PDA

View Full Version : THÁNH KINH nhập môn - Phần Tổng Quát



Bảo_†_Lâm
16-02-2012, 11:36 AM
THÁNH KINH NHẬP MÔN

PHẦN TỔNG QUÁT

Dẫn nhập
“Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người” (Augustino, Enarr in Ps 90). Thật vậy, giống như đôi bạn tình lúc sống xa nhau, họ trao gửi cho nhau những bức tâm thư và nhờ đó mà lời nói yêu thương và hình ảnh của họ luôn hiện diện bên nhau, để nuôi dưỡng tình yêu họ mãi mãi cho nhau. Cũng thế, khi Chúa Giêsu “về trời”, Thánh Kinh như là một lưu bút và là một bức thư tình để lại cho tín hữu và là thông điệp yêu thương của Người vẫn mãi mãi ở cùng nhân loại giúp họ được sống và sống phong phú trong tình yêu của Thiên Chúa. Nói đến thư tình là nói đến những dòng chữ chất chứa tình thương, hơn là những gì thuộc văn hay chữ tốt. Chẳng có anh chàng hay cô gái nào nhận được thư của người yêu mà lại đặt vấn đề về văn phạm sai câu lỗi vần, nhưng chỉ tập chú khám phá trên mỗi dòng chữ một hình ảnh thân thương, một rung động của con tim và những cảm nghĩ về tình yêu và ước vọng tương lai. Cũng vậy, tinh thần học hỏi và sống Thánh Kinh không nhằm nghiên cứu văn hay chữ tốt, mà là một sự khám phá và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong chương trình cứu độ.
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II, Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể tiếp cận được với Thiên Chúa và thông phần bản tính của Người. Thánh Kinh hay Lời Chúa không chỉ là một bản văn chất chứa tình cảm của Chúa mà còn là chính Chúa (Dei Verbum 25). Có thể nói, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa tỉ lệ với độ mến yêu của con người đối với Thánh Kinh. Sở dĩ công đồng Vaticano II dám đồng hoá Lời Chúa với chính Chúa, vì Lời ở đây không phải là một âm thanh vẳng trong không khí, nhưng trước hết là Ngôi Lời
Công đồng Vaticano II, mong muốn mọi kitô hữu hãy siêng năng học hỏi Thánh Kinh để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và để tâm hồn được bối dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa:
“Mọi kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy siêng năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học về Thiên Chúa (x. Pl 3,8). Vì không biết Thánh Kinh là không biết Thiên Chúa (S. Hyeronimo). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh nhờ Phụng Vụ Thánh chứa đựng dồi dào, hoặc nhờ sốt sắng đọc Kinh Thánh, hay những tổ chức học hỏi thích hợp…” (DV, 25).

Tại sao phải học Thánh Kinh?
Có thể nói môn học Thánh Kinh là môn học quan trọng nhất trong các môn thần học, vì Thánh Kinh là kim chỉ nam cho tất cả mọi suy luận thần học. Hơn nữa, việc hiểu biết Thánh Kinh sẽ hướng dẫn cho đời sống mọi kitô hữu.
Vì thế, việc học hỏi Thánh Kinh là rất cần thiết, không chỉ để biết mà còn là để sống, “vô tri thì bất mộ” – không biết Chúa thì không thể yêu mến Chúa và không biết đường lối Chúa và Thánh Ý của Người thì không thể sống đức ái với tha nhân cách trọn vẹn



Hiền Lâm

Bảo_†_Lâm
16-02-2012, 12:25 PM
Chương I.

CÁC KHÁI NIỆM


A. Khái niệm về mặc khải (mạc khải).

1. Định nghĩa.
Chữ Mặc Khải hay Mạc Khải mà người Việt Nam đang dùng là một từ Hán Việt (mạc là màn, mặc là tối, khải là mở), nghĩa là Thiên Chúa vén bức màn hoặc cất đi sự u mê của con người để họ biết về Người, được dịch từ chữ REVELATIO, tiếng Latinh, chữ Revelatio bao gồm: Re (cất lên), velum (khăn voan, cái lúp), tức là cất khăn che để thấy rõ một vật gì.
Do đó:
“Mặc khải là hành động mà Thiên Chúa tỏ mình ra và chương trình cứu rỗi của Người cho nhân loại” (DV, 6).
Ví dụ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15). Đây là mặc khải đầu tiên Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ .

2. Mặc khải và Kitô Giáo.
Người có tín ngưỡng đi tìm cho mình một sự liên lạc với các thần linh mà họ tôn thờ và khao khát có một sự đối thoại. Vì thế, không lạ gì nhiều tôn giáo cổ xưa đã đặt ra nhiều phương cách để như “ép buộc” thần linh tự mặc khải cho họ qua chiêm mộng, bói toán, lắc quẻ, đồng cốt, cầu cơ… Những phương cách đó là do sáng kiến của con người hơn là do thần linh. Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước là một Thiên Chúa mặc khải, Người tỏ mình qua công trình sáng tạo, qua lịch sử cứu độ, qua sự đàm đạo và tác động trên các tổ phụ và các ngôn sứ, đặc biệt qua Đức Giêsu Kitô.
Như thế, Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng mặc khải của Thiên Chúa, nghĩa là trên niềm tin vào những gì Thiên Chúa nói với loài người (qua các kỳ công trong vũ trụ), qua các sứ giả của Người, nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó chúng ta sẵn sàng đón nhận và chấp nhận những chân lý mầu nhiệm vượt qua khả năng tri thức và lý luận của người phàm.

3. Cách thức mặc khải.
Thiên Chúa tỏ mình và tỏ ý định của Người bằng muôn phương ngàn cách. Chính thánh Phaolô đã viết: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11, 33-34).
Nhân loại dùng ngôn ngữ mà truyền đạt tư tưởng, ý muốn và tâm tình của mình. Cũng thế, khi chấp nhận đối thoại, Thiên Chúa đã sử dụng chính ngôn ngữ của nhân loại để mặc khải. Thánh Kinh dùng chữ Dabar và Logos để chỉ Lời mặc khải. Nội dung hai từ này bao gồm việc Thiên Chúa thực hiện mặc khải không những qua lời nói mà còn qua những hành động cụ thể. Hai hình thức này bổ túc cho nhau, nghĩa là lời nói của Chúa giải thích và làm sáng tỏ mầu nhiệm được thể hiện bằng hành động trước đó. Ngược lại, Hành động làm ứng nghiệm những gì được mặc khải qua lời nói.
Ví dụ: “Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập… Ta xuống giải thoát chúng…” thế rồi Chúa đã dùng cánh tay uy quyền giải phóng dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập (x. Xh 3,7-8). “Ta thương đoàn dân này…” và sau lời nói này Chúa đã hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng dân (x. Mt 15,32).
a, Lời mặc khải.
Nghĩa là Thiên Chúa tuyên phán trực tiếp Lời của Người, hoặc qua miệng các tổ phụ và các ngôn sứ về danh Người hoặc về ý định của Người. Ví dụ: truyền giới răn trên núi Sinai, Đức Giêsu ban bố Hiến Chương Nước Trời…
b, Lời hành động.
Là bằng chính việc làm, Thiên Chúa bày tỏ bản tính của Người và thánh ý của Người là Đấng sáng tạo, quan phòng săn sóc, thương xót con người và luôn trung tín với giao ước Người đã ban cho nhân loại. Ví dụ: Hai chương đầu của sách sáng thế, Tv 33, 6; 1Pr 1,23…).
c, Mặc khải trong Cựu Ước.
- Thiên Chúa cho biết Người là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng (x. Ga 1,3; Rm 1, 19-20).
- Săn sóc và ban lời hứa cứu độ (x. St 3,8.15).
- Chọn một dân riêng (kêu gọi Abraham) để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời.
- Dùng các tổ phụ và các ngôn sứ để giáo huấn.
d, Mặc khải trong Tân Ước.
Thiên Chúa không còn nói với một dân tộc và qua các ngôn sứ nữa, nhưng Người nói với toàn thể nhân loại và nhờ chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,34; Dt 1,1-2).
Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu bấy giờ là Emmanuel – ở cùng nhân loại, để không chỉ giúp riêng dân Israel thoát ách nô lệ ngoại bang nữa, mà là cứu chuộc nhân loại thoát ách nô lệ ma quỷ, tội lỗi và sự chết, nâng con người lên địa vị làm Con Thiên Chúa và xứng đáng tham dự vào đời sống vĩnh cửu.
Tân Ước hoàn tất trọn vẹn chương trình mặc khải được khởi đầu và chuẩn bị trong Cựu Ước.

4. Các nguồn mặc khải.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Thánh Kinh và Thánh truyền là hai nguồn mặc khải chính và bổ túc nhau. Điều này khác với Giáo Hội Tin Lành chỉ nhìn nhận Thánh Kinh là mặc khải duy nhất.
a, Thánh truyền.
Thánh truyền là những mặc khải tuy không được chép thành văn, nhưng vẫn được các kitô hữu sống và thực hành. Chẳng hạn các phẩm trật, quyền bính của Giáo Hội, quyền thủ lãnh của thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài, quyền giáo huấn của các tông đồ…
b, Thánh Kinh.
Thánh Kinh là một kho tàng mặc khải được chép thành văn và lưu truyền cho hậu thế. Có thể nói, cho đến hôm nay chưa có một sách nào được ấn bản nhiều và có thời gian lưu hành dài như Thánh Kinh.
c, Thái độ đối với Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai là những nhân chứng sống động trong việc sống Lời Chúa, họ ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và sùng mộ Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai đón nhận Lời Chúa giữa bao gian truân thử thách, với sự hoan hỷ của Thánh Thần, khiến họ nên mẫu mực cho mọi kẻ tin (1Tx 1, 6). Họ lắng nghe và ngoan ngoãn đem ra thực hành. Thánh Giacôbê viết: “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 25). Nhờ trung thành thực thi Lời Chúa nên các tín hữu đầu tiên đã lớn mạnh trong ân sủng. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ dám đồng hoá sự tăng trưởng của Giáo Hội sơ khai với sự tăng trưởng của Lời Chúa. Nói cách khác, một khi các kitô hữu tiếp thu và thực hành Lời Chúa, thì Lời Chúa sẽ làm phát triển sự sống thiêng liêng (x. Cv 6,7; 12,24…). Cuối cùng, các kitô hữu sơ khai đã dám liều chết vì Lời Chúa (x. Kh 6,9) vì Lời Chúa dành cho họ sự toàn thắng cuối cùng (x. Kh 12, 11).
Ngày nay, sau công đồng Vaticano II, phong trào học hỏi Lời Chúađang phát khởi mạnh mẽ. Đó là một điểm son của thời đại. Hơn bao giờ hết, chính Giáo Hội cũng muốn mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các kitô hữu. Vì Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng để nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn nguồn sống thiêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội (Dei Verbum 21). Vì thế phải đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến và trân trọng .

5. Phân loại mặc khải.
a, Mặc khải tư.
Mặc khải tư (Private revelation) là chỉ nhắm tới một số người được giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, và không phải là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Những tiết lộ Fatima, Mễ Du…
b, Mặc khải công.
Mặc khải công (Public Revelatio) là mặc khải nhắm tới lợi ích chung của toàn thể nhân loại, và là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Mặc khải cho Môisê biết Thiên Chúa là Giavê (có); mặc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là Đấng Kitô hằng sống…



Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
16-02-2012, 02:49 PM
B. Khái niệm về linh hứng và vô ngộ.
Trong Thánh Kinh, có nhiều vấn nạn liên quan đến đức tin, khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chúng ta không nên quá chú trọng đến tính khoa học hay tính lịch sử, mà là cần có cái nhìn của đức tin. Sở dĩ Thánh Kinh được Do Thái Giáo và Kitô Giáo công nhận như bản văn mặc khải, vì được Chúa Thánh Thần linh hứng và bảo đảm cho khỏi sai lầm.

