PDA

View Full Version : Xê-đăng miền đất hứa



hatbui.
18-03-2012, 05:45 PM
XÊ-ĐĂNG - MIỀN ĐẤT HỨA

Giữa vùng đèo heo hút gió nơi biên giới Lào-Việt với đồi cao gió lộng, với dãy Ngọc Lĩnh 2500m. Núi rừng Trường Sơn trùng điệp nhấp nhô trong sương mờ. Con đường Trường Sơn nối liền Kontum và Quảng Nam ngoằn ngoèo uốn khúc giữa các rặng cây và sườn đồi vách đá cheo leo, giữa thác ghềnh và cầu treo đong đưa trên sông Pơ-kô gió ngàn.

Giữa núi rừng Trường Sơn trong khói sương chiều, hay trong sương sớm ban mai, đâu đó vang vọng lên lời kinh tiếng hát để ca tụng Thiên Chúa... Những người con của Núi Rừng đang ngỡ ngàng nhìn núi sông đổi thay, rừng cây đổi mới... nhưng trong đó có Đàn Chiên không người chăn dắt.

Xin gởi đến Bạn”Tập Bút Ký”nhỏ bé đơn sơ của LM. Simon Phan Văn Bình, người con của Núi Rừng Trường Sơn năm nào, nay đã trở thành mục tử hiếm hoi giữa anh em sắc tộc thiểu số Xê-đăng, Ha-lâng, Jeh, Ka-Yon.

Ngày…Tháng…Năm…: Ðức Giám Mục Giáo phận Kontum, đã trao cho tôi trách nhiệm coi sóc miền Xê-đăng với 26.229 giáo dân rải rác trong 118 thôn làng thuộc các huyện Dak Glei, Ngọc Hồi, Daktô và Dak Hà. Miền này từ mùa hè đỏ lửa 1972 tới nay không có bóng dáng Linh Mục. Ngày Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, giáo dân lũ lượt đi về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum để dọn mình đón Chúa rồi lại lặng lẽ trở về núi rừng Trường Sơn hoang dã. “Chúa ơi! Con cám ơn Ngài vì con được trở về với anh em Dân Tộc của con trong sứ vụ của người mục tử, vì Chúa đã cho con sinh ra giữa núi rừng của thôn làng Kon-hring, và vì Chúa đã gọi và chọn con, nâng con lên hàng mục tử. Xin ban cho con niềm vui và sức mạnh của Chúa.Amen”

Ngày…Tháng…Năm… : Chú Iao-phu (thầy giảng) từ xa đi về rước Mình Thánh Chúa để mang đến thôn làng cho giáo dân rước lễ vào ngày Chúa Nhật. Bình đựng Mình Thánh lại là một lon sữa Guigoz với cái túi vải lấm đầy bụi đường. Tôi không thể chấp nhận, và chú phải chờ đợi cho đến khi tìm được một chén thánh xứng đáng hơn. “Lạy Chúa, xin cho con có thêm nhiều người giúp đỡ con trong công việc chăm sóc đoàn chiên của Chúa, để Chúa có nơi cư ngụ xứng đáng hơn giữa núi rừng hoang vu này.”

Ngày…Tháng…Năm… : Vừa học tiếng Xê-đăng, tôi vừa cộng tác với 3 anh em Iao-phu dịch các sách Tin Mừng, để mỗi Chúa Nhật trong rừng sâu âm u và thầm kín, những người con của Núi Rừng được nghe Lời Chúa bằng chính ngôn ngữ của mình. “Lạy Chúa, hôm nay là Lễ Ngũ Tuần trên miền đất Xê-đăng, người Xê-đăng đều nghe họ dùng tiếng nói Xê-đăng "mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa" ( Cv 2,11).

Ngày…Tháng…Năm… : Bốn đôi hôn phối từ nhiều thôn làng khác nhau trên miền đất Xê-đăng, họ đã đi bộ từ 40 cây số, có người ở các vùng xa xôi hơn, phải đi gần 100 cây số để về nhà thờ dọn mình chịu Bí tích Hôn phối. Họ đem theo cơm và ngủ không mùng, không chiếu. “Lạy Chúa, tiếp đón những kẻ không nhà không cửa là đón tiếp Chúa, nhưng con lấy gì mà đón Chúa đây ?”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang01.JPGNgày…Tháng…Năm… : Rửa tội cho 24 em bé thuộc nhiều thôn làng khác nhau, gồm 10 nam và 14 nữ. Ða số là các bà mẹ trẻ và các em khôi ngô tuấn tú dễ thương.“Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa của lễ đầu mùa là 24 công dân Nước Trời trong đầu đời mục tử miền Xê-đăng của con.”

