PDA

View Full Version : Tam Nhật Vượt Qua



Gong
02-04-2012, 03:31 PM
SUY NIỆM TAM NHẬT VƯỢT QUA

http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/jesus_resize.png


THỨ NĂM TUẦN THÁNH
http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/alexandredaide.jpg
Alexandre Đại đế cưỡi ngựa du lịch phía Tây nước Nga. Một hôm, ông đến quán trọ ở một ngôi làng, vì muốn tìm hiểu dân tình, ông quyết định cải trang thành dân thường rồi đi bộ đạo quanh, quan sát tình hình. Nhưng khi đến ngã ba đường, ông phát hiện mình quên mất lối về quán trọ.

Tình cờ, ông thấy một người lính đứng trước cửa một lữ quán, bèn tiến đến hỏi đường: “Anh bạn, anh có thể chỉ giúp tôi đường về nhà trọ không?”

Người lính miệng ngâm tẩu thuốc lớn, quay đầu, quan sát vị lữ khách ăn mặc bình dân này từ đầu đến chân, rồi cao ngạo đáp: “Rẽ phải!”.

“Cám ơn!”. Alexandre lại hỏi, “Cho hỏi còn cách quán trọ bao xa nữa?”

“Một dặm”. Người lính đó trả lời cộc lốc, đồng thời liếc con người xa lạ một cái.

Đại đế lễ phép chào từ biệt, vừa đi được vài bước, thì dừng lại, quay đầu mỉm cười nói: “Xin lỗi, tôi có thể hỏi anh thêm một câu không? Nếu được phép, cho hỏi quân hàm của anh là gì?”

Người quân nhân hít một ngụm thuốc, nói: “Đoán xem!”

Đại đế dí dỏm: “Trung úy?”

Kẻ nghiện thuốc đó nhếch miệng nhẹ, hàm ý không chỉ là Trung úy.

“Thượng úy?”

Tên nghiện thuốc lại làm ra vẻ rất oách, nói: “Cao hơn chút nữa”.

“Vậy, anh là Thiếu tá?”

“Đúng thế!”, hắn kiêu hãnh trả lời. Thế là Đại đế kính phục, lập tức cuối chào hắn.

Thiếu tá quay sang dùng giọng điệu kẻ cả, hỏi: “Nếu ông không ngại, cho hỏi quân hàm của ông là gì?”

Đại đế hớn hỡ đáp: “Anh đoán xem!”

“Trung úy?”

Đại đế lắc đầu, nói: “Không phải”.

“Thượng úy?”

“Cũng không!”

Thiếu tá tiến đến gần, nhìn kỹ rồi nói: “Vậy ông cũng là Thiếu tá?”.

Đại đế mỉm cười: “Anh đoán tiếp xem!”

Viên Thiếu tá bỏ tẩu thuốc xuống, thái độ ngạo mạn khi nãy bỗng chốc biến mất. Hắn dùng giọng điệu rất tôn kính rồi khẽ nói: “Vậy Ngài là Bộ trưởng hoặc Tướng quân?”.

“Anh sắp đoán được rồi đó”. Đại đế nói.

“Ngài…là Nguyên soái lục quân sao?”, Thiếu tá nói lắp bắp.

Đại đế đáp: “Thiếu tá của ta à, hãy đoán lần nữa đi!”

“Đại đế bệ hạ!”, tẩu thuốc trên tay viên Thiếu tá rơi nay xuống đất, hắn quỳ rạp, hốt hoảng nói: “Xin bệ hạ thứ lỗi! Xin bệ hạ thứ lỗi!”

“Thứ lỗi gì nào, anh bạn”. Đại đế cười nói: “Anh có làm hại gì ta đâu, ta hỏi đường, anh chỉ đường, ta nên cám ơn anh mới phải!”.

(Alexandre hỏi đường. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Rửa chân
http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/ruachan.jpg
Chúa Giê-su đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, vì Ngài không bao giờ sử dụng quyền lực, để đè bẹp người thuộc về mình, mà ngược lại hoàn toàn vì yêu thương họ. Ngài xem họ là “bạn”, và phục vụ cho họ như “người đầy tớ” phục vụ chủ mình.

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).

Thánh Thể

Tình yêu làm con người tiêu hao đi, cho nhau, vì nhau.

Còn hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã chịu tan biến đi, Ngài nên của ăn nuôi dưỡng con người, đem lại cho con người sự sống đời đời.