1. Linh hứng.
Chữ LINH HỨNG được dịch từ INSPIRATIO (Latinh): In là trong, Spirare là thổi. Cái gì thổi? Gió thổi. Trong Thánh Kinh, gió hay hơi (ruah) được dùng để chỉ Thần Khí, tức là Chúa Thánh Thần.
Vậy, Linh hứng hiểu cách đơn giản là “được Thánh Thần thổi cho”.
Ơn linh hứng là ơn Chúa Thánh Thần tác động trên người viết, là ảnh hưởng siêu nhiên, có công dụng nâng cao và thúc đẩy khả năng của tác giả chép Thánh Kinh để họ chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn, đồng thời cũng hướng dẫn họ trong việc sử dụng những từ ngữ và thể văn thích hợp để không làm sai lạc chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải.
Đức giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp Providentissimus Deus (18.11.1893), viết về tác động của Chúa Thánh Thần như sau : ”Bằng một sức mạnh siêu nhiên, Thiên Chúa đã khơi động và thúc đẩy các soạn giả viết. Trong khi các vị viết, Người giúp các vị suy tưởng đúng, muốn viết lại cách trung thành và diễn tả cách thích hợp bằng chân lý không sai lầm, hiểu theo nghĩa là đạt tới mục đích cứu rỗi (apte infaillibiti veritate exprimerunt) tất cả những gì Người truyền cho các vị viết và chỉ những điều đó thôi. Nếu không có như thế thì Người không phải là tác giả của tất cả Kinh Thánh” (EB 125 ; Dz 3293). Đây là bản văn rất quan trọng, vẫn được coi là một định nghĩa ơn linh hứng, bởi vì đoạn văn mô tả tác động cụ thể của ơn linh hứng nơi soạn giả khi ông đang làm việc : Thánh Thần hoạt động cùng với soạn giả con người. Người có sáng kiến, nhưng soạn giả thánh không thụ động, trái lại vẫn làm việc và cộng tác bằng trí tuệ, ý muốn và khả năng hành động.
Đức giáo hoàng Piô XII trong thông điệp Divino afflante Spiritu (30.9.1943), được coi là hiến chương mới của khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội công giáo, và đã có ảnh hưởng rất lớn. Về vấn đề linh hứng, thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của soạn giả : “Khi chép Sách Thánh, soạn giả thánh là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, một dụng cụ sống và có lý trí”, do đó, “khi được Thiên Chúa tác động, vẫn còn sử dụng những khả năng và sức lực của mình. Thế nên từ cuốn sách do công lao soạn giả làm ra, ai nấy có thể nhận thấy dễ dàng tính cách riêng và những nét đặc thù của mỗi soạn giả” (EB 556).
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải đã viết : “Những điều Thiên Chúa măïc khải và Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi chép do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Spiritu Sancto afflante). Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, do niềm tin bắt nguồn từ thời các thánh Tông Đồ, coi là Sách Thánh và thuộc Thư qui toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn, vì lý do là các sách đó đã được chép nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng (Spiritu Sancto inspirante) nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó. Trong việc soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng những khả năng và sức lực của mình, để nhờ chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra với tư cách là những tác giả thực sự, tất cả những gì Người muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (DV 11).
Dưới đây ta theo kiểu nói của thông điệp Providentissimus Deus để nói rõ hoạt động của ơn linh hứng trên soạn giả thánh.
- Trong trí tuệ : Thiên Chúa soi sáng:
Để trình bày chân lý như Thiên Chúa muốn, trước tiên cần phải có một quan niệm cho đúng. Ơn linh hứng sẽ giúp trí tuệ soạn giả thánh nhận thức đúng. Một trong những yếu tố góp phần tích cực để hiểu tác động của ơn linh hứng đối với trí tuệ của soạn giả thánh là cách phân biệt phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành cùng vai trò của nó.
Ơn linh hứng tác động vào trí tuệ, giúp cho soạn giả nhận thức chân lý Thiên Chúa muốn thông ban và biết nên viết điều gì và viết cách nào. Ánh sáng linh hứng đó có tính cách nội tại, để lời viết ra thực sự là của con người, và cũng là Lời của Thiên Chúa nhờ ánh sáng đó, bởi vì nếu là ngoại tại thì việc làm của soạn giả thánh không còn tính cách tự do nữa mà là bị cưỡng bách.
- Trong ý chí : Thiên Chúa thúc đẩy:
Ơn Thiên Chúa thúc đẩy soạn giả thánh để chỉ muốn viết những gì Thiên Chúa muốn. Vấn đề là sự hài hòa giữa ý muốn của Thiên Chúa với ý muốn của con người như thế nào. Nếu soạn giả thánh là một dụng cụ có lý trí và tự do, thì Thiên Chúa cũng phải sử dụng dụng cụ đó theo bản tính của nó là có tự do. Vì đó ơn linh hứng phải tác động trên ý chí vì đây là quan năng làm cho con người hành động như con người tức là có tự do.
- Trong hành động: Thiên Chúa giúp đỡ:
Ý chí không những quyết định những gì trí tuệ thấy cần phải viết, nhưng còn vận dụng mọi cơ năng để thực hiện quyết định đó nữa. Vậy ơn linh hứng cũng tác động trên cả những cơ năng thực hành nữa. Khi thực hiện ý định viết, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ các khả năng hành động như trí tưởng tượng, trí nhớ, tâm tình, khiếu viết văn và cả những hoạt động thân thể nữa. Vì Sách Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và của con người, nên cũng phải qui những tác động của con người về cho Người, nghĩa là Người ban ơn linh hứng siêu nhiên trợ giúp.
Như vậy, ai là tác giả Thánh Kinh?

2. Các tác giả Thánh Kinh.
a, Thiên Chúa.
Vì chính Thiên Chúa linh hứng cho người ta chép và chỉ chép ra những gì Người muốn bày tỏ với nhân loại, nên tác giả chính của Thánh Kinh là chính Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thánh Kinh được gọi là Lời Chúa.
b, Các thánh ký (người viết).
Các tác giả chép Thánh Kinh không phải chỉ nghe Chúa Thánh Thần phát âm chữ nào thì viết ra chữ đó, nhưng các vị chép Thánh Kinh là những con người tự do và luôn sử dụng tài năng riêng cùng quan niệm bình dân và tư tưởng thời đại để diễn tả trước hết là cho người đương thời biết những chân lý mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, các vị cũng là những tác giả thực của Thánh Kinh, nhưng chính là những tác giả phụ mà thôi, vì nội dung chính không phải là do sáng kiến của các vị, mà hoàn toàn là Lời mặc khải của Thiên Chúa.

3. Vô ngộ.
Thiên Chúa là Đấng thông minh và chân thật tuyệt đối, nghĩa là Người không thể sai lầm và Người cũng không hề lừa dối ai. Vì thế những điều Người linh hứng cho các thánh ký cũng không thể sai lầm được. Điều này cũng có nghĩa là Thánh Kinh không thể sai lầm.
Sự vô ngộ của Thánh Kinh xuất phát từ Ơn Linh Hứng. Thật vậy, nếu tin rằng chính Thánh Thần linh hứng, tức là soi sáng và hướng dẫn các thánh ký để họ viết ra thì bản văn Thánh Kinh không thể sai lầm, vì Ngài là Thần Chân Lý. Đức Kitô hứa ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, như trí khôn và trí nhớ của họ: Là trí khôn, Ngài cho họ thấu hiểu những điều bí nhiệm (x/ Ga 16,13); là trí nhớ, Ngài nhắc cho họ những gì Chúa đã nói với họ (x. Ga 14, 26).
Tuy nhiên, nếu dừng lại theo phương diện khoa học và lịch sử thì không thiếu những mâu thuẫn và sai lầm. Chẳng hạn tường thuật không logich về việc sáng tạo, hoặc đoạn Tin Mừng Matthêu trích dẫn câu: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmaia: họ đã lượm ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà số con cái Israel đã đặt khi đánh giá Người”. Câu này của sách ngôn sứ Giacaria nhưng Matthêu lại lầm lẫn là của Giêrêmia (x. Mt 27,9 // Gcr 11,12). Như thế, chúng ta phải hiểu thế nào khi nói Thánh Kinh không thể sai lầm?
Chúng ta có lập trường sau đây của Giáo Hội:
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải dạy:
- “Phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các soạn giả thánh, là những Lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại vì ơn cứu độ của chúng ta...” (DV 11)
- “... Để tìm ra chủ ý của soạn giả thánh, giữa những phương pháp khác, cũng cần xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp nhất định, soạn giả thánh đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa Kinh Thánh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau” (DV 12).
Giáo Hội tin Thánh Kinh vô ngộ vì:
- Giáo Hội thừa kế lòng tin tưởng đó của dân tộc Do Thái.
- Giáo Hội dựa trên uy tín của Đức Kitô (x. Mt 22,31).
- Giáo Hội dựa trên thế giá các Tông Đồ (x. Cv 2, 16).
- Giáo Hội dựa trên lời quả quyết của các giáo phụ: Thánh Clément I viết: “Anh em đừng xuyên tạc Lời Chúa vì đó là Lời chân thật”; thánh Augustine cũng dạy: “Thánh Kinh chân thật và không ai phủ nhận chân lý này, trừ phi kẻ bất lương”.
Như vậy:
- Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ nhân loại (cách nói của loài người), nhờ đó giúp người ta có thể lãnh hội được Lời Chúa cách dễ dàng hơn.
- Chỉ những mặc khải về Ơn Cứu Rỗi mới là nội dung chính của Thánh Kinh mà thôi. Đối với những chân lý về Ơn Cứu Rỗi thì Thánh Kinh không thể sai lầm được (S. Augustin, S. Thomas d’Aquine).
- Những chân lý thuộc lãnh vực khoa học, lịch sử, văn phạm… không phải là những chân lý mà Chúa Thánh Thần muốn dạy dỗ loài người qua chương trình mặc khải, nghĩa là những chân lý ấy không thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh.
- Các sai lầm trong các lãnh vực thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh không hề ảnh hưởng đến các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, nghĩa là không làm sai lạc những chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người để họ có thể đạt tới Ơn Cứu Rỗi.
Các tác giả Thánh Kinh có thể sai lầm theo suy nghĩ bình dân, hoặc các ngài phản ảnh những sai lầm của thời đại khi đề cập đến các chân lý ấy.
Trong lãnh vực khoa học: Thánh Kinh được viết ra không nhằm trình bày khoa học. Thánh Kinh không phải là cuốn vạn vật học hay vũ trụ học. Thánh Kinh chỉ muốn loan báo chân lý cứu rỗi, bằng những kiểu nói đơn sơ của người đương thời.
Trong lãnh vực lịch sử: Nếu có những lầm lẫn về các sự kiện hay biến cố lịch sử, ta cần biết rằng, chủ ý của tác giả nhằm giúp ta thấu hiểu hoạt động kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử mà thôi. Bởi thế, tác giả ít quan tâm đến việc kiểm chứng các sự kiện hay các tài liệu sẵn có trong tay.
Trong lãnh vực luân lý: Vì Thánh Kinh được viết trong một thời gian rất dài và trong nhiều thời kỳ khác nhau, nên đời sống dân Chúa cũng được cải tiến cách tiệm tiến. Vì thế, nếu có những tập tục xem ra trái với Tin Mừng của Chúa Kitô, thì ta chớ bỡ ngỡ. Lý do là dân trí thời ấy còn thô lỗ lúc ban đầu.



Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

phungyen158
16-02-2012, 04:50 PM
Chú Lâm chịu khó nhỉ. Chúa yêu Chú lắm đó. Hiii

Bảo_†_Lâm
16-02-2012, 08:08 PM
C. Khái niệm về giao ước.

I, Định nghĩa.
1, Cấu tạo Thánh Kinh.
Được gọi là Thánh Kinh hay Sách Thánh là bởi vì:
- Tác giả là chính Thiên Chúa chí thánh.
- Vì trong đó chứa đựng những điều thánh thiện.
- Vì những trang sách này có sức thánh hoá người đọc (S. Thomas Aquino).
Thánh Kinh là một bộ sách gồm 73 cuốn, được chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, do nhiều tác giả viết ra dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần (ơn Linh Hứng).
Thánh Kinh được viết vào những thời kỳ khác nhau, trải dài từ khoảng năm 1350 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 100 sau Chúa Giáng Sinh.
Thánh Kinh cũng được coi là bộ sách Giao Ước, trong đó bao gồm Cựu Ước (giao ước cũ) và Tân Ước (giao ước mới). Cả hai đều gồm ba thể loại: Lịch Sử, Ngôn Sứ và Giáo Huấn.