Ngày…Tháng…Năm… : Lần đầu tiên tôi làm phép cưới cho 3 đôi hôn phối. Nghi lễ hôn phối bằng tiếng Xê-đăng. Sau Thánh Lễ, họ vào cám ơn với hơn chục trứng và 4 trái chuối. “Lạy Chúa, con rất vui mừng vì được nói tiếng Xê-đăng trong lễ nghi hôn phối này.”

Ngày…Tháng…Năm… : 15 giờ trời hãy còn nắng gắt. Trên nẻo đường Dak-Kla vắng lặng, tôi gặp một đôi vợ chồng sắc tộc Rơn-Gao lầm lũi bước về làng. Vợ đi trước, chồng đi sau. Bất chợt, tôi nhìn thấy tay ông chồng nắm cỗ tràng hạt, miệng nhẩm lời kinh. Tiếng chim đâu đó vẫn ríu rít. Gió ngàn vẫn lay nhẹ cành cây. Và nắng hanh vàng của một buổi chiều núi rừng Trường Sơn đang buông dần xuống. “Lạy Chúa, Chúa đã không tỏ cho người khôn ngoan được biết, mà đã tỏ ra cho những kẻ bé nhỏ hèn mọn...”

Ngày…Tháng…Năm… : Trong tuần tĩnh tâm tại Tòa Giám Mục. Tôi đi viếng nghĩa trang các Linh Mục. Nơi an nghỉ là một khu đồi lộng gió. Những ngôi mộ nằm yên như bất động mà dường như còn vang lên tiếng réo gọi. Tôi nghe như thế vì nhiều thôn làng của anh em Dân Tộc là nơi đìu hiu hút gió, không một vết chân truyền giáo, không một bóng giáng của người mục tử, thế mà họ lại quyết tâm tầm đạo, muốn được làm con cái Thiên Chúa. Vài nén hương tỏa khói của những kẻ đi sau tiếp nối bước chân của những người đi trước. Hương khói tản mát vào không trung, hòa quyện với bao lời kinh nguyện trầm lắng bay đến những thôn làng xa xôi nào đó! “Lạy Chúa, kẻ gieo người gặt. Gieo trong nước mắt, gặt trong vui cười… và lạy Chúa, trên miền núi rừng Trường Sơn này, giờ đây lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại quá ít…trơ trọi chỉ có mình con…!”

Ngày…Tháng…Năm… : Trong Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum, trước cộng đoàn giáo dân Bahnar, Ðức Giám Mục công bố sứ vụ của tôi nơi miền Xê-đăng. Lạy Chúa! Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít… Nhưng đây lại quá ít vì chỉ có mình con. Bao giờ có bông lúa chín vàng để con dâng Chúa! Giữa núi rừng Trường Sơn mênh mông, con xin hiệp lời cùng anh em Dân Tộc của con để hát mừng ngợi khen danh Chúa đến muôn muôn đời”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang02.JPGNgày…Tháng…Năm… : Sau Thánh Lễ Chúa Nhật, tôi đã rửa tội cho 38 em bé thuộc các sắc tộc Jơlơng, Bahnar, Rơngao. Những công dân mới của Nước Trời. Ða số là những người mẹ trẻ, mặt mày sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ. “Lạy Chúa, cách đây 60 năm, con cũng được sinh ra như các em bé này trong khoảng không gian trầm lặng của núi rừng Trường Sơn. Nhưng Chúa đã gọi và chọn con.”

Ngày…Tháng…Năm… :: Hôm nay là ngày tôi sinh ra đời trong một thôn làng bé nhỏ miền Xê-đăng, tên gọi là Kon Hring. Sáng nay, tôi trở lại quê nhà với hai người chị gái. Thôn làng đã tan nát vì chiến tranh. Cỏ mọc um tùm. Ngôi nhà thờ nơi tôi được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, nay chỉ còn mấy tảng đá chân cột. Cây xoài quéo gần nơi tôi sinh ra hãy còn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Thuở nhỏ, tôi hay chạy đến gốc xoài, lượm những quả chín rụng thơm ngọt. Chỉ còn mỗi cây xoài này và những dãy núi chập chùng bao quanh cùng với bầu trời bao la là chứng tích cho cuộc đời tôi. Tôi và hai chị đứng trên nền nhà thờ cùng nhau dâng lời kinh tạ ơn.

