PDA

View Full Version : Nhà thờ Giáo xứ Phanxicô Đakao (Tổng Giáo phận Sài Gòn)



Gia Nhân
20-05-2012, 07:44 PM
Giáo xứ Phanxicô Đakao
(Tổng Giáo phận Sài Gòn)

http://www.giaoxugiaohovietnam.com/SaiGon/01-Giao-Phan-SaiGon-PhanXiCoDakao-00.jpg









Nhà thờ Giáo xứ Phanxicô Đakao
Giáo hạt Sài Gòn
* Nguồn :Trang Web TGP Sài Gòn (http://tgpsaigon.net/)



Địa chỉ : 50 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đakao Quận 1 Chánh xứ : Linh mục Giuse Phạm Văn Bình







Tel : 3822 2294











Web site :

http://gxdakao.org/ (http://gxdakao.org/)






Năm thành lập : 1973













Giờ lễ :
Chúa Nhật : 5:00 - 6:30 - 8:00 - 17:00
Ngày thường : 5:00 - 17:30











GIÁO XỨ PHANXICÔ ĐAKAO
hình thành và phát triển



Lịch sử (http://gxdakao.org/taxonomy/term/3)




http://giothanhle.com/pictures/228_1310525284.jpg




BƯỚC ĐẦU HÌNH THÀNH GIÁO XỨ

Dòng Phanxicô còn gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn, đặt nền móng ở Việt Nam vào năm 1929. Năm 1930, thành lập tu viện đầu tiên ở Vinh. Năm 1935, mở (Tiểu) Chủng viện ở Thanh Hoá. Và năm 1939 xây dựng Học viện Nha Trang (tương đương như Đại Chủng Viện). Đến năm 1950 hai chi nhánh của Dòng được thành lập tại Sài gòn là Đakao và Cầu Ông Lãnh.
Riêng tại Đakao, theo dân gian, trước đây là một vùng đất gò cao, sau đó người ta đọc trại thành “ĐAKAO”.

Vào tháng 7 năm 1950, cộng đoàn Đakao đã mua lại một ngôi biệt thự cũ và buổi đầu các tu sĩ đã dùng ngôi nhà này để ở tạm và làm nơi sinh hoạt.

Tháng 11, cộng đoàn đã khởi công xây cất một ngôi nhà nguyện nhỏ, khánh thành vào ngày 23-6-1951. Ngay từ đầu, cộng đoàn đã mở cửa cho các tín hữu ở vùng lân cận đến dự lễ và lãnh các phép bí tích. Có các sinh hoạt giáo lý, ca đoàn, nhóm Dòng Ba… Số giáo dân lúc bấy giờ cũng chỉ khoảng 200 người. Đây là nhóm tiên khởi của giáo xứ sau này.

Trải qua hai chục năm, quanh khu vực Đakao rộng lớn vẫn chưa có một ngôi nhà thờ nào, cộng đoàn Nhà Dòng thấy đã đến lúc phải có nơi cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo. Ngôi nhà nguyện cũ không đáp ứng đủ cho nhu cầu giáo dân quanh khu vực ngày càng tăng. Cho nên, năm 1972, cộng đoàn đã khởi công xây cất một ngôi nhà thờ mới khang trang và rộng rãi hơn và nay là Nhà Thờ chính của giáo xứ Phanxicô Đakao.

Nhà Thờ được xây dựng theo cấu trúc hai tầng. Tầng trên là Nhà Thờ dành cho việc cử hành Thánh lễ và các bí tích. Tầng dưới dùng cho sinh hoạt họ đạo.

Năm 1973 khánh thành Nhà Thờ và theo giáo luật vẫn chỉ là Nhà Thờ họ thuộc Giáo Xứ Tân Định. Đức Giám Mục giáo phận nhiều lần ngỏ lời thành lập Giáo xứ nhưng vì chưa chuẩn bị nhân sự, nên Nhà Dòng chỉ muốn phục vụ với tư cách một giáo họ “lệ thuộc”.

Đến năm 1975, tình hình đã thay đổi, Nhà Dòng có thêm nhân sự và để phục vụ tín hữu hữu-hiệu hơn, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận để thành lập Giáo xứ độc lập, tách khỏi Giáo xứ “mẹ” Tân Định.


QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XỨ ĐẠO

Khi đã trở thành Giáo xứ độc lập, các sinh hoạt tôn giáo không ngừng được củng cố và phát triển. Sau gần 30 năm, Giáo xứ đã thay đổi 6 đời linh mục phụ trách Xứ :
-Lm Biển Đức Trần Minh Phương là cha Sở đầu tiên 3 năm (1975 -1978)
-kế đến là Lm Bosco Nguyễn Văn Đình 9 năm (1978-1987)
-Lm Savio Nguyễn Chí Chức 3 năm (1987-1990)
-Lm Irênêâ Nguyễn Thanh Minh 9 năm (1990-1999)
-rồi Lm Saviô Nguyễn Chí Chức trở lại 3 năm (1999 -2002)
-và nay Lm An-phong Nguyễn Công Minh phụ trách Giáo xứ, từ tháng 4 năm 2002.

Và vì Giáo xứ vẫn trực thuộc Dòng, nên ngoài thành phần giáo dân chính thức, nhiều người ở các địa phương xa xôi khác, mến mộ tinh thần thánh Phanxicô cũng thường xuyên đến đây sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là các anh chị em Dòng Ba Phanxicô.

Giáo dân trong xứ cũng thường tăng giảm theo thời điểm. Từ cộng đoàn tiên khởi 200 người, đến năm 1975, số giáo dân đã trên 2.000 người và những năm sau đó, vì kế sinh nhai hoặc vì nhiều nguyên do khác, số giáo dân lại giảm dần. Sau đợt giải toả lớn, giáo dân phân tán các nơi, nên hiện nay (năm 2004) còn khoảng 1.000 tín hữu. Tuy vậy, các ngày lễ trọng, Chúa nhật, giáo dân các nơi vẫn tới tham dự Thánh Lễ đông đảo. Mỗi Chúa nhật có 5 Thánh Lễ (kể cả lễ chiều thứ bảy thay thế Chúa nhật) dành cho các giới, chưa kể các thánh lễ dành cho Hội đoàn, Nhóm.
Địa hình Giáo xứ Phanxicô Đakao không như nhiều Giáo xứ khác trong thành phố. Với đặc điểm là giáo dân không “toàn khối” sống tập trung thành một nơi, mà phần lớn là “người góp” của dân cả ba miền : Bắc, Trung, Nam, giáo dân Đakao ở tản ra trên địa bàn rộng trong các khu phố cách biệt nhau.

Theo nhận xét của linh mục cựu chánh xứ Nguyễn Thanh Minh : Trong điều kiện giáo dân sống phân tán và cách biệt về mức sống như thế, việc tạo cho người dân có ý thức sâu sắc về cộng đoàn giáo xứ thực tế không đơn giản. Bởi thế đòi hỏi cộng đoàn tu viện phải nỗ lực, làm việc nhiều hơn. Và một trong những ý hướng đó, giáo xứ đã thành lập Hội Đồng Giáo Xứ và chia thành nhiều Xóm, có người đứng đầu phụ trách. Giáo xứ còn luôn tạo cơ hội cho cộng đoàn học hỏi, tiếp xúc với Lời Chúa, đặc biệt đối với những người trẻ. Hướng các thành phần trẻ học tập, đào sâu về Lời Chúa không chỉ thuần lý thuyết mà còn kết hợp với các buổi sinh hoạt, tổ chức các cuộc thi tranh vẽ về tôn giáo nhằm gây ý thức và nâng cao trình độ tôn giáo cho các em…

Về các hoạt động từ thiện, xã hội, Giáo xứ vẫn dựa trên tinh thần thánh Phanxicô, chăm lo cho những người bất hạnh hơn hết. Giáo xứ đã tham gia nhiều sinh hoạt, hỗ-trợ cho những người nghèo sống quanh khu vực. Tham gia vào mạng lưới y tế phường, bảo trợ thiếu nhi, mở các lớp năng khiếu và luôn hướng các thành phần trẻ tham gia vào các lãnh vực xã hội…

Giáo xứ Phanxicô Đakao, vừa là Giáo xứ vừa là điểm hoạt động của tu viện, nên còn quan tâm đặc biệt đếùn các sinh hoạt tôn giáo trong Giáo phận như sinh hoạt Liên Tu sĩ (trên 20 năm), các lớp nhạc dành cho các ca trưởng trong một số Giáo xứ …

(Bài viết của Trọng Nguyên,
đăng trong tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 927, ngày 3-10-1993,
với một vài thay đổi nhỏ cho phù hợp với thời điểm 2004)