Thánh Thể là tuyệt đỉnh của Tình Yêu, một tình yêu cao cả, khiêm nhường phục vụ đến tận cùng.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/thanhgiaw.jpg
Thành tích học tập của Jack rất tốt, nhưng sau khi tốt nghiệp nhiều lần gặp trắc trở, mãi không tìm được công việc lý tưởng, anh cảm thấy tài năng của mình bị mai một nên rất thất vọng. Mang tâm trạng chán chường, nỗi đau tột độ, Jack tuyệt vọng lần ra biển định kết liễu cuộc đời mình.

Ngay lúc anh sắp bị nước biển nhấn chìm, bà lão Mary đã cứu anh. Bà hỏi anh tại sao lại tìm đến cái chết.

Jack nói: “Tôi không được mọi người và xã hội nhìn nhận, chẳng ai yêu thích tôi, nên tôi cảm thấy cuộc đời này chẳng còn ý nghĩa gì nữa”

Bà Mary nhặt một hạt cát trên bãi biển, đưa Jack xem, rồi vứt xuống đất. Sau đó nói với anh: “Cậu hãy nhặt lại hạt cát mà tôi vừa vứt xuống”.

“Đấy là chuyện không thể!”. Jack cúi đầu nhìn rồi nói.

Bà Mary chẳng nói gì, lấy từ trong túi ra một hạt ngọc óng ánh, rồi ném xuống bái cát. Sau đó bảo Jack: “Cậu có thể nhặt hạt ngọc đó lên không?”

“Dĩ nhiên là được!”

“Vậy chắc cậu đã hiểu được cảnh ngộ của mình rồi chứ? Cậu phải nhận thức rằng bây giờ cậu không phải là một hạt ngọc nên cậu không thể đòi hỏi người khác thừa nhận ngay được. Nếu muốn được thừa nhận, cậu phải nghĩ cách biến mình thành một hạt ngọc mới được.

Jack cúi đầu trầm tư, chẳng nói lời nào.

(Ngọc trai và hạt cát. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Đời sẽ loại trừ ta, coi thường ta, nếu ta không làm được trò trống gì trong cuộc sống, thậm chí họ coi ta như rác rưởi trong xã hội ! Thế nhưng, Thiên Chúa luôn yêu thương ta, dù ta qua đổi tầm thường, ngập chìm trong đời tối tăm tội lỗi.

Hãy hướng nhìn về Thập Giá, tin vào Đức Ki-tô, Đấng xóa tội trần gian, Đấng biến đổi đời ta thành viên ngọc trong sáng và quý giá, Đấng làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là đỉnh cao của phẩm giá con người. Con người cao quý vì con người thuộc về Thiên Chúa chứ không phải thuộc về Satan, nắm trong tay những thứ thuộc về thế gian phù phiếm.

Thập Giá nâng cao đời ta lên, và ta yêu quý cuộc sống vì nhận ra mình quý giá vì được Thiên Chúa yêu thương. Cuộc sống không chỉ hôm nay mà còn là niềm hy vọng ngày mai và mãi mãi. Thập Giá là niềm hy vọng cuộc đời.


THỨ BẢY TUẦN THÁNH
http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/phucsinhz.jpg
Một nhà văn nữ gặp một bà lão bán hoa trên đường phố New York. Bà lão ăn mặc rách rưới, trông rất yếu, nhưng nét mặt hiền từ và vui tươi.

Nhà văn nữ chọn một đóa hoa, nói: “Trông bà rất vui”.

“Tại sao lại không? Mọi chuyện đều tốt đẹp thế kia mà!”

“Bà quả thật là một người rất lạc quan”. Nhà văn nữ buộc miệng nói.

Câu trả lời của bà lão đã làm nhà văn nữ sững sờ: “Khi Chúa Giê su bị đóng đinh trên Thập Giá vào ngày thứ sáu, đó là ngày tăm tối nhất của thế giới, nhưng ba ngày sau chính là ngày lễ Phục Sinh. Thế nên khi gặp phải bất hạnh tôi sẽ chờ ba ngày, mọi chuyện rồi cũng trở lại bình thường mà thôi”.

(Chờ Ba Ngày. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Có câu: “Nhân linh ư vạn vật” - Con người cao quý hơn mọi loài. Sao con người “linh ư vạn vật” ? Theo Aristote, vì con người có lý trí: “Con người là một con vật có lý trí”.

Nhưng, nếu lý trí không có ánh sáng chiếu soi để con người nhận ra đâu là ý nghĩa đích thực của đời mình, thì có lý trí chỉ làm cho con người thêm đau khổ.

