC.
Có thể chia bố cục thành 3 phần:
I. Kể về gia đình Tô-bít và Rơ-gu-ên với những việc đạo đức và những gian truân của hai gia đình (Tb 1-7).
II. Cuộc hôn nhân của Tô-bi-a và Xa-ra (Tb 8-10).
III. Đoàn tụ gia đình, những lời chúc tụng Thiên Chúa và những lời khuyên cuối cùng (Tb 11-14).
Tuy nhiên, sách viết theo lối thuật truyện, kể liên tục về cuộc đời của nhà Tô-bít và nhà Ra-gu-ên, cùng các biến cố trong cuộc hôn nhân của chàng Tô-bi-a và Xa-ra với sự giúp đỡ của thần sứ Ra-pha-en. Vì thế, việc chia bố cục chỉ là gượng ép, nên chỉ đọc và dừng lại ở những giai đoạn quan trọng để tìm ra giáo huấn mà tác giả muốn chuyển đạt, theo nội dung sau đây:

C. NỘI DUNG.
1. Qua câu truyện, tác giả muốn dạy các tín hữu Do Thái một bài học về tôn giáo, giúp họ duy trì được căn tính của mình trong một thế giới ngoại giáo. Khuyến khích họ tôn trọng Luật Môsê, ngay cả trên đất ngoại bang và mối bận tâm hằng ngày của họ phải là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì ai trung thành sẽ được Người ân thưởng.
2. Luật Môsê phải được sống trước tiên trong gia đình qua việc người cha dạy cho con cái phải tôn trọng lẫn nhau. Phần được khai triển rộng nhất trong trình thuật là vấn đề hôn nhân, bởi đây là một việc hệ trọng nên phải được diễn ra dưới con mắt của Thiên Chúa (x. Tb 7-9).
3. Các nhân vật trong câu chuyện biết cầu nguyện trong mọi tình huống. Ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ kêu van trong lúc gặp hoạn nạn mà thôi. Chính tinh thần này giúp các nhân vật luôn đặt mình trước nhan Thiên Chúa và tiếp xúc thân mật với Người, qua thần sứ Ra-pha-en.
4. Sách chỉ ra mẫu gương về thái độ của tín hữu trong lúc gian truân: Đức tin không chỉ dành cho những ngày may mắn thành đạt, và lời cầu nguyện không chỉ có lúc gặp gian truân mà thôi, nhưng trải dài trong hành trình cuộc sống. Thử thách nhiều lần xảy đến bất ngờ và không thể giải thích được, nhưng luôn trong ý định quan phòng của Thiên chúa. Thử thách trở thành cái đòn bẩy để giúp mọi người tiến triển trong đức tin, lòng cậy trông và tình mến đối với tha nhân, cũng như với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hiểu được những ý nghĩa về thử thách này phải đợi đến thời Tân Ước mới hiểu được cách trọn vẹn (x. Tb 12).
5. Sự hiện diện của thế lực thần thiêng: Có lẽ thời này đã chịu ảnh hưởng quan điểm nhị nguyên của Hy Lạp về sự đối nghịch của thần lành và thần dữ. Nhưng ý nghĩa tôn giáo ở đây vẫn chỉ coi tất cả đề phục quyền Thiên Chúa, và thần sứ Ra-pha-en là sứ giả của Thiên Chúa được sai đến giúp đỡ con người. Sự hiện diên của thần sứ Ra-pha-en vừa chủ động lại vừa bí nhiệm, cho thấy niềm tin cổ điển vào sự trợ giúp của thiên thần. Thần sứ Ra-pha-en được trình bày như là người thực thi các kế hoạch của Chúa, đồng thời là người cố vấn khôn ngoan và là vị bảo trợ thành lương y cao tay khi cần. Người kín đáo xuất hiện dưới hình dạng con người trong vai trò bạn đồng hành. Câu chuyện cũng đồng thời cho thấy kẻ dữ là quỷ Át- mô-đai-ô (kẻ sát hại). Nó bị khống chế và bị đuổi xa khi con người biết trung thành nghe theo lời thiên thiên bảo trợ dặn dò. Đặc biệt, lời cầu nguyện của Tô-bi-a và Xa-ra trong đêm cử hành hôn lễ có hiệu năng che chở họ khỏi tên quỷ Át-mô-đai-ô, như một mẫu gương cho các cặp vợ chồng biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, sẽ tránh được mọi dịch hạch tai ương.
