PDA

View Full Version : Khốn cho ai gọi sự dữ là sự tốt lành



littlewave
10-09-2008, 09:50 AM
Khốn cho ai gọi sự dữ là sự tốt lành



ĐTGM Joseph Newmann



Dưới đây là những lời của Đức Tổng Giám mục Joseph Newmann, Tổng Giám mục Kansas City, được ghi lại từ bài nói chuyện của ngài tại Đại hội Tin mừng Sự sống tổ chức ở Denver, ngày 20-10- 2007.



“Điều gì tự bản chất là ác thì chúng ta phải chống”



Mẹ Têrêxa là người đã hiến đời mình để phục vụ những người nghèo nhất trong các người nghèo, đã hơn một lần nói rằng sự nghèo nàn lớn lao nhất trên thế giới không ở trên đường phố Calcutta mà ở đây, trong nước Hoa Kỳ và Tây Âu. Mẹ đã nói: “Còn sự nghèo nàn nào kinh khủng hơn là nói rằng: tôi không thể nuôi thêm được một đứa con. Tôi không thể cho thêm một đứa con áo mặc. Tôi không còn chỗ ở cho một đứa con nữa. Tôi không thể săn sóc thêm một đứa con nữa. Tôi không thể yêu thêm một đứa con nữa”.

Đây là một sự nghèo nàn lớn lao đang bao trùm dân tộc chúng ta trong 35 năm qua - một sự nghèo nàn, giữa cảnh thịnh vượng và giàu sang vô tiền khoáng hậu, đang đặt ra những giới hạn nghiêm khắc cho khả năng yêu thương của chúng ta.

Một trong những đề tài mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đan lại qua thông điệp Tin mừng Sự sống có thể được mô tả là sự khủng hoảng về chân lý. ĐTC Gioan Phaolô tin rằng mọi người đều có thể đến được với chân lý khách quan qua ánh sáng của lý trí. Về điểm này, ngài đứng lên đối đầu với nhiều người trong xã hội Tây phương đang đặt vấn đề với sự hiện hữu của chân lý.

Đối với nhiều người trong nền văn hoá của chúng ta hôm nay, khoan dung và đa dạng đã trở thành những tuyệt đối mới. Chắc chắn rằng những giá trị như thế có nhiều điểm tốt. Khoan dung là một đức tính công dân quan trọng và hữu ích trong một xã hội dân chủ. Và nó phù hợp với giáo huấn Kitô giáo.

Thực ra, là các Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đối xử tốt hơn là hơn khoan dung với người khác là những người có thể không giống chúng ta nhiều cách khác nhau. Chúng ta được mời gọi để tôn trọng mọi người như những người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và những người mà Con Thiên Chúa coi là có giá trị đến nỗi Người phải hy sinh mạng sống mình trên núi Sọ cho họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải tán thành mọi hành vi của họ, chứ đừng nói đến tôn trọng. Có một số hành vi và hoạt động ngược lại với phẩm giá bẩm sinh của con người và làm tổn thương đến quyền hạn và phẩm giá của những người khác.
Điểm muốn nói ở đây chính là những tư tưởng làm nền tảng cho những lập luận của việc phò chọn lựa [phò phá thai] phát sinh từ chủ thuyết tương đối là điều mà ĐTC không đồng ý. Chính sự khủng hoảng về chân lý đã cho phép những cá nhân, về mặt khác thì thông minh, thừa nhận rằng mình chống phá thai cách riêng tư nhưng ủng hộ quyền chọn phá thai của những người khác.

Câu hỏi cần được đặt ra cho những người thừa nhận điều này là: Tại sao quý vị lại chống phá thai cách riêng tư? Tại sao ngay cả nhiều chính trị gia ủng hộ chọn lựa lại nói rằng họ muốn làm cho việc phá thai thành hoạ hiếm? Tại sao lại làm cho một điều trở thành hoạ hiếm nếu điều đó thật sự là một chọn lựa đúng? Lập luận chọn lựa đã rõ ràng là một vận động thị trường cho một điều gì mà tự bản chất là ác độc và ghê tởm.

Khi được đưa vào những giá trị mà người Mỹ quý chuộng như tự do cá nhân, chủ trương phò chọn lựa thật sự là một thực hành trong sự phi lý. Nó không phải là phò chọn lựa theo nghĩa là họ ủng hộ tất cả mọi chọn lựa. Thực ra, một người luôn luôn phải hỏi thêm một câu hỏi nữa: Người ta chọn cái gì? Trong trường hợp phá thai, câu trả lời thành thật là: để phá huỷ một sự sống con người.