2, Định nghĩa giao ước.
Giao ước là một thoả thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một nghi lễ công khai. Qua đó mỗi bên đều được hưởng những quyền lợi, kèm theo những ràng buộc và phải thi hành một số điều kiện.
Theo phong tục cổ thời, các dân vùng Lưỡng Hà Địa thì sau khi hai bên đạt được thoả thuận cho việc ký kết, người ta giết một con vật, rồi phân thây con vật làm hai nửa. Sau đó đại diện hai bên lần lượt đi qua giữa hai phần của con vật đó, ngụ ý nói lên quyết tâm thực hiện điều đã ký kết và sẵn sàng chịu chung số phận như con vật nếu vi phạm điều đã giao ước (x. St 15, 7-20; Gr 31,31; 34,18-22).
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa chặt, thì không thể có giao ước đúng nghĩa giữa Thiên Chúa và loài người. Vì giao ước chỉ được thiết lập giữa hai bên ngang hàng với nhau và hai bên đều được hưởng lợi và cùng phải có bổn phận ràng buộc. Trong khi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và con người chỉ là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên từ hư vô thì không thể ngang hàng với nhau được. Đồng thời Thiên Chúa cũng chẳng được lợi ích gì và Người cũng không thể bị ràng buộc vào bổn phận phải thi hành, vì mọi sự đều là của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương Thiên Chúa đã tự hạ cố để thiết lập giao ước, nên đúng hơn phải hiểu giao ước giữa Thiên Chúa với loài người là một Lời Hứa được ban cho con người mà thôi (x. St 9,11; 15,5; Xh 19,5).
Giao ước khác biệt với mọi bản giao kèo hay hợp đồng giao kết khác, nghĩa là các bản giao kết kia nếu một bên vi phạm thì bên còn lại không bị ràng buộc nữa, trong khi Giao Ước thì không thay đổi, bằng chứng là phía con người bất tín biết bao lần, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín.

3. Giao ước cũ và giao ước mới.
a, Cựu Ước.
Là Lời Giao Ước Cũ mà Thiên Chúa thiết lập với dân riêng của Người là Israel qua trung gian là các tổ phụ và các ngôn sứ, và được đóng ấn bằng máu con vật sát tế.

CÁC SÁCH CỰU ƯỚC (46 cuốn) :
* 21 sách lịch sử: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật, Giosuê, Thủ Lãnh, Rút, 1&2 Samuel, 1&2 Vua, 1&2 Sử Biên Niên, Ét-ra, Nơkhemia, Tôbia, Giútđita, Ét-te, 1&2 Macabê.
* 18 sách ngôn sứ: Isaia, Giêrêmia, Aica, Barúc, Eâdêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Oâvađia, Giôna, Mika, Nakhum, Khabacuc, Xophonia, Khácgai, Dacaria, Malakia.
* 7 sách giáo huấn: Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca.

b, Tân Ước.
Là Lời Giao Ước Mới mà Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại nhờ chính Con Một Người là Chúa Giêsu và được đóng ấn bằng chính Máu của Người đổ ra trên thập giá (x. Mc 14,22-25; 1Cr 11,23-25).

CÁC SÁCH TÂN ƯỚC (27 cuốn):
* 5 sách lịch sử: Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, Công Vụ Tông Đồ.
* 1 sách ngôn sứ: Khải Huyền
* 21 sách giáo huấn (các thư): Rôma, 1&2 Côrintô, Galát, Eâphêsô, Philípphê, Côlôsê, 1&2 Thêxalônica, 1&2 Timôthê, Titô, Philêmôn, Do Thái, Giacôbê, 1&2 Phêrô, 1&2&3 Gioan, Giuđa.

II. Các nguồn tài liệu.
1. Các sách luật (ngũ kinh) .
Ngũ Kinh: 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh làm thành một khối duy nhất gọi là sách Luật . Để đạt tới như hiện nay, Ngũ Kinh đã trải qua một quá trình thành hình và phát triển lâu dài.
Ban đầu khi nhìn vào thế giới, khi quan sát các hiện tượng trong trời đất, khi chứng kiến cuộc sống và thân phận con người, khi kinh nghiệm về các biến cố trong lịch sử… một số người trong Israel được mặc khải của Thiên Chúa đã suy tư và tìm hiểu ý nghĩa của những thực tại này. Rồi để phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm lãnh hội được từ Thiên Chúa, các tác giả đã dùng những tích truyện, những bài thơ, những điều luật làm phương tiện chuyển tải cho mọi người. Nhờ đó mà chúng ta có bộ Thánh Kinh, cách riêng bộ Ngũ Kinh .
Những truyền thống trên bao gồm nhiều tài liệu khác nhau, lắm lúc có cả những tài liệu không cần thiết. Vì thế, qua những biến cố quan trọng ảnh hưởng đến đức tin vào Thiên Chúa, như việc tìm thấy sách Luật trong đền thờ, cuộc lưu đày… người ta đã hiệu đính lại các truyền thống và loại bỏ những gì không cần thiết, đồng thời đưa ra những chú giải làm căn bản thần học cho các truyền thống ấy.
Ngày nay các nhà chú giải phân biệt được thành 4 truyền thống khác nhau lẫn lộn trong bộ Ngũ Kinh:
a, Truyền thống J
J là chữ viết tắt chữ Javeh (Gia-vê). Được gọi là truyền thống Gia-vê vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi danh Thiên Chúa là Gia-vê.
Truyền thống J xuất hiện ở Miền Nam (Giuđa) vào khoảng thế kỷ X trước Chúa Giáng Sinh, dưới thời Đavít và Salômon trị vì Israel.
Đặc điểm của truyền thống này là dùng cách thức của con người để diễn tả Thiên Chúa. Chẳng hạn: Kể chuyện Thiên Chúa giống như thợ gốm ngồi lấy đất nặn ra con người, lấy xương sườn đàn ông để đắp thành đàn bà…
Truyền thống J trình bày giai đoạn lịch sử bao quát kéo dài từ con người khởi thuỷ đến biến cố Xuất Hành. Chủ đề tổng quát của truyền thống J là LỜI HỨA và THỰC HIỆN LỜI HỨA được trình bày qua các trình thuật về các tổ phụ.
b, Truyền thống E
E là viết tắt chữ Ê-lô-him. Được gọi là truyền thống Ê-lô-him vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi Thiên Chúa là Ê-lô-him.
Truyền thống E xuất hiện muộn hơn truyền thống J, thuộc miền Bắc, tức vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa Giáng Sinh.
Đặc điểm của truyền thống này là luôn tránh lối diễn tả về Thiên Chúa theo cách thức con người. Vì thế, khi tường thuật việc Thiên Chúa muốn mặc khải điều gì, thì truyền thống E không dùng hình thức trực tiếp mà dùng các cách thức như: báo mộng, đám mây, ngọn lửa, thiên thần…
Về mặt luân lý, truyền thống E khắt khe hơn truyền thống J, để đương đầu với lối sống vô luân và phong tục của các bộ tộc ngoại đạo sống xung quanh hoặc lẫn lộn với dân Israel.
c, Truyền thống P
P là viết tắt chữ Priest (tư tế). Được gọi là truyền thống tư tế, vì các bản văn thuộc truyền thống tập chú đến những gì liên quan đến chức tư tế và phụng vụ, như: các ngày lễ, của lễ, y phục thánh…
Truyền thống P xuất hiện vào thời lưu đày. Giữa lúc dân Chúa sống giữa thế giới dân ngoại, nên rất dễ bị lung lạc và đồng hoá với các hình thức tôn giáo ngoại đạo. Vì thế, truyền thống P ra đời nhằm bảo vệ đức tin tinh tuyền và cách thờ tự Thiên Chúa của Israel.
Cũng như truyền thống E, đặc điểm của truyền thống P cũng luôn tránh lối diễn tả Thiên Chúa theo cách thức con người, vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối. Đặc biệt đặt trọng tâm vào chủ đề: Thiên Chúa là Đấng Thánh, nên Israel cũng phải thánh thiện, nghĩa là phải tách biệt ra khỏi nền luân lý và những hình thức tôn thờ do con người bày ra.
Truyền thống P trình bày lịch sử theo khung cảnh phụng vụ, trình bày lịch sử Israel thành 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ được đành dấu bằng một giao ước đặc biệt của Thiên Chúa và được đáp ứng bằng một hình thức tôn thờ đặc biệt.
Tóm lại, truyền thống P được trình bày theo lối phụng vụ trang trọng với chủ đích giúp dân Israel lưu đày giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.
Ba truyền thống J, E và P đan kết lại với nhau làm thành 4 cuốn đầu của bộ Ngũ Kinh.
d, Truyền thống D.
D viết tắt chữ Deutoronomy (luật thứ hai). Được gọi là truyền thống Đệ Nhị Luật vì nói về luật và là nội dung của sách Đệ Nhị Luật.
Truyền thống D xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII trước Chúa Giáng Sinh, thuộc thời kỳ khủng hoảng tôn giáo, do các vua gian ác làm tổn hại đến việc tôn kính Giavê, cùng với việc Miền Bắc đã bị sụp đổ và Miền Nam đang bị đe doạ trầm trọng bởi đế quốc Assyri. Trước tình trạng ấy, truyền thống D ra đời nhằm khích lệ dân Israel trung thành với giao ước qua việc tuân giữ lề luật.
Căn bản thần học của truyền thống D là xác tín rằng Giao Ước là lựa chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó tuân giữ giao ước (lề luật) của Thiên Chúa chính là đáp lại sự lựa chọn đầy yêu thương đó.
Cả 4 truyền thống J, E, P và D đều là truyền khẩu, mãi tới thời Đavít và Salomon mới được chép ra thành văn nhờ các thư ký của triều đình. Sau này trong thời kỳ lưu đày ở Babilon và thời kỳ hồi hương mới được các tư tế đúc kết lại các tài liệu như chúng ta có ngày hôm nay .

2. Văn chương ngôn sứ .
Ngôn sứ được hiểu là một sứ giả của Thiên Chúa và chuyển đạt Lời Chúa, chuyển đạt ý định của Thiên Chúa cho dân.
Các ngôn sứ nhận được sứ điệp từ Thiên Chúa đôi khi qua thị kiến (x Is 6, Ed 1-3…), nhưng thường thì qua ơn linh hứng diễn ra nơi nội tâm. Các vị nhận thức được rõ về linh hứng và xác tín rằng đó là mặc khải của Thiên Chúa và phải được rao giảng cho dân.
Văn chương ngôn sứ: Để rao giảng Lời Chúa cho dân, các ngôn sứ đã sử dụng nhiều hình thức văn chương khác nhau như: THƠ TRỮ TÌNH, NHỮNG TƯỜNG THUẬT BẰNG VĂN XUÔI, NGỤ NGÔN, NHỮNG BÀI GIẢNG THUYẾT, SẤM NGÔN, AI CA, CHÂM BIẾM… Sứ điệp Lời Chúa được các ngôn sứ rao giảng liên quan đến hiện tại và tương lai. Các ngài cũng có thể tiên báo một biến cố sắp xảy đến để minh chứng lời nói và sứ vụ của mình xuất phát từ Thiên Chúa (x. 1Sm 10,1tt; Is 7, 14; Gr 28,15tt).
Để phân biệt đâu là một ngôn sứ có thật là do Thiên Chúa sai đến hay không, Thánh Kinh giúp chúng ta biết dựa theo 1 trong 2 tiêu chuẩn sau đây:
1% Những lời do ngôn sứ rao giảng phải được ứng nghiệm (x. Gr 28,9; Đnl 18,22). Điều này khó tin với người đương thời, vì thường thì lời ngôn sứ được ứng nghiệm trong một tương lai xa. Vì thế, cần đến tiêu chuẩn thứ 2 sau đây:
2% Giáo huấn của ngôn sứ rao giảng phù hợp với tôn giáo Gia-vê (x. Gr 23,22; Đnl 13,2-6). Hơn nữa, các lời ngôn sứ hầu như không bao giờ nói đến những điều bình an giả tạo trước sự suy đồi đạo đức, nhưng thường thì các ngôn sứ nói đến những lời cảnh tỉnh khó nghe, vì đó là lệnh của Thiên Chúa thức tỉnh dân Người.