6. Các lời cầu nguyện trong câu chuyện gợi nhớ các bậc tiền bối vĩ đại của Israel và các tổ phụ khác, bao gồm cả những hiền nhân dân ngoại, cùng các ngôn sứ. Điều này cho thấy các nhân vật trong câu chuyện thấm nhuần bầu khí của tin tưởng, mến yêu, hy vọng tích cực. Tối tăm nhưng mắt vẫn mở, bệnh tật nhưng lòng được giải phóng, lưu đày và hành trình để tìm gặp được bình an, được lễ cưới huy hoàng. Đồng thời, khi nhắc tới cả những bậc hiền nhân ngoại giáo như A-khi-ca trong việc khuyên nhủ hậu sinh làm việc thiện, điều này ngụ ý rằng sự khôn ngoan phàm nhân có thể được Thánh Kinh chấp nhận để trở thành ý Thiên Chúa, vì mọi khôn ngoan đều xuất phát từ Người.
7. Sách Tô-bi-a mở ra một con đường hy vọng từ một dĩ vãng thử thách đến một tương lai xán lạn. Trong cuộc lưu đày của Israel, hai tai nạn: tối tăm của người già cả mù loà và những ngày tang chế của goá phụ trẻ (Xa- ra). Hai tai nạn trở thành niềm vui duy nhất, nhờ sự đối ứng của hai lời kinh nguyện hợp nhau trước nhan Thiên Chúa. Và Thiên Chúa phái thần sứ Ra-pha-en (linh dược của Thiên Chúa) đến với hai nhiệm vụ: cứu chữa Xa-ra khỏi thần xấu Át-mô-đai-ô để cô kết hôn với chàng Tô-bi-a và mở mắt cho ông Tô-bít để ông thấy mọi sự trong ánh sáng mới của Giê-ru-sa- lem tương lai và ông là chứng nhân cho thiên Chúa nơi người ngoại.

Bảo_†_Lâm
10-02-2012, 01:31 PM
CÁC SÁCH MACABÊ
Hai sách Macabê không thuộc quy điển Thánh Kinh của người Do Thái nhưng đã được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là những sách linh hứng. Các sách này đưa về lịch sử các chận chiến chống lại các vua Sêleukus để dành lại tự do tôn giáo và chính trị cho dân Do Thái trong cuộc đấu tranh này.
Từ ngày thoát lưu trở về và trong gần 4 thế kỷ, người Do Thái phải suy phục các lãnh chúa, nhưng rồi, một trong những vị lãnh chúa là Antiôkhô IV (-197), kiêu ngạo đến nỗi tự đặt cho mình một biệt hiệu là “Êpiphanê” – tiếng Hy Lạp nghĩa là Thần Minh (Thiên Chúa) tỏ mình ra. Ông công kích Lề Luật và Đức Chúa, điều mà dân Do Thái cho là chí thánh, rồi ông còn áp đặt cho dân Do Thái tôn giáo ngoại lai. Từ đó có cuộc nổi dậy xảy ra và được coi là cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên. Phong trào được niềm tin khích động, nhiệt thành với Lề Luật và được thánh hiến bằng máu của các vị tử đạo đầu tiên. Cuộc bách hại khốc liệt gây ra cuộc nổi dậy của người Do Thái với sự lãnh đạo của các anh em nhà Macabê từ năm -170 đến -130.
Sách Macabê cho thấy một dân tộc có khát vọng sống, nhưng đức tin đối với họ còn quý giá hơn chính sự sống. Thần khí của Thiên Chúa cho xuất hiện các anh hùng mới, nhờ đó, họ tìm thấy cảm thức về phẩm giá của mình và chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của dân tộc và tôn giáo của mình.
