Ðăng Nhập

View Full Version : Bài suy niệm tuần Thánh của LM chính xứ Lễ Trang hạt Phước Thành (Phú Cường)



onggiachonggay_99
02-04-2012, 03:14 PM
BÀI GIẢNG LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH

TACE, chúng ta hãy hiệp dâng thánh lễ chiều nay một cách đặc biệt sốt sắng, vì trong phụng vụ chiều nay, Giáo Hội kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh là nguồn gốc của mọi Thánh Lễ.
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, tuy Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể như thánh Phaolô trong bài thánh thư gởi tín hữu Côrintô. Nhưng ý nghĩa của việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể chứa đựng trong lời nói hết sức sâu sắc của thánh Gioan :
Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. ( Ga 13, 1 ) Chúa Giêsu đã yêu mến tất cả chúng ta còn ở trần gian, và Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến cùng.

- Yêu thương cho đến cùng là yêu cho đến chết, không dừng lại giữa đường, mà sẵn sàng chịu chết, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng ta. Trong thực tế Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên cây Thánh Giá, để chuộc tội cho loài người chúng ta. Người đã trả giá đắt cho tình yêu của Người: giá đó là mạng sống còn trai trẻ của Người.
- Yêu cho đến cùng là yêu tối đa, không còn có thể hơn được nữa. Vì yêu thương chúng ta tối đa, Chúa Giêsu đã tìm một cách đặc biệt để đến với chúng ta, hiện diện với nhân loại chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người đã lập nên Bí Tích Thánh Thể để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Ngài đến với chúng ta trong mỗi Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành.

Mỗi lần chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ là chúng ta cùng nhau đón Chúa Kitô Tử Nạn và Phục Sinh đến với chúng ta, không những một cách thiêng liêng như qua Lời Chúa, qua Giáo Hội, qua tha nhân, mà thực sự đến với chúng ta trong hình bánh rượu. Bánh và rượu được truyền phép trở thành Mình và Máu Thánh Chúa, và là chính Chúa ở giữa chúng ta.
Vậy chúng ta hãy sốt sắng đón Chúa đến với tất cả niềm tin và lòng yêu mến : chúng ta tin Chúa, dù mắt phàm của chúng ta không thấy Chúa; chúng ta chỉ thấy bánh và rượu được truyền phép, mà chúng ta tin đó là chính Chúa và chúng ta sẵn sàng thờ lạy và đón rước Chúa.

- Chúng ta đón rước Chúa đến với lòng yêu mến. Chúng ta yêu Chúa cách đậm đà tha thiết: yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Trái tim của chúng ta, tâm hồn của chúng ta hãy mở rộng cửa đón tiếp Chúa.
- Chúng ta đón rước Chúa đến với niềm vui, với niềm hy vọng được gặp gỡ Chúa, gặp Chúa thực sự bằng đức tin và trong đức tin, dù giác quan của chúng ta không cảm thấy gì theo như lời thánh Tôma tiến sĩ.
- Chúng ta đón rước Chúa đến với quyết tâm theo Chúa, theo Chúa vượt qua thế gian về cùng Chúa Cha, không ham mê của cải thế gian, không bám víu vào trần gian. Quyết tâm nên giống Chúa càng nhiều càng tốt như Người dạy chúng ta trong bài Tin mừng, khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Muốn yêu thương phải cúi xuống, phải khiêm nhường; vì yêu thương là đặt người mình yêu lên trên chính mình.

TACE, Chúa Giêsu đã đặt các môn đệ lên trên chính mình, vì Người đã cúi xuống rửa chân cho họ, chính vì thế mà Phêrô đã sợ không dám: Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu... Nhưng Chúa Giêsu đã nhất quyết: Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy….
Chúa nhất quyết, vì yêu thương phải đưa tới hiệu quả thực tế là phục vụ. Đó là ý nghĩa của bài Tin mừng hôm nay, đó là ý nghĩa của nghi thức rửa chân mà chúng ta sẽ cử hành theo gương Chúa Giêsu.
Tất cả chúng ta hãy sẵn sàng tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu. Giống như Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết, và đó là ý nghĩa tự hiến của bí tích thánh thể mà Giáo Hội cử hành.