Lần theo con dốc chạy dài tận đáy thung lũng, tôi muốn nhìn lại giọt nước trong lành, tuôn chảy ngày đêm (máng tre hứng mạch nước chảy ra). Chính giọt nước này đã thanh tẩy tôi, để tôi được trở nên con cái Thiên Chúa. Một lần nữa, tôi cúi đầu vào giòng nước tuôn trào ấy. Giọt nước bên cạnh, mấy em bé đang tắm, tung tăng vui đùa như chính tôi lúc còn nhỏ. Vào giữa trưa, dưới ánh nắng chan hòa, tôi và hai chị ngồi ăn trưa tại chính nơi tôi đã sinh ra.

Ngày này năm ấy, chắc hẳn cha mẹ tôi cùng cả bà con thân thuộc đều vui mừng, vì tôi là đứa con trai đầu lòng trong gia đình được sinh ra. Chiều Tây Nguyên đang buông dần xuống mang lại vẻ âm u huyền bí của núi rừng. Vài tiếng chim ảo não gọi đàn. Chúng tôi quay trở về. Tôi bước vào trong nhà ôm hôn mẹ già. Người mẹ 87 tuổi nay đã lẫn nhưng vẫn còn nhận ra tôi là đứa con của bà. Ðôi môi mẹ không còn nở nụ cười. Ðôi mắt không còn tinh anh thần sắc. Mẹ từ từ cầm lấy bàn tay tôi, nâng lên và hôn vào lòng bàn tay. Bàn tay này hôm nào đã được Thiên Chúa sức dầu tấn phong. Bàn tay này luôn đưa lên cao để ban phép lành của Chúa cho những đứa con ở núi rừng Trường Sơn. Bàn tay này đã được mẹ dạy làm Thánh giá đầu đời. Bàn tay này đã một thời bám lấy bầu sữa mẹ khi tôi còn bé. “ Lạy Chúa, Chúa ở với con, Chúa ở bên con qua hình ảnh và đời sống của người mẹ. Chỉ có Chúa và người mẹ là luôn thương yêu con, không bao giờ chê trách con, cho dù con bất xứng và ngỗ nghịch. Lạy Thiên Chúa của con, con tạ ơn Ngài hôm nay và mãi mãi.”

Ngày…Tháng…Năm… : Chuyến thăm mục vụ đến buôn làng Kon-Dâu-Yôp. Tôi rẽ vào lối hẻm đường mòn. Vượt bao sườn đồi chênh chếch bên sông. Con sông có khúc hiền hòa, có khúc gầm thét qua thác qua ghềnh. Vài cây cầu khỉ. Hai thân cây bắc ngang hố sâu. Vài con dốc như chạm vào mũi. Con đường mòn bị con sông cắt đứt. Một chiếc sỏng mong manh như chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước.. Giòng nước xanh dờn như bảo rằng dưới đó có âm phủ. Hai ven sông cây cao sừng sững đầy bí ẩn của núi rừng. Qua đò, bên kia bờ, vài người dân làng đang chờ đón, hàng chục em bé đứng nhìn tôi cười tũm tĩm.. Lại còn phải leo một cây số trên sườn núi. Ngôi làng nằm trên một khoảng đất rộng giữa sườn đồi. Hôm nay, mọi người nam phu lão ấu đều ở nhà đón vị chủ chăn. “Lạy Chúa, hễ con vào nhà nào, con sẽ chúc lành cho nhà ấy, như Chúa đã phán dạy xưa kia ...”

Ngày…Tháng…Năm… Hôm nay có hơn 50 người già hoặc lớn tuổi đã đi hàng 50 đến100 cây số đường rừng để về đây dọn mình xưng tội. Họ không nghĩ suy, không hề hay biết những gì đang xảy ra trên thế giới: HIV hay AIDS, hòa bình hay chiến tranh, phát triển hay chậm tiến... “Chúa ơi! Ai là người được hạnh phúc? Người trong các nước tây phương tiên tiến? Hay người lãng du sống từng ngày Chúa ban?”

