PDA

View Full Version : Truyền giáo trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay



Gia Nhân
25-07-2012, 03:44 PM
VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO
TRONG HOÀN CẢNH VIỆT NAM NGÀY NAY


http://www.vnphoto.net/cache/600x399-26060_cánh đồng lúa _7387.jpg




http://www.gplongxuyen.net (http://www.gplongxuyen.net/)



Thoáng nhìn, vấn đề truyền giáo trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay không có gì đáng quan ngại. Thực vậy, ngày nay không còn những cuộc bách hại đẫm máu từ phía chính quyền, nếu không nói là chính quyền, cách này cách khác, còn tạo điều kiện để các nhà truyền giáo hoạt động. Như vậy xem ra vấn đề truyền giáo ở Việt Nam ngày nay là thuận lợi.

Tuy nhiên, có một quan ngại rất lớn về vấn đề truyền giáo ở Việt Nam ngày nay là “Tính Thiếu Hiệu Quả của Việc Truyền Giáo”. Tại sao? Tôi thấy có những nguyên nhân dẫn đến tính thiếu hiệu quả của việc truyền giáo trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay:
* Nghèo
* Sự ảnh hưởng của lối sống thực dụng và hưởng thụ
* Thiếu những chứng nhân sống động



1. Nghèo

Người ta thường nói: “có thực mới vực được đạo”. Điều này xem ra có lý vì, nếu phải sống trong cảnh đói nghèo, túng quẫn, không có gì nuôi thân, thì làm sao có thể giữ đạo được (việc giữ đạo ở đây hiểu là đi học giáo lý, đi dự lễ, tham gia các sinh hoạt phụng vụ, đạo đức …). Mà trong thực tế, dân số Việt Nam đa phần là người nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn. Và như vậy, chỉ cần một lý do “nghèo” thôi cũng đủ làm cho việc truyền giáo không đạt được hiệu quả.

Thực thế, cơm áo gạo tiền là vấn đề được mọi người quan tâm hàng đầu. Người ta sẽ nói: cha, thầy, bạn… hãy giúp tôi thoát nghèo và lo cho tôi có đủ cơm ăn áo mặc đi, tôi sẽ theo đạo. Khi có thể lo cho họ có đủ cơm ăn áo mặc, họ lại nói: cha, thầy, bạn… lo cho tôi được ăn ngon mặc đẹp đi, tôi sẽ theo đạo. Và cứ thế, người ta cứ vịn vào nhu cầu vật chất để từ khước nhu cầu tâm linh. Rất có thể, hàng năm, số người theo đạo rất đông. Vì đi học giáo lý thì được cho tiền, cho gạo…, nhưng khi theo đạo rồi, không còn được giúp đỡ nữa thì không giữ đạo. Đây là một thực tế đáng buồn mà các nhà truyền giáo cần phải xem xét lại. Chúng ta không thể dùng những lợi lộc vật chất để lôi kéo người khác vào đạo!



2. Sự ảnh hưởng của lối sống thực dụng và hưởng thụ

Ngày nay, lối sống thực dụng và hưởng thụ của Tây phương đã du nhập vào Việt Nam, và đang ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống của người dân Việt, nhất là các người trẻ. Lối sống đó làm cho người ta quan niệm rằng, những gì có lợi, những gì không đòi người ta phải hy sinh vất vả, thì người ta theo. Bởi lẽ, thực dụng thì đi tìm những gì có lợi cho bản thân, những gì là thực tế; và hưởng thụ thì chỉ tìm những gì dễ dãi, những gì làm thoả mãn những nhu cầu trước mắt của cái tôi ích kỷ. Theo đạo không những không có lợi gì mà lại còn phải giữ luật lệ này nọ, nhất là phải giữ luật một vợ một chồng, không được ly dị, không được ngừa thai bằng phương pháp nhân tạo, và không được phá thai... Quá phức tạp !

Đáng tiếc thay, lối sống thực dụng và hưởng thụ đó cũng đã đang ảnh hưởng không ít đến đời sống các Kitô hữu và cả hàng Giáo sĩ trong Giáo Hội. Chính vì thế, có những người đã không còn coi việc sống đạo, cụ thể là việc tham dự các buổi cử hành Phụng vụ, là quan trọng. Thế là họ sẵn sàng bỏ việc đi dự lễ để đi du lịch, giải trí; sẵn sàng chối bỏ đức tin để được những lợi lộc vật chất, danh vọng, sống gian dối, bất công. Và tất nhiên đời sống của một vài linh mục, tu sĩ cũng đã bị lối sống thực dụng và hưởng thụ làm băng hoại. Đây chính là những cản trở lớn cho việc truyền giáo, và làm cho việc truyền giáo không mang lại kết quả như Chúa và Giáo Hội muốn.

3. Thiếu những chứng nhân sống động

Vì bị ảnh hưởng và bị băng hoại bởi lối sống thực dụng và hưởng thụ, một số thành phần trong Giáo Hội đã không là những chứng nhân sống động cho Tin Mừng của Chúa. Thực thế, ngày nay người ta cần những “chứng nhân hơn là thầy dạy” (ĐGH. Phaolô VI), trong khi đó thì dường như lại thiếu những chứng nhân sống động. Cụ thể, đó là do đời sống sống đao của số người trong Giáo Hội chưa thực sự thích ứng với đòi hỏi của Tin Mừng, và chưa có được nhận thức đúng mực về việc loan báo Tin Mừng.