Macabê được dịch là “cái búa”, hiểu như là cái búa giáng xuống những kẻ vô lại dám xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Đền Thờ và Lề Luật. Sự nổi lên của anh em nhà Macabê được phần lớn mọi người Do Thái coi như là những vị anh hùng, nhưng cũng có một số ít cho là không hợp pháp vì không thuộc dòng dõi Đa-vít, cũng như việc làm thượng tế của họ không thuộc dòng tộc được tuyển chọn, và có lẽ cũng do những căng thẳng này, cùng với những tín điều mới về sự sống lại, mà Thánh Kinh Híp-ri dè dặt không xếp sách Macabê vào quy điển.
Các sách Macabê được trình bày rất khác nhau trong các thủ bản bằng tiếng Hi Lạp của Thánh Kinh. Trong khi bản Alexandrius (thế kỷ V) có những bốn sách Macabê, thì bản Simaticus (thế kỷ IV) chỉ biết có sách I và IV và bản Vaticanus (thế kỷ IV) thì lại không có sách nào, các bản dịch Latinh cũ, chỉ có hai quyển đầu, những quyển Giáo Hội giữ lại như thuộc quy điển. Bản Vulgata vẫn giữ lại bản dịch này nhưng không xếp vào quy điển.
Việâc khám phá ra một bảng chữ hình ghi một khúc niên biểu của các vua Sêleukus, cho chúng ta biết rõ hơn về hệ thống niên biểu sử dụng trong mỗi sách Macabê. Sách 1 Macabê theo cách tính giáo lịch Makêđônia, khởi đầu tháng 10 năm -312, trong đó 2 Macabê theo giáo lịch Do Thái, tương tự với giáo lịch Babilon, khởi đầu từ Nisan (3 tháng 4) năm -311.

Khác với hai sách Các Vua và hai sách Samuel có thể hợp thành một, nhưng với hai sách Macabê thì phải đọc tách rời nhau. Có thể tóm tắt rằng, sách 1 Macabê có giá trị lịch sử hơn, còn sách 2 Macabê lại có giá trị giáo lý và thần học hơn. Vì thế, khi tìm hiểu xuất xứ, bố cục và nội dung của sách, chúng ta cần tách ra làm hai:


A. SÁCH 1 MACABÊ.
I. Xuất xứ.
Cuốn này viết bằng tiếng Híp-ri, khoảng năm -100, do một người Do Thái tại Giêrusalem, tuy nhiên, bản này đã thất lạc và chỉ còn lại bản Hi Lạp. Nhờ bản này mà ta biết được một số tập tục về tôn giáo thời đó: thí dụ tác giả tránh viết tên Thiên Chúa và thay đó bằng từ “Trời”. Đó là dấu chỉ lòng kính cẩn chu đáo đối với Thiên Chúa. Ngoài ra, luật cũng được đồng hoá với giao ước và tuân giữ kỹ càng.
Tuy sách đề cập dài đến các biến cố quân sự và những âm mưu chính trị, nhưng chủ đích nhằm tới vẫn là viết một lịch sử tôn giáo. Tác giả coi những khốn cùng và thất bại của Israel như một trừng phạt tội lỗi, ngược lại, những thành công của các nhân vật của tác giả là do sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tác giả là một người Do Thái nhiệt thành với lòng tin của mình và hiểu rằng lòng tin ấy là đề tài của của cuộc vật lộn giữa ảnh hưởng ngoại giáo và những tập tục của tổ tiên. Do đó, tác giả là một địch thù không đội trời chung của chính sách Hi-hóa và đầy thán phục đối với những vị anh hùng đã chiến đấu cho lề luật và Đền Thờ và đem lại cho dân, sự tự do tôn giáo rồi nền độc lập quốc gia. Tác giả là một Ký Sự gia của một trận chiến trong đó Do Thái- giáo, chứa đựng mạc khải, được bảo toàn.