Ngày…Tháng…Năm… Anh em vùng sâu vùng xa về đây dọn mình lãnh nhận các bí tích. Họ lớn lên sau chiến tranh. Không có nhà thờ. Chỉ biết đọc kinh trong căn nhà đơn sơ hay dưới một gốc cây cổ thụ trong rừng già. Hôm nay vào nhà thờ, họ quỳ ngược, quay lưng lên bàn thờ. “Ôi lạy Chúa! Chúa ở khắp mọi nơi mọi hướng. Tin như vậy là giải quyết được chiều hướng đứng ngồi quỳ của người anh em Núi Rừng Trường Sơn của con”

Ngày…Tháng…Năm… 21 anh chị em dân tộc người Jeh được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Tại nhà nguyện nhỏ bé, phần phụng vụ Lời Chúa và Lời Nguyện Giáo Dân được dâng lên bằng thổ ngữ Jeh, tiếng nói của một dân tộc nhỏ bé chỉ có vài ngàn người. Họ ở huyện Dak Glei, giáp ranh tỉnh Quảng Nam và biên giới Lào. “Lạy Chúa, Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn bên núi rừng Trường Sơn hôm nay.”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang03.JPGNgày…Tháng…Năm… Từng đoàn người anh em Dân Tộc miền Xê-đăng lần lượt tuôn về nhà thờ như trẩy hội để mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Màn trời chiếu đất. Nhiều bà mẹ ấp con vào ngực tránh làn gió se lạnh. Sương rừng lại nhẹ rơi. Tiếng cười nói im dần càng làm cho màn đêm thêm thanh vắng lạnh lùng. Bỗng đâu đó văng vẳng tiếng khóc của một em bé vì gió lạnh.. đêm đông... không nhà... “Lạy Chúa, con đang nhìn ngắm máng cỏ với những người mẹ không có mái nhà ấm áp, không có tấm chiếu qua đêm, cũng có thể chưa có gì lót dạ đêm nay...”

Ngày…Tháng…Năm… Mấy ngày nay, tôi ngồi tòa giải tội từ sáng tới chiều. Ngôi nhà nguyện có khoảng 200 người. Ngoài cửa cũng chật ních người ngồi chờ đợi tới phiên mình. Họ khao khát được ơn giao hòa giữa Trời với Ðất, giữa Thiên Chúa và con người. Phải chăng tôi đang gặp được những con người bé nhỏ được Chúa yêu thương. Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh ngoài trời do Ðức Giám Mục chủ lễ. Có khoảng 8 ngàn anh em Dân Tộc Bahnar, Rơngao, Jrai và Xê-đăng quây quần xung quanh bàn thờ. Thánh Lễ bằng hai thứ tiếng Bahnar và Xê-đăng...

Tiếng cồng chiêng hòa với tiếng hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm...” Sương bắt đầu nhẹ rơi, Thánh Lễ kết thúc, cộng đoàn dân chúa ra về với thân xác mệt mỏi, nhưng tâm hồn đầy ắp an bình và hạnh phúc. Có thể có nhiều người đêm nay vẫn không có gì lót dạ. “ Lạy Chúa, xin cho những ai đêm nay dư đầy biết chia sẻ cho chúng con một tấm bánh thơm ngát tình người và tình Chúa. Amen”


LM. Simon Phan Văn Bình
(Trích Nhật Ký Truyền Giáo - Miền Xê-Đăng của núi rừng Trường Sơn)

hatbui.
18-03-2012, 05:48 PM
XÊ-ÐĂNG - MIỀN ÐẤT HỨA (Phần 2)

Xin tiếp tục gởi đến Bạn phần 2 ”Tập Bút Ký”nhỏ bé đơn sơ của LM. Simon Phan Văn Bình, người con của Núi Rừng Trường Sơn năm nào, nay đã trở thành mục tử hiếm hoi giữa anh em sắc tộc thiểu số Xê-đăng, Ha-lâng, Jeh, Ka-Yon.