NGHĨ VỀ GIÁO XỨ ĐAKAO
(bài viết của một giáo dân trong Giáo xứ)

Trải qua 12 năm làm việc trong Hội Đồng Giáo Xứ, với chức danh thư ký, và sau này gọi là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ với chức danh là Phó Chủ Tịch Nội Vụ, tôi cảm nhận một vài điều sau đây về giáo xứ Phanxicô Đakao và về các cha chánh xứ Đakao khi làm việc chung với các vị.
Về các cha chánh xứ – và phụ tá trong xứ

Có thể nói tắt một chữ : dấu ấn mọn hèn. Các cha Phanxicô Đakao thật sự hiền lành và khiêm nhường. Làm việc chung với các ngài, chúng tôi luôn được tôn trọng và luôn được lắng nghe : dù có thể cách giải quyết vấn đề có chậm nhưng lại chắc về cách hành xử : hiền lành và khiêm nhượng luôn là chìa khóa vàng của các cha Phanxicô. Đúng như Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm : Hãy học cùng Tôi … chỉ hai điều ấy mà thôi … (xem Mt 11, 29).

Cha Biển-đức Trần Minh Phương và cha Bosco Nguyễn Văn Đình : tôi không được diễm phúc làm việc chung với các cha, nhưng được nghe các ngài dạy dỗ, một cảm nhận về sự khôn ngoan và hoạt bát của các ngài, luôn khiến cho tôi cảm phục và yêu mến. Chính hai cha là những người đầu tiên đã giúp tôi rất nhiều trên đường tìm biết và sống với Chúa thân thiết ra sao.
Đến thời cha Saviô Nguyễn Chí Chức, với cách làm việc từ tốn, chậm chậm, nhưng lúc nào cũng hiền lành, nên cha được nhiều người thương mến.

Cha Irênê Nguyễn Thanh Minh trẻ trung hơn, nhưng cung cách cũng rất khiêm cung hiền lành, an bình thư thái, mà vì thế được nhiều người mến thương.

Và cha An-phong Nguyễn Công Minh : ngoài bản chất mọn hèn như trên, cha còn được gọi đùa (mà thật) là tiến sĩ Chicago. Với tính cách trẻ và vui, cha hay thân mật đùa vui với tất cả : già trẻ bé lớn, nên mọi người lại càng làm việc hăng say hơn.

Đúng là cùng linh đạo và cùng một “lò đào tạo và giáo dục !”

Qua sự dẫn dắt của các cha Phanxicô : chúng tôi được lớn lên trong đức tin – đức cậy và đức mến. Dần dần theo thời gian và hoàn cảnh thay đổi, giáo dân được lớn lên trong tình yêu thương và nâng đỡ của Nhà Dòng và cụ thể là của Giáo xứ, mà chúng tôi cũng càng ngày càng được trưởng thành hơn.

Về địa hình và cách sống phân bố tản mạn của giáo dân trên địa bàn

Đối với tôi, địa hình và cách phân bố hiện tại của Giáo xứ là một thuận lợi lớn cho công trình truyền giáo, vì Giáo xứ nằm kế bên chợ, trường học, và nhất là có nhiều chung cư vừa mới thành lập. Việc loan báo Tin Vui xem ra dễ rao truyền hơn, nếu biết ý thức và phát huy được lợi điểm này. Đó là những nơi dễ thông tin vì mật độ tập trung dân cư cao.

Đối với tôi, việc sống chung trong một Giáo xứ toàn tòng có luỹ tre xanh bảo vệ không phải là một thuận lợi cho công cuộc truyền giáo trong thế giới hôm nay.

Về chương trình học tập thường xuyên trong giáo xứ

Các cha Phanxicô luôn lo lắng trau dồi cho chúng tôi được học thêm nhiều thứ, như : chương trình học Kinh Thánh dài hạn do cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh giúp vào mỗi chiều thứ ba trong thánh lễ trước đây; những bài giáo lý ngoại khóa về Thần học Giáo Xứ , Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, những chuỗi bài Tâm Lý về đời sống Tình yêu - Hôn Nhân- Gia đình, những Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ trước đến giờ và mới đây là Thư Mục Vụ về Truyền Giáo; Huấn thị về Phụng vụ có tên là “Bí Tích Cứu Độ” …

Các lớp Giáo lý Dự tòng và các lớp Giáo lý Hôn nhân được liên tục mở ra : Tuy 90% học viên không thuộc Giáo xứ nhưng điều đó cũng nói lên sức lôi cuốn (mà cũng có thể là do thuận tiện) mà nhiều người tuốn đến theo học.

