PDA

View Full Version : Tuyển cử tân Giáo hoàng



Gia Nhân
29-07-2012, 09:12 PM
TUYỂN CỬ TÂN GIÁO HOÀNG


Gs. Lê Thiên




http://www.nuvuongcongly.net/wp-content/uploads/2011/03/Vaticanoflag.gif
viết theo Greg Tobin – SELECTING THE POPE, Barnes & Nobles Books – New York 2003



Tông Hiến Universi Dominici Gregis

Tông hiến là một sắc chỉ do một vị giáo hoàng ban hành khi đang cầm đầu Giáo hội. Tông hiến có giá trị như một sắc lệnh hay sắc luật xuất phát từ tông quyền của vị giáo hoàng ấy. Tông hiến Universi Dominici Gregis – Chăn Dắt Đàn Chiên Chúa – do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/02/1996, nêu ra những quy định và tiêu chuẩn tuyển cử Giáo hoàng Công giáo dựa trên nền tảng thần học và lịch sử. Tông hiến gồm hai phần:

- Phần Một đề cập đến tình trạng trống ngôi Giáo hoàng;
- Phần Hai chi tiết hóa các thủ tục cho tiến trình bầu cử tân Giáo hoàng.
Các Đức giáo hoàng, trải qua mọi thời đại, nhất là các Giáo hoàng cận kim, như Đức Piô X, Đức Piô XI, Đức Piô XII, Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, đã thực hiện nhiều cải cách nhằm làm cho các tiến trình bầu chọn tân Giáo hoàng thích nghi với thời đại của mỗi vị. Tông Hiến Universi Dominici Gregis của Đức Gioan Phaolô II đưa ra nhiều cải cách đáng kể. Xin sơ lược một vài điểm cụ thể sau đây.



Giáo hoàng Băng hà

1. Ngay sau khi vị bác sĩ phụ trách hiện diện tuyên bố vị giáo hoàng đã từ trần, đức Hồng y Nhiếp chính chiếu Giáo luật xác nhận vị Giáo hoàng đã băng hà. Cùng hiện diện lúc công bố có Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng, còn có các Giáo sĩ trong ban Thư ký Giáo vụ và vị chưởng ấn của Tòa Thánh. Vị chưởng ấn sẽ thực hiện giấy chứng tử chính thức.

2. Vị Hồng y đảm nhiệm chức vụ cao cấp nhất trong Giáo triều Rô-ma đương nhiên trở thành Hồng y Nhiếp chính phụ trách các việc hành chánh của Tòa Thánh. Ngài bắt tay ngay vào việc thực hiện một số thủ tục đối với thi hài và với một số đồ dùng của cố Giáo hoàng. Hồng y Nhiếp chính sẽ chính thức tuyên bố “Đức giáo hoàng đã băng hà” và sẽ chủ tọa Mật hội Hồng y.

Tông Hiến Universi Dominici Gregis còn đặt ra nhiều định chế khác cho thời kỳ trống ngôi giáo hoàng, như thẩm quyền và nhiệm vụ của các hồng y, nhất là các vị hồng y phục vụ trong Giáo triều hay các giới chức quan trọng khác tại Tòa Thánh, và việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Tông Hiến cũng nêu các chi tiết cụ thể về Nghi thức lễ an táng cố giáo hoàng, về Mật hội Hồng y và nhất là các thủ tục tuyển cử tân Giáo hoàng. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ bàn về Mật hội Hồng y cùng với việc tuyển cử tân giáo hoàng.


Mật hội Hồng y

Mật hội Hồng y buộc phải triệu tập trong nội vi lãnh thổ Tòa thánh Vatican, và cuộc bỏ phiếu bầu cử tân giáo hoàng phải thực hiện ngay trong Nguyện đường Sistine lịch sử ở Vatican.

Các Đức Hồng y sẽ cư ngụ trong khu Đại sảnh Saint Martha, ở đó “quyền tự do và tính cách riêng tư chính đáng“ của các vị Hồng y được bảo đảm. Từ khu nhà ở này, mỗi ngày sẽ có những chuyến xe buýt đặc biệt đưa quý vị Hồng y tới Nguyện đường Sistine để dự Mật hội. Những vị đau yếu không di chuyển được sẽ nhận phiếu bầu và thực hiện việc tuyển cử ngay tại phòng mình.