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang04.JPGNgày…Tháng…Năm…Buôn làng Dak-Kang-Pêng có vài cụ già muốn gặp Linh Mục trước khi quy hồi tiên tổ. Tôi đem theo vài lon nước, qua chợ mua vài ổ bánh mì trước khi lên đường. Ðường đi không khó nhưng ngoằn ngoèo quanh co. Thung lũng sâu bên những ngọn đồi đã thành nương rẫy, xa xa vài bóng cây Kơ-nia cao vút. Buôn làng nhà tranh vách nứa với 560 nhân khẩu. Vài cụ già an phận chờ chết không chút buồn phiền lắng lo… Vài em bé đang bị bệnh với cơn sốt mê man… Một bà mẹ ẵm em bé hai tháng tuổi trên tay đứng chờ tôi giữa ánh nắng ban trưa. “Lạy Chúa! Giữa núi rừng Trường Sơn này, có một gian nhà nhỏ lụp xụp được dành riêng cho Chúa. Con và vài ba người đã khom lưng cúi mình chui vào để quỳ gối hát ca thờ lạy Chúa. Tiếng hát đã vang vọng trong thinh không, như mất hút giữa núi rừng, nhưng xin được hòa lời ca tiếng hát cùng với Giáo Hội hoàn vũ để dâng lên Thiên Chúa Tình Yêu…vì Chúa vẫn hằng yêu thương con, và yêu thương mọi người trong buôn làng này.”

Ngày…Tháng…Năm…Em bé chăn bò đã chết oan uổng… một chú bò đã đá trúng người của em, làm đứt mạch máu. Nơi đèo heo hút gió này vô phương cấp cứu, máu ra nhiều và em đã an giấc nghìn thu. “Lạy Chúa, nếu con có phương tiện tiếp cứu thì em bé này đã không chết. Xin cho con phương tiện phục vụ và niềm vui dọc ngang, ngang dọc, xẻ núi dời non.”

Ngày…Tháng…Năm…Một người mẹ buôn làng Tu-ria lâm bồn cần cấp cứu. Đã chuyền bụng 3 ngày màđẻ không ra, đang ôm cột nhà la hét om xòm. Được dân làng cấp báo, tôi lên Toà Giám Mục mượn chiếc xe con. Người mẹ được khiêng ra đường lộ để lên xe về bệnh viện Kontum. Những nét mặt u buồn lặng lẽ nhìn theo, nhưng bệnh viện Kontum đã cứu nguy cho người mẹ. Một người con trai của Núi Rừng ra đời. ”Lạy Chúa, con vui mừng làm việc này để đền đáp công ơn người mẹ đã sinh ra con với bao lo toan thiếu thốn.”

Ngày…Tháng…Năm…Tôi trở lại thăm dân làng Kan-Tu-Pêng. Thời gian trôi nhanh, nắng nhạt dần, làn nước đen thẫm, ngọn núi chênh vênh như bức màn đen khép lại không gian vắng lặng và âm u của núi rừng... Mọi người chúng tôi không ai bảo ai, đều nín lặng, cúi đầu cảm tạ Ðấng Tối Cao. Lời kinh Lạy Cha lại vang lên bên giòng sông Pơkô... "Nước Cha trị đến... hằng ngày dùng đủ... khỏi mọi sự dữ… Amen". Bàn tay vị mục tử và bàn tay những người con của Núi Rừng siết chặt lấy nhau để rồi chia tay nhau. “Lạy Chúa! Con nhớ cuộc chia tay của thánh Phao-lô với Đoàn Chiên năm nào trên bờ hồ… Có lẽ cuộc chia tay ấy cũng giống cuộc chia tay của con với đoàn chiên buôn làng Kan-Tu-Pêng hôm nay. Con buồn… Nỗi buồn man mác của người mục tử...”

Ngày…Tháng…Năm…Chú Nôm qua đời. Chú là giáo lý viên từ năm 1942 tới bây giờ. Đã bao năm chú sống như mọi người, và sống giữa mọi người để rao giảng Lời Chúa. Con người đáng kính và đáng khâm phục, nay đã già ốm, không đi lại được, ngồi một chỗ, nhưng vẫn tiếp tục nói về Chúa. Cuốn Kinh Thánh vẫn để bên đầu giường. Hôm nay người con của Núi Rừng đã về với Chúa sau một lần hiếm hoi trong đời được gặp Linh Mục. “Chúa ơi! Có thể đây là lời cầu nguyện của Chú Nôm: Lạy Chúa! Xin cho con được ra đi vì mắt con đã thấy...”