Tiền ngôn sứ và hậu ngôn sứ: Quy điển Thánh Kinh Do Thái thì các sách: Giosuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua là sách TIỀN NGÔN SỨ, để phân biệt với HẬU NGÔN SỨ là: Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và 12 ngôn sứ nhỏ .

3. Các sách khôn ngoan .
Tìm kiếm và chiếm hữu được khôn ngoan là một khát vọng lớn lao. Vì thế, đi tìm sự khôn ngoan hiểu biết là một phong trào rất thịnh hành của các dân tộc. Mục đích của công cuộc tìm kiếm khôn ngoan là thâu thập những kinh nghiệm rút từ cuộc sống hằng ngày, rồi đúc kết lại thành một nghệ thuật sống giúp người ta thành công trên đường đời, biết sống hoà hợp với mọi người và vũ trụ, để đạt được hạnh phúc.
Các kinh nghiệm rút từ cuộc sống và những quan sát tuần hoàn của vũ trụ được lưu truyền lại bằng những câu CÁCH NGÔN, TÍCH TRUYỆN, BÀI THƠ, ANH HÙNG CA… và làm thành một kho văn chương độc đáo, đó là VĂN CHƯƠNG KHÔN NGOAN .
Dân Israel cũng hấp thụ nền văn minh và kho tàng khôn ngoan của các dân tộc, nhưng không chỉ dừng lại ở những gì có tính cách nhân bản mà còn được nâng lên một lãnh vực cao siêu hơn, không chỉ dừng lại ở lãnh vực cuộc sống thường ngày mà thăng hoá lên trong cái nhìn tôn giáo, nghĩa là sự khôn ngoan đích thực xuất phát từ Giavê, được soi sáng bởi Giavê và sự khôn ngoan của mọi khôn ngoan chính là lòng đạo đức và kính sợ Đức Chúa. Có thể so sánh sự khác biệt: Khôn ngoan dân ngoại đưa ra sự đối lập giữa khôn và dại, thì khôn ngoan Isrel đưa ra sự đối lập giữa đạo đức và vô luân, giữa công chính và bất chính…

Tóm lại: Các nguồn tài liệu lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan đã tạo nên một cuốn Thánh Kinh duy nhất.


Hiền Lâm


* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
16-02-2012, 09:37 PM
Chương II.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ THÁNH KINH.

1, Ngôn ngữ, chất liệu chép Thánh Kinh .
Ngôn ngữ: Hiện nay, các thủ bản (bản gốc) nguyên thủy của Thánh Kinh phần lớn đã bị thất lạc và chỉ còn lại các bản sao lục, nghĩa là những bản được sao chép từ bản chính. Căn cứ vào những bản sao lục, thì Thánh Kinh được chép bằng các loại ngôn ngữ sau đây:
Híp-ri (Do Thái): Hầu hết các sách Cựu Ước được chép bằng tiếng Do Thái, nhất là các sách lịch sử.
Hi Lạp: Một số ít sách được viết bằng tiếng Hi Lạp, nhất là các sách thuộc văn chương khôn ngoan và viết vào thời kỳ văn hoá Hi Lạp bành trướng (khoảng -333).
A-ram: Chỉ có một số đoạn và rất ít sách chép bằng tiếng A-ram. Aram là thứ ngôn ngữ gần với tiếng Híp-ri, nó được dùng làm tiếng quốc tế được sử dụng trong khắp đế quốc Ba Tư trong công việc thương mại và ngoại giao (như tiếng Anh ngày nay). Ở Giuđêa, tiếng Aram dần dần thay thế tiếng Híp-ri là thứ tiếng chỉ còn dùng trong phụng vụ. Thời Đức Giêsu dân nói tiếng Aram và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa.
Riêng các sách Tân Ước đều chép bằng tiếng Hi Lạp. Một số học giả cho rằng, Tin Mừng Matthêu được chép bằng tiếng Aram trước khi được dịch ra tiếng Hi Lạp .
Chất liệu viết: Nghệ thuật in ấn mới được phát minh vào thế kỷ XV sau Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, từ thời thượng cổ, con người cũng đã tìm ra những cách để lưu lại, như khắc trên gỗ, trên đá, trên đất sét…
Các chất liệu được dùng để chép Thánh Kinh là chỉ thảo và da thuộc.
- Chỉ thảo (papyrus): Là loại chất liệu làm bằng ruột cây sậy chẻ mỏng và ép chồng lên nhau rồi phơi khô làm giấy để viết.
- Da thuộc (Parchment): Là chất liệu làm bằng da thú vật ngâm nước vôi, phơi khô và đánh nhẵn ra để làm giấy viết. Loại này xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII Trước CSS.



Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần..

Bảo_†_Lâm
17-02-2012, 08:00 AM
2. Vấn đề quy điển Thánh Kinh.
Quy điển Thánh Kinh là tất cả những sách được nhìn nhận là có Linh Hứng và chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi.
Vấn đề quy điển: Có thể nói việc đưa ra khảo sát và phán quyết về đặc tính linh hứng để một cuốn sách được xếp vào quy điển là rất phức tạp và để lại nhiều vấn đề tranh cãi.
Trước hết, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách, do một tác giả chép, xuất hiện cùng một thời kỳ và được in ấn thành sách như ngày nay. Trái lại, là một sưu tập nhiều cuốn sách, do nhiều tác giả khác nhau chép, xuất hiện vào nhiều thời kỳ đôi khi cách xa nhau và hơn nữa còn được sao chép nhiều lần chứ không phải in ấn một lần như ngày nay. Vì thế, việc sưu tầm các tài liệu đó, rồi gom lại thành tập và sao lục lại các tài liệu ấy đã tạo ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của một cuốn sách. Chẳng hạn: Cuốn sách ấy có được sao lục đúng với bản gốc không? Có thực sự có linh hứng không…? Cho nên, vấn đề quy điển được đặt ra là nhằm loại bỏ những cuốn sách không thực sự có Ơn Linh Hứng và không được kể là Kinh Thánh.
Thứ đến, là do trong Kinh Thánh có những câu chuyện thiếu phần kết thúc, hoặc thiếu những tình tiết lãng mạn, ly kỳ. Thế rồi có những đầu óc giàu tưởng tượng, hoang đường, đã viết bổ sung nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Chẳng hạn người ta đã viết thêm truyện kể về cuộc đờiẩn dật của Chúa Giêsu, chuyện về thánh Giuse… vì cho rằng trong Kinh Thánh nói quá ít và quá thiếu. Những sách mang nhiều tình tiết ly kỳ, hoang đường và hư cấu này được xếp vào các sách gọi là Nguỵ Thư .
Sau cùng, có những sách được một số cộng đoàn Do Thái hoặc cộng đoàn Kitô Giáo nhận là Thánh Kinh, nhưng một số cộng đoàn khác lại không nhìn nhận. Vì thế vấn đề quy điển được đặt ra để phán quyết sách nào là có Linh Hứng và sách nào là không?

a, Sự khác biệt về quy điển trong Công Giáo và Tin Lành.
Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành không nhìn nhận một quy điển Thánh Kinh như nhau.
Cụ thể, 7 cuốn sau đây được Giáo Hội công giáo nhìn nhận là Thánh Kinh, trong khi Tin Lành thì không:
1. Sách Tobia.
2. Sách Giuđita.
3. Sách Khôn Ngoan.
4. Sách Huấn Ca.
5. Sách Baruc.
6. Sách Macabê I.
7. Sách Macabe II.
Ngoài ra, Tin Lành cũng không nhìn nhận một số chương trong sách Ette và sách Đanien vào quy điển.

b, Thẩm quyền phán quyết về quy điển Thánh Kinh.
Khi phán quyết về một cuốn sách không thể căn cứ vào hình thức văn chương để chân nhận tính linh hứng của nó, vì nhiều cuốn có hình thức văn chương tuyệt tác mà không được công nhận vào quy điển, trong khi một số cuốn có hình thức văn chương rất nghèo nàn và vụng về lại được xếp vào quy điển. Cũng không thể căn cứ vào nội dung cao siêu để phán quyết là có linh hứng, vì không thiếu những tác phẩm viết về những suy luận cao siêu như các tác phẩm của Socrate, Platon, Aristote… nhưng không thể gọi là Thánh Kinh.
Cần biết rằng, đã nhìn nhận Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải của Thiên Chúa, thì đương nhiên cũng chỉ có mình Thiên Chúa mới là tiêu chuẩn và có thẩm quyền để phán quyết mà thôi.
Tuy nhiên, Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu sau khi về trời đã uỷ thác quyền bính cho các Tông Đồ và ban Thánh Thần cho họ, rồi từ các Tông Đồ thông truyền đến cho Giáo Hội của Người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội khỏi mọi sai lầm về giáo lý và luân lý, vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại, vì được Chúa Kitô uỷ thác để bảo tồn và truyền bá giáo lý mặc khải của Chúa, nên Giáo Hội có đủ thẩm quyền để phán quyết tính cách linh hứng của một cuốn sách. Tiêu chuẩn để Giáo Hội phán quyết có được xếp vào quy điển hay không, chính là sách có phù hợp với giáo lý của các Tông Đồ hay không.
Ngoài ra, tiếng nói của một số các sử gia và chuyên viên nghiên cứu sách thánh cũng góp phần quan trọng, nhưng chỉ có giá trị làm sáng tỏ vấn đề, chứ không có tính quyết định.



Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
17-02-2012, 10:51 AM
3. Thánh Kinh và Khoa Học.
Nếu nhìn theo khao học, chúng ta thấy trong Thánh Kinh có rất nhiều điều trái với khoa học.
Ví dụ:
Trình thuật tạo dựng trong 6 ngày (x. St 1).
Nước được chứa trên trời trong một cái vòm rắn chắc (x. St 1,7; G 37, 18).
Thỏ rừng là động vật thuộc loài nhai lại (x. Lv 11,6; Đnl 14,4).
Trái đất bằng phẳng, có cột chống đỡ và bên dưới là nước (Tv 136,6).
Mặt trời xoay quanh trái đất (Tb 2,7; Et 11,11); Giosuê cho mặt trời đứng lại (Gs 10,12).

Trước những mâu thuẫn với khoa học như thế đã dẫn đến các lập trường sau đây:
a, Các lập trường cực đoan.
Phái cực tả: Chủ trương rằng, vì trái ngược với khoa học nên Thánh Kinh hoàn toàn sai lầm, vì thế không đáng tin.
Phái cực hữu: Chủ trương Thánh Kinh hoàn toàn phù hợp với khoa học. Chủ trương này cố gắng giải thích những sự kiện Thánh Kinh cho hợp với khoa học. Chẳng hạn: Để giải thích việc con người trong Thánh Kinh hợp với thuyết tiến hoá theo khoa học, họ giải thích rằng, ông bà nguyên tổ ban đầu ở trần truồng trong vườn địa đàng, chịu tác động của sương gió… nên vẫn lông lá mọc nhiều trên da, và đó là dấu vết còn lại ngày hôm nay nơi con cháu. Hoặc, chuyện sáng tạo vẫn đúng là 6 ngày, nhưng ngày ở đây được hiểu là một thời kỳ có thể kéo dài hàng trăm triệu hoặc tỉ năm. Những giải thích của phái cực hữu nhiều khi rất gượng ép và bế tắc. Chẳng hạn, họ không thể lý giải việc thứ tự sáng tạo: ngày đầu tiên có ánh sáng, nhưng tới ngày thứ tư mới tạo dựng mặt trời mặt trăng… (x. St 1).
b, Lập trường của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội chủ trương Kinh Thánh không phải là bộ sách dạy về khoa học, lịch sử hay văn phạm, nhưng là bộ sách chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người bằng tiếng nói con người. Nhờ đó người ta mới có thể hiểu và đón nhận được Lời Chúa . Vì vậy, những quan niệm như “mặt trời xoay quanh trái đất” là quan niệm thông thường của người đương thời và việc tác giả Thánh Kinh thời đó sử dụng quan niệm bình dân để chép thì sẽ giúp người ta dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn nếu ai cũng quan niệm như thế mà có người nói ngược lại thì sẽ bị coi là gàn dở điên khùng nên chẳng thèm tin. Ngay cả ngày nay, quan niệm về việc “mặt trời xoay quanh trái đất” vẫn còn tồn tại như chúng ta vẫn thường nói “mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở đàng tây” mà không ai đặt vấn đề sai đúng, và ai cũng biết đó là theo quan sát của mắt thường.

