PDA

View Full Version : YOUCAT- Giáo lý Công Giáo cho người trẻ: Phần Một



Caohuong
22-04-2012, 05:52 PM
YOUCAT - Phần Một - Chương 1 - Con người chúng ta mở rộng hướng đến Thiên Chúa



PHẦN MỘT - TẠI SAO CHÚNG TA CÓ THỂ TIN

1 Chúng ta ở trần gian này để làm gì?

Chúng ta sống trong thế giới để nhận biết Chúa và để yêu thương, làm điều tốt theo thánh ý của Chúa và một ngày nào đó để bước vào thiên đàng. [1-3, 358]

Là con người có nghĩa là: đến từ nơi Chúa và về với Chúa. Chúng ta đến từ nguồn gốc xa hơn là từ cha mẹ chúng ta. Chúng ta đến từ nơi Chúa, nơi Ngài tồn tại tất cả hạnh phúc của thiên đàng và dương thế, và chúng ta được mong đợi trong sự viên mãn vĩnh cửu và vô biên của Ngài. Trong khoảng thời gian từ nơi Chúa và đến với Chúa, chúng ta sống trong thế giới. Thỉnh thoảng chúng ta cảm nhận thấy sự gần gũi với Đấng tạo hóa, thường chúng ta không cảm nhận gì cả. Để chúng ta biết tìm đường về nhà Cha, Thiên Chúa đã gửi Con của Ngài đến với chúng ta, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đã cứu chúng ta khỏi tất cả mọi sự dữ và đã dẫn đưa chúng ta một cách trọn vẹn vào trong sự sống thật. Ngài là "Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống" (Ga 14,6).

2 Tại sao Chúa lại tạo dựng chúng ta?

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta từ một tình yêu tự do và không nhằm lợi ích riêng tư. [1-3]

Khi một con người yêu thương, tình yêu đó tuôn trào nơi người đó. Người ấy muốn chia sẻ niềm vui của mình với người khác. Điều này con người đó có được từ nơi Đấng tạo hóa con người. Dù Thiên Chúa là một huyền nhiệm, nhưng con người có thể nghĩ và nói về Ngài với cách thế của con người: Từ tình yêu tràn đầy của Ngài, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta. Ngài muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với chúng ta là những tạo vật từ tình yêu của Ngài.

CHƯƠNG I - Con người chúng ta mở rộng hướng đến Thiên Chúa

3 Tại sao chúng ta lại tìm kiếm Chúa?

Chúa đã đặt trong tâm hồn chúng ta một sự khao khát để tìm và gặp gỡ Chúa. Thánh Augustinus nói: "Chúa đã tạo dựng chúng con hướng về Chúa, và trái tim chúng con sẽ còn thổn thức cho đến khi nó tìm được sự an bình trong Chúa". Sự khao khát Thiên Chúa này chúng ta gọi là tôn giáo.

Đối với một con người, việc người đó tìm kiếm Chúa là điều rất tự nhiên. Toàn bộ những cố gắng nỗ lực để đạt đến sự thật và hạnh phúc cuối cùng là một sự tìm kiếm điều bảo đảm cho người đó một cách tuyệt đối, thỏa mãn người đó một cách tuyệt đối, đòi hỏi người đó một cách tuyệt đối. Một con người chỉ thật sự hoàn toàn là mình, khi nào người đó đã tìm gặp được Chúa. "Ai tìm kiếm sự thật, người đó đang tìm kiếm Chúa, dù người ấy có ý thức được việc đó hay là không" (Thánh Edit Einstein). è 5, 281-285

4 Chúng ta có thể nhận biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ vào lý trí?

Có. Lý trí của con người, một cách chắc chắn, có thể nhận biết Thiên Chúa. [31-36, 44-47]

Thế giới không thể nào có nguồn gốc và cùng đích tự trong nội tại của nó. Trong tất cả mọi vật hiện hữu còn tồn tại nhiều điều hơn những gì ta thấy. Cái trật tự, vẻ đẹp và quy trình phát triển của thế giới chỉ ra qua chính bản chất của chúng đường hướng đến Thiên Chúa. Mỗi một con người đều rộng mở cho điều thật, điều tốt và cái đẹp. Con người lắng nghe nơi mình tiếng nói của lương tâm, lôi cuốn nó đến đều thiện và ngăn ngừa nó trước điều ác. Ai lần theo dấu này một cách khôn ngoan và đúng đắn người đó sẽ gặp Thiên Chúa.