Giáo lý viên cũng được thường xuyên trau dồi ôn luyện về chuyên môn sư phạm lẫn nội dung giáo lý để theo kịp với đà phát triển của xã hội hôm nay.

Các cha các thầy trong Dòng thay phiên nhau đứng lớp, cũng như mời thêm các bác sĩ và chuyên gia cho phù hợp với nội dung chuyên môn.

Mùa hè, đa số được nghỉ. Các ban ngành đoàn thể được Giáo xứ hỗ trợ để đi xa tham quan và sinh hoạt hè, để bồi dưỡng sức khỏe hầu tiếp tục làm việc trong niên khoá mới.

Về hoạt động trong giáo xứ trong các dịp đặc biệt
Để chuẩn bị cho việc mừng 20 năm thành lập giáo xứ, cách đây 10 năm, vào năm 1995, cha sở lúc đó là Irênê Nguyễn Thanh Minh đã cho chúng tôi làm đặc san, học tập về thần học giáo xứ, sơn phết lại nhà thờ, và nhất là giao lưu giữa các nhóm. Tất cả các ca đoàn trình diễn thánh ca, diễn văn nghệ, triễn lãm giới thiệu nhóm và lịch sử giáo xứ.

Để mừng Chúa xuống thế được 2002 năm : cha An-phong Nguyễn Công Minh cho giáo xứ chúng tôi mở một Hội Chợ Vui Giáng Sinh để cho những người bước đến nhà thờ, được mừng lễ và vui chơi với nhau. Đây là cơ hội tạo sân chơi cho các bạn trẻ, các phụ huynh và thiếu nhi, mà cũng là dịp trổ tài khéo léo của các chị em phụ nữ trong giáo xứ, lại cũng vừa là nơi thưởng thức tài nghệ. Hôm ấy, nghe đâu một số bạn hàng trong chợ Đakao cũng kéo nhau vừa cho biết nhà thờ, vừa ăn quà, vừa uống sữa miễn phí, vừa vui trò chơi, và hát Karaokê giá gần như “vô” giá (vô là không !). Đó cũng là một dịp để cho mọi người thấy Chúa yêu thương con người, đã từ trời hạ san làm người trong chính thân phận của con người.

Về Phụng vụ và việc đạo đức bình dân
Những giờ chầu Thánh Thể mới được tổ chức lại trong Giáo xứ, với sự góp mặt theo phiên của từng Xóm và từng đoàn thể. Ai không phải phiên mình vẫn được mời gọi tham dự kính thờ. Bí tích này xưa kia Chúa Giêsu đã lập vào tối thứ năm, thì nay giờ chầu Thánh Thể cũng diễn ra vào chiều thứ năm, từ 17:00 đến 17:30.

Việc đọc Giờ Kinh Phụng Vụ vào mỗi sáng sau giờ lễ, tức khoảng 5:30, và mỗi chiều trước giờ lễ, tức khoảng 17:10 đã được thiết lập từ lâu. Dân chúng tham dự Giờ Kinh Chiều thường đông hơn giờ Kinh Sáng. Điều này cũng không khó hiểu.

Những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền thường được tổ chức long trọng vào đêm Giao Thừa với nghi lễ rước tổ tiên - ông bà về ăn tết với con cháu. Linh mục chủ tế mặc quốc phục áo dài, khăn đóng. Có hái lộc Lời Chúa là một câu Thánh Kinh và hưởng lộc tổ tiên là một bánh chưng xanh. Ít thấy hoặc chưa thấy Xứ nào có phát lộc tổ tiên như Giáo xứ Đakao !

Về dâng hoa trong tháng 5, tháng 10 hằng năm, cũng được Giáo xứ quan tâm như là một hoạt động tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ. Dòng Phanxicô chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Bổn mạng vì thánh Phanxicô là người yêu mến Đức Mẹ và anh em của ngài đã cổ võ, chứng minh, biện luận… để ngày 8.12.1854 ĐGH Piô IX tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm này. Giáo xứ mang tên Phanxicô cũng phải biểu lộ lòng sùng kính Mẹ như chính thánh bổn mạng.

