PDA

View Full Version : Giáo xứ Kim Phát ( Giáo phận Đà Lạt)



Gia Nhân
07-06-2012, 09:00 PM
Giáo Xứ Kim Phát ( Giáo Phận Đà Lạt)



http://www.simonhoadalat.com/TacPham/Website/Dalat-GXKimPhat.jpg


I> Quá Trình Hình Thành

Giáo xứ Kim phát, thuộc giáo hạt Đức trọng, giáo phận Đà Lạt, nằm kế cận giáo xứ Thanh bình, chỉ cách nhau một cây cầu, trên quốc lộ 27. đi từ Liên khương đến Đắc lắc.
Giáo xứ Kim phát được hình thành từ ngày 30.11.1955 khi cha Antôn Nguyễn minh Tâm (https://thanhcavietnam.net/forum/antonTam.htm) đem một số giáo dân chừng 215 người từ Khâu băng tỉnh Bến tre đến lập nghiệp. Số người này thuộc huyện Kim sơn, Phát diệm, nên xứ đạo được đặt tên là Kim phát. Trong hoàn cảnh thiếu thốn ban đầu, cha già Tâm đã cùng giáo dân cất được một ngôi nhà nguyện tạm (https://thanhcavietnam.net/forum/nhanguyentam.html), chứa được khoảng 200 người, và giúp đỡ họ dần dần ổn định được cuộc sống.
Ở với giáo dân được 10 năm, vào tháng 11 năm 1965, cha già xin về hưu tại Thủ đức. Cha ra đi, để lại giáo xứ vắng bóng cha xứ lâu ngày, từ tháng 11 năm 1965 đến tháng 9 năm 1974. Trong thời gian này, cha Laurensô Đỗ ngọc Giá (https://thanhcavietnam.net/forum/DoNgocGia.html) coi xứ Thanh bình được lệnh kiêm nhiệm xứ Kim phát cùng với các cha phó kế tiếp nhau cộng tác với ngài: Cha Đỗ Ngọc Thuần, cha Giuse Dương Ngọc Châu, Cha Đaminh Nguyễn Nam Bắc. Cũng trong thời gian này, giáo dân đã xây dựng được một ngôi nhà thờ lớn rộng hơn, có sức chứa được 300 người.
Một giai đoạn mới được mở ra cho giáo xứ : ngày 01.09.1974, cha Giuse Nguyễn Đức Hậu (https://thanhcavietnam.net/forum/nguyenduchau.html), phó xứ Thánh Mẫu, Bảo Lộc, được bổ nhiệm về làm Cha Xứ Kim phát. Sau thời gian dài vắng bóng cha xứ, giáo xứ như tìm lại được sức sống tinh thần mới và sinh hoạt thật sầm uất. Chẳng được bao lâu, tháng 6.1978, Cha Nguyễn Đức Hậu rời xứ, giáo xứ lại vắng bóng Linh mục hơn một năm.
Đến ngày 07.07.1979 Đức cha Bartôlômêô Nguyễn sơn Lâm (https://thanhcavietnam.net/forum/nguyensonlam.html), đã cử Cha Giuse Đinh Lập Liễm (https://thanhcavietnam.net/forum/DinhLapLiem.html), giáo sư Chủng Viện Simon Hoà Đà lạt, về làm Cha Xứ. Sự hiện diện năng động của Cha trong một thời gian ngắn đã thay đổi được tinh thần giáo dân, và dần dần thay đổi cả bộ mặt vật chất nữa.
Ngoài ra, bên cạnh việc coi sóc giáo dân tại giáo xứ, Cha còn quan tâm nhiều đến số giáo dân đông đảo ở các vùng kinh tế mới chưa có Linh mục phụ trách, Cha đã qui tụ tất cả về giáo xứ Kim Phát, lập thành những họ lẻ của giáo xứ. Mỗi họ đã có Ban Phần Việc, Ca Đoàn, Ban Quản Giáo để duy trì các sinh hoạt thường xuyên của họ giáo. Theo thứ tự thời gian thành lập: họ Đoàn Kết (từ năm 1981), họ Tân Văn, họ Hòa Lạc, họ thị Trấn Đinh Văn, họ Dampao, họ Lán Tranh, họ Nam Ban. Hiện nay họ Lán Tranh, Nam Ban, Đoàn Kết và Tân Văn đã xây xong nhà thờ và có các cha coi sóc.


