PDA

View Full Version : Sức mạnh của lòng tha thứ (2)



mayxanh1234
18-07-2012, 08:09 PM
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vivn/chuyenkhotin/2011/3/54986.cand

Đây là một chứng từ rất cảm động về tình nhân ái và lòng tha thứ được đăng trên trang nhà của báo công an nhân dân . Xin mời anh chị em đọc

Câu chuyện thứ 132: Chuyện gửi từ trại giam
2:40 PM, 15/01/2011









Kính thưa các anh các chị!

Cả đời tôi, chưa bao giờ cầm bút để viết nổi một chữ cái, nói chi tới một bức thư cho bất kỳ ai. Đơn giản là vì tôi mù chữ, tay tôi không biết cầm bút, tôi chưa bao giờ được đến trường, và hình như chưa từng làm một con người bình thường đúng nghĩa cho tới ngày hôm nay.

Thế nhưng cuối cùng, cái công việc khó khăn nhất, xa xỉ nhất tôi chưa bao giờ làm, thì nay tôi đã làm, đó là xoá mù chữ cho bản thân để từ sau song sắt nhà tù, tôi viết một bức thư gửi tới quý báo đúng vào đêm Noel và dịp đón mừng năm mới.

Người đời vẫn thường nói, con người ta sinh ra có số kiếp. Số sung sướng thì sinh ra nơi sung sướng. Số cao sang, sinh ra nơi cao sang. Số hèn mọn thì sinh ra trong hèn mọn. Số phận của tôi thuộc vào tầng lớp tận cùng của xã hội. Tôi không trách số phận mình, bởi từ khi sinh ra tôi đã cho rằng mình là một kẻ lạc loài, không số phận. Tôi không biết vì sao tôi được sinh ra, tại sao lại có tôi trên đời này.

Ba má tôi là ai, họ gặp nhau thế nào, má tôi sinh tôi thế nào, sao tôi lại tồn tại được mà không có họ? Chịu, tôi không bao giờ hé mở nổi bí mật về nguồn gốc bao phủ quanh đời mình, và vì không biết được gốc gác, cội nguồn, không có một lý do chính đáng cho sự tồn tại của mình, tôi đâm ra bất hảo và ương ngạnh.

Chỉ biết rằng tôi lớn lên ở cô nhi viện, giữa những bà xơ ít nói, câm lặng trong một thế giới bí ẩn. Tôi đã thoát khỏi cô nhi viện năm lên 7 tuổi, trong một lần tôi được các bà xơ dẫn ra khỏi cô nhi viện để đi tìm nơi nhập học.

7 tuổi, tôi đã lang thang và gia nhập vào đám bụi đời sống du thủ du thực. Lại nói chuyện ông già Noel, tôi chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của ông ấy. Đơn giản, tôi chưa từng bao giờ được nhận quà của ông già Noel. Ngay cả khi, ông già Noel hoàn toàn có thể đến, xuất hiện và tồn tại trong cuộc sống của tôi trong giai đoạn tôi còn ở cô nhi viện thì điều đó cũng chẳng bao giờ xảy ra.

Ở cô nhi viện, tôi là đứa trẻ không bao giờ nhận được quà của ông già Noel nhân dịp Lễ Giáng sinh. Đơn giản vì tôi là một đứa trẻ hư, ông già Noel không yêu nên không có quà. Các bà xơ giải thích với tôi như vậy khi mỗi dịp Giáng sinh đến, mặc cho tôi hồi hộp nằm mơ ngủ thì chiếc tất của tôi treo ở cửa sổ không bao giờ có lấy 1 viên kẹo nhỏ.

Tôi nghịch ngợm và hư đốn, nên ông già Noel không yêu, cả các bà xơ cũng không yêu tôi, họ luôn kêu ca phàn nàn về tôi và ghét tôi như ghét một đứa trẻ hỗn láo.