- Một đời sống đạo chưa thích ứng với đòi hỏi của Tin Mừng. Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay, chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài, hoặc chỉ quan tâm đến vấn đề thần học hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong. Trong khi đó, những người trẻ đang có xu hướng đi tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, trong con người cũng như xã hội qua việc say mê học hỏi khoa học kỹ thuật. Hơn nữa, những người trẻ ngày nay cũng đang có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với các thần tượng như cầu thủ, diễn viên, người mẫu và ham chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Chúng ta hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, sống nghèo khó, nhưng lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu thật sự là gì. Và nhất là chúng ta không sống đúng như những gì chúng ta hô hào và loan báo. Đức Giêsu dạy: “Con người làm chủ ngày Sabbat” (Mt 12,8). Đây như là mời gọi chúng ta phải chú ý đến con người hơn những luật lệ, hình thức đạo đức bên ngoài. Thế nhưng, chúng ta lại đăt ra quá nhiều luật riêng để chế tài người khác, quá chú tâm vào việc xây dựng những ngôi nhà thờ đồ sộ và nguy nga bên cạnh những ngôi nhà rách nát tồi tàn; chúng ta quá chú tâm đến việc tổ chức những cuộc hành hương quá tốn kém tiền bạc, để rồi vô tâm trước những tiếng kêu xin thống thiết của những người đói khổ chung quanh chúng ta đang phải xin từng miếng ăn từ những người khách qua đường. Nếu chúng ta chỉ rao giảng Lời Chúa như một người đang tiếp thị, quảng cáo Tin Mừng thì chưa phải là chứng nhân thực sự của Tin Mừng Đức Kitô. Không rao giảng Tin Mừng với những hành động cụ thể trong đời sống thì việc truyền giáo vẫn khó đạt kết quả như lòng Chúa mong ước.

- Chưa nhận thức đúng mực về việc loan báo Tin Mừng. Sở dĩ đời sống đạo của chúng ta chưa đáp ứng được đòi hỏi của Tin Mừng là vì chúng ta chưa ý thức đủ về vai trò và nhiệm vụ loan báo Tin Mrọn vẹn. Như vậy, chúng ta cần phải ý thức về sự cấp thiết của việc loan báo Tin Mừng. Nhưng để có thể loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta phải sống Tin Mừng. Nghĩa là, chúng ta phải sống như Đức Kitô đã sống: sống nghèo, hy sinh thân mình vì tha nhân, sống công bằng, chính trực, quảng đại, bác ái… Chúng ta cần phải sống trọn vẹn nhân cách nhập thể và nhập thế của Đức Kitô - tất cả vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Thế nhưng, vì chưa ý thức cách đúng mực về việc loan báo Tin Mừng, nên chúng ta chỉ nhắc đi nhắc lại điệp khúc “Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh” trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo hằng năm, chứ không thể hiện bản chất ấy thành những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày.

Mặt khác, nhiều Kitô hữu còn cho rằng việc loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của các linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về Thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Rồi, nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những lớp giáo lý tân tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài học soạn sẵn hay bắt họ học thuộc lòng một số kinh. Nhiều người tích cực hơn thì mua các sách Kinh Thánh hay Tân Ước phát tặng cho anh em lương dân hay tặng quà cho họ trong những dịp lễ Tết …


Kết luận:

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, đa phần dân số là những người nghèo, hơn nữa, một xã hội đang bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống thực dụng và hưởng thụ của Tây phương, Giáo Hội cần phải có những con người dám sống nghèo cách triệt để như đòi hỏi của Tin Mừng, và dám dấn thân phục vụ những nhu cầu tâm linh của con người. Muốn vậy, mỗi người Kitô hữu, cách riêng các nhà truyền giáo, cần phải sống kinh nghiệm ngày thứ Năm Tuần Thánh của Đức Giêsu hầu có thể thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với những người đau khổ trong tâm hồn - những người bị bỏ rơi ; sống kinh nghiệm ngày thứ Sáu Tuần Thánh của Đức Giêsu hầu có thể thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với những người đau khổ nơi thân xác vì bệnh tật, đói nghèo ; sống kinh nghiệm ngày thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Giêsu hầu trở nên hạt lúa mì được gieo vào lòng đất chịu mục nát đi để trổ sinh những bông hạt. Khi sống được kinh nghiệm của ba Ngày Thánh, chúng ta sẽ trải nghiệm được niềm vui phục sinh vinh hiển của Đức Kitô Phục Sinh, và trở nên những chứng nhân sống động cho người khác, nhất là những người chưa biết Chúa, về Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh. Có như thế chúng ta mới có thể giúp cho con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ, thoát ra khỏi lối sống thực dụng và hưởng thụ. Và nhờ đó chúng ta sẽ làm cho Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh thấm nhập vào đời sống của họ.


Hương Que