Trong một số xóm ở nội thành nơi mà tôi đã phục vụ như một linh mục, đã có một khó khăn lớn về việc hành hung dùng súng. Bạn có thể tưởng tượng được có ai nói rằng họ chống nạn bắn bừa bãi cách cá nhân, nhưng nếu có người nào muốn làm thế thì người ấy được quyền không? Nhưng đó chính là lý luận phi lý mà họ đã dùng trong vài thập niên qua để bào chữa cho việc hợp pháp hoá phá thai - việc huỷ diệt sự sống của một người vô tội.

Nếu không chấp nhận chân lý khách quan thì mọi sự đều có thể điều đình được. Như thế, lương tâm về luân lý của xã hội và cá nhân bị mù loà. Do đó có sự mù mờ trong việc nhận ra điều gì là tốt và điều gì là xấu. Chúng ta trở nên nghi ngờ những cơ chế căn bản cho gia đình và xã hội như là hôn nhân chẳng hạn. Từ việc chối bỏ chân lý tự nhiên, xuất hiện một chủ thuyết hư vô mà ngày nay chúng ta thấy tỏ lộ trong nghệ thuật, văn chương, và phim ảnh. Chúng ta trở nên lẫn lộn về những gì là tốt lành và cao quý. Chúng ta thắc mắc là có gì đáng để hiến đời mình cách nhưng không. Tình trạng lẫn lộn này đưa lại một sự trống rỗng nội tâm. Chúng ta cố gắng làm cho mình rối trí bởi rất nhiều điều, chú tâm đến nhiều trò giải trí hơn nữa, và làm cho mình bị tê liệt vì ma tuý và các thứ nghiện ngập khác.

Tôi nhớ khi còn nhỏ lúc xem một hồi của Vùng Tranh Tối Tranh Sáng (The Twilight Zone). Hồi này bắt đầu với các bác sĩ và y tá đeo mặt nạ giải phẫu đứng chung quanh một giường bệnh của một nữ bệnh nhân mặt bị bọc kín bởi vải băng trừ cặp mắt và lỗ mũi. Từ cuộc đàm thoại thì rõ ràng là dung nhan người phụ nữ này bị tàn phá khủng khiếp mà hàng loạt những cuộc giải phẫu plastic vẫn không sửa chữa được. Họ đã cố gắng thử một lần giải phẫu cuối cùng mà các bác sĩ tin tưởng rằng sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng họ không biết chắc chắn cho đến khi họ gỡ băng khỏi mặt bà này vài ngày sau đó.

Cuối cùng thì họ đến giây phút quyết định - lúc tháo băng - và chúng ta thấy rằng mặt người phụ nữ tuyệt đẹp. Các bác sĩ và y tá lắc đầu thất vọng và xin lỗi vì việc thất bại của họ. Lần đầu tiên họ lấy những mặt nạ giải phẫu ra để lộ những nét mặt cực kỳ ghê rợn. Tình trạng ở Vùng Tranh Tối Tranh Sáng là thế đó: cái đẹp thành xấu và xấu thành đẹp.

Đó là một hình ảnh giúp cho chúng ta thấy hậu quả của thuyết tương đối là thuyết làm mờ quáng một nền văn hoá đến nỗi nó không nhận ra điều gì là tốt, đẹp, và chân thật một cách khách quan nữa. Trong Tin mừng Sự sống, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói thế này về chân lý khách quan: “Tin mừng Sự sống không phải chỉ dành cho các tín hữu, mà cho tất cả mọi người. Vấn đề sự sống và việc bảo vệ cũng như cổ vũ nó không phải chỉ là quan tâm của các Kitô hữu mà thôi. Mặc dù Đức tin cung cấp cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh đặc biệt, vấn đề này được đặt ra trong lương tâm của mọi người đi tìm chân lý và quan tâm đến tương lai của nhân loại. Chắc chắn rằng sự sống có một giá trị thánh thiêng và tôn giáo, nhưng không đời nào chỉ là bận tâm của các tín hữu mà thôi. Giá trị đang bị đe doạ là một điều mà mọi con người có thể hiểu được nhờ ánh sáng của lý trí; như vậy nó phải là quan tâm của mọi người”.

Cuộc chiến đấu bảo vệ thực tại và sự hiện hữu của chân lý không phải là một cuộc chiến mới, mặc dù sức mạnh của thuyết tương đối thế tục ngày nay đang ngấm ngầm phá hoại những nền tảng của nền văn hoá và xã hội một cách đặc biệt và tàn bạo. Chúng ta có thể tìm thấy cuộc chiến giữa chân lý và việc chối bỏ chân lý ngay ở cuộc Khổ Nạn, khi tù nhân bị tố cáo, là Chúa Giêsu, quả quyết rằng: “Tôi đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”, trong khi vị thẩm phán thế gian của Người, trả lời một cách yếu ớt bằng câu hỏi cổ điển của người tương đối: “Chân lý là gì?”

Tôi thà làm môn đệ của Chúa Giêsu còn hơn là làm môn đệ của Phongxiô Philatô.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