THỨ NĂM TUẦN THÁNH
“ XEM TRỜI GIẢI NGHĨA YÊU”


TACE, Đề tài mà người ta đề cập đến nhiều nhất có lẽ chính là tình yêu, người ta phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn nhiều giấy mực để lý giải tình yêu… nhưng có lẽ rất ít người hiểu cho đúng tình yêu là gì.
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là nhà thơ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu.
Ông viết: “Làm sao giải nghĩa được tình yêu… Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt…”
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta -trong bài “Đà Lạt trăng mờ” - như sau:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy, nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió - Và để xem Trời giải nghĩa yêu.”

“Và để xem Trời giải nghĩa yêu !” Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để “giải nghĩa yêu.”
- Chúa Giê-su “giải nghĩa yêu” khi Người ngỏ lời với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
- Chúa Giê-su cũng đã “giải nghĩa yêu” khi Người nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15, 13)
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi… Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.

Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Người thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng… Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Thế mới hiểu rằng:
- Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, yêu là “đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”
- Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”
- Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: “Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.”
- Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).

Lạy Chúa Giê-su, Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu. Chúng con ngỡ rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.
Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là:
“Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”.
Và hôm nay, khi mời gọi “các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy, Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy sống yêu thương theo cách yêu thương của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là:
“Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì anh chị em. Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân.”

[COLOR="rgb(75, 0, 130)"][COLOR="rgb(75, 0, 130)"][COLOR="Purple"]THỨ SÁU TUẦN THÁNH : THẬP GIÁ VÀ PHẬN NGƯỜI

TACE, Sau sự kiện 11-9-2001, người ta tìm thấy một cây sắt lớn hình cây thập giá trong đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Sau đó, cây thập giá này đã được sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người xấu số và cả những người làm việc ở đó.
Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù, người ta dùng cây thập giá để mời gọi mọi người hãy yêu thương và tha thứ ? người ta dùng cây thập giá để hy vọng mỗi khi tuyệt vọng ? Và, phải chăng sự hiện diện âm thầm của cây thập giá là lời nhắc nhở mọi người về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời ?
- Có thể nói, nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của con người là tìm kiếm hạnh phúc. Tất cả các triết gia, nghệ sĩ, đến những người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn đều có chung một mục đích là làm thỏa mãn hạnh phúc cho mình và cho người khác… Tuy nhiên, để tìm kiếm được niềm an bình hạnh phúc đích thực không phải là điều dễ dàng.
Nhân loại ngày nay đang thừa hưởng những thành tựu khoa học, những tiến bộ văn mình… công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến phi thường. Khoa học đã vén mở cho lý trí những hiểu biết về vũ trụ, về nhân sinh, và thậm chí cả tình trạng tương lai của con người. Với tham vọng luôn đáp ứng cho con người một cuộc sống tiện nghi, sung túc và giải đáp những thắc mắc mà cuộc sống đặt ra. Thế nhưng thực tế cho thấy hạnh phúc thực sự vẫn còn rất xa vời. Nếu hỏi chúng ta đã thực sự hạnh phúc chưa ? thì đại đa số nghững người trên thế giới đều ngập ngừng lững lự…
Những năm gần đây người ta thường nghĩ đến những bấp bêng và những giới hạn của thân phận làm người, qua những tai ương do thiên nhiên mang lại cũng như do chính con người gây nên. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, đang làm cho sự sống của con người càng ngày càng trở nên bấp bênh. Trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua, cuộc cách mạng đòi tự do – quyền lợi chính đáng ở một số nước Trung Đông và Phi Châu là những thực tế mới nhất…
Mặt khác, sự bấp bênh của nền kinh tế nơi nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của nhiều người. Giữa những biến cố thăng trầm như vậy, ngày nay người ta thường hướng suy tư về thân phận của mình cũng như về cuộc đời.
TACE, Những biến cố đã và đang diễn ra trên thế giới là một lời nhắc nhở sâu xa nhất cho chúng ta về những giới hạn – bấp bênh của kiếp phàm trần. Chúng ta không thể đi tìm ý nghĩa của đời mình dựa trên nền tảng vật chất, cũng không thể đặt hy vọng vào những giá trị trần thế.
Trước thực tại ấy, làm sao nó phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta đi tìm những giá trị bền vững hơn. Và giá trị đích thực bền vững vĩnh cửu chỉ có ở nơi Thiên Chúa, Đấng có tên gọi là Tình Yêu, Đấng đã sống đã chết vì yêu thương chúng ta.
Hôm nay cùng với toàn thể giáo Hội, chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa, cũng là dịp nhắc nhớ mọi người về một Tình Yêu Vĩ Đại, một Tình Yêu thật lớn lao mà Chúa đã dành để cho mỗi người chúng ta.
Ngài không chỉ cứu độ chúng ta thoát khỏi tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây ra, mà còn tác động đến những thân phận làm người bằng những hành động rất cụ thể. Ngài là một vị Vua vinh hiển, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng đã cúi xuống với những mảnh đời bất hạnh và cùng cực nhất của xã hội, để bênh vực, để an ủi và để chữa lành. Giữa lúc con người ta đang phải quằn quại trong đau đớn thể xác tâm hồn, đang bị xã hội khinh miệt, đang chới với giữa dòng đời bôn ba, thì Ngài đã đến và nâng con người lên.
Lời rao giảng của Chúa không chỉ để khai mở cho lý trí nhận biết về Nước Trời, mà đó còn là những nguồn trợ lực nâng đỡ chúng ta trong những biến cố đời thường trong cuộc sống.
Vì thế ngày nay, chúng ta tìm đến với Chúa không phải là để được giàu sang, hay có một địa vị, nhưng là để được an ủi, để được nâng đỡ và để được yêu thương. Đức Kitô đến thế gian không phải là để tiêu diệt hết những khổ đau của nhân loại, nhưng là làm cho đau khổ trở nên có ý nghĩa, và mang niềm hy vọng cho những ai đang khổ đau.
Thật vậy, nơi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá chúng ta có thể tìm được nguồn an ủi đỡ nâng và hạnh phúc đích thực. Người chính là niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng, là chỗ dựa tinh thần cho những giới hạn của phận người, là cứu cánh của những khát vọng sâu thẳm nhất. Đồng thời, nơi thập giá Chúa, chúng ta thực sự được trở về với chính mình trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha. Thập giá là tất cả những gì Chúa Kitô đang nói với nhân loại.