5 Tại sao con người từ chối Chúa khi mà họ có thể nhận biết Ngài bằng lý trí của họ?

Để nhận biết một Thiên Chúa vô hình là một thách thức lớn đối với khả năng tư duy của con người. Nhiều người cảm thấy sợ hãi trước vấn đề này. Nhiều người khác cũng không muốn nhận biết Chúa vì họ qua đó phải thay đổi đời sống của mình. Ai nói rằng, bàn đến Thiên Chúa thì chẳng có nghĩa lý gì vì vấn đề không giải quyết được, người đó tự xem việc này quá đơn giản. [37-38] 357.

6 Người ta thật ra có thể hiểu biết Thiên Chúa cách trọn vẹn không?
Người ta có thể nói về Thiên Chúa một cách đúng đắn không?

Dù con người chúng ta giới hạn và không bao giờ diễn tả hết sự cao cả vô tận của Thiên Chúa bằng những khái niệm của con người, chúng ta vẫn có thể nói một cách đúng đắn về Thiên Chúa. [39-43, 48]

Để nói về điều gì đó về Thiên Chúa, chúng ta sử dụng những hình ảnh chưa trọn vẹn những cách hình dung còn bị giới hạn. Mỗi một lời nói về Thiên Chúa đều đặt trong sự dè dặt tối thiểu đó là ngôn ngữ của chúng ta không thể với tới sự cao cả của Thiên Chúa. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn thanh lọc và làm tốt hơn việc chúng ta nói về Thiên Chúa.



Ban Giáo lý Gp.BMT (http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-1-1378/)
Nguồn: gxvinhhuong.net (http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-1-1378/)

Caohuong
25-04-2012, 02:06 PM
YOUCAT - Phần Một - Chương 2 - Thiên Chúa tìm kiếm con người chúng ta



Chương II - Thiên Chúa tìm kiếm con người chúng ta


7- Tại sao Chúa phải tỏ mình ra để chúng ta biết được Ngài như thế nào?

Với lý trí con người có thể nhận biết rằng có Thiên Chúa, nhưng con người không thể nhận biết Ngài như thế nào. Nhưng vì Chúa muốn mình được tin nhận, nên Ngài đã tỏ mình ra. [50-53, 68-69]

Thiên Chúa không cần phải tỏ mình ra cho chúng ta. Ngài làm việc này từ tình yêu. Giống như trong tình yêu con người ta chỉ có thể biết điều gì đó nơi người được yêu, nếu như người đó mở rộng lòng cho chúng ta, cũng thế chúng ta chỉ có thể biết được điều gì đó từ trong tư tưởng thẳm sâu của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa vĩnh cửu và đầy huyền nhiệm đã tự tỏ mình cho chúng ta. Bắt đầu từ sự tạo dựng rồi đến các tổ phụ và các tiên tri cho đến sự mặc khải tối hậu nơi người con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa luôn nói với con người. Trong Ngài, Thiên Chúa đã thổ lộ hết tâm can và đã vĩnh viễn cho chúng ta nhìn thấy bản chất sâu xa của Ngài.

8 - Thiên Chúa mặc khải mình trong Cựu Ước như thế nào?

Thiên Chúa tỏ mình trong è Cựu Ước là Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng thế giới từ tình yêu và sau đó đã trọn vẹn trung tín với con người ngay cả khi họ rời xa Chúa vì tội lỗi. [54-64, 70-72]