Tôi ghét ông già Noel, bởi suốt cả tuổi thơ tôi, ngay cả những năm tháng lang thang ngủ đầu đường xó chợ, chưa bao giờ ông già Noel cám cảnh tôi mà ban cho một ân phước nhỏ. Tôi ghét Giáng sinh, tôi ghét tết, tôi thù ghét nụ cười, thù ghét những gương mặt hân hoan, thù ghét tất cả những gì có thể gọi tên là niềm vui, hay hạnh phúc. Tôi căm thù những ai có cuộc sống sung sướng.

Tôi căm thù những ai cười với tôi. Tôi có một ước muốn bệnh hoạn đến tột cùng là mang lại đau khổ cho người khác. Làm cho ai đó đau đớn, khóc lóc, buồn khổ là trong lòng tôi dấy lên một niềm hân hoan khó tả. Tôi thích và thèm khát gây đau khổ cho người khác. Tôi tồn tại và sống bằng nghề ăn cắp, móc túi đầu đường xó chợ.

Cứ ăn cắp của những ai có gương mặt vui vẻ, hay ai đó cười nhiều mà tôi ghét. Nếu không may, trong những lần móc túi, ăn trộm, tôi bị người ta phát hiện ra thì ngay lập tức tôi nổi máu côn đồ đánh trả người bị hại của tôi thừa sống thiếu chết. Tôi nổi tiếng hung ác, lỳ lợm và vô cảm trong giới bụi đời. Sở dĩ tôi tồn tại được trong đám lang thang du thủ du thực là vì tôi không một mảy may rung động trước bất kỳ ai, trước bất kỳ cảnh đời nào.

Tôi không động lòng trắc ẩn trước khổ đau của người khác. Ngược lại tôi khoái trá và sung sướng khi gieo sự sợ hãi, độc ác của mình cho người khác. Khi tôi tròn 20 tuổi, tôi đã trở thành kẻ đâm thuê chém mướn ở khu vực chợ BT cũ ở SG. Gương mặt tôi đầy sẹo, người tôi đầy sẹo, đó là chứng tích cho cuộc đời của một kẻ đâm thuê chém mướn.

Thế rồi, con thuyền đời vô định lang thang của tôi cũng một ngày bị sóng dữ nhấn chìm khi cứ mặc nhiên lao vào vòng xoáy lốc của biển đời. Trong một phi vụ đâm thuê chém mướn, tôi đã hành động quá tay làm chết một mạng người. Tôi bị lệnh truy nã gắt gao và chính trong những ngày tháng trốn truy nã, số phận tôi bỗng dưng bước sang một khúc ngoặt lớn.

Tôi không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ định mệnh ấy trong một đêm Noel. Tôi không tin có Chúa tồn tại, nhưng vào đêm Giáng sinh năm ấy, tôi trốn chui lủi đã 5 ngày trời chưa có một hạt cơm hay một mẩu bánh vụn vào dạ dày. Tôi mệt lả và kiệt sức vì những ngày cuối năm đen đủi không tìm kiếm được bất kỳ con mồi nào để móc túi, để cướp của kiếm tiền.

Tôi đành phải lê lết tấm thân của mình đến nhà thờ xin ăn. Đêm Giáng sinh, nhà thờ đông nghẹt người. Tất cả đều bận rộn cho công việc lễ Chúa. Tôi đã mò vào ngôi nhà phía sau nhà thờ, nơi đó có hai cha con người gác chuông ở để kiếm cái ăn. Chưa kịp giở mánh trộm cắp, tôi đã ngất xỉu ở bậu cửa. Khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên đến đỉnh đầu.

Tôi được đặt nằm trên chiếc giường duy nhất trong căn nhà gỗ nhỏ xíu của hai ông cháu. Chỉ đến lúc này tôi mới biết đó là hai ông cháu chứ không phải hai cha con vì cô gái nhỏ gọi người gác chuông là ông ngoại. Tôi được hai ông cháu gác chuông chăm sóc chu đáo.

Đó là khoảng thời gian duy nhất và vô cùng ngắn ngủi tôi được sống trong một thế giới khác, cảm giác khác mà tôi chưa từng bao giờ trải qua. Tôi bị ốm, lần đầu tiên trong đời cái thằng tôi dọc ngang trời đất, lấy đất làm chiếu lấy trời làm màn lại có thể ngã bệnh. Tôi được hai ông cháu gác chuông chăm sóc tận tình chu đáo từng viên thuốc nhỏ, từng bát cháo nóng hổi.