TRÁI TIM HOÀN HẢO
Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào trám thay thế. Chàng trai cười nói:
1. Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.
2. Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè . . . Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại cho lại cho họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái của tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chời đợi.
Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình vào trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết: vì tình yêu từ trái tim của cụ đã chảy trong tim anh .. .
Có một trái tim đã bị đâm thâu đến nỗi không còn khả năng giữ lại một giọt máu để nuôi dưỡng sự sống cho mình. Trái tim đó đã tan nát bởi tình yêu với nhân loại. Nhưng, chính từ trái tim đó, một mạch nước đã tuôn trào khắp nhân gian. Mùa xuân của yêu thương đã nở rộ khắp gian trần. Một mùa xuân cứu rỗi đã trổ sinh hoa tin yêu – hy vọng cho những tâm hồn thiện chí đang đan dệt hạnh phúc trong chính cuộc đời hiến dâng và phục vụ anh em.
Vâng, Chúa Giê-su Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự giá. Tình yêu của Ngài cao đẹp bởi sự dâng hiến đến quên cả tình mạng vì người mình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu thí mạng sống mình vì người mình yêu”. Cuộc đời Ngài dành cho con người, tận hiến và hy sinh cho hạnh phúc con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu trên trái đất.
Thứ sáu tuần thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Chiêm ngắm một trái tim đã tuôn trào đến giọt máu cuối cùng để rửa sạch tội lỗi nhân gian. Chiêm ngắm một trái tim đã chịu tan nát để đưa muôn người trở về giao hoà cùng Thiên Chúa. Đây là trái tim đẹp bởi sự cho đi, cho đi tình yêu phục vụ, tình yêu hiến dâng đến hơi thở cuối cùng cho người mình yêu.
Nguyện xin Chúa là tình yêu, giúp chúng ta biết sống tình yêu đó cho tha nhân. Xin cho chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu đó giữa thế giới khô cằn tình người và dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Xin cho chúng ta biết thông phần đau khổ với Chúa để sinh ơn cứu độ cho trần gian. Amen


[COLOR="Navy"]TIN MỪNG PHỤC SINH


TACE, Thi sĩ Xuân Diệu đã từng nói :“Yêu là chết ở trong lòng một ít”.
Trong cuộc sống, có những người dám làm tất cả cho người mình yêu, thậm chí hy sinh đến cả tính mạng mình. Tình yêu là gì, mà người ta có thể hành động như thế ?