Chúa làm cho con người có thể cảm nhận Ngài trong lịch sử: Ngài thiết lập một giao ước với Noah để cứu tất cả mọi loài hiện hữu. Ngài đã gọi Abraham để làm cho ông trở thành "cha của vô số dân tộc" (Kn 17,5) và qua ông "mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (Kn 12,3). Dân Israel phát sinh từ Abraham được trở nên dân riêng của Ngài. Ngài giới thiệu với Môi-sen tên của Ngài. Tên mang tính đầy huyền nhiệm của Ngài è JWHW (Gia-vê) được viết ra là Jahwe, có nghĩa là "Ta là Đấng luôn hiện diện" (Xh 3,14). Ngài giải thoát Israel khỏi ách nô lệ ở Ai-cập, thiết lập một giao ước trên núi Sinai và ban cho dân đó lề luật qua Môi-sen. Ngài luôn gởi các tiên tri đến với dân của Ngài để kêu gọi họ hối cải và làm mới lại giao ước. Các tiên tri loan báo việc Chúa sẽ ký kết một giao ước mới và vĩnh cửu, giao ước này sẽ đưa đến một đổi mới triệt để và sự giải thoát tối hậu. Giao ước này sẽ mở rộng ra cho tất cả các dân tộc.

9 - Chúa tỏ điều gì từ nơi Ngài khi Ngài gửi Con của Ngài đến cho chúng ta?

Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa chỉ cho chúng ta toàn bộ chiều sâu của tình yêu nhân hậu của Ngài.

Qua Đức Giê-su Ki-tô, một Thiên Chúa vô hình đã trở nên thấy rõ được. Ngài trở nên Người như chúng ta. Điều này cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài đã rộng đến mức độ nào: Ngài mang lấy toàn bộ những gánh nặng của chúng ta. Ngài đi qua tất cả những con đướng chúng ta đi. Ngài hiện diện trong sự bị bỏ rơi của chúng ta, trong những đau khổ của chúng ta, trong nỗi sợ hãi của chúng ta trước cái chết. Ngài ở đó khi chúng ta không còn nhìn ra được gì nữa, để mở cho chúng ta một cánh cửa vào sự sống. 314

10 - Vậy tất cả mọi điều đã được nói hết qua Đức Giê-su Ki-tô, hay sự mặc khải sẽ còn được tiếp tục sau Ngài?

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã đi vào thế giới. Chúa Giê-su là LỜI tối hậu của Thiên Chúa. Khi nghe Ngài tất cả mọi người của mọi thời đại có thể biết được Thiên Chúa là ai và điều gì là cần thiết cho sự cứu rỗi của họ. [66-67]

Qua Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô, sự mặc khải của Thiên Chúa được hoàn tất cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần sẽ luôn hướng dẫn chúng ta đi vào sâu hơn trong sự thật để sự thật đó soi sáng chúng ta. Trong cuộc sống của một số người ánh sáng của Thiên Chúa soi tỏ rất mạnh đến độ họ nhìn thấy "trời rộng mở" (Cv 7,56). Tương tự như thế xuất hiện những địa danh hành hương như Guadaloupe ở Mexico hay Lourdes ở Pháp. Những "mặc khải cá nhân" của những người được thị kiến không làm cho Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô tốt hơn. Những mặc khải này không có tính bắt buộc chung cho tất cả. Nhưng những sự kiện này có thể giúp chúng ta hiểu Tin Mừng hơn. Tính xác thực của chúng được è giáo hội kiểm tra.

11 - Tại sao chúng ta phải tiếp tục rao truyền niềm tin?

Chúng ta tiếp tục truyền tải niềm tin, vì Chúa Giê-su ủy thác việc đó cho chúng ta: "Hãy đi đến các dân tộc và hãy làm cho mọi người trở nên môn đệ của Thầy" (Mt 28,19). [91]

Không một Ki-tô hữu đúng đắn nào lại chừa việc rao truyền niềm tin cho những người chuyên môn (thầy giáo, linh mục, nhà truyền giáo). Ki-tô hữu là con người cho những người khác. Điều này có nghĩa là: Mỗi một Ki-tô hữu đúng đắn đều mong muốn Chúa đến với người khác. Người đó phải tự nhủ rằng: Chúa cần đến tôi! Tôi đã được rửa tội, đã được lãnh nhận bí tích thêm sức và có trách nhiệm với việc những người xung quanh tôi sẽ nhận biết Chúa và sẽ "đi đến nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4). Mẹ Tê-rê-sa đã dùng một so sánh rất hay: "Có thể bạn hay nhìn thấy những giòng dây cáp trải dài theo các con đường. Trước khi không có giòng điện xuyên suốt qua, sẽ không có ánh sáng. Sợi dây cáp điện đó là bạn và tôi! Giòng điện chính là Thiên Chúa! Chúng ta có quyền để cho giòng điện chạy xuyên qua chúng ta và như thế để ánh sáng thế gian được sinh ra: Chúa Giê-su, hoặc chúng ta từ khước việc được sử dụng đến, và qua đó bóng tối được phép lan rộng thêm ra." 123

12 - Từ đâu chúng ta biết được điều gì thuộc về niềm tin thật?

