PDA

View Full Version : Vai trò của người ca trưởng với ca đoàn



giusehien
12-04-2012, 09:33 PM
VAI TRÒ NGƯỜI CA TRƯỞNG VỚI CA ĐOÀN


I. ĐẠI CƯƠNG VỀ BAN HỢP CA


Ban hợp ca là sự kết hợp của một số người, nhiều hay ít là do Ca trưởng và do nhu cầu.

1. Cơ Cấu Phần Vụ

Số người trong Ban hợp ca được phân phối trong cơ cấu căn bản, giống như tất cả mọi tổ chức khác, đó là cơ cấu phần vụ, có hình Kim-tự-tháp.

Thông thường Ban hợp ca có 4 thành phần (bè) chính:

a. Giọng Kim (Soprano): giọng nữ có thể hát lên cao và sáng.
b. Giọng Mộc (Alto): giọng nữ có thể hát xuống thấp và ấm.
c. Giọng Thủy (Tenore): giọng nam có thể hát lên cao và nhẹ.
d. Giọng Thổ (Basso): giọng nam có thể hát xuống thấp và nặng.

Tùy theo đòi hỏi của bài ca, bốn thành phần này có thể hợp lại thành ba, thành hai hoặc một bè. Đứng trên bốn thành phần này là Ca trưởng.

Theo đà phát triển, cơ cấu phần vụ của Ban hợp ca lần hồi phức tạp hơn. Chẳng hạn có thêm Đoàn Trưởng, Phụ tá Ca trưởng, Cố vấn, Trưởng bè, Ban nhạc cụ, vv...

Ngoài ra Ban hợp ca còn có các công việc phụ cần phân phối như: hành chánh, tài chánh, âm thanh, vv...

2. Cơ Cấu Xã Hội

a. Cơ cấu xã hội thành hình do tương quan tình cảm giữa các thành viên. Điểm này hết sức quan trọng, và góp phần không nhỏ trong việc sinh tồn của Ban hợp ca.

Nói đến nghệ thuật là nói đến khía cạnh tình cảm, vì Ban hợp ca thưởng có 2 phái.

Chính vì cơ cấu xã hội bị mất quân bình mà nhiều tổ chức văn nghệ bị tan rã. Tương quan tình cảm của vài ba thành viên bị khủng hoảng hay thay đổi.

b. Mục tiêu của Ban hợp ca:

Sinh hoạt vào lãnh vực hợp ca, động lực chính thúc đẩy là lý tưởng nghệ thuật và tôn giáo; hoặc vì muốn phụng sự âm nhạc, hoặc vì muốn phụng sự nhân quần xã hội, hoặc vì cả hai.

Ngoài ra, vì liên hệ tình cảm giữa các thành viên trong Ban hợp ca ràng buộc lôi cuốn nhau, mà Ban hợp ca thành hình và tồn tại.

3. Các Tương Quan

a. Tương quan nội bộ.

Tương quan nội bộ trong Ban hợp ca không có tính cách pháp lý, không thể dùng biện pháp cưỡng chế bắt buộc để gia nhập, phải do sự mến mộ và lòng yêu thương.

Vì vậy mà lúc bình thường rất bền chặt, nhưng khi gặp sóng gió dễ bị đổ vỡ sứt mẻ.

Với uy tín và tình cảm, Ca trưởng đặt để tương quan vì lòng tương thân tương ái, các thành viên chấp nhận và củng cố các mối dây liên hệ.

Trong một tổ chức, sự lỏng lẻo hoặc khủng hoảng nhiều khi chỉ gây nguy hại cho sự phát triển. Còn đối với Ban hợp ca, có thể mất năng lực hoàn toàn và đi đến chỗ tan rã, nếu suy vi và sứt mẻ các mối tương quan.

b. Tương quan ngoại giới.

Tương quan giữa Ban hợp ca với quần chúng cũng không chi phối bởi một qui luật nào. Phần vì cảnh "đầu tắt mặt tối" giữa thời buổi khó khăn, phần vì quần chúng chưa quen tai trước nghệ thuật hợp xướng, đa số chưa có nhu cầu nghe hợp ca.