Không phải chỉ có các Hồng Y tham dự cuộc tuyển cử, mà bất cứ ai khác được phép có mặt hay làm việc trong phòng Mật hội đều buộc phải tuyên thệ giữ kín hoàn toàn và vĩnh viễn các điều nghe thấy trong mật hội, kể cả tuyên thệ “không sử dụng máy ghi âm, ghi hình hay bất cứ phương tiện nào trực tiếp hay gián tiếp ghi nhận và lưu trữ bất cứ điều gì xảy ra suốt tiến trình tuyển cử.”

Các Hồng y dự Mật hội tuyệt đối không được giao tiếp với thế giới bên ngoài về bất cứ vấn đề gì, thậm chí không được tiếp xúc với ai khác ngay trong lãnh thổ Vatican, cả bằng lời nói lẫn bút mực, điện thoại hay phương tiện máy móc khác, “ngoại trừ trường hợp hết sức khẩn trương và có chứng minh cụ thể, được một hội đồng có thẩm quyền xác nhận” (Điều 4).

Mật hội Hồng y đầu tiên trong Giáo hội được triệu tập năm 1276, để tuyển chọn nhân vật kế vị Đức Grêgôriô X. Ngài được tuyển cử giáo hoàng năm 1271 sau tới 2 năm 9 tháng trống ngôi giáo hoàng. Chính Tông huấn Ubi periculum (Hiểm họa ở đâu) của ngài đã đề ra một số thủ tục tuyển cử giáo hoàng. Qua văn kiện này, người ta thấy xuất hiện lần đầu tiên từ ngữ “Conclave1 – Mật hội”. Mật hội là cuộc họp khóa kín cửa để ngăn chặn sự xâm nhập của mọi ảnh hưởng ngoại lai có thể tác động chống lại sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.


Thủ tục Tuyển cử Giáo hoàng

Tông hiến chỉ chấp nhận một hình thức tuyển cử là per scrutinium, bỏ phiếu kín. Hai phần ba phiếu bầu của các tuyển cử viên hiện diện là điều kiện bắt buộc để một vị được nhìn nhận đắc cử (thay vì hai phần ba cộng một mà Đức Piô XII đã đề ra). Sau khi các hồng y tuyển cử viên hiện diện đã tuyên thệ và luật bầu cử được thông qua, vị hồng y niên trưởng sẽ hỏi ai có những câu hỏi gì liên quan tới các tiêu chuẩn tuyển cử không. Nếu không thì cuộc bỏ phiếu bầu cử có thể bắt đầu ngay.

Theo Tông hiến Universi Dominici Gregis, “Ngày đầu tiên, cuộc tuyển cử sẽ khởi sự vào buổi chiều và chỉ bỏ phiếu một lần; nếu chưa có vị nào được đắc cử qua vòng bỏ phiếu thứ nhất, thì các ngày kế tiếp, mỗi ngày sẽ có hai cuộc bỏ phiếu buổi sáng và hai cuộc bỏ phiếu buổi chiều.” Như vậy, sau ngày đầu tiên, mỗi ngày sẽ có tối đa là bốn lần bỏ phiếu cho đến khi chọn được vị tân giao hoàng. Tông hiến chi tiết hóa hết sức tỉ mỉ các luật lệ và nghi thức rất nhiêu khê trong tiến trình bỏ phiếu, đúc kết bởi kinh nghiệm nhiều cuộc bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng từ hàng chục thế kỷ qua.

Có ba giai đoạn trong tiến trình bầu chọn: trước khi bỏ phiếu, bỏ phiếu kín và sau khi bỏ phiếu.


1) Trước khi bỏ phiếu:

Chuẩn bị xem xét lại các mẫu phiếu; kế đó là bầu chọn ba vị scrutineers kiểm phiếu viên, phụ trách thu và đếm phiếu bầu; ba vị infirmarii phụ trách bệnh nhân, lo việc chuyển mẫu phiếu bầu đến các hồng y đang nằm bệnh tại phòng; ba vị revisers duyệt phiếu viên trách nhiệm duyệt lại để xác nhận số phiếu bầu chọn.