Niềm tin thật chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh và trong việc rao truyền sống động của è giáo hội (= Tông Truyền). [76, 80-82, 85-87, 97, 100]

Sách Tân Ước phát sinh từ niềm tin của giáo hội. Văn bản và truyền thống đi đôi với nhau. Việc rao truyền niềm tin xảy ra trước hết không qua những bản văn. Trong giáo hội xa xưa người ta nói Kinh Thánh đúng ra "được ghi lại trong trái tim của giáo hội chứ không phải trên những cuộn giấy". Chính những môn đệ và các Tông đồ cảm nghiệm sự sống mới trước hết qua cộng đoàn hiệp thông sống động với Chúa Giê-su. Giáo hội mời gọi con người bước vào cộng đoàn này mà nó tiếp tục tồn tại sau sự Phục Sinh của Người. Các Ki-tô hữu đầu tiên đã "chuyên tâm giữ những lời giảng dạy của các Tông Đồ, tham dự nghi thức bẻ bánh và cầu nguyện" (Cv 2,42). Họ cùng đồng lòng với nhau và dành chỗ cho người khác (trong cộng đồng của họ). Việc này tác động đến niềm tin cho đến ngày hôm nay: Ki-tô hữu mời gọi những người khác đến tìm hiểu một cộng đồng sống với Chúa mà nó được bảo tồn trong giáo hội công giáo kể từ thời các Tông Đồ cho đến ngày hôm nay.

13 - Giáo hội có thể lầm lẫn trong những vấn đề niềm tin hay không?

Cộng đoàn những người tin với toàn bộ những đặc tính chung của nó không thể lầm lẫn trong niềm tin, vì Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ của Ngài rằng Ngài sẽ sai Thần Khí của sự thật đến với họ và Người sẽ gìn giữ họ trong sự thật (Ga 14,17). [80-82, 85-87, 92, 100]

Giống như các môn đệ của Chúa Giê-su đã từng tin với hết tâm hồn, một Ki-tô hữu có thể tin tưởng vào giáo hội nếu như người đó tìm hiểu về con đường dẫn đến sự sống. Vì chính Chúa Giê-su đã trao sứ mạng dạy dỗ cho các Tông Đồ, giáo hội có sứ vụ giảng dạy và không được phép im lặng. Những thành phần cá nhân trong giáo hội có thể lầm lẫn và thậm chí gây nên những lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng giáo hội, là một tổng thể, không bao giờ rơi ra khỏi chân lý của Thiên Chúa. Giáo hội mang theo một sự thật sống động xuyên qua các thời đại, mà sự thật đó còn to lớn hơn cả chính giáo hội. Ta nói đến việc depositum fidei, đến việc bảo tồn giá trị của niềm tin. Nếu như một chân lý như thế bị chối bỏ cách công khai hoặc bị làm méo mó đi, giáo hội được mời gọi làm sáng tỏ "điều đã luôn luôn được tin nhận ở khắp mọi nơi, bởi tất cả mọi tín hữu" (Thánh Vinzenz thành Lérin, † 450).

14 - Kinh Thánh có thật hay không?

Kinh Thánh dạy về chân lý một cách "bảo đảm, trung thực và không có sự lầm lẫn" vì Kinh Thánh được linh ứng, có nghĩa là được viết ra nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và vì thế có "Thiên Chúa là căn nguyên" (Công Đồng Vatican 2, Dei Verbum 11). [103-107]