Tôi được nằm trên chiếc giường duy nhất trong căn nhà, được chăm sóc mà không cần phải biết vì sao. Hai ông cháu không một ai hỏi tôi từ đâu tới, vì sao lại đau ốm, vì sao lại bơ phờ lang thang như một kẻ không nhà không cửa. Họ lặng lẽ cho tôi ăn, bón cho tôi từng bát cháo, viên thuốc mà không một lời cật vấn hay tò mò hỏi han gia cảnh.

Tôi ở nhà ông cháu gác chuông được 3 ngày thì đỡ sốt. Lúc này, sức khoẻ đã hồi phục, tôi đã có thể ra đi, thế nhưng tôi nấn ná ở lại thêm vài ngày nữa, không phải là vì quyến luyến tình người cảm động của hai ông cháu mà không nỡ rời đi. Tôi muốn ở lại để tìm xem tiền của họ cất ở đâu, và bằng cách nào tôi có thể cướp được tiền của họ để làm "vốn liếng" cho hành trình phía trước.

Trong nhà hai ông cháu chỉ có một cái rương sắt nhỏ lúc nào cũng khoá kỹ. Chìa khoá ông già đeo trước cổ. Đoán chắc trong rương cất tiền tiết kiệm dành dụm được, tôi đã rắp tâm tính toán chuyện cướp. Thế rồi, ngay buổi tối hôm ấy sau 3 hôm tôi đỡ bệnh, đợi khi cô cháu gái đi ra phố có việc, sau lễ chuông, khi ông già quay trở về nhà, tôi đã lạnh lùng ra tay gí dao vào cổ ông già để bắt ông mở chiếc rương cho tôi cướp tiền.

Vào lúc ông già hoang mang run rẩy mở chìa khoá rương, và tôi vơ vội bọc tiền cất kỹ trong túi nilông nhét vào túi, đúng lúc cô cháu gái trở về. Nhìn thấy tôi đang tóm cổ ông già, một tay gí dao vào sát cổ ông, cô gái rú lên một tiếng thất thanh rồi ngất xỉu. Manh động một cách bản năng, lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản sẽ giết cả hai ông cháu cho rảnh tay để có tiền đi tiếp.

Tôi chưa kịp vung dao chém thì ông già chắp hai tay van lạy tôi: "Anh cứ lấy tiền đi đi, chúng tôi cũng không cần chỗ tiền ấy đâu. Đừng giết tôi, đừng động đến cháu gái tôi. Nó không có ba, không có mẹ, tôi cưu mang nó từ nhỏ. Anh mà giết tôi thì ai sẽ nuôi nó, làm sao nó sống được một mình mà không có ông bên cạnh. Xin anh rủ lòng thương tha mạng, anh có thể lấy tiền đi đi và đừng làm hại chúng tôi. Tôi xin anh. Tôi sẽ không báo với công an đâu. Anh chạy đi". Tôi đã buông ông già ra và lận lưng bọc tiền và biến nhanh ra khỏi nhà của hai ông cháu gác chuông.

Tôi đã ra khỏi nhà hai ông cháu gác chuông trong một tình huống khốn nạn như vậy đó. Hành động đáp ân trả nghĩa của một thằng người không từng có khái niệm ân nghĩa là gì. Tôi tham gia thêm mấy vụ cướp giật nữa và không lâu sau đó thì bị tóm trong một vụ ẩu đả gây thương tích nặng cho người khác. Tôi bị toà xử mức án cao nhất là Tử hình vì một loạt tội ác mà tôi gây ra trong đó đủ cả cướp của, giết người, gây thương tích.