II> Kim Phát Ngày Nay

Trước ngày giải phóng, số giáo dân chỉ có 300 người, nay con số giáo dân lên tới 1900 người. Giáo xứ được chia thành 3 xóm. Có Ban Phần Việc gồm 9 người. Có các đoàn thể như : Gia Truởng, Hiền Mẫu, Thanh Niên, Thiếu Nhi, Hội Mân Côi, Hội Người Cao Tuổi, các Ca Đoàn. Mỗi hội đoàn phải tự túc tự cường sinh hoạt theo chương trình đã được ấn định.
Các đoàn thể sinh hoạt bình thường. Riêng các em thiếu nhi từ 6 tuổi trở lên được học giáo lý theo chương trình của giáo phận. Các lớp học được học tập trung vào chiều Chúa nhật. Sau giờ học, các em thiếu nhi sinh hoạt trong khuôn viên nhà thờ dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giáo lý và Huynh trưởng. Sau đó các em vào nhà thờ tham dự thánh lễ ban chiều dành riêng cho các em.

Giáo xứ Kim phát đồng thời cũng là thôn Kim phát, giống như giáo phận Đà lạt nằm gọn trong tỉnh Lâm đồng. Số giáo dân công giáo chiếm tỷ lệ 97%, người ngoại giáo chỉ chiếm 3%, giáo xứ được coi như giáo xứ toàn tòng. Trong những ngày cưới và giỗ của người ngoại giáo, Cha Xứ đều được mời đến tham dự, lương giáo sống với nhau rất hài hoà, không phân biệt tôn giáo.
Chính quyền xã Bình Thạnh đã trao cho giáo xứ Kim Phát quản lý khu nghĩa trang (https://thanhcavietnam.net/forum/nghiatrang.html), nên giáo xứ đã lập ra ban tang lễ lo việc ma chay cho giáo dân cũng như người ngoại giáo, trong ban tang lễ cũng có đại diện của người ngoại giáo. Giáo xứ đã qui định những thủ tục cũng như các lễ nghi trong việc chôn cất. Mọi người nhất trí tuân theo. Ban tang lễ lo cho nhà hiếu, hoàn toàn miễn phí. Mọi đám táng bằng nhau, không phân biệt giầu nghèo. Nhà hiếu không được tổ chức ăn uống linh đình cho bà con trong thôn xóm.
Ngoài ra, giáo xứ cũng qui định cách thức tổ chức cưới xin cho hợp với đời sống mới : gọn nhẹ, đúng giờ, không kéo dài, không say sưa, bớt tốn phí. Mỗi ngày chỉ có một lễ cưới và một đám cưới, nên bà con ăn cưới tập trung. Tất cả đã thành một hương ước không thành văn nhưng đã được bà con giáo dân thi hành triệt để. Đây cũng là thể hiện nét văn minh của thôn văn hóa Kim phát.
Giáo xứ chưa có ơn kêu gọi đi tu cho đông đảo, nhưng cũng đã đóng góp cho Giáo hội và Giáo phận được 3 Linh mục , 10 nữ tu khấn trọn và một số đệ tử các dòng.
Từ năm 2000 đến nay, giáo xứ đã xây dựng được nhà thờ (https://thanhcavietnam.net/forum/Nhatho.html), nhà xứ (https://thanhcavietnam.net/forum/nhaxu.html), hội trường và nhà giáo lý cùng với hai công viên Đức Mẹ và Thánh Giuse, có vườn hoa cảnh đẹp mắt. Ban tối, giáo dân có thể đến hóng mát hoặc đến đọc kinh trước tượng đài.
Sau 50 năm thành lập. Giáo xứ Kim phát dã được ổn định mọi mặt, đã đi vào nề nếp, không có gì nổi cộm. Các sinh hoạt diễn tiến bình thường. Mọi người đang đoàn kết xây dựng Giáo hội và Giáo xứ trong yêu thương và phục vụ.

Lm. Giuse Đinh lập Liễm
Quản xứ Kim phát