Sách Kinh Thánh không phải được hoàn tất rồi từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là do Thiên Chúa đọc lên cho con người viết ra như một cái máy. Trên hết, Thiên Chúa tuyển chọn ra "những con người để viết lên Kinh Thánh, những người này là những tác giả ghi lại những tất cả những gì và chỉ những gì Thiên Chúa muốn được ghi lại, để phục vụ Ngài, qua việc sử dụng những khả năng và sức lực riêng của họ" (Công Đồng Vatican 2, Dei Verbum 11). Để có thể công nhận những bản văn nhất định là Kinh Thánh cũng cần có sự chấp thuận chung trong è giáo hội. Trong các cộng đoàn phải có một sự đồng thuận: "Vâng, chính Thiên Chúa nói với chúng tôi qua văn bản này - việc này được Chúa Thánh Thần linh ứng!" Những văn bản nào từ rất nhiều văn bản của các tín hữu thời sơ khai thật sự được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần, được xác định rõ trong Kanon (bộ những bản văn được giáo hội công nhận là thuộc về Kinh Thánh) từ thế kỷ thứ 4 trở đi.

15 - Làm thế nào Kinh Thánh có thể là "sự thật" được khi không phải tất cả những gì ghi ở trong đó là đúng?

Kinh Thánh không có ý truyền đạt sự chính xác trên phương diện lịch sử hay những hiểu biết trên phương diện khoa học. Các tác giả ghi lại Kinh Thánh cũng là những con người chịu ảnh hưởng bởi thời điểm họ sống. Họ cũng cùng có chung những suy tưởng ảnh hưởng bởi nền văn hóa của môi trường chung quanh và cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi những lầm lẫn của các suy diễn này. Tuy nhiên, tất cả những gì con người muốn biết về Thiên Chúa và đường lối cứu độ của Ngài, đều có thể tìm thấy trong Kinh Thánh. [106-107, 109]

16 - Ta phải đọc Kinh Thánh cách nào cho đúng?

Ta sẽ đọc Kinh Thánh các đúng đắn nếu như ta đọc với tinh thần cầu nguyện, có nghĩa là với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần bởi dưới tác động của Ngài Kinh Thánh được hình thành. Kinh Thánh là Lời Chúa và trong đó chứa đựng những thông điệp quan trọng của Thiên Chúa gửi đến chúng ta. [109-119, 137]

Sách Phúc Âm là một bức thư dài của Thiên Chúa gửi cho chúng ta. Vì thế tôi phải đón nhận Kinh Thánh với sư yêu mến lớn lao và với niềm kính trọng: Trước hết có nghĩa là phải thật sự đọc bức thư của Thiên Chúa, điều này có nghĩa là không được tự ý lấy ra từng phần nhỏ và bỏ đi tính tổng thể của nó. Tôi phải suy giải cái tổng thể hướng về điểm trọng tâm và mầu nhiệm của nó: đó là Chúa Giê-su Ki-tô, toàn bộ Kinh Thánh nói về Người, Cựu Ước cũng làm như thế. Tôi phải đọc Kinh Thánh trong niềm tin chung và sống động của giáo hội, Kinh Thánh hình thành từ niềm tin này. è 491

Các sách trong Phúc Âm (Kanon)

CỰU ƯỚC (46 cuốn)

Các sách sử

Khởi Nguyên hay Sáng Thế Ký (Kn), Xuất Hành (Xh), Lê vi (Lv), Dân Số (Ds), Sách Thứ Luật (Đệ Nhị Luật: ?), Sách Gio-suê (Gs), Sách Thẩm Phán (Thủ Lãnh: ?), Sách Bà Rúth, Sách Sa-mu-en 1 (1 S), Sách Sa-mu-en 2 (2 S), Sách Các Vua 1 (1 V), Sách Các Vua 2 (2 V), Sách Ký Sự I, Sách Ký Sự II, Sách Ezra (Ét-ra), Sách Nê-hê-mia, Sách Tô-bi-a, Sách Giu-đi-tha, Sách Esther (Ét-te), Sách Ma-ca-bê I, Sách Ma-ca-bê II

Các sách dạy lẽ khôn ngoan

Sách Gióp, Sách Thánh Vịnh, Sách Châm Ngôn, Sách Giảng Viên, Sách Diễm Ca, Sách Khôn Ngoan, Sách Huấn Ca

Các Tiên Tri

Sách Tiên Tri I-sai-a, Sách Tiên Tri Giê-rê-mia, Sách Ai Ca, Sách Ba-rúc, Sách Tiên Tri Ê-dê-ki-en, Sách Tiên Tri Đa-ni-en, Sách Tiên Tri Hô-sê, Sách Tiên Tri Giô-en, Sách Tiên Tri A-mốt, Sách Tiên tri A-bi-đa, Sách Tiên Tri Giô-na, Sách Tiên Tri Mi-ca, Sách Tiên Tri Na-hum, Sách Tiên Tri Ha-ba-cúc, Sách Tiên Tri Xô-phô-ni-a, Sách Tiên Tri Ha-gai, Sách Tiên Tri Za-cha-ri-a, Sách Tiên Tri Ma-la-chi.