Với một kẻ chưa từng cảm nhận được giá trị của cuộc sống thì việc biết rằng, mai mốt mình sẽ chết vì những tội ác mình gây ra với tôi cũng như là sự hên xui của số má. Chết thì chết, tử hình thì tử hình, đời có gì vui đâu mà sống cho dài lâu. Nói chung tôi là một kẻ mồ côi, thất học, vô cảm, bởi vậy mà mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời tôi kể cả là phải đối diện với bản án tử hình thì tôi cũng chẳng thấy đó là sụp đổ hay tuyệt vọng. Tôi đã có cảm giác tôi chính là con thú hoang đầu thai lạc vào một hình hài con người.

Nhưng, có một sự kỳ lạ mà số phận đã bắt tôi phải đón nhận, đó là ông già gác chuông, ân nhân và cũng là nạn nhân của một kẻ cướp khốn nạn là tôi. Không hiểu tại sao, khi tôi bị bắt, rồi bị toà xử. Lần xử án nào, ông già gác chuông cũng có mặt để theo dõi phiên tòa. Tôi nhớ như in, phiên sơ thẩm, tôi bị tuyên án tử hình.

Chẳng thèm nói một câu bào chữa, chẳng mảy may xúc động hay sợ hãi, tôi mặc nhiên cho chuyện gì tới ắt sẽ tới. Nhưng ít lâu sau đó, phiên phúc thẩm, không hiểu sao các bà xơ nơi cô nhi viện tôi ở ngày trước lại đến dự khá đông. Phiên xử phúc thẩm tôi còn được một luật sư từ ngoài vào bào chữa cho tôi mà không phải là do toà chỉ định như ở phiên sơ thẩm.

Trong phiên xử phúc thẩm này, cô gái cháu của ông già gác chuông cũng có mặt. Tôi không dám nhìn vào gương mặt ngây thơ thánh thiện của cô gái đó. Tôi cũng không một lần ngước nhìn ông già, kẻ đã cứu tôi lúc tôi hoạn nạn nhưng lại bị tôi trả ơn bằng tội ác. Không ngờ trong phiên xử phúc thẩm, các bà xơ nơi cô nhi viện tôi ở, và cả ông luật sư từ trên trời rơi xuống đã bảo vệ tôi trước toà, đã nói về hoàn cảnh cô đơn bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi của tôi.

Cũng chính trong phiên toà này, tôi mới biết tôi là đứa trẻ sơ sinh chưa rụng cuống rốn được vứt ở nghĩa trang do một người đi cải táng mộ nhặt được và đem đến cô nhi viện. Ông luật sư đã có một bài thuyết trình rơi nước mắt người đến xem xử án và kết quả là toà giảm cho tôi từ tội tử hình xuống tội chung thân để cho tôi một ân huệ là được sống tiếp để mà hối cải những tội lỗi tôi đã gây ra.




Tác giả: Một phạm nhân mang án chung thân(còn tiếp)






Lời BBT

Quý độc giả thân mến! Chúng tôi quyết định lần đầu tiên in một câu chuyện có thật của một tác giả đặc biệt. Người chắp bút viết bức thư này hiện đang là một phạm nhân ở một trại giam ở phía Nam. Ông ta đang thụ án mức án chung thân về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội giết người. Còn nhân vật chính của câu chuyện mà các bạn vừa được đọc ở trên lại là của một người khác, chính là người bạn tù của phạm nhân này. Câu chuyện còn rất dài, nhiều tình tiết ly kỳ và cảm động. Mời quý độ giả đón đọc những phần tiếp theo trên các số báo ANTGCT, GT tới. Nhân dịp giáng sinh và đón mừng năm mới, BBT chuyên mục "Chuyện khó tin nhưng có thật" muốn gửi tới độc giả lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc một năm mới may mắn và an lành. Mọi bài vở cộng tác cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: Nhà văn Như Bình - Báo CAND 66 Thợ Nhuộm quận Hoàn Kiếm Hà Nội hoặc qua địa chỉ e-mail: nhubinh9@gmail.com





Câu chuyện thứ 133: Chuyện kể từ trại giam của một phạm nhân mang án chung thân (Kỳ II)
10:50, 03/02/2011









Tôi bị giam giữ ở một trại giam khá nổi tiếng thời bấy giờ ở quận TĐ. Vào đây, tôi mới biết, tất cả những giang hồ cộm cán số má của chế độ cũ lẫn mới, những phạm nhân mang tội trọng án, đặc biệt nguy hiểm đều được đưa về trại giam này để cải tạo. Nói chung sống trong vòng kiềm toả của pháp luật, giữa một rừng tội phạm, sự sinh tồn của mỗi phạm nhân càng được thiết lập chặt chẽ và nghiệt ngã hơn.