Trình thuật phủ dài khoảng thời gian là bốn mươi năm, từ triều Antiôkhô Êpiphanê -175, tới khi Simon chết và Gioan Hircanus lên ngôi, (-134). Sách đã được viết bằng tiếng Hipri nhưng chỉ còn lại một bản dịch bằng tiếng Hi Lạp. Tác giả là một người Do Thái ở Phalêtin, đã soạn ra tác phẩm của ông sau năm 134, nhưng trước khi Pômpê chiếm Giêrusalem năm -63. Những hàng cuối cùng, 16, 23-24, cho thấy tác phẩm đã được sớm lắm là vào triều Gioan Hircanus, có thể, cái nhiều hơn, sau khi ông này chết ít lâu, khoảng năm -100. Đây là một tại liệu quý giá về lịch sử thời này nhưng với điều kiện là phải được sử dụng với nhiều thận trọng, nghĩa là phải quan tâm tới loại văn – một loại văn bắt chước các bản Ký Sự xưa của Do Thái – và chủ đích của tác giả.

II. Bố cục.
Sách Macabê I, trong trong phần đầu trình bày việc nền văn minh Hi Lạp xâm lăng, với một số người Do Thái tay sai và phản ứng các ý thức quốc gia. Gắn liền với Lề Luật và Đền Thờ; một bên là Antiôkhô Êpiphanêâ chà đạp Đền Thờ và bách hại đạo, một bên là Mattathya kêu goị thánh chiến (1Mcb 1,1-2,70). Không kể phần mở đầu, sách được chia làm ba phần chính, diễn lại hành động của ba người con của Mattathya thay nhau cầm đầu cuộc kháng chiến:
Phần I: Các cuộc khởi nghĩa của Giuđa Macabê (1Mcb 3,1-9,22).
Phần II: Thời kỳ lãnh đạo của Gionathan Macabê (1Mcb 9,23-12,53).
Phần III: Giai đoạn của Simon Macabê (1Mcb 13,1-16,24).

III. Nội dung.
Phần I: Các cuộc khởi nghĩa của Giuđa Macabê (1Mcb 3,1-9,22).
Giuđa Macabê (-166 - -160) đã lập được một loạt chiến công trên các tướng lãnh của Antiôkhô, tẩy uế Đền Thờ, dành lại cho người Do Thái quyền tự do sống theo phong tục của mình. Dưới triều Đêmêtrus I, ông hơi bị lúng túng bởi những âm mưu của thượng tế Alkimos, nhưng thành quả quân sự của ông tiếp tục và Nikanos, kẻ muốn phá huỷ Đền Thờ đã bị giết. Để củng cố thế đứng, Giuđa tìm cách liên minh với người Rôma. Cuối cùng, ông chết nơi chiến trường.

Phần II: Thời kỳ lãnh đạo của Gionathan Macabê (1Mcb 9,23-12,53).
Giônathan, em ông Giuđa kế vị (160-142 ), cuộc đấu tranh có tính cách chính trị hơn quân sự, Giônathan khéo lợi dụng các cuộc tranh chấp ngôi báu Syri: ông được Alêxanđrô Balas đặt làm thượng tế, được Đêmêtrius II nhìn nhận và được Antiôkhô VI tái xác nhận. Ông tìm cách liên minh với người Rôma và người Sparta. Vùng đất do ông kiểm soát lan rộng và cảnh thái bình xem ra cũng được bảo đảm, rồi ông bị rơi vào tay Truphôn và bị hạ.

Phần III: Giai đoạn của Simon Macabê (1Mcb 13,1-16,24).
Tiếp theo sứ mạng của Giônathan là Simon, anh ông, (142-134), Simon ủng hộ Đêmêtrius II, rồi được Antiôkhô VII nhìn nhận là thượng tế, lãnh binh và cầm đầu dân tộc Do Thái. Độc lập chính trị được tái lập. Liên minh với người Rôma tái kết. Một thời kỳ yên hàn và thịnh vượng. Nhưng rồi Antiôkhô đã quay đầu chống người Do Thái và Simon cùng với hai người con của ông bị ám sát chết dưới bàn tay một người con rể muộn làm vừa lòng hoàng đế.


B. SÁCH 2 MACABÊ.
I. Xuất xứ.
Sách Macabê II không phải là một tác phẩm tiếp theo Macabê I. Trong khi Macabê I trình bày một lịch sử khá toàn diện và quân bình của dân Do Thái trong những năm nguy kịch, sách Macabê II giới hạn vào một chuỗi sự kiện và đôi khi giới hạn vào một chuỗi lời bình giải hay tích truyện, giúp độc giả hiểu được niềm hy vọng và những đau khổ của các tín hữu bị bách hại.