TÂN ƯỚC (27 cuốn)

Tin Mừng nhất lãm

Mát-thê-ô (Mt), Mác-cô (Mc), Lu-ca (Lc), Gio-an (Ga)
Công Vụ Tông Đồ (Cvtđ)
Các thư của thánh Phao-lô
Rô-ma, 1 Cô-rin-thô, 2, Cô-rin-thô, Ga-la-te, Ê-phê-sô, Phi-líp-pê, Kô-lô-sê, Thê-xa-lô-ni-ca, 1 Ti-mô-thê, 2 Ti-mô-thê, Ti-tô, Phi-lê-môn, Do Thái.
Các thư công giáo
Thư Gia-cô-bê, 1 Phê-rô, 2 Phê-rô, 1 Gio-an, 2 Gio-an, 3 Gio-an, Giu-đa.
Khải Huyền
Sách Khải Huyền của thánh Gio-an

17 - Cựu Ước có ý nghĩa gì đối với người Ki-tô hữu?

Trong Cựu Ước Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng Tạo Dựng và Cứu Cánh của thế giới và là Đấng hướng dẫn và dạy dỗ con người. Những sách trong Cựu Ước đều là Lời của Thiên Chúa và là Sách Thánh. Nếu không có Cựu Ước ta không thể hiểu được Chúa Giê-su. [121-123, 128-130, 140]

Trong Cựu Ước một lịch sử vĩ đại về bài học niềm tin được bắt đầu. Lịch sử này tiếp diễn qua một biến cố quyết định trong Tân Ước và đi đến chung cuộc với sự cánh chung của thế giới và việc trở lại của Đức Ki-tô. Trong quá trình này, Cựu Ước có ý nghĩa sâu xa chứ không chỉ là một phần "dạo đầu" của Tân Ước. Các điều răn, những lời tiên báo cho dân tộc của giao ước cũ và những lời Chúa hứa không bao giờ bị rút lại. Trong các sách của Cựu Ước người ta có thể tìm thấy một kho tàng không thể thay thế được gồm những lời cầu nguyện và lẽ khôn ngoan; đặc biệt là những lời Thánh Vịnh thuộc về những lời nguyện của giáo hội.

18 - Tân Ước có ý nghĩa nào đối với người Ki-tô hữu?

Trong Tân Ước sự mặc khải của Thiên Chúa được hoàn tất. Bốn Tin Mừng của thánh Mát-thê-ô, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an là phần trọng tâm của Kinh Thánh và là kho báu vô giá của giáo hội. Trong Tin Mừng Chúa Con mặc khải chính mình và gặp gỡ chúng ta. Trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta được biết đến buổi sơ khai của giáo hội và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong các thư của các thánh Tông Đồ, chúng ta sẽ thấy, cuộc sống của con người với tất cả những nét đặc trưng của nó được đặt trong ánh sáng của Đức Ki-tô. Trong sách Khải Huyền chúng ta có thể cảm nhận trước được thời cánh chung. [124-127, 128-130, 140]



Ban Giáo lý Gp.BMT
Nguồn: gxvinhhuong.net
(http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-2-1395/)

Caohuong
03-05-2012, 01:49 PM
YOUCAT - Phần Một - Chương 3 - Con người trả lời Thiên Chúa
Con người trả lời Thiên Chúa