Tôi nhanh chóng được liệt vào hạng phạm nhân không số má. Bất hảo, lỳ lợm, sẵn sàng ẩu đã, và cái quan trọng là không biết sợ, không coi cái mạng mình là cái đinh gỉ gì cả nên các phạm nhân thành phần bất tử khác cũng đành chào thua. Bởi xét cho cùng, tất cả những kẻ khét tiếng độc ác nhất, gót chân Asin của chúng, đó là mạng sống. Làm gì, hành động gì thì quý nhất vẫn là phải bảo toàn mạng sống.

Còn tôi, vào trại, thích đánh nhau, gây lộn ẩu đả là đánh. Đánh cho hộc máu mồm, máu mũi, đánh chết thì thôi, bởi vậy sự liều lĩnh, gan góc của tôi được liệt vào không số má. Ngay lập tức xung quanh tôi có một bức tường vô hình ngăn cách giữa tôi với các phạm nhân khác. Kẻ yếu thì tránh xa tôi. Kẻ mạnh thì không dại gì gần tôi. Tôi sống khá an toàn và cô độc giữa thế giới của những kẻ rác rưởi và tận cùng của xã hội.

Tôi nhập trại được 5 năm. Năm năm tôi là phạm nhân chưa bao giờ có bất kỳ ai thăm nuôi. Trong năm năm ấy, tôi đã tìm cách trốn tù tới 20 lần. Cả 20 lần đều thất bại. Không có tháng nào mà tôi không nghĩ cách trốn tù một lần. Ăn ngủ, làm việc ở trại cải tạo, trong đầu tôi chỉ chăm chắm có một ý nghĩ duy nhất là làm sao để thoát khỏi trại cải tạo mà tung hoành ở thế giới bên ngoài. Trốn tù, ra thế giới tự do sống dăm bữa nửa tháng cho thoả rồi chết cũng còn sướng hơn là giam cả đời ở nơi này. Nghĩ vậy và luôn hành động như vậy, tôi nổi tiếng là kẻ với khát vọng đào tẩu thường trực và lớn nhất ở trại giam TĐ.

Nhưng số phận lại tiếp tục mang đến cho tôi, một kẻ không xứng đáng với bất kỳ sự ân huệ nào của tạo hoá một món quà bất ngờ. Mãi đến sau này, tôi vẫn không sao lý giải được. Có thể, chúa trời xót thương sinh linh quái dị là tôi mà người đã tạo ra nên đã sai một thiên thần đến giúp đỡ tôi hoàn thiện phần người trong chính bản thân mình.

Sau 5 năm với thành tích trốn tù bất bảo, những năm tháng tù giam của tôi tiếp tục cộng dày lên đến nỗi tôi nghĩ mình có sống đến đầu bạc răng long cũng không thể mãn hạn tù để có thể chạm đến ngày về. Giữa lúc cuộc sống trong trại cải tạo mịt mù đen tối như vậy một sự kiện bất ngờ đã góp phần thay đổi 180 độ cuộc sống và suy nghĩ của tôi.

Đó là sự kiện tôi bất ngờ có một người khách đến thăm nuôi vào dịp lễ Giáng sinh và đón mừng năm mới. Mãi đến sau này, tôi nghĩ Chúa đã nghĩ lại, người để mắt đến đứa con ghẻ của người và người đã sai các con chiên của người đến an ủi tôi, và khâu lành cho tôi những vết thương trống hoác trong cuộc đời đầy ắp thương tích của tôi.