Dù ít quan trọng hơn Macabê I đối với các sử gia, nhưng Macabê II lại rất quan trọng đối với Thánh Kinh vì cái nhìn sâu sắc về nỗi đau khổ và sự chết, cũng như công lý của Thiên Chúa. Cùng với sách đaniel và sách Khôn Ngoan, Macabe II là tác phẩm đầu tiên của Thánh Kinh quả quyết niềm tin vào sự sống lại.
Một số những biến cố ghi trong Macabê I cũng được nhắc đến trong Macabê II. Macabê II bắt đầu sớm hơn, cuối triều Sêleukus IV, tiên nhiệm Antiôkhô Êpiphanêâ và cũng đã kết thúc sớm hơn, tức là dừng lại ở cuộc thất bại của Nikanor, trước khi Giuđa Macabê chết, bao trùm một khoảng thời gian là mười năm tương ứng với các chương 1-7 của Macabê Israel mà thôi.
Nguyên bản được viết bằng tiếâng Hi Lạp và tự coi là bản lược tóm tác phẩm của một tác giả khác là Giasôn, người Kyrênê, 2 19-23. Quả là văn của tác giả Hi Lạp, nhưng không là vào hạng xuất sắc nhất. Đôi khi có vẻ khoa trương. Có giọng điệu của một kẻ giảng dạy hơn là một người viết sử, mặc dù tác giả đã tỏ ra có một hiểu biết rất cao về các thượng chế Hi Lạp và về các nhân vật của thời đại đó, so với tác giả của Macabê I.
Vì biến cố cuối cùng được kể lại là cái chết của Nikamor, tác phẩm của Giasôn, người Kyrênê có thể đã được soạn thảo sau năm -160 một ít. Có thể nghĩ rằng bảng tóm lược này có thể đã được thực hiện vào năm -124. Tác phẩm không phải không có giá trị lịch sử, quả thực, người tóm lược đã thu nhập những trình thuật giả mạo trong thư 1 10b-2 18, đã họa lại những tiết truyện có tính cách đánh động tình cảm về Hêliôđôrê 3 ,về cuộc tử đạo của Êlêazar 6,18-31, và của bảy anh em, người tóm lược gặp thấy trong tác phẩm Giasôn, và đi đôi với những đề tài tôn giáo của ông. Nhưng sự trùng hợp chung với 1Macabê đảm bảo cho tính cách lịch sử của các biến cố được cả hai nguồn văn biệt lập này ghi lại. Có một điểm quan trọng trong đó 1Macabê và 2Macabê mâu thuẫn với nhau: 1Macabê 6,1- 13 đặt việc thanh tẩy Đền Thờ trước khi Antiôkhô Êpiphanê chết, trong khi đó 2Macabê 9,1-29 lại đặt sau. Một bản niên biểu Babilon mới được ấn hành chứng nhận 2Macabê xác thực hơn 1Macabê: Antiôkhô chết trong tháng 10/11 năm-164 trước việc tái cung hiến Đền Thờ vào cuối tháng mười hai cùng năm đó.
Sách 2 Macabê, lịch sử trước tiên mang tính biện hộ và chỉ được sử dụng với chủ đích thần học. Tác giả viết cho những người Do Thái tại Alexandria; ông muốn giúp họ hiểu các biến cố đã xảy ra bên Palestin và khơi lại lòng mến chuộng đối với đền thờ Giêrusalem.

II. Bố cục.
Ngoài tiếât truyện Hêliôđôrê 3, 1-40, nhấn vào tính cách thánh thiêng của Đền Thờ, có thể chia sách thành 2 phần chính:
Phần I: 4 1-10 8, kết thúc với nhà bách hại đạo, đã làm uế tạp Đền Thờ, Antiôkhô Êpiphanêâ, và việc thiết lập lễ Cung Hiến.