20. Chúng ta có thể trả lời Thiên Chúa như thế nào khi Ngài nói với chúng ta?
Trả lời Thiên Chúa có nghĩa là: tin tưởng vào Chúa. [142-149]
Ai muốn tin cần phải có một "trái tim biết nghe" (1 V 3,9). Thiên Chúa tìm gặp ta dưới nhiều hình thức. Trong mỗi một cuộc gặp gỡ giữa con người, trong mỗi một cảm nghiệm tiếp xúc với thiên nhiên, trong mỗi một sự kiện có vẻ như là bất ngờ, trong mỗi một thách đố, trong mỗi một đau khổ ẩn chứa một thông điệp Thiên Chúa muốn gửi đến cho chúng ta. Ngài còn nói với chúng ta cách rõ hơn khi Ngài tìm đến chúng ta trong Lời của Ngài hay trong tiếng nói của lương tâm. Ngài nói với chúng ta như với những người bạn. Vì thế chúng ta cũng trả lời và tin tưởng vào Ngài như những người bạn, hoàn toàn phó thác vào Ngài, tìm hiểu Ngài nhiều hơn tốt hơn và đón nhận thánh ý của Ngài với thái độ không do dự.

21. Niềm tin là cái gì?
Niềm tin là hiểu biết và tin tưởng. Niềm tin có 7 dấu hiệu đặc trưng:



Niềm tin hoàn toàn là một quà tặng của Thiên Chúa mà chúng ta sẽ lãnh nhận nếu như chúng ta trong tận thâm sâu xin điều đó.
Niềm tin là một sức mạnh siêu nhiên mà chúng ta nhất định phải có để đạt đến sự cứu rỗi của chúng ta.
Niềm tin đòi hỏi ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng của con người khi con người bước theo sự mời gọi của Thiên Chúa.
Niềm tin là xác tín tuyệt đối vì Chúa Giê-su bảo đảm cho việc đó.
Niềm tin sẽ chưa được trọn vẹn khi nào nó còn chưa thể hiện tác động của nó trong tình yêu.
Niềm tin sẽ tăng trưởng khi chúng ta luôn luôn, với cách tốt hơn, lắng nghe Lời Chúa và giữ mối tương quan sống động với nó trong cầu nguyện.
Niềm tin cho chúng ta nếm thử trước niềm vui của thiên đàng ngay từ bây giờ. [153-165, 179-180, 183-184]

Nhiều người nói, tin tưởng đối với họ vẫn còn quá ít ỏi, họ muốn biết. Tuy nhiên chữ "tin" có 2 ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: Khi một người nhảy dù hỏi một nhân viên ở sân bay "Cái dù đã được gói kỹ chưa?", người kia trả lời tỉnh bơ: "Ồ, tôi tin là đã xong", điều đó sẽ không đủ bảo đảm cho người nhảy dù, anh ta sẽ muốn biết rõ ràng. Nhưng nếu như người nhảy dù đó nhờ một người bạn gói giùm dù lại, thì người bạn đó cũng với câu hỏi trên sẽ trả lời: "Xong rồi, chính tôi đã làm điều đó. Bạn có thể tin vào tôi!" Và như thế người nhảy dù kia sẽ trả lời: "Vâng, tôi tin tưởng bạn." Niềm tin này có ý nghĩa nhiều hơn là hiểu biết, nó có nghĩa là sự bảo đảm chắc chắn. Và đó chính là niềm tin đã "lôi cuốn" Abraham ra đi về đất hứa, đó là niềm tin đã giúp è các thánh tử vì đạo kiên nhẫn cho tới chết, đó cũng là niềm tin giúp cho đến ngày nay vẫn giúp các Ki-tô hữu đứng vững trong sự bách hại. Một niềm tin đánh động và tác động toàn nhân loại.

22. Vậy tin như thế nào?
Ai tin, người đó tìm kiếm một sự liên kết chặt chẽ thân mật với Chúa và sẵn sàng tin vào những điều Chúa chỉ cho người đó (mặc khải). [150-152]
Bước đầu trong niềm tin thường có sự giao động và sự bất ổn. Con người cảm thấy thế giới hiện hữu và sự vận hành bình thường của các sự vật không thể nào là tất cả. Con người cảm nghiệm mình được chạm đến bởi một mầu nhiệm. Nó lần theo những dấu vết chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa, và rồi từng bước một tìm được sự tin tưởng để kêu đến Chúa và cuối cùng gặp gỡ liên kết thân mật với Chúa trong tự do. Trong Phúc Âm thánh Gio-an có nói: "Chưa có ai thấy Thiên Chúa. Chỉ Đấng duy nhất, là Thiên Chúa và ngự trong lòng Thiên Chúa, đã mang đến thông điệp (của Thiên Chúa)" (Ga 1,18). Vì thế chúng ta phải tin Chúa Giê-su, Đấng là Con Thiên Chúa, nếu như chúng ta muốn biết Chúa muốn chia sẻ gì với chúng ta. Tin có nghĩa là hòa mình với Chúa Giê-su, đặt tất cả đời sống của mình vào đời sống của Người.