Ngày…Tháng…Năm…Một bà già đã đi gần 50 cây số để về Kontum lo việc linh hồn. Quả đúng như vậy. Bà sốt sắng dọn mình chịu các bí tích. Ngả mình ngủ qua đêm và sáng hôm sau bà không còn thức dậy nữa. “Lạy Chúa! Xin cho bà được nghỉ yên muôn đời trong Nước Chúa, vì bà đã tin yêu phó thác vào Chúa suốt cả cuộc đời.”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang05.JPGNgày…Tháng…Năm…Hôm nay tôi “hành hương” xuyên suốt miền Ðầt Hứa: Kontum, Dak-Hà, Dak-Tô, Ngọc-Hồi, Dak-Glei... Nào là buôn làng với nhà Rông, thung lũng với núi đồi, khe suối thác ghềnh với cầu treo… mỗi nơi mỗi cảnh, thiên hình vạn trạng nơi các bộ tộc: Jeh, Striêng, Xê-đang, Ha-lâng... 16 giờ tôi dặt chân lên miền Dak-Glei, điểm cuối của Giáo Phận Kontum. Thông reo như Ðà Lạt, không khí se lạnh về chiều. Dân cư nằm rải rác theo đường chân núi. Chiếc cầu treo đong đưa vì kẻ qua người lại. Bên một con sông và một cánh đồng nho nhỏ, mỗi ngày có một chuyến xe khách đi từ Kontum về Dak-Glei...17 giờ, anh em buôn làng Ya-tun, nam phụ lão ấu, túa ra đường đón người mục tử đi ngang qua để xin được xưng tội...23 giờ khuya mới về tới nhà vì đường rừng trong đêm tối thật khó đi. ”Lạy Chúa, xin ban cho con một ý chí mạnh mẽ để con được kiên vững trong gian nguy và lao nhọc.”

Ngày…Tháng…Năm…Ngày lễ Phục Sinh, tôi ngồi toà giải tội suốt cả ngày mà vẫn còn người chờ đợi đến lượt mình. Mấy ngàn giáo dân đã về đây, họ ngồi nằm la liệt khắp vườn Nhà Thờ. Ðêm Vọng Phục Sinh, đêm thánh huyền nhiệm, đứng bên cạnh Ðức Giám Mục, tôi cất cao lời công bố ''Anh Sáng Chúa Ki-tô'' cho hàng ngàn người con của Núi Rừng bằng thổ ngữ Bahnar. Tôi hát lên bài ca Exultet hoành tráng bằng thổ ngữ Xê-Đăng. Ðức Giám Mục ban Phép Thánh Tẩy cho gần 100 anh em tân tòng gồm các bộ tộc Jeh, Xê-đang, Bahnar… trong đó có rất nhiều em bé và người già cả. “Lạy Cha! Ước chi ngọn lửa đêm nay vươn lên như hương trầm nghi ngút, hòa nhập với lời kinh tiếng hát của những người con núi rừng Trường Sơn đang tụ họp nơi đây, để dâng lên Cha như tấm lòng tin yêu và cậy trông phó thác…”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang06.JPGNgày…Tháng…Năm…Người con gái buôn làng Kon-Dau-Yôp với bệnh nan y không còn phương thuốc chữa trị. Tôi đưa xe tới bệnh viện chở chị xuất viện. Ðến ngõ cụt bìa rừng, đã có sẵn những thanh niên chờ khiêng cán. Vài người phụ nữ bà con chạy lại, nhìn nhau khóc lóc kể lể… Những lời nói líu lo đầy thương mến. Tiếng chim khứu từ xa vọng lại, tiếng suối róc rách vẫn không ngưng chảy. Tôi đứng lặng người trong không gian mênh mông giữaTrời và Ðất, để khẩn cầu cho đứa con của Núi Rừng. Ðến bên người con gái, tôi trao Mình Thánh Chúa lần cuối cùng cho chị. Chị nói lời cám ơn, điều mà người Dân Tộc ít khi nói. Hai bàn tay chị giơ lên như muốn nắm lấy bàn tay người mục tử. Ðoàn người khiêng chị đã khuất dần sau những rặng núi. “Lạy Chúa, con trở về nhưng Chúa đang cùng đi với họ. Xin cho cô gái được giảm bớt cơn đau, và xin dẫn đưa cô về nơi Bình Yên Vĩnh Phúc trong Nước Chúa. Amen.”

