PDA

View Full Version : Những con đường truyền giáo



Gia Nhân
21-04-2012, 04:48 PM
Những con đường truyền giáo


+ ĐGM GioanBatixita Bùi Tuần.


http://ngoisao.net/Files/Subject/3b/9d/53/67/con_duong.jpg



Thánh lễ được kết thúc bằng lời chủ tế nói với cộng đoàn: “Lễ xong, chúc anh chị em về bình an”. Và cộng đoàn thưa: “Tạ ơn Chúa”. Riêng tôi, sau lời kết chính thức đó, tôi hay nhớ lại lời kết bằng tiếng Latinh “Ite, missa est” mà tôi dịch riêng cho tôi thế này: “Hội Thánh đã được sai đi, anh chị em hãy ra đi”.

Khi tôi hiểu như vậy, thánh lễ của tôi sẽ là điểm khởi hành của một chuyến dài. Tôi đi vào đời. Ðời là cuộc sống đa dạng, là những tiếp xúc với đủ hạng người, là những công việc có tên và không tên. Trên lãnh vực đời bao la phức tạp, kẻ được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ sẽ chọn cho mình một con đường và những con đường.
Có cả một hệ thống con đường truyền giáo. Nếu cần đặt tên cho từng con đường, thì tên đó chủ yếu là để gợi ý.


1/ Con đường Khám phá

Người truyền giáo đi trên con đường Khám phá, sẽ chú trọng đến việc khám phá sự hiện diện của Chúa giữa nhân loại hôm nay nói chung và trong những nơi, những người ngoài công giáo nói riêng. Người truyền giáo quan niệm rằng: Lịch sử nhân loại không phải chỉ gồm lịch sử Hội Thánh. Lịch sử nhân loại vẫn được Chúa hướng dẫn theo chiều hướng không ngừng tiến hoá. Phần lịch sử nhân loại ngoài Hội Thánh là rất bao la. Trong phần bao la ấy có vô vàn người tốt việc tốt. Số người tốt việc tốt ấy đã và đang góp phần to lớn vào việc cứu độ con người khỏi đói khát, bệnh tật, lạc hậu, dốt nát, chia rẽ, chiến tranh và nhiều sự dữ phần hồn phần xác. Ðó là những dấu chỉ báo hiệu sự hiện diện và hoạt động của Chúa giữa lịch sử nhân loại nói chung và giữa lương dân nói riêng.

Trong văn kiện tựa đề “Ðối thoại và loan báo” công bố ngày 19/5/1991, Toà Thánh viết: “Ðang khi loan báo sứ điệp Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Hội Thánh truyền giáo phải luôn luôn nhớ rằng sự loan báo của mình không thực hiện trong một khoảng trống hoàn toàn. Bởi vì Chúa Thánh Linh, Tinh thần của Ðức Kitô, có mặt và hoạt động giữa những kẻ nghe Tin Mừng, ngay cả trước khi công việc truyền giáo của Hội Thánh dấn thân vào đó (RH 12, DV 53). Trong nhiều trường hợp, các người ấy đã ngầm đón nhận ơn cứu độ trong Ðức Kitô. Một trong những dấu chỉ ấy là sự họ thực hiện một cách chân thành những truyền thống tôn giáo riêng của họ. Trong mức độ mà những truyền thống đó mang những giá trị tôn giáo thực sự. Họ đã được Chúa Thánh Thần đánh động, và họ đã tham gia một cách nào đó, dù họ không hay biết, vào mầu nhiệm phục sinh của Ðức Kitô” (GS 22).
Tại Việt Nam, người truyền giáo đi trên con đường khám phá, sẽ khám phá thấy vô số lý do để lạc quan. Bởi vì khi tới bất cứ gia đình nào ngoài công giáo, họ sẽ thấy Chúa đã có mặt ở đó lâu rồi, những gia đình ấy vẫn gắn bó với nhiều giá trị thiêng liêng, vẫn khao khát chân lý và tình thương, vẫn hướng tâm hồn về Ðấng Tối Cao Hằng sống có quyền thưởng phạt đời này và đời sau. Một khi khám phá thấy những cái tốt sẵn có rồi, người truyền giáo khôn ngoan sẽ biết bắt đầu từ đó, để dẫn tới niềm tin vào Ðức Kitô.