23. Giữa việc tin và khoa học có một mâu thuẫn nào không?
Không có một sự mâu thuẫn không thể nào giải quyết nổi giữa niềm tin và khoa học, bởi vì không thể nào có một chân lý 2 mặt. Không có một sự thật nào của niềm tin lại cạnh tranh với một sự thật của khoa học. Chỉ có một chân lý mà cả niềm tin lẫn tri thức khoa học đều dựa trên đó. Thiên Chúa muốn lý trí tồn tại để qua đó chúng ta có thể nhận biết được những cơ cấu hợp lý trong thế giới, cũng như Ngài đã muốn niềm tin tồn tại. Vì thế niềm tin Ki-tô giáo đòi hỏi và ủng hộ khoa học (khoa học tự nhiên). Niềm tin tồn tại để nhờ đó chúng ta nhận biết sự vật mà thực ra chúng không tự đóng kín đối với tri thức, nhưng chúng thực sự tồn tại vượt lên trên tri thức. Niềm tin nhắc nhở cho khoa học tự nhiên rằng không nên tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa mà nên phục vụ trật tự tạo dựng. Khoa học tự nhiên phải tôn trọng giá trị của con người, chứ không được cướp đi giá trị đó.

24. Niềm tin của tôi có liên quan gì tới giáo hội?
Không ai có thể tin riêng cho một mình mình cũng như không ai có thể sống riêng cho mình. Chúng ta đón nhận niềm tin từ giáo hội và sống niềm tin đó trong cộng đoàn với những người mà chúng ta cùng chia sẻ niềm tin chung của chúng ta. [166-169, 181]
Niềm tin là điều riêng tư nhất của một con người, nhưng niềm tin đó không phải là vấn đề cá nhân. Ai muốn tin, người đó phải đồng thời có thể nói "Tôi" cũng như "Chúng ta", vì một niềm tin mà người ta không thể chia sẻ cũng như không thể truyền đạt sẽ trở nên vô lý. Mỗi một cá nhân tín hữu thể hiện sự đồng thuận của người đó cách tự do với xác tín "Chúng tôi tin" của è giáo hội. Từ giáo hội người tín hữu đó đón nhận niềm tin. Chính giáo hội, qua nhiều thế kỷ, đã mang đến niềm tin cho cá nhân tín hữu đó, đã bảo vệ niềm tin trước những sai lạc và đã hằng luôn soi dẫn niềm tin đó. Do đó tin là một sự dự phần vào một niềm xác tín chung. Niềm tin của người khác nâng đỡ tôi, cũng như ngọn lửa niềm tin của tôi chiếu sáng cho người khác và củng cố họ. Giáo hội nhấn mạnh sự xác tín "Tôi" và "Chúng ta" qua việc giáo hội dùng cả hai Kinh Tin Kính trong phụng vụ: Kinh Tin Kính được truyền lại qua các Tông Đồ, bắt đầu với công thức "Tôi tin" (Credo), và Kinh Tin Kính dài hơn được soạn thảo từ Công Đồng Ni-cê-a kéo dài qua công đồng Con-stan-ti-nốp, kinh này được bắt đầu theo hình thức nguyên thủy của nó với câu "Chúng tôi tin" (Credimus).


[/URL][URL="http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-3-Con-nguoi-tra-loi-Thien-Chua-1424/"]Ban Giáo lý Gp.BMT (http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-2-1395/)
Nguồn: gxvinhhuong.net (http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-3-Con-nguoi-tra-loi-Thien-Chua-1424/)
(http://gxvinhhuong.net/vi/giao-xu-vinh-huong-online/Youcat-Giao-ly-Cong-giao-cho-nguoi-tre/YOUCAT-Phan-Mot-Chuong-3-Con-nguoi-tra-loi-Thien-Chua-1424/)