- Cách đây gần 2000 năm, vì yêu, có một người chấp nhận chết cho hết cả mọi người. Đó là Đức Giêsu, Ngài đã chịu chết cho cả nhân loại, để cứu mọi người khỏi vòng tội lỗi.
Do tổ tông phạm tội, loài người đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất đi đời sống siêu nhiên, mất đi quyền thừa hưởng hạnh phúc thiên đàng. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn không bỏ loài người, Ngài vẫn yêu thương, yêu thương cho đến nỗi hiến ban cả con một của Ngài cho nhân loại, là Đức Giêsu. Thiên Chúa quá yêu thế gian, đến nỗi đã hiến ban Người con một của Ngài…
- Đức Giêsu đã xuống thế làm người. Người đã mang vào thân thể tất cả mọi khổ đau, nhục mạ, đắng cay, và cả cái chết trên thập giá. Tất cả vì yêu thương chúng ta. Người chịu chết để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi ách thống trị của ma quỷ, khỏi lửa hỏa ngục đời đời.
Chúa đã hy sinh tới tột cùng để mặc khải cho chúng ta lòng nhân từ của Chúa: Chúa luôn yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đáp trả tình yêu đó bằng cách sống xứng đáng là con cái Ngài.

TACE, Đêm nay, đêm cực thánh, đêm tràn ngập niềm vui, đêm đầy hân hoan, vui mừng. Vì Chúa chúng ta đã Phục Sinh. Ngài đã bị treo trên trên thập giá, đã chết, đã được tháo xuống khỏi cây thập giá, rồi xác Chúa được an táng trong huyệt đá mới… nhưng Ngài đã sống lại thật và Ngài đã ra khỏi mồ như lời Ngài đã loan báo trước.
- Chúa chúng ta đã sống lại – đã Vinh thắng khải hoàn - đã toàn thắng sự chết, đã bước ra khỏi mồ trong vinh quang của Thiên Chúa Cha và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Đây là cốt lõi của Tin Mừng phục sinh, là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Vì thế đêm nay được gọi là đêm Cực Thánh. Đêm nay là đêm hồng phúc. Đêm chiến thắng tử thần và sự dữ. Chúa chúng ta đã đánh bại thần chết. Đêm nay, thánh Augustinô đã gọi là đêm mẹ của mọi đêm.
- Chúa đã sống lại và đang sống. Đó là tiếng reo mừng hạnh phúc và đầy tràn niềm vui của các môn đệ. Đó là lời loan báo của các Tông Đồ. Đó là sứ điệp rao giảng của các vị thừa sai, của các thừa tác viên giáo hội trong suốt dòng lịch sử và đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng cho tất cả chúng ta.

Ước gì mọi người khi tham dự thánh lễ trong đêm cực thánh này, chúng ta hãy đến với Chúa – hãy mở lòng, mở tâm trí ra … để đón nhận thật nhiều niềm vui ơn cứu độ giải thoát… Vì để hưởng được ơn cứu độ, chúng ta phải đến với Chúa, đón nhận Chúa… vì như lời Thánh Augustinô đã nói : Thiên Chúa dựng nên chúng ta không cần có chúng ta; nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta cộng tác với Ngài. Mỗi người chúng ta muốn dự phần vào hạnh phúc vĩnh cửu thì phải đến lãnh lấy phần thưởng cho riêng mình.












CHÚA PHỤC SINH : THIÊN CHÚA VẪN HẰNG SỐNG


TACE, Ngày 12. 04 vừa qua, nước Nga đã kỷ niệm 50 năm ( 12. 04. 1961 ) lần đầu tiên nhà du hành Vũ Trụ của Liên Xô cũ là Agarin bay vào vũ trụ… bay được có 128 phút thôi… vậy mà khi quay trở về trái đất, Agarin đã ngạo mạn phát biểu một câu gọi là để đời… tôi đi khắp vũ trụ mà chẳng thấy bóng dáng Thiên Chúa đâu cả… mới bay được 128 phút và không biết đã đi được bao xa so với vũ trụ mênh mông bao la rộng lớn vô tận… mà đã kêu ngạo như thế…
Bảy năm sau ngày 11. 03 ông phi hành gia Agarin đã lái một chiếc phi cơ phản lực chiến đấu và không biết nguyên nhân do đâu mà lao xuống đất … chết tan xác…