2/ Con đường Khẳng định

Người truyền giáo đi trên con đường Khẳng định sẽ quan tâm đến việc khẳng định đức tin của mình. Qua việc giữ các luật đạo, tổ chức các lễ lạy, xây cất chỉnh trang nhà thờ, thiết lập cơ chế đạo, họ muốn diễn tả và tuyên xưng đức tin của họ là gì, họ tin vào ai. Sự khẳng định của họ, qua các diễn tả bề ngoài, có sức đánh thức lương tâm những người dửng dưng, sợ sệt đồng thời nói lên niềm tin hân hoan và hy vọng của kẻ tin Ðức Kitô.

Con đường khẳng định này gây kết quả tốt, nếu khẳng định đúng đức tin công giáo. Ðức tin không ở trong sách cũng không ở trong nhà thờ, mà ở trong con người. Người có đức tin sống động là người gặp gỡ Chúa. Với sự gặp gỡ này, họ mến Chúa hết lòng và yêu người như chính mình, họ sống trong một nhân sinh quan mới, đánh giá mọi sự theo cái nhìn mới của tinh thần Ðức Kitô.
Người không được huấn luyện kỹ, sẽ dễ khẳng định sai lầm. Kết quả sẽ chẳng tốt lành gì cho họ, cho đạo, cho việc truyền giáo. Không thiếu trường hợp có những khẳng định mạnh mẽ sôi nổi đề cao đức tin, nhưng lại là một đức tin không đi đôi với đức ái, nên sự khẳng định như thế dễ trở thành một sự phô trương cuồng tín nguy hiểm. Cũng không thiếu trường hợp, một sự khẳng định đức tin thiếu chiều sâu đạo đức đã thành một sự khiêu khích những người ngoài công giáo.

Ðiều đáng ngại nhất của những khẳng định như thế không phải là sự người ngoại giáo sẽ xa tránh đạo ta, mà chính Chúa sẽ kết án những kẻ khẳng định kiểu cách như vậy. Qua tiên tri Isaia, Chúa đã nói về những người tuyên xưng đức tin mà thiếu đức ái: “Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày Sabbat và các lễ trọng khác. Những cuộc hội họp của các ngươi đều là gian ác... Các ngươi càng cầu nguyện, thì Ta càng không nhậm lời. Vì tay các ngươi vấy máu...” (Is 1,10..).

Thánh Phaolô tông đồ cũng nhắc nhở cho những người khẳng định đức tin mà thiếu đức ái như sau: “Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần... nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan, nếu tôi có đầy lòng tin, đến đỗi rời chuyển được núi non, mà không có bác ái thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có, để nuôi kẻ nghèo, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi cả” (1 Cr 13,1-3).

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần lên tiếng chê trách giới Pharisêu về thói quen lợi dụng việc tuyên xưng đức tin bề ngoài để thoả mãn tính tự kiêu, tự ái. Hơn nữa, Chúa Giêsu nêu lên một mẫu gương khẳng định đức tin thực đẹp. Ðó là giờ phút cuối đời trên thánh giá. Ðang khi Người như bị Chúa Cha bỏ rơi trong cô đơn tủi nhục, Người đã nói: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Ðang khi Người bị thiên hạ ghen ghét hành hạ, kết án nhục nhã, bị hầu như mọi bạn bè xa tránh, Người đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết”. Một đức tin đầy bác ái, đầy khiêm nhường được khẳng định trong một hoàn cảnh bi đát nhất đã là mặt trời mọc lên từ đêm tối, mang sức thuyết phục trong sáng huy hoàng.


3/ Con đường Dấn thân

Dấn thân vào việc phát triển con người và xã hội là một con đường, mà nhiều nhà truyền giáo thời này đang đề cao. Ðức Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Ðấng Cứu Chuộc con người”, đã viết: “Hội Thánh quan tâm chăm sóc con người. Hội Thánh coi sự lo cho con người, cho tất cả nhân loại, cho tương lai mọi người trên trái đất, và tất nhiên cho hướng phát triển và tiến bộ như là một yếu tố căn bản của Hội Thánh”.