Ngày…Tháng…Năm…Hôm nay, tôi làm phép cho 20 đôi hôn phối. Nhiều người mẹ vẫn mang con sau lưng hay bồng con đang bú mớm bước lên làm Phép Hôn Phối. Một em bé chạy lại nắm váy mẹ, người mẹ một tay nắm lấy tay chồng đọc lời thề ước, một tay nắm lấy váy sợ nó tụt ra. “Lạy Chúa, ngày xưa Chúa là khách dự tiệc cưới Cana, nhưng hôm nay trong nhà nguyện nhỏ bé này, Chúa là chủ hôn ban muôn vàn ân phúc.”

Ngày…Tháng…Năm… Một người từ bệnh viện đến xin tiếp cứu để có tiền mua một xị máu cho đứa con sắp lên bàn mổ. “Lạy Chúa! Chúa hằng ban ân huệ cho con cái Chúa qua những bàn tay của ân nhân xa gần. Con xin tạ ơn Ngài.”

Ngày…Tháng…Năm… Dân làng chia nhau đi tìm chú Rei, chú là Iao-phu (giáo lý viên) đã thay mặt cha sở dạy giáo lý và quản lý họ đạo hàng chục năm. Chú đã tận tụy hy sinh nên dân làng thương tiếc như người cha. Trên đỉnh núi cao sương mờ, người ta đã gặp thấy chú nằm chết sấp ở thế quỳ khom lưng, tay vẫn cầm tràng hạt. Mặt mày và cổ đã bị kiến và bọ bu ăn. Có lẽ chú đã bị rắn cắn, biết mình không thể qua khỏi, chú đã cầm lấy tràng hạt quỳ sấp dọn mình, và chú đã ra đi bình an trong Chúa. Thân xác chú đã bay mùi. Dân làng đem xác về an táng tại nghĩa trang gần làng. “Lạy Chúa! Một người kitô gương mẫu đã ra đi… Xin cho con được trung kiên bền đỗ đến giây phút cuối cuộc đời. ”

http://canhdongtruyengiao.net/Truyen%20Giao/Cauchuyen%20truyengiao/xedangmiendathua/xedang07.JPGNgày…Tháng…Năm… Hôm nay, anh chị em Dân Tộc đã đi về nhà thờ Chính Toà Kontum. Rất nhiều người mẹ mang theo con mình, từ mới sinh chưa đầy tháng cho tới ba bốn tuổi, người què được bà con cõng trên lưng, kẻ đui mù được người thân dắt dìu đi quờ quạng, người câm kẻ điếc cùng chung niềm vui ngày Chúa sinh ra đời.

Ðêm Chúa Giáng sinh, hàng ngàn người con Dân Tộc của Núi Rừng Trường Sơn bao gồm Bahnar, Rơngao, Xê-đăng, Jeh, Halâng… Họ đứng im lặng trong màn đêm, nhưng hướng lòng về tiền đường Nhà Thờ Chính Tòa trong ánh sáng uy linh huyền nhiệm của đêm Chúa sinh ra đời.

Qua bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, bao nhiêu hy sinh và lo lắng. Đêm nay, trong niềm tin yêu vào Đấng Cứu Thế đang hạ sinh, những người con của Núi Rừng cũng bắt gặp một Giê-su khó nghèo, Ngài không cho họ tiền bạc chức quyền, không cho họ cuộc sống dư đầy, nhưng cho họ sự an bình và tình yêu thương trìu mến... “Lạy Chúa Giê-su Hài Ðồng! Xưa kia các người chăn chiên đã ra về tay không. Hôm nay cũng thế, những người con của Núi Rừng cũng ra về với hai bàn tay trắng, không có quà Noel, nhưng lòng họ tràn đầy niềm hân hoan vui xướng vì Ơn Cứu Độ đã được sinh ra cho muôn người, và đã lan tỏa đến vùng đèo heo hút gió của núi rừng Trường Sơn này.”


LM. Simon Phan Văn Bình - trích trong tập bút ký “Xê Đăng Miền đất Hứa”.

http://canhdongtruyengiao.net/images/Gif%20anime/spacer.gif