Con vật sống, lo ăn uống, lớn lên, rồi chết. Cứ theo bản năng mà tồn tại, không biết băn khoăn, thắc mắc, tự hỏi điều gì. Còn con người luôn tìm tòi khám phá về thân phận của mình. Mình ở đâu ra? Sống làm gì? Chết về đâu?
Tiếng thở dài não nuột như bất tận: “Ôi nhân sinh là thế ấy: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao !” (NK). Rồi từ đó đẻ ra bao nhiêu là triết lý sống, nhưng có chiều hướng chung là lo hưởng thụ cho no thỏa kiếp đời ngắn ngủi, thực dụng, hiện sinh, và cứ thế, nhiều kẻ đã lao vào cõi chết mà cứ tưởng là cõi phúc !

Niềm tin của “bà lão bán hoa” thật đơn sơ, giản dị. “ba ngày” là biểu tượng của niềm hy vọng. Khi gặp “bất hạnh”, bà chờ “ba ngày” để vượt qua nỗi đau khổ và niềm vui lại trở về.

Một ngày nào đó, và chắc chắn ngày đó sẽ đến, nỗi bất hạnh tột cùng của kiếp người sẽ đến, như bà lão bán hoa, niềm tin sau “ba ngày” rồi “mọi chuyện sẽ trở lại bình thường”, ta vẫn còn đó sự sống - “sự sống thay đổi mà không mất đi” - vì ta tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

___________________________

Gong
02-04-2012, 03:35 PM
BÀI ĐỌC THÊM



TAM NHẬT VƯỢT QUA
http://canhdongtruyengiao.net/Suyniem/Suyniem%20ChaTieng/namB/tamnhatvuotquab12/bene.jpg
Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum), cũng gọi là Tam Nhật Thánh (Holy Triduum) hoặc Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đó là trung tâm điểm của đức tin: Sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
GIỚI THIỆU

Tam nhật Vượt qua – gồm Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday), và Lễ Phục Sinh (Easter). Điều này bao gồm Đêm Vọng Phục Sinh (Great Easter Vigil), đỉnh cao của Tam Nhật Thánh. Từ Triduum có gốc tiếng Latin nghĩa là "ba ngày". Tam Nhật Thánh bắt đầu từ bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào kinh chiều (Evening Prayer) của Chúa Nhật Phục Sinh. Như vậy, Tam Nhật Thánh gồm 3 ngày trọn vẹn bắt đầu và khết thúc vào chiều tối. Tam Nhật Thánh là một phần của Mùa Chay (ít là theo phụng vụ), nhưng Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống. Tam Nhật Thánh cử hành trung tâm điểm của đức tin và ơn cứu độ: Sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Như vậy, Tam Nhật Thánh tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích), cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với việc Thăng Thiên, các sự kiện quan trọng này tạo nên Mầu nhiệm Vượt Qua (Paschal Mystery).

Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào Lễ Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng, gọi là đại lễ. Giáo lý Công giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh thế này:

Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là "năm của ân sủng Thiên Chúa". Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là "sự nếm trước" và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta (Giáo lý Công giáo, số 1168).

LỊCH SỬ

Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọn Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã tái tiết lập Tam Nhật Thánh là mùa sau Mùa Chay trong Giáo hội Công giáo. Nhiều Giáo hội Tin Lành không coi Tam Nhật Thánh là mùa phụng vụ, và cử hành Mùa Chay cho tới trước Đêm Vọng Phục sinh.


TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ ChurchYear.net)

_____________________


RỬA CHÂN


Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không "lệ" rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.

Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: "Tôi tớ không trọng hơn chủ" (Ga 13:16a; Ga 15:20) và "kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi" (Ga 13:16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có "cách nói" khiêm nhường thật tuyệt vời: "Tôi tớ của các tôi tớ".

Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng... "bó tay". Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG

Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là "chàng trai trẻ" tự xưng "người môn đệ Chúa yêu" (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là "người thực hành yêu thương", còn người được rửa chân là "người được yêu thương" – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: "Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa "kỳ diệu" vừa "dễ thương" và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo" (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: "Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu". Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG

Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.

Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng "người môn đệ Chúa yêu" ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và "việc làm khác thường" của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái "kỳ lạ" gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!

RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ

Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em" (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20:28).

Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học "độc nhất vô nhị" này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: "Sướng từ trong trứng sướng ra" hoặc "đẻ bọc điều". Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng "vô cực".

Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: "Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13:13-16).

Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: "Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22:24-27).

Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.

Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: "Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: "Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?". Chúa Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!". Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa". Chúa Giêsu cười rất hiền: "Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch". Và Ngài "láy" một câu quan trọng: "Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!".

RỬA CHÂN LÀ THA THỨ

Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ "rửa" không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: "Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy" (Tv 51:4).

Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!

Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi "sự xung đột" trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là "ngon" lắm rồi, ai dè... "bị hố"!

Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!

Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23:34).

TẠM KẾT

Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!" (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.

Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.

Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.

Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!

Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Mùa Chay – 2012