Chính từ quan điểm đó, nhiều người đã nghĩ rằng: một cách truyền giáo hợp thời là dấn thân vào các vấn đề của cuộc sống thực tế đang đặt ra, như chống nạn dốt, nạn nghèo, nạn lạc hậu, nạn bất công xã hội vv...

Ðiểm đặc biệt nhất trên con đường Dấn thân hiện này là mục vụ ưu tiên cho người nghèo, đã được nhiều Hội Ðồng Giám Mục các nước đang mở mang chọn lựa một cách xác tín và can đảm. Mục vụ dấn thân ưu tiên cho người nghèo không những nói lên tinh thần trách nhiệm liên đới là một yếu tố quan trọng của bác ái Phúc Âm, mà còn diễn tả lại một trong những đặc điểm mục vụ của chính Chúa Giêsu.

Phục vụ con người. Xây dựng con người, phát triển con người, đó là cách truyền giáo có sức thuyết phục. Bởi vì thời này, người ta dễ tin vào Hội Thánh do thái độ của Hội Thánh đối với con người hơn là do thái độ của Hội Thánh đối với Chúa.

Tuy nhiên, kẻ truyền giáo trên con đường dấn thân không nên quên lời Ðức Kitô dạy: “Hãy đơn sơ như chim bồ câu, và đồng thời cũng hãy khôn ngoan như con rắn”. Bởi vì thực tế cho hay, nếu không biết hài hoà giữa đơn sơ và khôn ngoan, kẻ truyền giáo thay vì dấn thân mở lối cho người từ hướng phát triển con người theo mô hình Ðức Kitô luôn tìm thực thi thánh ý Ðức Chúa Cha, thì vô tình lại dấn thân mở lối cho người ta hướng phát triển con người theo mô hình Adong-Evà tranh đấu tìm thực hiện ý riêng mình.

Tôi nghĩ rằng: Tại Việt Nam hôm nay dấn thân là cố gắng xây dựng và phát triển con người toàn diện, nhưng ưu tiên là chấn hưng nền đạo đức. Người truyền giáo trên quê hương Việt Nam hôm nay hãy dấn thân như “khí cụ bình an của Chúa” mà kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô đã mô tả tuyệt vời, theo đó người được giúp phát triển sẽ dần dần đi tới trình độ tự phát triển lấy chính mình, trên đà mến Chúa yêu người.

Kẻ truyền giáo đi trên con đường dấn thân như vậy, nếu chưa thấy được kết quả truyền giáo, cũng sẽ được ân tâm, khi mình làm tất cả mọi sự cho người khác, trong sự kết hợp mật thiết với tinh thần của Ðức Kitô.


4/ Con đường Làm chứng

Trên con đường này, người truyền giáo không đặt nặng việc giảng dạy giáo lý, cũng không quá quan tâm đến việc trả lời những thách thức dị nghị, thắc mắc. Ðiều họ quan tâm nhất đó là làm chứng cho các chân lý Phúc Âm bằng chính đời sống của họ. Làm sao để những người ngoài công giáo tín nhiệm vào Hội Thánh? Làm sao để chính người truyền giáo được lương dân tín nhiệm? Làm sao để các người không có đức tin ít ra tin rằng người truyền giáo là người có thể tin được. Ðó là những thao thức sơ đẳng nhất của người truyền giáo đi trên con đường Làm chứng.

Ðang khi xã hội muốn tương-đối-hoá Thiên Chúa và coi thường giới luật yêu thương của Phúc Âm, thì người truyền giáo sẽ tăng cường đời sống cầu nguyện và các việc bác ái, để làm chứng tính tuyệt đối của Thiên Chúa và luật căn bản Phúc Âm là bác ái.

Ðang khi xã hội cho rằng kẻ túng nghèo, kẻ hiền lành, kẻ khiêm nhường, kẻ bị bắt bớ vì đạo, kẻ nhịn nhục là những kẻ bị thiệt thòi, mất mát, thì người truyền giáo sẽ sống trọn thân phận những kẻ ấy với tinh thần bình an sâu xa, để làm chứng Tám mối phúc của Phúc Âm là những sự thực sáng ngời trong thực tế.