Khi nhạc hợp ca, đối với quần chúng, có hay không cũng được, thì không có gì nhất thiết bắt quần chúng phải gần gũi với nhạc hợp ca. Vì thế, Ca trưởng phải đưa Ban hợp ca tìm quần chúng, lôi quần chúng bằng nghệ thuật trình diễn cao, bằng tiếng hát điêu luyện và ngọt ngào cuốn hút.

4. Đặc Tính Ban Hợp Ca

a. Một nghệ thuật tinh thần.

Ban hợp ca là một tổ chức tinh thần. Các thành viên tự ý dấn thân vì say mê nghệ thuật và vì lý tưởng phục vụ.

Xét về mục đích tham gia, có 3 loại tổ chức chính:

Lao tù: là tiêu biểu cho tổ chức cưỡng chế, các thành viên bị ép buộc tham gia và phải chấp nhận các luật lệ, mục tiêu đã được ấn định.

Xí nghiệp: là tiêu biểu cho tổ chức kinh tế, các thành viên cân nhắc lợi hại trước khi tham gia và nhằm mục tiêu vật chất.

Tu viện: là tiêu biểu cho tổ chức tinh thần, các thành viên say mê một lý tưởng mà gia nhập. Ban hợp ca thuộc loại tổ chức này.

b. Một hệ thống mở.

Ban hợp ca là một hệ thống mở, vì quần chúng được coi như cùng góp công với Ban hợp ca để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật.

Xét về sự liên đới giữa tổ chức và ngoại giới, tổ chức được chia làm 2 loại.

Loại hệ thống kín. Các tu viện dòng kín là tiêu biểu cho tổ chức khép kín, vì phong tỏa mọi liên hệ với ngoại giới.

Loại hệ thống mở. Các cơ sở thương mại là tiêu biểu cho tổ chức mở, vì tương quan mật thiết với ngoại giới. Ban hợp ca thuộc loại này.

Tóm tắt, Ban hợp ca là một tổ chức tinh thần thuộc loại hệ thống mở với hai cơ cấu quan trọng là cơ cấu xã hội và cơ cấu phần vụ.

Các mối tương quan trong Ban hợp ca bắt nguồn từ tình cảm và nặng về tình cảm.

Hiểu được các vấn đề trên, chúng ta bắt tay vào việc nghiên cứu các vị thế của Ca trưởng trong tổ chức có sắc thái đặc biệt này.

II. VỊ THẾ CỦA CA TRƯỞNG

Ban hợp ca được thành lập, nuôi dưỡng, tồn tại, huấn luyện và phát triển phần lớn là nhờ Ca trưởng. Ca trưởng có nhiều vị thế trong Ban hợp ca:

Là đầu mối kết hợp các cơ cấu tổ chức.
Là trung tâm giữa các thành tố của Ban hợp ca.
Là cầu nối giữa Ban hợp ca và ngoại giới.

1. Đầu Mối Và Kết Hợp Các Cơ Cấu

Trước hết, Ca trưởng ở đầu mối các cơ cấu hay vị thế kết hợp các tương quan lại với nhau.

Ca trưởng là vị thế đầu mối và kết hợp

2. Trung Tâm Của Cơ cấu.

Ca trưởng là điểm chốt, hay là trung tâm của cơ cấu phần vụ. Theo ngôn ngữ quản trị học, Ca trưởng là một yếu nhân. Chúng ta hãy hình dung một chiếc vó đánh cá:

Nếu một số mắt của vó bị đứt, còn có thể đánh cá được. Nhưng nếu chóp lưới bị thủng, chiếc vó trở nên vô dụng, và cá sẽ bị lọt hết. Ca trưởng ví như cái chóp lưới của cái vó đánh cá.

Vì thế, Ca trưởng là tâm điểm kết hợp mọi mối tương quan về công việc lẫn tình cảm.

3. Trung Gian Giữa Các Thành Tố.

Ca trưởng còn ở vị thế trung gian, là người nối kết các thành viên, và các bè lại với nhau.

Ca trưởng cũng là trung gian giữa Ban hợp ca và ngoại giới.

Ca trưởng đóng một vai trò thiết yếu. Thiếu Ca trưởng, mối tương quan tự nhiên lỏng lẻo, Ban hợp ca chỉ là nhóm ô hợp không có hệ thống, sẽ bị chơ vơ mất liên lạc với ngoại giới.

http://anhemvihung.4rumer.com