Giáng sinh năm đó tôi không thể nào quên. Trước Giáng sinh chỉ một ngày thôi, tôi có một người khách đến tìm. Ngay cả khi quản giáo thông báo tôi có khách thăm nuôi, có người đến tìm đang chờ ở phòng tiếp đón, tôi dửng dưng không tin, cứ nghĩ là có sự nhầm lẫn nào đó. Nhưng điều tôi không bao giờ mơ tưởng tới, cuối cùng lại xảy đến với tôi, như một phép nhiệm mầu hiếm hoi.

Tôi xuống phòng tiếp đón với một tâm trạng tò mò tột đỉnh. Ai có thể thăm tôi, ai có thể vào nơi thâm sơn cùng cốc của một trại giam heo hút để tìm tôi? Có chăng là những kẻ từng nạn nhân của tôi, giờ vì mối hận thù thâm sâu mà đến tìm tôi để thoả thuê cười khẩy vào hoàn cảnh đáng đời của tôi chăng?.Những ý nghĩ hoài nghi chạy qua cái đầu trơn bóng lỳ lợm của tôi.

Cho đến khi, chân tôi chợt khựng lại, mồ hôi vã ra trước khuôn mặt thiên thần của cô gái, một gương mặt mà tôi thoáng gặp ở đâu đó trên những bức tranh vẽ về các thiên thần, về Đức mẹ đồng trinh của cô gái đang ngồi đợi tôi ở phòng tiếp đón. Tôi như một kẻ tâm thần bất ổn, ngớ ngẩn, đần độn ngồi xuống ghế đối diện và cúi gằm mặt xuống vì không dám nhìn vào thiên thần vừa giáng trần xuống trước mặt tôi.

Tôi nín thở và chợt nhận ra rằng, trong cuộc đời chó má của tôi, tôi chưa từng để ý một người con gái nào, chưa từng có cô gái nào nhìn tôi, chứ chưa nói là có mối liên hệ nào tới một cô gái để cô ta có thể tới thăm tôi. Và vì thế mà tôi bàng hoàng, run rẩy, và trở nên tê liệt hết mọi cảm giác của một kẻ bị bẻ gẫy hết tất cả các loại vũ khí tự vệ.

Và tôi nhớ như in, đó là lần đầu tiên, tôi biết nói tiếng người. Lần đầu tiên, phần người trong tôi được đánh thức. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là niềm tin, là hy vọng, là thiện tâm…để sống một cuộc sống đúng nghĩa. Cô gái đấy chính là cô cháu gái của ông lão gác chuông mà suýt bị tôi giết sau khi đã cưu mang tôi mấy ngày trời bị ốm.

Tôi không thể nhận ra cô gái ấy, bởi trong ký ức của tôi không lưu giữ bóng người cho tới ngày định mệnh hôm ấy khi cô gái đến thăm tôi. Cô gái nói với tôi. Cô đến thăm nuôi tôi là vì lời trăng trối của ông già gác chuông. Trước khi mất, ông đã nói với cô cháu gái của mình rằng: "Nếu con có thời gian, con hãy dành một lần đi thăm người tù nhân năm xưa mà ông cháu mình đã từng cưu mang hắn và suýt bị hắn giết. Nếu có thể, con hãy thức tỉnh lương tri của hắn, và chỉ cho hắn một lối về trên nẻo thiện".

Cô gái rất yêu ông mình, cô chỉ có ông là người thân duy nhất trên cuộc đời này. Những gì tâm nguyện của ông, cô đều thực hiện. Giờ ông mất rồi, cô gái thay ông già kéo chuông và giúp việc lặt vặt trong nhà thờ. Mất ông, mất một chỗ dựa tinh thần lớn, cô gái đã rất buồn và chống chếnh. Nhớ lời ông dặn, cô đã đi thăm nuôi người tù nhân cô độc mang án chung thân vì tội giết người. Cô đi thăm chính cái người đã suýt giết ông cháu cô để trả ơn giúp đỡ. Cuộc đời vẫn luôn tréo ngoe như vậy.