Làm chứng bằng đời sống là đưa ra những dấu chỉ tốt lành sống động về những thực tại tốt đẹp vô hình. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”. Khi Ðức Kitô phán lời đó, Người đã nghĩ tới các kẻ không có đức tin. Theo lời phán đó, họ sẽ nhận biết Chúa, khi họ nhìn thấy các môn đệ Chúa thương yêu nhau. Ðời sống bác ái là một dấu chỉ dẫn đường đến Ðức Kitô. Dấu chỉ này tất nhiên là cái gì mà người không có đức tin, dễ thấy được, dễ cảm nghiệm được, dễ kiểm chứng được.

Tôi nghĩ rằng: Trên quê hương Việt Nam hôm nay, người công giáo nói chung, và người truyền giáo nói riêng, nếu ít là có được những đức tính nhân bản thực tốt nhất là lòng nhân ái, thì cũng đã làm chứng được rất nhiều cho các chân lý Phúc Âm. Nếu ta mải mê rao giảng và học hỏi những mầu nhiệm cao vời, còn nhân bản lại lệch lạc, thì ta không làm chứng được bao nhiêu cho các giá trị Phúc Âm.

Mẫu người được mến chuộng thời nay ở Việt Nam không phải là người hùng, người thánh, mà là người thường, sống đời thường, dễ thương do các đức tính xã hội của họ, như hiền lành, khiêm tốn, lương thiện và bác ái.
Ðời thường của Thánh Gia tại Nagiarét là mẫu gương cho mọi người truyền giáo đi trên con đường Làm chứng.


5/ Con đường Ðối thoại

Trên con đường này, người truyền giáo không coi mình có bổn phận truyền đạt hay thuyết phục, nhưng có bổn phận chia sẻ những băn khoăn khắc khoải của đồng bào mình, của thế hệ mình, và qua trao đổi, họ sẽ cùng với bao người khác xây dựng chặng đường hiện tại của lịch sử dân tộc mình, thế hệ mình.

Ði trên con đường đối thoại, người truyền giáo sẽ chăm chú theo dõi các vấn đề của nhân loại hôm nay nói chung và của mảnh đất hoạt động của mình nói riêng.

Trong một thế giới càng ngày càng phát triển tự do dân chủ, người truyền giáo đối thoại cần khiêm tốn lắng nghe quan điểm của người khác. Ðang khi đó, họ luôn luôn nắm vững các chân lý Phúc Âm, và sẽ nói ra đúng lúc cần phải nói, với cung cách tế nhị của bác ái Phúc Âm.

Từ Ðức Phaolô VI đến nay, Toà Thánh thường nhắc đi nhắc lại cho người truyền giáo nhớ rằng sự đẩy nhanh việc đối thoại với các tôn giáo khác chính là một phương cách truyền giáo rất thích hợp của thời đại này.

Văn kiện mới nhất của Toà Thánh công bố ngày 19/5/1991 đã nêu lên bốn cách đối thoại sau đây:

a) Ðối thoại bằng đời sống là người công giáo hãy sống trong tinh thần cởi mở và thân thiện với các người khác tín ngưỡng, hãy chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của họ, hãy tham gia vào các vấn đề chung, các bận tâm chung trong bình diện nhân loại.

b) Ðối thoại bằng việc làm là hợp tác với những người ngoài công giáo trong các việc làm nhằm mục đích phát triển con người toàn diện.

c) Ðối thoại bằng những trao đổi giáo lý là sự các nhà chuyên môn của các tôn giáo tìm hiểu sâu hơn những gia sản tôn giáo của nhau và những giá trị thiêng liêng của các tôn giáo.

d) Ðối thoại về những kinh nghiệm đạo đức là sự các người đã đi sâu vào truyền thống đạo đức của tôn giáo mình, chia sẻ cho các người tôn giáo bạn những kinh nghiệm phong phú thiêng liêng của nền đạo đức tôn giáo mình, như đời sống chiêm niệm cầu nguyện, niềm tin và tìm về Ðấng Tối cao.