Tóm lại, Thánh Kinh không phải là bộ sách có mục đích dạy về khoa học, nên có thể có những mâu thuẫn về khoa học, do các tác giả dùng chính quan niệm bình dân để chép, hoặc phản ảnh những sai lầm của thời đại lúc ấy.




Hiền Lâm

Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
17-02-2012, 03:27 PM
4. Các chủ thuyết.

a, Vấn đề sáng tạo.
Cần biết rằng, tường thuật về sáng tạo không phải là một sự tích lịch sử, nhưng là một cách dựng truyện để diễn tả về những chân lý mặc khải Ơn Cứu Độ. Có nghĩa là, xuyên qua các tường thuật về sáng tạo có vẻ huyền thoại này, mời gọi chuyển đạt những chân lý sau đây:
* Vũ trụ vạn vật từ đâu mà có?
- Do Thiên Chúa sáng tạo nên.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào và bằng gì?
- Thiên Chúa tạo dựng từ khởi thuỷ và từ hư vô.
* Thiên Chúa tạo nên vũ trụ thế nào?
- Bằng Lời quyền năng, chỉ phán một lời là có.
* Tình trạng của vũ trụ từ lúc tạo thành thế nào?
- Hoàn toàn tốt đẹp.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để làm gì?
- Để biểu lộ sự tốt lành của Người.
* Thiên Chúa sáng tạo hay liên tục sáng tạo?
- Liên tục sáng tạo vì sau khi sáng tạo, Thiên Chúa chúc phúc cho các sinh vật tiếp tục sinh sản ra nhiều.
* Có nhiều thần sáng tạo không?
- Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo duy nhất. Các thần dân ngoại tôn thờ như: Ai Cập có thần mặt trời, Babilon có thần mặt trăng, Assiry có thần các tinh tú… chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên mà thôi, chứ không phải là thần minh.

b, Vũ trụ quan theo Thánh Kinh.
Người xưa quan niệm cơ cấu vũ trụ giống như một cái bát lớn úp xuống mặt đất (chân trời). Có các tinh tú được gắn chặt cố định trên vòm trời. Vì thỉnh thoảng có mưa nên tin rằng có nước được ngăn lại trên trời, khi mưa thì các con đập được mở ra để nước tuôn xuống. Mặt đất thì bằng phẳng như mặt bàn, bên dưới là nước và mặt đất có các cột chống đỡ. Trong lòng đất là Âm Phủ (sheol) là nơi cư ngụ của người chết….
Để trả lời cho những điều trên, cần hiểu rằng thời thượng cổ, người ta chưa phát minh ra các phương tiện hiện đại như kính lúp và các phương tiện khám phá không gian, mà tất cả chỉ dừng ở việc quan sát các sự luân chuyển trong vũ trụ bằng mắt thường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức quan niệm hơn là những thí nghiệm khám phá. Chính vì thế, những quan niệm cổ xưa được chép ra so với thời nay sai với khoa học chứng minh được, nhưng lại rất hợp lý và cho đến ngày nay bằng việc quan sát thường ngày cũng vẫn hợp lý. Người đương thời dùng để chuyển đạt Lời Chúa cũng sử dụng tiếng nói và quan niệm như thế. Vì vậy, cần nắm bắt được điều này để không rơi vào những phán xét cực đoan cho rằng Thánh Kinh là sai lầm.

c, Độc nguyên và đa nguyên.
Ngày nay, khi xuất hiện các nghiên cứu về tiến hoá, về các chủng loại người cũng như những khám phá về dấu vết của sự sống sinh vật có thể có nơi các hành tinh ngoài trái đất, người ta bắt đầu đặt vấn đề nguyên tổ: Độc nguyên hay đa nguyên?
Thuyết độc nguyên (Monogenisme) chủ trương con người phát sinh từ một cha mẹ duy nhất.
Thuyết đa nguyên (Polygenisme) lại chủ trương phải có nhiều nguyên tổ khác nhau. Thuyết này cho rằng, vì có rất nhiều chủng loại người khác nhau trên các châu lục, cũng như có sự tiến hoá theo nhiều thời kỳ để hình thành con người thông minh. Đồng thời, biết đâu có một chủng người khác ở một hành tinh khác trong vũ trụ ngoài trái đất (người ngoài hành tinh). Vì thế, có nhiều nguyên tổ.
Vấn đề được đặt ra là câu chuyện về nguyên tổ Ađam – Eva là một sự tích mang màu sắc huyền thoại, mà nguồn văn J để lại không thể hiểu theo nghĩa đen, và như vậy có buộc phải tin là độc tổ hay không?
Trong khi những bản văn Tân Ước như Rm 5,12-21 và 1Cr 15,21tt xác định về độc tổ: “Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian và vì tội lỗi mà người ta phải chết…”. Giáo Lý của Giáo Hội nói về tội nguyên tổ…. Vậy làm sao dung hoà được chuyện độc tổ hay đa tổ quả là một điều hết sức khó khăn.
Đức Pio XII trong thông điệp Humani Generis phản bác thuyết đa nguyên vì cho rằng thuyết này không thể dung hoà được tội nguyên tổ.
Nhà thần học người Đức Karl Rahner cho rằng thuyết đa nguyên có thể chấp nhận được một vài hình thức.
Dự trù cho vấn nạn tội nguyên tổ, một số nhà thần học ngày nay không không coi Tội Nguyên Tổ như một hành động do Nguyên Tổ loài người phạm một lần và gây ra hậu quả có ảnh hưởng đến toàn nhân loại, nhưng họ đồng hoá tội đó với TỘI TRẦN GIAN nơi thần học Gioan (x. Ga 1,29), nghĩa là do lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo một môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.
Nếu hiểu tội nguyên tổ theo nghĩa “tội trần gian” thì không còn khó khăn về vấn đề độc tổ hay đa tổ. Tín điều Giáo Hội là vấn đề thuộc đức tin, nhưng việc phát sinh từ một cha mẹ duy nhất thì không thuộc đức tin.
Đó là những dự trù cho những giải thích có thể trong tương lai, chứ cho đến ngày nay vẫn chưa ai có thể chứng minh được cách chắc chắn là đa nguyên.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
17-02-2012, 09:29 PM
5. Thánh Kinh và thời gian.
Cách tư duy theo lối Tây Phương, quan niệm thời gian như một thực tại có thể đo lường được. Thật vậy, khi muốn nhắc đến thời gian, người ta dùng các dụng cụ trắc lượng như đồng hồ hay quyển lịch để có thể xác định một thời đại hoặc một biến cố. Thời gian trở thành đặc tính có thể đo lường.
Nhưng đối với người Do Thái, biết thời gian không phải là cho nó một thời biểu, mà biết thời gian được nói đến là thời gian nào: Đó là thời gian của tiếng cười hay thời gian khóc lóc, thời gian của hoà bình hay thời gian chiến tranh, thời gian để gieo hay thời gian để gặt…

“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3,1-8).

Giống như khi nói: “thời gian tốt”, thời gian xấu”, “thời kì tân tiến”, “thời kỷ khó khăn…” có nghĩa là đánh giá những gì xảy ra trong thời gian, đánh giá phẩm tính của kinh nghiệm con người chứa đựng trong đó.
Khi nghĩ đến lịch sử, người ta tìm lại quan niệm lượng số về thời gian. Riêng người Do Thái thời xưa không tự đặt mình vào một chỗ nhất định, mà phối trí các biến cố, địa điểm, các thời đại và thấy mình lư thông trong đó. Nguyên tố duy nhất và độc nhất của biến cố đối với Do Thái là Thiên Chúa, vì Người là chủ lịch sử, là Đấng tổ chức thời gian: “… Một thời để ăn chay, một thời để vui chơi, một thời để phán xét, một thời để cứu rỗi…”

Mười một chương đầu của sách Sáng Thế tường thuật tuổi đời rất dài của các tổ phụ, như: Ađam 930 tuổi (St 5,5), Mơthusêlac 969 tuổi, Nôê 950 tuổi (St 9,29)… Điều này cho ta những thắc mắc:
Có phải người xưa sống thọ hơn ngày nay?
Người xưa đã biết tính tuổi (365 ngày) như ngày nay?
Làm thế nào các tác giả Thánh Kinh biết được tuổi những người sống trước họ hàng trăm thế kỷ?

Thiết nghĩ, Thiên Chúa không mặc khải những điều như thế, nhưng các tác giả chép thánh Kinh đã định tuổi của họ với những dụng ý sau:
- Cố gắng bắc nhịp cầu nối liền giữa thời đại đương thời của tác giả với các tổ phụ thời đại xa xưa, để nói lên tính liên tục của lịch sử và chứng tỏ Thiên Chúa là chủ lịch sử và hiện diện hoạt động trong mọi thời đại. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các tác giả là sử liệu truyền khẩu về các vĩ nhân và các biến cố không nhiều trong khoảng thời gian lịch sử rất dài, nên các vị đã phải phân phối tuổi tác các vĩ nhân làm sao cho bao trùm hết được khoảng thời gian lịch sử ấy. Dĩ nhiên, các tác giả Thánh Kinh cũng không biết rõ lịch sử nhân loại bắt đầu từ bao giờ và các vị cũng chỉ dùng quan niệm bình dân của thời đại các vị để chép mà thôi.
- Quan niệm người xưa cho rằng sống lâu là một ân huệ Chúa ban. Vì thế, việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời trường thọ, ngụ ý cho thấy rằng các tổ phụ kia đã sống cuộc sống đầy ân nghĩa với Thiên Chúa.

Tóm lại: Tuy các tác giả Thánh Kinh thực sự không biết chắc về tuổi thọ của các tổ phụ, nhưng việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời rất lớn là nhằm cho thấy dù các vị sống từ thời xa xưa vẫn thuộc gia đình nhân loại, và Thiên Chúa của chúng ta hôm nay cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ xưa. Thiên Chúa duy nhất.


Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
18-02-2012, 06:06 AM
6. Ngày tháng trong Thánh Kinh.
Người Do Thái tính năm tháng theo hai loại lịch khác nhau:

Năm: Tính theo dương lịch, nghĩa là mỗi năm có 365 ngày.

Tháng: Tính theo âm lịch, nghĩa là tính theo chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất một vòng gồm 29 ngày. Như thế, 12 tháng trong 1 năm chỉ có 348 ngày. Vì sự chênh lệch của năm âm lịch và dương lịch, nên cứ hai hoặc ba năm lại phải thêm một tháng nhuận. Cách thêm tháng nhuận do các tiến sĩ luật họp và nghiên cứu thêm vào sau tháng cuối cùng (Adar thứ hai).
Trước khi về định cư tại Canaan, người Do Thái dùng tên tháng của người Canaal, nhưng sau lưu đày, họ dùng tên tháng của Babilon như sau:
1. Nisan (khoảng tháng 3 và 4).
2. Iyyar (khoảng 4 và 5).
3. Siwan (khoảng 5 và 6).
4. Tammuz (khoảng 6 và 7).
5. Ab (khoảng 7 và 8).
6. Alul (khoảng 8 và 9).
7. Tiishri (khoảng 9 và 10).
8. Marsheshwan (khoảng 10 và 11).
9. Kisleu (khoảng 11 và 12).
10. Tebet (khoảng tháng 12 và tháng giêng).
11. Shebat (khoảng tháng giêng và 2).
12. Adar (khoảng 2 và 3).
Năm nhuận có thêm tháng Adar thứ hai.

Ngày: Ngày của người Do Thái được tính từ lúc mặt trời lặn. Vì thế, Đức Giêsu chịu chết vào ngày thứ sáu, Người ta phải cho tháo xác Người xuống trước khi mặt trời lặn để khỏi vi phạm ngày Sabát (x. Ga 19,31). Ngày được chia thành 12 giờ và đêm có 4 canh. 7 ngày một tuần, 4 tuần 1 tháng, ngày thứ 7 là sabat – ngày nghỉ.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
18-02-2012, 03:06 PM
7. Các ngày lễ.