Cuộc gặp gỡ có một không hai giữa cô gái mang một tâm hồn trong trẻo, thánh thiện, chưa từng nhuốm chút bụi đời với một kẻ tù nhân chưa từng biết tới lương thiện. Ngỡ như với hai thái cực, cô gái với trái tim nhân hậu và tâm hồn trong như gương soi, khó có thể tìm được một chỗ để neo mình, dù là giây lát bên một tâm hồn đồi bại, một trái tim trơ đá của kẻ tội phạm.

Vậy mà cuộc gặp đã thay đổi tất cả, giống như phép mầu của chúa ban xuống cho hai sinh linh cô độc trên cõi đời này. Cuộc gặp ấy, tôi đã kể cho cô gái nghe về cuộc đời của tôi, vì sao tôi trở thành tôi bây giờ. Và cô gái chính là người thân đầu tiên tìm tôi sau chuỗi năm tháng tôi trơ trọi một mình trên cõi đời này. Nghe chuyện của tôi, cô gái đã khóc.

Cô chỉ nói với tôi được thế này thôi, mà với tôi đó là một mệnh lệnh tôi bằng mọi giá phải thực hiện được: "Anh ráng cải tạo tốt để sống tốt khỏi phụ lòng ông của em. Trước khi mất, ông dặn em tới thăm anh một lần kẻo tội anh. Ông bảo, nếu em có thăm anh thì ráng bảo anh cải tạo cho tốt để quay trở về làm người lương thiện, sống cuộc đời lương thiện".

Tôi không biết hai chữ "lương thiện" nghĩa là gì nhưng chắc chắn đó phải là những phần tốt đẹp nhất thuộc về người con gái đã đến thăm tôi. Tôi chắc chắn, lương thiện nghĩa là tốt đẹp, là cuộc đời mà người con gái mang gương mặt thiên thần kia đang sở hữu. Và tôi sống những ngày tiếp theo với một hy vọng, một ngày nào đó tôi sẽ chạm tới phần lương thiện mà tôi sẽ có.

Kể từ đấy, đều đặn, mỗi năm một lần cứ vào dịp đêm trước Giáng sinh, tôi có một cuộc gặp gỡ hạnh phúc duy nhất có một không hai trong cuộc đời tù tội của mình với cô gái mang gương mặt Đức mẹ đồng trinh. Mỗi năm một lần, tôi sống trong phục thiện, trong hy vọng, trong chờ đợi mòn mỏi để tới được đêm trước Giáng sinh, để được gặp cô gái được chạm vào phần lương thiện của chính tôi, của cuộc đời mà tôi ngỡ đã bị đánh rơi đâu đó trong quá vãng.

Trong suốt một năm chờ đợi gặp mặt cô gái, trong mỗi tháng 1 lần tôi đã nhận được những bức thư cô gái viết cho tôi. Những bức thư động viên tôi, khuyên bảo tôi, dạy tôi biết sống một cuộc sống của con người. Oái oăm thay, tôi không biết đọc, không biết viết, không thể tự mình đọc được những bức thư như một món quà ân huệ lớn của tạo hoá ban cho riêng mình. Tôi đã phải nhờ một người bạn tù lớn tuổi đọc cho tôi nghe, giúp tôi hiểu từng câu từng chữ.

Người bạn tù lớn tuổi ấy là một ông giáo già, vì ghen tuông mà giết chết người vợ đa tình của mình. Chính người bạn tù này đã dạy tôi từng chữ cái đầu tiên, giúp tôi biết đọc và biết viết. Cuộc đời kể cũng lạ lùng, khi tôi mất tự do, khi tôi không còn quyền tối thiểu của con người nữa, tôi mới bắt đầu hiểu được thế nào là hai chữ cuộc đời.

Chính trong môi trường cải tạo giam, giữ, tôi đã bắt đầu biết phục thiện. Tôi cảm ơn quãng thời gian ở trại cải tạo, chính nơi đây, tôi mới dược dạy dỗ để làm một con người bình thường, để mơ ước sống một cuộc đời lương thiện.