Trong trường hợp đối thoại là tranh luận một vấn đề, người truyền giáo nên nhớ rằng sức mạnh đưa người ta về với chân lý và tình thương không ở tại sự ta thắng người ta về lý lẽ và quyền lực, nhưng ở tại sự ta kết hợp với Ðức Kitô đã chịu nạn và đã phục sinh, Ðấng đã phán rằng: “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”.
Người truyền giáo đối thoại là người thông báo Tin Mừng Phúc Âm và cũng nhận được các nguồn thông tin của các tôn giáo bạn. Nhờ đó mà người truyền giáo được thanh luyện hơn, được phong phú thêm. Qua việc đối thoại, Hội Thánh sẽ là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và đoàn kết với nhân loại.


6/ Con đường Ðổi mới

Trên con đường này, người truyền giáo coi việc đổi mới con người, cuộc sống và xa là ưu tiên hàng đầu của hoạt động truyền giáo.

Dù muốn đổi mới, dù không muốn đổi mới, người truyền giáo đang chứng kiến một sự thực càng ngày càng hiện lên rõ rệt, đó là con người thời nay đánh giá một tôn giáo, một chủ thuyết, một người hoạt động chính trị, theo tiêu chuẩn đổi mới. Ai đổi mới được con người, cuộc sống và xã hội theo hướng đi lên, sẽ được tín nhiệm. Thứ đổi mới bằng tuyên ngôn và hứa hẹn suông đã mất hiệu lực lôi cuốn. Trái lại, một sự đổi mới, tuy âm thầm, nhưng hữu hiệu, đang trở thành một sức mạnh tâm lý xã hội đầy hấp dẫn.

Ðừng tưởng đổi mới là xây nhà mới, đặt tượng mới, sắm đồ mới, tạo ra các hình thức hoạt động mới. Thứ đổi mới mọi người mong muốn là đổi mới con người cho nên tốt hơn, đổi mới các tục lệ và nếp sống cho nên tốt hơn.
Riêng việc đổi mới con người là một thách đố lớn. Nó rất phức tạp. Trước hết là đổi mới trí khôn, với những quan điểm mới, với những cách suy nghĩ mới, với những cách đánh giá mới, hợp với Phúc Âm hơn, hợp với Công Ðồng Vatican II hơn. Trí khôn chỉ đổi mới được khi biết tôn trọng và khao khát sự thực. Sự thực là cái đúng cái hay cái tốt trong mọi lãnh vực từ cuộc sống, đến khoa học và tôn giáo.

Ngoài ra đổi mới con người còn là đổi mới trái tim. Trái tim đổi mới là trái tim biết từ bỏ cái tôi ích kỷ hẹp hòi, để hướng tình yêu về các giá trị thiêng liêng bất diệt, như phục vụ con người, tinh thần trách nhiệm, bác ái. Trái tim đổi mới mà con người thời nay đang rất mong muốn, đó là trái tim nhân ái, biết rung cảm và bén nhạy trước những khổ đau của con người gần xa, biết thực sự tôn trọng và yêu thương con người. Biết mừng cái thành công của người khác và biết buồn cái rủi ro thất bại của tha nhân. Thời đại này đang thiếu những con người có trái tim hơn là những con người có trí tuệ.

Hơn nữa, đổi mới con người cũng là đổi mới lương tri, lương tâm, để họ biết tự chọn cái phải làm, cái nên làm. Lựa chọn trên thực tế không là việc thiếu sự sáng suốt và khôn ngoan.

Theo tôi, cái đã làm cho một số giáo hội địa phương thất bại trong việc truyền giáo là đã đặt việc đổi mới cơ sở vật chất lên trên việc đổi mới con người, hoặc tuy có để ý đến việc đổi mới con người, nhưng lại không theo mô hình Ðức Kitô, Ðấng đã Nhập thể, Nhập thể và chịu nạn chịu chết, phục sinh vì yêu thương con người.

Như vậy, suy cho cùng, việc đổi mới phải bắt đầu từ chính bản thân người truyền giáo và các cộng đoàn đức tin. Công Ðồng Vatican II là một sứ điệp kêu gọi đổi mới với bốn điểm chính như sau:

a) Hội Thánh tập trung vào Ðức Kitô là trung tâm điểm Tin Mừng cứu độ.

b) Hội Thánh thao thức với sứ mệnh truyền giáo là bổn phận chính yếu của mình.

c) Hội Thánh gồm toàn thể dân Thiên Chúa.

d) Hội Thánh nhận thức về mối liên hệ sâu sắc giữa Hội Thánh và thế giới.