Sau khi các mẫu phiếu đã phân phối xong, các nhân vật và giới chức không phải là hồng y được yêu cầu rời khỏi mật hội. Một vị hồng y sẽ đứng tại cửa để bảo đảm rằng các vị ấy đã thật sự rời khỏi phòng.

Mẫu phiếu bầu hình chữ nhật, nửa phía trên có in hàng chữ “Eligo in Summum Pontificem” (tôi bầu làm Giáo hoàng), nửa phía dưới trống để viết tên nhân vật được bầu chọn. Danh tánh nhân vật được bầu chọn phải viết thật rõ ràng đầy đủ để tránh nhầm lẫn khi đếm phiếu. Không được tự bầu chọn mình. Viết tên xong, gấp đôi mẫu phiếu bầu.


2) Bỏ phiếu kín.

Các vị hồng y sẽ xếp hàng thứ tự, mỗi vị nâng lá phiếu lên cho mọi người thấy và tiến về phía bàn thờ, nơi đã có sẵn ba vị kiểm phiếu viên đứng chờ. Lá phiếu được bỏ vào trong một chén thánh lớn bằng vàng hay mạ vàng có một dĩa thánh vàng làm nắp đậy. Trên bàn thờ, vị hồng y tuyển cử viên đọc lớn tiếng lời tuyên thệ: “Tôi kêu cầu Chúa Kitô làm chứng cho tôi vì Người là quan xét tôi, chứng giám lá phiếu của tôi đây bầu cho vị mà trước mặt Thiên Chúa tôi tin là sẽ được tuyển chọn.”

Tuyển cử viên đặt lá phiếu trên dĩa thánh, rồi nghiêng dĩa cho lá phiếu rơi vào chén thánh, xong đậy dĩa lại, cúi đầu bái bàn thờ, trở về chỗ ngồi. Vị hồng y nào không đi lại được từ chỗ ngồi đến bàn thờ thì các vị kiểm phiếu viên sẽ đưa chén thánh tới tại chỗ cho vị ấy bỏ phiếu vào.

Nếu vì một lý do bất khả kháng, một vị hồng y không rời được phòng mình để có mặt nơi bầu cử, thì ba vị phụ trách bệnh nhân mang mẫu phiếu bầu trong một hộp đặt trên một cái khay tới phòng vị tuyển cử viên đau ốm để vị này điền vào phiếu bầu, (hay nếu viết không được thì đọc tên nhân vật mình muốn chọn nhờ một trong ba vị ấy viết giùm), đọc lời tuyên thệ, gấp phiếu bầu bỏ vào hộp. Các vị phụ trách nói trên chuyển hộp phiếu bầu ấy về bàn thờ.

Khi mọi phiếu bầu đã sẵn sàng trong chén thánh, kiểm soát viên lắc chén thánh để trộn các lá phiếu, rồi một vị lớn tiếng đếm lại các lá phiếu ấy trước mặt các hồng y để xác nhận số phiếu bầu có phù hợp với tổng số tuyển cử viên hay không. Nếu có sự không nhất quán giữa hai số, kiểm phiếu viên đốt các phiếu ấy và các hồng y bỏ phiếu lại ngay sau đó.

Khi số phiếu bầu phù hợp với tổng số hồng y tuyển cử viên, các vị kiểm phiếu sẽ trải phiếu lên một cái bàn, mỗi vị sẽ lần lượt kiểm từng phiếu một. Vị kiểm phiếu thứ nhất đọc tên vị được chọn trên phiếu bầu, chuyển phiếu ấy sang vị thứ hai cũng đọc như vậy, kế đó tấm phiếu được chuyển sang vị thứ ba để vị này đọc lớn tiếng và ghi vào sổ danh tánh vị được bầu chọn. Vị thứ ba này dùng kim đâm một lỗ trên chữ Eligo (tôi bầu) của lá phiếu và cuối cùng khâu kết các lá phiếu lại với nhau, cho vào chén thánh trên bàn. Mọi việc làm trên đều thực hiện trước sự chứng kiến của các hồng y tuyển cử viên hiện diện trong Nguyện đường Sistine.