Shabbat (tiếng Hebrew: שַׁבָּת) , là ngày nghỉ hàng tuần, bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời lặn ngày thứ sáu và kết thúc sau khi mặt trời lặn vào ngày thứ bảy, tưởng nhớ ngày nghỉ của Thiên Chúa sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ.[13] Ngày lễ này rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu, người phụ nữ trong gia đình đón ngày Shabbat bằng cách thắp hai hoặc nhiều cây nến và đọc lời chúc lành. Bữa tối bắt đầu với Kiddush, lời chúc lành trên chén rượu, và Mohtzi, lời chúc lành trên bánh mì. Ngoài ra, trên bàn ăn còn có thể bày thêm challah, hai ổ bánh mì xoắn. Trong ngày Shabbat, người Do Thái bị cấm làm những việc như đã quy định trong 39 danh mục hoạt động bị cấm trong ngày Shabbat. Những hành động bị cấm bao gồm: đốt lửa, viết lách, sử dụng tiền bạc hoặc mang vác ở nơi công cộng. Việc cấm đốt lửa trong thời kỳ hiện đại là cấm lái xe (vì có đốt cháy nhiên liệu) và sử dụng điện.

Ba lễ hành hương
Các ngày lễ thánh (haggim), để kỷ niệm các mốc trong lịch sử Do Thái giáo, như việc thoát khỏi đất Ai Cập, sự mạc khải của Thiên Chúa trong sách Torah, hoặc đôi khi đánh dấu sự chuyển mùa hoặc lúc giao mùa giữa các chu kỳ trồng trọt. Có ba lễ chính, đó là Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều tạm. Trong ba dịp lễ này, các tín hữu thường hành hương về Jerusalem để dâng sự hy sinh trong Đền Thánh.
Lễ Vượt qua là ngày lễ nghỉ kéo dài một tuần, bắt đầu vào chiều tối ngày thứ 14 của Nisan (tháng thứ nhất theo lịch Do Thái), để tưởng nhớ ngày thoát khỏi Ai Cập. Các nước khác ngoài Israel, Lễ Vượt qua được mừng trong tám ngày. Thời xưa, lễ này trùng vào mùa gặt lúa mạch. Đây là lễ duy nhất tập trung cho các nghi thức được thực hiện ngay tại nhà, đó là "Bữa tối lễ Vượt qua". Thực phẩm có men (chametz) được mang ra khỏi nhà trước ngày lễ và suốt tuần sẽ không dùng thực phẩm có men. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để bảo đảm không còn bánh mì trong nhà và vào buổi sáng của ngày lễ, người ta sẽ đốt tượng trưng chiếc bánh có men cuối cùng trong nhà. Bánh không men (Matzo) sẽ được dùng thay cho bánh mì.
Lễ Ngũ Tuần (Shavuot) kỷ niệm sự mạc khải của sách Torah cho Con cái Israel trên núi Sinai. Đây còn được gọi là Lễ Bikurim, (Hoa quả đầu mùa), lễ này trùng với mùa thu hoạch lúa mì. Trong ngày lễ Shavuot, người ta tổ chức học suốt đêm (Tikkun Leil Shavuot), ăn thực phẩm làm từ sữa (bánh phô-mai và bánh kếp mỏng được đặc biệt yêu thích), đọc Sách Ruth, trang trí nhà cửa và đền thờ thành màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trung cho sự thanh khiết.
Lễ Lều tạm (Sukkot) tưởng nhớ Con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới ăn ở trong sukkot trong 7 ngày 7 đêm. Lễ Lều tạm kết thúc bằng lễ Shemini Atzeret (lễ người Do Thái cầu mưa) và lễ Simchat Torah, là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.

Lễ trọng
Lễ trọng (Yamim Noraim) là các lễ về sự phán xét và tha thứ.
Rosh Hashanah, (còn gọi là Yom Ha-Zikkaron ("Ngày tưởng niệm,") và Yom Teruah ("Ngày tiếng kèn Shofar"). Rosh Hashanah là lễ Năm mới của Do Thái giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri, theo lịch Do Thái. Rosh Hashanah đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho lễ Yom Kippur, trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ này, người ta thổi kèn shofar (kèn sừng cừu), trong đền thờ, người ta ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn.
Yom Kippur, ("Ngày đền tội") là một trong những lễ trọng của Do Thái giáo. Đó là ngày cộng đoàn tụ họp lại và cầu nguyện xin tha thứ tội lỗi đã phạm. Các tín hữu cầu nguyện suốt ngày trong đền thờ, đọc kinh từ sách Mahzor, thỉnh thoảng có nghỉ một tí vào buổi chiều. Vào đêm lễ Yom Kippur, trước khi thắp nến, người ta ăn nhẹ (suhoor). Nghi thức trong các đền thờ vào đêm lễ Yom Kippur bắt đầu với lời kinh Kol Nidre. Vào dịp lễ này có thể mặc quần áo trắng nhưng không được mang giày da. Ngày tiếp theo, người ta cầu nguyện từ sáng đến tối. Khi buổi cầu nguyện kết thúc ("Ne'ilah,") người ta thổi một hồi dài kèn shofar.

Các ngày lễ khác
Hanukkah, (tiếng Hebrew: חנוכה ) , còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là lễ kéo dài tám ngày bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev theo lịch Do Thái. Trong dịp lễ này, người Do Thái sẽ thắp thêm một ngọn đèn theo số tăng dần của mỗi đêm lễ, đêm thứ nhất thắp một ngọn đèn, đêm thứ hai thắp hai ngọn đèn...cho đến đêm cuối cùng là tám ngọn đèn.
Lễ Hanukkah có nghĩa là "dâng hiến" vì nó đánh dấu việc tái dâng hiến Đền thờ sau khi đền thờ bị Đức vua Antiochus IV Epiphanes báng bổ. Trong đức tin, Hanukkah nhằm tưởng nhớ "Dầu kỳ diệu". Theo sách Talmud, khi tái dâng hiến Đền thờ Jerusalem sau chiến thắng của phong trào Macabê đối với Đế chế Seleucid, chỉ còn đủ dầu thánh để đốt lửa vĩnh cửu trong Đền thờ trong một ngày. Kỳ diệu thay, lửa đã cháy trong tám ngày - đó là thời gian đủ để ép, chuẩn bị và thánh hoá dầu mới.
Hanukkah không được đề cập đến trong Phúc âm và cũng chưa bao giờ được xem là lễ chính của Do Thái giáo nhưng lễ này đã được mừng rộng rãi ở nhiều nơi, chủ yếu là do lễ cũng trùng vào dịp Lễ Giáng sinh.
Purim (tiếng Hebrew: פורים Pûrim) là lễ mừng, tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran (Persian Jews) khỏi bị truy sát của Haman, người đã tìm để tiêu diệt họ, theo như Sách Esther đã ghi chép. Trong ngày lễ này, người ta đọc Sách Esther ở nơi công cộng, trao tặng nhau thực phẩm và thức uống, làm việc từ thiện cho người nghèo, và ăn mừng (Esther 9:22). Các tập tục khác bao gồm uống rượu, ăn bánh "hamantash", mang mặt nạ, tổ chức diễu hành (carnival) và tiệc mừng.
Purim được kỷ niệm hàng năm vào ngày thứ 14 của tháng Adar theo lịch Do Thái, tương đương với tháng hai hoặc tháng ba của dương lịch.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
18-02-2012, 08:59 PM
8. Ý nghĩa các con số trong Thánh Kinh.

Trong Thánh Kinh thường sử dụng những con số có tính tượng trưng, cách riêng thể văn khải huyền hay dùng các con số ám chỉ một thực tại nào đó, như:
- Số 7 ám chỉ sự hoàn hảo.
- Số 6 ám chỉ sự bất toàn.
- Số 12 ám chỉ dân Israel.
- Số 40 ám chỉ sự đầy đủ.
- Số 1000 ám chỉ tính bao la rộng lớn.
Ví dụ: “Samson vớ được cái hàm lừa tươi và dùng nó đánh chết một ngàn người Philitinh” (Tl 15,15). “Có một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,4)…
Thực ra các tác giả chép Thánh Kinh không chủ tâm cung cấp cho độc giả những con số chính xác, nhưng nhằm cho thấy về tầm mức quan trọng của vấn đề được nói tới mà thôi.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
19-02-2012, 02:45 PM
Chương III.

CHÚ GIẢI THÁNH KINH.


1. Định nghĩa.
Chú giải Thánh Kinh là tìm hiểu ý nghĩa để rồi áp dụng vào cuộc sống. Đây là việc thường ngày của những ai muốn đọc Lời Chúa. Việc chú giải có nhiều trình độ khác nhau:
- Chú giải một cách khoa học như các nhà chuyên môn về Thánh Kinh.
- Khám phá những ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc như các Giáo Phụ.
- Rút ra những bài học đơn sơ cho cuộc sống thường ngày.
Riêng khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo là khoa nhằm giải thích và chuyển đạt Lời Chúa cách trung thành và trọn vẹn, đặt dưới quyền giáo huấn của Giáo Hội.
Trong Cựu Ước có phong trào Midrash chuyên việc chú giải Cựu Ước; trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các Tông Đồ trưng dẫn Cựu Ước và đã đem áp dụng vào thực tế. Đến thời các giáo phụ có hai trường phái với hai đường hướng rõ rệt: trường phái Alexandria với thánh Clément d’Alexandria và Origène thiên về nghĩa bóng, còn trường phái Antiochia thiên về nghĩa của từ. Hai trường phái này ảnh hưởng rất lớn trên các giáo phụ, như thánh Augustino theo lối chú giải của trường phái Alexandria, còn thánh Hieronymo lại thiên về trường phái Antiochia.
Sở dĩ ngày nay chúng ta đón nhận Thánh Kinh là vì chúng ta dựa trên quan điểm của Giáo Hội. Ngay từ đầu, Giáo Hội có lòng tin tưởng và quý mến đặc biệt đối với Thánh Kinh. Trước hết, các Tông Đồ kêu mời mọi Kitô hữu hãy đến kín múc từ Thánh Kinh những chân lý và sức sống. Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki- tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3, 15-16). Thánh Phêrô cũng đồng một xác tín: ““Chúng tôi tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1, 19-21).
Công đồng Vaticano II, quyền tối cao trong Giáo Hội hôm nay, đã tuyên bố: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như Thân Thể Chúa… Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như Qui Luật Tối Cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho muôn đời” (DV 21). Lòng tin tưởng của Giáo Hội nơi Thánh Kinh không ngoài thánh ý của Chúa Kitô. Người đã từng quả quyết: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Quả thật, Chúa Kitô từng trích dẫn Cựu Ước để dạy dỗ và phi bác những ý kiến sai lạc của cấp lãnh đạo đương thời.
Khoa chú giải cần xem xét: đâu là mối quan hệ giữa một bên là các vấn đề chú giải có tính lịch sử và phê bình đối với các sách khác nhau, và bên kia là ý nghĩa của Thánh Kinh Do Thái đối với đức tin thời hiện đại? Đây không hề là một câu hỏi dễ dàng, vì chỉ cần nghĩ thêm một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng việc nghiên cứu bản văn có thể không dính líu gì đến một thái độ dấn thân hay một định hướng đặc biệt nào về tôn giáo cả. Tuy nhiên, từ một quan điểm đức tin, ta sẽ thấy chính những phương pháp này có thể hữu ích cho việc xây dựng thần học hiện đại. Khả năng giải quyết những câu hỏi gay go được nêu lên bởi khoa phân tích phê bình là một dấu cho thấy một niềm tin trưởng thành vào Thiên Chúa, ngay cả dù nó có nghĩa rằng mình phải sống với những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, không nhất thiết phải tin vào một con người lịch sử có tên là Abraham để có được một đức tin sâu xa và vững vàng rằng Thiên Chúa không ngừng truyền đạt cho chúng ta qua các câu chuyện về Abraham. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu bản văn vẫn là việc rất quan trọng.
Một thần học đích thực Kitô giáo không thể được xây dựng tách rời khỏi việc lắng nghe kỹ lưỡng những bản văn này. Thánh Kinh Do Thái vẫn là nguồn chủ yếu cho đức tin của con người hiện đại, và các Kitô hữu hiện đại có thể bắt đầu xây dựng thần học của riêng mình bằng cách nghiêm túc tham chiếu đến vị Thiên Chúa đã giải phóng các nô lệ, lật đổ các vua chúa, ngỏ lời qua các ngôn sứ, và hành động trong lịch sử.