Phần II: 10,9-15,36, kết thúc cũng với cái chết của Nikanor, người đã đe dạo phá huỷ Đền Thờ, và việc thiết lâp lễ kỷ niệm. Cũng trong đề tài này, hai bức thư đặt ở đầu sách 1,1-2,18, là những lời người Do Thái ở tại Giêrusalem kêu gọi anh em của họ ở Ai Cập cùng mừng với họ lễ thánh tẩy Đền Thờ, lễ Cung Hiến.

III. Nội dung.
Kể lại cuộc chiến tranh giải phóng do Giuđa Macabê lãnh đạo, được ơn thiêng nâng đỡ và toàn thắng nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa 2,19-22. Dưới cái nhìn của tác giả, sự thất bại cũng là là hậu quả của lòng xót thương của Thiên Chúa, muốn sửa trị dân, trước khi đấu đong tội lỗi đầy tràn 6, 12-17. Tác giả viết cho người Do Thái ở Alexanđria và chủ đích để gợi tinh thần liên đới với các anh em của họ ở tại Phalêtin. Tác giả muốn họ quan tâm đặc biết đến số phậân của Đền Thờ, trung tâm của đời sống tôn giáo theo Lề Luật và mục đích đầu tiên của chiến tranh là giải phóng Đền Thờ.
Ngoài việc trình bày những biến cố và giải thích chúng theo nghĩa thần học, cũng cần phải nói đến bầu khí thân mật trong cầu nguyện và việc năng kêu cầu lên thiên Chúa, và một số những xác định giáo lý khác, như: công thưởng của các vị tử đạo, hiệu năng do lời bầu cử của kẻ lành và hiệu năng cầu nguyện cho người quá cố. Nhưng giáo lý quan trọng nhất là giáo lý liên quan đến sự sống lại. Ba lần (7,9; 12,38; 14,48) tác giả quả quyết là kẻ lành sẽ sống lại. Vì người Do Thái không quan niệm con người chỉ như là một vật gồm có xác và hồn tách biệt (nhị nguyên), nhưng như là một đơn vị vừa tâm linh vừa thể xác, quan niệm về sự sống mai sau bắt buộc phải có sự sống lại thân xác.
Như thế, sách 2 Macabê được coi là quan trọng vì những quả quyết về người chết sống lại, những hình phạt đời sau 6, 26, lời cầu nguyện cho kẻ chết 12, 41-46, công trạng cho những người tử vì đạo 6, 18-7, 41, các thánh nhân cầu bầu 15, 12-16. Kho tàng giáo điều của sách này được Giáo Hội Công Giáo đề cao và còn tìm thấy nơi đâymột số điểm làm nền tảng cho những tín điều, như: Các thánh thông công, linh hồn được thanh tẩy sau khi chết nơi luyện ngục, thân xác sống lại.
Đọc lại sách Macabê, chúng ta có được những ý nghĩa quý giá sau đây:
* Ý nghĩa lễ cung hiến (629).
Sau khi thanh tẩy Đền Thờ cho hết các tỳ ố (x. 2Mcb 14,16), việc canh tân lễ tế sau cùng là một việc quan trọng của lễ Cung Hiến (Hanoukka), lễ lịch sử vào ngày 17 tháng 12 năm -167. để đem lại cho công việc đóvẻ huy hoàng xứng đáng, nhà Macabê và con cháu, tuỳ hoàn cảnh cho phép đã giữ lại những vẻ tráng lễ của các lễ cung hiến thời Sa-lô-mon (x. 1V 8) và Esdra (x. Er 6) người ta nói đến “soukkoth tháng kisleu” như nói đến lễ nhà tạm (lễ lều) “soukkoth tháng tisri” một sự đồng hoá như thế phải đem lại cho dân Do Thái một quan niệm cao xa về lễ mới được thành lập. Được đặt vào mùa đông, như thế lễ Cung Hiến sẽ được lấp vào chỗ trống của các múa, vì: mùa xuân có lễ Vượt Qua, mùa hạ có lễ Ngũ tuần, mùa thu có lễ Nhà Tạm.
Thật ra, tuy là một lễ lớn, đánh dấu và kỷ niệm chiến thắng dân ngoại xâm lăng đền thờ, nhưng trong Do Thái Giáo hiện nay vẫn không coi lễ Cung Hiến (hanoukka) ngang hàng với 3 lễ trọng đại kia, và coi đó như là một ‘nửa lễ” mà thôi.