Nếu thực thi đúng bốn đề tài trên đây, mỗi tín hữu nói riêng và các cộng đoàn tín hữu nói chung, sẽ là những sức sống mới đem lại mùa xuân cho việc truyền giáo.

Nhưng, trên thực tế, tôi thấy nhiều tín hữu và nhiều cộng đoàn tín hữu vẫn sống tinh thần tiền Công Ðồng, hơn nữa lại còn lùi xa vào tận vùng sâu của tinh thần tiền Phúc Âm nữa.


7/ Con đường Thông tin

Trên con đường này, người truyền giáo để ý đến việc thông tin và được thông tin về các vấn đề có liên quan đến hoạt động truyền giáo.

Theo tôi, các vấn đề có liên quan đến hoạt động truyền giáo đều thuộc ba lãnh vực sau đây:
+ Nội bộ Hội Thánh.
+ Hội Thánh trong thế gian.
+ Hội Thánh đón nhận Nước Chúa.

- Nội bộ Hội Thánh nói chung và nội bộ từng giáo đoàn nói riêng là một cuộc sống thiêng liêng. Cuộc sống này cần được chăm sóc, theo dõi, kiểm tra. Sức sống ấy không nên được cân đo theo các con số thống kê, cho bằng theo một số tiêu chuẩn Phúc Âm và Công Ðồng Vatican II. Thí dụ sự tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô là chính Tin Mừng cứu độ, đó là một tiêu chuẩn chắc chắn nhất để đo tinh thần đạo đức Phúc Âm. Hai tiêu chuẩn khác kèm theo cũng là dấu chỉ rất chắc chắn của tinh thần đạo đức Phúc Âm, đó là hoạt động truyền giáo và bác ái phục vụ con người. Một nhà thờ, một cung thánh, một cuộc lễ, một bầu khí tôn giáo thường ngày tại một giáo đoàn nếu không nói lên được sự tập trung vào Ðức Kitô và toả ra được hương thơm của lòng nhân ái và tinh thần truyền giáo, thì dù với những hình thức nổi nang nhất, nó vẫn là một nội bộ yếu, có nguy cơ tha hoá. Khi tình hình nội bộ giáo đoàn là một sự sống không ngừng chuyển biến, thì sự được thông tin và thông tin về tình hình nội bộ là một nhu cầu, giúp tái truyền giáo và truyền giáo.

- Hội Thánh không đứng giữa thế gian chơi vơi một mình, nhưng Hội Thánh sống giữa thế gian, và sống trong thế gian. Thế gian đặt ra cho Hội Thánh nhiều thách đố. Thế gian tra vấn Hội Thánh về nhiều vấn đề. Hội Thánh đã trả đáp thế nào? Chẳng hạn, tại Việt Nam hôm nay, Hội Thánh địa phương ta đang đứng trước bốn vấn đề lớn, cũng là bốn thách đố lớn. Một là vấn đề nghèo túng của đồng bào Việt Nam. Hai là vấn đề giới trẻ Việt Nam đang trong tình trạng không được giáo dục đủ. Ba là vấn đề hoà giải hoà hợp dân tộc. Bốn là vấn đề Hội Thánh hội nhập vào văn hoá dân tộc. Toàn thể Hội Thánh địa phương ta nói chung, và từng cộng đoàn tín hữu, từng vị truyền giáo nói riêng đã và đang nỗ lực giải đáp các vấn đề lớn đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc truyền giáo. Chính vì thế, mà sự thông tin và được thông tin về các vấn đề thế gian đặt ra cho Hội Thánh và cung cách của Hội Thánh đối với thế gian của mình là một cách truyền giáo không thể thiếu.