Nhưng các anh chị ơi! Chính vào lúc tôi sắp chạm được vào hai chữ lương thiện đầy ý nghĩa của cuộc đời tôi thì một lần nữa, Chúa đã thử thách lòng kiên nhẫn của tôi bằng việc lấy đi của tôi mọi niềm hy vọng. Người con gái trong 3 năm liền tháng nào cũng viết thư cho tôi, năm nào cứ vào dịp Giáng sinh cũng lặn lội vào trại giam thăm tôi đã không còn đến với tôi nữa.

Cô gái đã tìm được bố mẹ và đã ra nước ngoài đoàn tụ cùng gia đình. Những bức thư viết gửi cho tôi vẫn còn đó, nhưng cô gái thì đã đi xa. Thi thoảng ở nước ngoài, cô gái vẫn viết thư về động viên tôi. Nhưng tôi không bao giờ mở những bức thư gửi về từ phương trời xa xôi cách biệt ấy nữa. Tôi xếp chúng lại im lặng trong đáy tay nải của một tù nhân tứ cố vô thân. Từ đó, tôi sống lặng im như chiếc bóng. Không ai còn nhận ra tôi, một phạm nhân khét tiếng một thời…



Lời toà soạn:

Theo bức thư mà chúng tôi nhận được của tác giả NLS gửi đến thì, ông NLS mới chính là tác giả của câu chuyện: "Chuyện kể từ trại giam của một phạm nhân mang án chung thân". Ông đã thay mặt phạm nhân mang án chung thân để kể về câu chuyện đời của một người bạn tù đặc biệt. Theo lời tâm sự ở phần cuối bức thư của ông N.L.S. thì sau khi cô gái đi ra nước ngoài đoàn tụ cùng gia đình, anh ta, phạm nhân mang án chung thân đã rất buồn.

Từ một tên tù khét tiếng trơ lỳ, vô cảm, nhờ cô gái mà anh ta đã biến đổi thành một tù nhân hiền lành, chăm chỉ cải tạo tốt với một mơ ước tột cùng là sớm có ngày mãn hạn tù để sống một cuộc sống lương thiện. Nhưng sự không trở lại của cô gái đã khiến cho anh ta vô cùng buồn bã. Nhờ phấn đấu tốt, sau khi cải tạo được thời hạn 20 năm, người phạm nhân mang án chung thân lúc này đã xấp xỉ tuổi 50, đã gần hết một đời người giang hồ phiêu bạt và tù tội được xét duyệt giảm án chung thân và tha tù trước thời hạn.

Nhận quyết định ân xá của Chủ tịch nước, anh ta đã xin được ở lại trại giam TĐ để phục vụ các bệnh nhân bệnh nặng ở trạm xá của trại giam. Không vợ, không con, không gia đình, không một ai thân thích, người phạm nhân ấy lặng lẽ tự nguyện sống nốt cuộc đời tự do của mình trong chính trại giam, nơi mà anh ta đã có không dưới 20 lần trốn tù với một khát vọng khủng khiếp nhất là phải bằng mọi giá để thoát khỏi trại cải tạo. Thế nhưng, khi cầm quyết định tha tù, anh lại chọn quyết định ở lại trại giam để làm công việc tình nguyện.

Thật đáng tiếc, công việc tình nguyện ở trạm xá phục vụ các bệnh nhân trọng bệnh đã không được lâu dài. Do tiếp xúc bệnh nhân nặng mà ít được bảo vệ, anh ta bị lao phổi và qua đời sau khi mãn hạn tù được 5 năm ngay tại trại giam TĐ. Mới đây, chính cô gái cháu ông lão gác chuông đã từ nước ngoài tìm về trại TĐ để lo phần cải táng bốc mộ và xây cất mộ cho anh ta. Tôi chính là người lưu giữ giúp anh ta toàn bộ những bức thư quý giá của cô gái. Tôi cũng đã ra trại cách đây 10 năm.

Trong một buổi chiều cuối cùng của năm 2010, ngồi bên phần mộ của người phạm nhân đặc biệt ấy, tôi đã quyết định thay lời người dưới mộ, kể lại câu chuyện cuộc đời của một phạm nhân mang án chung thân. Câu chuyện này như một nén hương thơm hoá giải tất cả và làm ấm lòng người đã khuất