* Âm ty và giá của sự sống.
Từ lâu, Israel đã bám chặt lấy những quan niệm cổ về âm ty (shéol), rồi các nhà thần bí suy nghĩ và cho rằng có cái gì khác nữa ở chốn âm ty. Cuộc bách hại đẫm máu thời Macabê là cơ hội để tiến một bước quan trọng về ánh sáng đầy đủ của mặc khải.
Quan niệm mọi người chết, tốt hay xấu đều ở trong lòng đất, nơi tối tăm và lạnh lẽo; người chết thành ra những cái bóng (ombres), không có xác, không có những hoạt động của loài người nữa; những cái bóng đó trong âm ty sống một cuộc sống uể oải, trì trệ, không vui thú, không đau khổ và không hiểu biết.
Nhưng dưới ảnh hưởng của các tiên tri, tôn giáo dần dần có đặc tính nhân vị hơn, và vấn đề thưởng phạt được đặt ra ngày càng sâu sắc: khi nào và ở đâu Thiên Chúa sẽ thể hiện luật công bình? Từ đó, người ta bắt đầu nghi ngờ rằng, ngay cả dưới âm ty những kẻ dữ, những ai thù địch với Thiên Chúa và với sự thiện sẽ bị tội ác theo đuổi (x. Is 14,9-10). Trái lại, đang khi đó những người trung tín đạo đức muốn hưởng mãi sự thân mật với Thiên Chúa vì Thiên Chúa quyền năng sẽ làm cho những kẻ Người yêu mến.
Đến thế kỷ –III, một số người đã tin rằng có sự thưởng phạt đời sau. Tác giả Thánh Vịnh trông mong được “đem về” trong vinh quang (x. Tv 48,16 và Tv 72,24). Quohelèth trong sách Giảng Viên đã nghe nói về điều ấy (x. Gv 3,19-21). Ben Sira tác giả sách Huấn Ca cũng vậy (x. Hc 11,28) và cuối cùng tôbia có vẻ cũng ám chỉ điều đó (x. Tb4,7-11). Tuy nhiên tất cả những điều này vẫn còn sơ khởi, rải rác và riêng tư.
Đến biến cố tử đạo của cụ già Éléazar, 7 người anh em và bà mẹ can trường đã cho thấy niềm tin này mãnh liệt và cơ sở. Bởi vì Thiên Chúa công minh vô cùng, sẽ ân thưởng những kẻ thuộc về Người và phạt những kẻ vô đạo. Hành động công bình ấy điều kiện là phải có phục sinh, vì phải là con người trọn vẹn mới liên hệ đến sự thưởng phạt này được, vì không có thân xác thì không thể vui sướng, không thể đau đớn, không thể cầu nguyện… Từ đó, có lý khi tin rằng phải có sự phục sinh trước đã, để làm nền tảng cho sự thưởng phạt đời đời.
* Ý nghĩa tử đạo (liên lạc giữa hai giao ước).
Cuộc tử đạo của 7 anh em được kể trong 2Mcb 7 chiếm một địa vị bất ngờ, nó tiêu biểu cho mắt xích cuối cùng giữa Cựu Ước và Tân Ước và chứng tá của họ như đặt một cơ cấu chặt chẽ và riêng biệt cho Do Thái Giáo như ta sẽ thấy khi Đức Kitô đến. Các giáo phụ trong Giáo Hội Công Giáo như Augustino, Gregorio de Nazianze, Gioan Kim Khẩu… ca tụng các vị tử đạo thời macabê như những Kitô hữu sinh trước thời.
Trước đây, Giáo Hội còn mừng lễ Macabê vào ngày 01 tháng 8, cũng là ngày mừng lễ “thánh Phêrô bị xiềng xích”. Từ cuối thế kỷ thứ IV, Giáo Hội dành một chỗ cho các vị tử đạo thời Cựu Ước trong mục lục các thánh tử đạo. Như thế, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ mối liên lạc giữa Cựu Ước và Tân Ước. Vào lúc các cuộc bách hại đổ ập trên các Kitô hữu, thì cần noi gương các vị tử đạo của Israel xưa…