3) Giai đoạn sau bỏ phiếu

Giai đoạn sau bỏ phiếu là giai đoạn đếm phiếu, kiểm phiếu và đốt các phiếu bầu. Các kiểm phiếu viên sẽ tính số phiếu mỗi nhân vật được bầu chọn. Nếu có vị nào hội đủ túc số hai phần ba phiếu bầu, thì cuộc tuyển cử theo luật định được coi là đã hoàn tất. Nếu chưa có vị nào đạt đa số hai phần ba ấy, thì cuộc bầu cử coi như chưa đạt kết quả. Trong cả hai trường hợp, các duyệt phiếu viên, nhóm thứ ba trong ba nhóm điều hợp viên cuộc tuyển cử, sẽ kiểm lại các phiếu bầu cũng như số kết quả mà các kiểm phiếu viên đã ghi nhận để nắm chắc việc đếm phiếu là chính xác. Khi mọi sự đã hoàn tất, các vị kiểm phiếu viên sẽ đốt các phiếu bầu, với sự trợ lực của thư ký mật hội và trưởng ban nghi lễ (những vị này được vị hồng y niên trưởng triệu tập ngay lúc ấy).

Để việc bảo mật được tôn trọng tuyệt đối, mọi sổ sách giấy tờ dùng ghi chép kết quả mỗi cuộc bỏ phiếu dù bất cứ do ai viết lúc ấy cũng đều phải được trao cho vị hồng y nhiếp chính hay cho một trong ba vị hồng y phụ tá ngài để được đốt cùng một lúc với các phiếu bầu. Vào lúc kết thúc cuộc tuyển cử, vị hồng y nhiếp chính soạn thảo một tài liệu ghi nhận từng kết quả của mỗi lần bỏ phiếu để trao cho tân giáo hoàng. Tài liệu này sẽ lưu trữ trong văn khố Tòa Thánh, không ai được quyền mở trừ khi đức giáo hoàng đương nhiệm ưng chuẩn.


Những làn khói báo hiệu

Thủ tục đốt các phiếu bầu đã có từ hàng trăm năm. Sau khi đếm phiếu, trộn phiếu, kiểm phiếu và báo cáo kết quả, các phiếu ấy được bỏ vào một lò đốt ngay trong Nguyện đường Sistine.

Một làn khói sẽ được tỏa ra bên ngoài nguyện đường đi theo một ống khói để cho công chúng đứng chờ trên quảng trường Thánh Phêrô đều có thể trông thấy.

Khi cuộc bỏ phiếu không đưa tới kết quả, thì phiếu bầu sẽ được cho vào một thứ hóa chất để khi đốt lên thì tỏa ra làn khói đen.

Khi việc bầu cử đã đạt kết quả chung quyết, thì các phiếu bầu sẽ được trộn với một hóa chất khác để khi đốt lên sẽ tỏa ra làn khói trắng. Trông thấy khói trắng từ Mật hội Hồng y trong nguyện đường Sistine tỏa ra, mọi người bên ngoài nguyện đường biết là tân Giáo hoàng đã được tuyển chọn.


Tuyệt đối Bảo mật

Trong thời gian tiến hành tuyển cử giáo hoàng, không một vị hồng y nào không được phép vạch ra các kế hoạch hay có những thỏa hiệp hoặc quyết định liên quan tới cuộc tuyển cử. Các ngài cũng không được trao đổi hay thỏa hiệp với nhau về lá phiếu của các ngài.

Mỗi vị phải hoàn toàn tự đặt mình dưới sự hướng dẫn dìu dắt của Chúa Thánh Thần chứ không được để tình bạn, bè cánh, thiên kiến hay sự mua chuộc chi phối. Hình phạt dành cho trường hợp vi phạm nghiêm trọng là vạ tuyệt thông.

Quyền bính phần đời tuyệt đối không được can thiệp vào cuộc tuyển chọn dù dưới bất cứ hình thức nào. Những vị hồng y dính líu vào sự can thiệp này cũng có thể bị vạ tuyệt thông như trên. Bức tông thư khẳng định “cấm mọi hình thức can thiệp, chống đối hay gợi ý từ phía các thế lực trần thế thuộc bất kỳ đẳng cấp nào, hay từ phía bất cứ cá nhân hay nhóm người nào, mưu toan gây ảnh hưởng tới việc tuyển chọn giáo hoàng.”