Chú giải Thánh Kinh nghiên cứu dựa theo ba lãnh vực:
- Khảo sát bản văn.
- Tìm hiểu ý nghĩa của bản văn.
- Những phương tiện giúp hiểu Thánh Kinh.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
19-02-2012, 06:48 PM
2. Khảo sát bản văn.
Khảo sát bản văn là xác định đâu là bản văn chính thức. Lý do của công việc này là vì hầu hết các thủ bản nguyên thuỷ đã mất và chỉ còn các sao lục, mà các sao lục thì được chép bằng tay nên không thể tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, như chép sót, bỏ bớt, chép lặp, hoặc khó hiểu thì tự ý sửa lại hay bổ sung thêm hoặc thêm phần giải thích vào. Chính vì vậy mà nhiệm vụ đầu tiên của các nhà chú giải là phải làm sao để thiết lập lại một bản văn gần giống với bản nguyên thuỷ nhất. Đây là một công việc rất khó khăn, vì có quá nhiều bản sao lục, chẳng hạn chỉ riêng Tân Ước có tới khoảng 5 ngàn bản Hi Lạp, 8 ngàn bản La-tinh và khoảng 1 ngàn bản bằng các ngôn ngữ khác. Các nhà chú giải đã xác lập bản văn gần giống thủ bản nhất theo cách sau:

a, Tìm số nhiều các bản giống nhau nhất (có khác biệt ít nhất giữa các bản văn với nhau trong số các bản văn).

b, Gặp chỗ khác biệt thì so sánh:
- So sánh tất cả các bản với nhau.
- So sánh với Thánh Truyền.
- So sánh với những tài liệu các Giáo Phụ.
- Dùng những nguyên tắc phê bình văn chương.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
20-02-2012, 04:37 PM
3. Các hình thức văn chương.
Các tác giả Thánh Kinh đã chọn cho mình những hình thức văn chương riêng để diễn đạt Lời Thiên Chúa. Dưới đây là một số hình thức gặp thấy trong Thánh Kinh:

a, Dụ ngôn.
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế.
Người ta dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Ví dụ: Đức Giêsu nói: “Nước Trời giống như một kho báu chôn trong thửa ruộng…”
Câu này gồm 3 yếu tố:
1. Hình ảnh quen thuộc thường nhật: Kho tàng chôn trong thửa ruộng.
2. Thực tại siêu hình: Nước Trời.
3. So sánh giữa hai thực tại trên với nhau.
Nhờ sự so sánh này mà người ta có ý niệm về thực tại siêu nhiên chưa thấy được.
Tuy nhiên, khi giải nghĩa dụ ngôn không nên quá chú tâm đến từng chi tiết tỷ mỷ và xem các chi tiết đều có ý nghĩa, nhưng chỉ cần nhìn vào những điều dụ ngôn muốn ám chỉ là đủ.

b, Ngụ ngôn.
Ngụ ngôn (Fable) là câu chuyện giả tạo không thể xảy ra trong thực tế, vì gán cho các sinh vật, thực vật, sông nước… những đặc điểm của con người, nhằm diễn tả một sự việc của con người mà tác giả kể ngụ ngôn nhắm tới. Ngụ ngôn chứa đựng những bài học luân lý được diễn tả qua các chi tiết của câu chuyện.
Thánh Kinh có sử dụng hình thức văn chương này, nhưng không nhiều.
Ví dụ: “…Bụi gai trả lời cây cối: "Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Li-băng…” (Tl 9,8-15).
Xem thêm 2V 14, 9-10.
Tân Ước không sử dụng hình thức văn chương ngụ ngôn.

c, Ám tỷ (ám chỉ).
Phép ám tỷ (Metaphor) là một kiểu nói bóng bảy, dùng một từ hay một câu nếu hiểu theo nghĩa đen thì ám chỉ điều này, nhưng qua đó lại ám chỉ về điều khác, nhờ có sự tương đồng nào đó giữa hai sự vật.
Ví dụ ví Chúa Giêsu là Chiên Con (hiền lành, hy tế), Phêrô là Đá (vững chắc), Hêrôđê là Con Cáo (bù nhìn, lén lút trong đêm tối)…
Đặc điểm của phép ám tỷ là nói lên một thực tại vừa không thực lại vừa thực. Ví dụ: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5). Không thực là Chúa Giêsu và các môn đệ không phải là cây nho cành nho thật, nhưng điều thực là Chúa Giêsu là nguồn sự sống thần linh cho những ai kết hợp với Người.

d, Ẩn dụ.
Ẩn dụ (Allegory) là câu chuyện không có thực, được dựng lên với mục đích diễn tả một chân lý nào đó cách thi vị và gần gũi. Chẳng hạn truyện Nguyên Tổ ăn trái cấm “giữa vườn” và bị phạt nặng. Truyện này nhằm mục đích nói lên ngay từ đầu con người đã vi phạm lệnh Chúa và lãnh lấy hậu quả của sự bất tuân, chứ không phải có chuyện chỉ ăn một trái cây mà bị phạt nặng đến thế.

e, Cường điệu (ngoa ngữ).
Cường điệu (Hyberbole) là kiểu nói phóng đại quá với sự thật nhằm muốn nhấn mạnh điều muốn nói. Chẳng hạn khi nói: Đánh chết nó đi, có nghĩa là không phải đánh chết mà là ngụ ý đánh cho thật đau.
Ví dụ khi nói về tầm mức lan rộng của giáo lý Đức Giêsu, Gioan viết: “Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế gian cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (x. Ga 21,25).

f, Mỹ từ.
Mỹ từ (Euchanism) là kiểu nói dùng các từ thanh lịch để nói tránh một sự việc tế nhị hoặc khó nói, hay không muốn nói thẳng ra.
Ví dụ: thay vì nói “chết” người ta dùng từ “an nghỉ” hoặc “ngủ”…




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
22-02-2012, 06:14 AM
4. Ý nghĩa Thánh Kinh.
Thánh Kinh có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nên cần tìm hiểu các loại nghĩa được sử dụng trong Thánh Kinh mới có thể hiểu được tư tưởng chính của tác giả muốn nhắm tới.
Đi tìm ý nghĩa của Kinh Thánh là một tiến trình qua nhiều nguyên tắc: Tìm ý nghĩa thực của từ ngữ mà tác giả nhắm tới, đặt chúng vào trong sự liên tục của bản văn và tìm chủ đích của cả tác phẩm muốn nói với mục đích gì?

a, Các nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Tìm ý nghĩa thực mà tác giả nhắm tới. ví dụ: Khi nói “Nhớ chết đi được” có nghĩa là rất nhớ.
Nguyên tắc 2: Đặt vào mạch văn nếu không sẽ làm cho nội dung bị méo mó hoặc sai lệch. Ví dụ: “Hãy sám hối”. Nếu tách câu này ra thì giáo lý Chúa Giêsu cũng chỉ dừng lại ở mức Cựu Ước như các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả và ngay cả Đức Phật cũng nói thế. Nhưng đặt vào mạch văn: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” thì mới nói lên được nội dung đầy đủ của giáo lý Chúa Giêsu.
Nguyên tắc 3: Xét chủ đích của tác giả trong mỗi tác phẩm. Chẳng hạn mỗi Tin Mừng mang một sắc thái riêng: Matthêu viết cho Kitô hữu gốc Gio Thái thì cố gắng làm cho họ hiểu những gì tiên báo trong Cựu ước đã ứng nghiệm…


b, Nghĩa của từ ngữ (Literal sense).
Mỗi từ ngữ đều ám chỉ một thực tại nào đó, nghĩa là mỗi từ ngữ đều mang ý nghĩa và có thể hiểu theo hai cách:
- Nghĩa đen: Là điều mà từ ấy nói đến trực tiếp. Ví dụ khi nói “con cáo” tức là người ta nghĩ ngay đến loài động vật rình rập vào ban đêm và được người ta gọi là con cáo…
- Nghĩa bóng: Là ý nghĩa của từ ngữ nói về sự vật này nhưng lại ám chỉ một sự vật khác cách bóng bảy. Như khi Đức Giêsu nói: “Hãy đi nói với con cáo ấy thế này…”. Con cáo được nói ở đây ám chỉ vua Hêrôđê.

c, Nghĩa biểu tượng (Typical sense).
Là ý nghĩa rút ra từ một thực tại trong Cựu Ước, rồi áp dụng vào Tân Ước. Vì Tân Ước thực hiện và hoàn tất những hình bóng Cựu Ước, nên chỉ những thực tại được đề cập trong Tân Ước mới có mối tương quan ý nghĩa biểu tượng mà thôi.
Hai thực tại trong nghĩa biểu tượng, có thể là nhân vật, sự vật, biến cố:
Nhân vật: Melkiseđe là hình bóng Chúa Giêsu linh mục thượng phẩm…
Sự vật: Manna là hình bóng Thánh Thể…
Biến cố (hành động): Vượt qua Biển Đỏ là hình bóng Bí Tích Rửa Tội…


d, Nghĩa hoàn hảo (Fuller sense)
Nghĩa hoàn hảo hay đầy đủ là ý nghĩa rút ra từ một từ ngữ được ám chỉ về thực tại này, nhưng lại được áp dụng cho một thực tại khác.
Ví dụ: “Các ngươi không được làm gãy một cái xương nào của nó”(Xh 12,46) Câu này được dùng cho con chiên vượt qua, nhưng lại áp dụng cho thực tại là Đức Giêsu không bị đánh giập ống chân (x. Ga 19,36).
Nghĩa hoàn hảo khác với nghĩa biểu tượng ở chỗ, nghĩa biểu tương là rút từ thực tại này áp dụng vào thực tại khác, trong khi nghĩa hoàn hảo là cùng một từ ngữ được áp dụng cho trường hợp này để áp dụng cho trường hợp khác.
Đôi khi trong một vài trường hợp một câu vừa có nghĩa biểu tượng, vừa có nghĩa hoàn hảo. Ví dụ: “Như Môisê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy”. Nghĩa biểu tượng là hình ảnh con rắn đồng với Đức Giêsu, nhưng sự “treo lên” (nghĩa hoàn hảo) mới diễn tả hết sự Cứu Độ của Đức Giêsu.

e, Nghĩa phóng tác (Accommodated).
Là ý nghĩa được căn cứ vào nghĩa đen của một chữ, một câu hay một đoạn Kinh Thánh, rồi suy rộng ra và áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nhau. Nghĩa này thường được các nhà giảng thuyết, nhất là các nhà đạo đức sử dụng nhiều. Tuy Giáo Hội không cấm, nhưng không thật sự khuyến khích.
Nghĩa phóng tác tự nó đóng góp quan trọng trong việc suy tư, nhưng dễ bị méo mó lung lạc hoặc vượt quá thực tế sự thật khi không chú ý bám chặt vào chủ đề chính mà phóng đại ý phụ để tạo sức hấp dẫn… rồi tưởng tượng và bịa đặt thêm. Ví dụ trong “Ngắm Thương Khó” người ta tưởng tượng ra chuyện Đức Giêsu bị bắt trên đường dẫn đến nhà Kha-na: “chúng đi trên cầu, thòng dây bắt Đức Giêsu lội dưới sông lạnh lẽo giá rét…”. Trong khi quãng đường này không hề có cầu cống sông ngòi gì cả.




Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
22-02-2012, 08:26 PM
5. Phương pháp nghiên cứu lịch sử.