TTACE, Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa vắng bóng hay Thiên Chúa đã chết”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa. Nhưng rồi cho dù nhân loại có tốn bao nhiêu giấy mực, có tốn bao nhiêu công sức bỏ vào các công trình nghiên cứu đồ sộ để loại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn hằng hữu. Thiên Chúa vẫn hiện diện trong thế giới quanh ta và trong lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa vẫn hiện diện như là một sự thật hiển nhiên mà chẳng có gì có thể che lấp được.
Sự thật hiển nhiên đó được chứng tỏ qua các tôn giáo, qua các lễ nghi thờ tự phong phú nơi các dân tộc qua mọi thời đại. Có thể nói “nơi nào có con người là nơi đấy có những cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa khác nhau”.
Thế nên, niềm tin vào Thiên Chúa đã gắn liền với bản tính con người. Con người là loài vật duy nhất có khả năng nhìn nhận Thiên Chúa và bày tỏ những hình thức tôn thờ Ngài. Đó là một chân lý mà không ai có quyền bác bỏ nơi anh em của mình. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người mà những ai có lương tri đều phải nhìn nhận và tôn trọng.
Cách đây hơn gần 2000 ngàn năm, những quan chức Do Thái đạo lẫn đời đã từng tưởng rằng: cái chết của Chúa Giê- su sẽ kết thúc mọi lời rao giảng của Ngài, kết thúc mọi công trình mà Ngài đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng Tin mừng. Chính những người Do Thái tưởng rằng sau cái chết của Giê su thì mọi sự sẽ tan rã như thân xác của Ngài cũng sẽ tan rã theo quy luật của thiên nhiên.
Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Cửa huyệt đã bị bật tung. Huyệt lạnh chỉ còn tấm khăn liệm. Thân xác của Ngài không tan rã nhưng đã phục sinh và hiện ra với nhiều người.
Sự Phục sinh của Ngài đã quy tụ lại tất cả các môn đệ trở về với mái nhà xưa, mái nhà tiệc ly, mái nhà của tình thầy trò, của tình hiệp nhất bằng hữu. Các tông đồ hôm qua đang tan nát cõi lòng vì Thầy đã chết hôm nay họ lại bừng lên một sức sống mới khi nghe tin Chúa đã sống lại.
Sức sống mới đó càng trào dâng khi chính các ngài đã nhìn xem thấy Thầy sống lại và hiện ra với họ. Sức sống mới đó càng mãnh liệt hơn khi chính họ được nghe Chúa nói: “Tại sao các ngươi lại đi tìm kẻ sống nơi kẻ chết. Chúa đã sống lại”.

Vâng, Chúa đã sống lại, chúng ta hãy vui lên. Ưu sầu hãy đổi thành niềm vui. Thất vọng hãy nhường lối cho hy vọng được trồi sinh. Các tông đồ sau khi nhìn thấy nấm mồ đã bị bật tung, các ngài đã quên đi sợ hãi, quên đi ưu phiền để đem niềm vui Phục sinh đến cho anh em của mình. Lời rao giảng:”Chúa đã chết và đã sống lại” đã trải rộng khắp muôn nơi và đến tận cùng trái đất. Bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đe doạ của các thế lực bạo quyền, các tông đồ vẫn trung thành với lời rao giảng về Chúa đã sống lại.
- Thánh Phê-rô thì bảo rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời vua quan trần thế”.
- Thánh Phaolo thì nói rằng: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kytô đang sống trong tôi”. Chính vì những xác tin đó mà các ngài đã vượt qua mọi sợ hãi, mọi gian nguy kể cả phải đi vào phong ba bão táp, tù đầy và bị giết, các ngài vẫn hiên ngang, vì tin rằng Chúa đã sống lại. Đó là niềm hy vọng và vui mừng của chúng ta, vì nếu chúng ta cùng chịu đóng đinh với Người, chúng ta cũng sẽ được sống lại với người.
Ước gì niềm tin Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Xin cho chúng ta dám làm chứng cho tin mừng Phục sinh của Chúa bằng đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc sống thường ngày.


LÀM GÌ CHO CHÚA ?