- Hội Thánh không đồng nghĩa với thế gian, và Hội Thánh cũng không đồng nghĩa với Chúa. Hội Thánh hành hương đi về Nước Chúa. Trong Hội Thánh có những người tốt và cũng không thiếu người xấu. Trong Hội Thánh có nơi có những cơ chế và tập tục tốt chen lẫn những cơ chế và tập tục xấu. Hội Thánh biết mình cần được thanh luyện. Thanh luyện từ các sách giáo lý, cho đến phụng vụ luật lệ và thái độ sống. Ðưa vào một sự thanh luyện nội tâm sâu xa, của từng người, để đón nhận trọn vẹn Vương quốc Thiên Chúa. Chỉ phương diện thanh luyện đó thôi cũng là một nguồn tin hay. Người truyền giáo cần được thông tin và thông tin về những cách Hội Thánh chuẩn bị đón nhận Nước Trời cũng như về những nguy cơ cản trở Nước Trời. Chính sự thông tin và được thông tin như vậy đã là một cách truyền giáo có sức lôi cuốn.


8/ Con đường Cầu nguyện và Thánh giá

Cầu nguyện và vác thánh giá là những việc mà người truyền giáo sẽ thực hiện trên bất cứ con đường nào nói trên. Ở đây khi nói tới con đường cầu nguyện và thánh giá, tôi muốn nghĩ nhiều hơn đến việc suy niệm và tinh thần khổ chế. Tôi sẽ rất vắn tắt về con đường này, vì nhiều người đã nói dài rồi. Tôi chỉ chia sẻ đôi chút kinh nghiệm. Kinh nghiệm dạy tôi điều này là sự cầu nguyện trong suy niệm và trong tinh thần khổ chế là một bí quyết truyền giáo không gì thay thế được.

“Không có Cha, chúng con không thể làm gì được”. “Cha là cây nho, chúng con là ngành”. Ðó là những lời Chúa mà người truyền giáo phải nhập tâm thường xuyên, từng phút từng giây. Người truyền giáo là người phải từ bỏ mình, phải vác thánh giá mình mà theo Chúa. Khi sống như vậy, ta sẽ cảm thấy trong tâm hồn một sự bình an ngọt ngào, cho dù trên các nẻo đường truyền giáo, ta gặp những thánh giá đủ loại đến từ mọi phía, nhất là nếu cái thánh giá nặng nhất gắn chặt trên vai ta lại là những vụng về yếu đuối của bản thân ta.

Càng đi trên các con đường truyền giáo, tôi càng xác tín rằng: Nếu hạt giống không thối đi, thì nó sẽ không trở thành mầm non, rồi thành cây, rồi sinh hoa kết quả được. Khi coi đó là một chân lý Phúc Âm do chính Chúa Giêsu đã dạy được thấm vào lòng trong các giờ suy niệm, người truyền giáo sẽ hân hoan hát lời tạ ơn Chúa, mỗi khi bản thân mình bị thối đi cách nào đó do bất cứ khổ đau nào.

Thiết tưởng một điều, kinh nghiệm cũng nên chia sẻ ở đây, đó là sự mở rộng việc con người suy niệm và viếng đàng thánh giá. Ðã hẳn, cầu nguyện suy niệm Lời Chúa trong Phúc Âm trước nhà Tạm và viếng chặng đàng thánh giá trong nhà thờ là những việc đạo đức truyền thống rất tốt. Nhưng ngoài ra, cần phải cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa trên chính cuộc sống thường ngày, cũng như cần phải theo Chúa Giêsu đang vác thánh giá trong các người nghèo, các người bệnh tật, các người già yếu neo đơn, các người bị xã hội khinh chê, bỏ rơi. Họ đầy rẫy xung quanh ta.

Trên con đường cầu nguyện và thánh giá này, tôi thấy cốt lõi vấn đề truyền giáo là chất lượng người truyền giáo. Nếu người truyền giáo biết hằng ngày trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người, thì tương lai truyền giáo sẽ sáng sủa. Trái lại, nếu người truyền giáo không thường xuyên trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người, thì dù với mọi cách hiện đại tân tiến, việc truyền giáo sẽ bị bế tắc.



ù




Trên đây là những gợi ý. Chắc là chưa đủ. Nhưng mong rằng, với những chia sẻ chân tình này, lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha Gioan Phalô Ðệ Nhị về ngày truyền giáo năm nay, sẽ càng được mọi nơi trong Hội Thánh Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng.



Long Xuyên, tháng 10/1991