Vì mặc khải xảy ra trong lịch sử, cho nên muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần “tìm ý nghĩa mà … các thánh sử muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong thời đại và hoàn cảnh văn hóa của họ, qua những lối văn được dùng trong thời đó” (Dei Verbum 11). Để giúp đạt được mục đích này, Giáo Hội khuyến khích chúng ta dùng phương pháp Phân Tích (Phê Bình) Lịch Sử, vì phương pháp này nghiên cứu các văn bản Thánh Kinh như các tài liệu lịch sử và tìm cách hiểu bản văn trong phạm vi lịch sử. Tuy nhiên phương pháp này không phải là phương pháp duy nhất, cần phải được sử dụng một cách cẩn trọng theo truyền thống Đức Tin của Giáo Hội.

a, Đại cương về phương pháp phân tích lịch sử
Trong phương pháp Phân Tích Lịch Sử, ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới lịch sử và văn hóa mà trong đó bản văn được phát sinh, các nhân vật và biến cố trong lịch sử mà từ đó bản văn chính được tạo ra, cũng như các truyền thống được truyền khẩu hoặc được viết thành văn có trước khi bản văn cuối cùng được thành hình.
Phương pháp này tìm cách xác định ý nghĩa nguyên thủy của bản văn qua việc tái tạo: (1) Khung cảnh nguyên thủy. (2) Môi trường lịch sử và văn hóa đầu tiên mà trong đó bản văn được sáng tác. (3) Những nguồn tài liệu, hoặc truyền khẩu hoặc được ghi chép, dùng để viết bản văn. (4) Các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dẫn đến việc viết bản văn. (5) Các niềm tin về thần học cũng như văn hóa của các tác giả và độc giả đầu tiên của bản văn. (6) Chủ ý của các tác giả đầu tiên.
Thực ra, có nhiều cách thế khác nhau trong việc nghiên cứu Thánh Kinh theo Phân Tích Lịch sử. Phương pháp phân tích văn thể được dùng để khám phá ra các truyền thống khẩu truyền đằng sau bản văn. Phương pháp phân tích nguồn văn để tìm ra các văn bản được sát nhập vào bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến vai trò của soạn giả hay người viết cuối cùng là người gom góp các tài liệu hoặc truyền khẩu hoặc đã được viết xuống thành bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích văn tự chú ý đến lịch sử của việc lưu truyền bản văn sau khi bản chính đã được soạn thảo.

b, Sự cần thiết của phương pháp phân tích lịch sử
Đây là một phương pháp cần thiết để nghiên cứu Thánh Kinh vì các bản văn Thánh Kinh xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác với hoàn cảnh của chúng ta. Hiến Chế Tín Lý Mặc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng “mặc khải xảy ra trong phạm vi lịch sử nhân loại.” Tài liệu về Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh viết: “Thánh Kinh, thực ra, không tự mình xuất hiện như một mặc khải trực tiếp các chân lý vĩnh cửu, nhưng như chứng từ viết về những lần can thiệp của Thiên Chúa mà trong đó Ngài đã tự tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại. Bằng một cách thế khác hẳn với các giáo lý của các tôn giáo khác, sứ điệp Thánh Kinh có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Cho nên không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh cách đúng đắn nếu không nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử ảnh hưởng đến các bản văn này.”
Theo Giáo Hội thì Thiên Chúa đã chọn các tác giả Thánh Kinh, hoạt động trong họ và nhờ họ mà truyền đạt lời của Ngài. Ngài hoàn toàn sử dụng năng lực và khả năng của họ để họ viết như những tác giả thật sự (x. Dei Verbum 11-12). Đức Thánh Cha Piô XII viết trong Divino Afflante Spiritu rằng các tác giả được linh hứng của Thánh Kinh là dụng cụ sống động và hợp lý của Chúa Thánh Thần. Họ đem cá tính của mình vào các bản văn Thánh. Các phương pháp Phân Tích Lịch Sử có thể được dùng để hiểu rõ hơn về các tác giả nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng để thông tri Lời Ngài.
Nhờ phương pháp Phân Tích Lịch sử chúng ta có thể hiểu chính xác hơn nghĩa văn tự của các bản văn Thánh Kinh.

c, Giới hạn của phương pháp phân tích lịch sử
Từ ngày Giáo Hội cho phép và khuyến khích dùng phương pháp Phân Tích Lịch Sử trong việc nghiên cứu Thánh Kinh. Nhiều học giả đã cố gắng dùng phương pháp này để chứng minh mọi biến cố trong Thánh Kinh. Từ đó đưa đến việc lạm dụng phương pháp này. Trước hết, phương pháp này thường có khuynh hướng nghiên cứu tiền sử của các bản văn Thánh Kinh mà không tìm hiểu ý nghĩa của toàn thể bản văn. Thứ đến, thay vì tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử được tái tạo đằng sau bản văn như các nhà phân tích lịch sử làm, một số người cho rằng phải chú tâm nhiều hơn đến những tường thuật trong bản văn Thánh Kinh. Một số các nhà chú giải dựa vào thuyết duy lý hoặc thuyết tự nhiên để tìm những cách giải thích về các phép lạ xảy ra trong Thánh Kinh theo lịch sử. Vì không tin vào phép lạ hay quyền năng biết trước lịch sử của Chúa, nhiều người đã thay thế những câu truyện được kể trong Thánh Kinh với lịch sử được họ tái tạo dựa theo các tiêu chuẩn lịch sử hiện đại, hoặc loại bỏ những truyền thống lâu đời mà họ cho rằng không phù hợp với khoa học. Thí dụ như nhiều người cho rằng việc Đức Chúa Giêsu được sinh ra bởi Mẹ Đống Trinh là huyền thoại; Tin Mừng Thánh Luca phải đuợc viết sau năm 70 vì trong đó có những đoạn văn nói quá rõ về việc Thành bị phá hủy…. Do đó người đọc Thánh Kinh chỉ còn lại một số dữ kiện tối thiểu có thể được xác nhận cách chắc chắn trong lịch sử, mà mất đi các ý nghĩa phong phú đa dạng được tìm thấy trong chính những câu truyện được diễn tả trong Thánh Kinh.
Nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử thường không vượt qua giai đoạn tìm hiểu xem bản văn có ý nghĩa gì trong vị trí lịch sử nguyên thủy, để đi đến việc tìm hiểu xem bản văn muốn nói gì với chúng ta hôm nay. Vì thế Chú giải Thánh Kinh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ phân tích lịch sử. Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 14 tháng 3, 1974, đã kêu gọi các học giả phải giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn Giáo Hội: “Công việc của anh em không phải chỉ giải thích các bản văn cổ để trở lại hình thái sơ khởi của một số bản văn Thánh Kinh. Nhiệm vụ chính yếu của một nhà chú giải Thánh Kinh là trình bày sứ điệp mặc khải cho Dân Thiên Chúa; phơi bày chính ý nghĩa của Lời Chúa ngay trong những Lời ấy trong mối liên hệ với con người hiện đại.”
Gần đây hơn nữa một số học giả bị lôi cuốn bởi các sách ngoài quy điển và một số truyền khẩu được tái tạo mà cho rằng chúng diễn tả sự bình đẳng của sứ điệp của Chúa Giêsu đúng hơn là sách Tân Ước, vì chúng không bị áp đặt bởi một Giáo Hội chuyên chế. Ngược lại phương thức của Công Giáo là nhấn mạnh sự liên tục và phát triển của của các truyền thống Thánh Kinh từ truyền khẩu và các bài viết về thời tiền sử, đến việc biên soạn cuối cùng và sát nhập vào quy điển, cùng việc liên tục sử dụng và giải thích Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội cho đến hiện nay.
Đôi khi phương pháp này mạo nhận là có tính cách khoa học khách quan cùng địa vị đặc quyền của mình. Trên thực tế, phương pháp Lịch Sử đã đưa ra những tiếp cận cùng những ước đoán khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Còn Giáo Hội tuy xác nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu bản văn theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử, nhưng không cho nó là phương pháo độc nhất được dùng để hiểu bản văn Thánh Kinh. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua đã đưa ra hai hậu quả đáng tiếc của việc lạm dụng phương pháp Phân Tích Lịch sử là: (1) “Đối với những độc giả hiện nay, Thánh Kinh trở thành một cuốn sách hoàn toàn trong quá khứ, không có khả năng nói với thời đại chúng ta”; (2) “Hậu quả thứ hai trầm trọng hơn, là sự mất dạng của việc chú giải theo Đức Tin mà ‘Dei Verbum’ vạch ra. Thay vì chú giải theo niềm tin, thì lại lọt vào đó một viêc chú giải theo thực chứng và thế tục chối bỏ cả việc Thiên Chúa có thể hiện diện và lui tới trong lịch sử nhân loại”
Chính vì những lý do trên mà chúng ta nên đọc các sách chú giải Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử cách thận trọng, ý thức rằng phương pháp này có thể bị bóp méo bởi những thiên lệch duy lý và chủ quan. Khi giải thích Thánh Kinh, điều chắc chắn nhất là luôn luôn tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Huấn Quyền. ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ chúng ta trước Kinh Truyền Tin ngay sau Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 26 tháng 10 năm 2009 rằng: “Một bài chú giải Thánh Kinh hay cần có cả phương pháp Phân Tích Lịch Sử lẫn phương pháp Thần học, bởi vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa trong các chữ của loài người. Điều này có nghĩa là mọi đoạn văn phải được đọc trong khi luôn để tâm đến tính duy nhất của tất cả Thánh Kinh, truyền thống sống động của Giáo Hội và ánh sáng Đức Tin. Thánh Kinh đúng là một tác phẩm văn chương, và hơn nữa, là một bộ luật của nền văn hóa phổ quát, nhưng không được cướp mất yếu tố Thiên Chúa của Thánh Kinh, mà trái lại, phải được đọc trong cùng một Chúa Thánh Thần là Đấng viết Thánh Kinh.”


Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.

Bảo_†_Lâm
24-02-2012, 07:12 AM
6. Vai trò của Giáo Hội.

Dù thời nay có nhiều phương tiện giúp giải thích Thánh Kinh, nhưng vẫn còn rất nhiều câu và nhiều đoạn Thánh Kinh chưa rõ nghĩa, hoặc còn hàm ẩn nhiều nghĩa chưa được khai thác. Điều này là thao thức của các nhà chú giải Thánh Kinh. Tuy nhiên, quyền phán quyết cuối cùng vẫn phải luôn thuộc về Giáo Hội, vì đó là “tôn sư sống động” mà Chúa Kitô uỷ thác cho việc bảo tồn, truyền bá và giải thích Lời Chúa (x. Mt 28,18-20). Bởi vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).

Tóm lại: trong việc chú giải, cần nắm vững 7 nguyên tắc như sau:
1% Thánh Kinh được viết ra nhằm trình bày chương trình mặc khải của Thiên Chúa. Nhưng mặc khải là một thực tại duy nhất và liên tục mà chóp đỉnh là mầu nhiệm Đức Kitô. Do đó mầu nhiệm Đức Kitô là đối tượng duy nhất của Kinh Thánh. Khoa chú giải trước hết nhằm phô bày cách rõ ràng mầu nhiệm căn bản này.
2% Toàn bộ Thánh Kinh không được chép trong một lúc, nhưng theo nhịp tiến của thời gian. Vì thế, khi chú giải một bản văn Cựu Ước chẳng hạn, ta phải đối chiếu với mầu nhiệm Đức Kitô.
3% Khi tìm hiểu một đoạn văn nào của Thánh Kinh, ta phải đặt nó vào trong toàn bộ của cuốn sách.
4% Vì Thiên Chúa đã muốn dùng ngôn ngữ của nhân loại để diễn tả các mầu nhiệm, và vì ngôn từ nhân loại mang dấu vết của một nền văn minh văn hoá, một ý thức hệ, một khung cảnh xã hội… nên ta cần phải thấu hiểu ngôn ngữ mà tác giả đã dùng để chép.
5% Khi gặp một chữ khó hiểu ta cần nghiên cứu các ý nghĩa khác nhau: nghĩa bóng, nghĩa của từ, nghĩa hoàn hảo…
6% Khi gặp một kiểu nói khác lạ, ta cần tìm xem kiểu nói ấy thuộc loại thể văn nào (thi ca, lịch sử, giáo huấn, luật, ngôn sứ…).
7% Ý thức rằng, chỉ có Giáo Hội có bổn phận gìn giữ và có thẩm quyền phán quyết về việc chú giải Lời Chúa.


Hiền Lâm

* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.