Lãnh nhận Chức Giáo hoàng và Công bố Tân Giáo hoàng

Khi cuộc tuyển cử kết thúc có kết quả, vị niên trưởng hồng y đoàn tiến về phía vị hồng y được bầu với đa số phiếu theo luật định. Ngài nhân danh toàn thể tuyển cử đoàn để hỏi vị hồng y đắc cử có đồng ý nhận lãnh trọng trách giáo hoàng hay không. Khi vị hồng y đắc cử đáp “Accepto – Tôi xin nhận lãnh” thì lập tức ngài trở thành Giám mục chính thức của thành Rôma (nếu ngài đã có chức giám mục), đồng thời cũng là chính thức trở thành giáo hoàng, đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ. “Vì vậy ngài thủ đắc và được hoàn toàn hành sử quyền bính tối thượng trên giáo hội hoàn vũ.”

Nếu vị hồng y đắc cử chưa có chức giám mục, ngài được tấn phong giám mục ngay lúc ấy do vị hồng y niên trưởng hay vị hồng y giám mục kế tiếp đứng chủ phong.

Khi vị hồng y đắc cử giáo hoàng trả lời “xin nhận lãnh”, vị hồng y niên trưởng sẽ hỏi ngài: “Ngài muốn chọn danh xưng gì?” Việc đức tân giáo hoàng chọn danh xưng giáo hoàng khác với tên gọi của mình là một tập tục lâu đời trong Hội Thánh, khởi sự với Đức Gioan II từ thế kỷ thứ sáu (533-535). Tên riêng ngài trước khi lên ngai giáo hoàng là Mercury.

Mật hội Hồng y kết thúc ngaysau khi tân giáo hoàng nhận lãnh chức vụ mới, “trừ khi ngài định cách khác.” Đức tân giáo hoàng lui vào phòng riêng mặc phẩm phục mới - áo mũ trắng thay áo mũ đỏ, rồi trở lại nguyện đường Sistine để các Đức Hồng y lần lượt đến chào mừng và chấp nhận sự thần phục bằng cử chỉ hôn kính chiếc nhẫn giáo hoàng của ngài gọi là Nhẫn Người Chài Lưới (Ring of the Fisherman).

Sau đó Đức Giáo Hoàng tân cử sẽ ra mắt dân thành Rôma và chư dân khắp thế giới. Trước khi ngài xuất hiện trước bao lơn của Hành lang Phép lành (Hall of Benedictions) nơi tầng trên của Đền Thờ Thánh Phê-rô, vị Hồng y niên trưởng long trọng bố cáo nguyên văn tiếng la-tinh: “Annuntio vobis gaudium magnum. Habemus papam! Eminentissimum ac Reverendissimus Dominum, Dominum Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem qui sibi nomen imposuit – Tôi loan báo cho anh chị một tin mừng trọng đại. Chúng ta đã có giáo hoàng! Thầy rất đáng kính và rất đáng quý trọng là Hồng y của Hội Thánh Rôma quý danh là... Ngài đã chọn cho mình danh xưng là [danh xưng giáo hoàng mới chọn].

Đây là giây phút cảm động nhất trong suốt tiến trình bầu chọn giáo hoàng. Hàng trăm ngàn dân chúng hiện diện trên quảng trường Thánh Phê-rô để theo dõi đón nghe tin tức kết quả tuyển cử giáo hoàng lập tức vỗ tay reo hò hoan hô vang dội. Đức tân giáo hoàng xuất hiện trước bao lơn, ban phép lành giáo hoàng đầu tiên, cũng gọi là phép lành tông tòa cho Thành phố và cho Thế giới – Urbi et Orbi.

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho cuộc tuyển cử Giáo Hoàng thành công mỹ mãn để Giáo Hội sớm có Chủ Chăn mới thánh thiện, thông thái và không ngoan hầu lèo lái con thuyền Hội Thánh, duy trì sự thánh thiện, hiệp nhất, công giáo và tông truyền trong Giáo Hội, lướt qua mọi phong ba bão tố nơi trần gian này, bảo vệ Đức Tin và mở rộng Nước Chúa.


Gs. Lê Thiên Union, New Jersey, ngày 01-04-2005

1 Conclave bởi tiếng Latinh: cum = với; clevis = chìa khóa. Vì hội họp trong phòng khóa kín cửa.





TƯ LIỆU GIÁO HỘI (https://thanhcavietnam.info/tulieu.htm)
http://www.chungnhanduckito.net