Để mừng Năm Mân Côi 2003, Giáo xứ thiết lập giờ kính Mẹ vào mỗi chiều thứ bảy sau Thánh Lễ. Cả Nhà Thờ kéo xuống Đài Mẹ vừa đi vừa hát và qui tụ chung quanh Mẹ, dâng lên Người những bông kinh hoa hường của cả năm sự Vui, Thương, Mừng, Sáng.

Các thánh lễ cầu nguyện cho các giới đều được quan tâm : bệnh nhân – người già – người nhiễm HIV – thiếu nhi – giới trẻ – Lễ Thánh Gia Thất dành cho người sống ơn gọi gia đình – Lễ thánh Giuse, Bổn Mạng các gia trưởng, xóm trưởng, những người mang trách nhiệm trưởng. Có những dịp, một kỷ vật ý nghĩa được trao tận tay ngay sau các Thánh Lễ này.

Ngày 4 tháng 10 năm 2003, Lễ 777 năm sinh nhật trên trời của Thánh Phanxicô (1208-2003), cũng như ngày 20-5-2004, Lễ 75 năm thành lập Dòng Phanxicô tại Việt Nam (1929-2004) là những dịp quy tụ một số lớn giáo dân chung quanh bàn tiệc Thánh Thể tại Nhà Thờ Đakao. Sau lễ là Lộc Thánh Phanxicô dành cho con cái ngài. Đặc biệt, trong lễ 777 năm, Giáo xứ đã làm một ổ bánh lớn, và cắt ra 777 phần, phân phát cho những người đến dự Lễ.

Các Thánh lễ “Vui với người vui”[1] (Hôn Phối, Thánh Tẩy, Thêm Sức…) và Thánh Lễ “Khóc với người khóc” (An táng) được quan tâm đặc biệt. Lễ cưới được trải thảm đỏ mời vào nhà thờ, 2 hàng ghế có treo nơ hồng, và bàn quỳ - ghế cô dâu chú rể đều được lót vải hồng. Phép Rửa được cử hành trong Thánh lễ Chúa nhật tại Giếng Thánh Tẩy đặt nơi gian Cung Thánh. Tại đây, người được rửa tái sinh làm con Chúa. Lễ An táng, quan tài được đưa lên Nhà Thờ trên cao, và được các linh mục trang trọng tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Về hoạt động Truyền Giáo
Buớc vào Năm Thánh Truyền Giáo 2004, cha sở và giáo dân đã liên tục làm theo những chỉ dẫn của Lá Thư Hội Đồng Giám Mục về Truyền Giáo, đặc biệt thực thi đề nghị (có lẽ là của Đức Hồng Y Saigon) trong Lá Thư này: kết nghĩa với các gia đình không công giáo. Việc kết nghĩa này đã làm chúng tôi thêm gắn bó với hàng xóm láng giềng và giúp cho tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà yêu thương.

Giáo xứ cũng tổ chức buỗi diễn nguyện vào dịp Tĩnh Tâm Mùa Chay 2004 để gợi ý về cung cách sống đạo : ngày hôm nay cần những chứng nhân, hơn những thầy dạy trong công cuộc truyền giáo.
Các bữa ăn cho các người nhiễm HIV, khuyết tật, cũng được mở ra trong Mùa Tết, Phục Sinh, Giáng Sinh, như là một việc truyền giáo “trên năm đầu ngón tay” (từ ngữ của mẹ Têrêxa Calcutta).
Các lớp Năng khiếu : Nhạc lý – xướng âm – đàn organ – đàn guitar – các nhạc cụ dân tộc – thư pháp – họa – nắn tượng – nấu ăn – ngoại ngữ – vi tính… được Giáo xứ mở ra với mục đích quy tụ đội ngũ giáo viên và quy tụ học viên đủ mọi giới – đủ mọi nơi – không phân biệt lương giáo, tuy chưa đào tạo được những người thợ giỏi lành nghề như các trường dạy nghề chuyên nghiệp, nhưng ít nhất cũng đem lại cho Giáo xứ bầu khí nhộn nhịp hơn, có nhiều người lui tới hơn và tạo nên một gia đình biết quan tâm đến nhau, nhất là quan tâm thăng tiến – phát triển con người về mọi mặt. Nhà Thờ (hay Hội Thánh) là nơi quy tụ. Rao giảng để quy tụ và quy tụ để rao giảng. Các lớp học là một hình thái của “qui tụ.”





http://gxdakao.org/ (http://gxdakao.org/)