Một hôm sĩ quan Charles Foucauld say mê kể chuyện cho gia đình nghe về những cuộc chiến thắng của anh tại Maroc. Người chăm chú nghe nhất là cô gái nhỏ nhứt nhà. Khi nghe cậu lập được nhiều chiến công vĩ đại, cô bé hỏi :
- Thế cậu đã làm gì được cho Chúa Giêsu chưa ?
Foucauld bất động, ngồi không nhúc nhích, anh lục soát trong lương tâm mình chỉ thấy những chiến thắng hão huyền, phù phiếm, khoác lác, ăn chơi và trụy lạc. Mắt anh bỗng mở ra để thấy rõ cái nghèo hèn của mình. Hôm sau anh tìm đến một Linh Mục Dòng khổ tu, rồi xin đến Nazareth để trọn vẹn theo Chúa Kitô. Một ngày nọ, khi đang cầu nguyện, bỗng anh nghe thấy tiếng than thở của một người đói rét, Charles nhớ lại gương bác ái của Chúa Giêsu và nghĩ mình sao có thể ở nơi thanh vắng này cầu nguyện được, đang khi dân nghèo đang đói khát, mơ ước được miếng cơm ?
Nghĩ thế rồi, anh quyết định đến giúp đỡ họ, trở thành người bạn của họ, chia sẻ với họ cho đến giọt máu cuối cùng. Ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh bị kẻ ghen tức giết chết anh giữa lúc đang cầu nguyện.
Sau bước hy hiến vì người nghèo đó, anh chị em tiểu muội Chúa Giêsu đã vươn lên theo đuổi lý tưởng (sống nghèo và sống giữa xã hội đen tối) của anh. Tất cả đời họ là sự hiện diện âm thầm và cố gắng hoạ lại dung nhan của Chúa Kitô. (Góp Nhặt 5, số 104)
TACE. Thứ năm tuần thánh Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc đời tận hiến của Chúa Giê-su như một mẫu gương cho đời sống của chúng ta. Chúa Giê-su đã dùng cả cuộc đời để làm vinh danh Chúa Cha. Ngài đã làm vinh Chúa Chúa Cha qua đời sống thi ân cho kẻ khó nghèo, nâng đỡ kẻ cơ hàn, bảo vệ công lý cho kẻ lầm than, và bảo vệ sự sống cho kẻ thấp hèn. Suốt cuộc đời của Ngài luôn tìm kiếm ý Chúa Cha và thực thi cho đến hơi thở cuối cùng.
Cho dù ý Chúa Cha là chén đắng, Ngài vẫn dám uống cạn chén đắng để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã tôn vinh Chúa Cha qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân. Suốt cuộc đời của Ngài luôn tìm mọi cách để thể hiện hai chữ yêu thương. Yêu thương không chỉ một lần mà là yêu thương suốt cuộc đời.
Yêu thương không chỉ trong giây lát mà Ngài yêu thương họ đến cùng. Yêu thương không chỉ nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành tình yêu đó cho kẻ làm hại Ngài. Tình yêu thương khiêm cung thẳm sâu đến nỗi quên cả chính mình là Chúa, là Thầy để nhận lấy thân phận tôi tớ mà cúi xuống rửa chân cho các môn sinh. Tình yêu hiến dâng cho đến cùng để trở nên cùa ăn của uống cho nhân trần. Tình yêu trọn vẹn dám thí mạng sống cho người mình yêu.
Hôm nay, khi nhìn vào tình yêu thẳm sâu của Chúa Giê-su, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy hoạ lai chân dung tình yêu đó cho thế giới hôm nay. Một thế giới đề cao cái tôi, luôn đòi người khác phục vụ. Một thế giới hưởng thụ luôn tìm cách chiếm đoạt của chung thành của riêng, chiếm đoạt của người khác thành của mình, chiếm đoạt bằng lừa đảo, dối gian để thoả mãn lòng tham của mình. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch giầu nghèo ngày càng gia tăng. Số phận của kẻ thấp cổ bé họng luôn bị dìm xuống tận hố sâu của bể khổ trần gian.
Vâng, giữa xã hội đang sống đầy bất công này, người công giáo của chúng ta đã làm gì cho Chúa để mang lại công lý và hoà bình cho anh em? Giữa một thế giới có quá nhiều kẻ nghèo đói, lam lũ, bị bỏ rơi, người công giáo chúng ta đã làm gì cho Chúa để xoa dịu nỗi đau cho anh em ? Có lẽ, khi xét lại lương tâm công giáo chúng ta cảm thấy xấu hổ hơn là vinh dự vì là môn đệ của Chúa nhưng không dám sống để làm chứng cho sự thật, để bảo vệ công lý, để xoa dịu nỗi đau thương cho nhân thế. Chúa mời gọi chúng ta mến Chúa hơn hết mọi sự nhưng chúng ta lại để cho danh lợi thú hướng dẫn đời sống chúng ta lao vào vòng xoáy của tiền tài danh vọng. Chúa mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân như chính mình nhưng chúng ta lại chỉ lo cho bản thân mà bỏ quên người nghèo khó vẫn đang ngồi bên cạnh mình.
Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã hiến dâng mạng sống vì lợi ích đoàn chiên. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết nhỏ lại cái tôi của mình để Chúa được lớn lên trong ta. Xin cho mỗi người chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa qua việc dấn thân yêu thương và phục vụ anh em. Amen